Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

NGÀY TẾT, NGƯỜI CÔNG GIÁO BÀN VỀ ĐẠO HIẾU

                Ngày tết, người Công giáo bàn về Đạo Hiếu


‘Đạo hiếu’ là một phong tục đã đâm rễ sâu trong đời sống người Việt (không phải là một tôn giáo đúng nghĩa). Truyền thống ấy được đón nhận và đi vào lối sống của người Việt Nam một cách tự nhiên, ở mọi thời và mọi nơi. ‘Đạo Hiếu’ cũng được các tôn giáo coi trọng được thể hiện qua giáo thuyết và cung cách thực hành. Cũng trong dòng chảy ấy, ‘Đạo Hiếu’ của người Công Giáo được đặt nền tảng vững chắc trên nền tảng Thánh Kinh, Truyền thống Giáo Hội, và được xem như “Hạt giống của Lời” đã và đang gieo vào dòng máu và con tim của dân Việt qua muôn vàn thế hệ. Ngày nay khi gặp được Tin Mừng soi chiếu, nó được đón nhận như một thành phần không thể thiếu được của toàn bộ đời sống của Kitô hữu.




Nhân dịp tết đến xuân về, người viết xin góp nhặt đôi điều về ‘Đạo Hiếu’ của người Công giáo, cùng các bạn trẻ ‘gạn đục khơi trong’ để có thể Phúc Âm hóa đời sống xã hội hôm nay.

Thảo kính cha mẹ

1. Khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh như lời Thiên Chúa phán: "Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi..." (Xh 20,12); Theo Sách Huấn Ca, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích: được đền bù tội lỗi, được con cháu báo hiếu, và sẽ được Chúa nhận lời. Thánh Phaolô còn khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”(Ep 6,1-3). Đặc biệt, trong Tin Mừng, Chúa Giê-su còn nhấn mạnh: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

2. Phụng vụ Ki-tô giáo luôn nhớ đến những người đã qua đời trong mỗi Thánh lễ, từng lời kinh, nguyện ngắm. Thánh lễ nào cũng có ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn (ý chung và ý riêng) với lời nguyện: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (KNTT).

3. Trong ba ngày Tết, Phụng vụ dành riêng ngày mồng 2 để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Ngày này, các giáo xứ thường tổ chức Thánh Lễ rất long trọng tại Thánh địa, trong đó nghi thức Kính Nhớ Tổ Tiên được cử hành trước như đưa dẫn cộng đoàn vào tâm tình Thánh lễ, với lời nguyện nhập lễ được trích từ sách Châm ngôn: “Con ơi giữ lấy lời cha, Chớ quên lời mẹ, nhớ mà nghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, Ấy là chính những lời răn lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, Khắc ghi công đức một niềm tri ân (Cn 6,20-23).

4. Đạo Công giáo dành riêng tuần Bát Nhật đầu tháng 11 để viếng nghĩa địa lãnh ơn toàn xá và nhường lại cho các linh hồn, dành cả tháng 11 gọi là tháng Các Đẳng, hay còn gọi ‘Mùa Báo Hiếu Kitô giáo’, để cầu nguyện cho những người đã qua đời, bằng việc đọc kinh, xin lễ và tham dự Thánh lễ.

5. Hội thánh cũng dạy các tín hữu phải chu toàn Đạo hiếu như: tôn kính, biết ơn và vâng lời ông bà cha mẹ trong những điều chính đáng như: chăm lo cho cha mẹ được đầy đủ phần xác cũng như phần hồn; khi cha mẹ qua đời phải lo việc tang ma, làm các việc thiện, cầu nguyện và xin lễ cho các ngài, đặc biệt trong những ngày các ngài qua đời cũng như trong tháng cầu hồn.

6. Người Công giáo có truyền thống xin lễ cầu hồn và tổ chức đọc kinh tại gia và dùng bữa (ăn giỗ) hiệp thông với gia đình, đi thăm mộ, sửa mộ trong các dịp: 49 ngày, 100 ngày, 1 năm, 3 năm... Ngoài ra, nhiều gia đình còn có thói quen xin lễ cho tiền nhân và thân nhân vào các dịp kỷ niệm của gia đình để nhớ về nguồn cội.

7. Trong ngày tổ chức Lễ Thành Hôn, người Công giáo đều hướng về bàn thờ để cử hành nghi lễ Gia tiên, để cảm tạ Thiên Chúa và tỏ lòng hiếu lễ với tiên tổ; đồng thời, nguyện xin các Ngài chúc phúc cho tình yêu lứa đôi được trăm năm hạnh phúc.

8. Người Công giáo luôn có thói quen nguyện tắt: Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi…; Giêsu, Maria, Giuse, Con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn; cùng với những Kinh Bổn mang đậm màu sắc cầu hồn như: Kinh Vực Sâu, Kinh cầu các thánh, Kinh Tin Kính… 

Thờ cúng tổ tiên

9. Đã từ lâu, thành kiến “theo đạo thì bất hiếu” đã ăn sâu trong lòng người Việt, lương cũng như giáo, khiến cho một tôn giáo chân thật và tốt lành bị xuyên tạc và hiểu lầm hết sức tai hại. “Theo Đạo (Công giáo) là bỏ Ông Bà”, đó là một trong những lý do khiến khá nhiều người minh chứng để từ chối hoặc do dự gia nhập đạo Công giáo.

10. Thành kiến ấy chính là hậu quả lâu dài lịch sử truyền giáo tại Việt Nam trong cách hiểu về việc thờ cúng tổ tiên, với biết bao những khó khăn và những hiểu lầm…. Cho đến nay, Giáo hội Việt Nam đã có những hướng dẫn theo tinh thần của Tòa Thánh, đặc biệt từ Công đồng Vaticano II về việc hội nhập văn hóa bản địa…. Tuy nhiên, các ngài cũng nhắc nhở các tín hữu cần áp dụng có chọn lọc, nhất là bài trừ các hình thức thờ cúng mang tính dị đoan, bói toán,…ngược với Giáo lý Đức tin tinh tuyền Công giáo.

11. Chữ “thờ” hiểu theo nghĩa của người Việt Nam là “thờ kính” cha mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục… Tuy nhiên, người Công Giáo không thờ cúng tổ tiên như một đấng thần linh phải thờ lạy và cúng bái, hay hiểu cùng một cấp độ như “thờ phượng” Thiên Chúa. Vì thế, người Công giáo thường lập bàn thờ gia tiên dưới bàn thờ Chúa, với mục đích nhắc nhở cho con cháu về sự tồn tại của các ngài trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của tổ tiên loài người và mỗi chúng ta.

12. Việc tang chế của người Công giáo có nhiều yếu tố hội nhập với văn hóa bản địa như:  vái hương, trưng hoa, bày mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên vào các dịp giỗ, dịp tết,… Nhưng, người Công giáo không tin người chết sẽ hưởng dùng những hoa trái ấy, mà chỉ biểu lộ lòng thành kính, hiếu thảo của cháu con và gợi lại những sinh hoạt của người thân khi còn sống mà thôi.

Như vậy, việc ứng xử của người Công giáo Việt Nam với tục thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện sống động nhất của quá trình hội nhập giữa Công giáo và Văn hóa Việt Nam cũng như quá trình Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

Với một chút suy tư về Đạo Hiếu: cung cách Thảo Kính Cha Mẹ và quan điểm về việc Thờ Cúng Tổ Tiên như thế, mong sao các gia đình Công giáo, đặc biệt các bạn trẻ hãy gắng học hiểu, thực hành và diễn giải cho những người ngoài Công giáo mỗi khi có dịp đối thoại, để Phúc Âm không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc, ngõ hầu mang lại những giá trị đúng đắn của Đạo Hiếu mà xưa nay nhiều người còn lầm tưởng!

Tham khảo

- Kinh Bổn và Kinh Thánh.
- Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo 1992 & Lễ nghi Rôma.
- Các văn thư và bài viết của các tác giả, từ wed: Thờ Cúng Tổ Tiên…  

Chủ nhật - 15/01/2017 23:14
Tác giả bài viết: Giuse Phạm Quang
(Nguồn : http://baoconggiao.net/)

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

CHÚC MỪNG NĂM MỚI ĐINH DẬU 2017 - NẺO VỀ HẠNH PHÚC




2017

Trong không khí vui tươi, chào đón năm mới. 
Kính  gửi đến các bạn và gia đình lời chúc năm mới sức khỏe, thành đạt
với

LỜI CHÚC PHÚC CỦA CHÚA GIÊ SU 





NẺO VỀ HẠNH PHÚC

Thi đàn Trung Quốc từ cổ chí kim nổi lên một tên tuổi lớn, đó là nhà thơ Lý Bạch, thời Thịnh Đường (701 – 762).  Ông tự xem mình như tiên ông bị lưu đày xuống thế.  Ông ưa sống kiếp lãng du, say mê vẻ đẹp đất trời, vẻ đẹp sông núi, trăng sao…
Theo truyền tụng nhân gian, vào một đêm trăng tỏ, Lý Bạch buông thuyền xuôi theo giòng sông Thái Trạch lấp lánh ánh trăng đêm.  Ông đàn hát ngâm vịnh và uống rượu thưởng thức trăng.  Càng về khuya, men rượu nồng bốc lên càng làm ngây ngất lòng thi sĩ.  Sông nước, cảnh vật lúc ấy càng huyền ảo nên thơ.  Thi nhân cảm thấy mình như đang lạc vào bồng lai tiên cảnh.  Mảnh trăng diệu huyền in hình dưới làn nước lung linh như đang gọi mời ông tao ngộ.  Trong hơi men chếnh choáng, ông nhoài mình qua mạn thuyền, cúi thật sâu xuống nước để ôm lấy vầng trăng mà ông say đắm lâu nay. 
Than ôi! Ông đã bỏ hình bắt bóng và giòng sông oan nghiệt đã kết liễu đời ông.  Trên cao, vầng trăng thật như đang mỉm cười chế giễu ông.
Câu chuyện của nhà thơ họ Lý cũng là câu chuyện thời sự của thế kỷ chúng ta.  Nhân loại hôm nay đang kêu gào hạnh phúc, đang khao khát kiếm tìm hạnh phúc.  Nhưng họ đâu biết rằng Thiên Chúa là Cội Nguồn của hạnh phúc.
Một vầng trăng thật in thành hàng tỷ bóng trăng trên các ao hồ khe suối.  Một Cội Nguồn Hạnh Phúc (là Thiên Chúa) tỏa xuống vô vàn mảnh vụn hạnh phúc trong các sự vật phù du ở đời.  Thay vì tìm về Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa, người ta dại dột đâm đầu vào những chiếc bóng của hạnh phúc nơi những tạo vật chóng tàn.  Quả thế, người ta tưởng hạnh phúc nằm nơi bạc tiền, của cải, nơi lạc thú vật chất… rồi người ta đâm đầu vào đó như những những con thiêu thân lao vào lửa, như Lý Bạch nhào xuống nước tìm trăng.
Thiên Chúa là Cội Nguồn hạnh phúc, Thiên Chúa là nguồn mạch của hoan lạc và an bình, Thiên Chúa là Tình Yêu.  Tất cả những ai đang khao khát tình yêu, an bình, hạnh phúc là đang khao khát Chúa.  Nhưng tiếc thay, người ta đã bỏ hình bắt bóng.  Người ta săn đuổi ảo ảnh của hạnh phúc mà không chịu tìm đến cội nguồn hạnh phúc là Chúa Cả trên trời.
Thời thanh xuân, Augustino là con người khao khát hạnh phúc cách mãnh liệt.  Anh bôn ba kiếm tìm hạnh phúc trong văn chương và triết lý, trong dục vọng và lạc thú trần gian… nhưng anh đã thất vọng ê chề và cảm thấy tâm hồn chất đầy sầu đau khắc khoải.  Mãi đến năm ba mươi tuổi, Augustino mới cảm thấy tất cả những gì Anh đạt được chỉ là ảo ảnh của hạnh phúc, chẳng khác chi bóng trăng in hình đáy nước và chỉ có Thiên Chúa mới là “Vầng Trăng” thật, là Hạnh Phúc thật mà thôi.  Bấy giờ, với tâm hồn tràn đầy hoan lạc, Augustino thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài nên hồn con thổn thức khôn nguôi cho đến khi được an nghỉ trong Ngài.”
Thiên Chúa mới là nguồn Hạnh Phúc đích thật mà loài người luôn vươn tới, luôn khát khao.  Chính Thiên Chúa đã đặt vào cõi lòng mỗi người chúng ta một khát vọng vô biên hướng về hạnh phúc mà không gì trên đời nầy có thể khoả lấp được, và để lòng khao khát đó luôn thôi thúc chúng ta kiếm tìm, kiếm tìm không mệt mỏi cho đến khi gặp được Ngài là Hạnh Phúc đích thật.
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta tám nẻo đường đưa nhân loại về cội nguồn hạnh phúc mà ta quen gọi là tám mối phúc thật.  Ai bước theo tám nẻo đường nầy chắc chắn sẽ đi đến Cội Nguồn Hạnh Phúc là Thiên Chúa, là Nước Trời, là Đất hứa:
* Tinh thần nghèo khó: biết nhận ra sự nghèo nàn của nội tâm mình, nhận biết rằng mình không là gì cả, tất cả những gì ta có là của Chúa ban…
* Cư xử hiền lành, biết nhường biết nhịn và mềm mỏng với mọi người…
* Chấp nhận sầu khổ hơn là gây khổ đau cho người khác…
* Khao khát trở nên người công chính,
* Đầy lòng xót thương, đối xử nhân ái với mọi người…
* Tâm hồn trong sạch, không chất chứa điều tà, điều gian ác, điều bất công…
* Chung tay xây dựng hoà bình, sống hoà thuận với mọi người cũng như làm cho mọi người hoà thuận với nhau…
* Sẵn lòng chịu bách hại vì sống công chính thanh liêm…
Nẻo về Hạnh Phúc đã rộng mở.  Bí quyết vào Nước Trời đã được giải bày.  Vấn đề còn lại là chúng ta hôm nay có đủ khôn ngoan và bản lãnh để chọn cho mình con đường mà Chúa đã đề nghị với chúng ta hay không.
LM Ignatiô Trần Ngà
(trích từ “Cùng Đọc Tin Mừng”)

NGƯỜI VIỆT NAM CÔNG GIÁO VỚI TẾT NGUYÊN ĐÁN

Tết Nguyên đán, theo nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn. 
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu Xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng, làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình gia đình, tình thầy trò, con bệnh với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri, con nợ và chủ nợ… Tết cũng là dịp “tính sổ” mọi hoạt động của một năm qua, liên hoan vui mừng chào đón năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Nhưng rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm những ngày 20 tháng Chạp trở đi, cũng có thể nhận thấy ngay không khí nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn. Nào là mua trữ lương thực, cải dưa, hành, kiệu, thịt heo gói giò, gạo nếp đậu xanh chuẩn bị gói bánh… Ngày 23 theo tục lệ là ngày đưa ông Táo, nhà nào cũng làm một mâm cỗ gọi là “Tiễn ông bà Táo “ về chầu Trời. Ở ngoài Bắc vẫn còn giữ lệ thả cá chép ra sông với ý nghĩa là giúp phương tiện để các Ông bà Táo cưỡi về chầu trời. Cá càng to, càng mập chứng tỏ người thả có lòng thành cao.
Người Việt Nam Công giáo, những ngày cận Tết, nhà thờ, nhà xứ được trang hoàng đón xuân sang bằng những chậu hoa tươi thắm chưng trên cung Thánh, bàn thờ, treo những câu đối Xuân chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Xuân của vũ trụ. Nhiều nhà thờ cho dựng bàn thờ kính tổ tiên với ảnh hay phù điêu các Thánh tử đạo Việt Nam như các bậc tiên tổ của Hội Thánh Công giáo nước nhà. Trên bàn thờ có chưng bông hoa, đĩa trái cây truyền thống như biểu tỏ tinh thần Đạo Hiếu của dân tộc. Hầu như nhà thờ nào cũng thực hiện những “Lộc Lời Chúa” đặt trong phong bao màu đỏ treo trên cây mai hay cây đào để giáo dân đón nhận vào đêm Giao thừa.
Ngày 29, 30 Âm lịch, sau khi nhà cửa đã chuẩn bị chu đáo, gia chủ sẽ đi tảo mộ, viếng nghĩa trang chăm sóc phần mộ gia tộc, mời đón Ông Bà về ăn Tết với con cháu, đoạn đi chợ tất niên để mua cây trái quen gọi là ngũ quả, ít chục bông hoa hay đôi chậu cảnh. Ngoài Bắc thì thường sắm hoa Đào, trong Nam chủ yếu là hoa Mai chưng Tết. Cha mẹ, người lớn trong gia đình thì chuẩn bị ít phong bao lì xì. Trưa hoặc chiều, mỗi nhà đều làm một mâm cỗ để dâng trên bàn thờ Tổ tiên và thắp hương kính cẩn mời Ông Bà về ăn Tết. Sau đó con cháu trong họ tộc ngồi chung với nhau ngày cuối năm, gẫm sự đời, nhớ về những vui buồn của một năm đã qua. Quãng độ chập tối thì tiệc tàn, cả nhà chuẩn bị để đón Giao thừa.
Người Công giáo vào hai ngày này cũng dọn bàn thờ Thiên Chúa cho trang trọng, thường mỗi nhà treo hai câu đối như: “Phụng Thiên Chúa toàn tâm trí lực/ Hiếu Tổ tiên trọn nghĩa ân tình”... Gia đình xin lễ tạ ơn qua một năm và cầu bình an trong năm mới, đi viếng nhà chờ Phục sinh nơi giữ tro cốt của ông bà cha mẹ đã về với Chúa.
 Đúng Giao thừa, chủ gia mặc đồ lễ trang trọng làm lễ tế THIÊN tại bàn thờ ngoài sân, hay sân thượng. Con cái cháu chắt cùng tạ ơn Trời sau một năm làm ăn, học tập, cầu mong một năm mới an lành. Sau lễ, có tục lệ đi Chùa cầu phúc, hái lộc đầu năm.
Giáo dân thì tham dự thánh lễ chiều tối hay lễ đêm tại nhà thờ giáo xứ, hái lộc Lời Chúa, sau đó cũng về nhà đón Giao thừa theo truyền thống dân tộc bằng việc dâng kinh tạ ơn, công bố Lời Chúa mà gia đình nhận được, thắp hương kính nhớ tổ tiên, xin ơn bình an trong năm mới. Thường mỗi gia đình cũng có bữa tiệc nhỏ, cha mẹ, con cái liên hoan đón mừng năm mới theo dõi trên truyền hình.
Ngày mùng Một con cháu tập trung trong nhà chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chúc nhau thêm một tuổi mới. Các ngày mùng Hai, mùng Ba, họ hàng đi thăm nhau, mở tiệc Xuân đãi nhau cho tới hết mùng. Ngày nay cũng gọn lại, nhưng cũng phải mùng 6 hay mùng 8 cửa tiệm mới mở lại, người người mới rục rịch trở lại cuộc sống đời thường.
Tết với người Việt Nam chúng ta có lẽ không bao giờ mất. Nước Việt còn thì Tết Việt còn. Tết với người Công giáo còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, vì Tết là tận hưởng niềm vui Chúa ban. Chúa là mùa Xuân của nhân loại.
Fx. Đỗ Công Minh
(Nguồn :http://www.cgvdt.vn/) 

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ NÊN DẠY CON VỀ TẾT




Tết luôn là thời điểm mà bất cứ ai cũng mong đợi, dịp cả gia đình sum họp, đoàn tụ bên nhau. Để ngày Tết thêm trọn vẹn và ý nghĩa hơn, bố mẹ đừng quên dạy con những điều này nhé!

1. Dạy con biết lao động và có trách nhiệm
Đối với phụ huynh, việc hoc tập của con cái luôn được đặt lên hàng đầu. Nhiều gia đình, yêu thương con, không nỡ để con làm bất cứ việc vặt nào dẫn đến con ỷ lại, không có trách nhiệm, không biết làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ, muốn uốn nắn con vô cùng khó khăn.


Con sẽ biết yêu thương và có trách nhiệm với gia đình khi tham gia dọn dẹp cùng bố mẹ (Ảnh: Internet)
Vì thế nhân dịp Tết đến, con có thời gian rảnh rỗi bố mẹ hoàn toàn có thể cùng con dọn dẹp lại nhà cửa, hướng dẫn con sắp xếp đồ đạc. Khi bố mẹ và con cùng tham gia làm sẽ gắn kết được tình cảm, con cũng sẽ hiểu được giá trị của việc mình làm, có trách nhiệm với ngôi nhà thân yêu.

2.Dạy con các món ăn của Tết
Bất kể là con trai hay con gái thì việc biết nấu ăn sẽ mang đến nhiều lợi ích cho con sau này. Hãy dạy con các món ăn truyền thống của ngày Tết như: bánh chưng, thịt đông, dưa hành,…để con hiểu được ý nghĩa của chúng và tại sao lại có nó vào ngày tết.


Trẻ sẽ cảm thấy phấn khích hơn khi được ăn món ăn do chính mình làm (Ảnh: Intenet)
Bố mẹ có thể cho con tham gia vào công việc nấu nướng sẽ kích thích sự sáng tạo, khả năng tập trung và con sẽ cảm thấy vui hơn khi tự mình làm ra một món ăn.

3.Dạy con biết ơn nguồn cội
Dạy con biết tri ân ông bà, tổ tiên là điều cực kỳ quan trọng. Với nhiều đứa trẻ chúng vẫn chỉ mang suy nghĩ Tết được nghỉ, được chơi và được nhận lì xì, nhưng hoàn toàn quên mất rằng Tết còn là cơ hội để con cháu thể hiện sự yêu thương, kính trọng và biết ơn đối với ông bà, cha mẹ.
Mỗi mùa xuân sang con trưởng thành nhưng cũng là lúc ông bà, cha mẹ già thêm một tuổi. Hãy để con biết trân trọng thời gian ý nghĩa bên gia đình đầm ấm, đông đủ.
Dạy con “uống nước nhớ nguồn” là điều rất quan trọng (Ảnh: Internet)
Hãy dạy con một vài câu chúc, đưa chúng đi chúc Tết họ hàng, con sẽ luôn ghi nhớ được nguồn gốc của mình, biết sống, biết quan tâm, yêu thương những người xung quanh.

4.Dạy con ý nghĩa của phong bao lì xì
Đứa trẻ nào cũng muốn Tết về để có lì xì và quần áo mới nhưng không phải tất cả chúng đều hiểu ý nghĩa mà nó chứa đựng.


Ý nghĩa của phong bao lì xì  là ở tinh thần chứ không phải ở giá trị nó (Ảnh: Internet)
Bố mẹ đừng quên cho con biết ý nghĩa của những phong bao lì xì, để con hiểu, trân trọng giá trị tinh thần của tiền mừng tuổi đầu năm chứ không phải ở giá trị của đồng tiền.

5.Dạy con phong tục của ngày Tết.
Hãy dạy con thả cá chép “Ông Công Ông Táo”, dạy con bày mâm ngũ quả, dạy con về chiếc bánh chưng xuất hiện trên mâm cơm Việt ngày Tết… Với các câu chuyện gắn liền với các món ăn, con sẽ cảm thấy thích thú, hứng khởi khám phá và đến gần hơn với không khí Tết.
                           

Từ các câu chuyện con sẽ tự động hình thành thói quen về phong tục ngày Tết. Khi lớn lên, những giá trị ngày Tết sẽ tiếp tục truyền lại cho những thế hệ sau này những cảm xúc thiêng liêng về truyền thống mà chẳng phải ai cũng dễ dàng có được.

(Nguồn :http://vf.edu.vn/)

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

25/1 LỄ KÍNH THÁNH PHAO LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI


KÍNH THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI (25/01)

Thánh Phaolô đã viết:" Tôi biết tôi tin vào ai và xác tín rằng: Ðức Kitô là Vị Thẩm Phán chí công có đủ quyền năng bảo toàn Giáo lý đã được giao phó cho tôi. Mãi cho tới ngày Người ngự đến"( 2Tm 1.12; 4, 8 ). Thánh Phaolô đã có một cảm nghiệm sâu xa về Chúa Kitô khi Ngài bị đánh ngã ngựa trên đường đi Ðamas.


1/Rất nhiều người trong số các trẻ em đường phố bị dính vào ma túy, nhiều em đã hiểu được tác hại của ma túy sau thời gian dài khốn khổ vì nghiện ngập. Nhiều em đã quyết tâm cai nghiện, nhiều em đã nhận ra, đã làm lại cuộc đời; nhiều em sau khi cai nghiện thành công đã hợp tác mở ra những trung tâm cai nghiện, để quy tụ các em đường phố về đây để giúp họ thay đổi cuộc đời.
2/Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Thánh Phaolo Tông Đồ trở lại.  Trước đây tên ông là Saolo, vào khoảng năm 33-35, khi ông đang trên đường từ Yerusalem đi Damas để bắt bớ các tin hữu Kito giáo, Saolo đã bị một luồn ánh sáng từ trời quật ngã, sau đó ông hoàn toàn thay đổi.
3/Chính Chúa Kito Phục sinh đã đích thân chọn ông làm Tông Đồ. Từ sau cuộc trở lại cho đến hết đời, Thánh Phaolo đi truyền giáo khắp các thành thị của Đế quốc Roma.
4/Chúng ta cũng được Chúa Yesus kêu gọi như Thánh Phaolo. Chúa muốn chúng ta hoán cải để trở về với Chúa và hăng say loan báo Tin Mừng của tình yêu.
5/Trước khi gặp một biến cố đưa Ngài trở lại đạo công giáo bằng một cuộc biến đổi xoay Ngài 180 độ. Đây là một biến cố mà nôm na ta gọi là cải tà quy chính.
6/Thánh Phaolo sinh tại Taxo, thuộc xứ Kilikia vào khoảng năm thứ 5 sau công nguyên. Ngày Ngài chịu phép cắt bì theo luật đạo Do Thái, cha mẹ đặt tên cho Ngài là Saolo, sau này mới đổi thành Phaolo.
7/Cha mẹ ông thuộc nhóm bảo thủ nghiêm ngặt, khắt khe. Vì thế Ngài được giáo dục theo kiểu Do Thái giáo rất cặn kẽ, đồng thời cho ông học thêm nghề dệt để mưu sinh. Năm 15 tuổi, ông được gởi đến Yerusalem theo học với một ông thầy nổi tiếng, đó là Gamali-en.
8/Ở đây ông theo nghề của Cha mình, là nghề Biệt phái và trở thành người nhiệt thành số một lúc bất giờ. Ông thông thạo 2 thứ tiếng: tiếng mẹ đẻ Aram và tiếng Hy lạp. Đó là hai nền văn hóa đúc kết nên con người của ông, làm cho ông có thể đứng vững chắc trong hàng ngũ Do Thái giáo lúc bấy giờ.
9/Ông có hai quốc tịch: Do Thái và Roma. Ông đã lập gia đình nhưng lại góa vợ rất sớm, ông là người hăng say đến độ cuồng tín đối với luật lệ của tiền nhân.
10/Ông từng tham dự vào tiệc đổ máu Thánh Stephano, ông từng hứa sẽ tiêu diệt hết đám tà đạo do Chúa Yesus sáng lập. Ông nhất quyết lôi tất cả những ai tin theo Chúa Yesus ra công nghị và nếu cần thì ông sẵn sàng giết họ.
11/Vào mùa hè năm 36, ông xin phép các lãnh đạo Do Thái và đang khi cầm trát để bắt bớ giết hại người Kito giáo. Lúc ấy ông lên đường đi Damas, một thành phố cách Yerusalem 200km, ông dẫn theo một nhóm tùy tùng hăng say không kém gì ông.
12/Khi xưa khi đến gần Damas vào khoảng giữa trưa thì một sự kiện khác lạ xảy đến đột ngột, một luồn ánh sáng chói lòa ập xuống bao trùm lấy ông, khiến ông ngã ngựa té xuống đất và hai con mắt trở nên mù không thấy gì nữa.
13/Đúng vào lúc đó thì có tiếng gọi đích danh tên ông “Saolo, Saolo, sao ngươi bắt bớ ta?” Theo trí hiểu của dân Do Thái thời đó thì tiếng gọi từ trời như thế chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, và được lập lại đúng tên Saolo hai lần. Cũng theo quan niệm Do Thái thì tiếng gọi ấy là của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa thường gọi tên người ta hai lần trong những lần Ngài muốn nói chuyện với con người.
14/Lúc đó Saolo biết ngay đó là tiếng Thiên Chúa gọi mình, nên ông kính cẩn thưa:“Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Bình thường khi Thiên Chúa trả lời thì Ngài thường tự xưng mình là Yave, là Đấng tự hữu, nhưng lần này câu trả lời lại khác hẳn: “Ta là Yesus Nazaret mà ngươi đang tìm bắt”.
15/Câu trả lời này thật là khủng khiếp! Vì sao Saolo biết câu trả lời này là của Thiên Chúa, nhưng ông không ngờ Thiên Chúa chính là Đấng xuống thế làm người mang tên Yesus và bằng lòng chịu chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại.
16/Theo truyền thống Do Thái dạy rằng: Chúa là Chúa, người là người chứ không thể có chuyện Thiên Chúa nhập thể và trở nên người-Chúa, và có thể chịu khổ nhục như thế, Đấng mà ông ghen ghét, khinh dễ và cố sức xóa sổ, xóa tên trong lịch sử Do Thái.
17/Câu trả lời ấy chính là một sự thật mà ông không hề ngờ tới. Bắt hại người tin theo Chúa là bắt hại chính Chúa, nếu động chạm đến người tin Chúa là đụng chạm đến con mắt của Chúa, đến chính thân mình Chúa.
18/Hoặc nói theo kiểu vị thầy Gamalien của Saolo: Đánh giặc với Môn Đệ của Chúa Yesus là liều mình đánh giặc, chống lại chính Đức Chúa Trời.
19/Saolo lúc này quá khiếp sợ vì lúc này ông mới khám phá ra sự thật. Nhưng Saolo đã chỗi dậy đi tiếp vào Thành để gặp ông Khanania, là người mà ông được Thiên Chúa báo trước để ông ấy nói cho Phaolo phải làm gì, Phaolo đã đổi đời từ đây.
20/Phaolo đổi đời là quay 180 độ. Ông từ bỏ đạo Do Thái và trở lại Đạo Kito giáo, sau đó Ngài trở thành vị Tông Đồ vĩ đại để truyền bá Tin Mừng của Đức Kito.
21/Qua sự kiện này, chúng ta thấy ở mọi lãnh vực Thiên Chúa đều có thể can thiệp được. Tại sao Saolo đang bắt hại đạo Chúa mà đột nhiên sau đó lại trở thành một Tông Đồ nhiệt thành của Chúa? Đây không phải là một trạng thái tâm lý bệnh hoạn, ảo tưởng, mà đây chính là một phép lạ của Thiên Chúa.
22/Những ai hôm nay đang sống trong tội lỗi, chúng ta hãy xin Chúa can thiệp vào đời sống của chúng ta, đời này không thiếu những con người chống đối, bách hại đạo Chúa, gây muôn vàn khó dễ cho Hội thánh. Xin Chúa hãy là ánh sáng chiếu soi chân lý, xin hãy lấy đi đôi mắt u mê của thân xác chúng con và thay vào đó đôi mắt tâm hồn sáng suốt hơn. Để chúng con nhận ra Chúa là ai và anh em là ai, để con sống như Thánh Phaolo. Amen.
Bài viết của Giuse Luca Trương Đình Nghi
(http://ditimchanly.org/)

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

LINH THAO CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN I-NHÃ , MỘT PHƯƠNG THẾ GẶP CHÚA CHO MỌI NGƯỜI

Một giai thoại kể rằng, lúc Chúa Giêu Hài Đồng được sinh ra, ba vị vua tới thăm viếng Chúa là ba vị tu sĩ đại diện cho ba Dòng lớn trên thế giới: Dòng Tên, Dòng Phan Sinh, và Dòng Chúa Cứu Thế. Ba vị tu sĩ lần lượt cầu nguyện như sau:
Vị tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế thốt lên:
– “Ôi Lạy Chúa, con ngợi khen Thiên Chúa và Tình Yêu bao la của Ngài đã cho Đấng Cứu thế đến để chuộc tội trần gian. Ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa” (TV 129, 7: “moto” (châm ngôn) của Dòng Chúa Cứu Thế).
Còn vị tu sĩ dòng Phan Sinh khó nghèo sấp mặt xuống đất nghẹn ngào cầu nguyện:
– “Ôi lạy Chúa! xin thương xót chúng con. Xin cho chúng con trở nên bé nhỏ và có lòng khó nghèo như Chúa vậy”.
Lúc đó vị tu sĩ Dòng Tên chỉ đứng lẩm bẩm và lắc đầu nói:
– “Hừm, hài nhi này lớn lên cần phải đi làm Linh Thao trước khi bước vào cuộc đời rao giảng công khai!”
Mẩu chuyện vui trên đây cho thấy giảng Linh thao là công việc của Dòng Tên. Linh thao là dành cho mọi người, thậm chí cho cả … em bé. Trong thực tế ở Việt Nam cho đến nay, vì nhiều lý do, trong đó có lý do không đủ người giảng Linh thao, Linh thao chủ yếu dành cho linh mục, tu sĩ nam nữ. Thực sự, Linh đạo Inhã được trình bày trong cuốn sách Linh thao là một Linh đạo cho tất cả mọi người. Linh đạo Inhã bắt đầu từ lúc thánh Inhã còn là một giáo dân, những người làm Linh thao đầu tiên, chủ yếu cũng là giáo dân. Trong Thánh lễ hôm nay, tôi xin phép trình bày chủ đề chia sẻ hôm nay: “Linh Thao của người giáo dân I-nhã, một phương thế gặp Chúa cho mọi người.”
Trước tiên, trong cuốn sách Linh thao, thánh Inhã giải thích Linh thao là gì.
Hai tiếng linh thao ở đây có nghĩa là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm bằng miệng lưỡi (tức là khẩu nguyện) hay bằng tâm trí (tức là tâm nguyện) và các việc thiêng liêng khác… Ví như đi dạo, đi bộ, chạy bộ, là những việc thể thao, thì cũng thế, linh thao là tất cả những phương cách chuẩn bị và chỉnh đốn linh hồn nhằm loại bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau đó tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn mình” (Linh Thao 1).
Sau đó, thánh Inhã định nghĩa mục đích của Linh thaolà “để tự thắng mình và tổ chức cuộc đời cho có trật tự mà không quyết định theo một tình cảm lệch lạc nào” (Linh Thao 21).

Thánh Inhã đưa ra tiến trình làm Linh thao kéo dài 30 ngày, qua bốn giai đoạn, vốn được gọi là bốn “tuần”. Tuần ở đây không phải là tuần lễ có 7 ngày, các tuần dài ngắn khác nhau tùy theo mức độ tiến bộ của người làm Linh thao. Tuần 1: các bài cầu nguyện về tội lỗi, nhất là tội của mình. Tuần 2: cầu nguyện về cuộc đời trần thế của Đức Kitô cho tới Lễ Lá. Tuần 3: cầu nguyện về sự thương khó của Đức Kitô. Tuần 4: cầu nguyện về Đức Kitô phục sinh và lên trời, có kèm theo 3 cách cầu nguyện.
Phương pháp Linh thao đã giúp ích biết bao linh hồn. Nhiều Đức giáo hoàng đã khen ngợi cuốn sách Linh thao của thánh Inhã như thánh giáo hoàng Gioan XXIII, ĐGH Phaolo VI. Đức giáo hoàng Piô XII đã từng khen ngợi “cuốn sách Linh thao nhỏ bé mà bao la của thánh Inhã”.
Tại Việt Nam, Dòng Tên gần như chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu làm Linh thao hằng năm. Vì không đủ người giúp Linh thao; do đó, Dòng Tên chỉ có thể đáp ứng giúp Linh thao cho các linh mục và tu sĩ nam nữ. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng Linh thao chỉ dành riêng cho giới “nhà tu” chúng tôi. Có phải như vậy không? Xin thưa, không phải. Linh thao dành cho tất cả những ai muốn tìm và gặp Chúa. Hơn thế nữa, Linh thao là một kinh nghiệm thiêng liêng của “người giáo dân Inhã” trước khi ngài là một tu sĩ, một linh mục, một Giêsu hữu.
Đọc lại cuốn “Tự thuật”, cuốn sách tự kể chuyện đời mình (1553-1555) của thánh Inhã, chúng ta thấy rất rõ Linh thao là một kinh nghiệm đổi đời của Inhã khi ngài còn là một giáo dân. Trước đó chắc ngài không phải một giáo dân gương mẫu lắm đâu. Cũng trong cuốn “Tự thuật”, Inhã thú nhận “từ lúc niên thiếu cho tới năm 26 tuổi, ngài lo chạy theo những chuyện vớ vẫn của người đời”. Chi tiết bê bối này cho thấy giá trị và hiệu quả của việc gặp Chúa qua tập luyện Linh thao đã làm Inhã thành một giáo dân tốt lành, một tu sĩ dòng Tên gương mẫu và một vị thánh đáng kính.
Tôi xin phép kể lại vắn tắt diễn tiến hình thành cuốn sách Linh thao, cuốn sách đã mở ra một con đường, một linh đạo giúp con người gặp Chúa.
Năm 1521, chàng hiệp sĩ Inhã người Tây Ban Nha (xứ Basque) 30 tuổi đời, vẫn còn đam mê rất nhiều chuyện trần tục. Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi khi chàng ta bị bắn què chân và phải nằm dưỡng thương trong lâu đài Loyola. Muốn giết thời gian trên giường bệnh, chàng ta xin bà chị dâu mang những cuốn truyện kiếm hiệp thời đó để đọc. Xui cho chàng ta và may mắn cho chúng ta, trong nhà chỉ có những cuốn sách đạo đức. Chàng đành phải đọc tạm những sách này và việc đọc sách khiến chàng có những suy nghĩ lạ: khi nghĩ về chuyện trần tục, thấy thích thú, nhưng sau đó thấy trỗng rỗng, khi đọc và suy nghĩ và Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh, chàng cảm thấy thích thú từ từ và cảm giác dễ chịu lưu lại lâu dài. Chàng bèn viết những điều mình thích vào một cuốn sách: những Lời của Chúa viết bằng mực đỏ, lời Đức Mẹ, màu xanh. Inhã bắt đầu suy nghĩ về tác động khác nhau của hai loại suy nghĩ. Đây có thể nói là những ghi chép đầu tiên của Linh thao và việc phân biệt sự khác nhau của hai loại suy nghĩ dẫn tới những nguyên tắc nhận định thần loại của Inhã và của Linh đạo Inhã. Đời sống nội tâm của Inhã bắt đầu phát triển khiến Inhã muốn thay đổi cách sống: chàng không còn muốn những vinh quang trần thế mà một hiệp sĩ như chàng có thể có, nhưng muốn sống trong sự nghèo khó của một tu sĩ dòng khổ tu.
Chàng đi hành hương tới một nơi gọi là Montserrat và ở tại đó suốt gần một năm (từ 23 tháng 3 năm 1522 cho đến lối trung tuần tháng 2 năm 1523). Tại Montserrat, Inhã đã sống đời khổ hạnh, dành nhiều thì giờ để cầu nguyện, và nhận được nhiều ánh sáng nội tâm Chúa ban cho. Trong thời gian này, Một biến cố lớn xảy ra với Inhã gọi là thị kiến Cardoner: chàng được nhìn thấy những điều thiêng liêng thuộc về Thiên Chúa. Thị kiến này cho Inhã tất cả những hiểu biết sâu xa và quan trọng. Sau này Inhã nói: tính tất cả những hiểu biết đạt được suốt cả cuộc đời, không bằng những hiểu biết được ban trong thị kiến này.
Nhờ những kinh nghiệm và ánh sáng nhận được, Inhã đã tiến những bước thật dài trong đường nội tâm. Không muốn giữ ơn Chúa cho riêng chính mình, cũng như không muốn để những kinh nghiệm nội tâm quí giá rơi vào quên lãng mà không chia sẻ với tha nhân, Inhã đã cần mẫn và cẩn thận ghi lại tất cả: đó là những ngày tháng phương pháp Linh Thao được thai nghén và cuốn Linh Thao bắt đầu chào đời ở Manresa. Cho đến năm 1548, nghĩa là 25 năm sau, khi bản văn tiếng Latin được in, cuốn Linh Thao mới đạt đến hình thức như chúng ta đang thấy ngày nay.
Một điều chúng ta cần chú ý, sau cuộc hoán cải ở lâu đài Loyola cho tới khi qua đời năm 1556, bên cạnh việc trau dồi đời sống thiêng liêng, ước muốn “giúp đỡ các linh hồn” của Inhã ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ (Tự Thuật 54). Ngài phục vụ bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng của mình với những người khác qua “những cuộc nói chuyện thiêng liêng” và “bài tập thiêng liêng” mà ngài đã ghi chép trong tập Linh thao.
Ao ước tông đồ “giúp đỡ các linh hồn” khiến Inhã nhiệt thành giúp Linh thao cho người khác. Những ai được Inhã giúp? Xin thưa hầu hết là những giáo dân, nam hoặc nữ ở Monserrat (Tự Thuật 26), các bà đạo đức ở Manresa (Tự Thuật 32). Bên cạnh đó, Inhã còn giúp làm Linh thao cho những sinh viên ở Alcala và nhóm bạn chí cốt của đại học Paris. “Những cuộc nói chuyện thiêng liêng” và “bài tập thiêng liêng” đã làm cho Linh thao trở thành những cuộc tĩnh tâm có người hướng dẫn và đồng hành. Những người hướng dẫn Linh thao ít nhiều đã có kinh nghiệm đi trong Linh đạo Inhã và biết cách sử dụng các bài cầu nguyện trong tiến trình làm Linh thao.
Khi đi học tại Alcala (từ cuối tháng 3, 1526), Inhã nói rõ ngài giúp cấm phòng theo phương thức Linh Thao, và “từ cách đó, thấy có những hoa trái nẩy sinh ra cho vinh danh Chúa” (Tự Thuật 57). Cũng chính việc giúp Linh thao, khiến Inhã bị giáo quyền nghi ngờ lạc đạo và thậm chí bị các cha dòng Đa Minh bắt giữ tại Salamanca (Tự Thuật 58-70). Sau này, khi ngài học ở Paris, Inhã vẫn tiếp tục gặp những rắc rối tương tự. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Inhã chấm dứt giúp những người khác thực hành Linh Thao trong thời gian còn đi học. Nhóm bạn chí cốt gồm sáu người ở đại học Paris được Inhã huấn luyện qua Linh thao và trở thành những vị sáng lập Dòng Tên. Có một điều thú vị trong các anh em đầu tiên này, thánh Phanxicô Xavier là người cứng lòng nhất và là người cuối cùng chịu tập Linh thao. Linh thao đã sinh ra Dòng Tên và mãi mãi không thể thiếu nơi Dòng Tên và trong Linh đạo Inhã.
Sau thời gian ban đầu hầu như chỉ giúp Linh thao cho giáo dân với tư cách là những giáo dân, Inhã và các bạn đã mở rộng hướng dẫn Linh thao cho linh mục, giám mục, hồng y và các bậc vua chúa để những người này có thể tìm và gặp Chúa trong đời sống của mình. Suốt chiều dài lịch sử của Dòng, dù có lúc bị giải tán Dòng 40 năm, anh em Dòng Tên vẫn trung thành phục vụ Linh thao cho mọi người trong mọi thời đại.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Nơi thánh Inhã, trong tư cách giáo dân cũng như giáo sĩ, điều xuyên suốt và cháy bỏng nơi ngài vẫn là tinh thần Linh thao: khắc khoải tìm và gặp Chúa đồng thời giúp đỡ các linh hồn. Inhã không giữ riêng tinh thần Linh thao và việc thực hành Linh thao cho riêng mình. Ngài sẵn sàng chia sẻ Linh thao với tất cả mọi người, Linh thao đã trở nên một phương thế giúp con người tìm thấy Thiên Chúa. Chính vì thế, Linh thao là nguồn gốc của hai hướng linh đạo: thứ nhất, linh đạo Inhã cho bất cứ ai, dù là tu sĩ hay giáo dân, sống và thực hành giấc mơ “giúp đỡ các linh hồn” của thánh Inhã qua “nói chuyện thiêng liêng” và “bài tập thiêng liêng” trong Linh thao. Thứ hai, linh đạo Dòng Tên cho các tu sĩ Dòng Tên, những người theo Hiến pháp của Dòng. Hiến pháp Dòng Tên chính là Linh thao được “luật hóa” cho Dòng. Do đó, phương pháp Linh thao là “vật gia bảo” của Dòng Tên nhưng cũng là tài sản chung cho tất cả mọi người muốn tìm và gặp Thiên Chúa.
Các bài tập thiêng liêng và nói chuyện thiêng liêng của Linh Thao vẫn còn thích hợp với con người hôm nay và ai cũng có thể sử dụng được. Những việc này không chỉ được dùng trong khi làm Linh thao, nhưng còn được áp dụng hằng ngày trong cuộc sống để con người liên lỉ tìm và gặp thấy Chúa. Ví dụ, việc xét mình hằng ngày là một bài tập Linh thao giúp con người nhận ra sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong một ngày sống của mình. Nói chuyện thiêng liêng vẫn luôn thích hợp cần thiết trong một thế giới kỹ thuật số đề cao tương quan sống, nhưng lại là những tương quan gián tiếp qua các phương tiện kỹ thuật số và internet. Có lẽ chúng ta rất dễ kết nối dễ dàng với những người xa lạ ở những nơi xa lạ qua các mạng xã hội, nhưng chúng ta cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Hơn nữa, tương quan với Thiên Chúa dường như ngày càng ít được con ngưòi thời nay chú trọng. Nói chuyện thiêng liêng trực tiếp không chỉ giúp con người gần nhau trong tương quan nhân bản nhưng còn giúp nhau luôn hướng về Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Trong năm thánh này, năm kỷ niệm 400 anh em Dòng Tên đặt chân tới truyền giáo tại Việt Nam; kính mong quý ông bà và anh chị em cầu nguyện cho anh em Dòng Tên, nhờ lời cầu bầu của thánh Inhã, luôn sống tinh thần Linh thao trong đời sống và sứ vụ của mình. Đồng thời, anh em Dòng Tên luôn mở ra và chia sẻ linh đạo Inhã cho tất những anh chị em đang thao thức tìm kiếm một con dường tìm và gặp Chúa. Cám ơn cộng đoàn.
Micae Trương Thanh Tâm, S.J.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

CÁC BÀI TẬP LINH THAO CỦA THÁNH I-NHÃ DO ĐỨC MẸ GỢI Ý VÀ ĐƯỢC 38 GIÁO HOÀNG ĐỀ NGHỊ


Được Thánh I-Nhã soạn năm 1522, các Bài tập Linh thao được chính Mẹ Thiên Chúa dạy cho ngài, các bài tập này là hình thức hiệu quả nhất cho các kỳ linh thao thinh lặng 6 ngày trong các nhà tĩnh tâm. Các bài tập này đã được 38 giáo hoàng đề nghị, đặc biệt Đức Giáo hoàng Piô XII, năm 1948 ngài đã tuyên bố: “Các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã luôn là phương tiện hiệu quả nhất để tái làm mới lại đời sống thiêng liêng và sửa chữa lại thế giới. Các bài tập này được các thánh Phanxicô Salê, thánh Charles Borromée, Thánh Vinh Sơn, thánh Don Bosco, thánh Têrêxa Avila, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đề nghị. Năm 1982, chân phước Têrêxa Calcutta nói: “Các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã rất hay và rất phong phú. Tôi khuyên tất cả mọi người nên đi linh thao, linh thao không phải chỉ dành riêng cho các tu sĩ”.
Trong các cuộc tĩnh tâm này, ân sủng xuống dồi dào và thường nó là điểm then chốt để hoán cải và để thay đổi đời sống. Trong lần đi linh thao đầu tiên của tôi, ba ngày đầu trôi đi trong rối loạn, đặt tôi phải đối diện với lương tâm của mình, với vô số thói quen đã làm tôi xa Chúa một cách nặng nề. Ba ngày sau, trên chuyến xe lửa tốc hành đi về, tôi đã phải mất ba giờ ngồi trên xe để định hồn định trí lại: rốt cùng tôi đã biết Chúa Giêsu, tôi, 22 tuổi tự hào lớn lên trong một gia đình giữ đạo! Tâm hồn được cởi mở, được thỏa lòng, cảm nhận hạnh phúc là mình ý thức có một sức sống mới; đó là cảm nhận của tất cả những người cùng đi khóa linh thao với tôi.
Một tuần chạy bộ cho tâm hồn
Mỗi ngày năm lần, các linh mục giảng một giờ bài suy niệm theo từng chủ đề khác nhau. Sau mỗi bài giảng là hai mươi phút suy niệm cá nhân, mỗi  linh thao viên về phòng của mình suy niệm. Phần suy niệm gồm ba giai đoạn: 1) Hồi tưởng: nhớ lại bài giảng linh mục đã giảng; 2) Nhận thức: áp dụng bài giảng cho chính mình; 3) Ý chí: quyết tâm thực hiện.
Tuần linh thao diễn ra theo nhiều chủ đề và bài tập:
Giải thích cùng đích của cuộc sống: đó là trở nên thánh thiện. Câu chuyện của Thánh Têrêxa minh họa cho sự thánh thiện. Têrêxa đang ở trong vườn ngắm hoa và Têrêxa nhận ra hoa tím nhỏ không bao giờ có ý nghĩ muốn mình thành hoa hồng và hoa hồng cũng không bao giờ muốn mình là một bông hoa khác, người tín hữu kitô cũng vậy, qua bí tích rửa tội, mình được gọi để trở nên thánh và mình chỉ thánh thiện được với chính con người thật của mình.
Hỏa ngục, thiên đàng, vĩnh cửu: Để ý thức rằng sau cái chết của mình, sẽ là “mãi mãi và đời đời.” Lúc nào cũng ở một nơi, hoặc thiên đàng, hoặc địa ngục. Không bao giờ hết và cũng không có chuyện thay đổi nơi chốn.
Điểm sai lầm chủ yếu: Tìm các phương cách để biết đâu là điểm sai lầm chủ yếu, điểm tạo nhiều tội nhất của mình, vì nó sẽ giúp chúng ta nhỗ bật tận gốc sự dữ.
Xưng tội: Xưng tất cả các tội chúng ta đã phạm trong suốt cuộc đời. Các linh mục đưa ra nhiều cách để chúng ta có thể nhìn lại: theo từng giai đoạn trong cuộc sống, theo mười điều răn, theo năm giác quan…
Nhận định thần loại: Làm sao để nhận định lúc nào là sầu khổ, lúc nào là được an ủi. Làm sao biết nó đến từ thần lành hay thần dữ.
Bầu chọn: Học để biết lựa chọn
Chiêm niệm: Chiêm niệm để phân biệt hai ngọn cờ: Ngọn cờ theo Chúa Giêsu Kitô kêu gọi tất cả mọi người quy tụ dưới ngọn cờ của Chúa; ngọn cờ kia là ngọn cờ theo Luxiphe, kêu gọi đứng về phía nó. Một bên là cánh đồng lớn gần Giêrusalem, nơi có Chúa Giêsu Kitô, thủ lãnh tối thượng của những người đức hạnh; một bên là cánh đồng gần Babylone, nơi có Luxiphe là thủ lãnh của quân thù”. Vậy mình sẽ ở dưới ngọn cờ nào, hành động theo ngọn cờ nào?
Các bài giảng luôn đậm tinh thần hài hước và mang tinh thần kitô một cách rất đơn giản. Một linh mục giảng đoạn Chúa Giêsu xuống luyện ngục tìm ông Adong và bà Evà, hai người xấu hổ giấu mình trong góc không dám đến gặp Chúa. Một câu chuyện gây ý thức khác: “Chúa Giêsu đang ở giữa đám đông: Này là Người ‘Ecce Homo’. Chúng ta hình dung mình đang ở giữa đám đông, đối diện với Chúa Giêsu, như một con cừu bị các tên đồ tể đánh cho kiệt sức, và như Chúa đang nói với chúng ta: ‘Con có hiểu cái xấu xa của tội lỗi các con không? Con có muốn Ta chết vì vậy không? Con có muốn cùng sửa với Ta không? Con có muốn cho Ta các tội của con không?’”.
Rất nhiều cộng đoàn công giáo tổ chức các khóa linh thao theo Thánh I-Nhã để dạy cho chúng ta cách làm sao khỏi bám dính vào các luyến ái lệch lạc. Các nơi này sẽ cho chúng ta lịch của các khóa linh thao này.
Luca Nguyễn Trung Tín chuyển dịch

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

LỰA CHỌN CỦA CHÚA GIÊSU



SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - NĂM A     22/1/2017

                                                                         ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Địa lý nước Do Thái chia làm ba miền. Miền Nam được gọi là Giuđêa. Miền Trung là Samaria. Miền Bắc là Galilêa. Thủ đô Giêrusalem thuộc về miền Nam. Đây là trung tâm chính trị và tôn giáo. Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem. Đền thờ Giêrusalem là trái tim của dân tộc Do Thái. Hằng năm người ở mọi miền tuốn về Giêrusalem dự lễ. Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo. Có dinh thầy cả thượng phẩm. Có các luật sĩ, biệt phái, văn nhân. Người ở Giuđêa coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống. Họ tẩy chay người ở Samaria, coi Samaria là ngoại đạo vì người ở Samaria xây cất đền thờ riêng trên núi Garidim. Người ở Giuđêa không bao giờ đi lại tiếp xúc với người Samaria. Còn miền Galilêa ở phía Bắc, tuy không có đền thờ đối nghịch với Giuđêa, nhưng bị Giuđêa khinh miệt vì đó là nơi pha tạp đủ mọi sắc dân, là đất của dân ngoại.
Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã không chọn rao giảng tại Giêrusalem. Bởi vì Giêrusalem là vùng toàn tòng theo đạo, nhưng lại kiêu căng hợm mình, loại trừ người khác. Khi mới sinh ra, Chúa Giêsu đã phải chạy trốn bạo vương Hêrôđê. Hôm nay Hêrôđê con ông lại ra lệnh giết thánh Gioan Baotixita chỉ để thỏa mãn ước vọng ngông cuồng của một phụ nữ. Chúa Giêsu đã không chọn Giêrusalem làm điểm xuất phát, bởi vì các thày thượng tế, các văn nhân, luật sĩ, biệt phái đã chai đá, luôn tìm cách bắt bẻ, chứ không biết mở rộng tâm hồn đón nhận giáo lý của Người.
Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng quê nghèo khiêm tốn, nhưng dân cư thuộc đủ mọi chủng tộc đã biết mở lòng đón nhận giáo lý của Người. Người đã chọn Galilêa vì ở đây không có loại trừ, mọi người biết đón nhận nhau, chung sống hòa thuận. Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã không để giáo lý của Người bị đóng khung trong bốn bức tường đền thờ, bị giới hạn trong một khung cảnh địa lý và dành riêng cho một giai cấp. Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã vạch ra cho Giáo Hội một đường hướng. Đó là ra đi, ra đi không ngừng nghỉ, ra đi đến những chân trời xa lạ, ra đi đến với mọi người thuộc đủ mọi chủng tộc, ngôn ngữ, màu da. Đó là đi đến với những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Việc lựa chọn môn đệ của Chúa Giêsu cũng rất độc đáo. Người không lựa chọn môn đệ trong đền thờ, nhưng lựa chọn môn đệ giữa chợ đời. Người không lựa chọn những kẻ nhàn hạ rảnh rang, nhưng lựa chọn những người đang tất bật làm việc. Người không chọn những người trí thức uyên thâm, thông kinh hiểu luật, nhưng lựa chọn những anh thuyền chài, đơn sơ, cục mịch. Ý định truyền giáo của Người là rất rõ ràng. Người lựa chọn những người dám ra đi, dám mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ, không ngần ngại, không do dự. Người lựa chọn những con người có trái tim mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào bất cứ một điểm tựa nào, dù là lề luật, dù là đền thờ, dù là kiến thức. Buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa. Bỏ tất cả để chỉ đi theo Chúa.
Những lựa chọn của Chúa Giêsu khiến tôi hiểu rằng: Người yêu thích những tâm hồn rộng mở biết sống hài hòa, biết đón nhận anh em. Người yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, ưa thích sống đời khiêm nhường bình dị. Người yêu thích những tâm hồn nồng nàn yêu thương. Đó là những tâm hồn dễ dàng đón nhận và chia sẻ Tin Mừng. Đó là những thửa đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, đơm bông kết trái.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để con đón nhận được Lời Chúa và để Lời Chúa sinh nhiều bông hạt.