Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

NHỮNG NGĂN TRỞ KHIẾN MỘT HÔN PHỐI VÔ HIỆU (BẤT THÀNH SỰ)


Với một kiến thức tương đối về việc hôn phối và nếu tìm hiểu một cách cặn kẽ về những cách thế sửa soạn trong giai đoạn tiền hôn phối, về nghi thức cử hành cũng như về những điều kiện sống trong đời sống gia đình Công Giáo, người ta phải công nhận một điều: Giáo Hội Công Giáo có vẻ như quá cẩn thận và nguyên tắc trong việc lập gia đình giữa những người tín hữu.

Ðối với Giáo Hội Công Giáo, một gia đình được thành lập, không phải chỉ được thành lập đúng với nghi lễ, tập tục của xã hội để được xã hội nhìn nhận là một gia đình, nhưng còn phải theo các nghi thức, qui luật Thiên Chúa đã ấn định qua Giáo Hội, để gia đình đó thật sự là một gia đình, trước mặt Thiên Chúa, được Thiên Chúa chúc lành và được Giáo Hội nâng đỡ.
Những nghi thức, qui luật này được ấn định một cách rõ ràng để mọi người chiếu theo đó thực hành. Trong những trường hợp hôn phối chấp hành và thực thi tất cả những thể thức và những qui luật đã ấn định, người ta có một hôn phối cử hành cách hợp pháp (licit) và thành sự (valid), ngược lại, vì những sơ hở, thiếu sót nào đó, người ta có thể có những trường hợp hôn phối cử hành cách bất hợp pháp (illicit) hay bất thành sự (invalid).

Trong phạm vi của chương này, đầu tiên chúng ta bàn tới những ngăn trở và các trường hợp hôn phối đã cử hành, nhưng vì có ngăn trở, nên hôn phối ấy không có hiệu quả thật sự của Bí Tích, nghĩa là những hôn phối vô hiệu hay bất thành sự.

Bằng cách nào đó, khi một hôn phối được các cơ quan có thẩm quyền của Giáo Hội xác định rằng hôn phối ấy đã không có hiệu quả Bí Tích (vô hiệu), hay đã không thành sự, thì hai người liên hệ trong hôn phối ấy không được kể là vợ, là chồng trước mặt Chúa, trước mặt Giáo Hội, cho dù họ đã sống với nhau như vợ chồng trong nhiều năm và đã có con cái.

Nếu họ muốn tiếp tục sống với nhau như vợ chồng trong một gia đình như những gia đình khác, họ phải thực hiện lại Bí Tích Hôn Phối của họ. Trường hợp này được gọi là hữu hiệu hóa hôn phối (convalidatio).

Nếu vì những lý do nào đó, họ không muốn tiếp tục sống với nhau, hay hơn nữa, muốn lập gia đình với một người khác, họ có quyền thực hiện theo ý muốn của mình.

Cơ quan có thẩm quyền để xác định một hôn phối có thành sự hay hữu hiệu hay không là Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội. Việc tuyên bố một hôn phối đã cử hành là vô hiệu hay bất thành sự, gọi là việc tháo gỡ hôn phối trong Giáo Hội Công Giáo.

Phải phân biệt việc ly dị, hiểu theo nghĩa dân sự, ngoài đời: Ly dị là cho phép hai người thật sự là vợ, là chồng trong một gia đình, chấm dứt việc sống chung vợ chồng, chia tay nhau và hai ngừơi tự do sống một mình hay lập một gia đình khác tùy ý họ.

Tháo gỡ hôn nhân trong Giáo Hội Công Giáo không phải vậy, nhưng là việc điều tra, tìm hiểu về diễn tiến của một trường hợp hôn phối, theo lời yêu cầu của đương sự liên hệ, với những chứng cớ rõ ràng rằng hôn phối của họ, vì thiếu những yếu tố, những điều kiện luật qui định, hay có những ngăn trở hiện diện khi cử hành nên đã không có hiệu quả của hôn phối. Tòa Án chỉ làm công việc tuyên bố rằng: Ngay từ đầu, lúc cử hành, hôn phối ấy đã không tạo được hiệu quả của Bí Tích.

Một hôn phối đã cử hành trong Giáo Hội, giữa hai người đã được rửa tội, không có một ngăn trở nào, hôn phối ấy không thể nào được tháo gỡ (phân ly) do bất cứ quyền bính nào của Giáo Hội.

Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu về những ngăn trở được qui định do Luật Giáo Hội, khiến một hôn phối khi cử hành không có hiệu quả Bí Tích.

AI ÐẶT RA NGĂN TRỞ?


Ðiều luật 1075 trong Bộ Giáo Luật hiện hành qui định như sau Chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền tuyên bố chính thức khi nào luật Chúa cấm đoán hay tiêu hủy hôn phối. Cũng vậy, chỉ duy quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thẩm quyền đặt ra các ngăn trở khác dành cho những người đã chịu phép Rửa tội. Trong một trường hợp riêng, Bản Quyền Sở tại có thể cấm những người thuộc quyền mình hiện cư ngụ bất cứ ở đâu, và tất cả những người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình không được cử hành hôn phối, nhưng sự cấm đoán chỉ có tính cách tạm thời do một lý do quan trọng và bao lâu lý do ấy còn kéo dài. Nếu lý do ấy không còn tồn tại nữa thì sự cấm đoán cũng hết hiệu lực (can.1977)

Bộ Giáo Luật năm 1917 phân biệt ngăn trở thành hai loại:
1. Ngăn trở cấm chỉ (impedient impediment) hôn phối bị cấm cử hành, nhưng nếu cử hành vẫn thành hiệu nhưng mắc lỗi (illicit) .

2. Ngăn trở tiêu hôn (diriment impediment) hôn phối bị cấm cử hành và nếu cử hành hôn phối ấy sẽ không thành hiệu (invalid)

Cũng theo Bộ Luật 1917 chỉ Ðức Giáo Hoàng mới có quyền miễn chuẩn các loại ngăn trở. Trên thực tế, Ðức Giáo Hoàng ủy thác năng quyền miễn chuẩn này cho các đại diện của Ngài và các Ðức Giám Mục Giáo phận.

Bộ Giáo luật 1917 liệt kê 5 loại ngăn trở cấm chỉ và 13 ngăn trở tiêu hôn. Bộ Giáo Luật 1983 bãi bỏ danh từ ngăn trở cấm chỉ và chỉ còn liệt kê 12 loại ngăn trở tiêu hôn mà thôi. Như thế, khi nói về ngăn trở, Bộ Giáo Luật mới đơn giản hơn Bộ Luật cũ. Năng quyền miễn chuẩn trong Bộ Luật mới cũng được mở rộng hơn cho các Ðấng Bản quyền địa phương. Trong việc thay đổi này, vì tính cách bất hồi tố của luật lệ, những hôn phối cử hành trước ngày Bộ Luật mới có hiệu lực (27-11-1983) vẫn phải theo những qui định của Bộ Luật cũ.

ÐỊNH NGHĨA NGĂN TRỞ


Bộ Giáo Luật 1983 định nghĩa ngăn trở như sau:
Ngăn trở tiêu hôn làm cho người ta mất khả năng kết hôn cách hữu hiệu (can. 1073)


NGUỒN GỐC LOẠI NGĂN TRỞ


1. Phát sinh do luật tự nhiên hay thiên luật.
            a. Bất lực (dù vĩnh viễn hay tạm thời)
            b. Ðã lập gia đình (đã đang có vợ hay có chồng)
            c. Họ hàng huyết tộc trực hệ hay cấp hai của bàng hệ (xem phần phụ chương về cách tính họ hàng.)

2. Qui định theo Giáo Luật (xem phần áp dụng sau)
            a. Chưa tới tuổi Giáo luật định (Nam 16- Nữ 14)
            b. Khác đạo (có thể xin phép chuẩn)
            c. Ðã lãnh nhận chức Thánh.
            d. Ðã khấn trọn đời trong một Dòng tu hay Tu hội.
            e. Bị bắt cóc hay bị ép buộc.
            g. Tội ác (thông đồng trong việc giết vợ hay chồng để lấy nhau)
            h. Họ hàng bàng hệ đến cấp thứ bốn.
            i. Ngăn trở công hạnh.
            k. Họ hàng dưỡng tử (con nuôi- anh chị em con nuôi).

ÁP DỤNG NGĂN TRỞ TRÊN THỰC TẾ


Trên thực tế và theo Giáo Luật, Chúng ta có thể chia làm ba loại ngăn trở:
            - Ngăn trở về thể thức khi cử hành;
            - Ngăn trở về sự ưng thuận kết hôn;
            - Ngăn trở về cá nhân của người kết hôn.

I. NGĂN TRỞ VỀ THỂ THỨC KHI CỬ HÀNH

Một hôn phối giữa hai tín hữu Công Giáo hay chỉ một trong hai người là người Công Giáo, chỉ có hiệu quả khi được thực hiện:
            - Với sự hiện diện của một thừa tác viên hợp lệ.
            - Với sự hiện diện của hai người làm chứng.
Nếu thiếu một trong hai điều này, hôn phối vô hiệu.

1. Các Thừa tác viên hợp lệ là:
- Ðức Giám Mục Giáo Phận;
- Cha Sở nơi một trong hai người đang cư ngụ;
- Một Linh Mục được ủy quyền chứng nhận hôn phối hợp pháp;
- Một Phó Tế được ủy quyền chứng nhận hôn phối hợp pháp;

2. Hai người làm chứng:
- Hai người chứng hôn chỉ được hiểu là hai người hiện diện để đòi hỏi hai bên nam nữ muốn lập gia đình với nhau bày tỏ sự ưng thuận và chứng nhận sự bày tỏ ấy.

II. NGĂN TRỞ VỀ SỰ ƯNG THUẬN KẾT HÔN

Trong nghi thức khi cử hành hôn lễ, hai bên nam nữ liên hệ phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn. Sự ưng thuận này phải được kết lập bằng ước muốn trong tự do của người bày tỏ. Những điều liệt kê sau đây là những lý do ảnh hưởng trên sự ưng thuận của người bày tỏ. Tùy theo cấp độ nặng hay nhẹ của ảnh hưởng, có thể làm cho một hôn phối vô hiệu:

1. Sự bắt ép và sợ hãi: Nếu một người bị đe dọa, cưỡng ép, bắt buộc do một hay nhiều người khác, dù cho là cha mẹ, và vì sợ hãi, người ấy phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn nhưng thật sự trong lòng không muốn như vậy. Hôn phối ấy vô hiệu (invalid).

2. Sự lường gạt: Nếu một người cố tình dấu diếm hay dối trá về chính mình để lường gạt người kia ưng thuận lập gia đình với mình, mà sự dấu diếm hay dối trá ấy quan trọng cho đến nỗi sau này, khi người bị lường gạt khám phá ra sự thật, họ không thể sống chung với người đã lường gạt mình được nữa. Hôn phối ấy vô hiệu.

3. Ý định ngoại tình: Nếu ngay trong ngày hôn lễ, một người đã có ý định ngoại tình, hay thật sự ngoại tình bằng hành động với một người khác. Sự chung thủy cần thiết trong hôn phối không có. Hôn phối ấy vô hiệu.

4. Ý định bỏ nhau: Nếu ngay trong ngày hôn lễ, một người đã có ý định chỉ sống với chồng hay vợ mình đang kết hôn này một thời gian nào thôi, sau đó, khi nào muốn sẽ tự động ra đi sống đời sống mới. Hôn phối ấy vô hiệu.

5. Ý định không có con cái: Nếu ngay trong ngày hôn lễ, một người có ý định nhất định sẽ không có con cái, hoặc độc tài quyết định việc có bao nhiêu đứa con, không cho ngừơi kia quyền có ý kiến về việc này. Hôn phối ấy vô hiệu.

6. Ý định chủ, tớ: Trong hôn nhân, hai vợ chồng bình đẳng nhau, san sẻ đời sống vui buồn. Nếu ngay trong ngày hôn lễ, một người đã có ý định lấy vợ hay chồng để làm nô lệ cho mình, hay làm một đối tượng để thỏa mãn dục vọng không thể nào ngang hàng với mình được. Hôn phối ấy vô hiệu.

7. Thiếu xử dụng trí khôn: Một người vì thiếu xử dụng trí khôn, nên thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của đời sống hôn phối, hay vì lý do tâm lý không thể đảm nhận nghĩa vụ thiết yếu trong đời sống gia đình. Sự ưng thuận của người ấy không có căn bản. Hôn phối ấy vì thế vô hiệu.

III. NGĂN TRỞ VÊ CÁ NHÂN NGƯỜI KẾT HÔN


1. Chưa tới tuổi kết hôn luật định: Nếu một trong hai người, hay cả hai người chưa tới tuổi kết hôn luật định mà cử hành hôn lễ. Hôn phối ấy vô hiệu (Tuổi giáo luật định: Bên nam 16 tuổi; bên nữ 14 tuổi).

2. Bất lực (impotence): Nếu một trong hai người bất lực, không thể hoàn hợp (consummatum) hôn phối của họ sau khi cử hành. Hôn phối ấy có thể được tháo gỡ. Vì lý do này, một hôn phối giữa hai người không bất lực, đã cử hành, nhưng chưa hoàn hợp có thể được tháo gỡ.

3. Ðã có gia đình rồi: Nếu một người đã lập gia đình theo thể thức hợp lệ thông thường, người ấy không thể lập gia đình một lần nữa được. Nếu trong một hoàn cảnh nào đó, người ấy cử hành hôn phối một lần nữa. Hôn phối cử hành lần thứ hai vô hiệu.

4. Hôn phối khác đạo: Một người Công Giáo, lập gia đình với một người chưa bao giờ rửa tội, nếu không có phép chuẩn của Giáo Quyền, hôn phối ấy vô hiệu.

5. Ðã chịu chức thánh: Một người đã nhận thánh chức Linh Mục, không thể kết hôn hữu hiệu được. Nếu trong một hoàn cảnh nào đó cử hành hôn phối không có phép của Ðức Giáo Hoàng. Hôn phối ấy vô hiệu.

6. Ðã khấn trọn đời: Một người đã khấn trọn đời trong Dòng tu (dù là nam hay nữ), không thể kết hôn hữu hiệu được. Nếu cử hành hôn phối không có phép của Bản Quyền có thẩm quyền, hôn phối ấy vô hiệu.

7. Bị bắt cóc: Một người nữ bị bắt cóc, trong thời gian bị giam giữ, cử hành hôn phối với người bắt cóc mình, và dù người nữ ấy tuyên bố rằng mình tự do, tự ý quyết định kết hôn với người ấy. Hôn phối ấy vẫn vô hiệu. (Nếu sau khi được thả về một thời gian, không còn bị áp lực nữa, người nữ ấy đồng ý kết hôn với người đã bắt cóc mình hồi trước. Hôn phối ấy hữu hiệu).

8. Sát nhân: Nếu một người thông đồng với một người khác giết chồng hay vợ mình để có thể kết hôn với nhau. Hôn phối ấy vô hiệu.

9. Họ hàng huyết tộc: Những người có họ hàng huyết tộc gần gũi, nếu kết hôn với nhau. Hôn phối ấy vô hiệu. (Hôn phối vô hiệu cho đến cấp thứ bốn bàng hệ. Giáo Quyền có thể chuẩn cho đến cấp thứ ba bàng hệ, không bao giờ chuẩn cấp thứ hai bàng hệ và cũng không bao giờ chuẩn cho bất cứ cấp nào của trực hệ).

10. Họ hàng hôn thuộc: Một người không thể kết hôn với những người có họ hàng trực hệ với người phối ngẫu quá cố của mình. Nếu kết hôn. Hôn phối ấy vô hiệu.

11. Ngăn trở công hạnh: Một người không thể kết hôn với những người có họ hàng trực hệ với người mình đã từng sống chung công khai như vợ hay chồng một thời gian nào đó.

12. Họ hàng dưỡng hệ: Một người không thể kết hôn với con nuôi, hay cha mẹ nuôi, hay anh em nuôi của mình. (Giả thiết là việc dưỡng nuôi hợp pháp theo luật dân sự, hoặc thật sự có sống chung, sinh hoạt trong cùng một gia đình.).

(Trích trong sách : TÒA ÁN HÔN PHỐI & THÁO GỠ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO của LM.Jos. Bùi Đức Tiến )