Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

BUỔI HỌP CỦA HTDC

 


              Vì những tài liệu về sinh hoạt cộng đồng chưa phổ biến kịp nên ở đây chúng tôi xin nhắc qua ít điều về buổi họp HTDC theo tinh thần TÂN THỦ BẢN để quý Hữu Trách các nơi kịp áp dụng trong chiến dịch này . Hình thức họp trình bày ở đây chỉ dành cho các cơ chính thức : Kim Hoan , Nhiệt Quang , Chiến Chinh . Phương pháp họp cho Ong Phượng xin theo những chỉ dẫn trong các cuốn :  Chỗ hẹn hò cho các em 6 và 7 tuổi;  Huấn luyện huynh trưởng dọn buổi họp ; Phương pháp Ấu Hùng Áu Dũng ;   do văn phòng HTDC Đà Nẵng ấn hành .

A-     QUAN NIỆM VỀ BUỔI HỌP HTDC

             Nhiều người trách các đoàn HTDC khi họp chỉ biết chạy nhảy chơi hát suông vô ích . Có thể là họ đã nói quá , nhưng lắm khi cách sinh hoạt của một số huynh trưởng cũng đáng trách thực sự vì không mang một nội dung nào và quá khác xa với phương pháp HTDC .

             Buổi họp cho trẻ em thì cần vui tươi ca hát . Nhưng nếu chỉ họp vòng tròn lại để chơi hát suông thì cũng  thật vô nghĩa , vì nó chưa cho thấy được tính cách tông đồ ở chỗ nào .

             Phong trào của chúng ta là phong trào Tông đồ thiếu nhi nên buổi họp phải giúp trẻ em làm tông đồ  theo tầm tay của chúng  :  buổi họp giúp các em suy  XÉT  và thảo luận về  những điều chính chúng đã  XEM  thấy trong đời sống để cùng nhau quyết đinh làm một  cái gì  ( áp dụng phương pháp  XEM, XÉT, LÀM  của Tông đồ giáo dân vào thế giới trẻ em theo tầm mức trẻ em ) .

             Để các em có thể xem, xét, làm  theo tầm mức của chúng thì buổi họp phải là buổi họp của trẻ em, do trẻ em  ,  như chính khoa sư phạm  của phong  trào mong muốn . Khoa sư phạm chủ trương để cho chính trẻ em hành động và giúp chúng hành động , nên trong buổi họp, ta phải để cho chính trẻ em nêu ý kiến  và chọn quyết định , ta ( Hữu Trách ) chỉ gợi ý , hướng dẫn và nâng đỡ các em để chúng :

-          Kể lại những điều chúng đã nghe , đã thấy  .

-          Nhìn những sự kiện đó dưới ánh sáng đức tin .

-          Tìm  ra cách phản ứng Kitô giáo, tìm ra quyết định để làm .

             Như vậy Hữu Trách không họp các em , không ra lệnh cho các em , không quyết định dùm các em  , nhưng Hữu Trách họp với các em , gợi ý , nâng đỡ và hướng dẫn các em.

            Trong chương trình sinh hoạt hàng tuần của mỗi đoàn  , để các Hữu Trách và cơ sinh tha thiết với buổi họp cơ hơn ( vì buổi họp cơ là phần chính yếu ) , chúng tôi xin đề nghị các đoàn xếp chương trình cho họp cơ trước , mỗi cơ được tự do và tự động hẹn thì giờ và nơi họp riêng . Sau khi họp cơ xong chúng ta mới kéo nhau về họp đoàn .

B-     DIỄN BIẾN BUỔI HỌP :

             Để có bầu khí hòan toàn tự nhiên cởi mở buổi họp phải được kể từ lúc chuẩn bị họp  : lúc ta gặp gỡ hỏi han các em .  Như thế buổi họp có thể là :  TIẾP ĐÓN , GỢI Ý VÀ THẢO LUẬN , HỌC HỎI , HỌP ĐỘI , KẾT THÚC  .

1)      Tiếp đón :

             Bạn đứng đợi các em ở địa điểm họp và nói chuyện với các em :  hỏi han từng em về sức khỏe , gia đình , học hành , cách riêng những em vắng mặt tuần trước ….. Từ những điều nghe biết ở đây lát nữa bạn sẽ dễ dàng dẫn vào đề tài buổi họp .

             Nếu có 2 người cùng coi  một cơ thì một người tiếp đón từng em , một người kể chuyện hay tập hát cho những em đã tới  .

              Bạn cũng có thể tiếp đón các em ngay từ khi bạn ở nhà ra đi , dọc đường gặp cơ sinh bạn rủ chúng cùng đi họp, vừa đi vừa nói chuyện, đi ngang nhà một em , bạn bảo các em khác gọi ,..

              Như thế ta thấy không cần đến ( và không nên dùng ) hình thức tập họp bằng còi, theo hình tròn, hàng dọc,….. mà trái lại khi bắt đầu họp thì các em đã ở sẵn quanh ta .

2)      Gợi ý thảo luận :

               Khi tới giờ hay khi các em đã tới khá đông đủ , bạn bắt đầu buổi họp bằng một lời nguyện ngắn . Mỗi lần một cách  .  Một đôi khi cũng có thể hô khẩu hiệu , châm ngôn . Tránh những thủ tục cứng  ngắc cố định  .

              Bây giờ bạn sẽ nhắc lại một trong những điều  bạn nghe được khi tiếp đón các em , hoặc kể cho các em một sự kiện mà bạn đã nghe được  trong tuần , để từ đó gợi ý cho các em nêu lên những sự kiện của chúng  và cùng bàn cãi đễ cuối cùng đi đến kết luận làm một việc gì  .

              Sự kiện bạn nêu  ra cũng có thể là rút ra từ việc kiểm điểm, việc làm tuần trước hay từ lý do vắng mặt  của một em nào đó  ( kiểm điểm kín đáo, không điểm danh bằng cách hô tên như lính ) .

               Việc Tông đồ luôn nhắm vào thực tế nên những quyết định để làm không thể rút ra từ một trò chơi hay một bài hát , trái lại ta cần phải cho các em nói chuyện về những sự kiện có thật trong xóm , trong trường, và từ đó ta hướng dẫn các em đi đến quyết định làm một cái gì để  đáp ứng với hoàn cảnh có thực ấy .

              Những điều chính bạn quan sát được trong tuần, đường hướng chiến dịch thường niên và Tin Mừng Chúa Nhật sẽ soi sáng cho bạn trong việc giúp các em tìm ra quyết địmh đó .

              Bạn hãy  can đảm để cho các em góp ý kiến thật nhiều, hãy khuyến khích , nâng đỡ cho các em nói , hướng dẫn cho các em biết phán đoán theo tinh thần Tin Mừng . Là vì bạn đang hướng dẫn các em làm Tông đồ thiếu nhi thực sự đấy .

3)      Học hỏi  :

               Ngoài phần họp đúng nghĩa là phần vừa nói  trong buổi sinh hoạt ta còn có thể dành một phần thời giờ  để giúp các em học hỏi  những điều căn bản , cần thiết , tùy sự xếp đặt  của bạn và ban huynh trưởng  đoàn : kiến thức phổ thông , tôn giáo, giao tế ( xem chương trình huấn luyện đoàn sinh ) .

              Bạn cũng có thể để phần học hỏi này ngay đầu buổi họp, sau khi cầu nguyện mở đầu , rồi mới đến phần gợi ý và thảo luận .

              Ghi chú về cầu nguyện :  Trong buổi họp, ở phần thảo luận cũng như học hỏi , mỗi khi có thể bạn hãy hướng dẫn các em cầu nguyện  và nếu được để cho các em cầu nguyện tự phát .

4)      Họp đội :

                Trong mỗi buổi họp cơ, ta dành độ 10, 15 phút để cho các em họp đội hoặc để  cho các em bàn chuyện riêng của đội hoặc để học hỏi chuyên môn , hoặc để chuẩn bị trại .

5)      Kết thúc :

-          Cầu nguyện kết thúc .

-          Nhắn nhủ và dặn dò, hẹn nơi và giờ họp lần sau .

-          Chào , chia tay …..

C-     DỌN BUỔI HỌP :

             Để buổi họp kết quả nhiều bạn phải chuẩn bị nó suốt cả tuần lễ trước đó  : ghi nhận những điều tai nghe thấy có liên hệ đến trẻ em và thế giới trẻ em để giúp các em .

             Bạn cần nhớ buổi họp phải thích hợp với hoàn cảnh : miền quê hay thành phố , mùa mưa hay mùa nắng , sắp đến lễ gì ……

Ngoài ra khi dọn buổi họp,  bạn cũng phải ghi rõ những chi tiết khác :

·         Tiếp đón ( khung cảnh tuần này có gì đặc biệt ).

·         Kiểm điểm việc làm tuần trước  : sự kiệ n gợi ý ( ghi rõ chi tiết); các câu hỏi gợi ý (cần nhiều) . Thấy trước vài việc làm mà các em sẽ nêu , sẽ đề nghị chọn việc nào . Các trò chơi , bài hát ……

·         Học hỏi về chuyện gì ?

·         Có họp đội ? Về việc gì ?

·         Nhắn nhủ ….

                Dù đã dọn kỹ buổi họp bạn cũng đừng  bao giờ áp dụng một cách máy móc những gì đã dọn . Cần biết linh động theo những sự kiện ,  ý kiến mà các em đem lại .

                                        HỮU TRÁCH CỘNG ĐỒNG











 

 

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

SỨC SỐNG

 



Dù đang trong những tuần mưa bão, và dưới những điều kiên chưa thuận lợi lắm các em HTDC gx Quản Lợi, Bình Phước ( sáng 25/10) và HTDC gx Quảng Nghệ, Bà Rịa ( chiều tối 18/10) vẫn sinh hoạt bình thường .








Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG ( tiếp theo)



III-                    NHỮNG PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG

               mỗi quốc gia, tùy theo điều kiện tâm lý , các phương pháp sư phạm hoạt động  có giá trị khác nhau . Tuy nhiên, Phong trào HTDC có 3 hình thức hoạt động căn bản là : chiến dịch thường niên, những hoạt động và cộng đồng Hùng Dũng .

A)     CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN :

                    1/ Định nghĩa : Chiến dịch thường niên là một kế hoạch  làm việc  hữu hiệu trong một thời hạn để đạt một mục tiêu nào đó . Thường thường các chiến dịch được tổ chức như một trò chơi lớn được phổ biến trong một địa hạt mà chính các em nắm phần chủ động .

                    Chiến dịch thường niên là một qui tắc giúp mỗi em tăng trưởng , cải tạo bản thân và tích cực tham gia vào việc biến đổi , cải tạo thế giới trẻ em của chúng, để Chúa Kitô được nhìn nhận, được yêu mến và hiểu biết hơn  

                   2/ Cách tổ chức : ( xem phần Chiến Dịch Thường Niên)

B)     NHỮNG HOẠT ĐỘNG  :

                    Những hoạt động là những trò chơi  có mục đích diễn tả  chiến dịch theo đúng  những đòi hỏi của thiếu nhi . Những hoạt động kích thích sự hăng say  và thích thú ,  căn cứ  vào năng khiếu và óc tò mò của trẻ . Những hoạt động được vẽ ra cho cả năm hay  một khoảng thời gian nhất định của chiến dịch .

1.      Hình thức của những hoạt động   :

               Hình thức của những hoạt động là các trò chơi . Đối với trẻ , trò chơi rất quan trọng . Đứa trẻ cần máy động và cần cơ hội phát triển năng khiếu một cách tự do, trò chơi là dịp giúp  trẻ em tự ý dấn thân .

               Trò chơi cần được tổ chức thế nào để đem lại kết quả tốt cho trẻ ? Những  điều kiện để trò chơi có ích lợi là :

-          Trò chơi được trình bày như một cuộc mạo hiểm : trẻ em thích được tìm hiểu về chính cuộc sống  của mình  và làm cho cuộc sống  trở nên trọn vẹn .

-          Trò chơi được trình bày  như một cuộc khám phá tự ý , nghĩa là chỉ tạo cơ hội cho đứa trẻ tìm tòi  và tự ý dấn thân . Trò chơi gợi lên sự ham thích  và những năng khiếu ,cho trẻ dịp máy động .

-          Trò chơi được tổ chức thích hợp  với từng lứa tuổi , từng loại sở thích  và khả năng trẻ  . Đừng bắt hai nhóm trẻ em khác tuổi nhau, khác trình độ hiểu biết chơi chung một trò chơi .

-          Trò chơi dẫn đến một mục tiêu có tính giáo dục  . Làm thế nào để qua trò chơi, đứa trẻ tìm được một bài học , một cơ hội để sống bài học đó .

2.      Cách trình bày các hoạt động :     

               Tùy theo phương tiện và hoàn cảnh địa phương  , những hoạt động được tổ chức một cách linh động . Để phổ biến chiến dịch,  các hoạt động được sắp xếp và trình bày  theo từng giai đoạn và phương cách thích hợp .

                Những cách trình bày thông dụng là  : báo chí , bích chương, truyền đơn, trò chơi, truyền thanh, truyền hình ….. Điều quan trọng là cách trình bày phải gây được sự chú ý, sự ham thích nơi trẻ em, nghĩa là thật sự là những hoạt động của trẻ em trong thế giới trẻ em .

3.      Những lợi ích của các hoạt động :

               Ích lợi sâu xa nhất cần nhắm đến là giúp trẻ Kitô hóa chính nó và thế giới nó sống . Những ích lợi có thể kể :

·         Trẻ  em mang theo trong mình một lý tưởng, một tinh thần mới trong những hành vi trong đời sống hằng ngày ( trẻ thành thật, ngoan  ngõan, dễ thuơng hơn) .

·         Trẻ em khám phá ra thế giới, khám phá được  những giá trị  của đời sống và con người, biết được trật tự Tạo hóa trong công cuộc sáng tạo và góp phần xây dựng một thế giới, một Giáo hội tốt đẹp theo khả năng của nó .

Tóm lại, những hoạt động  ảnh hưởng  chậm, nhưng sâu xa tới đời sống trẻ em . Trẻ em được biến cải dần dần tâm trạng, quan niệm về thế giới và cuộc sống . Cuối cùng nhờ hoạt động , trẻ em góp phần xây dựng thế giới mới trong tinh thần Chúa Kitô . 

C- NHỮNG CỘNG ĐỒNG HÙNG DŨNG

1.      Cộng đồng Hùng Dũng là gì ? Mục tiêu :

                  Cộng đồng Hùng Dũng là những  nhóm trẻ em qui tụ quanh một Hữu Trách  để được hướng dẫn trong việc tông đồ . Những trẻ em cùng tuổi, ở cùng khu vực, có cùng một vài sở thích tự ý tìm đến để chơi và sống với nhau . Người Hữu Trách biến các nhóm này thành những cộng đồng sinh hoạt theo đường hướng  của Phong Trào .

2.      Các sinh hoạt của cộng đồng Hùng Dũng :  

                 Các  sinh hoạt của cộng đồng Hùng Dũng gồm 3 hoạt động chính :

a)      Trò chơi :  Tất  cả những trò chơi , bài hát, thủ công , các kỹ thuật vui tươi đều có giá trị giáo dục căn bản . Qua những kỹ thuật này đứa trẻ được mở mang về phương diện bản thân và cộng đồng . Vì thế để đạt đến  một mục tiêu  nào khoa sư phạm hoạt động cũng dùng trò chơi  để gây sự thích thú và tự ý dấn thân nơi trẻ em .

b)     Việc làm của trẻ  :   Những sinh hoạt cộng đồng phải do chính các em tự động tổ chức và tham gia . Người Hữu Trách chỉ gợi ý , hướng dẫn, khuyến khích và giúp trẻ ý thức việc  làm của nó  theo mức độ chúng có thể ý thức . Mỗi đứa trẻ đều có thể tìm thấy ở cộng đồng một chỗ đứng  riêng thoải mái phù hợp khả năng và sự quảng đại dấn thân của nó .

c)      Mở rộng cửa cộng đồng Hùng Dũng :

Cộng đồng Hùng Dũng đón tiếp tất cả  mọi trẻ em muốn tham gia  khi chúng được mời gọi đến . Cộng đồng Hùng Dũng  cần lưu tâm  đên lứa tuỗi, học lực, mội trường, hoàn cảnh của trẻ em . Sinh hoạt của cộng đồng phải ăn nhịp với đời sống thiếu nhi để các em thấy thoải mái  ( nhất là giờ giấc sinh hoạt ), địa điểm sinh hoạt phải thuận  tiện cho các em trong cộng đồng  .

              Sự tham gia vào cộng đồng Hùng Dũng giúp trẻ em cảm thấy mình là một người của đời sống , của thế giới và của Giáo hội  . Với tuổi thiếu nhi, đứa trẻ chưa thể tham dự vào những sinh hoạt rộng lớn của xã hội, cộng đồng Hùng Dũng  là một mẫu Giáo Hội thu nhỏ để giúp trẻ em hiểu Giáo Hội hơn . 

IV-                  KẾT LUẬN :

Để đi đến một cái nhìn chính xác về khoa sư phạm hoạt động của Phong Trào Hùng Tâm Dũng Chí , chúng ta có thể tóm tắt các ý tưởng sau :

-          Vì sứ mạng của Phong trào là làm cho trẻ em được hạnh phúc  thực sự và Kitô hóa thế giới trẻ em, đường lối giáo dục của Phong trào  chú trọng đến hành động  của chính trẻ em;  các phương pháp để giáo dục là Chiến Dịch  Thường Niên  với sự phụ lực của các hoạt động  và tổ chức  cộng đồng Hùng Dũng nhằm gây một sự biến cải thái độ  của trẻ em trong tâm tình tự ý dấn thân .

-          Tất cả những hoạt động giáo dục  đều căn cứ trên nhu cầu , năng khiếu và khả năng của chính thiếu nhi ; được tổ chức thích hợp với hoàn cảnh , môi trường và điều kiện của thế giới trẻ em .

                                                                                      Nguyễn Thị Khiết



 

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG

 

I-                    PHẦN DẪN NHẬP :

               Sứ mệnh của Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi chính là sứ mệnh của Giáo hội, nghĩa là “ Loan báo Chúa Giêsu Kitô  và tỏ bày  sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn mọi người và trong thế giới “ ( Tân Thủ Bản, chương IV, trang 45) .

               Đối với thiếu nhi, việc loan báo Tin Mừng có nghĩa là thực hiện Gíao Hội  trong thế giới trẻ con : “ Chính Chúa Giê su Kitô hoạt động trong thế giới trẻ con bằng chính trẻ con” .Vậy muốn thực hiện Giáo Hội trong thế giới thiếu nhi Phong trào cần phải  áp dụng những phương pháp sư phạm thích hợp với tâm lý , nhu cầu triển nở và ham thích của trẻ em; đồng thời những phương pháp sư phạm này cần phải liên kết được  con người với  thiêng liêng , giúp mỗi trẻ em thăng tiến bản thân trong cuộc sống Kitô hữu và giúp cổ võ  sống đạo trong thế giới thiếu nhi nữa . Những phương pháp sư phạm này được gọi là khoa sư phạm hoạt động .

              Chúng ta hãy đi sâu vào khoa sư phạm hoạt động để có thể nhận ra ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của Phong Trào Hùng Tâm Dũng Chí .

II-                  SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG LÀ GÌ ?

               Căn cứ trên tâm lý trẻ em và sứ mệnh của Phong trào , khoa sư phạm hoạt động “ Để cho trẻ em hành động”  . “ Hành động “ để tự nảy nở, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô để Kitô hóa thế giới thiếu nhi và để góp phần loan báo Tin Mừng . Để hướng dẫn những HÀNH ĐỘNG  của trẻ em, Phong trào có những hoạt động đặc biệt nhằm phát triển chính bản thân đứa trẻ  và hoàn tất sứ mệnh của Phong trào .

             1/ Khoa sư phạm của phong trào thiếu nhi  :

              Trước hết, Phong trào có mục đích : “ Giúp trẻ em NẢY NỞ , thật sự là những trẻ em hanh phúc “ . Trẻ em cần NẢY NỞ  những gì và khi nào chúng cảm thấy hạnh phúc .

·         NẢY NỞ :  Nảy nở có nghĩa là phát triển toàn diện những gì trẻ em có ; thể xác, tâm hồn, tài năng . Về thể xác trẻ em cần chạy nhảy , hoạt động, cần được tiêu hao những năng lượng trong người , đồng  thời cũng cần được bồi bổ những thiếu sót về sức khỏe , khoa sư phạm lợi dụng những trò chơi  để luyện tập và phát triển thể xác  trẻ em . …Về tài năng , bất cứ trẻ em nào cũng có một số tài năng nào đó mà sự giáo dục ở gia đình và học đường không thể làm phát triển toàn vẹn được , khoa sư phạm khai triển những tài năng này bằng những trò chơi, những cuộc khám phá  dựa trên óc tò mò và sự ham tìm hiểu của các trẻ . Về  tâm hồn, nếu được hướng dẫn tốt , trẻ em có tâm hồn và hành động tốt, vì thế, qua những hoạt động tập thể , trẻ em có dịp sống chung và mở rộng tâm hồn chấp nhận mọi người chung quanh nó .

·         TRẺ EM HẠNH PHÚC   :  Trẻ em sẽ cảm thấy hạnh phúc , khi thể xác được phát triển đầy đủ, khi các tài năng được phát triển và trở nên lợi ích cho chính đứa trẻ và khi  đứa trẻ chấp nhận người khác và được người khác chấp nhận mình  một cách dễ dàng . Khi đó không có gì khó khăn ngăn chặn sự tiến triển của đứa trẻ nữa , đứa trẻ cảm thấy hài lòng về những gì mình có .

                 2/ Khoa sư phạm Kitô giáo :

                 Ngoài mục đích nhân bản trên , Phong trào còn có mục đích đào  luyện trẻ em thành những chứng nhân của Chúa Ki tô trong thế giới trẻ em nữa . Những hoạt động để giúp trẻ NẢY NỞ  luôn luôn có tính cách ĐÀO LUYỆN . Khi trẻ em phát triển thể xác , tâm hồn , tài năng,  chúng cũng khám phá  ra công trình của Chúa Kitô nơi chúng và nơi những người chung quanh . Từ khám phá này , đứa trẻ đi đến hành động nhằm Kitô hóa thế giới chúng sống  bằng chính những hành động đã giúp chúng NẢY NỞ . Ta có thể trình bày sự phát triển của trẻ em khi áp dụng khoa sư phạm hoạt động  như sau :

 

            Chơi                              Sống                                        Chơi

       ( Để nảy nở  )            (Được đào luyện)           (Để giúp người khác nảy nở )          

                     Tóm lại, Phong trào giúp trẻ em hạnh phúc để chính trẻ em giúp nhau hạnh phúc ; Phong trào giúp trẻ em nhận ra  Chúa Kitô để chính trẻ em làm chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống bằng hành động . 



 (còn tiếp)

 

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

PHONG TRÀO HTDC LÀ PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC

 


             Phong trào HTDC không phải là phong trào giáo dục nhân bản thuần túy . Phong trào HTDC còn là một phong trào Công giáo tiến hành chuyên biệt , nghĩa là một phong trào tông đồ thiếu nhi, một phong trào tông đồ cảnh vực .

I-             THẾ NÀO LÀ TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC ?

               Sống trong xã hội mỗi người có một môi trường sống, một khung cảnh sinh hoạt,một lĩnh vực nghề nghiệp .Môi trường sống của anh là thôn quê hay thành thị , khung cảnh sinh hoạt của anh là học đường hay nhà máy, lĩnh vực nghề nghiệp của anh là thương gia hay nông dân …. Những người sống trong cùng hoàn cảnh , cùng nghề nghiệp thường xuyên gặp gỡ và trở nên thân thiết với nhau . Vì tiếp xúc  thường xuyên như thế , lời nói hành động của họ sẽ ảnh hưởng lẫn nhau cách sâu đậm và biến thành đặc tính của cộng đồng , không còn tính cách cá nhân nữa . Do đó mỗi tầng lớp có sắc thái riêng biệt của mình  . Học sinh có lối sống , lối phát biểu riêng khác với thợ thuyền  . Trí thức có ngôn ngữ khác biệt với nông dân . Vì thế người công giáo khi có cùng môi trường sống , cùng khung cảnh sinh hoạt, hay cùng lĩnh vực nghề nghiệp với người khác tôn giáo sẽ chịu ảnh hưởng của họ và đồng thời  cũng gây một ảnh hưởng nào đó  trên họ . Người Công giáo không thể nào tách rời  khỏi môi trường của mình  mà luôn luôn gắn chặt  với môi trường cũng như không thể nào  ra khỏi thế gian mà luôn sống trong thế gian . Người Công giáo bất cứ làm nghề gì  cũng phải chung đụng  và bất cứ ở đâu trong hoàn cảnh nào cũng phải tiếp xúc  .

          Vì thế người Công giáo phải có một lối sống hoàn hảo để ảnh hưởng vào môi trường sống của mình , phải làm sao cho chính môi trường mình sống trở nên tốt đẹp theo tinh thần của Chúa Kitô . Đó là làm tông đồ cảnh vực .

           Chính sắc lênh Tông đồ Giáo dân số 13 đã nói :” Hoạt đồng tông đồ trong môi trường xã hội là cố gắng đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần tâm trạng và phong tục , luật pháp và cơ cấu cộng đoàn nơi mỗi người sống . Đó là bổn phận và trách nhiệm riêng cuả người giáo dân không ai có thể thay thế họ được cho đúng mức . Trong địa hạt này người giáo dân  có thể làm việc tông đồ  của người cùng cảnh ngộ  đối với người cùng cảnh ngộ . Ở đó họ dùng lời nói để bổ túc cho đời sống làm chứng . Đó là nơi họ có thể giúp đỡ anh  em họ một cách hữu hiệu trong việc làm cũng như trong nghề nghiệp, học hành, nhà ở , giải trí, khu xóm “ .

              Tóm lại làm tông đồ cảnh vực    Kitô hóa  cảnh vực mình sống . Nhiệm vụ này chính là của giáo dân không ai thay thế được .

 

II-            TẠI SAO PHONG TRÀO HTDC LÀ PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC ?

              Phong trào HTDC là phong trào tông đồ thiếu nhi : dùng thiếu nhi hoạt động,  hoạt động cho thiếu nhi, và dùng phương pháp của thiếu nhi . Phong trào ”giúp trẻ em LÀM CHỨNG  bên cạnh các trẻ em khác  nơi chúng sống và KITÔ HÓA  tất cả cuộc sống giữa trẻ em với nhau và giúp trẻ em tùy khả năng Ý THỨC  những việc chúng làm là HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI “ ( theo Tân Thủ Bản ) .

             Mỗi thiếu nhi có một cuộc sống riêng của nó tùy thuộc con người nó và cảnh sống chung quanh .

             Nó có một tuổi, một tính tình riêng biệt : lanh lợi, chậm chạp, nóng nẩy, hiền hòa ,….

             Nó sống trong một gia đình giàu, nghèo hay trung bình, sống trong làng xóm, trong khu phố , xóm lao động, hay trong nội trú ,….

             Nó chịu ảnh hưởng rất nhiều của thế giới văn minh do những phương tiện truyền thông : báo chí, truyền thanh , truyền hình , phim ảnh , quảng cáo ,….

             Nó đung chạm với những biến cố gần hay xa về chính trị, kinh tế , xã hội,….

             Tất cả những yếu tố đó tùy ở nền giáo dục sẽ tạo nên những thiếu nhi có sẵn cá biệt .

             Cũng nhờ những yếu tố trên mà những nhóm, những băng thiếu nhi được hình thành . Những em cùng trường, cùng xóm, cùng được hấp thụ một đường lối giáo dục thường chơi chung với nhau . Những em con nhà giáu thường kết thân với nhau và những em nhà nghèo thường lui tới với nhau . Những em cùng lứa tuổi, cùng tâm tính tự nhiên tìm đến nhau và tạo thành nhóm trẻ . Tóm lại những thiếu nhi họp lại thành nhóm với nhau bao giờ cũng là những thiếu nhi có chung một đặc điểm nào đó .

           “ Vì thế phong trào chủ trương lúc thực hiện phải quan tâm đến những môi trường xã hội của thiếu nhi , những cộng đồng sở tại, về văn hóa và tôn giáo mà chúng dự phần “.

           ” Phong trào tự đặt mình trong hàng ngũ các phong trào được gọi là TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC   hoạt động trên bình diện thanh niên và người trưởng thành bắt đầu đi từ những tiền kiến căn bản giống nhau (HĐTĐTN).

             Chính vì mục đích của phong trào đã nêu trên, và cũng chính vì phong trào quan tâm tới môi trường thiếu nhi sống mà phong trào đã tự coi mình là một phong trào cảnh vực hoạt động trên bình diện thiếu nhi . Nghĩa là phong trào nhằm đào tạo thiếu nhi thành tông đồ cảnh vực , gây ý thức các em biết sống đúng đời sống của người Công giáo và biết làm gương  cho các em khác  trong mội trường em sống . 

 


III-           LÀM TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC NHƯ THẾ NÀO ?

             Đọc sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân số 13 chúng ta có thể thấy ngay câu giái đáp :

             “ Người giáo dân chu toàn sứ mạng này của Hội Thánh trước tiên bằng sống một một đời sống phù hợp với đức tin , đức tin làm cho họ trở thành ánh sáng soi cho thế gian, làm chứng bằng cách xử sự lương thiện trong mọi công việc .Sự lương thiện này có thể làm cho mọi người yêu mến sự chân và sự thiện, và cuối cùng có thể thúc đẩy họ đi  tới được với Chúa Kitô và Hội Thánh . Làm chứng bằng một tình thương huynh đệ  làm cho họ biết chia sẻ với anh em họ, điều kiện sinh sống và làm việc, những khổ đau và ước vọng, nhờ đó họ có thể âm thầm và kín đáo hướng dẫn mọi tâm hồn về với ơn cứu rỗi . Làm chứng bằng cách ý thức trọn vẹn trách nhiệm của mình trong cuôc xây dựng  xã hội, ý thức đó giúp họ cố gắng chu toàn nhiệm vụ  của mình trong gia đình, trong xã hội, trong nghề nghiệp, với lòng quảng đại của người Kitô hữu , nhờ đó mà cách hành động của họ thấm  nhập dần dần môi trường sinh sống và làm việc của họ .

               Công việc tông đồ này phải ôm trùm lên tất cả mọi người, bao nhiêu cũng được và không loại trừ một ích lợi vật chất  hay thiêng liêng nào có thể làm cho họ . Tuy nhiên người tông đồ đích thực không chỉ bằng lòng với hoạt động ấy , mà  còn phải  tìm cách bằng lời nói  loan báo Chúa Kitô cho những người chung quanh .Bởi vì một số đông nhân loại chỉ có thể nghe  nói đến Tin Mừng và nhận biết Chúa Kitô là nhờ những giáo dân sống gần họ “ .

              Như  vậy làm tông đồ  cảnh vực chính là :

             1/ Sống phù hợp với đức tin giữa  mội trường sống :

              Người giáo dân phải  sống Đức tin giữa mội trường, đem Đức tin vào cuộc  sống và  phản ứng bằng Đức tin trước mọi sự kiện xảy đến trong đời .

              2/ Xử sự lương thiện trong mọi hành động :

             Tại xưởng thợ, tại công sở,khi giao tiếp……người giáo dân phải có một lương tâm ngay thẳng, một tâm hồn liêm khiết, chân thực .

             3/ Sống tình huynh đệ với mọi người :

             Người giáo dân phải thể hiện sáng chói đức bác ái giữa mội trường mình sống , phải làm sao để mọi người nhận được một tình thương chân thực của chúng ta , và phải biết chia sẻ  với mọi người  trong mọi nỗi vui buồn và thực trạng cuộc đời .

             4/ Ý thức trọn vẹn trách nhiệm xây dựng xã hội :

            Người giáo dân phải ý thức hơn ai hết trách nhiệm xây dựng xã hội để từ đó biết chu toàn mọi nghĩa vụ, không trốn tránh bất cứ nghĩa vụ nào . Như thế người giáo dân phải   đem hết tài năng sức lực ra chu toàn trách nhiệm công cũng như tư .

            Chính cuộc sống như thế sẽ là đèn sáng , là lời thúc đẩy những người khác tìm đến  Chúa  Ki tô .Tuy nhiên người tông đồ đích thực không chỉ bằng lòng với lối sống chứng nhân như thế mà còn phải nói  về Đức Ki tô nữa .

            Đó chính là cách thức làm tông đồ cảnh vực mà thiếu nhi cần thực hiện theo khả năng  hoàn cảnh và lứa tuổi của mình. Nghĩa là thiếu nhi phải sống  Đức tin, sống lương thiện, sống bác ái, chu toàn  nghĩa vụ trong môi trường sống .

            Để kết luận, chúng tôi xin nêu ra những băn khoăn xin các bạn giải đáp để rút ra những  thực hành cho đời huynh trưởng :

·         Chúng ta đã có hành động tông đồ nào trong môi trường sống chúng ta ?

·         Chúng ta có chú tâm đến việc hướng dẫn các em HTDC  hành động tông đồ trong mội trường các em không ?