Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

NGƯỜI CÔNG GIÁO TRONG TẾT NGUYÊN ĐÁN

                 

Ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình cũng về với ân tình, ngất ngây với nguồn yêu mến. Dâng đến lòng mẹ cha bông hoa là lòng biết ơn.

N
gày đầu xuân dâng lên Chúa lời kinh của gia đình, mong ước đời an bình, xin Ngài ban muôn ơn cho người con yêu thương, cho những người mà con yêu thương.

 
Ngày đầu xuân xin Chúa ban phúc cho mẹ cha suốt tháng năm dẫu khó khăn được vui trong mái nhà. Ngày đầu xuân xin Chúa nâng đỡ ông bà con với tháng năm mãi sắt son bền tâm cho đến cùng.
 
(Trích trong bài hát "Đầu xuân cầu cho gia đình")


Tết Nguyên đán được coi là ngày hội cổ truyền lớn nhất trong năm của dân tộc Việt Nam, đây là một truyền thống lâu đời, có từ thời Lý – Trần – Lê. Hàng năm được tổ chức long trọng trên khắp cả nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Mỗi dịp Tến đến xuân về, người người nhà nhà sum họp bên nhau, thăm hỏi, đi tết để tổng kết lại một năm và chào đón mùa xuân mới. Hòa mình vào dòng chảy dân tộc, người Công giáo cũng đón tết Nguyên đán theo phong tục tập quán của dân tộc, với bánh chưng, cành mai, cành đào, câu đối, nén nhang kính nhớ tổ tiên… Bên cạnh những phong tục đón tết truyền thống dân tộc, người Công giáo còn có nhiều nét đặc trưng trong những ngày tết cổ truyền.

Thánh lễ tạ ơn đêm giao thừa: 

Đối với người Công giáo, thánh lễ đóng một vài trò quan trọng nhất trong đời sống Đức tin, vì thánh lễ là nghi thức tâm điểm của người Công giáo, trong thánh lễ, người Công giáo múc kín nguồn ơn cứu độ từ tiệc Thánh thể và Lời Chúa, là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa, nơi được nghe giảng giải Kinh Thánh, hiểu Thánh Kinh và nơi được giáo dục để thành một người Kitô hữu, cũng là nơi để gia đình sum họp sau cuộc sống bộn bề thường nhật. Cũng chính vì vậy trong đêm giao thừa, các gia đình Công giáo cùng nhau tụ họp bên thánh đường dâng thánh lễ tạ ơn những ơn lành Thiên Chúa đã ban trong năm cũ, và nguyện cầu năm mới an lành.
Thánh lễ ngày mồng một, ngày mồng hai và ngày mồng ba: 3 ngày Tết là những ngày vui của tất cả mọi người Việt Nam, nhưng người Kitô hữu thì có niềm vui đặc biệt hơn, bởi vì trong những ngày đầu năm mới này, họ cùng nhau mặc những bộ áo quần đẹp nhất, mới nhất và trang điểm đẹp nhất và với tâm hồn hạnh phúc nhất để đi lễ nhà thờ. Họ đến nhà thờ để cảm tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho họ sống thêm một tuổi, và cầu xin Chúa ban cho họ qua năm mới này được bình an hồn xác, đó chính là niềm hạnh phúc nhất của họ, bởi vì thời gian là của Chúa, xuân hạ thu đông cũng là do Chúa ra lệnh thứ tự vận hành, để cho vạn vật tốt tươi hài hòa ích lợi cho con người. Sáng sớm, cả gia đình tụ họp lại với nhau cùng đến thánh đường đón lễ đầu năm. Thánh lễ đầu năm tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban thêm một mùa xuân cho nhân loại, trong các thánh lễ này người Công giáo cùng cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cầu cho quốc gia dân tộc được giàu mạnh, cầu bình an cho gia đình được hòa thuận yêu thương nhau.

Hái lộc Thánh đầu năm

Cũng như truyền thống hái lộc đầu năm của người Việt Nam, người Công giáo Việt Nam cũng giữ tục hái lộc đầu xuân nhưng hình biến đổi khác hơn, văn minh và mang tính nhân văn hơn. Thay vì người hái những chồi non, những nhánh cây nhỏ nhắn (tục này phá hoại cây xanh, làm ô nhiễm môi trường, thiếu văn minh) người Công giáo "hái lộc lời Chúa”. Đây thật là một nét đáng trân trọng, thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan, nhưng lại thấm đượm niềm tin tôn giáo. Lộc Thánh đầu xuân chính là những câu được trích dẫn từ Kinh Thánh, sẽ trở nên chỉ nam cho đời sống mỗi tín hữu trong suốt năm mới.

Dọn mình đầu năm: 

Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, trang trí trong gia đình, các gia đình và người Công giáo thường dọn mình đầu năm. Ngoài việc chuẩn bị các giá trị vật chất, đầu năm các bậc làm cha làm mẹ thường khuyên con cái đi xưng tội, làm trong sạch tâm hồn mình bằng cách xua tan đi những giận hơn, ghen ghét oán than, tội lỗi trong năm cũ để đón một năm mới trọn lành hơn, tốt đẹp hơn.

Tảo mộ: 

Cũng như truyền thống tảo mộ của người Việt, trong những ngày đầu năm, người các gia đình người Công giáo cùng nhau viếng mộ ông bà tổ tiên. Có một điều khác biệt là người Công giáo chỉ thắp những nén nhang tượng trưng cho lòng thương nhớ và những lời cầu nguyện cho linh hồn các bậc tổ tiên đã ra đi sớm được hưởng nhan Thiên Chúa, người Công giáo không đốt vàng mã (một tập tục lạc hậu, vừa tốn kém vừa ô nhiễm môi trường) như những người bên lương.

Đọc kinh, cầu nguyện chung: 

Một số nơi, các gia đình Công giáo thức dậy rất sớm, có nơi 4 giờ sáng cả gia đình đã thức dậy, cùng đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cầu nguyện bình an gia đình. Những ngày tết, các gia đình thức dậy rất sớm để quay quần đầm ấm bên nhau dâng lên Thiên Chúa những lời kinh nguyện cầu ơn bằng an, đầu ngày, đầu năm mới. Truyền thống này mang lại cho người Công giáo nhiều thói quen tốt, như thức dậy sớm, tránh thói quen ngủ nướng, gia đình quay quần yêu thương ngay những giây phút đầu ngày.
Thăm viếng nhau: Ngoài việc đi thăm viếng, chúc tết bà con họ hàng, người Công giáo còn đi thăm viếng nhà nhau trong một họ đạo xứ đạo, hay những người thân thiết không phân biệt lương giáo, địa vị xã hội. Các đoàn thể Công giáo thường làm việc từ thiện đầu năm, như thăm người ốm, người tàn tật quà tết cho những người hoàn cảnh khó khăn, làm việc bác ái như Chúa Giê-su đã dạy: “Hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương các con” ( Ga 13,34)
Còn nhiều những tập tục đón tết của người Công giáo khác đặc trưng từng vùng miền, trên đây chỉ nêu những nét chính yếu trong kho tàng còn chưa biết đến.
 
Những nét văn hóa tốt đẹp của người Công giáo trong những ngày tết góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. 
Cầu chúc một năm mới an lành, hạnh phúc đến với tổ quốc, dân tộc, đến với tất cả mọi người. 
Nguyện xinh Chúa chúc lành cho năm mới này!


Giuse Trần Cương
                                                                                                 (Nguồn tin: Cộng đoàn Vinh)