Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

THÁNH THẦN


SUY NIỆM 
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG - NĂM A
(Tđcv 2, 1-11; 1 Cor 12, 3b.7. 12-13; Ga 20, 19-23).

         Đức Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Cũng được gọi là Thần Chân Lý, Đấng Ban Sự Sống, Đấng Phù Trợ, Đấng Chữa Lành và Chúa Thánh Linh. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Thánh Thần. Tác động của Chúa Thánh Thần là sự biến đổi con người qua ơn thánh và các đặc sủng. Ngài giúp chúng ta nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện, tuyên xưng niềm tin và thể hiện tình yêu. 
       Sau khi phục sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các tông đồ ban ơn bình an, thổi hơi ban Thánh Thần và quyền cầm giữ. Thánh Gioan diễn tả một cách vắn gọn: Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 22)Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi ân sủng.
        Tác động của Chúa Thánh Thần là sự sáng tạo và biến đổi. Cách diễn tả về sự hoạt động của Chúa Thánh Thần: Sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria là sẽ thụ thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Giêsu. Maria thắc mắc rằng việc ấy xảy ra cách nào? Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1, 35).
         Ngày Lễ Ngũ Tuần, ơn Chúa Thánh Thần đã tràn đổ trong tâm hồn các môn đệ và họ bắt đầu loan tin vui bằng những ngôn ngữ khác nhau cho mọi người: Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho họ nói (Tđcv 2, 4)Chúa ban cho họ nói các thứ tiếng khác nhau để truyền đạt Tin mừng cứu độ. Điểm rất quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là khi các môn đệ nói tiếng lạ khác nhau, thì những người nghe âm thanh đã hiểu theo ý nghĩa của tiếng bản xứ của họ: Nghe tiếng ấy phát ra, thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình (Tđcv 2, 6).
       Hình ảnh của Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng gió, khí và hơi thở: Sách Sáng Thế Ký kể rằng sau khi Thiên Chúa lấy bùn đất nặn ra con người, Chúa đã thổi hơi vào mũi và con người có sự sống (Stk 2, 7). Trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ đang hội họp trong phòng, thì nghe tiếng gió thổi mạnh lùa vào nhà.
      Chúa Thánh Thần được biểu trưng bằng nước: Nước là nguồn ban sự sống. Tất cả mọi loài từ thực vật, động vật và sinh vật đều cần có nước để sinh tồn. Nước thanh tẩy có sức tái sinh, tẩy sạch, tưới mát và là nước nguồn ơn cứu rỗi.
        Chúa Thánh Thần được biểu trưng bằng việc xức dầu Thánh. Chúa Kitô là Đấng được xức dầu. Xức dầu ban ơn thánh hiến, ơn sức mạnh và làm nhân chứng qua Bí tích Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh, và Bí tích Thêm Sức.
         Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng hình ảnh chim bồ câu. Sau khi Chúa Giêsu nhận phép rửa bởi Gioan, Thánh Thần với hình chim bồ câu đáp xuống trên Ngài (Mt 3,16).
        Chúa Thánh Thần biểu trưng bằng lửa. Chúa Kitô là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa (Lc 3, 16). Trong ngày Ngũ Tuần, các Tông đồ nhận ơn Chúa ThánhThần với hình lưỡi lửa trên đầu (Tđcv 2, 3).

                            
         Giáo Hội phân biệt Bảy ơn Chúa Thánh Thần: 
                - Ơn Khôn Ngoan giúp chúng ta phân biệt và chọn lựa điều phải, tốt, lành và tránh điều trái, xấu, dữ. 
             - Ơn Hiểu Biết giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo hội truyền dạy. 
                - Ơn Biết Lo Liệu giúp chúng ta biết giải quyết những khó khăn trong đời sống, lo liệu chứ không lo lắng. 
                - Ơn Dũng Cảm giúp chúng ta đủ sức mạnh để chu toàn bổn phận và vượt khó. 
               - Ơn Thông Minh giúp ta nhận ra thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh sống. 
              - Ơn Đạo Đức giúp chúng ta sống đạo, tin yêu Chúa và phục vụ anh chị em. 
             - Ơn Kính Sợ Chúa giúp chúng ta kính mến và tin tưởng vào quyền năng của Chúa để yêu mến Chúa, chứ không sợ hãi.
       
         Mười hai hoa trái của ơn Chúa Thánh Thần: Bác Ái giúp ta làm việc phục vụ vì lòng yêu mến Chúa. Vui Vẻ giúp ta hân hoan phấn khởi nhận biết Chúa là Cha. Bình An là kết qủa của sự an lạc, thư thái và thảnh thơi. Kiên Nhẫn giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh của cuộc sống trong tin tưởng. Nhân Từ thôi thúc chúng ta cư xử nhã nhặn, tử tế và hiền lành. Hòa Nhã trong cách đối nhân xử thế trong lời nói việc làm. Nhẫn Nại giúp ta kiên tâm chịu đựng lâu dài. Hiền Lành giúp chúng ta kìm hãm những cơn nóng giận, nói năng nhỏ nhẹ và tế nhị. Tin Tưởng giúp chúng ta trung tín, chân thành và phó thác. Nhã Nhặn trong lời ăn tiếng nói, điều độ và chừng mực trong giao tế. Tiết Độ giúp chúng ta chế ngự những đòi hỏi của dục vọng. Trong Sạch giúp chúng ta gìn giữ thân xác như đền thờ Chúa Thánh Thần và bảo vệ các giác quan ngăn ngừa xa tránh dịp tội.
         Chỉ có một Thánh Thần nhưng có nhiều thứ ân sủng. Chúa ban cho mỗi người một đặc ân riêng. Người làm tiên tri, kẻ làm tông đồ, người khác giảng dạy, có người được ơn làm phép lạ: Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần (1Cor 12, 4).Nhưng điều quan trọng là tất cả các ân sủng đều là đem lại lợi ích chung xây dựng thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô: Sự xuất hiện của Thánh thần được ban cho từng người, tùy theo lợi ích (1Cor 12, 7)Nếu nơi nào có sự phân rẽ, dèm pha, khích bác, thù hằn, gây rối hoặc tìm ích lợi cá nhân riêng tư, đây không phải là hoa qủa của ơn Chúa Thánh Thần.
           Ơn Chúa Thánh Thần giúp các tín hữu kết hợp nên một trong sự bình an của Chúa. Thánh Phaolô dùng hình ảnh liên kết giữa các chi thể và nên một thân thể. Chúa Kitô là đầu nhiệm thể và tất cả chúng ta là chi thể. Các chi thể liên kết với đầu làm thành Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo hội của Ngài: Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy (1Cor 12, 12)Mỗi thành phần dân Chúa có bổn phận chia sẻ và trách nhiệm hỗ tương xây dựng Giáo Hội tại trần gian. Chúng ta không thể tách rời khỏi Giáo Hội là kho tàng của nguồn mọi ân sủng. Như cành nho mà tách rời khỏi cây nho, sẽ bị khô héo và chết rụi. Kết hợp với Giáo hội, chúng ta có nguồn ân sủng là sự sống của Chúa Kitô.
          Ơn đặc biệt mà Chúa Kitô Phục sinh ban cho các tông đồ là: Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại (Ga 20, 23)Đây là quyền tài phán quan trọng trong việc quản trị của Giáo Hội và Bí tích Hòa Giải. Qua sự chết và sống lại, với toàn quyền trên trời dưới đất, Chúa Kitô đã trao quyền tháo cởi cho các tông đồ và những người kế vị. Trải qua lịch sử thăng trầm, Giáo Hội vẫn trung thành với ơn sủng của Chúa trong việc ban phát ân sủng và quyền cầm buộc. Biết rằng, vì con người có giới hạn trong sự hiểu biết, suy tư, thiên kiến, ý thức hệ và môi trường chung quanh ảnh hưởng trong cách thế suy nghĩ và hành xử. Giáo Hội trần thế cũng không thể tránh được hết những lạm dụng quyền hành hoặc có những phán đoán thiển cận và sai lầm trong đời sống.
                                       
        Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân tâm hồn chúng con và đổi mới bộ mặt trái đất. Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp sức cho chúng con từ khởi sự cho đến khi hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York