T. THỦ BẢN



ĐỘI TRƯỞNG HÙNG TÂM (1) (2) (3) (4-hết)

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI 

(1)(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (10), PHỤ LỤC IVPHỤ LỤC V







HỌAT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI
(Tài liệu chính thức của Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí thế giới ).
Nguyên tác : POUR UNE ACTION APOSTOLIQUE DES ENFANTS .
Bản dịch của Lm BÙI HỮU NGẠN .

In xong ngày 07-10-1970 tại nhà in Thanh Công xứ An Hòa Đà Nẵng .


HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI 
PHONG TRÀO QUỐC TẾ TÔNG ĐỒ THIẾU NHI 


MỤC LỤC
Cùng Bạn đọc
Để dễ đọc                                                                                   
CHƯƠNG I : Ai có quyền giáo dục
I.              Công đồng Vatican II : Giáo dục Kitô giáo 
II.            Bản Tuyên ngôn Nhi quyền của L.H.Q.      
CHƯƠNG II : Tin vào đứa trẻ  
I.              Đứa trẻ là một hữu thể độc đáo
II.            Những đọan đường chính của Tuổi thơ
III.           Những đứa tr
IV.          Những ảnh hưởng để dấu vết nơi trẻ em
CHƯƠNG III : Giáo hội và đứa trẻ
I.              Đứa trẻ trong Giáo hội
A-   Giáo hội, dân của Thiên Chúa
B-   Giáo dục Kitô giáo
C-   Giáo hội trong thế giới
D-   Tông đồ giáo dân
II.            Mục vụ tuổi thơ
A-   Mục vụ tuổi thơ là gì
B-   Phong trào trong mục đó
CHƯƠNG IV : Phong trào của chúng ta
I.              Sứ mạng của Phong trào
II.            Những ý lực
III.           Phong trào là một phong trào Tông đồ cảnh vực
IV.          Phong trào nhằm những ai
CHƯƠNG V :  Khoa sư phạm
I.              Họat động căn cứ vào cuộc chơi, vào cuộc mạo hiểm
II.            Họat động là công chuyện của trẻ em
III.           Họat động đào luyện
IV.          Họat động đó nhằm mỗi em và một số càng đông càng hay
CHƯƠNG VI : Một vài thực hiện
I.              Tại Phi châu
II.            Tại Pháp quốc
III.           Tại Châu Mỹ La Tinh

CHƯƠNG VII : Phương pháp
I.              Chiến dịch thường niên
II.            Những họat động
III.           Những cộng đồng
IV.          Thăng tiến bản thân
V.            Tổ chức thực hành
VI.          Chuẩn nhận
CHƯƠNG VIII : Những người hữu trách
I.              Những ai là người hữu trách
1)    Những người hữu trách cộng đồng
2)    Những bảo trợ viên
3)    Những tu sĩ, nữ tu sĩ
4)    Những linh mục
II.            Một nhóm hữu trách
III.           Đào tạo những người hữu trách
1)    Những yếu tố trong chương trình đào tạo
2)    Đào tạo ở đâu và khi nào
a-    Sổ Hữu Trách
b-    Hội Đồng Hữu Trách
3)    Những tạp chí
4)    Những buổi, khóa hội thảo
IV.          Sự hợp tác cần thiết

PHỤ LỤC I : Phong trào với trẻ em ngòai công giáo
I.              Công đồng
II.            Những kết luận cho phong trào
PHỤ LỤC II : Phong trào Quốc Tế Tông đồ Thiếu nhi
PHỤ LỤC III : Thông điệp của Đức Thánh Cha
PHỤ LỤC IV : Những tiêu chuẩn Công Giáo Tiến Hành Tuổi thơ qua PT HTDC
-       Trình bày các tiêu chuẩn
-       Tiêu chuẩn
PHỤ LỤC V : Điều lệ Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi .







         Đây là cuốn sách chúng ta mong đợi từ lâu, cuốn Tân Thủ bản của Hùng Tâm Dũng Chí Thế giới. Nhưng có lẽ cái nhan đề của nó làm cho người đọc bỡ ngỡ, nếu không tiu nghỉu. Lạc đề chăng? Nguyên tác Pháp văn cũng mông lung như thế: “POUR UNE ACTION APOSTOLIQUE DES ENFANTS” [Không thấy có chỗ nào nhắc đến hai tiếng thủ bản cả. Rồi nữa, thay vì “Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí” chúng ta chỉ thấy “Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi”, không rõ ràng . Vâng. 
          Chúng ta thử đề nghị, ai muốn cứ việc gọi “nó” là “Tân Thủ bản Hùng Tâm Dũng Chí Thế giới”, mà không sợ người khác dám cho là vô lý, vì đúng là “nó” đấy, “nó” ra đời để đóng vai chỉ đạo, thay thế cho tất cả những gì đã được viết ra ba mươi năm trước nó, có nhiều điểm hôm nay không còn thích hợp nữa. 
         Để tiện việc nghiên cứu về Phong trào, ngoài ba Phụ lục I, II và III theo nguyên bản, chúng ta in thêm:
         - Phụ lục IV: Những tiêu chuẩn Công giáo Tiến hành Tuổi thơ qua Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí. 
         - Phụ lục V: Điều lệ Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi. 
         Trên đây, mới chỉ là những cương lĩnh căn bản của Phong trào, chung cho cả thế giới, chúng ta còn cần phải có một bản nội quy cho Hùng Tâm Dũng Chí Việt Nam, thích hợp với hoàn cảnh của chúng ta. 
         Trong khi chờ đợi có đủ thời giờ suy nghĩ, xem xét lại bản nội quy cũ có lẽ đã lỗi thời, tham khảo thêm tài liệu, chúng ta không thể thiếu cuốn: “Ba mươi năm sống Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí” sẽ phát hành trong một ngày không xa. 

                                              VĂN PHÒNG HÙNG TÂM DŨNG CHÍ ĐÀ NẴNG.

                                   “Các trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. 
                                  Tùy khả năng của  chúng, chúng là những chứng nhân sống của
                                  Đức Kitô giữa bạn bè   chúng”.
                                                  Công đồng Vatican II Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Số 12. 


CÙNG BẠN ĐỌC 

         Bạn lo lắng về trẻ em sống chung quanh bạn và mong muốn làm với chúng đôi việc. Cũng có thể bạn đã bắt đầu rồi… 
         Bạn là giáo dân, linh mục, tu sĩ, nữ tu sĩ, tập sách này vẫn dành cho bạn. 
         Bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa sâu xa của cái có thể gọi là việc tông đồ của trẻ em, do chính chúng điều khiển như đã từng làm với ba mươi năm kinh nghiệm, như đang sống hiện nay tại năm mươi quốc gia trên khắp thế giới. 
        Tập sách này là kết quả cuộc suy nghĩ chung của một nhóm quốc tế đã cố công rút ra từ nhiều thực hiện khác nhau, những yếu tố căn bản đã tạo nên cái cương lĩnh của Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (M.I.D.A.D.E.). Có thể nói là nó trình bày cái “tài sản chung” của Phong trào Quốc tế gửi đi cả thế giới. Mỗi nước sẽ dựa vào những yếu tố đó mà thực hiện cái phương thức riêng phong trào của mình, tùy theo tâm trạng, toàn bộ cuộc sống của mình, những nhu cầu của trẻ em, sự sinh hoạt của Giáo Hội … 
       Cầu mong rằng mấy trang này sẽ giúp bạn và qua bạn những người khác trợ lực cho trẻ em điều hành việc tông đồ vừa sức chúng bên cạnh bè bạn. 


ĐỂ DỄ ĐỌC 
CHÚNG TÔI YÊU CẦU BẠN LƯU Ý NHỮNG ĐIỂM SAU ĐÂY : 

            Phong trào trong thực tế và theo những cơ cấu phong trào của nó thường dành cho các trẻ em công giáo và dự tòng, nhưng nó muốn mở rộng tầm hoạt động đến hết thảy trẻ em không phân biệt. 
           Nguyên tắc này nói lên nhiều kinh nghiệm và tìm tòi, được trình bày minh bạch ở phụ lục I : nói về các trẻ em ngoài công giáo và ngoài Ki tô giáo. 
          Nếu bạn thấy trong một nước đa số ngoài công giáo, có lẽ nên đọc phụ lục đó trước khi đi xa hơn, điều đó còn giúp bạn đặt đúng chỗ toàn bộ cuốn sách trong cái hoàn cảnh riêng của bạn và suy nghĩ đúng hoạt động của bạn. 
         Hiện nay ở phần nhiều các nước, Phong trào đảm trách các trẻ em vào khoảng giữa tuổi xã hội (trung bình vào khoảng 7 – 8 tuổi) và tuổi thiếu niên (khoảng 14 – 15 tuổi). Chúng ta sẽ bàn về những lứa tuổi này. 
         Tuy nhiên, ở nhiều nước, các trẻ em cũng được đảm trách từ một hay hai năm trước tuổi tối thiểu nêu ở trên. Kinh nghiệm các nước đó cho thấy rằng đảm nhận chúng ở tuổi ấy có lợi cho các em trong cuộc sống hiện nay của chúng và trong những năm kế tiếp. Nhưng kinh nghiệm chưa phổ thông cho lắm nên chúng ta không thể đề cập trong tập này. Tuy nhiên, chúng ta kêu mời tất cả những ai có thể được hãy tìm tòi những thích nghi cần thiết cho các em nhỏ đó. Những thực hiện của Phong trào dẫu được thúc đẩy bởi cùng một tinh thần, một lý tưởng, một ý chí, nhưng vẫn có những điểm khác nhau. Điều đó cần phải có là vì phải kiêng nể cuộc sống. Vì thế, khi đọc tập này, cũng nên bổ sung thêm những tài liệu được mỗi nước công nhận, để đem lại những xác định và thích nghi hữu ích. 
         Ở đâu bạn cũng nên tiếp xúc với các nhóm hữu trách của Phong trào. Nếu bạn không rõ phải liên lạc với ai, xin bạn viết cho Văn phòng Tổng Thư ký Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (Secrétariat général du Mouvement international d’Apostolat des Enfants, 8 rue Duguay – Trouin, Paris. VI).



 I 

AI CÓ QUYỀN GIÁO DỤC 

            Giáo dục là một công cuộc chung, Gia đình, Quốc gia, Giáo hội phải tùy địa vị của mình mà tiếp tay vào. Để suy nghỉ về vấn đề này, chúng ta ghi lại đây một văn kiện của Cộng đồng Vatican II và bản tuyên ngôn nhi quyền của L.H.Q. 

 I.- CỘNG ĐỒNG VATICAN II: GIÁO DỤC KITÔ GIÁO (3). 

 GIA ĐÌNH. 

         “Cha mẹ, vì đã sinh thành con cái, có nghĩa vụ rất nặng nề phải nuôi nấng và, với tư cách đó, họ phải được công nhận như những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu, vai trò giáo dục của cha mẹ quan trọng đến nổi ở trường hợp thiếu phần đóng góp của họ, khó có thể bù dậy được. Thật thế, nghĩa vụ của cha mẹ là tạo bầu không khí gia đình có tình yêu và kính tôn Thiên Chúa cùng người ta linh động, làm sao giúp cho việc giáo dục hoàn bị, bản thân và xã hội cần thiết cho mọi xã hội. Nhưng nhất là trong gia đình kitô hữu, được dồi dào những ân sủng và những đòi hỏi của bí tích hôn nhân, con cái từ tấm bé phải được học hỏi cho phù hợp với đức tin lĩnh nhận khi chịu phép rửa tội, khám phá Thiên Chúa và kính tôn Ngài cũng như yêu mến tha nhân; chính ở đấy chúng làm cuộc thí nghiệm đầu tiên về Giáo hội và cuộc sống đích thực người trong xã hội; chính nhờ gia đình mà dần dần chúng được đưa vào cộng đồng nhân loại và dân Chúa. Mong rằng các cha mẹ cân nhắc cho đúng sự quan yếu của gia đình kitô hữu thật sự trong cuộc sống và sự tiến bộ của chính dân Chúa”. 

 QUỐC GIA. 

         “Nhiệm vụ ban phát giáo dục trước hết thuộc về gia đình, đòi tất cả xã hội phải trợ lực. Ngoài những quyền lợi của cha mẹ và những nhà giáo dục mà họ trao phó một phần chức vụ của họ, các trách nhiệm và quyền lợi rõ rệt thuộc về xã hội công dân, với tư cách xã hội có quyền tổ chức những gì cần thiết cho công ích thế trần. Trong các chức vụ khác, xã hội có trách nhiệm tăng triển giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, xã hội đảm bảo những nghĩa vụ cũng như những quyền lợi cha mẹ và những người khác đang đóng một vai trò trong việc giáo dục; xã hội giúp đỡ họ trong mục tiêu đó. Theo nguyên tắc bổ trợ, ở trường hợp cha mẹ khiếm khuyết hoặc những nhóm khác thiếu sáng kiến, chính xã hội công dân phải lưu tâm đến nguyện vọng của cha mẹ mà bảo lĩnh việc giáo dục. Ngoài ra, tùy công ích đòi hỏi, xã hội lập những trường và chế độ giáo dục thích hợp”. 

 GIÁO HỘI.

         “Sau cùng, những phận sự giáo dục thuộc về Giáo hội với tư cách hoàn toàn riêng biệt; không những vì với tư cách xã hội cũng là của nhân loại rồi phải nhận Giáo hội có quyền trong lĩnh vực Giáo dục, nhưng nhất là vì Giáo hội có chức vụ loan báo cho loài người con đường cứu độ, chuyển thông cho các tín hữu sự sống Đức Kitô và giúp họ chuyên tâm đạt tới sự triển nở trọn vẹn sự sống Đức Kitô đó. Đối với con cái mình, bắt buộc Giáo hội như một bà mẹ phải đảm nhận việc giáo dục sẽ gợi lên trong suốt đời chúng tinh thần Đức Kitô; đồng thời Giáo hội tình nguyện làm việc cùng với hết thảy mọi người để thăng triển con người trong sự toàn hảo của nó, cũng như để đảm bảo lợi ích của xã hội trần thế và kiến tạo một thế giới luôn luôn người hơn”. 

 II.- BẢN TUYÊN NGÔN NHI QUYỀN CỦA TỔ CHỨC LIÊN HIỆP QUỐC. 

           Trong buổi họp đại hội đồng ngày 20 tháng 11 năm 1959, Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận và công bố bản tuyên ngôn sau đây: 

 LỜI MỞ ĐẦU. 

           Xét rằng theo Hiến chương, các dân tộc trong Liên Hiệp Quốc đã công bố lại lòng tin của mình vào các quyền căn bản của con người và vào chức vị cùng giá trị của con người, và đã tuyên bố quyết tâm tán trợ sự tiến bộ xã hội và tạo lập những điều kiện sinh hoạt tốt hơn trong tự do to lớn hơn. 
         Xét rằng trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Liên Hiệp Quốc đã công bố rằng mỗi người có thể dự vào các quyền lợi và các sự tự do đã được nêu ra trong đó không có gì phân biệt, nhất là về chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, ý kiến chính trị hay mọi ý kiến khác, nguồn gốc Quốc gia hay xã hội, thân phận, dòng dõi hay mọi cảnh ngộ khác. 
          Xét rằng đứa trẻ, vì lẽ nó còn thiếu sự già dặn về thể lý cũng như trí tuệ, cần được che chở cách riêng và săn sóc đặc biệt, nhất là được pháp luật che chở thích đáng trước cũng như sau khi nó sinh ra. 
         Xét rằng sự cần thiết phải che chở đặc biệt đó đã được nêu ra trong bản Tuyên ngôn Genève năm 1924 về quyền lợi đứa trẻ và đã được công nhận trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như trong những qui chế các cơ cấu chuyên biệt và các Tổ chức Quốc tế chú tâm đến sự an lạc của tuổi thơ. 
        Xét rằng nhân loại phải dành cho đứa trẻ cái gì toàn hảo nhất của mình. 

Đại Hội đồng, 

        Công bố bản Tuyên ngôn Nhi quyền hiện hữu để đứa trẻ được hưởng thụ một tuổi thơ hạnh phúc và những quyền lợi cùng những sự tự do nêu ra trong đó có lợi ích cho nó cũng như cho xã hội. Đại Hội đồng mời gọi các cha mẹ, nam nhân cũng như nữ giới với tư cách cá nhân, cũng như các tổ chức tình nguyện, các chính quyền địa phương và các chính phủ các nước công nhận các quyền này và nổ lực cam kết tôn trọng bằng phương sách pháp định và những thừa nhận khác dần dần đem áp dụng những nguyên tắc sau đây:

 NGUYÊN TẮC 1.. 

 Đứa trẻ được hưởng các quyền nêu ra trong Bản Tuyên ngôn hiện hữu. Các quyền này phải được thừa nhận đối với các trẻ em không ngoại trừ cũng không phân biệt hay kỳ thị vì chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, ý kiến chính trị hay ý kiến khác, nguồn gốc Quốc gia hay xã hội, thân phận, dòng dõi hay mọi cảnh ngộ khác, mà bản Tuyên ngôn được áp dụng cho chính đứa trẻ hay cho gia đình nó. 

 NGUYÊN TẮC 2. 

 Đứa trẻ được hưởng sự che chở đặc biệt và được thừa nhận những khả năng và những sự dễ dàng bởi hiệu lực pháp luật hay bởi những phương thức khác, để đủ sức triển nở một cách an toàn và bình thường trên bình diện thể lý, trí tuệ, luận lý,tâm linh và xã hội, trong những điều kiện của tự do và phẩm giá. Trong việc thừa nhận những luật lệ về mục đích này, lợi ích thượng đẳng của đứa trẻ phải là lý do quyết định. 

 NGUYÊN TẮC 3. 

 Đứa trẻ từ khi sinh ra được quyền có một tên và một quốc tịch. 

 NGUYÊN TẮC 4. 

 Đứa trẻ được hưởng an ninh xã hội. Nó được quyền lớn lên và triển nở an toàn; cho được thế, nó cũng như mẹ nó, phải được giúp đỡ và bênh vực cách riêng, nhất là được săn sóc tương xứng trước và sau khi sinh. Đứa trẻ được quyền có của ăn, nhà ở, giải trí và những săn sóc thuốc men tương xứng. 

 NGUYÊN TẮC 5. 

 Đứa trẻ bị thua thiệt về thể lý, tinh thần hay xã hội được điều trị, giáo dục và săn sóc cách riêng mà tình trạng hay cảnh ngộ nó cần đến. 

 NGUYÊN TẮC 6 

 Để nhân cách của nó nảy nở điều hòa, đứa trẻ cần được yêu thương và hiểu biết. Nó phải lớn lên dưới sự coi sóc và trách nhiệm của cha mẹ nó bao nhiêu có thể và, trong bầu khí thân ái và an toàn tinh thần lẫn vật chất về mọi mặt; đứa trẻ còn nhỏ tuổi trừ những trường hợp bất thường không được xa cách mẹ nó. Xã hội và công quyền có bổn phận phải săn sóc cách riêng những trẻ em vô gia đình hay những em không đủ phương tiện sống. Ước mong rằng những gia đình đông đúc nhận được trợ cấp của Quốc gia hay những trợ cấp khác để nuôi nấng con cái. 

 NGUYÊN TẮC 7. 

 Đứa trẻ được giáo dục miễn phí và bắt buộc ít ra ở trình độ sơ đẳng. Nó được hưởng một nền giáo dục góp phần vào học vấn tổng quát của nó và giúp nó trong những điều kiện bình đẳng cơ hội phát triển những tài năng, trí phán đoán riêng và tinh thần trách nhiệm về luân lý và xã hội của nó và trở nên một phần tử hữu ích cho xã hội. Lợi ích thượng đẳng của đứa trẻ là kim chỉ nam cho những ai có trách nhiệm giáo dục và định hướng cho nó; trách nhiệm ấy trước hết bó buộc cha mẹ nó. Đứa trẻ được mọi dễ dàng tham dự các trò chơi và những hoạt động giải trí, qui hướng về những mục đích giáo dục; xã hội và công quyền phải nổ lực tán trợ việc thụ hưởng quyền lợi này. 

 NGUYÊN TẮC 8. 

 Bất luận ở hoàn cảnh nào, đứa trẻ là kẻ đầu tiên được nhận lĩnh sự bảo vệ và cứu trợ. 

NGUYÊN TẮC 9.

 Đứa trẻ được bảo vệ khỏi mọi hình thức bỏ liều, tàn nhẫn và lợi dụng. Không được buôn bán trẻ dưới bất cứ hình thức nào. Đứa trẻ không được nhận làm việc trước khi tới tuổi tối thiểu thích hợp; không được ép buộc hay cho phép nó làm công việc hại đến sức khỏe hay việc giáo dục nó hoặc cản trở sự triển nở thể lý, tinh thần hay luân lý của nó. 

 NGUYÊN TẮC 10. 

 Đứa trẻ được bảo vệ tránh khỏi những tập quán có thể thúc đẩy đến kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo hay bất luận hình thức kỳ thị nào khác. Nó được nuôi nấng trong tinh thần hiểu biết, khoan dung, thân hữu giữa các dân tộc, hòa bình và huynh đệ đại đồng và trong nhận thức rằng bổn phận của nó là đem nghị lực và tài cán phục vụ cho đồng loại. 

 Vai trò một phong trào thiếu nhi trong viễn tượng ấy ra sao? Cảm nghĩ tiếp theo đây sẽ làm sáng tỏ điều đó. 



 II 

TIN VÀO ĐỨA TRẺ 



         Trước khi đi xa hơn, cần phải nhắc lại trước hết ít nhiều chân lý nguyên thủy, tán đồng sâu xa hơn những xác tín vững chắc về bản chất cũng như cuộc sống của trẻ em. 

I.- ĐỨA TRẺ LÀ MỘT HỮU THỂ ĐỘC ĐÁO. 

        Chúng tên là Phêrô, Myriam, Hùng, Lan, Mamadou … những trẻ em đó vây quanh chúng ta như những nhân vật, duy nhất, độc đáo. Không phải “người lớn chưa thành” cũng không phải “người rút nhỏ lại”. Những người bé ấy cần được xem xét chúng hôm nay nội tại ra sao, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào tương lai của chúng. 

             CHÚNG LÀ NHỮNG NHÂN VẬT từ bẩm thai đã phô bày trong chúng những khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhân cách chúng mai ngày. Những khả năng mà giáo dục cần góp phần làm nảy nở. 
            MỘT ĐỨA TRẺ LÀ MỘT HỮU THỂ ĐANG TĂNG TRƯỞNG BẤT TUYỆT. Nó muốn và phải lớn lên. Điều đó cho nó một động lực, một đà sống phi thường. 
           ĐẤY LÀ MỘT HỮU THỂ BẢN CHẤT LINH HOẠT, luôn luôn hoạt bát, máy động, sử dụng tất cả sức sống để xây dựng cái “tôi” của nó, để khám phá những gì chung quanh nó. Không thiếu những người lớn phải ngạc nhiên trước ý chí, sự kiên tâm của ít nhiều trẻ em. 
           ĐỨA TRẺ CÓ KHẢ NĂNG SÁNG KIẾN theo sức nó, thắng vượt chính mình, đã và theo khả năng lĩnh trách nhiệm. 
           NÓ RẤT QUẢNG ĐẠI, dễ dàng hăng say vì cái đẹp, cái đúng, cái thật. 
           HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA NÓ LÀ CHƠI, phương tiện thiên bẩm để khám phá những kẻ khác, thế giới. Đối với trẻ, sống là chơi. Chính trong lúc sống, tức lúc chơi nó học sống. Chơi là cái gì trọng yếu. Chính nhờ đấy, qua đấy mà đứa trẻ tự rèn luyện, lớn lên, sáng tạo, thích nghi với xã hội. 

II.- NHỮNG ĐOẠN ĐƯỜNG CHÍNH CỦA TUỔI THƠ. 

              TUỔI THƠ LÀ MỘT GIAI ĐOẠN KHÁM PHÁ VÀ THÍCH NGHI VỚI CUỘC SỐNG. 

              Đối với đứa trẻ, TỪ SƠ SINH bắt đầu chuỗi dài những khám phá, sẽ dần dần đưa nó tới chỗ hiểu biết chính mình và thế giới; khám phá sự máy động, rồi chính bản thân nó, nó mút, nó sờ, nó mó v.v.., khám phá khoảng cách, rồi tiếng nói. Như thế dần dần nó khám phá chính mình và hầu như đồng thời nó cũng khám phá những kẻ khác, nhưng liên hệ với nó. Vì khi đó nó là trung tâm của thế giới, của vũ trụ và nó xoay mọi cái về nó : tự kỷ trung tâm là nó. 

            CUỘC KHÁM PHÁ THẬT SỰ NHỮNG KẺ KHÁC VÀ CẢNH VỰC XÃ HỘI THỰC HIỆN Ở TUỔI HỌC TRÒ, khi mà đứa trẻ trở nên bình đẳng giữa những đứa khác. Cá tính xã hội của nó thành hình dần dần; tiếp xúc với những trẻ khác và trong lúc chơi, nó tập cư xử khả dĩ được xã hội chấp nhận. 
           Như thế dần dần nó chen chân vào mà không va chạm tập đoàn các trẻ em trước, rồi người lớn sau. Đấy là giai đoạn tuổi thơ gọi là trưởng thành, giai đoạn vui sống và không có chuyện gì. 
            RỒI NHỮNG DẤU HIỆU TIÊN BÁO SỰ KHỦNG HOẢNG SẮP TỚI XUẤT HIỆN: TUỔI THIẾU NIÊN. Quân bình thể lý, có thể sử dụng những tài năng trí tuệ, đứa trẻ đột nhiên tự khám phá thấy mình có khả năng “tung bay bằng đôi cánh của nó”. Nó không còn là “đứa nhỏ” và nó tìm cách minh chứng điều đó: nó tự quyết bằng cách chống lại : đó là giai đoạn tiền thiếu niên. Thế giới nó đã thoáng thấy ở những giai đoạn trước, ngày kia bỗng hiện lên mới lạ đối với nó, làm nảy ra trong nó ý thức phải giữ lấy chỗ của mình: đấy là tuổi những dấn thân đầu tiên làm thỏa mãn nhu cầu sáng kiến, tự do, tự chủ, lĩnh trách nhiệm của nó. Chức phận tuổi thiếu niên manh nha như thế, giúp tự quyết và ý thức dần dần một cá tính tự chủ. 

           SỰ BIẾN HÓA ĐÓ XẢY RA THẾ NÀO? 

           Sự biến hóa của đứa trẻ hoàn thành coi có vẻ lộn xộn: những giai đoạn bề ngoài ứ đọng, tiếp theo những giai đoạn biến đổi mau lẹ, tạo ra sự luân phiên những nhịp yếu và những phách mạnh đáp ứng quy luật lớn lao của những nhu cầu và ham thích. 
          Tuy nhiên nhịp điệu biến hóa của mội đứa trẻ là cái gì độc đáo. Nếu có thể vạch một mức trung bình trong tuổi ấu nhi, chẳng qua chỉ là để mách bảo, bước tiến của mội lứa tuổi còn tùy ở những yếu tố khác nhau: sinh lý, xã hội, cá nhân, gia đình… Cảnh ngộ sống của đứa trẻ càng quân bình, sự phát triển của nó càng diễn ra hòa điệu. 

III.- NHỮNG ĐỨA TRẺ. 

        Đứa trẻ cảm thấy rất sớm bị lôi cuốn đến với những đứa khác, những đứa trẻ cùng tuổi. Chúng chẳng cùng chia xẻ một nguyên động lực, một đà tiến về tương lai, về sự hình thành của chúng ư? Ở điểm này, chúng tự nhận giống nhau và như thế chúng tìm cách kết đoàn với nhau để cùng nhau hành động. 
       Những “tập đoàn” trẻ con đó, mà ở trong lòng nó chúng có thể là chúng, là một thành phần thiết yếu cho sự triển nở chung của chúng. Ở đấy chúng sẽ học biết về những người khác, với những ham thích, những nhu cầu, những phản ứng của chúng, bày tỏ quan điểm của chúng, nhưng cũng để ý đến quan điểm của những kẻ khác. Cùng nhau chúng sẽ tự tổ chức, lập nội quy, luật sống, sẽ đưa đường cho chúng dần dần tới chinh phục quyền tự chủ thiết yếu cho việc thực hiện nhân cách của chúng. 
       Hoạt động chủ yếu của trẻ em với nhau, cái liên kết những phe đảng của chúng, cái mà nhớ đấy chúng chịu nhau, đó là chơi. Nhờ chơi tập hợp chúng lại, chúng tự khám phá ra rằng chúng bổ túc cho nhau và cùng nhau thí nghiệm sự hợp tác. Như thế, chúng ý thức cái nguyên động lực, những khả năng, sức mạnh của chúng.
         “Thế giới trẻ con” thành hình là như thế với tổ chức của nó, những tôn chỉ sống của nó, ảnh hưởng của nó. Phần đông người lớn không nhìn thấy thế giới đó. Họ là những kẻ xa lạ, là những kẻ bị khai trừ nữa. Do đấy, những người lớn thường không hay biết nó, vì lẽ nó huyền nhiệm, nó bí mật. Họ phê phán nó bề ngoài và họa hoằn họ mới thấy nó là sự phát biểu tập thể của thân phận tuổi thơ và nó tối cần cho cuộc sống trẻ em, vì ở đấy chúng mới đúng là chúng và những mối giao tế của chúng mới đích thật nhất.

 IV.- NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐỂ DẤU VẾT NƠI TRẺ EM. 

             NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐÓ NHIỀU LẮM. 

                Chúng ta tường kê những cái chính: 

                NHỮNG NGƯỜI CHUNG QUANH ĐỨA TRẺ: 

            _ Mỗi đứa trẻ là phần tử trong một gia đình nhất định, gia đình nó chủ trương một nếp sống nào đó, một lề lối giáo dục, một cách nhìn người và sự vật. Đấy là những cái cấu thành MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI. 
            _ Nó sống trong một KHU PHỐ, một LÀNG, một NƯỚC mà mỗi chổ có cái độc đáo của nó, những nếp sinh hoạt, những phong tục. 
           _ Nó đến hay không đến TRƯỜNG HỌC, và nhà trường có cái lối giáo dục, những thói quen sẽ đem nó đi xa nhiều ít tùy theo những khả năng của gia đình nó, tùy theo nền học của nước nó. 
         _ Nó GIÁO DỤC với những người hàng xóm, bè bạn, không những là các trẻ em như nó, mà cả những thanh thiếu niên và những người trưởng thành. 

SINH HOẠT TRÊN THẾ GIỚI: 

 Những xã hội đứa trẻ tham gia luôn luôn đem lại cho nó những nguyên tố ở bình diện KINH TẾ, CHÍNH TRỊ, VĂN HÓA, XÃ HỘI, TÔN GIÁO … Nó thấy, nó nghe … báo chí, truyền thanh, truyền hình, chiếu bóng, ngày ngày trình bày cho nó những BIẾN CỐ đang diễn ra cách xa nó cả hàng ngàn cây số…Thế giới vừa tầm tay nó với được. 

  TRONG TẤT CẢ NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐÓ CÓ CÁI TỐT LẪN CÁI XẤU:

           _ CÓ TẤT CẢ NHỮNG GIÁ TRỊ XÁC THỰC có thể giúp nó nảy nở, làm nó phong phú… 
           _ CŨNG CÓ, THƯỜNG PHA TRỘN KHÍT KHAO, NHỮNG DẤU VẾT SÂU XA CỦA TỘI LỖI, SỰ ÁC, phá vỡ hòa điệu, đưa đến những thiên kiến, hận thù, xáo trộn, chết chóc… và góp phần tạo ra một tâm trạng bất an có thể nguy hại đến sự nảy nở của nó. 
  CÁC ẢNH HƯỞNG ẤY ĐỂ DẤU VẾT SÂU XA NƠI MỖI ĐỨA TRẺ, NƠI CÁ TÍNH RIÊNG CỦA NÓ, CŨNG NHƯ NƠI THẾ GIỚI TRẺ CON. Chúng ta chỉ cần lưu ý trò chơi của trẻ em chịu ảnh hưởng bởi :
             _NHỮNG NGƯỜI LỚN, cách cư xử, mối ưu tư, âm trạng của họ … 
             _ NHỮNG NGƯỜI HÙNG, chúng thán phục và chúng tái diễn trong trò chơi cuộc mạo hiểm của họ: những người hùng trong lịch sử, trong sách báo có tranh ảnh, các tài tử, những nhân vật quan trọng hiện đại …
             _NHỮNG BIẾN CỐ địa phương, quốc gia, thế giới đập vào tính nhạy cảm, kích thích trí tưởng tượng của chúng. 
             Cần phải lưu ý đến tất cả những cái hay lẫn cái dở. Cần phải biết phân biệt những giá trị mà giáo dục có thể dựa vào để vượt những trở ngại không thể tránh. Cần phải biết tìm tòi tối đa cái gì có thể đem lại cho đứa trẻ niềm vui, tình thương, sự che chở, an ninh, nâng đỡ của cộng đồng mà nó cầu mong và cần đến. 
           Nhắc nhở một đôi điều đó đủ thuyết phục chúng ta rằng bản chất sâu xa của đứa trẻ khác hẳn chúng ta. 

       Tuổi thơ và tuổi thiếu niên là hai giai đoạn độc đáo của cuộc sống có giá trị trong nó, cho chính nó. Hơn nữa nó thiết yếu để xây dựng một cá tính trưởng thành, cá tính này có thể bị thương tổn nhiều, nếu các giai đoạn đi trước đã không được sống trọn vẹn hay không được nảy nở. 




 III 

GIÁO HỘI VÀ ĐỨA TRẺ 



         Ở chương đầu, chúng ta đã vắn tắt đề cập đến vị trí của Giáo hội trong việc giáo dục.    
        Những trang sau đây sẽ trình bày rõ quan điểm của Giáo hội về trẻ em và nêu ra ít nhiều cương yếu về Mục vụ Tuổi thơ.

 I.- TRẺ EM TRONG GIÁO HỘI 

+ ĐỌC QUA PHÚC ÂM, CHÚNG TA NHẬN THẤY DỄ DÀNG THÁI ĐỘ CỦA CHÚA KITÔ LIÊN HỆ ĐẾN TRẺ EM, TOÀN LÀ MỜI ĐÓN, YÊU THƯƠNG, ƯU ÁI NỮA.

           Những đoạn văn không nhiều lắm, nhưng ý nghĩa. Chúng ta chỉ nhắc lại ba đoạn mà thôi: 

          _ TRONG THÁNH LUCA (xvii, 15-17): “Người ta đem đến với Ngài cả những trẻ nhỏ để Ngài động đến chúng: thấy thế, các môn đệ quở trách chúng. Nhưng Chúa Giê su gọi chúng lại, Ngài bảo : “Hãy để các em nhỏ đến với tôi, đừng ngăn cản chúng. Thật ra, tôi bảo anh em : ai không đón nhận Nước Thiên Chúa theo lối trẻ nhỏ, sẽ không vào nước đó”. Rất dễ tưởng tượng một quang cảnh : trẻ em len vào giữa những người lớn chen chúc chung quanh Chúa Giê su để đứng lên trước, và người lớn đẩy chúng về phía sau. Ở thời chúng ta cũng dễ xảy ra như thế “tụi nhỏ, không phải việc chúng mày”. Nhưng chính những em bé có vẻ quấy nhiễu, làm phiền mấy người lớn, lại được Chúa Giê su đem ra làm gương : “Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng…”.

          _ TRONG THÁNH MATTHEÔ (XVIII, 1-7): “Lúc đó, các môn đệ đến gần Chúa Giê su để hỏi Ngài :”Ai lớn nhất trong Nước Trời”? Ngài gọi một em bé, để em đứng giữa họ và nói :”Quả thật, Thầy bảo các anh, nếu các anh không trở lại thân phận trẻ em, các anh không thể vào Nước Trời. Ai nên như em nhỏ này, sẽ lớn nhất trong Nước Trời. Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp Thầy. Nhưng nếu ai mắc lỗi làm gương xấu cho một trong những em nhỏ này đang tin tưởng ở Thầy, thà nó thấy mình bị cột cổ vào một thớt cối lừa đang quay dây và chìm xuống giữa biển còn hơn”. 
            Những lời cuối cùng này có vẻ nghiêm khắc gợi cho chúng ta một ý niệm về sự tôn trọng sâu xa của Chúa Giê su đối với trẻ em. 

           _ TRONG THÁNH MATHEÔ (XXI, 15-16): Trước … “những trẻ em đó đã hô trong Đền thờ “Con vua David muôn năm”! các đại giáo trưởng và các luật sĩ tức giận nói với Ngài :”Thầy có nghe tụi chúng nói gì không”? Chúa Giê su đáp: “Có. Các ông chẳng bao giờ đọc đoạn văn này : Qua miệng những em nhỏ và trẻ còn bú, Chúa đã dành riêng một lời ca tụng ư”?. 
           Các tư tế và luật sĩ nổi giận. Chúa Giê su tán thành. 
           Ngôn ngữ cử chỉ của Chúa Giê su đã ghi tạc trong Giáo hội lòng ưu ái đối với trẻ em. Giáo hội biết khi tôn trọng chúng, tiếp đón chúng, là người tiếp đón chính Chúa Giê su. Người cũng biết trẻ em đủ khả năng một cách kỳ diệu làm vinh danh Thiên Chúa. Đến lượt người, người nhắc lại các lời Chúa. Mặc dầu chúng còn non dại, không kinh nghiệm, người cũng dành chỗ trong lòng người cho chúng. 

+ THIÊN CHÚA TIẾP ĐÓN TRẺ EM, LẤY CHÚNG LÀM GƯƠNG, COI CHÚNG CŨNG NHƯ NHỮNG NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG ĐEM SỨ ĐIỆP ĐẾN CHO THẾ GIỚI, HOÁN CẢI MỘT TÂM TRẠNG, MỘT KHUYNH HƯỚNG, MỘT LỐI NHÌN VÀ HÀNH ĐỘNG, NHƯ NHỮNG PHẦN TỬ HOẠT ĐỘNG TRONG XÃ HỘI, CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI. 

            _ Ở CHƯƠNG III TẬP NHẤT SÁCH SAMUEL (1-21) : Chúa gọi một trẻ em, Samuel, để đem một sứ điệp cho đại giáo trưởng Elia và cho toàn dân.
            _ CHƯƠNG XIII SÁCH DANIEL, TỪ CÂU 1 ĐẾN 64 cho biết Daniel được Chúa gọi để nói ra sự thật, sửa lại bản án cho bà Suzanna bị hai lão già là những bậc lãnh đạo và thẩm phán của dân tố cáo và bị quần chúng lên án tử hình. 

           _ TRONG PHÚC ÂM THÁNH GIOAN, CHƯƠNG VI (1-15) : Chúa Ki tô cần dùng năm tấm bánh mạch và hai con cá của một em bé để nuôi cả một đám đông năm ngàn người. 

 + Ở MỌI THỜI, NHỮNG SÁNG KIẾN CỦA GIÁO HỘI DỰA TRÊN SỰ KIỆN ĐỨA TRẺ LÀ MỘT NHÂN VẬT, DUY NHẤT, ĐỘC ĐÁO, ĐÃ NHẬN NƠI CHÚA ƠN GỌI BẢN THÂN VÀ ĐƯỢC CHÚA BAN CHO QUYỀN TỰ DO, CÓ KHẢ NĂNG ĐÁP LẠI TIẾNG GỌI ĐÓ VÀ TRỞ NÊN SẴN SÀNG ĐỂ THÁNH LINH SỬ DỤNG. 
             Phép rửa tội là nguồn sống, năng lực, các trách nhiệm. Dầu là trẻ em người chịu trở nên phần tử sống của Huyền thể, phần tử sống của Giáo hội. 
             Các chân lý căn bản đó đã được cộng đồng Vatican II đặc biệt nêu rõ. Không có tham vọng nghiên cứu vấn đề đầy đủ ở đây, chúng ta chỉ ghi lại một vài cương yếu rút ra từ những lược đồ hay sắc lệnh của Công đồng. 

A._ GIÁO HỘI, DÂN CỦA THIÊN CHÚA. 

        Câu định nghĩa đúng về Giáo hội, là một dân, dân của Thiên Chúa, một dân có thật, đang sống, cần phải lớn lên mãi. 
  
       1) MỘT DÂN CÓ THẬT TỪ GIAO ƯỚC CỦA CHÚA VỚI ISRAEL, hình dung trước giao ước được thiết lập bằng máu Chúa Ki tô, giao ước kêu gọi quần chúng nhân loại hợp lại làm một, và trở nên dân mới của Thiên Chúa … 
       Hết thảy mọi người, ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi tuổi tác, thuộc mọi giai cấp đều có thể là những thành phần của dân đó không có gì phân biệt. Không một ai bị coi như xa lạ hay bị tẩy chay. 

      2) MỘT DÂN SỐNG, SỐNG BỞI SỰ SỐNG CHÍNH VỊ THỦ LĨNH LÀ CHÚA KI TÔ ban cho, mỗi phần tử trong dân tham dự vào chính những chức vụ của Chúa Ki tô. Điểm này là điểm tối hệ trọng cho cả các em nửa : 
           _ Chức vụ ca tụng Thiên Chúa : Đức Ki tô đã làm tròn chức vụ này, toàn dân cũng phải thi hành : người này dâng của lễ nhân danh những người khác, cho những người khác : những người khác đem đến kinh nguyện, những hoạt động, đau khổ, nhọc mệt của mình, của anh em mình, nói tắt một lời, đem lại trong sự tiếp xúc với Chúa tất cả thế giới. Điều mà Công đồng, đối với các phần tử dân Chúa, gọi là “chức vụ tư tế”; 
         _ Chức vụ giáo huấn : Đức Ki tô chu toàn, cả dân Chúa đều phải làm tròn : mỗi ngày tùy những đặc ân và theo nghĩa vụ nhận được, và mọi người bằng chứng tích và hành động, để trong cuộc sống hằng ngày sức mạnh Phúc âm sáng tỏ. Chức vụ đó Công đồng gọi là “chức vụ tiên tri”; 
        _ Chức vụ tập hợp : Đức Ki tô đã làm, toàn dân phải thi hành. Mỗi người phải tập hợp những kẻ khác, do đấy, làm cho chân lý soi sáng cả cuộc sống trần thế, làm cho công lý, bác ái và hòa bình giúp tập hợp mọi người, Công đồng gọi đấy là “chức vụ hoàng tộc” của dân Chúa. Cuộc sống của dân, của từng phần tử trong dân là ở chỗ ấy, chúng ta cũng nên nhắc lại là dẫu ở tuổi nào, địa vị nào, nước nào đi nữa. 

       3) MỘT DÂN ĐANG LỚN, PHẢI LỚN LÊN CHO ĐẾN TẬN THẾ, vì dân ấy trong tay Đức Ki tô là khí cụ của việc cứu chuộc cả thế gian và như muối của trái đất. Ra đi với tất cả những gì cao đẹp trong tâm hồn và nghĩ tưởng đến muôn người, ra đi với tất cả những gì cao đẹp trong những nghi thức riêng của họ, trong nền văn minh của họ, không được đánh mất cái gì mà phải nuôi dưỡng tất cả, hoàn thành tất cả, cho sáng danh Chúa và hạnh phúc nhân loại.  
         Bản chất dân Chúa là truyền giáo. Các phần tử phải ý thức điều đó – tùy theo tuổi tác, khả năng, chắc chắn thế - nhưng tất cả đều phải ý thức những giá trị nhân bản cần được khám phá, nuôi dưỡng và thánh hóa.   
        Như thế chúng ta phải ý thức một Giáo hội không do thế gian, bởi vì Giáo hội phát sinh do kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa và luôn luôn được Chúa điều khiển thánh hóa … nhưng một Giáo hội thật sự ở giữa thế gian, được cấu tạo bởi toàn dân Chúa, luôn luôn cố gắng bành trướng, để ghi nhận thế kỷ chúng ta cũng như các thế kỷ khác vào lịch sự cứu độ. 

Chính Giáo hội ấy - chứ không phải một Giáo hội khác – Giáo hội ấy đã được lập cư trên trái đất, Giáo hội ấy muốn xây dựng Nước Chúa, chúng ta cần phải giúp trẻ em khám phá. Chính cái vai trò hoạt động của các phần tử dân Chúa, chúng ta cần phải chuẩn bị cho chúng đóng, chính cái vai trò ấy, cần phải giúp chúng sống để rồi đem Phúc âm vào nếp sống hằng ngày. 

B._ GIÁO DỤC KI TÔ GIÁO. 

1) GIÁO HỘI CẢM THẤY CẦN THANH MINH VÀ NÓI TẠI SAO GIÁO HỘI LO VIỆC GIÁO DỤC. Giáo hội thanh minh vì người cảm thấy rất rõ có một số cá nhân, phe phái chính trị và cả một số chính phủ, phản kháng người về đặc quyền đó. Giáo hội nói rằng, lo việc giáo dục, Giáo hội vốn đã làm, đang làm và sẽ còn làm, vì nó nằm trong nhiệm vụ của người. 

a) Trong nhiệm vụ của người, vì người lưu tâm đến tất cả cuộc sống con người. 
Đối với Giáo hội những cái đụng chạm đến con người đều pha lẫn vào ơn gọi siêu nhiên của con người nên không có gì xa lạ. Giáo dục muốn đề cao giá trị những con người, đưa nó đến tuổi thành nhân để đảm bảo tương lai cho nó trong toàn thể xã hội. Tất cả những cái đó phải được thực hiện trong sự trung thành với lề luật Chúa và trong quan niệm Ki tô giáo về con người, về cuộc sống và về vũ trụ. Do đấy, tất cả những gì là giáo dục đều được Giáo hội quan tâm. 
b) Có lẽ ngày nay Giáo hội càng quan tâm nhiều hơn, vì đặc quyền dạy dỗ giáo dục càng ngày được khắp hoàn cầu chấp nhận và càng ngày càng là một thực tế. Việc dạy dỗ giáo dục càng trở nên thực tế thì Giáo hội càng mừng, nhưng càng muốn soi sáng những tìm tòi và những thực hiện. 
c) Trường học thêm nhiều, nhưng phương pháp sư phạm của các trường, các phong trào thiếu nhi biến đổi, việc truyền thông xã hội tiến bộ, những cuộc giải trí phát triển v.v.. và tất cả đều thúc đẩy đến học vấn. Đấy là điều hay, nhưng nền học đó không thể đứng biệt lập với đức tin, mà phải được đức tin soi sáng. Giáo hội cần phải can thiệp để không một cái gì trong văn hóa đi ngược với đức tin. Giáo hội cần phải can thiệp để tìm tòi những phương tiện ngõ hầu khi văn minh tiến bộ, đức tin càng thêm vững mạnh và soi sáng văn minh đó. Giáo hội biết rõ xuyên qua sự phát triển các phương pháp học đường, các phương pháp văn hóa, các phương pháp giải trí, những triết thuyết, những quan niệm về con người, về cuộc sống và về xã hội càng tiến bước hơn. Giáo hội ước mong các ki tô hữu được tôn trọng và một nền triết học có khả năng cảm hướng hết thảy các phương pháp đó. 

2) GIÁO HỘI NHẮC LẠI HAI KHÍA CẠNH KHÔNG THỂ TÁCH RỜI CỦA NỀN GIÁO DỤC KITÔ GIÁO. 

a) Khía cạnh người, với sự phát triển hòa điệu các tài năng thể lý, trí tuệ, luân lý… với sự chinh phục tự do đích thực… sự cần thiết giáo dục phái tính… với sự khẩn thiết huấn luyện lương tâm v.v… 
b) Khía cạnh siêu nhiên của giáo dục, với sự dẫn dắt trẻ em vào mầu nhiệm cứu độ và trong hai cực của mầu nhiệm đó : cực bản thân, để đặc ân đức tin luôn luôn ý thức thêm và cực tập thể, sự khám phá cuộc sống bác ái với những người khác, cuộc sống bác ái phải đi tới tông đồ. Giáo hội nói rõ với chúng ta trong bản tuyên ngôn đó rằng hai cực người và siêu nhiên của giáo dục nó quan yếu, cần thiết và không thể tách rời nhau. 

3) GIÁO HỘI SẮP XẾP NHỮNG PHƯƠNG TIỆN ĐỂ GIÚP CÁC CHA MẸ CÓ TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC. 

a) Trước hết huấn luyện giáo lý
b) Rồi các phương tiện giáo dục, các Nghị Phu cho biết, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội (đối với trẻ em, báo chí trẻ con phải chiếm chỗ ưu tiên), các tổ chức làm nảy nở thể xác và tinh thần… các phong trào thanh thiếu niên và các trường học. (Một số người có lẽ sẽ ngạc nhiên vì thấy trường học cũng được xếp vào, nhưng phần sau của bản tuyên ngôn (về giáo dục kitô giáo) lưu ý đến các trường). 

         Như thế, chúng ta cảm thấy - dầu không nói rõ, nhưng theo văn mạch có thể rút ra – các tổ chức ấy cần phải có sự hợp tác với nhau hầu đem lại lợi ích cho đứa trẻ. 

C.- GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI. 

            Bản tuyên ngôn đó là một trong những trọng tâm của Công đồng, tỏ rõ ý Giáo hội muốn thích ứng và đi đến thế giới. 
           Giáo hội muốn thích ứng với mọi người bởi vì tất cả là con cái Giáo hội, ít ra trong hy vọng… Giáo hội muốn nói với thế giới từ những vấn đề được đặt ra để người lấy ánh sáng Phúc âm soi cho… Khi nói với mọi người và thế giới như thế, người chỉ nhầm một mục tiêu : tiếp tục công trình của Chúa Ki tô, Đấng đã đến để phục vụ và cứu vớt. 

            1) TRƯỚC HẾT GIÁO HỘI NHẬN THẤY THẾ GIỚI SỐNG MỘT THỜI ĐẠI MỚI CỦA LỊCH SỬ. Những thay đổi sâu xa và mau chóng lan tràn khắp nơi, do hoạt động sáng tạo của con người, hoạt động sáng tạo đó là phản ảnh hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa, đánh dấu lối nghĩ và làm của con người, khiến con người càng thêm do dự lo âu. Thế giới đầy của cải và khả năng, trong khi đó một phần khá đông nhân loại bị đói khổ và mù chữ hoành hành… Thế giới khám phá sự duy nhất nhờ những cách truyền đạt phát triển, nhưng lại tạo ra những nguy hiểm mới, những đối nghịch mới… Những thay đổi lớn trong trật tự xã hội với những biến chuyển, tạp chủng, sự xã hội hóa… Những thay đổi tâm lý, nhất là giới trẻ, họ ý thức những trách nhiệm của họ mai ngày và muốn đương đầu… Giữa tất cả những biến thiên ấy, tôn giáo ra như cổ hủ nhiều và lạc hậu, dễ bị thay thế bởi khoa học hay một thuyết nhân bản mới … Nói tóm lại, Giáo hội nhìn những mối căng thẳng, những lệch lạc ấy cũng như Giáo hội cảm thấy những khát vọng sâu xa của nhân loại, những câu hỏi được đem tới mỗi ngày và Giáo hội muốn giúp giải đáp. 

           2) ĐỨNG TRƯỚC SỰ CHỜ MONG ẤY CỦA THẾ GIỚI – CÔNG ĐỒNG NÓI ĐẾN MỐI ƯU TƯ CỦA THẾ GIỚI – GIÁO HỘI NHẮC LẠI THIÊN CHỨC, PHẨM GIÁ VÀ SỰ CAO CẢ CỦA CON NGƯỜI CẦN PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG VÌ ĐẤY LÀ ĐIỀU CHỦ YẾU… Giáo hội nhắc lại rằng con người bị tội lỗi phân hóa nơi bản thân, cần phải sống một cuộc sống chiến đấu không ngừng giữa thiện và ác. Giáo hội nhắc lại rằng những điều đó đích thật không riêng cho những ai tin Chúa Ki tô mà cho mọi người. Thiên chức đó tác động trong những cộng đồng nhân loại và để tôn trọng nó, cần phải đề cao công ích, tôn trọng các kẻ khác, kể cả thù địch, thiết lập sự bình đẳng giữa người với người và công bằng xã hội, mọi điều Chúa Ki tô đã giảng dạy trong Phúc âm. 

          3) SAU KHI NHẮC LẠI SỰ CHỜ MONG CỦA THẾ GIỚI, CÁI THIÊN CHỨC ĐÓ CỦA CON NGƯỜI CẦN PHẢI TUYỆT ĐỐI GIỮ GÌN, GIÁO HỘI XÁC ĐỊNH THÁI ĐỘ CỦA MÌNH VÀ CỦA CÁC KI TÔ HỮU TRƯỚC MẶT THẾ GIỚI. 
          _ Giáo hội giãi bày cho ai muốn biết ý nghĩa cuộc sống, cùng đích, giải thích phẩm giá của họ và nhất là sự đảm bảo Phúc âm đem lại cho mọi người trong sự hăng say của thời đại chúng ta và những xáo trộn làm họ ưu tư. Giáo hội hiện lên như một lời giải thích và như một đảm bảo cho mỗi người. 
         _ Giáo hội trình bày tiếp cho xã hội, loài người sự phấn chấn tinh thần của mỗi đồng tâm tự tìm hiểu nhau, của việc xã hội hóa lành mạnh, sự liên đời kinh tế và công dân. Giáo hội nhắc lại rằng sự phấn chấn không có trong những phương tiện hoàn toàn nhân loại, nhưng trong đức tin và đức ái sống thật sự. 
        _ Giáo hội trình bày những cái đó cho mọi người, mọi xã hội loài người nhưng qua các phần tử, qua các Ki tô hữu mà người đời phải làm tròn với nhiệt thành và trung tín các nhiệm vụ trần thế mà không tạo ra sự đối nghịch giữa những nhiệm vụ ấy và cuộc sống tôn giáo, nhưng trong một tổng hợp kết quả giữa cả hai … Giáo hội đòi họ đừng có lưu tâm đến việc cổ võ thế giới sống đạo, mà hãy là những chứng nhân của Đức Ki tô ở khắp nơi… Giáo hội đòi các ki tô hữu thực hiện những cái đó với ánh sáng và sức mạnh thiêng liêng mà các giám mục, linh mục phải đem lại cho họ để họ lĩnh lấy những trách nhiệm của mình. Như thế mọi lĩnh vực : gia đình và các vấn đề của nó, đà tiến của văn minh, đời sống kinh tế và xã hội, đời sống của cộng đồng chính trị, việc bảo vệ hòa bình sẽ được xoay hướng theo Phúc âm và, cuối cùng, Nước Chúa và sự cứu độ loài người được đảm bảo. 

           Chính trong đường hướng vào đời đó mà chúng ta phải huấn luyện trẻ em để trong những thực tại của thế giới trẻ con, chúng đã hoạt động bằng chứng tích và hành động của mình rồi, để mai ngày chúng có thể đảm bảo sự có mặt của Giáo hội giữa đời trong cuộc sống trưởng thành của chúng sau này.


 D.- TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN. 

          Đối với nhiều chiến sĩ, bản văn về tông đồ giáo dân có vẻ hơi rụt rè và hạn chế, phải công nhận như thế… 
         Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, cũng phải công nhận như thế, một Công đồng định nghĩa sức mạnh của người giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới. Trước câu định nghĩa đó, chắc hẳn nhiều giáo dân đã làm việc trong Giáo hội, nhưng bậc giáo dân với tư cách ấy chưa được công nhận phổ quát. 
         Bản văn định nghĩa sự hiện hữu đó cần được liên kết với sắc lệnh về Giáo hội, dân Chúa chúng ta đang có mặt đây, như chúng ta đã bàn, câu định nghĩa giáo lý về địa vị đó của giáo dân. Ở đây chỉ cần xác định thêm vai trò và sứ mệnh. 

1) PHẢI NGHỈ SAO VỀ THIÊN CHỨC TÔNG ĐỒ VÀ MỤC ĐÍCH NÓ ĐEO ĐUỔI? 

          a) Bản chất thiên chức ki tô hữu theo lời Công đồng là thiên chức làm tông đồ. Trong một thân thể, không một phần nào có thể thụ động. Nó phải làm việc cho thân thể nảy nở, chẳng vậy nó vô dụng. 
          b) Trong Giáo hội có nhiều chức vụ nhưng sứ mệnh chỉ có một : như chúng ta đã nhắc, giáo dân được tham dự chức vụ tư tế, tiên tri và hoàng tộc của Đức Ki tô, đảm nhận một chức vụ riêng và thiết yếu trong Giáo hội. Để xác nhận chức vụ đó, có thể nói được rằng làm việc cho công cuộc rao truyền Phúc âm và thánh hóa những người trong môi trường họ sống, đem tinh thần Phúc âm vào trật tự đời này và những cơ cấu của trật tự đó: sản nghiệp của sự sống và của gia đình, văn hóa, những thực thể kinh tế, nghề nghiệp và cả những cộng đồng chính trị. Tất cả đều có một giá trị bởi Chúa mà đến, nhưng tất cả đã bị tội lỗi và sai lầm làm dơ bẩn. Giáo hội muốn giúp loài người kiến tạo đúng đắn trật tự thế trần, để hướng người ta và nhân loại về với Chúa. Giáo hội muốn làm việc này bằng chính những người sống trong trật tự thế trần đó. 
         c) Sau cùng, sống giữa đời, giáo dân làm việc khác nào men trong bát, nhưng cũng phải xác nhận rằng họ chỉ có thể làm tròn nhiệm vụ đó nếu họ không tách rời sự kết hợp với Đức Ki tô và cuộc sống của họ và làm tròn phận sự theo ý Chúa. 

2) NGƯỜI GIÁO DÂN HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ Ở ĐÂU ? 

Trường hoạt động bao la và khác nhau. Công đồng nói đến những khu vực chính : 

         a) Những cộng đồng giáo hội, đó là giáo xứ nơi liên kết với các linh mục của họ, giáo dân có thể nhất thống lại những cái khác nhau của con người, bằng phụng vụ, giáo lý, công cuộc tông đồ và truyền giáo, cả việc quản trị tài sản Giáo hội… và địa phận mà giáo xứ là một tế bào, để cùng với hàng giáo sĩ đảm nhận mục vụ chung. 
         b) Rồi tất cả khu vực gia đình như là cung thánh của Giáo hội tại gia. Gương sáng và hoạt động của các phần tử Giáo hội quan hệ để minh chứng sự thánh thiện và bền chặt của hôn nhân, để xác nhận quyền lợi cha mẹ trong việc giáo dục, để trong đời sống các quốc gia phải đếm xỉa đến những đòi hỏi của gia đình, về nhà ở, việc giáo dục con cái, điều kiện làm việc, sự an ninh, và đôi khi, việc di trú. 
        c) Khu vực thứ ba: môi trường xã hội. Bằng chứng tích và hành động, giáo dân phải gắng công lấy tinh thần ki tô giáo thấm nhuần tâm trạng, phong tục, luật pháp và cơ cấu các cộng đồng xã hội. Họ phải giúp đỡ anh em ở những nơi làm việc, chức nghiệp, học hành, nhà ở, giải trí, tập thể địa phương… Làm tất cả với ý muốn, qua chứng tích và hành động đó, rao giảng Đức Ki tô, vì nhiều người chỉ có thể nhận biết Ngài nhờ những giáo dân ở bên họ. 
      d) Khu vực thứ bốn : khu vực quốc gia và quốc tế. Được vững vàng trong đức tin và học thuyết Ki tô giáo, ước mong rằng những giáo dân tham gia điều hành các công việc, các tổ chức quốc tế, để hoạt động cho công ích, để cải tiến các chế độ nhân văn theo Phúc âm để mở đường cho Phúc âm. 
       Ở đây có chỗ dành riêng cho giới trẻ. Hoàn cảnh đã biến đổi cuộc sống của giới trẻ, sự quan yếu của họ trong xã hội dành cho họ một chỗ đứng càng ngày càng lớn, sự hăng say tự nhiên thúc đẩy họ tiến đến các hoạt động và trách nhiệm, họ muốn là những người đảm nhận sinh hoạt xã hội và văn hóa. Cộng đồng nói rằng họ phải làm trong tinh thần Đức Ki tô, trong sự vâng phục và yêu mến Giáo hội. Và chúng ta đi đến hai kết luận quan trọng : 
          _ “Giới trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên của giới trẻ, thực thi việc tông đồ bởi chính họ và ở giữa họ, tùy theo môi trường xã hội họ sống”. Và kết luận thứ hai liên hệ đến tuổi thơ: 
          _ “Các trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng của chúng, chúng là những chứng nhân sống của Đức Ki tô giữa bạn bè chúng”. 

3) NHỮNG PHƯƠNG THỨC TÔNG ĐỒ NÀO ? 

         Công đồng nhắc tới sự phân biệt giữ tông đồ cá nhân mà người Kito hữu phải thực hiện khắp nơi, ở đâu người công giáo càng ít ỏi thưa thớt và tự do của Giáo hội càng nguy ngập, việc tông đồ ở đó càng cần, và tông đồ có tổ chức phù hợp với yếu kiện đạo giáo làm cho người Kito hữu thành những phần của một thân thể . Có đủ mọi tổ chức khác nhau : những tổ chức nhằm theo đuổi mục tiêu tổng quát của Giáo hội…. những tổ chức theo đuổi những mục tiêu giảng truyền Phúc âm và thánh hóa …. những tổ chức chuyên lo chấn hưng đạo giữa đời…. những tổ chức từ thiện và bác ái . 
          Công giáo tiến hành, theo bản tuyên ngôn, là một phương thức làm tông đồ có tổ chức, với bốn yếu tố đặc trưng : 
          - mục tiêu: mục tiêu tông đồ của Giáo hội trong trách vụ giảng truyền Phúc âm và thánh hóa muôn người để họ có đủ tư cách đem tinh thần Phúc âm vào các cộng đồng và môi trường . 
         - hợp tác với hàng giáo phẩm : trong khi hợp lực với giáo phẩm, người giáo dân lĩnh lấy trách nhiệm về các tổ chức, các công cuộc tìm tòi và hành động .; 
         - hoạt động liên kết với nhau như một thân thể có tổ chức ; 
         - hoạt động dưới sự chỉ đạo của giáo phẩm, giáo phẩm cũng có thể nhận thật sự hợp tác đó bằng một ủy nhiệm rõ rệt ; 
          Với những đặc tính đó, các tổ chức cũng được kể là công giáo tiến hành dẫu có những cơ cấu và danh xưng khác nhau tùy nơi và tùy các dân tộc . 

4) HUẤN LUYỆN LÀM TÔNG ĐỒ 

          Đối với chúng ta tiết mục này quan hệ, vì nếu trẻ em có khả năng làm tông đồ, thì đồng thời chúng cũng cần phải tự luyện vào việc đó . 
        - Việc đào luyện đó phải thực hiện ngay từ khi bắt đầu giáo dục . Những ai có nhiệm vụ giáo dục Kito giáo thì cũng phải lĩnh trọng trách đào tạo tông đồ . 
        - Phải thực hiện trong gia đình : mở lối, nghĩ đến những người khác, tập luyện sơ khởi làm tông đồ . 
        - Phải thực hiện trong giờ giáo lý, trong các trường, các hội đoàn : phải khai tâm cho trẻ em về cuộc sống những kẻ khác , về cuộc sống các cỗng động đạo và đời . 
       - Sau hết phải theo đuổi mãi, vì việc tông đồ không phải chỉ để thực thi trong các đoàn hội, mà còn trong cả cuộc sống . 
          Mấy ai có thể nghĩ rằng qua những văn kiện khác nhau đó, Công đồng cũng chẳng nói chi lắm đến chỗ đứng của trẻ em . Đúng thế, nhưng Công đồng không chú trọng đến chúng hơn những kẻ khác, với sự minh xác này là chúng được giáo dục cùng lúc những khám phá và sống . Hình như phải giải thích các bản văn như thế mới đúng . 

          Điều quan yếu phải ghi lại nơi đây như câu kết cho sự suy nghĩ này đó là Giáo hội cũng chính là trẻ em . Không phải chờ đến lúc trưởng thành, đến tuổi khôn, mà ngay từ giây phút chịu phép rửa tội, các trẻ em trở nên kito hữu “trọn vẹn” đối với Giáo hội . Trong chúng, ân sũng ngự trị, trong chúng Thần linh sống động, hài lòng và hiển hiện trong sự thuần khiết, quảng đại, thơ ngây của chúng . Trong chúng phép rửa tội đã gieo mầm Tin, Cậy, Mến cần phải làm cho lớn mạnh để thể hiện bằng những hoạt động cụ thể của cuộc sống trẻ em của chúng hôm nay, trong cuộc sống thanh niên, trưởng thành của chúng mai ngày và như thế, chúng trung kiên với thiện chức làm con Chúa .


 II- MỤC VỤ TUỔI THƠ 

A.- MỤC VỤ TUỔI THƠ LÀ GÌ ? 

          Một số nào đó sức mạnh giáo huấn của Giáo hội được vận dụng để giúp đứa trẻ thực hiện thiên chức làm con Chúa của nó . Cần phải phối trí hết các thành phần đó để việc giáo dục đứa trẻ được tực hiện một cách thống nhất . Đó là cái gì làm thành Mục vụ Tuổi thơ . Nó : 

       _ ĐỊNH HƯỚNG CHO NHỮNG AI VỚI TƯ CÁCH NÀY HAY TƯ CÁCH KHÁC MANG TRÁCH NIỆM VỀ TRẺ EM : các cha mẹ , giảng viên giáo lý, giáo chức, huấn luyện viên, người hữu trách các phong trào ….. Nó kích động và nâng đỡ những cuộc tìm tòi và những nỗ lực trong những buổi gặp gỡ giữa những nhà giáo dục khác nhau đó . 

      _ MỜI GỌI CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH và đặc biệt các phong trào có tổ chức tham gia việc giáo dục các trẻ em, nâng đỡ học khi làm chứng và trợ lực cho trẻ em và hợp tác với họ để định hướng tương lai cho chúng . 

        NHIỀU LỰC LƯỢNG GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI CÓ MỘT VAI TRÒ PHẢI ĐÓNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC ĐỨA TRẺ . Dẫu rằng đấy không phải là những công cuộc có tổ chức hết cả hay không chu toàn tất cả những cái người ta có quyền mong đợi điều đó không ngăn trở gì đến công việc hòa hợp của số rất đông bao nhiêu có thể . Nếu không có cái mục vụ đó thì cũng nên phát động vì mục đích rất lớn của trẻ em : 

                _ Gia đình : Theo lẽ thường chính trong lòng gia đình mà đứa trẻ nhận được những yếu tố đầu tiên của việc giáo dục đức tin và cuộc thí nghiệm sống đạo . Nhờ sự giúp đỡ và chứng tích của cha mẹ, anh chị em nó, đứa trẻ học biết làm cho đời nó phù hợp với cái mà Thiên Chúa hằng sống nó mới khám phá mong đợi . 
              _ Cộng đồng Ki tô hữu sở tại mở rộng dần dần cái tế bào đầu tiên gia đình nó cấu hành . Đối với một số trẻ, đấy sẽ là việc tiếp xúc đầu tiên với cuộc sống đạo . Cộng đồng cho nó tham dự vào đời sống phụng vụ và bí tích, và cho nó chứng tích sống của các phần tử làm nên cộng đồng . 
             _ Việc dạy đạo nỗ lực đức tin cho đứa trẻ, khiến nó khám phá sứ điệp gửi đến cho nó như cho bất cứ ai, và những kinh nghiệm rút ra từ đấy cho cuộc đời nó . 
             _ Những trường học Ki tô giáo mà nó ngẫu nhiên tham dự, đặc biệt : 
                            + trường học ki tô giáo ở đấy, theo ánh sáng đức tin, nó khám phá vũ trụ, những phong phú của vũ trụ, việc sáng tạo của Thiên chúa được con người tiếp tục; 
                            + những cơ quan văn hóa và giải trí Ki tô giáo có thể giúp điều hợp học vấn với Đức Tin , và sống những thời giờ nhàn rỗi cho ra người Ki tô hữu . 
            _ Những Phong trào thiếu nhi giúp trẻ em thí nghiệm cuộc sống đạo theo trình độ của chúng với chúng bạn . Có những Phong trào chú trọng đặc biệt đến việc đào sâu đời sống thiêng liêng, có những phong trào lại tìm tòi việc giáo dục con người, Ki tô hữu hay tông đồ một cách rộng rãi hơn . 

 B.- PHONG TRÀO TRONG MỤC VỤ ĐÓ 

            Phong trào chiếm một chỗ rất quan trọng .Việc tông đồ theo nghĩa rộng bao giờ cũng là một phần trong toàn bộ của Ki tô giáo và còn là thi hành đức bác ái . Bởi thế không có giáo dục Ki tô giáo thật sự mà thiếu huấn luyện làm tông đồ . Việc huấn luyện này hết thảy các cơ quan giáo dục phải ban phát, đó là nguyện vọng của Giáo hội . 

          _ Gia đình Ki tô giáo có lẽ không hoàn toàn trung thành với sứ mạng của nó nếu không định hướng, không nâng đỡ việc tông đồ của trẻ em bằng cách đào luyện chúng về mặt đó trong cái chức vụ gia đình của chúng . 
            Chúng ta cũng có thể lý luận như thế về trường học Ki tô giáo nhưng với những phương thức áp dụng khác . 
         _ Lớp giáo lý cũng ban phát việc huấn luyện tông đồ đó , nếu không, nó cũng chẳng giáo dục đức tin thật sự và đến cùng . 

          Như thế có cần phải nghĩ rằng Phong trào sẽ can thiệp khi mà những thành phần nào đó khiếm khuyết chăng ? 

           Chắc hẳn Phong trào có thể bổ sung trong việc khám phá cuộc sống chiến sĩ cho những trẻ em thiếu một trong những tài sản quan yếu đó . Nhưng cả với những em khác, hoàn toàn được ưu đãi, Phong trào đem lại một yếu tố khẩn thiết để phân phát cho trẻ em tất cả những gì cần cho cuộc sống chiến sĩ , yếu tố chúng không tìm được ở đâu khác như thế, vì tính cách chuyên biệt của hoạt động chiến sĩ khác nhau và bổ túc cho những sức mạnh tông đồ khác : 

                * Huấn luyện trí và lòng để làm tông đồ phải đi đến hành động . Vì nhiều lý do
                        _ một lý do giáo lý : bí tích làm chúng ta nên giống Chúa Ki tô tư tế, vua và tiên tri, là phép rửa tội . Chính bí tích này đòi buộc một đời sống tông đồ và cho chúng ta sức mạnh hoạt động .
              Phép thêm sức đến tăng cường và củng cố những hiệu quả của bí tích rửa tội . Phép thánh thể nuôi nấng sự sống của Chúa trong chúng ta . 
                       _ một lý do tâm lý : thật khó trở nên người trưởng thành chiến sĩ nếu ở giai đoạn tuổi thơ đã không khám phá và sống việc tông đồ . 
                      _ một lý do truyền giáo: nguyện vọng Giáo hội phải có mặt, đem Tin mừng đến khắp nơi, với qui kết này, là trong thế giới trẻ con, chỉ có trẻ em mới có thể làm tròn vai trò đó thật sự và cặn kẽ . 

                * Phải đi đến một hoạt động có tổ chức nữa :
          “ Như thế các ki tô hữu được gọi thi hành việc tông đồ bản thân trong những trạng huống sinh hoạt khác nhau của họ: nhưng không được quên rằng bản chất con người có xã hội và Thiên Chúa đã đoái thương tập hợp những ai tin Đức Ki tô thành dân Thiên Chúa (xem I Phê rô, II, 5-10) và liên kết họ thành một thân thể (xem I Cor. XII, 12). Việc tông đồ có tổ chức rất thích hợp với tư cách con người và ki tô hữu của các tín đồ : đồng thời nó cũng biểu lộ dấu hiệu hiệp thông và nhất thống của Giáo hội Đức Ki tô, đấng đã nói : “Nơi nào hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, Ta ở giữa họ” (Mat XVIII,20). 
           Vì thế, các Ki tô hữu sẽ thực thi việc tông đồ của mình bằng cách đồng ý với nhau về một mục tiêu. Họ hãy làm tông đồ trong các công đồng gia đình của họ cũng như trong các xứ đạo và địa phận; họ cũng hãy làm tông đồ trong những nhóm tự do mà họ sẽ chọn lựa để tập hợp với nhau. 
           Việc tông đồ có tổ chức cũng rất mực quan trọng, bởi vì một hành động đại thể thường đòi hỏi như thế trong các cộng đồng Giáo hội cũng như trong các môi trường khác nhau của cuộc sống tông đồ. Những tổ chức được tạo lập để làm tông đồ tập thể nâng đỡ các hội viên, đào tạo họ làm tông đồ, chỉ huy và lãnh đạo việc tông đồ của họ làm sao để có thể hy vọng những thành quả quan trọng hơn là khi mỗi người hành động riêng rẽ. 
           Trong hoàn cảnh hiện nay, ở đâu có hoạt động tông đồ giáo dân, ở đấy tuyệt đối cần thiết phải phát triển việc tông đồ dưới hình thức tập thể và có tổ chức; thật ra, chỉ có liên kết chặt chẽ các cố gắng mới có thể giúp đạt được hoàn hảo các mục tiêu tông đồ ngày nay và bảo trì hữu hiệu được các thành quả. Trong viễn ảnh đó, điều quan trọng đặc biệt là việc tông đồ phải đạt tới các não trạng tập thể và các giai cấp xã hội của những ai mà việc tông đồ đó chuyên lo, nếu không, họ thường không thể kháng cự được áp lực của dư luận quần chúng và các định chế” (Vatican II - Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 18). 

 Đó là những căn bản vững chắc giúp chúng ta nghĩ rằng trẻ em phải đi đến một việc tông đồ có tổ chức, những căn bản đem lại nâng đỡ thật sự cho Phong trào của chúng ta, khiến chúng ta đòi hỏi cho nó một chỗ đứng thượng đẳng trong Mục vụ, trong Giáo hội. 



 IV 

PHONG TRÀO CỦA CHÚNG TA 


I. SỨ MỆNH CỦA PHONG TRÀO. 

          Sứ mệnh của Phong trào không tách rời khỏi sứ mệnh của Giáo hội. Trái lại, nó tham dự vào một cách sâu xa, chặt chẽ. 
          Sứ mệnh của Giáo hội chính là loan báo Chúa Giê su Ki tô và tỏ bày sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn mọi người và trong thế giới. Tin Mừng phải được loan báo cho mỗi người trong những điều kiện cụ thể của cuộc sống, giàu, nghèo, có ân sủng hay tội lỗi. Mỗi người được tự do theo ý muốn đáp lại tiếng gọi của Chúa. Nhận Chúa Ki tô, đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, cũng chính là nhận anh em, giúp họ, đến lượt họ, cũng đáp lại tiếng gọi đó. 

         Chính Giáo hội giúp loài người nghe tiếng gọi đó và trả lời : 
                  _ Giáo hội là trung gian giữa Thiên Chúa và mỗi người, 
                  _ Giáo hội chính là Chúa Giê su Ki tô hiện diện giữa mọi người. 

A.- PHONG TRÀO THỰC HIỆN GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI TRẺ CON : CHÍNH CHÚA GIÊ SU KI TÔ HOẠT ĐỘNG TRONG THẾ GIỚI TRẺ CON BẰNG CHÍNH TRẺ CON. 

        Để đạt tới đó, Phong trào đồng thời chủ trương tất cả: 
                + giúp trẻ em NẢY NỞ, thật sự là những TRẺ EM HẠNH PHÚC; 
                + giúp trẻ em LÀM CHỨNG bên cạnh các trẻ em khác nơi chúng sống và KI TÔ HÓA tất cả cuộc sống giữa trẻ em với nhau; 
                + giúp trẻ em tùy khả năng Ý THỨC những việc chúng làm chính là HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI. 
        Chúng ta nhắc lại ba điểm đó kế tiếp nhau. 

1) GIÚP TRẺ EM NẢY NỞ, THẬT SỰ LÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC: 

           Chúng ta có hồn có xác. Tất cả hữu thể của chúng ta được Chúa kêu gọi. Tất cả con người được ràng buộc vào Chúa. 

           Sự phát triển của một hữu thể, sự nảy nở các năng lực của nó thiết cần cho sự thành công đời nó. 

          "Ân sủng không tái tạo bản tính, ân sủng nâng nó lên trên chính nó bằng cách khai thác các tài nguyên gặp thấy nơi nó. Trừ ra phép lạ, còn thì một con người ti tiện không bao giờ trở nên một đại ki tô hữu” (P.Sage). 
          Vì thế Phong trào phải giáo dục các giá trị người của trẻ em. Sự nảy nở trí tuệ, tâm hồn, ý chí đứa trẻ, tất cả những gì Thiên Chúa đã gieo mầm trong nó, không phải, cũng không thể là là cái gì tùy tiện, tạm bợ. Phong trào phải giúp mỗi đứa trẻ phát triển trong nó thiên chức làm người của nó. Làm như thế, Phong trào chuẩn bị các trẻ em đáp lại tiếng Chúa gọi cách hoàn hảo hơn. Tất cả sự nảy nở về con người đem đứa trẻ tiến lên gần Chúa và làm cho nó càng thêm sẵn sàng cho ân sủng hoạt động mà nó đã tiếp nhận khi chịu phép rửa tội hoặc nó được gọi tiếp nhận . 

           Việc huấn luyện người đó được thực hiện phụ thuộc vào cái nhìn sâu xa, cái khái niệm ki tô giáo của chúng ta về con người trong kế hoạch của Thiên Chúa .

          Một nền giáo dục Ki tô giáo chân chính hướng dẫn đứa trẻ kết hợp chặt chẽ với Đức Ki tô và yêu thương những người khác trong đức Kitô. Hai chiều hướng đó không thể tách rời nhau.
         “Nếu ai nói rằng: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em hắn, là kẻ nói dối. Ai không yêu thương anh em mà hắn thấy, cũng không yêu mến Thiên Chúa mà hắn không thấy. Phải, đó là chỉ thị chúng ta đã nhận lĩnh nơi Ngài: là ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (I Gioan IV, 20). 
                + Vì thế, Phong trào chủ trương giúp mỗi đứa trẻ tự bản thân đáp lại, hoàn toàn tự do, tiếng gọi của Chúa, tiến lên theo nhịp điệu riêng trong ơn gọi của nó. 
                + Phong trào đồng thời cũng chủ trương giúp nó yêu thương những người khác, hết thảy những người khác tự nhiên nó gặp, “như Chúa Giê su đã yêu thương chúng ta”, nghĩa là sống trong bác ái. 
           Việc giáo dục đó hướng dẫn trẻ em hành động và phản ứng với tư cách ki tô hữu trong những chi tiết của nếp sống hằng ngày. 

2) GIÚP TRẺ EM LÀM CHỨNG BÊN CẠNH CÁC TRẺ EM KHÁC NƠI CHÚNG SỐNG VÀ KI TÔ HÓA TẤT CẢ CUỘC SỐNG GIỮ TRẺ EM VỚI NHAU: 

          Ở khắp nơi, khắp năm châu bốn bể, trẻ em sống, chúng tự động tổ chức với nhau. 
          Giáo dục như chúng ta vừa phác họa đưa trẻ em đến chỗ tăng thêm giá trị bản thân, lớn khôn lên, cởi mở với những người khác, tiếp đón họ, trở nên động lực trong những môi trường chúng sống. 
                    + Các trẻ em sống phù hợp thêm với Phúc âm như thế, đối với những người chung quanh là một bằng chứng sống của Chúa Ki tô. Chúng là một câu hỏi cho những người khác. 
                    + Bằng hoạt động hăng say và được nâng đỡ bởi những phương tiện khác nhau mà Phong trào đem lại cho, chúng có thể ảnh hưởng sâu xa đến những nhóm khác nhau mà chúng tham gia, ki tô giáo hóa từ bên trong những nhóm đó, nghĩa là cho Đức Ki tô hiện diện thêm và hành động bằng bầu khí vui tươi, thân hữu, bác ái mà chúng góp phần gây nên. 
           Đấy thật là Giáo hội hiện diện, một hành động Giáo hội mà chúng xác định như thế. Là những chứng nhân thật của Đức Ki tô trong thế giới trẻ con, chúng làm cho Nước Chúa tiến triển trong thế giới đó. 

3) GIÚP TRẺ EM TÙY KHẢ NĂNG Ý THỨC NHỮNG VIỆC CHÚNG LÀM ĐÃ LÀ HÀNH ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI. 

          Trẻ em có khả năng theo đuổi một việc tông đồ vừa tầm vóc chúng. 
          Điều quan hệ là giúp chúng khám phá dần dần ý nghĩa và giá trị việc chúng làm. Để bằng chứng của chúng đạt được tất cả sự phong phú của nó, nó cần phải bằng cách này hay cách khác dễ thấy, rõ rệt đối với những ai nó muốn nhằm. 
         Vì thế, trẻ em cần phải được sự giúp đỡ khám phá Chúa Giê su Ki tô hiện diện trong cuộc sống, ở giữa cuộc đời chúng. Chúng cần phải ý thức nhân danh những ai và cho những ai mà chúng hành động, để đến lượt họ, họ có thể cũng tuyên bố như thế. Thế giới trẻ con sẽ được giảng Phúc âm tùy theo mức độ chính trẻ em, những ki tô hữu ý thức, mạc khải Chúa Giê su Ki tô cho. 
         Những nhóm trẻ em, nhờ hành động cải tạo của chính chúng, có thể trở nên những cộng đồng thật sự, tiến bộ trong đức Tin, Cậy, mến. Những tế bào đích thực của Giáo hội, giúp trẻ em khám phá theo tầm vóc chúng. Giáo hội sống và hoạt động. 


B.- PHONG TRÀO CŨNG GIÃI BÀY CHO GIÁO HỘI BIẾT THẾ GIỚI TRẺ CON. 

             Để có thể suy nghĩ và tổ chức Mục vụ, Giáo hội cần biết rõ thêm về cuộc sống các cá nhân. Một phong trào như phong trào của chúng ta phải thường xuyên đem lại những gì nó ghi nhận về cuộc sống trẻ em. Trẻ em có thể phát biểu trực tiếp một cách khó khăn. Phong trào có phận sự tự đảm nhận làm phát ngôn viên của chúng, nói nhân danh chúng, đòi hỏi cho chúng. 

                      + PHONG TRÀO PHẢI MẠC KHẢI THẾ NÀO LÀ TRẺ EM: những phong phú, những yếu hèn. Phong trào cũng phải bày tỏ trước mặt mọi người trẻ em có khả năng thế nào, chúng làm được gì theo trình độ của chúng để Chúa trị đến. 
                     + PHONG TRÀO PHẢI GIÚP CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH Ý THỨC VỀ SỰ GIÚP ĐỠ họ có bổn phận đem đến cho trẻ em, bằng một hoạt động trực tiếp bên cạnh chúng hoặc bằng một hoạt động hữu ích cho chúng. 
                    + PHONG TRÀO PHẢI LÀ LỜI KÊU GỌI THƯỜNG XUYÊN GỬI ĐẾN GIÁO HỘI để người ta lưu tâm đến trẻ em, suy tư đến tình trạng của chúng, tìm tòi những giải pháp thích đáng… 
                    + PHONG TRÀO PHẢI GIÚP CÁC THANH NIÊN, NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH ĐẶT VÀO KINH NGUYỆN CỦA HỌ, phép Thánh Thể, toàn bộ cuộc sống của trẻ em.


 II.- NHỮNG Ý - LỰC: 

            Trẻ em cần phải biết chúng thuộc về “Đức Ki tô”, chúng đã dấn thân theo Chúa, cùng với Chúa. Chúng cần ý thức toàn thể chúng là Giáo hội trên đường tiến và chúng có thể đặt tin tưởng vào sức mạnh của người, đồng thời đem lại cho người cái động lực của chúng. Đó là một lý tưởng cao cả, mà hoạt động trong Phong trào sẽ giúp khám phá sức mạnh cảm kích. Trẻ em cần phải khám phá ra rằng với những trẻ khác, đông đảo, chúng xây dựng một Phong trào của Giáo hội, chúng là Phong trào đó, chúng là Giáo hội. Những điều trên đây được thực hiện nhờ những phương tiện sẽ nói sau, quy tụ vào ba ý tưởng trung tâm, gọi là những ý lực: 

                       _ Thiên Chúa là CHA chúng ta. Chúng ta là con cái Chúa. Ngài gọi chúng ta tham dự vào sự sống thần linh của Ngài. Đấy là lý do khiến chúng ta VUI TƯƠI : GIÁNG SINH. 
                       _ Thiên Chúa gửi xuống cho chúng ta CON Ngài, Đức Ki tô đến cứu vớt chúng ta. Chúng ta tham dự vào sứ mệnh cứu chuộc của Ngài. Việc này đòi chúng ta phải can đảm, mạnh mẽ, HÙNG DŨNG : PHỤC SINH. 
                       _ Hết thảy chúng ta hợp nhất với nhau nhờ THẦN LINH của Ngài. Cùng với hết thảy bạn bè, cùng với mọi người, chúng ta xây dựng Nước Chúa khắp nơi, trong lớp học, trong làng xóm, trong khu phố chúng ta… Chúng ta xây dựng trong tình yêu thương BÁC ÁI : HIỆN XUỐNG. 
              Những ý tưởng đó thấm nhuần tất cả cuộc sống, tất cả hoạt động, các phương tiện của Phong trào. Chúng có thể cảm hứng cả các châm ngôn, khẩu hiệu… nhưng phải coi chừng đừng làm mất cái ý nghĩa sâu xa của chúng vì quá lạm dụng chúng như thế hay biến chúng thành cái gì quá bề ngoài. Chúng để lại những xác tín còn mãi suốt đời. 
              Đức Cha Pierard (1) đã diễn tả các điểm này khi nói với những người hữu trách khắp thế giới trong cuộc Họp mặt Quốc tế Hùng Tâm Dũng Chí tại Paris tháng bảy 1962: “Chúng ta được phép vui mừng ghi nhận rằng cái tinh thần, các phương pháp, các tìm tòi, hoạt động của các Phong trào Hùng tâm tham gia vào những nổ lực của Giáo hội; đáp ứng những nhu cầu của thế giới; khi cổ võ một cách hữu hiệu từ sự ưng thuận bên trong của đức tin bước sang sự dấn thân bên ngoài bằng cách giúp trẻ em thắng vượt thế giới trẻ con của chúng và cả thế giới người lớn với tư cách những người đã lĩnh phép rửa tội vui tươi, những người đã chịu phép thêm sức anh hùng, những người anh em đang nổ lực yêu thương và phụng sự như Chúa Giê su đã yêu thương chúng ta”. 

 III.- PHONG TRÀO LÀ MỘT PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC. 

_ MỖI ĐỨA TRẺ CÓ CUỘC SỐNG RIÊNG CỦA NÓ VỚI NHỮNG PHONG PHÚ, NHỮNG GIỚI HẠN: 
                + Nó có một tuổi, một tính khí nào đó… 
                + Nó sống trong một hoàn cảnh gia đình nào đó, trong làng xóm, trong khu phố, trong nội trú… 
                + Nó chịu ảnh hưởng khác nhau của tập thể mà thế giới chúng ta đem lại cho nó: báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, quảng cáo, những luồng dư luận… 
                + Nó sống những biến cố và những hoàn cảnh đụng chạm đến nó, gần hay xa… Nó sống tất cả những cái đó rất khác tùy ở nền giáo dục nó hấp thụ, tùy ở tâm trạng những người chung quanh nó, tùy ở môi trường nó tham gia. 

_ NHỮNG NHÓM TRẺ EM TỰ PHÁT CŨNG ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BỞI CHÍNH NHỮNG YẾU TỐ ĐÓ. Trẻ em gặp gỡ nhau thường thường do sự gần gũi: cùng trường, cùng xóm, cùng được hấp thụ một lối giáo dục… 
           Vì thế, Phong trào chủ trương lúc thực hiện, phải quan tâm đến những môi trường xã hội của trẻ em, những cộng đồng sở tại, về văn hóa và tôn giáo mà chúng dự phần. 
           Phong trào tự đặt mình trong hàng ngũ các Phong trào được gọi là “Tông đồ cảnh vực” hoạt động trên bình diện thanh niên và người trưởng thành bắt đầu đi từ những tiên kiến căn bản giống nhau. 


 IV.- PHONG TRÀO NHẰM NHỮNG AI ? 

            Các trẻ em đều bình đẳng trong kế hoạch của Thiên Chúa, thì các chúng không có lý do gì mà không thuộc phạm vi sứ mệnh của Phong trào : 
                            + chúng khỏe mạnh hay tàn tật, 
                            + ở bất luận môi trường, hoàn cảnh nào, 
                            + có học đạo hay không, ngoại giáo hay Ki tô hữu. 
            Chắc hẳn cần phải châm chước, thích nghi, đặc biệt là đối với những em không công giáo, như sẽ nói rõ ở phụ lục I cuối tập này. 

           CHÚNG TA CÓ THỂ TÓM TẮT TRONG MẤY TIẾNG BẢN CHẤT CỦA PHONG TRÀO KHI GỌI NÓ LÀ 

+ MỘT PHONG TRÀO. 

                 _ giáo dục, được thực hiện bằng phương thức một Phong trào thiếu nhi, như thế, bằng một cách độc đáo đối với các lực lượng giáo huấn khác, điều đó giả thiết một khoa sư phạm và một phương pháp thích hợp. 
                 _ tông đồ, để cho chính trẻ em tham gia vào việc rao giảng Phúc âm cho thế giới trẻ con của chúng. 

+ MỘT PHONG TRÀO 

                 _ cho trẻ em khởi công hoạt động ngay từ giờ, từ hôm nay của cuộc sống trẻ con chúng : 
           “Phong trào … lôi cuốn trẻ em làm việc tông đồ cảnh vực của chúng bằng sự luyện tập có tính cách giáo dục và đã có hiệu năng” (Đức Cha Garrone) 
                 _ nhờ đó, chuẩn bị trẻ em ngày mai trở nên những thanh niên, những người trưởng thành chiến sĩ mà thế giới cần đến họ rất nhiều.




 V 

KHOA SƯ PHẠM 



            Sau khi đã xem xét những gì phong trào chủ trương giúp đỡ trẻ em, điều quan hệ là phải dừng lại giấy lát ở những yếu tố căn bản chủ yếu của khoa sư phạm Phong trào, những yếu tố cần cảm hứng cho sự tìm tòi các phương tiện cụ thể sẽ dùng đến. 
            Chương này là chủ điểm cho một khía cạnh vấn đề chúng ta đang suy nghỉ đây. Nó muốn diễn tả cái tinh thần cần đem áp dụng để giúp trẻ em sống và điều hành hoạt động tông đồ riêng của chúng. Nó căn cứ vào những chương trên bàn về tâm lý trẻ em và sứ mệnh của Phong trào: 

                 Hành động : nhu cầu trọng yếu của trẻ em. 
                 Hành động : tiếng then chốt của một phong trào tông đồ cảnh vực. 

           Khoa sư phạm của chúng ta có thể tóm tắt như vầy: CHÚNG TA MUỐN ĐỂ CHO TRẺ EM HÀNH ĐỘNG. 

HOẠT ĐỘNG CÓ NHỮNG ĐẶC TÍNH NÀO ? 

1) HOẠT ĐỘNG CĂN CỨ VÀO CUỘC CHƠI, VÀO CUỘC MẠO HIỂM. 

          Hoạt động vừa sức đứa trẻ nhất, giúp nó tự tác tạo con người của nó, tìm được thế quân bình của nó, là chơi. 
         Chơi với nhiều hình thức khác nhau tùy tuổi tác, phái tính, quốc gia… giúp trẻ em phát biểu một cách tự do và sâu xa, đem tất cả sức sống, tất cả khả năng của chúng. 
         Chúng ta không dừng lại lâu ở khía cạnh đã được các cuộc tìm tòi tâm lý học và sư phạm khai thác, điều cần thiết là nhấn mạnh ở đây, địa vị và sự quan yếu của chơi trong sinh hoạt Phong trào, chúng ta sẽ trở lại khi nghiên cứu về các phương tiện. 

2) HOẠT ĐỘNG LÀ CÔNG CHUYỆN CỦA TRẺ EM. 

+ ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ GIÚP TRẺ EM TRỞ NÊN NHỮNG NHÂN VẬT, NHỮNG KITÔ HỮU CHÂN CHÍNH, NHỮNG CHIẾN SĨ. 
                _ chúng ta sẽ đào tạo những nhân vật theo mức độ trẻ em có thể tự mình tổ chức với nhau, hành động, tự luyện nhờ sự tiếp xúc với những người khác; 
                _ chúng ta sẽ đào tạo những Kitô chân chính chiến sĩ bằng cách giúp trẻ em có một nếp sống ki tô hữu bản thân, sống nếp sống đó trong tự do, trong chi tiết của cuộc sống, ở khắp nơi, với mọi người chúng sống. 

+ CHO ĐƯỢC THẾ, PHONG TRÀO DỰA VÀO KHOA SƯ PHẠM HOẠT ĐỘNG. 

          Dưới đây, chúng ta trình bày mau chóng mấy nguyên tắc cơ bản. Căn cứ vào khái niệm đúng đắn về đứa trẻ, sự hiểu biết về tâm lý thiếu nhi, cũng như về từng con người cụ thể của đứa trẻ, khoa sư phạm hoạt động ra sức: 
               _ làm triển nở mọi khả năng của đứa trẻ : tất cả, nhưng mỗi cái có lúc của nó : ”Đứa trẻ không phải cái bình để mà đổ đầy vào, nhưng là một ngọn lửa phải đốt lên” (Rabelais). 
               _ khởi sự từ những ham thích sâu xa của đứa trẻ, nghĩa là những sức mạnh sâu xa phát xuất từ bản chất đứa trẻ: 
               _ dạy cho trẻ em sống và cùng nhau hành động, đồng lao cộng tác với nhau, nói khác, giúp chúng đạt tới sự trưởng thành về phương diện xã hội của chúng; 
               _ ban phát cho mỗi em tùy theo trình độ của nó, bởi vì mỗi em là một hữu thể duy nhất, có những khả năng và nhịp độ riêng của nó. Chúng ta có thể rút ngay ra hai câu kết luận : 
               _ sử dụng cùng với trẻ em cái người ta gọi là “phương pháp khám phá”, nó gồm ba giai đoạn: 
                             + gợi lên sự ham thích, 
                             + tìm hiểu, 
                             + diễn tả việc tìm tòi. 
               _ điều quan hệ cho nhà giáo dục là đừng đóng vai trò “người dạy”, mà là “người tập dượt”, biết: + tạo hoàn cảnh thuận lợi xung quanh, + thức tỉnh, kích thích, + nâng đỡ. bằng thái độ thông cảm, bình tĩnh, tín nhiệm, vui vẻ v.v… 

3) HOẠT ĐỘNG ĐÀO LUYỆN. 

         Người ta thường quá đem đối lập giữa hoạt động và đào luyện, lẫn lộn hoạt động với múa may quay cuồng. Hoạt động với đào luyện không tách biệt nhau. 
         Hoạt động như chúng ta đề cao là đào luyện. Nó giúp trẻ em mở mang, nảy nở, 
               _ về phương diện người: phát triển con người, những phong phú, tài năng của nó…
               _ về phương diện ki tô hữu: khám phá Tin Mừng kêu gọi mọi người dấn thân. 
        Chính hoạt động sẽ giúp trẻ em sống đạo trong những chi tiết nhỏ nhặt đời chúng, khám phá ý nghĩa cuộc chiến đấu, sự gắng gỏi cần thiết; chính hoạt động sẽ thúc đẩy chúng hành động với những trẻ khác trong những nhóm chúng có mặt. Với điều kiện hoạt động đó, như đã nói trên, chắc chắn: 
                             + được sống như là chơi, 
                             + là công chuyện của trẻ em. 

4) HOẠT ĐỘNG ĐÓ NHẰM MỖI EM VÀ MỘT SỐ CÀNG ĐÔNG CÀNG HAY. 

                 + Mỗi em: mỗi em cần cảm thấy rằng hoạt động đề nghị quan hệ đến mình, em có thể làm mà vẫn cảm thấy thoải mái, công việc người ta giới thiệu với em gắn liền vào hoạt động tự nhiên tự phát của em, những khả năng của em. 
                + Một số càng đông càng hay: đây là điểm quan trọng trong sứ mệnh Phong trào: Mỗi em cần phải có phần, không ai bị lấn át, không ai bị thiệt thòi. 
          Như thế, khoa sư phạm của chúng ta theo bản chất của nó KHỞI SỰ TỪ CUỘC SỐNG của mỗi cá nhân trẻ em, từ cái bản thể của nó, những như cầu, những ham muốn, những biến cố đánh dấu trong đời nó… 
          Căn cứ vào những năng lực của mỗi đứa trẻ, đặc biệt là cái đà trọng yếu tiến triển của nó, nó lớn lên, thắng vượt chính mình, khoa sư phạm của chúng ta có tính cách nhân bản. 
          Dựa vào sự cần đến những người khác, một nhu cầu thiên bẩm của loài người, khoa sư phạm của chúng ta có tính cách cộng đồng. 

          Nó không đứng trong hàng ngũ khoa sư phạm của Đức Ki tô ư ? 
      
          + ĐỐI VỚI NGÀI CUỘC SỐNG CÓ GIÁ TRỊ VÔ SONG. Chỉ cần nhắc qua đến rất nhiều giai thoại trong Phúc âm cũng đủ. Chúa Giê su chữa tật bệnh, an ủi, vổ về và săn sóc đến những người ở với Ngài: chúng ta hãy đọc phép lạ hóa bánh ra nhiều, tiệc cưới Cana, đoạn văn về Mục phu Phúc hậu. 

          + NGÀI CỐ TÌM DỊP GIÚP CÁC CÁ NHÂN VƯƠN LÊN. Chẳng hạn, rất cảm động khi nhìn lại tính chất các cuộc đối thoại giữa Chúa Giê su với tất cả những người Chúa gặp. Các cuộc gặp gỡ đó bao giờ cũng là giải thoát, là nguồn tiến bộ: người đàn bà ngoại tình, Maria Mai Liên tội lỗi, Gia kê và biết bao người khác. 

          + NGÀI LÀ NGUỒN VÀ LÀ SỰ SỐNG CỦA MỌI CỘNG ĐỒNG. “Để hết thảy chúng nên một. Như Cha, Cha ở trong con và con trong Cha” (Gioan XVII, 21-23). “Chúng ta hợp thành một thân thể trong Đức Ki tô, mỗi người ai nấy đều là phần mình của nhau” (Thư gửi tín hữu Roma XII, 5). 




 VI 

MỘT VÀI THỰC HIỆN 


               Nhờ phong trào, trẻ em đã bắt đầu vào việc trong đời chúng. Ít nhiều bằng chứng cụ thể dưới đây thu nhặt từ nhiều vùng khác nhau trên khắp thế giới cho phép chúng ta quả quyết: trẻ em có khả năng theo đuổi một công cuộc tông đồ vừa tầm vóc chúng. 

I.- TẠI PHI CHÂU. 

             Đây là một vài sự kiện ghi nhận được từ nhiều nước. 

+ TRẺ EM ĐƯỢC CÁI ĐỘNG LỰC CỦA PHONG TRÀO THÚC ĐẨY, CHÚNG TỰ Ý HOẠT ĐỘNG TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CỦA CHÚNG.

               “… A”O”, CÁC ĐỘI HUÂN CÔNG (theo Chiến dịch Thường niên) đã tập trung được các em thuộc nhiều nhóm trong làng. Đó là nguồn hy vọng lớn lao cho mỗi khu xóm. Chỗ này các em cùng nhau trồng đậu lạc để trả tiền báo “Kisito” (một nguyệt san của Hùng Tâm Dũng Chí Phi châu), chỗ kia các em bán trứng luộc cho hành khách trên xe lửa để chuẩn bị đại hội rất rộn rịp vào dịp lễ Giáng sinh qui tụ hết các đội huân công… Nhóm các em thuộc khu lò gạch, chiều nọ đi học về, thấy lửa cháy sát một căn nhà. Một bà đốt cỏ xung quanh đấy, chẳng may gió to để ngọn lửa tạt vào nhà. Dorothea, một em gái 12 tuổi, nói với chúng bạn: “Lửa bén vào nhà rồi. Nào chúng ta thử kiếm một huân công như Moktar trong “Kisito” ấy mà”. Một em kể tiếp: “Chúng em chạy thật nhanh vào nhà vác thùng ra suối kiếm nước. Chúng em làm rất đàng hoàng, vui vẻ nữa, vì biết Chúa Giê su rất hài lòng về chúng em. Nếu chúng em bỏ qua huân công này, chắc sẽ có chuyện lôi thôi giữa bà đốt cỏ và ông chủ căn nhà nhỏ đó. Chúng em nghĩ rằng làm như thế mình đã ngăn cản được hai người cãi nhau. Bà đó vui mừng, nhưng chúng em còn vui hơn, vì đã là những đội viên huân công thật sự”.

              “… TRONG LỚP CHÚNG EM CÓ NHIỀU DŨNG CHÍ và chúng em đã làm sổ Mùa chay chung với nhau, chúng em đã tránh được sự gian lận khi viết”.

              “… Em rất bực khi họp hai đứa bạn của em, chúng nó đấu khẩu với nhau hoài; chúng em bàn với những HT khác phải cố tìm cách nào để dàn hòa, chúng em đã tổ chức những trò chơi và đi dạo với nhau, bây giờ hai đứa đã hòa hợp rồi”. MAI LIÊN, 13 TUỔI: “DỊP LỄ GIÁNG SINH, chúng em đã tổ chức một bữa ăn tập thể để gây tình bạn giữa bọn con gái trong làng. Agatha đem sắn tới, Isave đem bí, Gioanna rau tawa (đặc biệt của Phi Châu), Paulina đem muối và Mai Liên chày để dã. Chúng em nấu nướng với nhau và sau bữa cơm thân mật, ai nấy trở về lòng đầy vui sướng”. 

             A.S :”… BÁC MÙ TÌM NHÀ MỘT NGƯỜI BẠN… tưởng đã đến gần nhà bạn thì lên tiếng gọi… hai tên vô lại 17 – 18 tuổi trêu chọc bác, dẫn bác đi xa hơn để đánh lừa bác. Giuse và Anton, 8 và 10 tuổi, thấy vậy… Anton liền chạy lại dắt tay bác mù dẫn đến nhà ông bạn. Giuse, 8 tuổi, nói với hai thằng kia: “Nếu là HT, các anh không bao giờ đánh lừa người mù”. 

+ VIỆC TRẺ EM THAM GIA SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG CỦA PHONG TRÀO GIÚP CÁC EM “THUẬT LẠI” VIỆC CÁC EM LÀM VỚI CHÚNG BẠN ĐỂ KHÁM PHÁ GIÁ TRỊ HÀNH VI CỦA CÁC EM VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC KI TÔ, VÀ GIÚP CÁC EM TRỞ NÊN NHỮNG “CHỨNG NHÂN” HƠN NỮA NƠI CÁC EM SỐNG.

              BRIGITTA, MỘT EM GÁI 13 TUỔI: “NHỜ NHỮNG CUỘC ĐIỀU TRA CỦA CHÚNG EM, chúng em biết được nhiều đứa mới trong bọn con gái. Chúng em đã tiếp xúc được gần 400 đứa nhờ việc điều tra đó. Đến buổi họp cộng đồng, chúng em ghi tên những đứa mới mà chúng em viết vào một tấm biển, vẽ một ái gạch nối các tên với nhau. Rồi mỗi khi chúng em giúp đỡ hay làm vui cho một người nào, chúng em dán một hình chữ nhật mầu vào tấm biển. Bây giờ chúng em có nhiều bạn…”.

              “… LUCA THẬT LÀ THẰNG BẨN NHẤT TRƯỜNG. Blasiô, bạn học cùng lớp với nó, một chiều kia hỏi nó: “Sao bẩn thế, bồ? – “Tao không có xà bông, mà cũng cóc ai cho tao”! “Tao bỏ lễ Chúa nhật, chỉ vì tao chẳng có cái gì sạch cả, tao chỉ có mỗi một cái áo sơ mi rất bẩn, nên tao không thể giặt được”! Đến buổi họp HT, Blasiô nói về Luca. Các em quyết định làm một cái gì. “Nếu mai chúng mình ra sớm, sẽ nhặt được ít trái lê rụng, chúng mình đem bán lấy tiền mua xà bông”. Thế là sáng sớm hôm sau, người ta đã thấy những em trai với những trái lê, chúng đem bán ngay lấy tiền, rồi đi mua một bánh xà bông lớn cho Luca. Tuần sau, Luca xin đi họp với HT. Mới rồi, nó đã làm như chúng em, cũng mua được một bánh xà bông nhỏ”.

           A.Y. :”… HAI CÔ BẠN GIẬN NHAU… Đến buổi họp DC, ai nấy đều cảm thấy khó thở. Các em không biết phải làm thế nào để dàn hòa D. và L., sau cùng hai em đã ôm lấy nhau khiến cả bọn vui mừng khôn tả. Nhưng một em có ý kiến: “Hôn vào má không đủ, mấy bồ đã làm thế một lần rồi và mấy bồ lại bất đồng ý kiến với nhau… phải tha thứ thật trong lòng mới được…”.

            GIACOBÊ : “NHỜ CÁC CÔNG TRƯỜNG, CHÚNG EM THAM GIA vào việc phát triển quê hương chúng em, điều đó khiến chúng em can đảm gia nhập chiến dịch “Kiến thiết Quốc gia”. Khi đến họp, chúng em mới thấy rằng, làm như thế là chúng em hoàn tất công trình của Chúa trên trái đất”.

 II. TẠI PHÁP QUỐC

             Hôm đó là buổi họp đầu tiên của DC 8-10 tuổi sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh . Chị Ane hữu trách , thấy em Ginetta tới, đôi mắt long lanh, nét mặt vui tươi hớn hở . Em bê một gói lớn, những bộ mặt quen thuộc trong khu phố cùng đi với em , chị Ane có thể quan sát thấy thêm hai bộ mặt mới .
            “ Chị biết không chứ, Ginetta nói, trong kỳ nghỉ, chúng em đã làm kịch,chúng em thích tổ chức lễ “. 
          Một câu vắn tắt, nhưng đã là nguồn gốc một cuộc lễ qui tụ được số đông trẻ em 

GINETTA VÀ CHÚNG BẠN

          Để dễ dàng khám phá khu phố của Ginetta và cái “băng” của em , chúng ta nên lưu ý về một vài chi tiết : đây là một xóm lao động, có những chung cư lớn, trong một thành phố 100.000 dân . Chung quanh những ngôi nhà có một vài thảm cỏ xanh, nhưng cấm trẻ em không được bước chân vào . Ở trung tâm những ngôi nhà có một công viên để chơi, nhưng trẻ em thuộc phố Cầu, lại ưng chơi trên vỉa hè và trên đường phố cho có vẻ tự do hơn . Mùa đông, chúng tụm nhau ở những ô cầu thang. Tuy nhiên, chỗ ở chật hẹp, mà các gia đình lại thường đông. Việc coi sóc mấy em nhỏ cũng thường được trao phó cho những em lớn trong gia đình . Có những em như Christia chẳng hạn, phải coi nhà từ 6 giờ sáng, vì bố mẹ đều đi làm cả . Sau hết, các em gái đều phải giúp mẹ khá bộn những công việc hằng ngày và muốn đi chơi sớm hơn, thường phải rủ nhiều bè bạn đến rửa bát dĩa giúp . 
          Điều đáng tiếc thường xảy ra là bố mẹ phải làm việc lâu giờ và vất vả, mà vô tuyến truyền hình lại chiếm một chỗ khá lớn, nên việc trao đổi trong gia đình không nhiều nhặc cho lắm . 
         Chúng ta có thể đoán ngay không chút do dự rằng trẻ em trong phố quen biết nhau rất nhiều .Trường học, giờ chơi, những lúc bố mẹ sai phái càng giúp chúng đào sâu những mối liên lạc đó . Hội quán mấy em gái thường đến họp cộng đồng nằm ngay cạnh nhà thờ bên ngoài trú khu .Giá mà những buổi họp cộng đồng được tổ chức ngay trong khu phố có hay hơn không . Nó giúp trẻ em được ở gần nhà, giúp khám phá khu phố của chúng cũng như hòa mình với chúng bạn dễ dàng hơn . 

NHỮNG GÌ THÚC ĐẨY CÁC EM NHẬP CUỘC 

           Chúng ta đã hiểu rõ hoàn cảnh của khu phố các em, bây giờ cgu1ng ta thử xem ý tưởng về cuộc lễ nẩy nở trong đầu óc Ginetta và bạn bè em ra sao . Vào dịp cuối năm, tờ báo của các em gợi ý cho DC họp nhau trong một buổi canh thức Giáng sinh . Buổi họp là dịp gặp gỡ nhau ăn quà . Các em trong cộng đồng, với những ý tưởng của tờ báo và những khuyến khích của chị Ane, đã làm ở nhà nào là đèn , nào là hoa dây. Martina, một em trong bọn, nhờ mẹ em giúp đỡ , đã làm được những thiên thần nho nhỏ coi rất ngộ . Nhưng nhất là cuộc lễ cho phép gặp nhau thật đông trong vui tươi cùng với lời ca điệu múa . Ginetta và nhiều em khác trở về đầu óc đầy những ý tưởng . Trong kỳ nghỉ, các em gặp nhau luôn và các giờ rảnh rỗi đều được linh động bằng những trò chơi, những ý tưởng của tờ Fripounet (1) và vô tuyến truyền hình xác định những dự án của các em . Các em nẩy ra ý thích diễn kịch là thế . (1) Fripounet là một tờ tuần báo có nhiều tranh ảnh của các thiếu nhi nam nữ 8-11 tuổi, viết theo tinh thần và khoa sư phạm của Phong trào . Tờ báo đề nghị với các em những hoạt động của chiến dịch thường niên .

TRONG CỘNG ĐỒNG 

         Chúng ta hãy trở lại buổi họp cộng đồng, Ginetta và mấy đứa bạn bận những chiếc áo dự định cho các vai và cả đội DC dự một buổi trình diễn vở kịch “ Cô bé Maria” . Vở kịch chưa được thuộc mấy, nhưng chị hữu trách cứ khuyến khích các em dượt lại trong tuần . Điều quan trọng nhất là cái dự định ấy làm cho cả cộng đồng hăng say . “ Cuộc lễ à , hay” ! “Chúng em cũng thích làm cái gì “,một vài em nói như thế . “ Hay mình tập lại vũ điệu Tô cách lan “ . Annich đề nghị ? Còn Martina thì có một cuốn sách về Nàng Bạch Tuyết, em cho rằng để chia xẻ cái em khám phá với chúng bạn, trình diễn về các chú lùn là lý tưởng nhất . 
        Chúng ta đoán biết vai trò to lớn của chị Ane để nâng đỡ và khích lệ các dự án vừ tung ra đó . Cần phải lưu ý đến tài năng của mỗi em và cùng nhau xét xem còn những bạn nào khác mà quên chưa mời đến dự không . 

SUY TƯ CỦA NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH 

         Chắc hẳn, việc sửa soạn buổi lễ không thực hiện trong một vài phiên họp . Trong Hội đồng Hữu trách, chị Ane trình bầy kế hoạch cuộc lễ trước mặt toàn thể nhóm Hữu trách . Đây là dịp để suy nghĩ về thái độ của Ginetta, đem đối chiếu hoạt động của em với tất cả những gì người ta biết về em và chúng bạn . Cảm tưởng đó rất xác thực nhờ có chị nữ tu cố vấn phụ trách việc dạy giáo lý trẻ em đường Cầu có thể bổ túc những điều chị Ane quả quyết . Cha tuyên úy Phong trào cũng giúp đào sâu các phong phú mà một việc làm như thế cho chúng ta thoáng thấy . Cả nhóm Hữu trách khám phá thấy rằng nhờ một sự kiện tầm thường đó mà khắp khu phố xung quanh chung cư cũng cảm thụ nhiều hay ít về cuộc lễ . Mục tiêu của Chiến Dịch Thường Niên trong tam cá nguyệt là giúp trẻ em hành động với tư cách con cái Chúa, sống trung thực với con người của mình nhiều hơn nữa . Thật thế, Ginetta và chúng bạn nhờ hiểu biết những khả năng bản thân và hổ tương của mình và quyết định một hành động chung, đã đạt được tới chỗ đó . Trong việc chọn vở kịch, phân chia các vai, tập dượt, y phục, ý kiến của mỗi em đã được tôn trọng . Điều đáng chú ý nhất là Henrietta, mặc dầu em gặp phải những khó khăn khi giữ vai tuồng của mình, đã được các em khác đồng ý và khích lệ . 
           Hoạt động được cùng nhau thực hiện, sự chú trọng đến từng em, những cố gắng để đi đến cùng, là phương thức các em tham gia vào công cuộc xây dựng Nước Chúa . 

THỨC TỈNH NHỮNG NGƯỜI KHÁC 

        Điều rất quan hệ đối với nhóm hữu trách có lẽ là con số trẻ em càng đông càng hay chú ý đến cuộc lễ . Điều đó đòi những người Hữu trách , trong những giao tế hằng ngày,lưu tâm hỏi han trẻ em hoặc trao đổi với các cha mẹ, giáo chức và những người lớn khác ở gần khối thiếu nhi . Họ cũng đã tổ chức một buổi họp mời tất cả những người đó tham dự . Đấy là cơ hội để chia xẻ những phong phú mà trẻ em đưa lại cho chúng ta . Nhóm Hữu trách cũng yêu cầu những người lớn đó nâng đỡ trẻ em trong việc chuẩn bị cuộc lễ .

 KHÁM PHÁ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC LÀM . 

        Trong Hội Đồng Hữu Trách, chúng ta đã suy nghĩ về cách tìm hiểu cuộc sống các phe nhóm tự nhiên trong cộng đồng, một điểm tối quan hệ . Sự linh hoạt trong buổi họp chưa hẳn đã luôn luôn giúp phát biểu một cách sâu xa về cuộc sống mỗi em . Lúc hội họp với chị Ane, các em đều muốn kể, muốn khoe những cái các em đã làm trong tuần . Nhưng buổi họp cộng đồng không được dừng lại ở đáy, nó còn phải giúp các em khám phá giá trị của việc các em làm và đào sâu nữa . Chẳng may những tờ báo của các cộng đồng, đề nghị một kỹ thuật, tán trợ một phát biểu và qua nó, sự suy nghĩ, đã không được phổ biến sâu rộng . Chính vì thế mà chị Ane phải giới thiệu vói các em một kỹ thuật khác thích hợp với hoàn cảnh hiện tại . Cộng đồng làm những nhóm cờ nhỏ, mỗi nhóm có mầu sắc khác nhau tùy theo số những người tham dự một hoạt động lựa chọn . Nhờ đấy, chị Ane nhận thấy Sylvia , thường bị bỏ rơi, tham gia vào nhóm hát . Nhờ những câu hỏi khéo léo của chị, các em khám phá ra rằng mời Sylvia tham dự là điều thật hay . Được các em khuyến khích, Sylvia vui hơn . Cái vui cũng như cái tài hát của em đã kích thích cả bọn . Ồ , những lá cờ đó, với những dấu nhạc tượng trưng hết thảy chúng bạn, đã được làm một cách cẩn thận và ân cần biết bao . 
          Còn câu chuyện Nàng Bạch Tuyết , không dễ mấy đâu . Vai chính được cả bọn của Martina tranh nhau . Chắc chắn không thể làm được những lá cờ xinh xinh nếu cả đội bất đồng ý kiến, vì những lá cờ đó trước hết tiêu biểu cho cái vui chia xẻ trong một thực hiện chung . 
         Các em trong cộng đồng cũng muốn làm một lá cờ cho bà Laurenso, vì lẽ bà đã nhận dạy các em một vũ điệu theo bản nhạc của các em lựa chọn . 

 KẾT LUẬN 

         Và cuộc lễ đã diễn ra ….. Chắc các bạn cũng đoán biết còn rất nhiều việc phải làm và nhiều lúc bực bội, tưởng không bao giờ tới đích . Nhưng, đó là một dịp cho chúng ta , những người Hữu trách, thấy rõ hơn rằng trẻ em có khả năng làm được những chuyện to lớn và còn nhiều cái chúng ta phải làm để luôn luôn giúp các em hay hơn . 


III. TẠI CHÂU MỸ LA TINH


 • SINH HOẠT PHONG TRÀO GIÚP TRẺ EM ĐỂ Ý ĐẾN NGƯỜI KHÁC

            “ Những em gái 10-15 tuổi thuộc một khu phố lao động đi cắm trại tám ngày liền trên bãi biển cùng với hai chị hữu trách và hai nữ tu . Chương trìn trại căn cứ vào tình bạn . 
              Những em lớn, lĩnh trách nhiệm về những em nhỏ một cách rất cẩn thận . Các em bỏ thời giờ để giúp những em không biết bơi lợi dụng những buổi được chơi gần nước .
              Một hôm các em gặp những em gái cùng tuổi thuộc một trường dòng . Các em này hơi buồn vì phải giữ kỷ luật chặt chẽ . 
              Các em DC trong trại nhận thấy tình cảnh và hiểu điều đó không đúng . Các em liền dạy các em kia trò chơi, cho chúng ít kẹo bánh và chúng lại vui vẻ . 
              Các em bên trường đã cám ơn các em DC bên trại về tình thân hữu của các em và để đáp lại, đã mời các em DC tới lưu xá của các em “ .
               “ ……. Trong một khu phố nghèo thuộc …. Có một đoàn DC . Ngày kia, có một em nói rằng em có biết một bà già, nghèo hơn các em nhiều lắm và bà cần được giúp đỡ . Đến buổi họp các em đồng ý mỗi em sẽ cho bà cái gì và trong buổi họp tới, các em đã thu lượm tất cả những gì các em có thể đem đến cho bà “.

 • TRẺ EM LÀM CHỨNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA CÁC EM

              “…..Một đội con trai (13- 15 tuổi) thuộc khu phố bình dân ở …. Đã có sáng kiến, xin anh Hữu trách đưa về vùng quê, đến một làng có những người muốn biết về Phong trào . Anh Hữu trách cùng với một thanh niên khác vào trong làng đó thăm các gia đình muốn đón tiếp các em HT và chuẩn bị chỗ ở . Thế rồi, các em đến các gia đình, sống với họ trong hai ngày, cùng chia xẻ với họ trong bữa ăn cũng như trong tất cả cuộc sống của họ và đem đến cho họ một niềm vui với cử chỉ những trẻ em Ki tô hữu . 
              Các em tổ chức những trò chơi và một buổi lửa trại mà ai nấy đều đến tham dự . Sáng Chúa nhật các em cùng đi tham dự thánh lễ . Người ta nhận thấy rằng theo thói quen trước kia rất ít người đi lễ, nhưng ngày hôm đó các gia đình có HT đến thăm cũng như các người quen thân của họ đều có mặt . 
              Các em HT trở về rất hài lòng vì đã đem đến cho họ một niềm vui . Họ cũng quyết định giữ mối liên lạc với các em và sẽ mời các em tới nhà họ vào các dịp khác .” 

             MỘT VÀI BẰNG CHỨNG ĐÓ không có ý coi là những tấm gương cần bắt chước hay những mô phạm cho sinh hoạt Phong trào , mà chỉ là để minh chứng rằng, trẻ em có thể làm khi người ta tin tưởng vào những khả năng của chúng và nâng đỡ chúng trong những sáng kiến của chúng . 
             Nó cũng minh chứng rằng, những điều Phong trào thực hiện được, rất khác nhau tùy theo hoàn cảnh của cuộc sống . Những câu trả lời được đem ra cần phải phù hợp với những phức tạp của những hoàn cảnh . Nhưng đồng thời nó cũng cho chúng ta thấy cái linh khí chung đem lại sức sống cho tất cả những bằng chứng ấy và biểu lộ sự thuần nhất sâu xa của chúng .
             Mong rằng một vài bằng chứng này giúp ai nấy nhận thấy, từ những căn bản chung sẽ được trình bày ở những chương sau, tất cả cần được suy nghĩ kỹ càng và thích nghi, để có thể đi sát với cuộc sống và sứ mạng của Phong trào . 





 VII 

PHƯƠNG PHÁP 



              Phong trào có những phương tiện cần đem ra sử dụng để gúp nó đạt tới mục tiêu của nó. 
              Những phương tiện đó, tuy có giá trị ở mọi quốc gia, nhưng đòi phải được thích nghi (xin xem những bằng chứng). Vì thế chương này chỉ trình bày những gì chủ yếu, căn bản mà  thôi. 
             Cố nhiên, phương pháp này dựa vào khoa sư phạm đã được bàn giải ở trên. Điều quan trọng cần nhắc lại đây là phải liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và hoạt động. 


 I.- CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN. 

           Chiến dịch thường niên làm thành yếu tố cốt tử của Phong trào. 

1) BẢN CHẤT CỦA NÓ.

          Nó là một qui tắc cho việc giáo dục và tông đồ, giúp trẻ em tự linh động từ bên trong nếp sống của thế giới chúng. Nó định hướng, chủ động hóa, tinh thần hóa hành vi tự phát của trẻ em trong gia đình, ở lớp học, khi giải trí, lúc ở với chúng bạn. Nó giúp mỗi em và toàn thể tăng trưởng, cải tạo bản thân và tích cực tham gia vào việc biến đổi, cải tạo thế giới trẻ con của chúng và tất cả môi trường chúng sống, để Chúa Giê su Ki tô năng được nhìn nhận, yêu mến và hiểu biết hơn. 

         _ CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN VỪA TRÌNH ĐỘ CỦA TRẺ EM. Nó thúc đẩy chính các em hành động. Chính chúng làm chiến dịch. Cho được thế, cần : 
                    + Nó có thể làm cho từng em chú ý, kích thích những năng khiếu của nó, là một thích thú cho đời nó, khiến nó quyết định nhập cuộc. 
                    + Nó cũng nhằm số trẻ em tối đa : ở bất luận tuổi nào, hoàn cảnh, môi trường, khả năng… 

         _ ĐỂ NÓ ĐÁP ỨNG NHỮNG NHU CẦU CỦA TRẺ EM, những nhu cầu chúng cảm thấy, cũng như những cái chúng không ý thức, nó phải bắt đầu từ những thực tại của đời sống trẻ em, và nó có thể diễn bày trong những thực tại đó, CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN PHẢI CHÚ TRỌNG ĐẾN : 
                            + nhịp điệu của thời gian : các mùa, đời sống học trò… 
                            + nếp sống của trẻ em, tùy theo lứa tuổi, tính khí, ham thích nhất thời, tục lệ của thế giới trẻ con (ví dụ : những trò chơi theo mùa) v.v… 
                            + đời sống Giáo hội, với chu kỳ phụng vụ và những nhịp mạnh của nó, với những biến cố vĩ đại đánh dấu thực tại Giáo hội địa phương, địa phận, toàn quốc và thế giới :
                            + đời sống quốc gia, với những biến cố đang diễn ra và những trào lưu tiêu biểu. 
                            + đời sống thế giới, 
                            + những biến cố trong sinh hoạt của chính phong trào : sinh hoạt quốc gia và quốc tế, những kỷ niệm v.v.. 

           _ CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN NHẤT THỐNG PHONG TRÀO TRONG MỘT QUỐC GIA, bởi lẽ toàn khối thiếu nhi cùng khởi hành một trật, cùng tiến tới một mục tiêu. 

2) VIỆC KHỞI THẢO RA SAO. 

            Điều cần là Chiến dịch Thường niên phải bắt đầu từ những thực tại của đời sống, vì nó chủ trương đáp ứng những nhu cầu của trẻ em. Như thế, cần phải biết những thực tại đó. Do vậy, mở cuộc điều tra là việc thiết yếu. 

            _ PHẢI THU THẬP NHỮNG GÌ ? Điều quan hệ là phải thu thập đời sống của số đông trẻ em bao nhiêu có thể, với những phong phú chúng sống, những nhu cầu được phát lộ, những khó khăn chúng gặp. Cho được thế, cần có những sự kiện trẻ em đã sống, chứ không phải những suy tư hay những giả thiết của những người lớn về những thái độ của trẻ em. Cũng cần có một khái niệm chính xác về toàn khối thiếu nhi thuộc những môi trường khác nhau, ở bất luận hoàn cảnh nào. 

            _ CUỘC ĐIỀU TRA NHẰM NHỮNG AI ? Điều tra càng sâu rộng càng hay : những người hữu trách của Phong trào, cha mẹ, giáo chức, giảng viên giáo lý, linh mục, tu sĩ, nữ tu sĩ, các nhà giáo dục khác nhau, các chiến sĩ thanh niên và trưởng thành… là những người, bằng cách này hay cách khác, có tiếp xúc với trẻ em, có thể đem lại một cách hữu ích quan điểm của họ. Cũng có thể, nhưng với những phương tiện thích hợp, hướng thẳng cuộc điều tra đó vào trẻ em. 

           _ ĐIỀU TRA THẾ NÀO ? Có thể bằng những phương tiện khác nhau. Tốt hơn là có những kết quả trên giấy tờ, để còn có thể suy nghĩ sau. Trong trường hợp chuyện vãn hay phỏng vấn, cần biên chép thật chắc chắn hoặc ghi âm. 
                             + với thanh niên hay những người trưởng thành, tốt hơn là hỏi họ về những sự kiện sống đúng y như họ có thể quan sát chung quanh họ, trong khung cảnh thông thường họ gặp gỡ trẻ em : 
                             + những người hữu trách của Phong trào có thể thêm vào đấy những suy tư về năm qua, về Chiến dịch Thường niên trước… 
                             + với trẻ em, cần phải rất giản dị, chẳng hạn như hỏi xem chúng thích gì ở nhà, trong khu phố, ở trường… cái chúng ưng làm khi ở với những trẻ khác, chúng bàn cãi những gì với bè bạn, chúng thích làm gì sau này… Tại sao ?... 

            _ RỒI SAO ? 

                     + Những người hữu trách của Phong trào mở cuộc điều tra, thu lượm các câu trả lời và thử rút ra những thực tại của đời sống trẻ em, mà tất cả những cái đó phát lộ, những nhu cầu, những ham thích của chúng v.v. Rồi từ đấy khởi thảo những qui tắc hành động chủ yếu.
           Việc suy tư này tế nhị và khó làm. Phải tránh đừng giải thích quá vội vàng và nông cạn những yếu tố vừa nắm được trong tay. 
          Chẳng hạn, để trả lời câu hỏi : “em thích làm gì sau này?” một số quan trọng những em bé gái đã thưa : “làm nữ y tá”, thì có thể kết luận ra sao? 
          Điều lý thú ở đây là người ta chọn cái nghề không hẳn vì nó. Mặt khác, rất may mắn vì nhiều lý do, mà những em bé gái được hỏi phần đông đã chẳng trở thành nữ y tá thật. Đối với chúng ta, điều quan hệ là sự lựa chọn đó có thể cho chúng ta thấy tâm trạng các em bé gái hôm nay. Do đấy, cũng cần phải biết cái lý do khiến chúng lựa chọn, cái “Tại sao”. Thật cũng dễ hiểu khi em gái nói mình chọn nghề đó bởi vì em muốn bớt sự đau khổ, muốn chữa bệnh… Nó phát lộ một tấm lòng quảng đại, một sự hiệp thông với những người khác, em đó thường lớn hơn em gái trả lời mình thấy sắc phục đẹp đẽ của mấy cô nữ y tá. 
          Không thể đưa ra thêm nhiều ví dụ, nhưng cần phải kéo sự chú ý cách riêng về điểm này. Cũng đừng do dự nhờ những người có đầy đủ khả năng về tâm lý học giúp giải thích những kết quả của các cuộc điều tra. 

                    + Chiến dịch thường được khởi thảo ở cấp độ một quốc gia hay một nhóm những quốc gia đồng ý với nhau, nếu có những thực tại gần gũi nhau. Ở trường hợp này, những người hữu trách địa phương gửi tới nhóm hữu trách địa phận hay toàn quốc những kết quả các cuộc tra cứu của mình . Nhưng khi chưa có nhóm hữu trách địa phận hay toàn quốc thì công việc cũng rất có thể thực hiện ở cấp độ địa phương mà thôi , những người hữu trách khi đó sẽ xây dựng một chiến dịch thường niên cho xứ đạo hay cho khu vực của mình . 

                    + Chiến dịch thường niên theo thông lệ mở trong một năm . Nhưng không phải không thể, trong ít nhiều hoàn cảnh, hoặc kéo dài hoàn cảnh theo hướng đó một năm nữa , hoặc ngay từ lúc mở đầu đã dự trù một chiến dịch sống trong hai năm chẳng hạn . Trong trường hợp này, cũng như trong trường hợp chiến dịch chỉ kéo dài trong một năm, điều quan trọng là suy nghĩ, phải cho diễn tiến thế nào để trẻ em có thể nhập cuộc ở bất luận giai đoạn nào, mặc dầu chúng chưa sống ở giai đoạn trước . 

              Chiến dịch thường niên làm sống động tất cả sinh hoạt phong trào . Chính nó là cội gốc những phương tiện khác nhau mà chúng ta sắp bàn tới, nó khuyến khích, nó đem hứng khởi cho những phương tiện đó . Nó giúp trẻ em tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng thế giới trẻ con của chúng , xây dựng quê hương của chúng , xây dựng chính Nước Chúa vậy . 

 II.- NHỮNG HOẠT ĐỘNG 

            Một điều rất hiển nhiên là chiến dịch thường niên phải là công chuyện của trẻ em, còn việc xây dựng chiến dịch để đáp ứng những đòi hỏi mà chúng ta vừa mô tả, lại thuộc phạm vi những người hữu trách, những nhà giáo dục, mà để làm việc đó, họ ngoan ngoãn theo dõi cuộc sống và trẻ em . 
           Một điều cũng rõ ràng nữa là không thể có chuyện trình bày một cách cao siêu cho trẻ em những kết quả các cuộc tra cứu của những nhà giáo dục để chúng khởi công . Làm như thế không phù hợp với khoa sư phạm của Phong trào . 
           Một khi đã xác định đường hướng cho cả năm, chỉ còn phải diễn tả nó bằng những hoạt động, và chỉ đem đề nghị với trẻ em những hoạt động đó mà thôi . 

 CÁC ĐẶC TÍNH CỦA NHỮNG HOẠT ĐỘNG 

 1) HÌNH THỨC CỦA CHÚNG 

                   - Đó là một hoạt động có hình thức trò chơi , điều kiện thiết yếu đê nó thích hợp với trẻ em, vì đối với chúng chơi là hoạt động chủ yếu và sinh tử . 
                   - Hoạt động đó được trình bày như mộc cuộc mạo hiểm để làm, kích thích sự hăng say và thích thú ; mạo hiểm không phải cái gì khác, mà là mạo hiểm về một cuộc sống thành công trọn vẹn của đứa trẻ . 
                  - Cũng là một cuộc khám phá; vì chúng ta không sai khiến, không bắt ép nó làm, mà trực tiếp gợi lên sự ham thích, tính máy động, những năng khiếu của nó, khiến đứa trẻ tự ý dấn thân . 
                  - Đây là một hoạt động hết sức mềm dẻo, có thể thích nghi với trẻ edm tùy theo lứa tuổi, những ham thích, những khả năng của chúng . Điều quan hệ là không làm để mà làm . Nhưng làm để đạt một mục tiêu, cái mục tiêu cần được tìm tòi, lực chọn . 

2) TRÌNH BÀY CÁC HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO ? 

          Những phương tiện cụ thể ở mỗi nước mỗi khác : tùy tình trạng Phong trào, những khả năng vật chất . Nơi dùng báo chí , có nơi dùng truyền đơn, bích chương, thông cáo, trò chơi …… cũng có thể nghĩ đến truyền thanh, truyền hình ….. 
          Điều quan hệ là những phương tiện đó phải được đặt đúng vào thế giới trẻ con , như một thành phần thuộc thế giới đó, làm cho trẻ ham thích, chú ý và phát động trò chơi . 

3) NHẰM NHỮNG AI ? 

           Nhằm toàn thể thiếu nhi, theo cái chân tướng của chúng hôm nay, dẫu chúng thế nào đi nữa . Những hoạt động đó phải để cho từng em tham gia vào, đưa ra những ý kiến của nó, để cuộc chơi thành công tối đa . Tất cả các em phải được nhập cuộc, dẫu có vào đoàn hay không . 

4) NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÓ GIÚP GÌ ? 

           Mang theo trong mình một lý tưởng, những hoạt động đó giúp các em đặt một tinh thần mới vào những hành vi trong đời sống hằng ngày, và thực hiện một đôi điều dễ thương với bạn bè các em thường gặp . Những hoạt động đó giúp trẻ em sống hoàn hảo hơn những giá trị Ki tô giáo với những người khác và giữa những người khác . 
           Những hoạt động đó để cho trẻ em khám phá những phong phú , và sự hùng tráng của thế giới, những giá trị quan yếu của con người (lòng nhân hậu, quảng đại, ngay thẳng, tình thương …..) , trật tự Tạo Hóa đã an bài, địa vị và vai trò của loài người trong việc tiếp tục công trình sáng tạo ….. 
          Các em cũng khám phá cả tội ác, sự khốn cùng , bất hạnh và kế hoạch Cứu chuộc của Chúa , giá trị của cố gắng và hy sinh, ý thức về người khác, niềm vui sống một cuộc đời đích thực trong bác ái ….. 
          Dần dần các em ý thức giá trị việc chúng làm, sự cần thiết chúng phải tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước, thế giới, Giáo hội . 
          
           Như thế, những hoạt động ảnh hưởng tới đời sống trẻ em không giới hạn vào đúng lúc trò chơi diễn tiến . Chúng biến cải dần dần tâm trạng của các em , quan niệm của các em về thế giới và về những người khác . Toàn bộ các thế giới trẻ con, với những phe, những nhóm của nó, được biến cải sâu xa, bị đảo lộn, dần dần chúng ý thức mục tiêu chúng đã cùng nhau đeo đuổi và khám phá mà không hay biết, chúng hành động như thế nhân danh ai và cho ai .


 III.- NHỮNG CỘNG ĐỒNG 

            Cộng đồng , hay những nhóm nhỏ trẻ em quay quần xung quanh một người hữu trách, là một trong những căn bản chủ yếu của sinh hoạt Phong trào .Nhờ đáy, việc tông đồ mới vững bền , việc giáo dục Ki tô giáo mà Phong trào cần ban phát cũng được đảm bảo . Chính vì thế, Các cộng đồng thường được dàn riêng cho trẻ em Công giáo , dự tòng và chính thống trong ít nhiều trường hợp (xem phụ lục I ) . 

1) MỤC TIÊU CỦA NHỮNG CỘNG ĐỒNG 

             Trẻ em được kêu mời mang đến cộng đồng tất cả những gì làm nên nếp sống hằng ngày của chúng trong gia đình, tường học, khu phố, cùng với chúng bạn…. nếp sống náo nhiệt phần nào là nhờ ở Chiến Dịch Thường Niên . 
            Qua tất cả những cái đó mà chúng được tự do lựa chọn, chúng khám phá cách cụ thể những đòi hỏi của đời sống Ki tô hữu của chúng . 

            Chúng nhận thấy Đức Ki tô hiện diện trong đời chúng và những kẻ khác, và như thế , chúng khám phá ý nghĩa hành vi của chúng và của kẻ khác . Nhân đấy, chúng được dìu dắt đến chỗ thay đổi thái độ, lối sống của chúng và chiếu giải thêm đời sống bác ái ở chính nơi chúng sống . 

 2) SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG ĐƯỢC THỰC HIỆN RA SAO ? 

           Phong trào là một phong trào tông đồ, một phong trào thiếu nhi . Đừng quên yếu tố nào trong hai yếu tố đó . 

          Để đạt mục tiêu, những cộng đồng cần phải : 

          • LẤY TRÒ CHƠI LÀM CĂN BẢN : địa vị đặc biệt của trò chơi trong sinh hoạt Phong trào đã được thiết định nhiều lần . Trẻ em chỉ hiểu rõ cái mắt nó thấy, tay nó sờ, nó mó …. Nó hiểu qua những đường lối cụ thể . Trò chơi, bài hát, chuyện vui, thủ công, các kỹ thuật khác nhau ….. mang theo những giá trị căn bản . Chính qua những cái ấy mà đứa trẻ phát biểu và được mở mang về phương diện bản thân cũng như cộng đồng . Qua trung gian những kỹ thuật khác nhau mà trẻ em đem chính đời sống của chúng đến và phát biểu tất cả những gì chúng và những trẻ khác làm . Đấy là những phương tiện cụ thể mà chúng cũng cần đến, để phát huy việc tông đồ của chúng, nâng đỡ hay phục hồi lại . 
  
          • VIỆC LÀM CỦA TRẺ EM : các cộng đồng phải để cho trẻ em tự động tổ chức với nhau . Sinh hoạt cộng đồng là công chuyện của trẻ em . Người hữu trách có mặt đấy là để gợi ý, khuyến khích, dẫn lối, giúp đỡ chúng ý thức ; chứ không “ chỉ huy” . Các cộng đồng phải để cho mỗi em cảm thấy thoải mái, tìm được vị trí riêng của nó , phù hợp với khả năng, sở thích và sự quảng đại dấn thân của nó . 

         • MỞ RỘNG CỬA : hết thảy trẻ em có thể tham gia sinh hoạt những cộng đồng Phong trào, cần cảm thấy mình được mời vào và khi nào thích thì đến, mặc dầu không đến đều đặn .

                     @- Điểm này đòi hỏi trẻ em phải tổ hợp làm sao để được thoải mái : Điều quan trọng là phải lưu tâm đến lứa tuổi, phái tính, học lực, môi trường, hoàn cảnh (những em tàn tật chả hạn ) . Cũng cần một số khá đông trẻ em để có đời sống tập đoàn thật sự, ngoại cảnh thuận lợi …. Nhưng đừng quá đông , chẳng vậy, khó có thể thực hiện được cái lẽ tại sao lập cộng đồng . Thế có nghĩa là đừng do dự lập thêm những cộng đồng khác khi cần . Chính trẻ em phải điều khiển . 
                    @ Điều tối quan trọng là chính sinh hoạt cộng đồng phải ăn nhịp với đời sống thiếu nhi . Những buổi họp có thể tổ chức hằng tuần hay nửa tháng. Có thể cần phải thưa hơn , nếu trẻ em ở xa nhau. Phải liệu sao cho nó ăn nhằm với đời sống trẻ em . Nếu như thưa thưa mới họp, thì buổi họp, phải kéo dài thêm để cộng đồng có thể thành hình, các em mới được thoải mái và quen thân nhau .Dù sao chăng nữa, ngày giờ họp phải được ấn định cùng với các em, có thể cùng với cả gia đình các em nữa . 
                   @ Địa điểm họp cũng có tầm quan trọng của nó : Địa điểm phải dễ lui tới đối với trẻ em, không những do địa thế , mà còn do hoàn cảnh nữa . Chẳng hạn, tại ít nhiều nước, chỗ họp nằm trong trường học có thể là trở ngại lớn cho trẻ em và gia đình chúng lui tới . 

             Sự tham gia sinh hoạt một cộng đồng cho trẻ em cảm thấy mình là một thành phần hoạt động của một Phong trào . Đấy là một cuộc Giáo hội thực nghiệm vừa tầm vóc mà chúng sống như thế . Đối với trẻ em, thường là một trong những khám phá đầu tiên của chúng về Giáo hội ở trình độ chúng . Từ đây, chúng hiểu dễ dàng hơn thế nào là Giáo hội, cộng đồng Ki tô hữu tuyệt luân, là Chúa Giê su Ki tô kế tục, và kế tục một phần nhờ chúng trong thế giới trẻ con của chúng . 


 IV.- THĂNG TIẾN BẢN THÂN 

           Khoa sư phạm chúng ta chủ trương là khoa sư phạm nhân bản, nghĩa là giúp đào tạo con người của từng đứa trẻ . Mối lo lắng đó được biểu lộ qua các hoạt động do Chiến Dịch Thường Niên đề nghị với trẻ em và cuộc sinh hoạt các cộng đồng thiếu nhi . Những cộng đồng này nỗ lực lưu tâm tối đa đến từng cá nhân đứa trẻ, để đáp ứng những nhu cầu và khả năng của nó, giúp mỗi em tìm được chỗ đứng của mình . Phong trào đề nghị cụ thể hóa một cách rõ ràng hơn nữa khía cạnh hoạt động đó bằng cái gọi là Thăng Tiến Bản Thân

- CÓ ĐIỀU GÌ QUAN HỆ ĐÂY ? 

         ….. đề nghị với trẻ em tham gia sinh hoạt những cộng đồng , và những ai muốn thì quả quyết bước tới để khám phá thêm thiên chức làm con cái Chúa của mình và trả lời với một tình yêu lớn lao hơn .

 - PHẢI LÀM THẾ NÀO ? 

          Nói cách chung là đề nghị với đứa trẻ lựa chọn một cố gắng trong một khu vực đời nó : gia đình, trường học, khu phố, các cuộc chơi đùa ….. để đời nó thêm phù hợp với phúc âm . Cố gắng đó kéo dài trong ít nhiều tuần lễ, giúp nó tiến bước trong tình yêu những kẻ khác và Đức Ki tô . 
           Mỗi đứa trẻ phải được tự do hoàn toàn khi lựa chọn . Chỉ vận dụngđến lòng quảng đại của nó mà thôi . Đấy là công việc giữa Chúa và chính nó . 
           Quãng thời gian đó thường có kèm theo việc đào sâu về mặt giáo lý và thiêng liêng, đứa trẻ lại dồn cố gắng của nó vào đấy . 
           Cũng nên đề nghị với đứa trẻ biên ghi một cách cụ thể những gắng gỏi của nó vào sổ tay hoặc bằng bất cứ phương tiện nào xét là có ích . 
          Trong lúc nó bước đi, đứa trẻ cần cảm thấy nó được cả cộng đồng của nó nâng đỡ . 
          Cũng có thể nghĩ đến việc cho đứa trẻ tuyên hứa trong một nghi thức có trao một dấu hiệu để minh chứng một cách cụ thể bước tiến của nó . 




VIII 

 NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH 



               Phong trào chính là việc của trẻ em . Chúng ta không bớt xén hiệu lực của mệnh đề khẳng định đó . Nhưng một vấn đề cũng rõ ràng không kém là trẻ em – chính vì chúng là trẻ em - cần được nâng đỡ và trợ lực trong khi chúng hoạt động : 
                       - trợ lực thường cần thiết để thực hiện, trong những tổ hợp tự nhiên của chúng , những hoạt động Chiến Dịch Thường Niên , 
                       - trợ lực cần thiết ngang với sinh hoạt của những cộng đồng để những cộng đồng đạt tới mục tiêu , 
                       - nâng đỡ thận trọng và hiệu nghiệm lúc Thăng Tiến Bản Thân . Đấy là tất cả cái vai trò và địc vị của những người hữu trách được đặt ra và sẽ là đối tượng cho việc suy nghị trong chương này .

 I.- NHỮNG AI LÀ NGƯỜI HỮU TRÁCH ? 

               Nhiều người, thanh niên hay trưởng thành, dầu là giáo dân , linh mục , tu sĩ hay nữ tu sĩ, có thể mỗi người tùy theo địc vị, với bằng chứng sống đức tin, đem lại cho trẻ em chỗ nương tựa, khiến việc giáo dục và hoạt động của chúng có thể thực hiện được . Hết mọi người, ở địc vị nào đi nữa, đều phải hành động thận trọng . Chức vụ của họ không ở tại “làm” cho bằng “giúp làm” . Họ có nghĩa vụ giúp trẻ em ý thức rằng chúng thuộc về một phong trào, một Quốc gia, Giáo hội và khám phá ra sự quan hệ của việc chúng làm nhân danh Đức Ki tô, vì Ngài và với Ngài, trong lòng Phong trào này, Quốc gia này, trong lòng Giáo hội . Sau cùng, sự có mặt của họ đảm bảo sự kế tục của Phong trào, mà thiếu nó, không một hoạt động đáng giá nào có thể theo đuổi . 

 PHONG TRÀO TRÙ LIỆU NHIỀU NGÀNH HỮU TRÁCH VIÊN 

 1) NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH CỘNG ĐỒNG 

             Đó là những thanh niên hay người trưởng thành, công giáo, nếu có thể được cùng môi trường với trẻ em mà họ đảm trách .
             Họ thường là những giáo dân quan tâm giúp đỡ trẻ em thực hiện trọn vẹn thiên chức của chúng trong kế hoạch của Thiên Chúa và dấn thân làm tông đồ . 
            Cho được thế, những giáo dân ấy là những nhà giáo dục và những chiến sĩ :

                          • NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC , yêu thương trẻ em, lưu tâm đến chúng, đến cả đời chúng, họ tự cảm thấy mình có trách nhiệm. Họ có những tư chất thiết yếu cho chức vụ : quân bình – vui vẻ - hoạt động – cương quyết – vô vị lợi - hiểu biết trẻ em – tôn trọng đường lối của từng em – có tài trong những lãnh vực khác nhau v…v …. Họ biết nâng đỡ và khích lệ, định hướng những thiện chí, giúp đỡ vượt qua những nỗi khó khăn, học biết chấp nhận nhau khác biệt, nhưng bổ túc cho nhau, kiên tâm bền chí …… 

                        • NHỮNG CHIẾN SĨ, theo trình độ họ là người thanh niên hay trưởng thành . Điều quan hệ là họ cho trẻ em bằng chứng một đời sống người thanh niên hay trưởng thành tươi nở ; họ đảm đang trong gia đình, chỗ làm việc, nơi giải trí, khi giao tế …. Với sứ mệnh giúp trẻ em triển nở, họ không thể để cho người ta có cảm tưởng đấy là một cuộc đời “sứt mẻ “ . 
             Còn phải đi xa hơn nữa : tất cả cuộc sống của họ phải chứng dẫn là họ sống đạo trọn vẹn, cả ở phương diện làm tông đồ nữa .
             Trong số những hữu trách viên cộng đồng, nên có một người quan tâm hơn đến việc thống nhất hành động của cả nhóm, là mối dây liên lạc giữa các người hữu trách và với các Phong trào hay cơ quan khác . 

2) NHỮNG BẢO TRỢ VIÊN 

           Bên cạnh những người hữu trách cộng đồng đó, còn có những thanh niên và người trưởng thành giúp đỡ trẻ em trong đời sống hằng ngày của chúng và trong việc thực hiện những hoạt động của chúng . 
           Họ được gọi là cha hay là mẹ đỡ đầu hay một danh xưng nào khác , bởi tại đời sống hằng ngày mà Thiên hựu đã đặt họ bên cạnh trẻ em
                       - bởi tại địa vị : cha mẹ, láng giềng, nhà buôn …. 
                       - bởi tại nghề nghiệp hay sứ mệnh : giáo chức, nhà giáo dục, giảng viên giáo lý , chiến sĩ, tu sĩ, nữ tu sĩ, linh mục ….. 
            Đấy là mọi người xung quanh đứa trẻ được gọi đóng vai trò này, họ ý thức nhiều hay ít, đi xa hay gần, : thân ái đón tiếp trẻ em tới nhà, đôi lúc giúp chúng thực hiện một hoạt động, phổ biến báo chí, để ý đến những trò chơi, những cuộc cãi cọ diễn ra trong khu phố, quan tâm đến tuổi thơ nói chung ….. 
            Một điều rất hiển nhiên là những người ấy càng ý thức vai trò họ có thể đóng, họ càng dấn thân phục vụ người khác, chứng tích của họ càng đáng giá và vang dội, sự trợ lực của họ càng hữu hiệu và quí giá . 

 3) NHỮNG TU SĨ - NỮ TU SĨ 

            Một số đoàn được hưởng nhờ tu sĩ hay nữ tu sĩ trợ lực . 
            Với tư cách là những người đã được “ thánh hiến “, họ đem lại bằng chứng đặc biệt một đời hiến dâng trọn vẹn cho Chúa và đồng loại, một đời Ki tô hữu, sống một cách mãnh liệt cả những lời trong Phúc âm Chúa khuyên những ai muốn bỏ mọi sự theo Chúa .
           Những tu sĩ và nữ tu sĩ có nhiệm vụ : 
                     - quan tâm đặc biệt đến đời sống để nó được tôn trọng đích đáng , 
                     - cổ võ bậc giáo dân chiến sĩ có tổ chức ; 
                     - thức tỉnh và nâng đỡ những ai ở địa vị này hay địa vị khác, có thể giúp đỡ trẻ em trong việc thực hiện Phong trào của chúng : những Bảo trợ viên, những người hữu trách cộng đồng . Họ sẽ đặc biệt quan tâm đến những hữu trach viên trẻ tuổi cần được trợ lực cách riêng và cả nhóm hữu trách; 
                    - đối thoại với hàng giáo sĩ, khi cần xin các ngài khám phá các giá trị hành vi của trẻ em, sự giúp đỡ mà chúng chờ đợi nơi những vị linh mục để theo đuổi việc tông đồ và sự nâng đỡ cần phải đem lại cho những người hữu trách ; tán trợ cuộc đối thoại giữa giáo dân và giáo sĩ ; 
                    - đem vào kinh nguyện của họ, chắc chắn thế, tất cả đời sống trẻ em và những người hữu trách . 
             Vai trò của họ tuyệt không thay thế vai trò của những người hữu trách cộng đồng . Đôi khi có thể xảy ra trường hợp họ phải thay thế, nhưng đấy không phải là điều mà Phong trào cầu mong cách riêng ở họ và họ phải lo làm hết cách để tình trạng đó sớm chấm dứt . 

 4) NHỮNG LINH MỤC 

             Vai trò linh mục được xác định trước hết phụ thuộc vào chức linh mục của ngài . Ngài là Tuyên úy
             Trách nhiệm ngài đảm đương : 

                         • Bên cạnh trẻ em : Ngài thật sự quan tâm đến chúng bất luận ngài gặp gỡ chúng ở đâu : ngoài đường phố, ở tại nhà chúng , cũng như trong những cuộc tiếp xúc ngẫu nhiên nhờ đời sống bí tích và phụng vụ . Ngài cố gắng tìm hiểu chúng thêm mãi , để giúp chúng đáp lại ơn gọi làm con Chúa, kích thích lòng quảng đại, chí hoạt động của chúng . Thỉnh thoảng ngài cũng nên tham dự những buổi họp của các cộng đồng . Sự hiện diện của ngài có thể làm cho cuộc đối thoại dễ dàng về một ít vấn đề và chỉ cho trẻ em thấy tất cả sự quan trọng của việc chúng làm trong Phong trào . Cố nhiên, phải hiện diện một cách thận trọng, để không trở ngại cho buổi họp diễn tiến ( không nên tổ chức một buổi họp đặc biệt nhân dịp cha tuyên úy tới, để đề cập đến vấn đề tôn giáo, hay xin ngài nói một vài lời…. điều đó làm buổi họp biến thành một việc hết sức giả tạo ) . 

                        • Bên cạnh những người hữu trách : Qua tất cả những cuộc tiếp xúc theo chức vụ, ngài quan tâm thức tỉnh những giáo dân có thể trở nên những người hữu trách . Kèm theo mối quan tâm thúc đẩy thường xuyên đó, ngài lo lắng nâng đỡ các người hữu trách để giúp đỡ họ trong vai trò và trong việc dấn thân riêng của họ, nguyện sống một đời Ki tô hữu đích thực . Với người hữu trách chính của đoàn, ngài đặc biệt quan tâm đến sinh hoạt Phong trào và cả nhóm hữu trách . Vì thế, sự hiện diện của ngài cần thiết cho các buổi Hội Đồng Hữu Trách , ở đấy ngài có thể với tư cách linh mục giúp ai nấy suy nghĩ và chú trọng đến mọi điều được xem, làm và quyết định trong ánh sáng Đức Ki tô . Sau hết, như chúng ta đã lưu ý các vị tu sĩ và nữ tu sĩ, điều rất hiển nhiên là lời nguyện cầu linh mục của ngài, thánh lễ sẽ là cơ hội để ngài làm môi giới của tất cả đời sống trẻ em và những người hữu trách, môi giới của niềm tin và hiến tế của họ cả khi họ chưa bày tỏ rõ ràng . 

 II. MỘT NHÓM HỮU TRÁCH 

           Chúng ta đã nhắc tới một đôi lần . 
           Toàn thể hữu trách viên khác nhau : giáo dân, tu sĩ, nữ tu sĩ và linh mục hợp thành một nhóm thực sự . Điều thiết yếu là sự quan tâm đến trẻ em trong môi trường, xứ đạo, làng hay khu phố của mình, chỉ có thể thực hiện khi cùng làm với nhau, có những cái nhìn và những chức vụ bổ sung cho nhau . 

                    • Chính nhóm nâng đỡ khi gặp những khó khăn không thể tránh 
                    • Chính nhóm giúp thực hiện sứ mạng khó khăn đó . 
                    • Chính nhóm, nhờ sự suy nghĩ của nó, giúp tiến tới . 
                    • Chính nhóm đem lại sức hoạt động và lòng hăng say cần thiết cho cho một sứ mạng như thế . 
            Một tình bạn chân thành dần dần nẩy nở giữa các phần tử để đi đến đời sống tập đoàn đó . 
            Sau hết, đây là một nhóm mở rộng cửa, nghĩa là lúc nào cũng biết sẵn sàng đón tiếp những phần tử khác, giúp họ tìm thấy chỗ đứng của họ và như thế đảm bảo sự canh tân của cả nhóm .


 III.- ĐÀO TẠO NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH 

             Người ta chỉ có thể cho những gì mình có . Ở lĩnh vực giao dục cũng như trong mọi lĩnh vực khác , điều đó rất đúng . 
             Vai trò những người hữu trách quan trọng, chủ yếu, để trẻ em có thể theo đuổi một việc tông đồ theo trình độ của chúng . Một điều cũng hiển nhiên nữa là nhiệm vụ ấy vừa khó khăn vừa tế nhị . 
             Vì thế, những người hữu trách phải được đào tạo không ngừng

1) NHỮNG YẾU TỐ TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO . 

                      • ĐÀO TẠO VỀ TÂM LÝ HỌC VÀ SƯ PHẠM . Hiểu rõ trẻ em nói chung và từng em một, là vấn đề thiết yếu . 
                                 - trẻ em nói chung : những đặc tính của mỗi giai đoạn đời sống, những định luật chi phối từng giai đoạn, sự biến đổi của trẻ em, lợi ích của giai đoạn đó ….. 
                                 - từng em một : môi trường gia đình của nó , những người xung quanh, cái “vũ trụ” của nó , tính tình, tư cách, những khả năng, những đức tính, cả những khuyết điểm của nó …. 

                      • KIẾN THỨC VỀ PHONG TRÀO : sứ mạng, phương pháp, các phương tiện ….. không phải chỉ biết qua một lượt là đủ, nhưng còn phải theo dõi sự biến hóa, những tìm tòi, những định hướng của nó . 

                      • ĐÀO TẠO KỸ THUẬT : trò chơi chiếm một chỗ lớn trong Phong trào . Một nhà giáo dục tốt cần biết sử dụng những yếu tố kỹ thuật, mà qua đấy và nhờ đấy, trẻ em được giáo hóa và hành động . Sự đào luyện căn bản đầy đủ ở lãnh vực này là một điều cần thiết : các trò chơi, bản hát, điệu múa, chuyện vui, thủ công …..

                     • ĐÀO TẠO VỀ GIÁO LÝ : nhờ có sự hiểu biết sâu xa về lẽ đạo, những người hữu trách có thể giúp trẻ em đắc lực hơn trên bước đường riêng của chúng , để chúng khám phá thấy những giá trị thâm sâu của việc chúng làm và ý nghĩa của nó, để dần dần chúng gặp được Chúa Giê su Ki tô nhiều hơn . Sự am hiểu đích đáng về các tôn giáo khác thường cũng cần thiết . 
                     • KIẾN THỨC TỔNG QUÁT : mổi người hữu trách phải được đặt đúng vào cái tư thế thanh niên hay người trưởng thành ở đời . Cho được thế, cần phải được đào luyện rộng rãi về kinh tế, xã hội, công dân, chính trị ….. 


 2) ĐÀO TẠO Ở ĐÂU VÀ KHI NÀO ? 

             Ở điểm này, cần phải có nhiều phương tiện để những người hữu trách sử dụng, nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là sự đào tạo đầu tiên và thiết yếu lại do chính kinh nghiệm mà được . 

            a) SỔ HỮU TRÁCH : 

             Đây là một dụng cụ làm việc bản thân và thường nhật của người hữu trách . Trong đó ghi những khám phá, những suy tư, những kinh nghiệm của người hữu trách lên quan đến :
                  . trẻ em xung quanh 
                  . trẻ em mà người hữu trách có nhiệm vụ trực tiếp hơn , 
                  . sinh hoạt Phong trào , 
                  . việc đào luyện bản thân .
              Một khi đã biên ghi rồi, người hữu trách phải ý tứ đừng để bừa bãi mà phải biết dùng nó cách thận trọng . 
              Là phản ảnh tất cả đời sống, nó bắt chúng ta luôn luôn nghĩ ngợi phải làm sao lĩnh lấy trách nhiệm một cách chu đáo hơn, nó như là đề tài giúp chúng ta căn cứ vào đấy mà cầu nguyện . 

             b) HỘI ĐỒNG HỮU TRÁCH (HĐHTR) :

             Đây là buổi họp của nhóm những người hữu trách . 
             Những cuộc Hội Đồng Hữu Trách thường kỳ đại để qui tụ các hữu trách viên giáo dân của các cộng đồng, linh mục tuyên úy đoàn, tu sĩ, nữ tu sĩ . 
            Thỉnh thoảng cũng có thể dự liệu những cuộc Hội Đồng Hữu Trách khoáng đại cho các Bảo trợ viên . 

 Phải làm gì trong buổi Hội Đồng Hữu Trách ?

                    • Để hiểu rõ trẻ em, chúng ta quan tâm đến đời sống của chúng, bắt đầu từ những sự kiện ai nấy ghi nhận được trong sổ hữu trách . Cái nhìn này là cái nhìn của đức tin .

                   • Chúng ta suy nghĩ từ những sự kiện được đưa ra đó , để khám phá Chúa đang hành động và những tiếng nói giấu ẩn trong đó, những tiếng gọi gửi đến trẻ em và các người hữu trách .
               
                   • Chúng ta trắc định vị trí của sinh hoạt Phong trào : Chiên Dịch Thường Niên đang đi đến đâu ? Nó đã được sống ra sao ? Có đạt được những mục tiêu hay không ? ….. Chúng ta suy nghị về cách diễn tiến những buổi họp cuối cùng của các cộng đồng, vấn đề Thăng Tiến Bản Thân thế nào ? v…v …

                   • Chúng ta dự định về tương lai : buổi họp, những hoạt động ….

                   • Cùng cầu nguyện . 
   
          Chắc hẳn, những điểm trên đây chỉ là những dấu đường tổng quát , cần phải thích nghi với hoàn cảnh, với những người tham dự . Vì thế, các buổi Hội Đồng Hữu Trách cần được sửa soạn trước do người hữu trách đoàn và ít ra , cùng với Cha tuyên úy, nếu có thể với vị tu sĩ hay nữ tu sĩ nữa . Nếu cần, cũng nên gửi đến những người hữu trách bản dự thảo chương trình họp, để ai nấy có thể suy nghĩ trước khi gặp nhau . Một buổi họp được chuẩn bị hẳn hoi, được lợi rất nhiều thời gian . 

 Họp Hội Đồng Hữu Trách khi nào ? 

          Rất khó ấn định nhịp độ , vì nó tùy thuộc những khả năng của mỗi nhóm : số người, thời giờ, sự xê dịch ….. 
          Điều quan trọng là phải có những buổi họp mặt đều đặn, ấn định trước và nắm vững .

           c) NHỮNG TẠP CHÍ : 

           Tùy theo trong nước – hay trong địa phận – có những tạp chí này, đây là những khí cụ làm việc không thể thay thế . 

           d) NHỮNG BUỔI – KHÓA HỘI THẢO : 

           Những người hữu trách cảm thấy rất mau chóng nhu cầu cần phải gặp gỡ những người cùng phải chia xẻ một nhiệm vụ, ở nơi khác, để bàn tính việc hoạt động , trao đổi kinhnghie65m và đào luyện sao cho mình đóng được cái vai trò hoàn hảo hơn . 
           Vì thế, cần phải dự liệu tổ chức những buổi hay những khóa hội thảo nhiều ngày . Những khóa này có thể qui tụ : 
                      @ hoặc hết thảy mọi người , cách này hay cách khác, đang làm việc trong Phong trào : giáo dân, linh mục , tu sĩ, nữ tu sĩ , 
                       @ hoặc những người đảm đang cùng một trách nhiệm : giáo dân với nhau, linh mục với nhau v..v….
            Nơi nào có những nhóm hữu trách địa phận hay toàn quốc , thì cũng tổ chức những cuộc họp mặt tương tự . Lúc đó, mọi nguồi hữu trách có bổn phận tham dự đúng đắn . 
           Cũng đừng bỏ qua , trên bình diện đào tạo, những gì các Phong trào và các cơ quan khác có thể cung cấp, ví dụ huấn luyện về tâm lý học, kỹ thuật, công dân, giáo lý …… 
           Cũng có thể có những phương tiện khác : đọc sách v..v… Đây chỉ là một vài ý niệm . Ở lĩnh vực này, ai nấy hãy tìm tòi những gì sẵn có kề bên hay những gì mình phải tổ chức . 
            Không phải ngẫu nhiên mà thành người hữu trách
            Các kiến thức đó cần phải nhập tâm dần dần theo ngày tháng và kinh nghiệm lâu mới được . Nhờ thế, giá trị bản thân của mỗi người hữu trách gia tăng . Càng nên người hơn, Ki tô hữu hơn, họ càng phải làm cho trẻ em hưởng nhờ nhiều hơn, với bằng chứng đời tư của họ, với khả năng của họ . 

            Việc đào tạo không bao giờ ngừng . Người ta không bao giờ có khả năng đủ . Cần phải nhấn mạnh điều đó . Người hữu trách không khi nào được mãn nguyện với mình , mà phải ý thức rằng mình còn thiếu thốn quá nhiều trước một chức vụ rất cao quí đã được ủy thác .


 IV. SỰ HỢP TÁC CẦN THIẾT 

            Xuyên qua những trang sách này, khi nói về những người hay những cơ quan, chúng ta cũng đã lưu ý, Phong trào cần phải hợp tác với họ để công việc kết quả và đích thực là công việc của Giáo hội . Không trở lại chi tiết đã bàn chỉ cần lượm lặt các yếu tố sẵn có để đưa ra một tổng hợp . 

PHONG TRÀO CẦN PHẢI LÀM VIỆC VỚI :

              - CÁC GIA ĐÌNH, những người đầu tiên có trách nhiệm trong việc giáo dục, tiêu biểu một sức mạnh phi thường, khi người ta có thể nương tựa vào họ ;

              - CÁC GIẢNG VIÊN GIÁO LÝ mà đối với họ, Phong trào có thể là một phương tiện quan trọng để đưa vào cuộc sống và hành động những điều họ cố công giảng dạy ; 

             - CÁC GIÁO CHỨC , 

             - CÁC NHÀ GIÁO DỤC KHÁC CỦA ĐỨA TRẺ : huấn luyện viên các môn giải trí v..v ….

             - CÁC PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ VÀ ĐẶC BIỆT NHẤT LÀ NHỮNG PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ CẢNH VỰC, và điều này, vì nhiều lý do đã nêu ở trên, bởi vì : 
                          • theo Đức Hồng y Saliege, “ việc giảng Phúc âm phải được quan niệm toàn khối “ , nghĩa là cả trẻ em, thanh niên lẫn người trưởng thành ; 
                          • Trẻ em thường ra sẽ tiếp tục vào những phong trào thanh niên . Việc chuyển qua này sẽ thực hiện tốt đẹp tùy ở chỗ đã từng đồng lao cộng tác với nhau ; 
                          • những người hữu trách phải hết sức làm sao cho có tinh thần đó, để bằng chứng của họ thật sự rõ ràng và sống động . 

                - CÁC PHONG TRÀO VÀ CÁC CƠ QUAN KHÁC HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC TUỔI THƠ để thăng tiến một mục vụ tuổi thơ chân chính ; 

                - CÁC TỔ CHỨC CÔNG QUYỀN có liên hệ đến vấn đề tuổi thơ . 





PHỤ LỤC I 

PHONG TRÀO VỚI TRẺ EM NGOÀI CÔNG GIÁO , NGOÀI KI TÔ GIÁO 



              Ngay từ buổi đầu, Phong trào bao giờ cũng quan tâm đến đại đa số trẻ em bao nhiêu có thể . Phong trào càng bành trướng khắp nơi trên thế giới thì vấn đề tham gia của trẻ em ngoài công giáo và ngoài ki tô giáo càng được đặt ra quyết liệt hơn . 
             Nhiều kinh nghiệm đã thực hiện hầu khắp nơi với sự đồng ý của hàng giáo phẩm liên hệ . Những kinh nghiệm đã được nghiên cứu trên bình diện quốc tế . Rồi một ít nguyên tắc có thể dùng làm căn bản suy nghĩ và hành động đã được xác định từ những kinh nghiệm đó .Những nguyên tắc ấy muốn làm những cái tiêu cắm đường để những cuộc tìm kiếm được dễ dàng và để tránh những sai lầm . Những nguyên tắc ấy đã được thông qua trong cuộc Họp mặt Quốc tế của Phong trào năm 1966 , sau khi đã đem đối chiếu với những tư tưởng của Công đồng trong lĩnh vực này . Tuy nhiên, nó vẫn còn là một căn bản để tìm tòi, có thể minh xác và sửa đổi . 
              Đây là một vấn đề rất quan trọng không thể khinh xuất khi tìm những giải đáp . Cần khôn ngoan, nhưng không có nghĩa là không được táo bạo , miễn là có suy nghĩ chín chắn và bàn hỏi . Ở đây, chúng ta chỉ muốn đưa ra một vài yếu tố để suy tư căn cứ vào :
                       - những văn kiện của Công đồng 
                       - những nguyên tắc đã được Phong trào công nhận, kêu gọi những ai đang bận tâm về những vấn đề này, hãy liên lạc với Phong trào (i) để đào sâu tùy theo những thực tại địa phương , có ảnh hưởng rất mạnh đến những giải đáp phải tìm tòi . 

 (i) với Nhóm Hữu trách toàn quốc ở mỗi nước , 
  nếu chưa có thì liên lạc với Văn phòng Tổng Thư Ký tại Ba lê


 I.- CÔNG ĐỒNG 

 Chúng ta hãy dừng lại ở hai điểm đặc biệt hơn cả : 

 1) HIỆP NHẤT 

          Đây là một vài tư tưởng rút tỉa từ những tuyên ngôn về “ hiệp nhất “ , về những người “ ngoài ki tô giáo “ và những người “ Do thái “ . 

 a) NHỮNG TÔN GIÁO KI TÔ GIÁO : 

          1- Phong trào hiệp nhất muốn tái lập sự “ thống nhất “ các ki tô hữu .Nguyện vọng này căn cứ vào sự kiện Chúa Cứu Thế đã xây dựng và Ngài chỉ muốn có một Giáo hội . Rất dễ nêu rõ ý muốn hiệp nhất đó trong những lời Đức Ki tô . 

          2- Phong trào hiệp nhất phải đưa chúng ta tới chỗ tìm lại những yếu tố chung hiện hữu , nghĩa là : 
                      • Lời Chúa được viết ra , 
                      • đời sống ân sủng , 
                      • đức Tin, Cậy , Mến , 
                      • những việc thánh ban ân sủng . 
          Khởi sự từ điểm đó, phong trào hiệp nhất đòi ai nấy cố gắng trong Giáo hội của mình : cố gắng sống trung thực hơn với Phúc âm , với sự cải tại tâm hồn và bác ái đi kèm theo, và như thế , đến gần những người khác muốn làm cũng một việc đó ….. còn phải cố gắng tiếp xúc , đối thoại để hiểu nhau, quí trọng nhau, cùng nhau cầu nguyện, cảm thấy nhau là anh em . 

         3- Công đồng nhắc cho chúng ta biết rằng phong trào hiệp nhất phải làm cho mọi người chú ý : các chuyên viên đã đành , để giải thích giáo lý …… mà còn hết thẩy mọi người với một thái độ xích lại gần thẳng thắn . Sự chia rẽ đó đối với mỗi người chúng ta là một di sản lịch sử , như Cha Congar đã giải thích, “ tất cả như hồi thế kỷ XIX , xã hội Pháp đã từng biết sự bóc lột thật sự và sự đàn áp giới thợ thuyền, cũng như nó đã đẻ ra chế độ thuộc địa và những lạm dụng của nó “ . Đấy là những di sản mà mọi người chúng ta phải gánh vác , như hcu1ng ta cần phải sửa chữa cái tình trạng đó, cái cơn bệnh đó mà Giáo hội đang phải chịu đựng .

          4- Phong trào hiệp nhất trước hết đòi chúng ta thực hiện sự “ hiệp thông “ trí và lòng với những Giáo hội Đông phương . Gia sản chung lớn lao và các Giáo hội đó có những phong phú có thể làm giàu cho chúng ta . Sự hiệp thông có thể thực hiện ở giai đoạn tra cứu giữa các chuyên viên đã đành, và nó đã hoàn thành, nhưng còn ở giai đoạn sống với những anh em Đông phương, thiết lập một sự hợp tác anh em cùng với họ, trong mọi lĩnh vực nữa . 
          5- Phong trào hiệp nhất còn đòi chúng ta đối thoại với các Giáo hội bắt nguồn từ cuộc cải cách Tây phương nữa , bắt đầu từ những điểm đồng như : niềm tin vào Đức Ki tô , Kinh thánh, đời sống bí tích , đời sống trong Đức Ki tô . Công đồng đòi chúng ta, không nhẹ dạ , không sốt sắng vô ý, bước theo hướng đó và giúp trẻ em ân cần với cuộc đối thoại đó .

 b) CÁC TÔN GIÁO NGOÀI KI TÔ GIÁO VÀ DO THÁI GIÁO : 

           Mọi người đều do một nguồn gốc là chính Thiên Chúa ….. và đều có một cứu cánh sau hết là chính Thiên Chúa . Họ chờ đợi trong những tôn giáo khác nhau những giải đáp các vấn đề quan trọng như : Con người là ai ? Cuộc sống có nghĩa lý gì ? Thiện ác là gì ? Đau khổ là gì ? Hạnh phúc thật là gì ? Sự chết là gì ? và chúng ta phải tôn trọng cái phong phú đó . 

                      - Trong Ấn độ giáo , ai nấy tìm hiểu mầu nhiệm thần linh . Họ tìm giải thoát những nỗi thống khổ của thân phận con người trong đời sống khổ tu , trong sự trầm tư mặc tưởng, trong sự náu ẩn nơi Chúa với tình yêu và tín nhiệm . 

                     - Trong Phật giáo , cõi đời này được coi là không đủ ( là vòng luân hồi chịu những cảnh khổ ….) . Cần phải tìm kiếm con đường khả dĩ đi tới chỗ giải thoát hoàn toàn hay đại giác . 
                      
             Đứng trước hai tôn giáo này, Giáo hội kính trọng những gì chân chính và thánh thiện trong những phương thức hành động, làm và sống, nhưng Giáo hội có bổn phận rao giảng Đức Ki tô là Đường, sự Thật , sự Sống ….. Người buộc con cái phải nhìn nhận và giữ gìn những giá trị thiêng liêng, luân lý và văn hóa những tôn giáo đó, nhưng người khuyên họ làm chứng sự thật bằng đối thoại và hợp tác . 

                     - Giáo hội nhìn những người Hồi Giáo bằng cặp mắt kính trọng. Họ thờ kính Thiên Chúa, Độc nhất, Chủ tể, Toàn năng. Họ cố gắng tuân phục các huấn giới của Thiên Chúa, như Abraham đã làm. Họ suy tôn Chúa Giêsu như một vị tiên tri, họ kính trọng Đức Maria, họ chờ đợi ngày Phán xét Thiên Chúa sẽ công thưởng; họ thờ phụng Thiên Chúa và quý trọng đời sống luân lý. Giáo hội thúc đẩy đến chỗ hiểu nhau và người đòi chúng ta cùng nhau đề cao những giá trị luân lý, công bằng xã hội, tự do và hòa bình. 

                    - Với những người Do Thái, họ cũng có một gia sản thiêng liêng chung to lớn. Giáo hội khuyến khích nhìn nhận và quý trọng, nhờ nghiên cứu Thánh Kinh và thần học, cũng như khuyến khích đối thoại. 

            Tất cả những hướng đi đó Công đồng đã vạch ra về vấn đề các tôn giáo ngoài ki tô giáo, có thể tóm tắt như sau: tình huynh đệ đại đồng, chúng ta phải có, bác bỏ mọi thứ kỳ thị. Công đồng cũng đặc biệt soi sáng thái độ của chúng ta và thái độ của trẻ em. 


2) TỰ DO TÔN GIÁO 

          1- CÔNG ĐỒNG NHẮC BẢO CHÚNG TA, CON NGƯỜI CÓ QUYỀN TỰ DO HÀNH ĐẠO CỦA MÌNH, theo lương tâm của mình, với sự tìm kiếm chân lý, và bổn phận nắm giữ chân lý đó… Chúng ta chỉ nói sơ qua, quyền đó bác bỏ chủ nghĩa trung lập hay tục hóa với tư cách như là một thứ tôn giáo… 
           Sự tìm kiếm đó, thực hành đó, phải được thực hiện mà không bị áp lực công hay tư nào chi phối. Không ai có quyền ép một người hành động trái với lương tâm của họ. Sự thực hành đó phải được thực hiện bằng những việc bên ngoài của cá nhân hay cộng đồng, biểu lộ các tư tưởng bên trong và sự lựa chọn của cá nhân theo lương tâm của họ. Đấy là giáo lý ngàn đời của Giáo hội, bởi vì niềm tin là một hành vi tự ý. 

          2- ĐỐI VỚI CON NGƯỜI QUYỀN TỰ DO HÀNH ĐẠO ĐÓ TRỞ THÀNH MỘT QUYỀN CÔNG DÂN. Công đồng đã tuyên bố như thế. Chống đối tôn giáo là đi ngược với quyền tự do đó, nghĩa là làm nhục cho con người, là đạp đỗ trật tự chính Thiên Chúa đã thiết lập. Bởi thế, mọi chính quyền không được chống đối mà phải ban hành những luật lệ công bằng và dùng những phương tiện thích đáng để bảo vệ quyền tự do đó. Nếu một chính quyền công nhận một cộng đồng tôn giáo nào, thì phải tôn trọng sự tự do của các cộng đồng khác. 

          3- DO ĐẤY, QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO PHẢI ĐỂ CHO CÁC NHÓM TÔN GIÁO: 

                        a) Sống đời sống tôn giáo của họ và nâng đỡ nó bằng giáo huấn và những định chế; 
                        b) Tổ chức nội bộ, có những thừa tác viên, những cọng đồng, những cơ sở, được liên lạc với những cọng đồng ở các nơi khác trên thế giới; 
                        c) Giảng huấn, tự giới thiệu cho mọi người biết đến, chẳng vậy, không còn là tự do, không còn là tích cực tìm kiếm chân lý nữa. Nhưng không được dùng uy cực, khuyến dụ bất chính, nhất là đối với những kẻ nghèo hèn; 
                       d) Quyền tự do tôn giáo phải để cho các nhóm tôn giáo làm cho giáo thuyết của họ có hiệu lực trong xã hội, bằng hành động, hội họp, tổ chức những liên hiệp giáo dục, xã hội và từ thiện. 
            Trong những cuộc bàn cãi, trước khi bản văn Công đồng được ban hành - việc này các văn kiện Công đồng không nhắc tới, nhưng chúng ta có quyền cảm hứng theo – các Nghị Phụ phân biệt giữa dụ dỗ và hoạt động tông đồ, sự phân biệt làm sáng tỏ quyền sống, tổ chức, truyền bá và hành động. 
            Làm theo kiểu dụ dỗ, là tìm cách, theo lời các Nghị Phụ, đắc thắng của một nhóm: thái độ này đáng lên án, vì nó trái với quyền lợi của người khác. Còn làm theo hoạt động tông đồ, và bằng chứng tích, để truyền bá chân lý, và để ai nấy lựa chọn theo lương tâm của họ, đấy là một thành phần của tự do tôn giáo. 

            4- ĐỐI VỚI TRẺ EM, CÔNG ĐỒNG NHẮC BẢO GIA ĐÌNH HÃY TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO CỦA MÌNH, các cha mẹ quyết định việc huấn luyện đạo giáo cho trẻ em, mà không một chính quyền hay một quyền bính nào khác có thể bắt buộc hay làm áp lực vì bất cứ lý do nào.


 II. NHỮNG KẾT LUẬN CHO PHONG TRÀO. 

              Dựa vào những tư tưởng trên, đây là lập trường của chúng ta hiện nay: 

              _ PHONG TRÀO CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT PHONG TRÀO TÔNG ĐỒ. Nó có bổn phận làm cho Phúc âm sáng tỏ trong thế giới trẻ con nhờ trung gian của chính trẻ con. Phong trào không thể xén bớt cái giá trị đào luyện của nó, để qui tụ trẻ em ngoài công giáo, chẳng vậy, nó sẽ không đào tạo được trẻ em công giáo, nâng đỡ, định hướng cần thiết cho đức tin của chúng. 
          
             _ PHONG TRÀO TRONG CÁI THỰC THỂ VÀ TRONG NHỮNG CƠ CẤU PHONG TRÀO CỦA NÓ THƯỜNG DÀNH CHO TRẺ EM CÔNG GIÁO VÀ DỰ TÒNG. Đối với trẻ em chính thống giáo, vấn đề này cần nghiên cứu cách riêng. Tại ít nhiều quốc gia, tùy theo tình trạng tôn giáo và luôn luôn được sự phê chuẩn của hàng giáo phẩm đã, đồng thời có sự thỏa thuận của các gia đình. Phong trào có thể đón nhận những trẻ em khác.

             _ PHONG TRÀO MUỐN MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG TỚI HẾT THẢY TRẺ EM KHÔNG PHÂN BIỆT: 
                            + BẰNG HOẠT ĐỘNG CÁ NHÂN CỦA MỖI ĐỨA TRẺ VỚI NHỮNG TRẺ EM KHÁC. Điểm này nằm trong đường lối thông thường của một Phong trào tông đồ. 
                            + BẰNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH PHONG TRÀO Ở TƯ THẾ PHONG TRÀO trên khối thiếu nhi, nhờ:
                     • những hoạt động chúng ta đã bàn ở trên, miễn là những hoạt động ấy thấm nhuần tinh thần ki tô giáo và không có tính cách tôn giáo; 
                     • những dịch vụ (các cuộc giải trí, trại hè, thư viện - những hoạt động chống nạn mù chữ…), sẵn sàng để ai nấy sử dụng, còn đối với trẻ em tham gia Phong trào, là phần đất lựa chọn cho hoạt động tông đồ. 

               _ TRONG ÍT NHIỀU TRƯỜNG HỢP, CÓ THỂ PHẢI ĐI XA HƠN và với sự đồng ý của hàng giáo phẩm, lập những cộng đồng thiếu nhi mở rộng cho hết thảy trẻ em, khi đó phải thêm cho trẻ em công giáo được định vị trí, tự luyện, cùng nhau tìm tòi trong những buổi họp những gì thích hợp với chúng. 
    
             _ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH, CÁC VẤN ĐỀ HẦU NHƯ LÀ MỘT: • trừ ít nhiều trường hợp phải nghiên cứu, những người hữu trách cần thiết phải là công giáo hay đôi khi chính thống giáo; 
                        • có thể có những hữu trách viên khác đến trợ lực cho những người trước trong những hoạt động, những dịch vụ, những buổi họp mở rộng cho hết thảy. 

ĐỂ KẾT THÚC VẤN ĐỀ NÀY, KHÔNG PHẢI LÀ QUÁ NHẤN MẠNH ĐẾN: 

                        • TÍNH CÁCH ĐẶC BIỆT CỦA NHỮNG KINH NGHIỆM mà chúng ta đã nêu ra và sự cần thiết phải suy nghĩ đúng đắn trước khi lao mình vào, và đều đặn. Các nguyên tắc nêu ra bắt buộc phải tổng quát; cần điều hòa và xác định lại tùy theo hoàn cảnh mỗi quốc gia, những thực tại địa phương, tôn giáo, chính trị… 

                        • CẦN PHÂN BIỆT. 

              _ giữa ‘làm chứng’ và ‘tuyên truyền’. Làm chứng là chính con người chiếu giãi bằng tất cả đời sống của mình… trái lại, tuyên truyền là lập luận, là đặt điều kiện cho những người khác, là làm áp lực. Trẻ em phải là chứng tá, chứ không đi tuyên truyền;

               _ giữa “làm tông đồ” và “dụ dỗ”. Dụ dỗ là kéo về với mình, là kết tập, là cần thiết phải làm áp lực, dầu là áp lực không cố ý… Trái lại, làm tông đồ là theo đưởi một việc do bác ái và chân lý thúc đẩy, cố công khơi động đời sống tôn giáo của những người khác, nhưng vẫn để họ hoàn toàn tự do. Trẻ em cần làm tông đồ, chứ không đi dụ dỗ. 

                               • LÀM CHỨNG CHUNG mà các ki tô hữu, công giáo và không công giáo, có bổn phận đem đến cho thế gian. 

                               • NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH LIÊN HỆ CẦN PHẢI ĐIỀU TRA VỀ CÁC TÔN GIÁO BẠN và về giá trị của các tôn giáo đó, đây là một việc thiết yếu, nếu muốn đi đến một cuộc đối thoại hiệp nhất chân chính. 

                              • VẤN ĐỀ NÀY CÒN KÊU GỌI HẾT MỌI NGƯỜI gia tăng giá trị ki tô hữu bản thân để hiểu biết rõ hơn sự kính trọng họ cần phải có đối với những người khác. 



 PHỤ LỤC II 

PHONG TRÀO QUỐC TẾ 
TÔNG ĐỒ THIẾU NHI 


            Trên 30 năm về trước tại nước Pháp Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí ra đời. Rất nhanh chóng, hầu khắp nơi trên thế giới đã mọc lên những đoàn, có nơi gọi là Hùng Tâm Dũng Chí, nơi lại chọn một danh xưng khác cho thích hợp với quốc gia, ngôn ngữ hơn. 
            Sau nhiều năm sống, tháng bảy 1962, tại Ba Lê, trong cuộc Họp mặt Quốc tế lần đầu tiên của Phong trào, đã thiết lập một Ủy hội Quốc tế của Phong trào, nhằm mục đích qui tụ, liên kết với nhau và nâng đỡ tất cả những ai, trên khắp thế giới, đã giúp thực hiện Phong trào. 
           Hội nghị này cũng đã tán thành một tổ chức và bổ nhiệm một Văn phòng Quốc tế để sắp xếp các công việc và trở nên thành phần chủ động của đời sống quốc tế. 
          Văn phòng đó gồm có: 
                   - một chủ tịch. 
                   - một phó chủ tịch cho mỗi miền rộng lớn có đại diện. 
                   - hai tổng thư ký.
                   - một tuyên úy. 
         Cũng trong cuộc Họp mặt Quốc tế đó, các nước hiện diện đã nhất trí biểu quyết những tiêu chuẩn dùng làm căn bản cho đời sống và hoạt động của Phong trào (1). 
         Chính tại La mã, tháng bảy 1966, đã diễn ra cuộc Họp mặt Quốc tế lần thứ hai của Phong trào, qui tụ 30 quốc gia hội viên và nhiều quan sát viên. Trong cuộc gặp gỡ này, Ủy hội Quốc tế nhận danh xưng : Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi (2). 
         Từ đấy, Phong trào không ngừng bành trướng khắp nơi trên thế giới, và hiện nay, có năm chục quốc gia đang cùng nhau làm việc (3). 

 (1) Xem phụ lục IV 
 (2) Xem phụ lục V                                   
(3) Cuộc họp mặt Quốc tế lần thứ ba được t  chức tại Monaco, tháng 8 năm 1970, có đi biểu của 33 nước tham dự, trong đó có Việt Nam 





 PHỤ LỤC III 

THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA 


            Đức Thánh Cha Phaolo VI nói với các đại biểu tham dự cuộc Họp mặt Quốc tế lần thứ hai của Phong trào tại Castel – Gandolfo, ngày 20 tháng bảy 1966…

           “Giờ đây, Cha có lời chào mừng cách riêng các đại biểu kỳ Họp mặt Quốc tế Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí lần thứ hai, những người đã có công biết bao với giáo hội, từ 30 năm nay, trên cánh đồng tông đồ tế nhị và rất quan trọng bên cạnh các thiếu nhi. Ý niệm căn bản của Phong trào các con chính là ý niệm rất thân mật của vị tiền nhiệm của Cha, Đức Piô XI: đồng hàng làm tông đồ cho đồng hàng. Các con thân yêu, các con nghĩ rất đúng, làm tông đồ cho trẻ em phải là chính trẻ em và các con đòi hỏi cho giới thiếu nhi một chỗ độc đáo và riêng biệt trong khung khổ Công giáo Tiến hành. Bằng những lọat sách báo và hoạt động, và nhờ sự tận tâm quảng đại của nhiều nhà giáo dục,– tu sĩ, nữ tu sĩ, người hữu trách của Phong trào – các con nhằm mục tiêu đem lại cho trẻ em, trong khung khổ một cọng đồng thiếu nhi, theo tầm vóc của chúng, một công cuộc đào tạo ki tô hữu vững chắc, đem lại cho chúng lòng ham muốn và những phương tiện để chính chúng cũng trở nên tông đồ.







PHỤ LỤC IV

NHỮNG TIÊU CHUẨN
CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH TUỔI THƠ
QUA PHONG TRÀO HÙNG TÂM DŨNG CHÍ

                                                       Đã được toàn thể 130 đại biểu cuộc họp
                                                       mặt Quốc tế của Phong trào biểu quyết
                                                       ngày 25 tháng 7 năm 1962    

           Ba chục   năm nay, từ bốn phương trời, người ta nói đến Hùng Tâm Dũng Chí . Khắp năm châu bốn bể , nhiều đoàn được thành lập .  Danh xưng “ Hùng Tâm Dũng Chí “ không phải gói ghém bất cứ cái gì . Đáy là một trong những lý do tạo ra những tiêu chuẩn này :
-       Chúng bảo đảm một Phong trào Công giáo Tiến hành Tuổi thơ chính đáng .
-       Chúng là lẽ an toàn, là chứng thư cho những ai muốn trung thành với sứ mạng một Phong trào Công giáo Tiến hành Tuổi thơ .
-       Chúng sẽ là những nguyên tắc để suy nghĩ, tìm tòi cho những ai tin vào khả năng tông đồ của trẻ em và muốn chúng tham gia trọn vẹn vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội .
Qua kinh nghiệm của nước Pháp, cũng như những thực hiện ở nhiều nước , chúng tôi xác định với qu1i bạn ở nơi đây, với những điều kiện nào có thể bàn đến Công giáo Tiến hành Tuổi thơ qua Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí .
Chúng tôi, ỦY HỘI QUỐC TẾ HÙNG TÂM DŨNG CHÍ, trù tính qui tụ , liên kết tre em lại và nâng đỡ tất cả những ai trên khắp thế giới  giúp thực hiện Phong trào :
Ủy hội Quốc tế này đã được chính thức thành lập sau kỳ Họp mặt Quốc tế lần thứ nhất của Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí  tháng 7 năm 1962.
VĂN PHÒNG QUỐC TẾ, thành phần chủ động của Ủy hội, cũng được tổ chức .
Văn phòng gồm có : một Tuyên úy, một Chủ tịch, hai Tổng thư ký - bảo vệ chủ thuyết – sáu Phó chủ tịch được bầu lên cho mỗi miền có đại biểu (Tây và Xích đạo Phi châu, Nam Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á, Âu Châu ) .
Chính trong cuộc Họp mặt Quốc tế ngày 25 tháng 7 năm 1962 đó, toàn thể đại biểu của 23 quốc gia có mặt đã biểu quyết  những Tiêu chuẩn Công giáo Tiến hành Tuổi thơ qua Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí .

QUÍ BẠN CẦN HIỂU NHỮNG TIÊU CHUẨN ĐÓ VỚI TINH THẦN SAU ĐÂY :

 Không phải để tranh luận với nhau về vấn đề danh xưng có kiểm soát, mà để thực hiện cho đúng Công giáo Tiến hành của trẻ em qua Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí .
-       Nơi  đây,công việc đó được thực hiện theo nghi thức Hùng Tâm Dũng Chí, và do đấy, không được thu hẹp hay thay đổi nội dung Phong trào theo những điểm sẽ xác định sau ….
-       Nơi kia , người ta phiên dịch danh xưng “ Hùng Tâm Dũng chí “ bằng những danh từ tương đương, nghĩa là không chối bỏ gì về nội dung ….
-       Nơi khác , người ta chỉ đề cập đến Công giáo Tiến hành Tuổi thơ với một danh xưng khác về trẻ em, nhưng lại theo sát cùng những tiêu chuẩn ….
Một lần nữa, điều quan hệ là gặp nhau trên nhưng căn bản thiết yếu, mà không cần đả động đến danh xưng Hùng Tâm Dũng Chí .

TRÌNH BÀY CÁC TIÊU CHUẨN

-       Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí là gì ?
  • TIÊU CHUẨN 1 :  một khái niệm về việc đào tạo Ki tô hữu
  • TIÊU CHUẨN 2 :  một khái niệm về hoạt động tông đồ
  • TIÊU CHUẨN 3  :  làm sao qui tụ đại đa số trẻ em bao nhiêu có thể để chúng phát triển bản thân  và phát động đời sống đạo  trong thế giới trẻ con .
-       để đạt mục tiêu trên :
  • TIÊU CHUẨN 4 :  một khoa sư phạm
  • TIÊU CHUẨN 5  :  những người hữu trách
-       Phong trào giáo dục Ki tô giáo và Công giáo Tiến hành Tuổi thơ, Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí :
  • TIÊU CHUẨN 6 :  phải chuẩn bị thanh thiếu niên và người trưởng thành Ki tô giáo hoạt động 
  • TIÊU CHUẨN 7  :  không thể làm tròn phận sự mà thiếu sự hợp tác
  • TIÊU CHUẨN 8  :   không thể thành lập khi hàng giáo phẩm không chuẩn y rõ ràng  .
 
TIÊU CHUẨN

1* KHÁI NIỆM VỀ VIỆC ĐÀO TẠO KI TÔ HỮU
             đáp ứng kế hoạch của Chúa về mỗi người
a)    Đưa vào việc đào tạo con người :
-       bản thân
-       tập thể
b)   để ý đến mọi đòi hỏi một cuộc sống đạo :
-       bản thân
-       cộng đồng
-       truyền giáo
c)    giúp trẻ em sống trong những cộng đồng Ki tô hữu theo trình độ của chúng :
-       mà chúng xây dựng với sự giúp đỡ của các nhà giáo dục ;
-       trong đó chúng có thể   
           @  triển nở tùy theo tính tình và những thiên tư của mỗi đứa trẻ
           @ tập sử dũng quyền tự do của chúng
           @ tập sáng kiến và lĩnh  trách nhiệm
-       giúp chúng dấn thân vào thế giới trẻ con theo tầm vó của chúng ;
-       quan tâm đến những môi trường xã hội chúng sống .
d)    chuẩn bị chúng lĩnh nhận địa vị của chúng trong Giáo hội và giữa đời ;  điều đó giả thiết, thêm vào gia đình, trường học, việc dạy đạo v..v…. một Phong trào Thiếu nhi có chỗ đứng độc đáo trong việc đào tạo Ki tô hữu nói trên .

2* KHÁI NIỆM VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

a)    hợp với kế hoạch của Thiên Chúa  về mọi người - kế hoạch được Giáo hội theo đuổi và bảo đảm ;
b)   dựa vào những khả năng tông đồ của đứa trẻ đã chịu phép rửa tội, đứa trẻ dự tòng ( kể cả dự tòng cảm tình ) ;
c)    được thực hiện “cốt nhất “ trong thế giới trẻ con ( tuy nhiên, không gạt ra ngoài khả năng tác động của trẻ em đối với các gia đình, người lớn v ..v…);
d)   giả thiết một cuộc đào tạo Ki tô hữu, một sự nâng đỡ và khám phá liên tục, bắt đầu từ cuộc sống có đức Tin soi sáng .
Tất cả những điều đó đòi hỏi một Phong trào để giúp trẻ em thực hiện trong thế giới trẻ con của chúng với những phương tiện riêng của tuổi các em .

3* KHÁI NIỆM VỀ VIỆC ĐÀO TẠO KI TÔ HỮU VÀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ
           Việc đào tạo Ki tô hữu và hoạt động tông đồ đó :
a)    được đề  nghị với trẻ em càng đông càng hay ,
  • bằng sinh hoạt Phong trào dành cho các em Công giáo, các em dự tòng và các dự tòng cảm tình (đối với các em sau này, phải có phép cha mẹ và sự đồng ý của hàng Giáo phẩm );
  • bằng những hoạt động quần chúng và những tiện ích Phong trào mở rộng cho hết thảy trẻ em ;
b)   do đấy, giúp mỗi em phát triển bản thân tùy theo khả năng của mình ;
c)    giúp phát huy đời sống đạo trong quần chúng thiếu nhi;
d)   chung qui là giúp đào tạo những thành phần chiến sĩ .
Bởi thế, đòi hỏi Phong trào phải :
-       vừa là Phong trào quần chúng (dành cho quần chúng, phát động quần chúng thiếu nhi );
-       vừa là Phong trào đào luyện bản thân .

NHỮNG CÁI ĐÓ ĐÒI HỎI
4* MỘT KHOA SƯ PHẠM
a)    một khoa sư phạm của Phong trào Thiếu nhi , nghĩa là :
  • để ý đến những dữ kiện tâm lý riêng của mỗi đứa trẻ ,
  • làm chúng triển nở, đáp ứng những nhu cầu của chúng,
  • bắt đầu từ những ham thích của chúng,
  • lợi dụng đặc biệt hoạt động quan yếu của trẻ là CHƠI ,
  • giúp chúng dự phần vào nhiệt tín chung, tạo ra những mo61igiao tế giữa trẻ em, cả đến lĩnh vực quốc tế ,
  • liêkn ết các em với  “đại sự “ ,
Tất cả những cái đó, trong những cộng đồng thiếu nhi vừa tầm vóc chúng sẽ làm cho chúng được mở mang và nâng đỡ chúng về phương diện người cũng như phương diện Ki tô hữu .
b)    một khoa sư phạm Ki tô giáo sâu xa và Công giáo Tiến hành :
  • liên kết con người với thiêng liêng,
  • giúp mỗi em thăng tiến bản thân trong cuộc sống Ki tô hữu,
  • đồng thời giúp cổ võ sống đạo trong thế giới thiếu nhi , tiến tới giảng Phúc âm cho giới đó, chứ không phải chỉ cổ võ bằng những hoạt động suông .
Hai phương diện của khoa sư phạm này giúp trẻ em đem vào môi trường những trẻ khác bằng chứng đời Ki tô hữu và đem ảnh hương đạo vào mọi tổ chức thiếu nhi, bằng những phương pháp giúp các em bắt tay vào việc và đào luyện các em trong lúc hoạt động và bằng chính hoạt động .
Khoa sư phạm này được thực hiện bằng những phương tiện ở mỗi nước mỗi khác, tùy theo chỗ ưu đãi dành cho cộng đồng thiếu nhi .

5* NHỮNG NGƯỜI HỮU TRÁCH PHẢI LÀ NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
           Chính đứa trẻ tự luyện theo tinh thần Ki tô giáo và tự nó hoạt động tông đồ, nhưng cần phải có những người hữu trách thanh niên hay trưởng thành trợ lực cho việc đào luyện và hoạt động đó .
          Các “ nhà giáo dục Ki tô giáo” đó (linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân thanh niên, trưởng thành ) mỗi người tùy theo vai trò đặc biệt của mình, cần :
a)    yêu thương và hiểu trẻ em cũng như thế giới thiếu nhi, quan tâm đến cuộc sống của chúng, hiểu tâm lý đứa trẻ, đủ năng lực chuyên môn riêng biệt của một Phong trào Thiếu nhi ;
b)    có cái nhìn Ki tô hữu :
     @ về đứa trẻ
     @ về những vấn đề sống và tăng trưởng của nó ,
     @ về việc sử dụng những kỹ thuật giáo dục .
c)    quan tâm đến hết mọi vần đề về tuổi thơ, để khi cần, có thể nhân danh trẻ em can thiệp với chính quyền ;
d)    cùng làm trong Hội đồng Hữu trách ;
e)    riêng những người hữu trách giáo dân, phải tự mình tham gia một hoạt động tông đồ .
Để đạt nhựng mục tiêu trên :
  • phải quan tâm đến cuộc sống nội tâm và bí tích ,
  • đem bằng chứng tông đồ vào những môi trường họ sống,
  • ước mong rằng : họ cũng là những thành phần trong Phong trào CGTH thích hợp với môi trường và lứa tuổi của họ .

6* NGẢ ĐƯỜNG ĐI RA KHỎI PHONG TRÀO
Phong trào, theo bản chất của nó, dành cho trẻ em, ước mong rằng, khi các em qua tuổi thơ (được mở mang thêm theo trình độ khác nhau tham gia vào đời sống của cộng đồng thiếu nhi Ki tô giáo và tông đồ ) ….. thường đã được chuẩn bị vào đời thanh niên, và sau đấy, đời trưởng thành, đủ năng lực dấn thân làm những phần tử của Giáo hội trong công cuộc phát huy đạo Chúa và văn minh .

7* HỢP TÁC VỚI NHỮNG TỔ CHỨC VÀ PHONG TRÀO KHÁC
Phong trào nhằm tất cả cuộc sống đứa trẻ chỉ có thể làm tròn vai giáo dục và Giáo hội, khi nó thực hiện đầy đủ những tiêu chua63nne6u ở trên và hoàn toàn, ở vị trí của mình, nó đồng lao cộng tác với :
  • các gia đình,
  • các tổ chức Giáo hội chuyên về giảng huấn đời và đạo ,
  • các Phong trào thiếu nhi Ki tô giáo khác ,
  • các hội đoàn đạo đức ,
  • các tổ chức văn hóa và tiêu khiển ,
  • các Phong trào CGTH  thanh niên và trưởng thành .
Cũng thế, khi có thể và cần thiết, Phong trào cần đi đến chỗ hợp tác với mọi tổ chức công , tư săn sóc đến tuổi thơ .

7* PHỤC TÙNG HÀNG GIÁO PHẨM

Là Phong trào của Giáo hội, Phong trào không thể thành lập mà không đệ trình hàng Giáo phẩm địa phương , và không được phép tổ chức khi hàng Giáo phẩm không rõ ràng chuẩn y .

PHONG TRÀO THỈNH CẦU HÀNG GIÁO PHẨM

  • qui định bản sắc riêng biệt và sự thích nghi những phương pháp cũng như cơ cấu của Phong trào tùy theo những đòi hỏi của mỗi quốc gia và địa hạt khác nhau ;
  • cũng như xác nhận vị trí độc đáo của nó trong mục vụ và trong CGTH ;
  • xác định sự hợp tác cần thiết và có thể của những người hữu trách Phong trào và đôi khi của cả các đòan đối với chính quyền và những tổ chức của Nhà nước .

                                                         *****

@ Những ai đã am hiểu những tiêu chuẩn trên, giờ đây đều thấy rõ thế nào là :
CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH TUỔI THƠ QUA PHONG TRÀO HÙNG TÂM DŨNG CHÍ
@ Những ai quan tâm đến các vấn đề tuổi thơ, những ai tự đạt những câu hỏi về giáo dục Ki tô giáo và hoạt động tông đồ  của trẻ em, giờ đây đều hiểu rằng các nhà giáo dục khắp thế giới đã tìm tòi những câu trả lời .
@ Những ai muốn dấn thân, giờ đây đều hiểu rằng những việc làm, những kinh nghiệm của các nhà giáo dục đã từng ao ước cho Công giáo Tiến hành Tuổi thơ linh hoạt trên thế giới, đều thuộc quyền sử dụng của mình ……

PHỤ LỤC V

ĐIỀU LỆ
PHONG TRÀO QUỐC TẾ TÔNG ĐỒ THIẾU NHI

                                          ĐÃ ĐƯỢC ĐẠI HỘI ĐỒNG KỲ HỌP MẶT
                                          QUỐC TẾ LẦN THỨ HAI TẠI LA Mà          
                                          THÁNG 07 NĂM 1966 TÁN THÀNH VÀ ĐÃ
                                          ĐỆ TRÌNH VĂN PHÒNG QUỐC VỤ KHANH 
                                          TÒA THÁNH DUỴÊT Y


LỜI MỞ ĐẦU

Họp Đại Hội Đồng từ ngày 17 đến 26 tháng bảy 1966  tại La mã, các Phong trào thuộc các quốc gia có tên sau đây :
-       Hùng Tâm Dũng Chí               Ai Cập
-                             “                         Congo – Brazzaville
-                             “                         Côte d’Ivoire
-                          “                         Cộng hòa Trung Phi
-                             “                         Dahomey
-                             “                         Đảo Maurice
-                             “                         Gabon
-                             “                          Liban
-                             “                          Mali
-                              “                         Maroc
-                             ‘                             Monaco
-                             “                             Pháp
-                             “                             Syrie
-                             “                             Sénégal
-                             “                             Thụy sĩ
-                             “                             Tchad
-                             “                             Togo
-                             “                             Việt Nam
-                             “                            Volta - Thượng
-       Corazones y Almas Valientes    Chí lợi
-                               “                           Colombie
-                               “                           Hương Cảng
-                               “                           Mã lai á
-                               “                           Tân gia ba
-                               “                           Thái lan
-        Joyful Vanguard                          Tích lan

XÉT RẰNG :

a)    số trẻ em trên thế giới đang lớn dần
b)    tuổi thơ quan hệ trong đời sống con người và Ki tô hữu
c)    nhiều thực tại phát sinh những tâm trạng về đời sống trẻ em với nhau, nhất là khi vắng mặt những nhà giáo dục ,
d)    lòng quảng đại to lớn của đứa trẻ ý thức những đòi hỏi và ân sủng  của phép Rửa tội nó đã lĩnh nhận ,
e)    cần thiết phải đào tạo nơi đứa trẻ càng sớm càng hay người Ki tô hữu chiến sĩ,
f)     một Phong trào đem lại lợi ích cho hết thảy trẻ em, dầu chưa rửa tội ( những em này có cơ hội phát triển nhân cách của mình và được giáo hóa theo tinh thần Ki tô giáo ),
g)    Công đồng Vatican II đã kêu gọi qua Sắc lệnh Tông đồ  Giáo dân : “…… Các trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng . Tùy khả năng của chúng, chúng có thể là những chứng nhân sống của Đức Ki tô giữa bạn bè chúng …”
h)   Đức Thánh Cha Phao-lô VI  đã hiệu triệu các đại biểu cuộc Họp mặt Quốc tế lần thứ hai trong buổi tiếp kiến ngày 20 tháng bảy 1966 tại Castelgandolfo :
“….Ý niệm căn bản của Phong trào các con chính là ý niệm rất thân mật của vị tiền nhiệm của Cha , Đức Pi-ô XI : đồng hàng làm tông đồ cho đồng hàng .
Các con thân yêu, các con nghĩ rất đúng, làm tông đồ cho trẻ em phải chính là trẻ  em , và các con đòi hỏi cho giới thiếu nhi một chỗ độc đáo và riêng biệt trong khuôn khổ Công giáo Tiến hành .
…..Các con nhắm mục tiêu đem lại cho trẻ em , trong khuôn khổ một cộng đồng thiếu nhi, theo tầm vóc của chúng, một công cuộc đào tạo Ki tô hữu vững chắc , đem lại cho chúng lòng ham muốn và những phương tiện để chính chúng cũng trở nên tông đồ ….
…. Các con thân yêu, các con cứ theo đuổi, cứ luôn luôn mở rộng thêm tầm hoạt động tốt đẹp của các con để phục vụ các linh hồn trẻ em , những linh hồn Chúa Cứu Thế và Giáo hội rất quí chuộng …..”

ƯỚC NGUYỆN :

·                     tạo cho tuổi thơ một chỗ đứng , trong công cuộc tông đồ giáo dân, một chỗ đứng độc đáo và riêng biệt, thích hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh xã hội của trẻ em ,
·                     phối trí và thống nhất CGTH thiếu nhi đó, giúp nó tìm một phương thức riêng, thích ứng với những thực tại của mỗi quốc gia  hay mỗi miền .

QUYẾT NGHỊ :

Thành lập một tổ chức lấy tên là Phong trào Quốc tế Tông đồ Thiếu nhi  (P.T.Q.T.T.Đ.T.N.) .

ĐỀ NGHỊ :

Đệ trình lên Văn phòng Quốc vụ khanh Tòa Thánh  bản điều lệ sau đây để thỉnh cầu chính thức phê chuẩn P.T.Q.T.T. Đ.T.N.

ĐIỀU 1  NHỮNG MỤC TIÊU

1)    Cổ võ và nâng đỡ trên khắp thế giới việc đào tạo và phát triển con người và Ki tô hữu của trẻ em .
Tán trợ và nâng đỡ hoạt động tông đồ của chúng , đặc biệt trong thế giới trẻ con, bằng sự quan tâm đến những môi trường xã hội , những cộng đồng sở tại , văn hóa và tôn giáo .
2)    Tán trợ giữa các Phong trào hội viên, việc thông tin, trao đổi và tiếp xúc .
Đề xướng đối thoại giữa các Phong trào hội viên và các Phong trào khác – hay các cá nhân -  có những mối ưu tư như PTQTTĐTN .
3)    Trên bình diện quốc tế, cho phép các Phong trào hội viên được có mặt, hợp tác và đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế , đặc biệt là những tổ chức công giáo chuyên tâm về tuổi thơ và tông đồ cảnh vực .

ĐIỀU 2  :  NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

1)    Sự triển nở con người và Ki tô hữu của đứa trẻ thực hiện được là nhờ giáo dục bản thân và cộng đồng , cốt để cho có một đời sống tông đồ , đặc biệt là trong nhiều lúc gặp gỡ giữa trẻ em .
2)    Để thực hiện những cái đó, trẻ em cần được trợ lực bởi những người hữu trách, là chứng tá và nhà giáo dục , sẽ giúp đỡ chúng :
-       hoạt động giữa những trẻ em khác ,
-       sống trong cộngđồng thiếu nhi Ki tô giáo, ở đấy chúng tươi nở, gặp được chỗ nương tựa cho cả cuộc sống của chúng và cùng nhau khám phá nhiều giá trị  của việc chúng làm ,
-       bằng chơi những hoạt động được định hướng theo những nhu cầu, ham thích và hoàn cảnh của trẻ em .
3)    Như thế, trẻ em bảo đảm được cái hoạt khí của những thực tại thiếu nhi .
Trong lúc hoạt động, chúng tham gia vào việc biến đổi thế giới và  tự chuẩn bị dấn thân vào việc tông đồ thanh niên và trưởng thành .
Trong tinh thần Công đồng Vatican II , đặc biệt là những văn kiện liên hệ đến tự do tôn giáo và hiệp nhất, Phong trào không cần bãi bỏ gì trong ba nguyên tắc ở điều khoản này , có thể thích nghi những phương tiện của mình cho hết thảy trẻ em trong tinh thần tín nhiệm, thắng vượt và phục vụ, để tiến tới đối thoại sống động và anh em . Điểm này giả thiết sự đồng ý của hàng Giáo phẩm địa phương (xem những tiêu chuẩn ở phụ lục bản điều lệ này )  .

ĐIỀU 3  :  GIA NHẬP

           Đang tham dự hay có thể tham dự PTQTTĐTN  các Phong trào
1)    Tùy theo mức độ của mình, chuyên tâm thực hiện mục tiêu nêu ra ở điều 1 bản điều lệ  hiện hữu , theo những nguyên tắc căn bản xác địn ở điều 2 và quảng diễn trong những tiêu chuẩn CGTH Tuổi thơ và những nguyên tắc khác trong phần phụ lục bản điều lệ này .
2)    Đã được giáo quyền liên hệ thừa nhận ,
3)    Thi hành những quyết nghị của Đại Hội Đồng PTQTTĐTN  .

ĐIỀU 4  :  VỊ THẾ PHÁP LUẬT

          Phong trào hiện nay, chiếu theo luật Pháp quốc năm 1901, là một Hiệp hội, mà trụ sở đặt tại Ba lê .
Trụ sở có thể dời đi nơi khác theo quyết định của Đại Hội đồng .

ĐIỀU 5  :  NHỮNG CƠ CẤU

I* ĐẠI HỘI ĐỒNG

·                     Nhóm họp ít ra bốn năm một lần do Văn phòng triệu tập,
·                     Thành phần tham dự có các đại biểu giáo dân, các Tu sĩ và Nữ tu sĩ cố vấn, và các Tuyên úy của mỗi Phong trào hội viên
·                     Xác định hướng đi của PTQTTĐTN  và thiết lập chương trình hoạt động đối nội cũng như đối ngoại ,
·                     thừa nhận những hội viên mới hoặc thu đoạt quyền lợi một hội viên theo đề nghị của văn phòng ,
·                     bầu các Phó chủ tịch và Chủ tịch theo đề nghị của một hay nhiều Phong trào hội viên ,
·                     xác định những miền rộng lớn theo địa thế hay giáo khu, để đặt Phó chủ tịch phụ trách ,
·                     biểu quyết dự án ngân sách do Văn phòng đề nghị .

Các nghị quyết phải được 2/3 số hội viên có mặt  tán thành ở vòng đầu , đa số tuyệt đối ở vòng nhì, đa số tương đối ở vòng  ba  (1)  .

                                                   ----------------------------------------------------------------------
(1)   Đại Hội Đồng kỳ họp mặt Quốc tế lần thứ ba 1970 tại Monaco đã xác định lại tiết này , chúng tôi  sẽ phổ biến vào dịp khác

Có thể tham dự Đại Hội Đồng , với quyền phát ngôn :
a)    những quan sát viên :
của những Phong trào thiếu nhi chưa gia nhập PTQTTĐTN  hay đang hoạt động theo đường lối gần gũi với đường lối xác định trong bản điều lệ hiện hữu, mà không áp dụng như thế hay không chấp nhận toàn bộ  bản điều lệ và những tiêu chuẩn hiện hữu .
b)    những thông tín viên :
của các đại Tu hội hay các Hiệp hội Tu sĩ nam nũ đang hoạt động trên bình diện quốc tế hay tại nhiều quốc gia , tán trợ việc giáo dục Ki tô hữu và tông đồ trẻ em .
c)    những chuyên viên :
những người được lựa chọn  vì có đủ tư cách trong một lĩnh vực khả dĩ giúp đào tạo sâu việc giáo dục con người , Ki tô hữu và tông đồ của trẻ em .
d)    những hội viên danh dự :
những nhân vật đạo hay đời được lựa chọn vì có liên hệ với Phong trào hoặc vì có trợ giúp vào việc phát triển Phong trào .
II* VĂN PHÒNG QUỐC TẾ
Họp mỗi năm một lần . Văn phòng :
·                     thiết lập và điều động các Ủy ban làm việc ( theo đề cương hay miền ) ,
·                     đại diện PTQTTĐTN  ở những miền khác nhau trên bình diện đời cũng như đạo ,
·                     hướng dẫn các công việc của các Tổng thư ký ,
·                     nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu về các thành phần mới xin gia nhập trước khi đề cử lên Đại Hội Đồng biểu quyết ,
·                     tổ chức Đại Hội Đồng và soạn thảo chương trình nghị sự ,
·                     gồm :
-       một Chủ tịch
-       một Phó chủ tịch cho mỗi miền rộng lớn theo địa thế hay giáo khu đã được Đại Hội Đồng xác định .Theo lệ thường, là những người hữu trách giáo dân, nhưng các linh mục, tu sĩ, nữ tu sĩ có thể thay thế ,
-       một Tuyên úy Quốc tế ,
-       hai Tổng thư ký ( một nam một nữ ), ít  ra có một người thường trực .
Các Phó chủ tịch được Đại Hội Đồng bầu lên do đề nghị của những đại biểu các miền rộng lớn (xác định ở trên ) .
Để bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch chọn trong số của họ hoặc ở ngoài một hay nhiều người để giới thiệu với Đại Hội Đồng bỏ phiếu bầu .
Nếu Phó chủ tịch được bầu làm chủ tịch, thì miền của vị đó lại đề nghị với Đại Hội Đồng một người giữ chức Phó chủ tịch .
Ở trường hợp Chủ tịch hay một Phó chủ tịch xin từ chức , Văn phòng phải bổ nhiệm tạm thời cho đến kỳ Đại Hội Đồng tới .
Tuyên úy Quốc tế do những vị đắc cử vào văn phòng đệ trình lên Văn phòng Quốc vụ khanh Tòa thánh thừa nhận .
Các Tổng thư ký lựa chọn do Chủ tịch và các Phó chủ tịch được Tuyên Úy Quốc tế tán thành .

III* CHỨC VỤ TỔNG THƯ KÝ

·                     làm tròn công việc cần thiết để theo đuổi các mục tiêu của PTQTTĐTN  bằng mọi sáng kiến cần thiết trong tinh thần và khuôn khổ bản điều lệ và những nghị quyết của Đại Hội Đồng  ,
·                     chuẩn bị những buổi họp của Văn phòng và thi hành những nghị quyết của Văn phòng ,
·                     sắp đặt công việc phòng thư ký quốc tế và quản trị ngân sách ,
·                     đại diện thường trực và theo tập quán PTQTTĐTN về phương diện đời cũng như đạo .
Cho được thế, Tuyên úy quốc tế và các Tổng thư ký phải họp nhau ít ra hai tháng một lần .

ĐIỀU 6  : TÚC SỐ

          Để việc biểu quyết có giá trị , mọi Đại Hội Đồng , thường hay bất thường , cần phải có mặt ít ra 2/3 tổng số hội viên .

ĐIỀU  7  :   TÀI CHÁNH

          Đại Hội Đồng ấn định số tiền góp hằng năm của các hội viên và các thông tín viên .
        Văn phòng có đủ tư cách nhân danh PTQTTĐTN  thu nhận mọi món tiền bổ trợ hay tặng vật do các tổ chức đạo hay đời trao cho .
          Phòng tổng thư ký  đảm nhận việc in và bán các tạp chí tài liệu, vật dụng được kể là cần thiết cho sinh hoạt Phong trào .

ĐIỀU 8  :  GIẢI TÁN

           Một Đại Hội Đồng , thường hay bất thường, do Văn phòng triệu tập theo sự yêu cầu của ít ra là 1/3 tổng số  hội viên , nhóm họp ít ra là sáu tháng sau ngày gửi thư triệu tập, có thể giải tán Hiệp hội với đa số tuyệt đối .
          Việc phân phối tài sản được thi hành theo sự áp dụng luật hiện hành tại nước có đặt trụ sở PTQTTĐTN .

ĐIỀU 9  :  NHỮNG BẢN DỊCH ĐIỀU LỆ HIỆN HỮU

            Những bản dịch chính thức được ấnđịnh bằng tiếng Pháp, Ý , Anh , Tây ban nha , và Á rập . Ở trường hợp hoài nghi khi giải thích , bản Pháp văn là bản bắt buộc .



HỌAT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI
(Tài liệu chính thức của Phong trào Hùng Tâm Dũng Chí thế giới ).
Nguyên tác : POUR UNE ACTION APOSTOLIQUE DES ENFANTS .
Bản dịch của Lm BÙI HỮU NGẠN .

In xong ngày 07-10-1970 tại nhà in Thanh Công xứ An Hòa Đà Nẵng .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét