Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

LỊCH SỬ BÀI HÁT :"ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG"



Lịch sử bài thánh ca nổi tiếng Đêm Thánh Vô Cùng bắt đầu từ đêm vọng Giáng Sinh năm 1818 tại một ngôi làng nhỏ bé vùng đồi núi Orbendorf, nước Áo.

Linh mục Josef Mohr, cha xứ của giáo xứ Saint Nicholas, đã sáng tác một bài thơ ngắn đặt đề tựa là <<Đêm Thánh>>, ngài muốn phổ nhạc để hát trong thánh lễ nửa đêm.

Nhưng cha xứ lại không phải là một nhạc sĩ. Vì thế mà ngài đã nhờ đến người bạn của ngài, Ông Franz Gruber, giáo viên và cũng là nhạc sĩ rất hợp với ngài để phổ nhạc bài thơ đơn sơ này. Franz Gruber là người đàn phong cầm tại giáo xứ. Tuy nhiên, ông lại soạn bài hát cho đàn guitar với bài thơ Đêm Thánh của vị bạn cha xứ tại Saint Nicholas Orbendorf. Và rồi bài hát nổi tiếng Đêm Thánh Vô Cùng ấy đã được hát lần đầu tiên trong đêm 24 tháng 12 năm 1818.

Kể từ đó bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng tự nhận danh hiệu là một bài hát gây ấn tượng nhất cho đêm thánh giáng sinh hài nhi Ki-tô.

Dẫu rằng tin hay không, người ta cũng không thể không rung động trước nét đẹp và đặc biệt là nét sâu sắc của bài hát đã lan rộng khắp địa cầu.

Bài Đêm Thánh Vô Cùng đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên hoàn vũ. Người ta còn hát với tiếng Et-ki-mô và với thổ ngữ ban-tu ở Phi Châu. Không có một âm hưởng nào, đời hay đạo, được quốc tế biết tới nhiều như bài thánh ca giáng sinh khiêm nhu này của Áo quốc.

Xuyên qua lịch sử Ki-tô giáo, bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng đã trở thành một biểu tượng chân thực cho mầu nhiệm sâu kín đêm Thiên Chúa giáng trần của người tín hữu Ki-tô.

Thực tế, có chăng một đêm êm dịu hơn cái đêm được nhìn thấy một hài nhi hạ sinh lại đặt vào trong một máng cỏ nơi chuồng súc vật, trong khi đó các thú gia cầm quen thuộc như bò và lừa lại thổi hơi cho ấm hài nhi? Chuyện hoang đường hay sự thật? Thật không quan trọng; mà trọng điểm là đã khơi động niềm xúc cảm cho nhân loại.

Thật khá lý thú, khi mà hầu hết các âm hưởng nhạc Giáng sinh truyền thống đều bị mai một hay chuyển đổi, trong khi âm hưởng của bản Stille Nacht vẫn lưu giữ được nguyên vẽ trong sáng về hình thức và cách cấu trúc.

Sự kiện gây chú ý là bài Đêm Thánh Vô Cùng từ nguồn gốc Ki-tô giáo đã được các tôn giáo khác đón nhận. Có nơi tại Á Châu còn hát bài này ngay cả trong những đền Chùa Phật giáo…

Người ta kể lại rằng trong thế chiến thứ hai, Đức và Mỹ đã đồng ý với nhau có một cuộc hưu chiến trong đêm Giáng Sinh để binh sĩ cùng tham dự thánh lễ nửa đêm, hôm đó đã hát lên bài Đêm Thánh Vô Cùng.

Cũng là một đêm bao trùm huyền nhiệm mà ba vì vua –hay còn gọi là vương tử- cất bước từ Đông Phương tìm đến thăm viếng do một vì sao lạ xuất hiện báo hiệu sự hạ sinh của một hài nhi mà sau này trở thành vì vua của hoàn vũ. Nơi đây nữa, là huyền thoại hay thực tế? Các chiêm tinh gia xác nhận ngôi sao lạ ấy đã thực tế mọc và chiếu rọi xuống Bê-lem…

Đức tin của người Ki-tô hữu xuất phát từ các biến cố ấy và vì thế trãi qua từ bao thế kỷ người ta đã cử hành kỷ niệm sự hạ sinh của hài nhi trong mọi thánh đường trên thế giới.

Do từ đó, không ngạc nhiên gì một bài hát thật đơn sơ như Đêm Thánh Vô Cùng lại gây vô cùng xúc động đã chinh phục được thế giới. Điểm nổi bật hơn hết là so với âm điệu của các bài thánh ca Noel khác, bài Đêm Thánh Vô Cùng tiêu biểu cho đêm hạ sinh một hài nhi-Thiên Chúa, đến với nhân trần.