Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

THÁNH LINH MỤC GIOAN DON BOSCO - NHÀ GIÁO DUC GIỚI TRẺ




Ngày 31-01: Thánh Gioan Don Bosco (St. John Bosco)



Linh mục

Tiên tri Isaia đã viết:” Những lời Ta đặt vào miệng Ngươi, Ngươi đừng để rời khỏi miệng; lễ vật của Ngươi đặt trên bàn thờ Ta sẽ được Ta chấp nhận “( Is 59, 21 ). Chúa đã sai thánh Gio-an Bốt-cô đến để giáo dục thanh thiếu niên và yêu thương các trẻ em mồ côi. Lời Chúa qua miệng tiên tri Isaia quả đúng với cuộc đời thánh nhân.

MỘT CON NGƯỜI, MỘT CUỘC ĐỜI

Thánh Gioan Bosco sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Ý năm 1815 vào giữa ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. 

Thánh Gioan Bosco đã sớm mồ côi cha khi Ngài mới lên 2 tuổi. Thánh nhân rất ham học, ham theo đuổi đường học vấn, nhưng vì cha mất sớm, nhà nghèo không có tiền để tới trường. Dầu vậy, Chúa có cách của Ngài: năm 1835, thánh nhân vào đại chủng viện Turinô và 6 năm sau đó tức vào năm 1841, Ngài lãnh sứ vụ linh mục. Thánh nhân ngoài việc bổn phận coi sóc giáo xứ, Ngài còn đi thăm các người nghèo, các bệnh nhân và những kẻ bị tù tội. Thánh nhân đã bắt đầu nghĩ tới các em vô gia cư, vô nghề nghiệp, mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, nên từ ngày 08/12/1841, Ngài đã bắt đầu thu nạp các em mồ côi. Số em lang thang, không nhà mỗi lúc một tăng khiến Ngài rất vất vả để lo cho các em ấy. Công việc càng lúc càng nhiều, Ngài bị sưng phổi nặng và được Chúa cứu chữa lạ kỳ trước sự kinh ngạc của các bác sĩ. 
Thánh nhân chủ trương giáo dục các em thiếu nhi bằng sự dịu hiền và sự tận tụy hy sinh của một người mẹ. Thánh nhân luôn khích lệ, thúc giục các em siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mẹ của thánh nhân qua đời vào mùa đông 1865, chính phủ Ý lúc đó gây nhiều rắc rối, nên Ngài đã phải nhờ một số linh mục tới giúp đỡ Ngài trong việc lo cho các em mồ côi. Và đó là cơ hội để dòng Don Bosco Salésien có mặt với mục đích chăm lo giáo dục các trẻ em mồ côi nghèo khổ. Vào năm 1872, thánh nhân lập thêm hai Hội Dòng khác: Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để bảo trợ ơn gọi linh mục; Hội Dòng nữ Salésienne nhằm giáo dục các em cô nhi. 
Công việc của thánh nhân có tầm ảnh hưởng rộng khắp ngay khi Ngài còn sống. Ai cũng cảm phục tính đơn sơ, vui vẻ, nhân ái của thánh nhân. Thánh Gioan Bosco còn nổi tiếng là nhà hùng biện ở Turinô. Thánh nhân đã miệt mài lo cho đám con xấu số của Ngài. 
Ngài đã kiệt quệ, lâm bệnh và qua đời ngày 30/01/1888. 
Việc làm bác ái của Ngài luôn chiếu sáng trên khắp thế giới và các con cái Ngài luôn đi theo hướng của Ngài đã vạch ra. 
Đức thánh cha Piô XI đã phong Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1934.

LỜI NGUYỆN CẦU

Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một người Cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh linh mục Gioan Bosco. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa và lo cho anh em được cứu rỗi ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioan Bosco ).


Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT



---------------------------------


Nhân ngày lễ kính thánh Gioan Don Bosco xin kính mời quý Hữu Trách , các em HTDC  đọc  :
GIÁO DỤC THEO GƯƠNG DON BOSCO
Tác giả : Lm CARLO AMBROGIO, SDB
Người dịch : Lm GB. NGUYỄN VĂN THÊM , SDB







  và xem phim   :                   DON BOSCO - NHÀ GIÁO DỤC
       (Để xem phim , xin mời bấm vào hàng chữ  DON BOSCO - NHÀ GIÁO DỤC  có gạch dưới )

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (6)


V
KHOA SƯ PHẠM

            Sau khi đã xem xét những gì phong trào chủ trương giúp đỡ trẻ em, điều quan hệ là phải dừng lại giấy lát ở những yếu tố căn bản chủ yếu của khoa sư phạm Phong trào, những yếu tố cần cảm hứng cho sự tìm tòi các phương tiện cụ thể sẽ dùng đến.

            Chương này là chủ điểm cho một khía cạnh vấn đề chúng ta đang suy nghỉ đây. Nó muốn diễn tả cái tinh thần cần đem áp dụng để giúp trẻ em sống và điều hành hoạt động tông đồ riêng của chúng. Nó căn cứ vào những chương trên bàn về tâm lý trẻ em và sứ mệnh của Phong trào:

            Hành động : nhu cầu trọng yếu của trẻ em.
            Hành động : tiếng then chốt của một phong trào tông đồ cảnh vực.

            Khoa sư phạm của chúng ta có thể tóm tắt như vầy: CHÚNG TA MUỐN ĐỂ CHO TRẺ EM HÀNH ĐỘNG.

HOẠT ĐỘNG CÓ NHỮNG ĐẶC TÍNH NÀO ?

1)    HOẠT ĐỘNG CĂN CỨ VÀO CUỘC CHƠI, VÀO CUỘC MẠO HIỂM.
Hoạt động vừa sức đứa trẻ nhất, giúp nó tự tác tạo con người của nó, tìm được thế quân bình của nó, là chơi.
Chơi với nhiều hình thức khác nhau tùy tuổi tác, phái tính, quốc gia… giúp trẻ em phát biểu một cách tự do và sâu xa, đem tất cả sức sống, tất cả khả năng của chúng.
Chúng ta không dừng lại lâu ở khía cạnh đã được các cuộc tìm tòi tâm lý học và sư phạm khai thác, điều cần thiết là nhấn mạnh ở đây, địa vị và sự quan yếu của chơi trong sinh hoạt Phong trào, chúng ta sẽ trở lại khi nghiên cứu về các phương tiện.

2)    HOẠT ĐỘNG LÀ CÔNG CHUYỆN CỦA TRẺ EM.
+ ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ GIÚP TRẺ EM TRỞ NÊN NHỮNG NHÂN VẬT, NHỮNG KITÔ HỮU CHÂN CHÍNH, NHỮNG CHIẾN SĨ.
_ chúng ta sẽ đào tạo những nhân vật theo mức độ trẻ em có thể tự mình tổ chức với nhau, hành động, tự luyện nhờ sự tiếp xúc với những người khác;
_ chúng ta sẽ đào tạo những Kitô chân chính chiến sĩ bằng cách giúp trẻ em có một nếp sống ki tô hữu bản thân, sống nếp sống đó trong tự do, trong chi tiết của cuộc sống, ở khắp nơi, với mọi người chúng sống.

+ CHO ĐƯỢC THẾ, PHONG TRÀO DỰA VÀO KHOA SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG.
            Dưới đây, chúng ta trình bày mau chóng mấy nguyên tắc cơ bản.
            Căn cứ vào khái niệm đúng đắn về đứa trẻ, sự hiểu biết về tâm lý thiếu nhi, cũng như về từng con người cụ thể của đứa trẻ, khoa sư phạm hoạt động ra sức:

_ làm triển nở mọi khả năng của đứa trẻ : tất cả, nhưng mỗi cái có lúc của nó :  ”Đứa trẻ không phải cái bình để mà đổ đầy vào, nhưng là một ngọn lửa phải đốt lên” (Rabelais).

_ khởi sự từ những ham thích sâu xa của đứa trẻ, nghĩa là những sức mạnh sâu xa phát xuất từ bản chất đứa trẻ:

_ dạy cho trẻ em sống và cùng nhau hành động, đồng lao cộng tác với nhau, nói khác, giúp chúng đạt tới sự trưởng thành về phương diện xã hội của chúng;

_ ban phát cho mỗi em tùy theo trình độ của nó, bởi vì mỗi em là một hữu thể duy nhất, có những khả năng và nhịp độ riêng của nó.

            Chúng ta có thể rút ngay ra hai câu kết luận :
_ sử dụng cùng với trẻ em cái người ta gọi là “phương pháp khám phá”, nó gồm ba giai đoạn:
            + gợi lên sự ham thích,
            + tìm hiểu,
            + dễn tả việc tìm tòi.

_ điều quan hệ cho nhà giáo dục là đừng đóng vai trò “người dạy”, mà là “người tập dượt”, biết:
            + tạo hoàn cảnh thuận lợi xung quanh,
            + thức tỉnh, kích thích,
            + nâng đỡ.
bằng thái độ thông cảm, bình tĩnh, tín nhiệm, vui vẻ v.v…

3)    HOẠT ĐỘNG ĐÀO LUYỆN.

Người ta thường quá đem đối lập giữa hoạt động và đào luyện, lẫn lộn hoạt động với múa may quay cuồng.
Hoạt động với đào luyện không tách biệt nhau. Hoạt động như chúng ta đề cao là đào luyện. Nó giúp trẻ em mở mang, nảy nở,
_ về phương diện người: phát triển con người, những phong phú, tài năng của nó…
_ về phương diện ki tô hữu: khám phá Tin Mừng kêu gọi mọi người dấn thân.
            Chính hoạt động sẽ giúp trẻ em sống đạo trong những chi tiết nhỏ nhặt đời chúng, khám phá ý nghĩa cuộc chiến đấu, sự gắng gỏi cần thiết; chính hoạt động sẽ thúc đẩy chúng hành động với những trẻ khác trong những nhóm chúng có mặt. Với điều kiện hoạt động đó, như đã nói trên, chắc chắn:
            + được sống như là chơi,
            + là công chuyện của trẻ em.

4)    HOẠT ĐỘNG ĐÓ NHẰM MỖI EM VÀ MỘT SỐ CÀNG ĐÔNG CÀNG HAY.

+ Mỗi em: mỗi em cần cảm thấy rằng hoạt động đề nghị quan hệ đến mình, em có thể làm mà vẫn cảm thấy thoải mái, công việc người ta giới thiệu với em gắn liền vào hoạt động tự nhiên tự phát của em, những khả năng của em.

+ Một số càng đông càng hay: đây là điểm quan trọng trong sứ mệnh Phong trào: Mỗi em cần phải có phần, không ai bị lấn át, không ai bị thiệt thòi.

            Như thế, khoa sư phạm của chúng ta theo bản chất của nó KHỞI SỰ TỪ CUỘC SỐNG của mỗi cá nhân trẻ em, từ cái bản thể của nó, những như cầu, những ham muốn, những biến cố đánh dấu trong đời nó…

            Căn cứ vào những năng lực của mỗi đứa trẻ, đặc biệt là cái đà trọng yếu tiến triển của nó, nó lớn lên, thắng vượt chính mình, khoa sư phạm của chúng ta có tính cách nhân bản.

            Dựa vào sự cần đến những người khác, một nhu cầu thiên bẩm của loài người, khoa sư phạm của chúng ta có tính cách cộng đồng.

            Nó không đứng trong hàng ngũ khoa sư phạm của Đức Ki tô ư ?

+ ĐỐI VỚI NGÀI CUỘC SỐNG CÓ GIÁ TRỊ VÔ SONG.
            Chỉ cần nhắc qua đến rất nhiều giai thoại trong Phúc âm cũng đủ. Chúa Giê su chữa tật bệnh, an ủi, vổ về và săn sóc đến những người ở với Ngài: chúng ta hãy đọc phép lạ hóa bánh ra nhiều, tiệc cưới Cana, đoạn văn về Mục phu Phúc hậu.

+ NGÀI CỐ TÌM DỊP GIÚP CÁC CÁ NHÂN VƯƠN LÊN.
            Chẳng hạn, rất cảm động khi nhìn lại tính chất các cuộc đối thoại giữa Chúa Giê su với tất cả những người Chúa gặp. Các cuộc gặp gỡ đó bao giờ cũng là giải thoát, là nguồn tiến bộ: người đàn bà ngoại tình, Maria Mai Liên tội lỗi, Gia kê và biết bao người khác.

+ NGÀI LÀ NGUỒN VÀ LÀ SỰ SỐNG CỦA MỌI CỘNG ĐỒNG.
            “Để hết thảy chúng nên một. Như Cha, Cha ở trong con và con trong Cha” (Gioan XVII, 21-23).
            “Chúng ta hợp thành một thân thể trong Đức Ki tô, mỗi người ai nấy đều là phần mình của nhau” (Thư gửi tín hữu Roma XII, 5).


                                                                                               (Còn tiếp)

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (5)


IV
PHONG TRÀO CỦA CHÚNG TA

I.              SỨ MỆNH CỦA PHONG TRÀO.
Sứ mệnh của Phong trào không tách rời khỏi sứ mệnh của Giáo hội. Trái lại, nó tham dự vào một cách sâu xa, chặt chẽ.

Sứ mệnh của Giáo hội chính là loan báo Chúa Giê su Ki tô và tỏ bày sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn mọi người và trong thế giới. Tin Mừng phải được loan báo cho mỗi người trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống, giàu, nghèo, có ân sủng hay tội lỗi. Mỗi người được tự do theo ý muốn đáp lại tiếng gọi của Chúa. Nhận Chúa Ki tô, đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, cũng chính là nhận anh em, giúp họ, đến lượt họ, cũng đáp lại tiếng gọi đó.
Chính Giáo hội giúp loài người nghe tiếng gọi đó và trả lời :
_ Giáo hội là trung gian giữa Thiên Chúa và mỗi người,
_ Giáo hội chính là Chúa Giê su Ki tô hiện diện giữa mọi người.

A.- PHONG TRÀO THỰC HIỆN GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI TRẺ CON : CHÍNH CHÚA GIÊ SU KI TÔ HOẠT ĐỘNG TRONG THẾ GIỚI TRẺ CON BẰNG CHÍNH TRẺ CON.
            Để đạt tới đó, Phong trào đồng thời chủ trương tất cả:
+ giúp trẻ em NẢY NỞ, thật sự là những TRẺ EM HẠNH PHÚC;
+ giúp trẻ em LÀM CHỨNG bên cạnh các trẻ em khác nơi chúng sống và KI TÔ HÓA tất cả cuộc sống giữa trẻ em với nhau;
+ giúp trẻ em tùy khả năng Ý THỨC những việc chúng làm chính là HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI.
            Chúng ta nhắc lại ba điểm đó kế tiếp nhau.
1)    GIÚP TRẺ EM NẢY NỞ, THẬT SỰ LÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC:
Chúng ta có hồn có xác. Tất cả hữu thể của chúng ta được Chúa kêu gọi. Tất cả con người được ràng buộc vào Chúa.
Sự phát triển của một hữu thể, sự nảy nở các năng lực của nó thiết cần cho sự thành công đời nó.
“Ân sủng không tái tạo bản tính, ân sủng nâng nó lên trên chính nó bằng cách khai thác các tài nguyên gặp thấy nơi nó. Trừ ra phép lạ, còn thì một con người ti tiện không bao giờ trở nên một đại ki tô hữu” (P.Sage).
Vì thế Phong trào phải giáo dục các giá trị người của trẻ em. Sự nảy nở trí tuệ, tâm hồn, ý chí đứa trẻ, tất cả những gì Thiên Chúa đã gieo mầm trong nó, không phải, cũng không thể là là cái gì tùy tiện, tạm bợ. Phong trào phải giúp mỗi đứa trẻ phát triển trong nó thiên chức làm người của nó. Làm như thế, Phong trào chuẩn bị các trẻ em đáp lại tiếng Chúa gọi cách hoàn hảo hơn. Tất cả sự nảy nở về con người đem đứa trẻ tiến lên gần Chúa và làm cho nó càng thêm sẵn sàng cho ân sủng hoạt động mà nó đã tiếp nhận khi chịu phép rửa tội hoặc nó được gọi tiếp nhận 
Việc huấn luyện người đó được thực hiện phụ thuộc vào cái nhìn sâu xa, cái khái niệm ki tô giáo của chúng ta về con người trong kế hoạch của Thiên Chúa .
Một nền giáo dục Ki tô giáo chân chính hướng dẫn đứa trẻ kết hợp chặt chẽ với Đức Ki tô và yêu thương những người khác trong đức Kitô. Hai chiều hướng đó không thể tách rời nhau.
“Nếu ai nói rằng: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em hắn, là kẻ nói dối. Ai không yêu thương anh em mà hắn thấy, cũng không yêu mến Thiên Chúa mà hắn không thấy. Phải, đó là chỉ thị chúng ta đã nhận lĩnh nơi Ngài: là ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (I Gioan IV, 20).
+ Vì thế, Phong trào chủ trương giúp mỗi đứa trẻ tự bản thân đáp lại, hoàn toàn tự do, tiếng gọi của Chúa, tiến lên theo nhịp điệu riêng trong ơn gọi của nó.
+ Phong trào đồng thời cũng chủ trương giúp nó yêu thương những người khác, hết thảy những người khác tự nhiên nó gặp, “như Chúa Giê su đã yêu thương chúng ta”, nghĩa là sống trong bác ái.
            Việc giáo dục đó hướng dẫn trẻ em hành động và phản ứng với tư cách ki tô hữu trong những chi tiết của nếp sống hằng ngày.
2)    GIÚP TRẺ EM LÀM CHỨNG BÊN CẠNH CÁC TRẺ EM KHÁC NƠI CHÚNG SỐNG VÀ KI TÔ HÓA TẤT CẢ CUỘC SỐNG GIỮ TRẺ EM VỚI NHAU:
Ở khắp nơi, khắp năm châu bốn bể, trẻ em sống, chúng tự động tổ chức với nhau.
Giáo dục như chúng ta vừa phác họa đưa trẻ em đến chỗ tăng thêm giá trị bản thân, lớn khôn lên, cởi mở với những người khác, tiếp đón họ, trở nên động lực trong những môi trường chúng sống.
+ Các trẻ em sống phù hợp thêm với Phúc âm như thế, đối với những người chung quanh là một bằng chứng sống của Chúa Ki tô. Chúng là một câu hỏi cho những người khác.
+ Bằng hoạt động hăng say và được nâng đỡ bởi những phương tiện khác nhau mà Phong trào đem lại cho, chúng có thể ảnh hưởng sâu xa đến những nhóm khác nhau mà chúng tham gia, ki tô giáo hóa từ bên trong những nhóm đó, nghĩa là cho Đức Ki tô hiện diện thêm và hành động bằng bầu khí vui tươi, thân hữu, bác ái mà chúng góp phần gây nên.
            Đấy thật là Giáo hội hiện diện, một hành động Giáo hội mà chúng xác định như thế. Là những chứng nhân thật của Đức Ki tô trong thế giới trẻ con, chúng làm cho Nước Chúa tiến triển trong thế giới đó.
3)    GIÚP TRẺ EM TÙY KHẢ NĂNG Ý THỨC NHỮNG VIỆC CHÚNG LÀM ĐÃ LÀ HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI.
Trẻ em có khả năng theo đuổi một việc tông đồ vừa tầm vóc chúng.
Điều quan hệ là giúp chúng khám phá dần dần ý nghĩa và giá trị việc chúng làm. Để bằng chứng của chúng đạt được tất cả sự phong phú của nó, nó cần phải bằng cách này hay cách khác dễ thấy, rõ rệt đối với những ai nó muốn nhằm.
Vì thế, trẻ em cần phải được sự giúp đỡ khám phá Chúa Giê su Ki tô hiện diện trong cuộc sống, ở giữa cuộc đời chúng. Chúng cần phải ý thức nhân danh những ai và cho những ai mà chúng hành động, để đến lượt họ, họ có thể cũng tuyên bố như thế. Thế giới trẻ con sẽ được giảng Phúc âm tùy theo mức độ chính trẻ em, những ki tô hữu ý thức, mạc khải Chúa Giê su Ki tô cho.

Những nhóm trẻ em, nhờ hành động cải tạo của chính chúng, có thể trở nên những cộng đồng thật sự, tiến bộ trong đức Tin, Cậy, mến. Những tế bào đích thực của Giáo hội, giúp trẻ em khám phá theo tầm vóc chúng. Giáo hội sống và hoạt động.

B.- PHONG TRÀO CŨNG GIÃI BÀY CHO GIÁO HỘI BIẾT THẾ GIỚI TRẺ CON.
          
         Để có thể suy nghĩ và tổ chức Mục vụ, Giáo hội cần biết rõ thêm về cuộc sống các cá nhân. Một phong trào như phong trào của chúng ta phải thường xuyên đem lại những gì nó ghi nhận về cuộc sống trẻ em.
          
           Trẻ em có thể phát biểu trực tiếp một cách khó khăn. Phong trào có phận sự tự đảm nhận làm phát ngôn viên của chúng, nói nhân danh chúng, đòi hỏi cho chúng.
+ PHONG TRÀO PHẢI MẠC KHẢI THẾ NÀO LÀ TRẺ EM: những phong phú, những yếu hèn. Phong trào cũng phải bày tỏ trước mặt mọi người trẻ em có khả năng thế nào, chúng làm được gì theo trình độ của chúng để Chúa trị đến.
+ PHONG TRÀO PHẢI GIÚP CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH Ý THỨC VỀ SỰ GIÚP ĐỠ họ có bổn phận đem đến cho trẻ em, bằng một hoạt động trực tiếp bên cạnh chúng hoặc bằng một hoạt động hữu ích cho chúng.
+ PHONG TRÀO PHẢI LÀ LỜI KÊU GỌI THƯỜNG XUYÊN GỬI ĐẾN GIÁO HỘI để người ta lưu tâm đến trẻ em, suy tư đến tình trạng của chúng, tìm tòi những giải pháp thích đáng…
+ PHONG TRÀO PHẢI GIÚP CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH ĐẶT VÀO KINH NGUYỆN CỦA HỌ, phép Thánh Thể, toàn bộ cuộc sống của trẻ em.

            II.- NHỮNG Ý - LỰC:
            Trẻ em cần phải biết chúng thuộc về “Đức Ki tô”, chúng đã dấn thân theo Chúa, cùng với Chúa. Chúng cần ý thức toàn thể chúng là Giáo hội trên đường tiến và chúng có thể đặt tin tưởng vào sức mạnh của người, đồng thời đem lại cho người cái động lực của chúng. Đó là một lý tưởng cao cả, mà hoạt động trong Phong trào sẽ giúp khám phá sức mạnh cảm kích. Trẻ em cần phải khám phá ra rằng với những trẻ khác, đông đảo, chúng xây dựng một Phong trào của Giáo hội, chúng là Phong trào đó, chúng là Giáo hội.
            Những điều trên đây được thực hiện nhờ những phương tiện sẽ nói sau, quy tụ vào ba ý tưởng trung tâm, gọi là những ý lực:
            _ Thiên Chúa là CHA chúng ta. Chúng ta là con cái Chúa. Ngài gọi chúng ta tham dự vào sự sống thần linh của Ngài. Đấy là lý do khiến chúng ta VUI TƯƠI : GIÁNG SINH.
            _ Thiên Chúa gửi xuống cho chúng ta CON Ngài, Đức Ki tô đến cứu vớt chúng ta. Chúng ta tham dự vào sứ mệnh cứu chuộc của Ngài. Việc này đòi chúng ta phải can đảm, mạnh mẽ, HÙNG DŨNG : PHỤC SINH.
            _ Hết thảy chúng ta hợp nhất với nhau nhờ THẦN LINH của Ngài. Cùng với hết thảy bạn bè, cùng với mọi người, chúng ta xây dựng Nước Chúa khắp nơi, trong lớp học, trong làng xóm, trong khu phố chúng ta… Chúng ta xây dựng trong tình yêu thương BÁC ÁI : HIỆN XUỐNG.
            Những ý tưởng đó thấm nhuần tất cả cuộc sống, tất cả hoạt động, các phương tiện của Phong trào. Chúng có thể cảm hứng cả các châm ngôn, khẩu hiệu… nhưng phải coi chừng đừng làm mất cái ý nghĩa sâu xa của chúng vì quá lạm dụng chúng như thế hay biến chúng thành cái gì quá bề ngoài. Chúng để lại những xác tín còn mãi suốt đời.
            Đức Cha Pierard (1) đã diễn tả các điểm này khi nói với những người hữu trách khắp thế giới trong cuộc Họp mặt Quốc tế Hùng Tâm Dũng Chí tại Paris tháng bảy 1962: “Chúng ta được phép vui mừng ghi nhận rằng cái tinh thần, các phương pháp, các tìm tòi, hoạt động của các Phong trào Hùng tâm tham gia vào những nổ lực của Giáo hội; đáp ứng những nhu cầu của thế giới; khi cổ võ một cách hữu hiệu từ sự ưng thuận bên trong của đức tin bước sang sự dấn thân bên ngoài bằng cách giúp trẻ em thắng vượt thế giới trẻ con của chúng và cả thế giới người lớn với tư cách những người đã lĩnh phép rửa tội vui tươi, những người đã chịu phép thêm sức anh hùng, những người anh em đang nổ lực yêu thương và phụng sự như Chúa Giê su đã yêu thương chúng ta”.
                        III.- PHONG TRÀO LÀ MỘT PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC.
_ MỖI ĐỨA TRẺ CÓ CUỘC SỐNG RIÊNG CỦA NÓ VỚI NHỮNG PHONG PHÚ, NHỮNG GIỚI HẠN:
            + Nó có một tuổi, một tính khí nào đó…
            + Nó sống trong một hoàn cảnh gia đình nào đó, trong làng xóm, trong khu phố, trong nội trú…
           + Nó chịu ảnh hưởng khác nhau của tập thể mà thế giới chúng ta đem lại cho nó: báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, những luồng dư luận…
            + Nó sống những biến cố và những hoàn cảnh đụng chạm đến nó, gần hay xa…
            Nó sống tất cả những cái đó rất khác tùy ở nền giáo dục nó hấp thụ, tùy ở tâm trạng những người chung quanh nó, tùy ở môi trường nó tham gia.
_ NHỮNG NHÓM TRẺ EM TỰ PHÁT CŨNG ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI CHÍNH NHỮNG YẾU TỐ ĐÓ. Trẻ em gặp gỡ nhau thường thường do sự gần gũi: cùng trường, cùng xóm, cùng được hấp thụ một lối giáo dục…
            Vì thế, Phong trào chủ trương lúc thực hiện, phải quan tâm đến những môi trường xã hội của trẻ em, những cộng đồng sở tại, về văn hóa và tôn giáo mà chúng dự phần.
            Phong trào tự đặt mình trong hàng ngũ các Phong trào được gọi là “Tông đồ cảnh vực” hoạt động trên bình diện thanh niên và người trưởng thành bắt đầu đi từ những tiên kiến căn bản giống nhau.
            IV.- PHONG TRÀO NHẰM NHỮNG AI ?
            Các trẻ em đều bình đẳng trong kế hoạch của Thiên Chúa, thì các chúng không có lý do gì mà không thuộc phạm vi sứ mệnh của Phong trào :
+ chúng khỏe mạnh hay tàn tật,
+ ở bất luận môi trường, hoàn cảnh nào,
+ có học đạo hay không, ngoại giáo hay Ki tô hữu.
            Chắc hẳn cần phải châm chước, thích nghi, đặc biệt là đối với những em không công giáo, như sẽ nói rõ ở phụ lục I cuối tập này.
            CHÚNG TA CÓ THỂ TÓM TẮT TRONG MẤY TIẾNG BẢN CHẤT CỦA PHONG TRÀO KHI GỌI NÓ LÀ
+ MỘT PHONG TRÀO.
_ giáo dục, được thực hiện bằng phương thức một Phong trào thiếu nhi, như thế, bằng một cách độc đáo đối với các lực lượng giáo huấn khác, điều đó giả thiết một khoa sư phạm và một phương pháp thích hợp.
_ tông đồ, để cho chính trẻ em tham gia vào việc rao giảng Phúc âm cho thế giới trẻ con của chúng.
+ MỘT PHONG TRÀO
_ cho trẻ em khởi công hoạt động ngay từ giờ, từ hôm nay của cuộc sống trẻ con chúng :
            “Phong trào … lôi cuốn trẻ em làm việc tông đồ cảnh vực của chúng bằng sự luyện tập có tính cách giáo dục và đã có hiệu năng” (Đức Cha Garrone)
_ nhờ đó, chuẩn bị trẻ em ngày mai trở nên những thanh niên, những người trưởng thành chiến sĩ mà thế giới cần đến họ rất nhiều.


                                                                                             (Còn tiếp)