Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

CHỨNG NHÂN HY VỌNG


Tù Nhân lật ngữa bàn tay
Sần sù, chai sạn để thay Bàn Thờ!
Rượu Nho ba giọt nằm chờ
Biến thành Máu Chúa là ''nhờ'' Đức Cha
Nước trong với Bánh trắng ngà
Cũng thành Mình Chúa giữa nhà ngục đen
Không hương, Sách Thánh, hoa, đèn...
Đức Cha ''chúc tụng....Amen'' trong tù!
Trại giam có Lễ Thiên Thu
''Vương Cung, Nhà Tạm Giêsu'' nơi này
Là do ''Ngục Sĩ'' mỗi ngày
Hiến dâng cảnh sống đọa đày lên CHA
Đọc Lời Chúa đã phán ra:
''Đây là MÁU...THỊT...'', lệ sa, vui mừng!
Văn Phòng Giám Mục giữa rừng
Là ''ĐƯỜNG HY VỌNG'' sáng trưng theo THẦY!
Đức Tin-Cậy-Mến dư đầy
Khiến cho cai ngục ''cũng lây'' dễ dàng:
Đó là Thập Giá Ngài mang
Dây Chuyền Ngài kết, Công An vẫn lờ...
Ngục tù thành cõi nên thơ
Chứng Nhân Hy Vọng (*) sống nhờ Thánh Linh!
Giờ đây, Giáo Hội tôn vinh
Hồng Y quá cố điển hình nêu gương
Đời Ngài bàng bạc Thánh Chương:
''Tông Đồ Công Vụ'' ở dương thế này!
Bài thơ con viết đêm nay
Là hoa lòng mến những ngày tha phương
Giờ Cha đang ở Thiên Đường
Đoái nhìn Giáo Hội, Quê Hương, Giống Nòi...

* * * 


Kính dâng Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận
Khẩu Hiệu Giám Mục của Ngài là ''VUI MỪNG và HY VỌNG'' (GAUDIUM ET SPES)


Đức Quốc, 27.9.2002
Đaminh Phan văn Phước

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

SỐNG LẠI VỚI CHÚA GIÊSU



Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.
 “Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Du)

Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty


Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.

Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh


Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giê-su đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.
Ngài biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Ngài khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Ngài đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!
Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.

Huỷ diệt con người cũ để được tái sinh với Chúa Giê-su 


Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta cần phải cùng chết với Chúa Giê-su để sống lại với Ngài trong đời sống mới như lời Thánh Phao-lô dạy: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6,8).
Chết với Chúa Giê-su là hủy diệt con người cũ của ta đang nằm dưới ách thống trị của tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù…. để cho người mới được tái sinh trong Chúa Ki-tô, không còn hận thù, ích kỷ, tham lam, ghen ghét …
Sống lại với Chúa Giê-su là chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giê-su như lời thánh Phao-lô kêu gọi: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt” (Rm 13, 13-14).
Mặc lấy Chúa Giê-su là mang những tâm tình cao đẹp như Chúa Giê-su, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Giê-su, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa Giê-su.
Thực hành được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ được khải hoàn vinh thắng với Chúa Giê-su phục sinh.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà