Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Việc tin tưởng Đức Mẹ hồn xác lên trời đã có từ lâu đời trong Hội thánh. Và hằng năm nhiều nơi đã mầng kính lễ nầy với nhiều tên gọi khác nhau, như lễ Đức Mẹ an giấc, Đức Mẹ chuyển biến, Đức Mẹ sinh ra trên trời, Đức Mẹ được nâng lên trời… Đặc biệt sau Công đồng chung Ê-phê-sô (năm 431), lễ Đức Mẹ an giấc được mừng kính khắp nơi trong Giáo hội Đông phương. Còn trong Giáo hội Tây phương thì từ thế kỷ thứ 7 mới bắt đầu mừng lễ nầy:


Từ đó về sau, nhiều thư thỉnh nguyện của các Giám mục, các dòng tu, các nhà thần học gởi đến Đức Giáo Hoàng, xin ngài định tín việc Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác. Chính trong Công đồng Va-ti-căn thứ nhất, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó. Vì theo ý kiến của tất cả các vị nầy, việc Đức Mẹ hồn xác lên trời có liên hệ mật thiết với cuộc đời đồng trinh và chức vụ làm mẹ của Ngài. Và vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện, như lời thánh Phao-lô nói: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được kêu gọi theo ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm. 8, 28-29).

Dựa theo các thỉnh nguyện đó, năm 1946 Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 12 đã gởi đến mỗi Giám mục một lá thư, yêu cầu trả lời câu hỏi sau đây của ngài:

“Theo sự khôn ngoan chính chắn của Đức Cha, Đức Cha có ý kiến gì về việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời? Đức Cha thấy cần được đưa ra và xác quyết như là một tín điều không? Đức Cha với hàng giáo sĩ và giáo dân có muốn điều đó không?

Gần hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện. Thế là ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, cho toàn thể Giáo hội tin kính và mầng lễ ngày 15 tháng 8 hằng năm.

Đức Giáo Hoàng xác quyết:

“Các Thánh giáo phụ và các bậc đại tiến sĩ khi giảng và nói với giáo dân trong ngày lễ Thánh Mẫu hồn xác lên trời, vẫn nói về điều đó như là một chân lý đã được giáo dân biết và chấp nhận rồi. Các ngài đã giải thích cho rõ hơn, đào sâu ý nghĩa và tầm quan trọng, và nhất là làm nổi bật lên rằng: Lễ nầy không những kính nhớ việc thân xác Đức Trinh nữ Ma-ri-a, sau khi chết, không chịu hư nát chút nào, mà còn nhắc đến việc ngài toàn thắng sự chết, được vinh hiển trên trời, theo gương Con Một Ngài là Đức Giêsu-Kitô…

Tất cả lập luận và suy niệm trên đây của các giáo phụ đều dựa trên Kinh Thánh như là nền tảng cuối cùng; mà Kinh Thánh lại như đặt trước mặt ta một Đức Mẹ Thiên Chúa kết hợp rất mật thiết với Con mình và luôn luôn chia sẻ tất cả thân phận của Người…

Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giêsu-Kitô một cách huyền nhiệm vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm mẹ, cộng tác quãng đại với Đấng Cứu thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân Ngài đã được, Đức Trinh nữ cũng đã được gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ để nên giống Con mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được đưa lên vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, nơi ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời”.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn xác Đức Ma-ri-a, là Trinh nữ Vô Nhiễm và là Thánh Mẫu của Con Chúa.
Xin cho chúng con hằng biết hướng về phúc lộc quê trời, để mai sau được cùng Thánh Mẫu chung hưởng vinh quang.

(Nguồn : giaodantanthaison.com)