Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

SỰ CHỌN LỰA KHÔN NGOAN


SUY NIỆM
CHÚA NHẬT XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN B - 11/10/2015

(Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)

Một đám cưới sang trọng tiêu tốn hết ba triệu rưỡi đô la để chỉ tồn tại không quá 15 năm là đám cưới của công nương Diana và hoàng tử Charles. Một chiếc nhẫn trị giá đến 205 ngàn đô la để chỉ ngự trị trên bàn tay quí phái của Diana không quá năm tiếng đồng hồ là chiếc nhẫn mà nhà triệu phú Dodi Fayer đã tặng cho công nương trong đêm định mệnh. Tai nạn bất ngờ sảy ra. Diana đi về thế giới bên kia. Không mang theo được đồng đô la nào. Chiếc nhẫn kim cương đắt giá cũng được tháo ra trao lại cho gia đình Spencer.
Nằm trong quan tài, Diana với đôi tay không nhẫn cưới và cũng chẳng có nhẫn kim cương. Điều kỳ lạ là trên đôi tay ấy người ta có thấy một cỗ tràng hạt do Mẹ Têrêsa trao tặng trong một lần tiếp xúc. Phải chăng:
Kiếp ngắn dài, một mộ bia
Xoay vần cát bụi ngày lìa dương gian
Dừng chân đếm túi hành trang
Những gì còn lại, chuỗi vàng lời kinh?
(Lm. Trần Cao Tường)

Phải chăng những người có trách nhiệm sau cùng trên thi hài của công nương đã muốn nói với mọi người: tiền bạc, kim cương, danh dự, vật chất, sang giàu, thế gian… không phải là hành trang cho một cuộc sống hạnh phúc đời đời, nhưng là những mầm sống yêu thương và những giá trị thiêng liêng mà Mẹ Têrêsa, qua bộ tràng hạt, đã trao lại cho Diana và thế giới như một lời nhắn nhủ?
Hạnh phúc sung mãn và trường tồn không thể tìm thấy trong sự sang giàu của thế gian. Thánh kinh đã khẳng định điều đó. Cả ba Phúc âm Nhất lãm đều ghi nhận: một ngày kia khi Chúa Giêsu đang trên đường đi về Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn hầu mang lại ơn cứu độ và hạnh phúc cho muôn người, thì một chàng thanh niên giàu có “chạy” đến. Anh ta quì xuống trước mặt Đức Giêsu và thưa: “Lạy thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời làm cơ nghiệp.” Chắc hẳn câu hỏi của anh thanh niên đã làm bối rối và sửng sốt cho không ít người: cứ tưởng “có tiền mua tiên cũng được,” đàng này trong con người còn có một thứ mắc hơn tiên đến nỗi có tiền chưa chắc đã mua được. Đấy chính là một khát vọng vô biên.
Vì là khát vọng vô biên nên chắc chắn không một thực tại hữu biên nào trên thế gian này có thể lấp đầy. Dù đó là xác thịt, kiến thức, giàu sang hay bất cứ thứ gì… ngoại trừ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng Vô Biên, mới có thể thoả mãn cái khát vọng vô biên nơi lòng con người. Chính Thánh Augustinô, sau khi trải qua biết bao kinh nghiệm tìm kiếm đối tượng cho khát vọng vô biên nơi lòng mình, đã thốt lên:

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

Trước những trăn trở không câu trả lời, người thanh niên giàu có thấy được Đức Giêsu như một cứu cánh. Anh đã “chạy” đến với Ngài. Chạy là thái độ của khao khát, nôn nóng kiếm tìm chân lý, trái nghịch với thái độ thẫn thờ, bàng quang, chẳng thiết tha.
Trước tâm tình và ước nguyện của chàng thanh niên, Đức Giêsu đã làm một cuộc phỏng vấn liên quan đến các giới răn: ngươi không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp, không làm chứng gian, không…. Và người đó đáp lại: “Thưa Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở còn thơ.” Nghe thế Đức Giêsu bảo anh ta: “Ngươi còn thiếu một điều. Có gì thì hãy đem bán mà cho kẻ nghèo. Đoạn hãy đến theo Ta” (Mc 10:21).
Thật kỳ lạ! Sống không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không bất công, không gian dối, ấy thế mà Chúa Giêsu còn bảo là chưa đủ. Chàng thanh niên giữ các giới răn khá là trọn vẹn mà còn bị cho là thiếu. Không biết đời tôi từng phạm điều này, lỗi nghịch điều kia, chắc là còn thiếu nhiều lắm!
Thế nên không thể cho rằng tôi sống đàng hoàng, không phạm 10 điều răn Đức Chúa Trời, chẳng để sót sáu điều răn Hội Thánh, tôi không làm hại ai, không gây tổn thương cho người nào là bảo đảm vào thiên đàng 100% rồi đâu. Nếu chỉ không điều này, không điều kia mà đủ tiêu chuẩn để sống hạnh phúc đời đời thì cần gì theo Chúa. Theo vô vi cũng được vậy. Song người ta cần phải có. Đó là có yêu thương, có quảng đại, có trao ban, có thứ tha, có cho đi chính mình như Đức Giêsu.
“Hãy đến mà theo Ta” cũng có nghĩa là bước theo Ngài trên nẻo đường dâng hiến đời mình cho sự sống tha nhân. Và chỉ khi trao ban dâng hiến như thế con người mới tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc thật sự cho cuộc đời.
Nong nả đi tìm câu trả lời cho đâu là ý nghĩa của cuộc sống, ấy thế mà khi nhận được lời giải đáp, chàng thanh niên lại sa sầm nét mặt, bỏ đi buồn rầu. Thánh kinh cho biết “vì anh ta có nhiều của” (Mc 10:22).
Bước theo Đức Giêsu đòi hỏi một thái độ vươn mình trên những gì là của cải vật chất. Bởi vì “không ai có thể làm tôi hai chủ: hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ. Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền của được.” Ấy thế mà, nếu thành tâm xét lại, thì hình như trong đời tôi vẫn còn đó những khoảnh khắc vừa mang danh Kitô hữu lại vừa xem tiền bạc như lẽ sống. Phải chăng vừa theo Chúa, tôi vừa tự biến mình làm “con vật kinh tế,” thậm chí có khi còn giành giật, lừa gạt, chà đạp, sát phạt kẻ khác… vì đồng tiền.
Bao lâu chỉ biết thu về mà không hề trao ban, người ta sẽ cứ mãi “sầm mặt xuống, buồn rầu.” Khi nào biết san sẻ cho kẻ nghèo khó, người ta sẽ lớn lên trong tình yêu và tiếng cười. Đã có một thời nhà tỉ phú George Soros than thở: “Tôi không biết mình đang giàu hay đang nghèo; đang làm chủ số phận hay nô lệ cho thành công. Bởi vì để thành công tôi phải làm việc như một con chó. Để giàu có tôi phải chịu cảnh bất an liên tục.” Nhưng rồi sau những công việc từ thiện bác ái, George đã tươi cười chia sẻ: “Chỉ từ khi biết yêu thương, đời tôi mới bắt đầu nếm được mùi hạnh phúc và sung túc thật sự.”

Cha Albert Marie thuộc dòng khổ tu Soligay ở Bỉ cũng có một kinh nghiệm tương tự. Trước khi vào dòng, ngài từng là một chính khách triệu phú với danh xưng Van Cruyssen. Trong đại chiến thế giới, ngài là một sĩ quan mang cấp bậc đại úy, với sáu huy chương và đệ nhất Bắc đẩu Bội tinh chói ngời trên ngực áo. Nhưng giờ đây những huy chương và bội tinh ấy lại được đặt trước bàn thờ kính Trái Tim Chúa Giêsu trong tu viện.

Trong dịp ngài tuyên khấn, có rất nhiều vị dân biểu, chủ tịch và phó chủ tịch thượng viện, cũng như chủ tịch hiệp hội giới trẻ Công giáo Bỉ quốc đến tham dự. Sau lễ nghi, vị tân khấn đã chia sẽ tâm tình với những người hiện diện: “Cha Albert Marie sung sướng và hạnh phúc hơn nhà triệu phú Van Cruyssen nhiều.”
Yêu thương và san sẻ cuộc đời cho kẻ khó nghèo chính là điều kiện tất yếu mà những ai muốn trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô đều phải thực thi. Yêu thương san sẻ không hệ tại nơi tiền bạc của cải, song là ở tất cả những gì mình có. Đức Giêsu đã bảo: “Hãy đi bán tất cả những gì ngươi có mà cho kẻ nghèo.” Người nghèo là người túng thiếu-không chỉ thiếu về của cải, nhưng còn có thể thiếu về giáo lý, kiến thức, sức lực, cảm thông, tha thứ, tiếng ca, nụ cười….
Vậy nếu trong gia đình, nơi giáo xứ, cộng đoàn, hay tại sở làm của tôi vẫn còn những người thiếu thốn như thế, liệu tôi có can đảm đáp trả lời mời gọi của Đức Kitô-“Hãy cho, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời”-hay tôi sẽ cúi mặt, bỏ đi, buồn rầu.
Chọn lựa bước theo Đức Kitô là một chọn lựa quyết liệt và rướm máu. Nhưng đó lại chính là một lựa chọn khôn ngoan và đáng giá vô cùng.

(Nguồn : giaophanlongxuyen.org)