Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

CHUNG QUANH NGÀY LỄ HIỂN LINH


          1. Tên ngày lễ.

          Ngày xưa ta gọi lễ này là “Lễ Ba Vua” vì dựa vào việc 3 nhà bác học từ phương Đông đến triều bái Chúa Hài Nhi với ba thứ lễ vật là vàng, nhũ  hương và mộc dược, qua ba lễ vật này người ta cho rằng những vị này là thuộc hòang tộc và gọi họ là Vua. Gọi là Ba Vua vì chú trọng đến việc các vị đi tìm Chúa Hài Nhi, còn ngày nay chúng ta gọi là lễ “Hiển Linh” (Epiphania) vì chú trọng vào việc Thiên Chúa tỏ mình ra . Như vậy, Hiển Linh là việc Thiên Chúa biểu lộ mình ra cho dân ngọai, cho thế giới ngòai Do thái giáo.

          Vì lễ Hiển Linh mừng kính việc Đức Giêsu tự tỏ mình cho thế giới dân ngọai, nên một số quốc gia mừng lễ này còn trọng thể hơn lễ Giáng Sinh. Thực thế, lễ Hiển linh là lễ Giáng sinh dành cho dân ngọai.

          2. Các đạo sĩ.

          Đọc Tin mừng Thánh lễ hôm nay, chúng ta không thấy nói về vị vua nào cả, cũng không phải ba vua, mà chỉ thấy nói về các đạo sĩ (Magi) hay các nhà chiêm tinh.  Ngày xưa ở Trung đông, nhất là tại Ba tư, các vị chiêm tinh, hoặc các đạo sĩ, là những người trí thức, thường làm cố vấn cho các vua và chuyên nghiên cứu về khoa thiên văn. Vào thế kỷ thứ 4 và 5, truyền thống dân gian Tây phương tưởng tượng ra các nhà chiêm tinh là những vị vua. Đến thế kỷ thứ 7, tục truyền lại còn đặït tên cho họ là Melchior, Gaspard và Balthazar. Rồi đến thế kỷ 15, để muốn nói rằng các vị chiêm tinh tượng trưng cho tòan nhân lọai, dân gian còn xác định chủng tộc của họ: Melchior là người da trắng, Gaspard người da vàng, và Balthazar người da đen.

          Các nhà chiêm tinh tin rằng mỗi ngôi sao là dấu hiệu của một vị thần hay dấu hiệu của một vị vua đã được thần hóa. Do đó, khi khám phá ra một vì sao lạ, và khi đối chiếu với lời tiên báo trong sách Dân số :”Một vì sao xuất hiện từ nhà Gia-cóp, một vương trượng (vua) trổi dậy từ Israel”(Ds 24,17), các ông tin rằng có một vị vua mới sinh ra ở đất Do thái. Họ lập tức khởi hành, bất chấp đường xa và nguy hiểm để thờ lạy Người.

          Con số các đạo sĩ (chiêm tinh) là bao nhiêu chúng ta không biết rõ. Do chi tiết ba thứ lễ vật ở câu Mt 2,11 mà từ xưa truyền thống vẫn cho là có 3 vị đạo sĩ; thực ra gốc từ không xác định như thế, mà chỉ ở số nhiều (có thể hơn 3 mà cũng có thể dưới 3). Căn cứ vào câu 1 và 2 các nhà chú giải cho rằng các vị này xét về tinh thần thì là những con người có tâm hồn khát khao tìm kiếm chân lý (Đấng Cứu Tinh) nhưng các vị cũng là các nhà chiêm tinh nhìn các vì sao mà biết có vua mới ra đời.

      3. Trên đường đi tìm Chúa Hài nhi.

          Nhà đại thiên văn Képler khám phá ra rằng vào năm Chúa Giáng sinh, có một hiện tượng bất bình thường xẩy ra giữa các vì sao. Ông nói về hai ngôi sao Jupiter và Saturn rằng :”Bình thường chúng vẫn quay cách đều nhau.  Năm đó chúng quay sáp lại gần nhau đến độ ánh sáng của ngôi sao này cộng hưởng ánh sáng của ngôi sao kia, tạo ra một luồng sáng khác thường và kéo dài đến cả mấy tháng”.  Phải chăng đó chính là ngôi sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ tìm ra Chúa Hài nhi ?

          “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông”(Mt 2,2).  Người xưa cho rằng ngày ra đời của một vĩ nhân thường được báo hiệu sự xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chiêm tinh gia thường nghiên cứu những chuyển động của các vì  tinh tú để đoán biết định mệnh con người. Vì thế, khi nhìn thấy ngôi sao lạ, các đạo sĩ đã nhận ra  sự sinh hạ của Đấng Cứu thế, vua dân Do thái (Carôlô, Sợi chỉ đỏ B, tr 96).

          Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây cột lửa để hướng dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về đất hứa, thì Ngài cũng có thể dùng ngôi sao dẫn đường cho các đạo sĩ đến Belem để gặp Đấng Cứu tinh. Tuy thế, trên bước đường đi tìm kiếm, các đạo sĩ cũng gặp khó khăn, thử thách , nhất là khi ngôi sao dẫn đường vụt tắt ở Giêrusalem. Nhưng Chúa lại thương cho ngôi sao xuất hiện để hướng dẫn các ông đi triều bái Chúa Hài nhi.


         

          4Lễ vật dâng Chúa Hài Nhi.

          Thánh Matthêu viết :”Khi bước vào nhà và nhìn thấy Hài nhi cùng Đức Maria Mẹ Ngài, họ liền quì gối xuống tôn thờ Hài Nhi đọan mang các tặng vật ra gồm vàng, nhũ hương và mộc dược dâng lên Ngài”(Mt 2,11).

          Ông Seneca ngày xưa cho biết rằng chẳng ai được vào chầu vua  mà không có lễ vật. Các đạo sĩ cũng theo tập tục ấy, các vị đã dâng ba thứ lễ vật cao qúi xứng đáng với các vị vua và nó cũng có ý nghĩa tượng trưng đối với chúng ta ngày nay. Các vị đã dâng cho Chúa Hài Nhi :

          a) Vàng.

          Vàng là vua của mọi kim lọai xứng hợp với lễ vật con người dâng cho vua. Cũng vậy, Đức Giêsu là người “sinh ra để làm vua”, nhưng Ngài không cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu, và Ngài cai quản lòng người  không từ ngai vàng mà từ thập giá. Vềø vương quyền của Đức Giêsu, thánh Phaolô có viết trong thư gửi cho tín hữu Eâphêsô :”Chúa Cha đã phục sinh Đức Kitô từ cõi chết và đặït Đức Kitô bên hữu Ngài trên thiên quốc. Đức Kitô cai trị trên vạn vật… Thiên Chúa đã đặt mọi sự dưới chân Đức Kitô” (Ep 1,20-22).

          b) Nhũ hương.

          Người xưa thường dùng nhũ hương trong việc thờ phụng. Hương và khói bay lên trời biểu tượng những lời ca tụng và cầu nguyện dâng lên các thần linh. Các Kitô hữu cắt nghĩa  tặng vật nhũ hương tượng trưng cho thiên tính của Đức Giêsu. Khi nói về thiên tính Đức Giêsu, trong thư gửi cho tín hữu Do thái, thánh Phaolô đã diễn tả như sau :”Chúa Giêsu phản chiếu sự chói lọi vinh quang của Thiên Chúa và là hình bóng bản thể của Thiên Chúa; Ngài lấy lời quyền phép của mình để nâng đỡ vạn vật”(Dt 1,3).

          c) Mộc dược.

          Mộc dược là hương liệu để xông hay ướp xác người chết trước khi an táng. Vì chết là thân phận của con người, nên các Kitô hữu thường cắt nghĩa mộc dược được tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu. Khi bàn về nhân tính của Đức Giêsu trong thư gửi cho tín hữu Philipphê thánh Phaolô nói :”Chúa Giêsu dù luôn mang bản tính Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trở nên… như mọi người… Ngài hạ mình vâng phục đến nỗi chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).


          Hiện nay trong nhiều quốc gia, lễ Hiển linh được mừng long trọng hơn lễ Giáng sinh. Sở dĩ như thế là vì lễ Hiển linh là lễ Chúa Giêsu xuống thế và tỏ mình ra với dân ngoại. Sự che giấu đã được thố lộ, sự gì ẩn khuất đã được trình bầy. Lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh là hai lễ song song. Cũng như lễ Giáng sinh mừng Đức Giêsu tỏ mình ra  đặc biệt với những người Do thái, thì lễ Hiển linh mừng việc Đức Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại.  Vì thế, lễ này được gọi là “lễ của Chư Dân”.

          Ngày xưa, Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại, ngày nay Chúa còn hiển linh cho chúng ta không ? Chắc chắn là còn, nhưng bằng những cách khác nhau và đơn sơ hơn  qua những dấu chỉ thông thường trong cuộc sống hằng ngày.  Chỉ cần có đức tin mới nhìn thấy chân lý, mới có được thái độ của ba nhà đạo sĩ là phủ phục thờ lạy và tiến dâng của lễ cho Chúa Hài nhi.


       


 5Món quà dâng Chúa của chúng ta hôm nay

          Các đạo sĩ đã dâng cho Chúa Hài nhi 3 lễ vật : vàng, nhũ hương và mộc dược, lễ vật chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Những lễ vật này chỉ là dấu hiệu biểu lộ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài nhi, còn phía chúng ta, Chúa cần những lễ vật cao qúi hơn, đó chính là tấm lòng chúng ta, cả con người chúng ta. Hãy dâng cho Chúa tất cả.

Truyện : Vị đạo sĩ thứ tư.

          Văn sĩ Koergensen, người Đan mạch, đã nghĩ ra một câu chuyện minh hoạ cho thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị đạo sĩ thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu Hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài. Trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc qúi giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai  thương lượng với chúng để chuộc cô gái.  Cuối cùng, khi đến Belem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác.
 Đến khi gặp Chúa Hài đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông :
”Con đã dâng cho Ta món quà qúi giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.


                                                                                             ( nguồn : simonhoadalat.com)