Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

NHỮNG KHÓA HỌC ..... (6)



(Làm sao giữ ấm cho con trong những ngày rét buốt đây ?)

CẦN LO TRƯỚC.       

         Muốn chỉ huy, muốn điều khiển, muốn giáo huấn ta cần phải: “Thấy trước và lo trước”. Trước khi cho trẻ vào một căn phòng nào ta cần phải đến đó xem xét trước, có đặt bàn ghế và đủ chỗ cho các em không?
        Muốn đưa các trẻ đi chơi dạo mát nơi nào, ta cần đến đó trước xem xét kỹ lưỡng chỗ chơi có gì trở ngại, a cần phải đề phòng, gìn giữa và bảo vệ chúng lúc đi cũng như lúc về, đặt chương trình rõ ràng. Dọn sẵn những trò chơi, những bài học, những lời lẻ khuyên bảo và thăm viếng, những bề trên ở nơi đó.
       Muốn tổ chức một cuộc chơi, một buổi văn nghệ, ta phải sắp xếp chương trình trước, phải biết trước thứ tự những trò chơi, những vở kịch, những bài hát. Nếu ta không hoạch định trước chương trình, rất có thể cuộc chơi hay buổi văn nghệ sẽ ra nhạt nhẻo vì quá ngắn hay quá dài hoặc cơ cấu không mạch lạc với nhau.
       Đừng bao giờ đợi “nước đến chân mới nhảy”, “giờ phút chót mới lo dọn bài cho một lớp học, chương trình một buổi học tập, họp hội hay bất cứ làm một việc gì bao giờ ta cũng phải lo chuẩn bị sẵn sàng trước.

TINH THẦN KỶ LUẬT.

       Đối với trẻ ta là cấp trên, nhưng đối với nhiều người khác, ta là cấp dưới. Ta muốn cho trẻ vâng phục ta thế nào, ta cũng phải vâng phục cấp trên ta thế ấy.
       Một nhà giáo dục, một người chỉ huy xứng đáng bao giờ cũng ra sức tìm hiểu ý muốn của cấp trên mình. Ta thông cảm cấp trên ta giúp cấp trên thực hiện các ý muốn đó, chớ không khi nào tìm cách đả phá, phê bình hay chỉ trích.
       Ta biết rằng phê bình cấp trên là làm giảm giá trị của luân thường và làm suy yếu uy quyền của cấp trên. Tai hại nhất là khi ta cải lại lệnh cấp trên trước mắt các trẻ, làm như thế là ta vô tình phá hoại ảnh hưởng và quyền hành của ta đối với chúng. Chúng thấy a không vâng lời cấp trên chúng cũng sẽ bắt chước ta mà chống lại cấp trên. Như thế là phá hoại công trình giáo dục một cách nhanh chóng.
       Cấp trên thay mặt cho Chúa. Các Ngài đã nhận lãnh quyền hành với Thiên Chúa để giúp đỡ ta dìu dắt ta, chỉ dẫn ta. Nếu các Ngài không làm tròn sứ mệnh, các Ngài phải chịu trách nhiệm và phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Phần chúng ta, bổn phận ta không phải là đoán xét, dòm ngó, soi mói cấp trên để rồi phê bình chỉ trích, nhạo báng chê cười mà bổn phận ta chính là vâng phục cấp trên.
       Hết các tầng lớp trong xã hội, từ gia đình đến chỗ làm việc, đâu đâu cũng có tôn ti đẳng cấp, đâu đâu cũng có kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh. Kỷ luật là thành lũy kiên cố. Kỷ luật là con đường đưa đến thành công.

QUYỀN HÀNH.

       Quyền hành là tất cả những tài năng mà nhờ đó nhà giáo dục có thể làm cho trẻ mến thích và ước muốn những điều có ích lợi cho trẻ. Chỉ huy tức là phụng sự.
       Ta không nên lẫn lộn quyền hành với độc tài. Độc tài là bất cứ lúc nào cũng can thiệp, cũng xen vào công việc của trẻ, làm cho chúng cảm thấy khó chịu và không được tự nhiên hoạt động. Do đó chúng sẽ chán ghét nhà giáo dục của chúng.
       Ta nhận lãnh trọng trách giáo dục một đoàn trẻ là lúc ta nắm lấy quyền hành trong tay. Nhưng nếu ta không có đủ tài năng để điều khiển ta sẽ gây nguy hại cho chúng ta cũng như cho trẻ, và sẽ làm cớ cho trẻ khinh dể ta và coi thường quyền bính kỷ luật. Do đó chúng sẽ cưỡng chống lại ta và sống vô kỷ luật.
       Nếu trẻ không vâng lời, đó là lỗi tại ta. Tại ta không biết sử dụng quyền hành của ta.
       Nhà giáo dục không bao giờ đi ăn mày sự vâng lời của chúng. Nhà giáo dục phải chỉ huy, phải điều khiển với bất cứ giá nào, nhà giáo dục luôn luôn củng cố địa vị của mình, uy thế của mình.
       Trẻ cần được dạy bảo, chỉ dẫn để chúng có thể chống trả những khuynh hướng xấu, tập rèn những đức tính tốt và phát triển những khả năng còn non nớt trong người chúng. Đó là cả một vấn đề giáo dục cần phải có uy quyền.

KÍNH NỂ TRẺ.

       Trẻ cũng là người như ta, không bao giờ ta quên chân lý căn bản đó. Dù ở dưới quyền ta, chúng có nhân vị, nhân phẩm như ta. Chúng cũng có những ước muốn tâm tình và trí óc như ta.
       Điều can hệ là trong khi điều khiển dạy dỗ, dạy bảo trẻ, ta cần luôn luôn tôn trọng địa vị làm người của chúng. Ta đối xử với chúng cách xứng hợp với nhân phẩm của chúng.
       Trẻ là “người”, chúng chỉ lệ thuộc Thiên Chúa. Chúng không lệ thuộc một ai khác. Không một ai được quyền coi chúng như một đồ vật. Quan niệm coi thường con người và nhất là con trẻ đã bị lịch sử phá đổ từ lâu. Thời đại này là thời đại nhân vị. Thời đại mà con người phải được cư xử đúng với ý nghĩa và địa vị của nó.
       Giáo dục có sứ mệnh giải phóng con người, giúp con người biết dùng quyền tự do của mình, biết tự mình hướng dẫn đời người. Chữ giáo dục không có nghĩa là nô lệ hóa, là gò bó con người.
       Còn kỷ luật, nó là một phương thế, chúng không phải là cứu cánh. Nó là phương thế ta dùng để giáo hóa trẻ. Nó cần phải mềm dẻo, cần phải để cho trẻ được tự do nhận lãnh các trách nhiệm của chúng.
       Trẻ chỉ được tự do hoạt động, tự do đảm nhiệm khi chúng hiểu “Tại sao” chúng phải làm, làm việc này mà không làm việc kia. Chúng phải làm cách này mà không nên làm cách khác.
       Một lời nói vụng về, một huấn lệnh thiếu tôn trọng, một cử chỉ cộc cằn hay khinh dể sẽ gieo vào lòng trẻ sự chán nản và gớm ghét.
       Càng ở địa vị cao chừng nào, ta càng phải tỏ ra quí trọng trẻ nhiều chừng nấy.

CÔNG BẰNG.

       Trẻ rất “thính tai, tỏ mắt” đối với cách cư xử công bình hay bất công của ta, một cử chỉ, một lời nói của ta cũng đủ cho chúng đánh giá ta về phương diện này. Và nếu nhà giáo dục bị chúng cho là bất công rồi thì đừng mong chúng gần gũi, ưa thích.
       Nên nhớ rằng trẻ chỉ đoán xét bề ngoài, chỉ công bình không chưa đủ. Ta cần phải tỏ “đức” đó ra ngoài bằng cử chỉ, hành động của ta.
       Công bình là biết khen thưởng cũng như quở phạt cách cẩn thận và thích ứng với công trạng hay lầm lỗi của trẻ.
       Công bình là chính trực trong mọi trường hợp. Không thiên vị, không để mình bị cảm tình lôi cuốn.
       Công bình là nhận xét trẻ theo giá trị và khả năng của chúng, chứ không phải heo diện mạo bên ngoài.
       Công bình là không vì trẻ nào phạm lỗi điều gì một hai lần, rồi “in trí” xấu cho nó và gán cho nó bao nhiêu việc không hay khác.
       Không bao giờ nên dối gạt trẻ, chẳng hạn hứa với trẻ điều gì mà ta không có ý muốn giữ lời hoặc hăm dọa sẽ phạt chúng những hình phạt mà ta không thể thực hiện được.
       Ngoài ra ta còn tránh việc “yêu riêng” một trẻ nào mà bỏ bê những đứa khác, vì ta có thể làm hại cho hội đoàn. Chính đứa được ta yêu riêng sẽ “lờn mặt” với ta. Còn những đứa kia thì sinh lòng ghen ghét và không còn kính phục ta.
       Ta chỉ nên yêu thích riêng trong một trường hợp đặc biệt này là đối với những kẻ nghèo nàn, tàn tật, hay mồ côi, cô độc.
       Nếu ta đem lòng thương mến những kẻ vô phúc này cách riêng thì ta sẽ không gây tai hại gì mà còn làm cho các trẻ khác mến phục ta.

LUÔN LUÔN SÍT ĐÚNG.

       Muốn được trẻ tín nhiệm, kính nể, ta cần phải “sít đúng”. Trong mọi việc; ta phải sít đúng, trong lời nói, trong cách ăn mặc, trong việc giữ thời giờ.
       Chúng ta phải noi gương cho các trẻ, ta hãy luôn luôn đúng giờ. Đã định giờ nào hội họp hay học tập, thì đến giờ đó phải có mặt. Ta đã định giờ nào nghỉ thì đến giờ đó ta phải nghỉ.
       Ta phải đúng hẹn và giữ lời hứa, nếu ta có bận việc gì thì ta phải sớm báo trước, hoặc hẹn lại đừng để trẻ chờ đợi, trách móc phiền phức rồi sau sẽ mất tín và không cò giữ giờ giấc đúng qui định nửa, ta không trách trẻ được.
       Ta luôn luôn đúng giờ, đúng hẹn, đúng lời nói, đúng cử chỉ, ăn mặc đàng hoàng, lịch sự để trẻ nghe theo, làm theo.


ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI TRƯỞNG.

       Hình thức con người thể hiện được người có văn hóa, đạo đức.
       Luôn luôn giữ mặt mũi, chân tay, thân thể sạch sẽ. Dùng khăn tay lau mũi, khăn luôn luôn sạch, tóc chải cẩn thận. Quần áo sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, tiện lợi, chỉnh tề.

       Đói cho sạch rách cho thơm.
       Không được ăn mặc lôi thôi, đứt khuy, sổ chỉ phải khâu, rách phải vá. Quần áo giản dị, tiện lợi, không vướng víu. Khi làm, khi chơi, khi đám tiệc phải khang trang, tề chỉnh. Không ăn mặc lố lăng, không để móng tay dài, móng chân dài bẫn. Chân phải đi giày, dép, hoặc guốc và giữ chân sạch sẽ.
-          Đi dứng ngay ngắn, nhanh nhẹn.
-          Không gò lưng, không giậm chân.
-          Không lê giày, khua guốc.
-          Ngồi thẳng, tự nhiên, không ngã nghiêng, ngã ngữa, không để chân lên bàn ghế.
-          Không rung bàn ghế.
-          Khi ho, ngáp, hắt hơi phải lấy tay che miệng.
-          Vẻ mặt luôn luôn tươi vui, cởi mở, hoạt bát.
-          “Vui tánh không tốn xu nào mà mua được tất cả”.

       Có văn hóa trong ngôn ngữ.
-          Phải biết chào khi gặp mặt và chia tay người khác.
-          Chào ai phải nhìn vào mặt người ấy.
-          Ai cho gì, giúp đỡ việc gì phải biết cám ơn.
-          Khi làm hỏng hoặc làm phiền ai điều gì phải biết xin lỗi.
-          Đối với người trên phải cung kính, phải biết thưa, vâng dạ.
-          Không nói những điều gì mà mình không biết rõ.
-          Không nói to hơn người đang nói với mình.
-          Không nói chỉ riêng về mình.
-          Không nhìn đi chỗ khác, làm như thế rõ ra mình mất lịch sự.
-          Phải nhã nhặn và lễ độ.

       Hành vi văn hóa trong khi ăn.
-          Khi ngồi vào mâm hoặc bàn ăn phải quan tâm tới người chung quanh.
-          Đừng ngồi sát mâm hoặc sát người bên cạnh, làm cản trở người khác.

       “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”.
-          Cùng mọi người làm những việc: so đũa, chia chén bát, xem ai chưa đủ, thiếu gì, có thể đi lấy giúp và mời mọi người cùng ăn.
-          Khi ăn, không hấp tấp, không nhai nhanh hoặc quá chậm.
-          Không nhai nhồm ngoàm, hông húp sột soạt, không gõ đũa vào bát, hãy cố nhai không có tiếng động.
-          Không nói chuyện khi miệng còn đầy thức ăn, nếu có ai hỏi điều gì, trước hết hãy nuốt xong đẽ rồi mới trả lời.
-          Không gắp chòm lên trên hoặc chúi xuống dưới đũa người khác.
-          Khi gắp thức ăn, không đảo bới để chọn, không gắp miếng to nhất và ngon nhất, vì thế là tham ăn và không lễ phép.
-          Dùng thìa chung để múc thức ăn.
-          Chỉ húp canh khi đã múc thức ăn vào chén của mình.
-          Không húp vào thìa chung vì như thế không hợp vệ sinh. Khi hết cơm phải chờ người ngồi gần nồi gắp xong hoặc và xong mới đưa bát xin cơm.
-          Khi người lớn đưa cơm hoặc đưa vật gì cho mình, phải đỡ hai tay. Đang ăn mà bị ho hoặc hắt hơi phải lấy tay che miệng và quay mặt ra phía ngoài bàn. Nếu trong khi ăn lở xãy ra sự đổ vở, hãy bỏ qua, đừng cáu nhăn làm ảnh hưởng tới sự vui vẻ và ngon lành của mọi người.
-          Không chê bai cơm không lành, canh không ngọt.
-          Không ăn chậm quá để mọi người phải chờ đợi.
-          Không ăn cạn thức ăn trong mâm, nhưng phải ăn sạch chén của mình mới bỏ đủa.
-          Ăn xong lau miệng uống nước, rửa tay.

       Hành vi khi tiếp khách và khi đến nhà người khác.
-          Khi có khách đến nhà, hãy niềm nở đón khách vào nhà, mời ngồi pha nước mời khách uống. Nếu trong nhà có người quen với khách, hãy giới thiệu người này với người kia.

       Khi đến nhà người khác.
-          Trước khi vào nhà phải bấm chuông, gõ cửa. Nếu ở thôn quê phải lên tiếng từ ngoài ngõ vào sân báo cho chủ nhà biết trước.
-          Trước khi vào nhà nên chùi chân, rủ áo mưa, bỏ dép ngoài hiên. Nếu trong nhà đông người, không nhất thiết chào từng người một, như thế mất nhiều thời gian và vô tình ngắt câu chuyện của mọi người. Tốt hơn là chào chủ nhà, còn đối với những người khác nên nhìn chung một lượt rồi gật đầu chào chung. Nếu có người lớn vào nhà thì nên đứng dậy chào và đợi người lớn ngồi rồi mình mới ngồi.
-          Đi thăm ai phải đúng hẹn, nếu có gì thay đổi phải kịp thời báo trước để người khác khỏi chờ đợi phiền phức.

       “Lời nói không mất tiền mua
        lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

-          Đi đám cưới, liên hoan, ăn mặc chỉnh tề lịch sự, nói năng vui vẻ. Phải biết chúc mừng đôi bạn và chia vui. Không lợi dụng bửa tiệc vui ăn nói quá trớn, cười ngã nghiêng ngã ngữa, la ó um sùm.
-          Đi đám tang, không ăn mặc lòe loẹt, phải biết chia buồn với họ.
-          Đi thăm viếng bệnh nhân, phải biết thăm hỏi, an ủi và cầu chúc bệnh nhân sớm bình phục.

       Thực hiện giờ giấc.
-          Tập dậy đúng giờ quy định .
-          Xếp đồ ngũ, sách vở có trật tự, mỗi thứ để vào một chỗ qui định. Như vậy lúc dùng khỏi mất thì giờ tìm kiếm.
-          Đi đâu phải chuẩn bị từ tối hôm trước, những đồ cần dùng mang theo, để sáng hôm sau khỏi mất thời gian và hiếu sót.
-          Mượn cái gì của ai phải trả đúng hẹn, không chờ đợi để người ta phải đi đòi.
-          Không bao giờ hứa điều gì mình không làm được. Nếu đã lỡ hứa dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng làm, cuối cùng không được phải xin lỗi ngay.
-          Đi đâu bao giờ về phải xin phép và đúng giờ, đừng để cho mọi người chờ đợi và lo lắng, phải biết sắp xếp công việc làm trong ngày.

       Trước khi ra khỏi nhà.
        Phải soi gương, chải tóc, quần áo chỉnh tề. Ra đường gặp người họ hàng bà con quen biết phải chào hỏi lễ phép, luôn luôn đi về phía tay phải, nhường bước cho người già yếu, tàn tật. Nếu có người trượt té phải giúp đỡ.

       Đối với cha mẹ.
       Phục tùng cha mẹ: không cãi lời cha mẹ. Khi ta xin phép mà các ngài không cho thì đừng phiền trách, oán hận hay tỏ thái độ. Hỏi ý kiến cha mẹ cách lễ độ bằng những lời tao nhã: Thưa, xin, trình.
-          Không được làm ô danh, xấu tiếng cha mẹ bằng lời nói hay cách sống của mình.
-          Không được khinh thị, hay sỉ nhục các ngài bằng những cử chỉ khinh miệt bằng lời bất nhã, hành động vô lễ.
-          Cầu nguyện hằng ngày cho cha mẹ, luôn luôn tỏ hành vi, cử chỉ tôn trọng các ngài trong gia đình, ngoài đường, khi hầu chuyện cũng như mọi lúc, mọi nơi.
-          Luôn luôn ở lòng ngay thẳng với các ngài.
-          Hãy đáp trả các ngài bằng tình yêu ân cần.

       Đối với mọi người (nam, nữ, già trẻ, lớn bé).
       Đối với mọi người, ta phải kính trọng và đối xử lịch thiệp. Tôn trọng và yêu mến họ như anh em và cố gắng làm gương sáng cho họ. Nếu phải giúp đỡ hay khuyên bảo hãy làm cách vui vẻ.
-          Khi nhận được lời khuyên tốt hay được cho biết khuyết điểm, ta phải thành thật cám ơn.
-          Ta sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm họ làm cho mình.

LỜI CẦU NGUYỆN ĐẦU NĂM



Xin dành ngày đầu năm mới 2013 cho HÒA BÌNH  và những người KHÓ NGHÈO qua KINH HÒA BÌNH , của Thánh Phanxico Khó Khăn  như một mong ước và lời khẩn cầu .
                                                                                                                     cht





KINH HÒA BÌNH



Lạy Chúa từ nhân
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa 
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm  
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng 
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Ðem niềm vui đến chốn u sầu

Lạy Chúa xin hãy dậy con
Tìm an ủi người hơn được người ủi an
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu 
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ 
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí
Ơn an bình


Nhạc của Lm Kim Long
Trình bày : Lm Nguyễn Sang