Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

LỄ KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM


CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN - NĂM A -16/11/2014

 Hôm nay lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đúng ra phải nói Các Thánh Tử Đạo ở Việt Nam, vì trong số 118 thánh có 23 vị là người nước ngoài :

- 10 vị người Pháp và
- 13 vị người Tây Ban Nha.
Trong số 118 thánh, có
- 8 giám mục,
- 50 linh mục,
- 15 thầy giảng,
- 1 chủng sinh và
- 44 giáo dân.
Các thánh bị giết suốt  5 triều đại :
- thời Trịnh Nguyễn : 5 vị,
- thời Tây Sơn : 2 vị,
- thời Minh Mạng : 58 vị,
- thời Thiệu Trị : 3 vị,
- thời Tự Đức : 50 vị.
Các vị đã phải chịu đủ mọi loại hình khổ :
- 1 vị bị bá đao (cắt từng miếng thịt, đủ 100 miếng),
- 4 vị bị lăng trì (chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu,
- 6 vị bị thiêu sinh (đốt sống),
- 76 vị bị trảm (chém đầu),
- 22 vị bị giảo (tròng giây qua cổ, hai người cầm hai đầu giây kéo cho đến chết),
- 9 vị chết rũ tù.

Một điều lạ là trong số 118 vị thánh chỉ có 1 thánh nữ Anê Lê thị Thành, nhất là không có một nữ tu nào, đặc biệt các nữ tu dòng Mến Thánh Giá đã được thành lập từ năm 1670. Nhưng trong cuốn “Sống Đạo”, cha Hồng Phúc viết : “Đã có một thỉnh nguyện thư xin phong Chân Phước cho một con số không lồ là 1315 vị ‘Tôi tớ tử đạo Việt Nam’ được đệ trình ngày 14-11-1917. Trong đó có hơn 200 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, với lý lịch rõ ràng, đã đóng góp xương máu để xây dựng Giáo Hội Việt Nam từ lúc ban đầu” (trang 448).

Đó mới chỉ là những vị đã được phong thánh hay đang xin phong chân phước, chứ những người chết vì đạo, vì Chúa, con số còn đông hơn nhiều. Trong cuốn “Lịch Sử Những Cuộc Bách Đạo tại VN” in tại Paris, ông Trần Minh Triết viết : “Các vị tử đạo Việt Nam, nếu xếp hàng 4 mà diễn hành trước khán đài, thì phải kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ”.

Qủa vậy, cứ nhìn những hình phạt vua chúa giáng xuống , thì cả hàng trăm ngàn người Công giáo đã chết vì Chúa. Trong hai thời vua Minh Mạng và Tự Đức là nhiều nhất. 118 vị thánh thì có 105 vị chết dưới thời hai ông.

Đọc lại sắc chỉ cấm đạo của các vua, mới thấy cha ông chúng ta bị đối xử khốn khổ dường nào, chẳng hạn chiếu chỉ “Phân Sáp” của vua Tự Đức ban hành ngày 5-8-1861 như sau :
- “ Điều 1 : Phàm các tín đồ Datô giáo, bất luận nam phụ lão ấu, kể cả những người đã xuất giáo lâu năm (nghĩa là đã chối đạo), đều phải phân sáp vào các làng lương dân”.
- “Điều 2 : Mỗi làng lương dân phải nhận canh giữ một số tín đồ Datô giáo, theo thể thức này là cứ 5 lương dân phải nhận canh giữ quản thúc 1 người Datô giáo”.
- “Điều 3 : Các làng Datô giáo phải bị triệt hạ bình địa”. “
- “Điều 4 : Tất cả ruộng nương, vườn đất thuộc tín đồ Datô giáo đều phải bị phân chia cho các làng lương dân kế cận, để những người này canh tác và nộp thuế cho triều đình”. “
- “Điều 5 : Mỗi tín đồ Datô giáo phải bị thích tự vào má, một bên chữ ‘Datô tả đạo’, một bên tên xã, huyện của tội nhân”.

Làng mạc thì bị tàn phá, của cải thì bị tịch thu, bản thân thì bị truy lùng. Nếu có ai chạy được, thì chạy lên núi cao, chạy vào rừng rậm, như ở La Vang, Huế. Nếu không chạy thì bị quân lính bao vây, bắn phá, như ở Trà Kiệu, Quảng Nam. Quân Văn Thân đã bao vây Trà Kiệu tất cả 21 ngày. Họ đánh bằng súng nhỏ, súng đại bác, voi giầy; trong khi đó giáo dân chỉ có giáo mác và kinh Mân Côi.
Gần chúng ta như ở Trảng Bàng, Tây Ninh nhà thờ bị đốt, dân bị đuổi ra khỏi làng; ở họ Thơm, Bà Rịa gần 100 giáo hữu bị ném xuống giếng; ở Tân Triều, Biên Hòa bị bắn phá; ở Búng, Bình Dương nhà thờ nhà xứ bị đốt cháy…

Cha Bùi Đức Sinh đã viết : “Từ năm 1858 đến 1862, 5 năm ác liệt nhất : 120 linh mục bị giết, 50 nữ tu viện bị phá hủy, 2000 nữ tu phải chạy trốn, gần 100 nữ tu bị giết, các chủng viện phải đóng cửa, một số lớn thầy giảng chủng sinh phải hy sinh, số câu biện bị bắt lên tới 10.000, qúa nửa đã chết vì đạo, trên 100 làng Công giáo bị phá bình địa, 2000 họ đạo bị tịch thâu tài sản ruộng đất, nhà thờ nhà chung nhà trường bị triệt hạ, các lũy tre cũng như các rặng cây cao bị chặt nhẵn nhụi. Từ Nam Quan đến cà Mau 300.000 giáo dân bị phân sáp, gia đình tan tác, vợ chồng con cái mỗi người một ngã, các phụ nữ chưa chồng hoặc goá chồng phải kết hôn với người ngoại đạo, các thiếu nữ vô tội phải làm tôi các quan hay bị trao nộp cho kẻ dâm ô phóng đãng. Gần 40.000 giáo dân chết trong các cuộc đại khủng bố, những ai sống sót thì cũng khổ sở bơ vơ” (Giáo Hội Công Giáo Ở VN, Tập II, trang 477).

Với chết chóc, tàn phá, khổ sở như thế, nên sử gia Launay, người Pháp đã ca ngợi rằng :Hỡi Gíáo Hội Việt Nam, 1 trong những Giáo hội bị bắt bớ hà khắc nhất trong các Giáo hội trên thế giới, 1 trong những Giáo hội kiên vững lạ lùng. Chúng tôi cúi đầu kính chào. Và bởi vì hy sinh càng lớn lao thì vinh quang càng sáng chói. Giáo Hội Việt Nam xứng đáng được danh thơm muôn thuở, ngang hàng với những Giáo hội anh hùng nhất ở Tây phương.

Ngày 11-6-1933 trong nghi lễ tấn phong Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục người Việt Nam tiên khởi, Đức Giáo hoàng Piô XI đã tặng Giáo hội Việt Nam danh hiệu “Trưởng Nam của các Giáo hội tại Á Đông” tương tự như Giáo hội Pháp là “Trưởng Nữ của các Giáo hội ở Aâu châu”.

(Nguồn : giaophandanang.org)