Dạy con chưa bao giờ là việc làm dễ dàng nhưng với những nguyên tắc đơn giản này, cha mẹ sẽ là người giúp con luôn vui vẻ, tự tin và mạnh mẽ trong cuộc sống sau này.
1. Dạy con cách nói “Không”
Tình huống gặp phải: Một người bạn cùng lớp yêu cầu con cho chép bài khi đang kiểm tra. Nếu con bạn đồng ý, giáo viên sẽ phát hiện vì có 2 bài trả lời giống nhau. Khi đó, cả hai sẽ bị phê bình và trừ điểm.
Giải pháp: Hãy giải thích cho con rằng hành vi này sẽ đánh mất giá trị bản thân và nỗ lực của con bởi vì con đã dành rất nhiều thời gian học tập, ôn luyện nhưng lại để người khác lợi dụng vì lợi ích riêng. Để dạy con biết cách nói “Không”, cha mẹ có thể gợi ý trẻ trả lời: “Mình chưa làm xong. Đừng làm mình mất tập trung”. Chỉ cần một câu nói như vậy sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn và không ai có thể tiếp tục thao túng con.
2. Dạy con phản ứng với hành động tiêu cực
Tình huống gặp phải: Bạn cùng lớp của con luôn bắt nạt và đem con ra làm trò đùa. Điều này dẫn đến việc con không muốn đi học vì bị tổn thương, xấu hổ.
Giải pháp: Trong tình huống như vậy, cha mẹ không nên can thiệp trực tiếp vào xung đột này, nếu không sẽ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, hãy giải thích rằng, trên thực tế, bạn đó muốn được người khác ngưỡng mộ và nghe lời bằng cách chọc ghẹo con, làm cho con sợ hãi. Cho nên, con không cần phải khó chịu hay buồn bã vì điều này.
Nếu bạn chế giễu con, hãy nhìn thẳng và tỏ rõ thái độ phớt lờ, không quan tâm. Khi không thấy phản ứng từ con, các bạn sẽ không còn hứng thú với việc này nữa.
3. Cho con thấy rằng điểm số không phải là quan trọng nhất
Tình huống gặp phải: Khi bị điểm kém, con khóc vì nghĩ rằng đã làm bài không tốt và không dám nói với bố mẹ về điểm số vì sợ bị trách mắng hoặc trừng phạt.
Giải pháp: Tất nhiên, kiến thức thu được là rất quan trọng nhưng không nên vì vậy mà khiến con sợ hãi. Cha mẹ không nên la hét với con hoặc trừng phạt con vì điểm kém. Việc cần làm là cho con thấy tình yêu thương của bạn vượt lên trên mọi thành tích học tập. Chỉ câu nói: “Con không đạt điểm tốt phải không? Đừng buồn, con sẽ làm tốt hơn lần sau!”, bạn sẽ mang tới cho con sức mạnh hơn và sẽ không còn lo lắng, sợ hãi khi gặp khó khăn trong tương lai.
4. Dạy con giúp đỡ và bảo vệ những người yếu hơn
Tình huống gặp phải: Đi học về, con kể với bạn rằng thấy một người bạn cùng lớp bắt nạt một bạn khác. Con biết rằng điều đó là sai nhưng con không biết cách làm thế nào để giúp đỡ và cũng sợ không dám giúp.
Giải pháp: Nhiều trẻ sợ bảo vệ những người yếu hơn vì họ không muốn mạo hiểm trở thành nạn nhân tiếp theo. Cha mẹ cần giúp con thay đổi suy nghĩ này ngay từ nhỏ, giúp con hình thành nhân cách tốt sau này. Hãy đề nghị trẻ giúp đỡ những người xung quanh như anh em ruột thịt, họ hàng của mình hoặc một con vật cưng trong nhà.
5. Dạy con thấy yêu thích những việc mình làm
Tình huống gặp phải: Các hoạt động liên tục ở trường học, câu lạc bộ, học thêm, bài tập về nhà dễ làm cho con mệt mỏi và kiệt sức. Tất cả những gì con muốn là thư giãn hoặc đi chơi cùng bạn bè.
Giải pháp: Bạn luôn muốn con cái được thành công và đạt kết quả cao trong học tập nên đã sắp xếp cho con tham gia các câu lạc bộ, lớp học thêm càng nhiều càng tốt. Nhưng việc làm này không thể đem lại niềm vui và sự hứng khởi cho trẻ bằng những hoạt động mà bản thân trẻ thích. Hãy để con 1 giờ mỗi ngày để con được làm việc con thích đúng với sở trường, sở thích của con như chơi trò chơi điện tử, thể thao hoặc vẽ nghệ thuật hay bất cứ hoạt động nào con muốn.
6. Hoạt động thể chất là phần quan trọng của cuộc sống
Tình huống gặp phải: Con bạn quá nhút nhát, hay xấu hổ, thích ở nhà thay vì tham gia các hoạt động bên ngoài hay vui chơi cùng bạn bè.
Giải pháp: Cha mẹ hãy đề xuất cho con chơi thử một môn thể thao đồng đội. Khi trẻ được cùng chơi với những người bạn có cùng sở thích sẽ tạo ra tác động tích cực và tạo ảnh hưởng tốt hơn tới trẻ. Hơn nữa, thể thao góp phần cải thiện sự tự tin, tính độc lập của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên ghi nhớ sở thích và trò chơi, hoạt động mà con yêu thích. Nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược là trẻ sẽ tỏ ra chán ghét thể thao.
7. Dạy con biết yêu bản thân
Tình huống đặt ra: “Bạn con có mái tóc đẹp, đôi mắt to tròn, còn con thì thật xấu xí”. Sớm hay muộn, tất cả trẻ em bắt đầu so sánh bản thân với những đứa trẻ khác và nó có thể trở thành vấn đề trong tương lai.
Giải pháp: Mọi đứa trẻ, bất kể giới tính, đều muốn trở nên hấp dẫn và tài năng. Vì vậy bạn đừng quên nói với con rằng con rất đẹp. Nếu trẻ có thần tượng yêu thích, hãy cho trẻ xem ảnh hồi nhỏ hoặc ảnh chưa qua chỉnh sửa của họ để chứng minh rằng điều khiến chúng ta trở nên xinh đẹp và tuyệt vời không phải là do ngoại hình hoàn hảo mà là do chính những điểm khác biệt tạo nên nét độc đáo riêng của từng người.
Theo Huyền Anh (Theo Brightside) (Dân Việt)