Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

BÀI HỌC CẢM ĐỘNG ĐÊM GIÁNG SINH


Như thường lệ, mỗi Mùa Giáng Sinh, tôi đều nhận được quà từ anh trai của mình. Giáng Sinh năm ấy, tôi cảm thấy vui nhất không phải chỉ vì món quà anh tôi tặng là chiếc xe hơi, mà vì tôi có được bài học rất thú vị vào cái đêm đông lạnh lẽo ấy...
Đã bảy giờ tối, mọi người trong công ty ra về gần hết, tôi cũng đến ''garage'' lấy xe để về nhà ăn Giáng Sinh.
Có cậu bé ăn mặc rách rưới, trông như đứa trẻ lang thang, đang đi vòng quanh chiếc xe tôi. Mặt cậu tỏ vẻ rất thích chiếc xe. Thấy tôi đến gần, cậu cất tiếng: "Đây là xe của cô, ạ?"
Tôi khẽ gật đầu: "Đó là quà Giáng Sinh do anh cô tặng."
Khi tôi vừa dứt lời, cậu bé nhìn tôi và sửng sốt: "Ý cô là... anh trai cô tặng chiếc xe này, mà cô không phải trả bất cứ cái gì? Ôi! Cháu ước mơ là..."
Cậu bé vẫn ngập ngừng. Tất nhiên, tôi biết cậu bé muốn nói điều gì nữa. Cậu muốn có người anh như vậy. Tôi chăm chú nhìn cậu bé, tỏ vẻ sẵn sàng lắng nghe thêm lời nói của cậu. Nhưng cậu vẫn cúi gằm mặt xuống, bàn chân di di trên đất một cách vô thức và nói: "Cháu ước..., ...cháu có thể trở thành người anh trai giống như vậy."
Tôi nhìn cậu bé, ngạc nhiên vì lời nói vừa rồi. Tôi bèn đề nghị cậu bé: "Cháu nghĩ sao nếu chúng ta đi một vòng quanh thành phố bằng chiếc xe này?"
Như sợ tôi đổi ý, cậu bé nhanh nhảu trả lời: "Dạ, cháu thích lắm ạ!"
Sau chuyến đi, với ánh mắt sáng ngời hy vọng, cậu bé hỏi tôi: "Cô có thể lái xe đến trước nhà cháu không?"
Tôi cười, gật đầu và nghĩ mình biết cậu bé muốn gì. Cậu muốn hàng xóm thấy cậu đã về nhà trên chiếc xe to như thế nào. Nhưng tôi đã lầm vì cậu nói khi xe tới gần nhà: "Cô chỉ cần dừng lại ở đây, và có phiền không nếu cháu xin cô đợi cháu một lát thôi ạ..."
Nói rồi, cậu bé chạy nhanh vào con hẻm sâu hun hút, tối om, tưởng chừng như chẳng ai có thể sống trong ấy.
Ít phút sau, tôi nghe thấy cậu bé quay lại qua tiếng bước chân; nhưng, lần này, hình như cậu không chạy như lúc nãy, mà đi rất chậm. Và theo cậu là cô bé nhỏ nhắn, với đôi bàn chân bị tật. Cậu bé đẩy chiếc xe lăn em cậu đang ngồi, chiếc xe cũ kĩ, xuống những bậc tam cấp rất cẩn thận, rồi dừng lại cạnh chiếc xe của tôi và nói:
"Cô ấy đây, người mà, lúc nãy, anh nói với em đó. Anh trai cô ấy tặng chiếc xe hơi cho cô nhân dịp Giáng Sinh, mà cô chẳng tốn một đồng. Ngày nào đó, anh cũng sẽ tặng em món quà giống như vậy. Hãy nghĩ xem, em có thể tận mắt thấy những món quà, những cảnh vật ngoài đường phố trong Đêm Giáng Sinh và anh sẽ không phải cố gắng miêu tả nó cho em nghe nữa!"
Tôi không thể cầm được nước mắt và bước ra khỏi xe, đặt cô bé đáng thương ấy lên xe. Ánh mắt cô bé nhìn tôi đầy vẻ cảm phục và thân thiện.
Ba chúng tôi lại bắt đầu chuyến đi vòng quanh thành phố, chuyến đi thật ý nghĩa mà tôi sẽ không bao giờ quên, khi những bông tuyết lạnh giá của đêm Giáng Sinh bắt đầu rơi.

Và cũng trong Đêm Giáng sinh ấy, tôi đã hiểu được sâu sắc ý nghĩa Lời dạy của Chúa Giêsu về Bác Ái:
"Không gì tốt đẹp hơn việc làm cho người khác được hạnh phúc."

(Bài viết không có tên tác giả. Phan văn Phước sưu tầm và xin đặt tựa đề theo ý người kể chuyện.)




TIẾNG CHUÔNG "ĐÊM TÌNH YÊU"




Hằng năm, cứ đúng 12 giờ đêm Noël thì, trong một ngôi nhà thờ cổ kính nọ, tiếng chuông Giáng Sinh ngân vang, du dương, thánh thót như điệu nhạc Thiên Quốc, nhưng với điều kiện là phải có một món quà ''quý giá, hiếm, lạ và đẹp nhất'' được đặt trên bàn thờ để dâng Chúa Hài Nhi thì mới hy vọng được nghe tiếng nhạc đó.
Đã bao Mùa Giáng Sinh qua đi, mà tiếng chuông du dương ấy chưa trở lại với dân chúng xứ này! Họ vẫn nghe tiếng gió thổi vi vu giữa bầu trời tuyết lạnh. Câu chuyện về ''tiếng chuông lạ'' cũng được đồn thổi sang vùng lân cận. Cho nên, hai anh em, Peter và John, quyết định cả năm hy sinh, dành dụm để có thể mang quà tặng Chúa Hài Nhi nhân dịp Lễ Giáng Sinh, với hy vọng được nghe tiếng chuông ngân nga.
Hôm vọng lễ, từ sáng sớm, hai anh em khoác áo ấm, trùm khăn, đội nón, đi bộ đến ngôi nhà thờ ấy, bất chấp lớp tuyết cao cả thước phủ hai bên đường. Xế chiều, hai anh em vừa đến cổng thành thì gặp một cụ già ngã quỵ bên đường, nằm bất động trên đống tuyết! Bà không đủ sức lê bước vì chẳng được sự giúp đỡ của ai trong thành. Peter liền dừng lại, cúi xuống, tìm cách nâng bà dậy, nhưng không thể được vì cậu quá nhỏ, sức yếu. Sau cùng, Peter nói với em:
- Nếu chúng ta để bà một mình tại đây thì bà sẽ chết cóng! Anh sẽ ở lại, ôm bà để sưởi ấm cho bà. Còn em, hãy cầm lấy đồng tiền nhỏ này, đặt trên bàn thờ; đó là món quà của anh em mình tặng Chúa Hài Đồng. Lễ xong, em tìm người đến đây để giúp bà cụ.
Rồi quay sang bà lão, Peter an ủi:
- Bà đừng lo, đợi sau lễ, sẽ có người hảo tâm đến giúp bà.
Đêm hôm đó, nhà thờ chật ních đoàn người từ bốn phương. Đến cuối lễ, người người lần lượt tiến lên bàn thờ, dâng Chúa Hài Đồng món quà mà họ cho là quý giá và hiếm lạ. Cuối cùng, có một ông vua tiến lên bàn thờ, trên tay là cái triều thiên bằng vàng với nhiều thứ đá quý và những hạt kim cương lấp lánh.
Mọi người im lặng, nín thở, thầm nghĩ rằng thế nào cũng được nghe tiếng chuông ngân nga... Nhưng họ thất vọng ngay sau đó vì chỉ nghe tiếng gió hú mà thôi.
Ca đoàn nhà thờ chuẩn bị hát bài tạ lễ. Tiếng đàn phong cầm vừa đệm được mấy nốt nhạc thì, bỗng dưng, im bặt! Từ lúc đó, những tiếng chuông ngân nga khi bổng, lúc trầm, du dương, thánh thót như điệu nhạc Thiên Quốc.
Mọi người hồi hộp trong thinh lặng... Họ nhìn về phía bàn thờ, xem có ai đem lễ vật quý nào đó cho Chúa Hài Đồng chăng. Rồi, họ trố mắt, ngạc nhiên khi thấy một cậu bé khiêm tốn, lặng lẽ đặt lên bàn thờ đồng tiền nhỏ bé để tặng Chúa Hài Đồng.

Suy niệm và chia sẻ:

1- Chắc chắn không phải đồng tiền nhỏ (do hai anh em Peter và John đã dành dụm cả năm để dâng Chúa Hài Đồng) làm cho tiếng chuông Giáng Sinh vang lên thánh thót, du dương, MÀ CHÍNH LÀ nghĩa cử bác ái của Peter, CHÍNH LÀ thân nhiệt của anh đang sưởi ấm cụ bà giữa trời tuyết lạnh, NHẤT LÀ chính nhịp đập yêu thương nơi trái tim Peter quá dạt dào đến nỗi tiếng chuông giáo đường phải vang lên điệu nhạc Thiên Quốc.
2- Phép lạ của Thiên Chúa có thể được thể hiện QUA những đóng góp nhỏ bé và âm thầm của con người: Bà góa Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho Tiên Tri Elia. Và, kể từ đó, ''đấu bột'' của nhà bà KHÔNG vơi và ''hũ dầu'' cũng KHÔNG cạn!
3- Chỉ cần NĂM chiếc bánh và HAI con cá của cậu bé nọ, Chúa Giêsu đã làm CHÚNG RA NHIỀU cho hơn NĂM NGÀN người ăn no nê!
4- NẾU chúng ta sẵn sàng dâng cho Chúa MỘT CHÚT TỪ NHỮNG GÌ CHÚNG TA CÓ thì biết bao người sẽ hưởng chung QUÀ TẶNG TÌNH YÊU được Thiên Chúa chúc lành.
5- Quá nhiều trẻ em Phi Châu chết đói KHÔNG CHỈ vì thiếu lương thực, MÀ CHỦ YẾU VÌ ''kẻ-dư-ăn'' THIẾU-TÌNH-NGƯỜI!!!
6- Những-người-đang-chờ-chết-vì-đói-lạnh... CŨNG ĐANG ĐỢI từng nghĩa cử yêu thương đến từ ĐỒNG LOẠI.
7- Người giàu sang, NHƯNG không biết chia sẻ là những kẻ ĐANG CHẾT DẦN VỚI tính ích kỷ.
8- Con người cần lương thực để sống, nhưng cũng rất cần tình thương để tồn tại.
9- NẾU ai cũng góp phần ít ỏi, nhỏ bé theo khả năng của mình ĐỂ giúp người nghèo khổ THÌ bộ mặt thế giới sẽ ĐẸP HƠN.
10- Hiếm ai nghèo đến nỗi chẳng có gì để cho người khác. Điều ''trao ban đích thực'' không chỉ là của cải vật chất, mà vật chất thì vô tri, khác con người có lương tri LÀ Hình Ảnh của Thiên Chúa.
11- Thánh J. Chrysostone phát biểu: ''Sự vĩ đại của bác ái không được đo lường theo số lượng, mà theo sự phóng đạt của tâm hồn.''
12- Pasquien Quesuel khuyên đời: ''Trái tim phải thực hiện bác ái khi bàn tay không làm được điều ấy.''
13- Một giọt nước không đáng gì trong đại dương bao la! Nhưng, nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, đại dương sẽ là sa mạc khô cằn mà thôi!
14- Trong ''Un Noël à River Falls'', Alexis Aubenque viết: ''Tình bác ái, việc hiến thân phải do ước muốn thật sự giúp đỡ tha nhân. Người ta không mua chỗ của mình ở Thiên Đàng.'' (La charité, le don de soi doivent provenir d'un réel désir d'aider son prochain. On n'achète pas sa place au Paradis.)
15- Trong ''De la Vanité'', Jean Rostand mỉa mai: ''Khi đã đối xử tốt với người nghèo, kẻ GIÀU CÓ sẵn sàng xin họ chứng chỉ bác ái.'' (Le riche, quand il a été bon avec un pauvre, lui demanderait volontiers un certificat de charité.)


(Phan văn Phước sưu tầm và đóng góp thêm một số ý.)


LỄ CHÚA GIÁNG SINH



GIÁNG SINH
Đêm đông giá lạnh trăng mờ,
Gui-se lặng lẽ, nương nhờ trú chân.
Người thành từ chối đôi lần,
Nhà tôi hết chỗ, nếu cần xuống hang.
Ma-ry dạ chửa bụng mang,
Lữ hành vất vả, dở dang tới ngày.
Hạ sinh con trẻ đêm nay,
Chuồng bò hôi hám, khổ thay Vua Trời.
Cỏ rơm lót đệm tạm thời,
Phà hơi sưởi ấm, đầy vơi khổ sầu.
Chiên cừu quanh quẩn bái chầu,
Phụng thờ kính mến, khấu đầu lặng thinh.
Mục đồng chiêm ngắm uy linh,
Thiên Thần ca hát, tôn vinh Chúa Trời.
Linh thiêng cao cả diệu vời,
Ngôi Lời giáng thế, phận người xót xa.
Yêu thương chịu khổ vì ta,
Hạ thân trút bỏ, bao la hải hà.
Vâng lời thánh ý Chúa Cha,
Cứu nhân độ thế, thứ tha tội đời.

Thiên Chúa giáng trần để giao hòa giữa trời và đất. Đây là một câu truyện tình yêu dài ngàn năm. Tình yêu kiên trung của Thiên Chúa đối với loài người. Từ thời xa xưa ấy, nguyên tổ loài người được Thiên Chúa yêu thương nhưng lại bất tuân lệnh. Thiên Chúa đã phạt vì yêu. Ngài không bỏ rơi con người trong cùng khổ mà đã hứa ban chính Con của Ngài để hòa giải và cứu độ.
Chúa đến đem bình an cho những ai thiện tâm. Nhiều mục đồng đơn sơ và chất phát đã tìm gặp được Chúa nơi hang lừa máng cỏ. Bình an trong tâm hồn chính là sự khiêm tốn, không tự phụ; đơn sơ, không giả dối và ngay thẳng, không điêu ngoa. Chỉ có sự bình an khi chúng ta biết chấp nhận ý Chúa. Đừng đòi hỏi mọi điều mình mong muốn. Thí dụ: Tôi muốn mưa, bạn muốn nắng, trời thì râm, làm sao chúng ta có thể an vui với cuộc sống. Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi như khí hậu thời tiết hay mưa nắng.
Chúa giáng trần để giao hòa giữa đất trời và con người. Chúa đã đến và hiện diện đó nhưng nhiều người giả điếc làm ngơ và có khi còn chối từ sự hiện hữu của Chúa. 

Truyện kể: Một giáo sư tâm lý làm một cuộc trắc nghiệm với 40 sinh viên. Ông trao cho mỗi người một mảnh giấy và bảo viết chữ Noel và hãy giải thích ý nghĩa đầu tiên đến trong trí họ. Khi mở giấy bài kiểm, ông thấy các sinh viên đã diễn tả: Ý tưởng đầu tiên là cây thông, là ông già Noel, là ngôi sao, là tuyết trắng, là qùa tặng, tiệc mừng, ngày nghỉ, thánh ca… nhưng tuyệt đối không ai nhắc đến sinh nhật của Chúa Giêsu.

Ý nghĩa về biến cố Chúa giáng trần đã mất dần trong tâm hồn con người. Nhiều người mừng Giáng Sinh chỉ là kỷ niệm sinh nhật của Chúa trên 2000 năm qua. Chúng ta biết rằn mừng Sinh Nhật Chúa không chỉ là kỷ niệm sinh nhật mà là một biến cố có một không hai. Biến cố Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài mặc lấy thân phận khó nghèo và hèn hạ như chúng ta. Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã có từ đời đời. Chính Ngài là món qùa qúi báu nhất mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại.

Đi tìm ý nghĩa lễ Giáng Sinh. 
Truyện kể: Vào thời thế chiến thứ hai, một người lính phải trực vào lễ Giáng Sinh. Cùng với vài người bạn đến thăm một trại mồ côi. Nơi đây có nhiều em bị mất cha và mất mẹ vì chiến tranh. Trong nhà không có bóng dáng của ngày lễ, không có đèn, không cây noel và không qùa cáp gì cả. Các anh lính đi vòng quanh chúc mừng Giáng Sinh các em. Họ chú ý một em ngồi trong góc nhà buồn rầu. Một người lính đến bên em và gạ hỏi: Em muốn gì trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Em chỉ trả lời rằng:“Em muốn được ôm ẵm”. Người lính cảm động và ôm em vào lòng.
Đó là ý nghĩa của lễ Chúa Giáng Sinh. Tìm một chút hơi ấm của tình người. Trong anh em chung quanh đây, chúng ta có nhiều người đang cần lời an ủi, sự nâng đỡ và chút tình sưởi ấm tâm hồn. Hãy đến với Chúa. Chúa đang hiện diện bên cạnh để đón mời chúng ta vào vòng tay yêu thương của Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.