Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG

 

I-                    PHẦN DẪN NHẬP :

               Sứ mệnh của Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi chính là sứ mệnh của Giáo hội, nghĩa là “ Loan báo Chúa Giêsu Kitô  và tỏ bày  sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn mọi người và trong thế giới “ ( Tân Thủ Bản, chương IV, trang 45) .

               Đối với thiếu nhi, việc loan báo Tin Mừng có nghĩa là thực hiện Gíao Hội  trong thế giới trẻ con : “ Chính Chúa Giê su Kitô hoạt động trong thế giới trẻ con bằng chính trẻ con” .Vậy muốn thực hiện Giáo Hội trong thế giới thiếu nhi Phong trào cần phải  áp dụng những phương pháp sư phạm thích hợp với tâm lý , nhu cầu triển nở và ham thích của trẻ em; đồng thời những phương pháp sư phạm này cần phải liên kết được  con người với  thiêng liêng , giúp mỗi trẻ em thăng tiến bản thân trong cuộc sống Kitô hữu và giúp cổ võ  sống đạo trong thế giới thiếu nhi nữa . Những phương pháp sư phạm này được gọi là khoa sư phạm hoạt động .

              Chúng ta hãy đi sâu vào khoa sư phạm hoạt động để có thể nhận ra ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của Phong Trào Hùng Tâm Dũng Chí .

II-                  SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG LÀ GÌ ?

               Căn cứ trên tâm lý trẻ em và sứ mệnh của Phong trào , khoa sư phạm hoạt động “ Để cho trẻ em hành động”  . “ Hành động “ để tự nảy nở, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô để Kitô hóa thế giới thiếu nhi và để góp phần loan báo Tin Mừng . Để hướng dẫn những HÀNH ĐỘNG  của trẻ em, Phong trào có những hoạt động đặc biệt nhằm phát triển chính bản thân đứa trẻ  và hoàn tất sứ mệnh của Phong trào .

             1/ Khoa sư phạm của phong trào thiếu nhi  :

              Trước hết, Phong trào có mục đích : “ Giúp trẻ em NẢY NỞ , thật sự là những trẻ em hanh phúc “ . Trẻ em cần NẢY NỞ  những gì và khi nào chúng cảm thấy hạnh phúc .

·         NẢY NỞ :  Nảy nở có nghĩa là phát triển toàn diện những gì trẻ em có ; thể xác, tâm hồn, tài năng . Về thể xác trẻ em cần chạy nhảy , hoạt động, cần được tiêu hao những năng lượng trong người , đồng  thời cũng cần được bồi bổ những thiếu sót về sức khỏe , khoa sư phạm lợi dụng những trò chơi  để luyện tập và phát triển thể xác  trẻ em . …Về tài năng , bất cứ trẻ em nào cũng có một số tài năng nào đó mà sự giáo dục ở gia đình và học đường không thể làm phát triển toàn vẹn được , khoa sư phạm khai triển những tài năng này bằng những trò chơi, những cuộc khám phá  dựa trên óc tò mò và sự ham tìm hiểu của các trẻ . Về  tâm hồn, nếu được hướng dẫn tốt , trẻ em có tâm hồn và hành động tốt, vì thế, qua những hoạt động tập thể , trẻ em có dịp sống chung và mở rộng tâm hồn chấp nhận mọi người chung quanh nó .

·         TRẺ EM HẠNH PHÚC   :  Trẻ em sẽ cảm thấy hạnh phúc , khi thể xác được phát triển đầy đủ, khi các tài năng được phát triển và trở nên lợi ích cho chính đứa trẻ và khi  đứa trẻ chấp nhận người khác và được người khác chấp nhận mình  một cách dễ dàng . Khi đó không có gì khó khăn ngăn chặn sự tiến triển của đứa trẻ nữa , đứa trẻ cảm thấy hài lòng về những gì mình có .

                 2/ Khoa sư phạm Kitô giáo :

                 Ngoài mục đích nhân bản trên , Phong trào còn có mục đích đào  luyện trẻ em thành những chứng nhân của Chúa Ki tô trong thế giới trẻ em nữa . Những hoạt động để giúp trẻ NẢY NỞ  luôn luôn có tính cách ĐÀO LUYỆN . Khi trẻ em phát triển thể xác , tâm hồn , tài năng,  chúng cũng khám phá  ra công trình của Chúa Kitô nơi chúng và nơi những người chung quanh . Từ khám phá này , đứa trẻ đi đến hành động nhằm Kitô hóa thế giới chúng sống  bằng chính những hành động đã giúp chúng NẢY NỞ . Ta có thể trình bày sự phát triển của trẻ em khi áp dụng khoa sư phạm hoạt động  như sau :

 

            Chơi                              Sống                                        Chơi

       ( Để nảy nở  )            (Được đào luyện)           (Để giúp người khác nảy nở )          

                     Tóm lại, Phong trào giúp trẻ em hạnh phúc để chính trẻ em giúp nhau hạnh phúc ; Phong trào giúp trẻ em nhận ra  Chúa Kitô để chính trẻ em làm chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống bằng hành động . 



 (còn tiếp)