Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

SỐNG VỚI BỀ NGOÀI


Một người đàn ông chừng 30 tuổi lệt xệt dắt chiếc xe đạp cũ mèm vào gửi. Người giữ xe nhìn lom lom vào mặt người đàn ông ấy, rồi hỏi:
_Anh đi lễ hả?
_Vâng! Tôi đi lễ ạ…
_Vậy để xe ở đó đi…
Người giữ xe đưa cho người khách đến dự lễ ở giáo xứ mình ấy chiếc thẻ giữ xe, rồi anh cũng vào nhà thờ dự lễ sau khi được một người luống tuổi khác thế chỗ.
Có điều, anh ta thật sự ngạc nhiên khi thấy bên bàn thờ, trong đoàn Đồng Tế có cả người thanh niên đi xe đạp lúc nãy trong phẩm phục…Thầy Cả! Anh băn khoăn đến nỗi, anh phải trở lại bãi giữ xe và năn nỉ người ta miễn cho anh nhiệm vụ lấy xe trả cho khách sau khi lễ xong! Vì anh ngại chạm mặt với vị Linh Mục trẻ lúc nãy…
Ngại là phải rồi, vì anh cứ tưởng anh nọ là một giáo dân bình thường chứ không hề là một Linh Mục chính hiệu mà bây giờ anh nghĩ lẽ ra, mình phải có thái độ trọng vọng hơn mới xứng hợp. Dĩ nhiên, vị Linh Mục trẻ ấy chẳng nề hà gì về việc ông bị tiếp đón một cách dung dị như thế. Hơn ai hết, ông biết rõ cuộc đời luôn xử đối qua dáng vẻ bề ngoài. Giá mà ông mặc áo cổ cồn, giá mà ông đi xe hơi đến, hay ít ra, ông được ai chở đến bằng xe máy cũng được, rồi đến cổng, ông cứ tự nhiên bước xuống, mặc cho người lái xe là một giáo dân nơi giáo xứ của ông đẩy xe vào gửi, rồi người ấy sẽ ôm dùm cho ông chiếc cặp da bóng lưỡng đựng áo lễ ông sắp mặc sau đó. Thì hẳn nhiên, ngoài các Đấng Thánh trên trời ra, thì ngay cả chú bé giúp lễ, ngay cả anh chàng giữ xe nọ cũng phải biết ông là Linh Mục để dạ dạ vâng vâng, để không những chính ông mà ngay cả người chở ông cũng…thơm lây qua cách chào hỏi rất trang trọng…
Lại có chuyện gia đình kia “tuyển” thầy cho con học thêm. Người ta kháo thầy A rất giỏi, nên ông bố thân chinh đến nhà thầy để tầm sư cho con. Ông và người giáo viên ấy đều bất ngờ khi gặp nhau, vì họ từng biết nhau! Về đến nhà rồi thuật lại “sự vụ” cho vợ mình, bà giãy nảy lên:
_Ơ! Cái thằng ấy mà bây giờ làm thày giáo cơ à. Thôi, thôi…tôi chả…mướn đâu a!
Có gì lạ chăng? Một chút lấn cấn nhỏ mà hóa ra to trong bốn con mắt bố mẹ của họ đấy: Anh nhà giáo nọ chẳng phải là con mụ Ba gánh nước cuối xóm sao! Mà bố “nó” có ra gì, khi suốt ngày tỉ tê với chai rượu, rồi đêm đêm đi quét rác ngoài đường! Hai ông bố bà mẹ ấy làm như là con bà Ba vì thế thì không thể học hành nên người! Họ làm như không hiểu nổi chuyện một ông bố quét rác từng đêm, và nghiện rượu như thế, lại có thể có một “thằng” con…thông minh, sáng láng! Họ nhất quyết không tin nổi việc sờ sờ ra đấy là, cậu bé theo mẹ gánh nước ngày nào giờ đang gánh mọi trách nhiệm gia đình trên vai!
Giá mà thầy giáo ấy đừng hành nghề ở quê mình thì ai biết đường mà khinh bạc!
Giá mà thầy sửa mắt sửa mũi sửa môi, có lẽ người ta sẽ nghĩ bố mẹ thầy là…sao bắc đẩu!
Giá mà thầy chối phắt: Tôi nào có biết bà Ba bà Bốn nào?
Giá mà thầy “nổ”: Ơ! Bố tôi là tiến-sĩ-gì-cũng-được; Còn mẹ tôi là Giám Đốc Thật Giả Ai Hay…, thì quý phụ huynh đến phải mọp lạy, và trả công gấp vài lần, thầy mới ra công dạy dỗ…
Chính Đức Ki tô còn nói với những người đồng hương:
“Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”
Những người đồng hương ấy, từng vừa thán phục Ngài về những điều Ngài giảng dạy. Rồi vì Ngài nói thế, họ ngay lập tức lôi Ngài đi, định xô Ngài xuống vực!
Linh Mục đi xe đạp bị coi thường. Thày giáo con bà gánh nước mướn bị ruồng rẫy…quả là những ảnh hình chẳng hề…mới mẻ!
                                                           
                               LAM TRẦN 31.01.2016

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN TIẾP CHÚA.


SUY NIỆM 

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN  C -  31/1/2016 


                                                                         ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Sau khi rao giảng một thời gian, Chúa Giêsu trở về làng cũ. Thoạt nghe Chúa rao giảng, họ khâm phục tán thành. Nhưng sau đó họ lại xua đuổi và muốn giết Chúa. Thật là đáng buồn. Đúng như lời thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà nhưng người nhà không nhận biết Người”. Tại sao có cảnh trái ngang đau lòng như thế? Thưa vì tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng của họ.
Chúa đi tìm đức tin còn họ đi tìm lợi lộc. 
Khi đi rao giảng, Chúa muốn đem cho ta niềm tin. Niềm tin đã là khởi điểm của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Niềm tin đã là kết quả của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Nhưng dân làng Nazareth không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế. Lời giảng của Người không đưa họ tới đức tin và Thiên Chúa, vào Nước Trời. Họ chỉ mong được có phép lạ. Vì họ chỉ mong được lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no. Mong ước của họ không gặp được mong ước của Chúa.
Chúa sống trong khiêm nhường nhưng họ sống trong kiêu căng
Chúa không bao giờ làm phép lạ với mục đích biểu diễn. Chúa chỉ làm phép lạ đê giải nghĩa mầu nhiệm Nước Chúa. Chúa không làm phép lạ khi ma quỷ cám dỗ Chúa trong hoang địa. Chúa không xuống khỏi thập giá khi dân chúng thách thức Chúa trên Núi Sọ. Nên hôm nay Chúa cũng không làm phép lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ và tính kiêu căng của dân làng Nazareth. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ được vinh dự có người đồng hương quyền phép. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ cũng được nở mày nở mặt với Capharnaum. Suy nghĩ của họ rất khác với suy nghĩ của Chúa.
Chúa có tâm hồn mở rộng trong khi tâm hồn họ hẹp hòi
Họ mong ước Chúa là người làng Nazareth thì phải dành mọi ưu tiên cho dân làng từ việc rao giảng cho đến việc làm phép lạ. Tất cả phải bắt đầu và bó gọn trong làng. Nhưng Chúa Giêsu, khi trích dẫn chuyện tiên tri Elia ở nhà bà goá Sarepta trong thời hạn hán, làm cho bình dầu và hũ bột của gia đình bà không bao giờ vơi và chuyện tiên tri Elisa chữa tướng Naaman, người Syria khỏi bệnh phong, đã cho thấy Nước Chúa không chỉ bó hẹp lại trong phạm vi người thân thuộc nhưng phải mở rộng tới tất cả mọi người. Không chỉ những người trong đạo Do Thái mà cho cả những người ngoại đạo nữa. Hai nhãn quan khác hẳn nhau.
Tôi là người có đạo. Nhưng biết đâu tôi không đón nhận được Chúa vì tôi cũng giống như dân làng Nazareth, đến với Chúa chỉ mong được lợi lộc vật chất, đến với Chúa chỉ vì hư danh, đến với Chúa với tâm hồn hẹp hòi. Hôm nay tôi xin Chúa thanh tẩy tâm hồn tôi khỏi thói ham mê lợi lộc, thói phô trương bề ngoài và thói hẹp hòi khép kín, để tôi được đón nhận Chúa và để tôi trở nên tông đồ của Chúa.




ƠN CỨU ĐỘ CỦA CHUNG
         ( Suy niệm từ Lc 4.21-30)   
     Ơn Cứu Độ, của chung nhân thế
 Chúa Ngôi Hai nhập thể cứu đời.
          Người luôn lên tiếng kêu mời,
Ai người thiện chí nghe lời giảng khuyên.
     Tin Mừng Chúa rao truyền Phúc Thật:
     Sống trần gian chớ mất niềm tin,
          Muốn tìm đến cõi bình yên,
Cậy trông quyền phép linh thiêng Chúa Trời.
     Chúa Cứu Thế muôn đời thương xót,
     Mong thế nhân nên một đoàn chiên,
          Canh tân, sám hối thường xuyên
Chờ  ngày Chúa gọi, Cha Hiền thưởng công…
  *** Là tín hữu, ta đừng tự mãn,
         Chớ nghĩ mình hơn bạn chưa tin.
             Một mai lãnh nhận đức tin,
    Họ vào Nước Chúa nhãn tiền trước ta.
                                         (Thế Kiên Dominic)

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

DON BOSCO.CHA VÀ THẦY CỦA GIỚI TRẺ​




LỜI MỞ ĐẦU

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã gởi các ngôn sứ và các Thánh tới nhắc bảo và hướng dẫn Dân Ngài. Ngày nay cũng vậy, Thiên Chúa gởi các Thánh tới để khai sinh các dòng tu nam nữ đáp ứng các nhu cầu đặc biệt. Thiên Chúa đã gởi các vị tử đạo đến để làm chứng nhân cho đức tin, đã gởi các trinh nữ đến để làm người bảo vệ sự trinh khiết, và những con người thánh như Don Bosco, để dạy về nhân đức và sứ vụ tông đồ cho một thành phần đặc biệt của Dân Chúa, đó là giới trẻ.

THÀNH PHỐ BẤT AN

Tôrinô thay đổi, tội ác nở rộ. Khi còn trẻ, Don Bosco dấn thân làm việc giữa những tội phạm và những người trẻ đang bị giam cầm trong điều kiện sống dữ dằn.

Châu Âu đang khi muốn đấu tranh để thiết lập những chính phủ dân chủ, lại bị những mưu đồ chính trị, những cuộc ám sát, bạo loạn và những cuộc nội chiến trong suốt thế kỷ 19 phá hủy. Người Kitô hữu của lục địa này bị chia rẽ một cách đau đớn, chỉ kháng cự những kẻ vô thần hiếu chiến một cách yếu ớt.

Thành phố Tôrinô dễ thương thuộc bắc Ý dưới chân dãy núi Alpe đầy tuyết, nay xem ra đã đẹp hơn những ngày đông năm 1846. Các kỹ sư Rôma tài năng ngày trước đã thiết kế được những con đường và quãng trường chính của Thành phố, mà trải bao thế kỷ, du khách đã phải trầm trồ Tôrinô là “ngôi làng đáng yêu nhất thế giới”.

Nhiều gia đình quý tộc đã theo gót cha ông bảo vệ vùng đất miền bắc Ý và kiểm soát các ngã đường qua núi Alpe mà các thương lái hoặc quân xâm lăng đôi khi dùng để đi vào đất Ý, cho tới thời những đạo quân Rôma bố trí đồn trú tại Tôrinô.

Với cảnh trí đầy ấn tượng và là một dân tộc có văn hóa và tầm quan trọng về thương mại, Tôrinô ngay từ buổi đầu lịch sử của mình đã phát triển theo một nét quý phái riêng. Vào thời mà chúng tôi ghi chép đây, thì dòng họ Savoie đang làm quân vương và cai trị miền bắc Ý.

Tuy nhiên, mọi sự lại không bình lặng. Tôrinô của thế kỷ 19 cũng giống như nhiều thành phố tại Châu Mỹ và Châu Âu, đã thay đổi từ một trung tâm tỉnh lỵ vắng vẻ thành một thành phố công nghiệp náo nhiệt. Quả vậy, nhà máy mỗi ngày mỗi mọc lên, dòng người từ những nông trại bắc Ý và từ bên kia thung lũng dãy Alpe mỗi ngày mỗi tuôn về Tôrinô để tìm việc làm và những phấn khích mà Torinô cống hiến.

Lớp trẻ lao động vừa nhập cư này sống chen chúc nhau trong những phòng trọ ngột ngạt và dơ bẩn, có khi sáu hoặc tám người một phòng. Tội ác, bệnh tật và những tệ nạn nở rộ. Đối với hầu hết cư dân khu ổ chuột này thì Thượng Đế chỉ còn là ký ức nhạt nhòa gắn liền với những trang trại hoặc những cửa hàng bơ sữa mà họ đã bỏ lại để lên thành phố. Các băng đảng của đám trẻ côn đồ đã thành hình trên các đường phố và thường tràn vào những khu khá giả hơn của Tôrinô, thực hiện hàng loạt các vụ trộm cướp, đôi khi cả giết người. Chính quyền thành phố đã tăng cường lực lượng cảnh sát và xét xử mau lẹ. “Ngôi làng đáng yêu nhất thế giới” nay đã có 150.000 cư dân, hãnh diện có không dưới bốn nhà tù cỡ lớn mà phần nhiều tù nhân chỉ là những trẻ nam, có em chưa đến tuổi thành niên.

CON NGƯỜI THẲNG THẮN

Một vấn đề mới gần đây lại gây thêm khó chịu cho người dân Tôrinô, đó là sự xuất hiện của vị linh mục chẳng giống ai. Từ mấy năm qua, vị giáo sĩ này được biết đến là Don Bosco hay cầm đầu một đám trẻ nghèo vừa đi vừa ca hát và la ó khắp các ngả đường thanh lịch của Tôrinô. Khoác trên mình một cái áo vá dính bột, đi đôi giầy lao động nhà nông, vị linh mục này đã bắt đầu mọi việc với một nhúm trẻ. Nhúm trẻ buổi đầu kia nay đã nở lớn thành 400 đứa. Dầu chúng chẳng gây ra tội gì, nhưng người ta cứ ái ngại về khả năng kiểm soát của Don Bosco đối với đạo quân nhóc tì này.

Chính quyền, các chủ báo và những kẻ thù sợ rằng Don Bosco đang gầy dựng quyền lực chính trị tương lai cho mình. Nếu người ta có nghĩ bầu khí chính trị bất ổn của nước Ý như là một điều lập lờ thì cũng không vô lý. Vào thời Don Bosco, nước Ý chưa thống nhất. Ý được chia làm bảy lãnh thổ khác nhau. Áo và Pháp cai trị tới nửa đất Ý. Lãnh thổ giáo triều do Đức Thánh Cha Piô IX cai quản nằm giữa phần trung tâm đất Ý. Đức Piô IX không có quân đội nên đã từ chối hỗ trợ cuộc chiến đánh đuổi quân Áo xâm lăng. Nhiều người Ý cho rằng Đức Thánh Cha đã bênh vực ngoại bang, nên coi ngài là thù địch của mối đoàn kết dân tộc. Đợt triều cường chống đối giáo sĩ vốn đã tích tụ lâu nay đã càn quét khắp nơi.

Những kẻ thù của Giáo hội đã đuổi các giám mục ra khỏi giáo phận của họ, đàn áp các cơ sở tôn giáo, đầy ải các linh mục và tu sĩ. Đức Piô IX và hàng giáo sĩ Ý đã trở thành như những đứa trẻ ưa chịu đòn của cuộc đàn áp cách mạng tự do.

Tháng 11 năm 1848, sự căm ghét đã lên tới cực điểm khi các đảng cách mạng xông vào điện Rôma của Đức Piô IX, nhốt vị Quốc Vụ Khanh, bắn chết một vị trong Hội Đồng Tư Vấn. Đức Piô IX đã trốn sang vương quốc Napolie qua cửa bí mật và bị lưu đày ở đó sáu tháng.

Do bản chất của công việc cùng với sự thành công mà Don Bosco có được vì giới trẻ, Don Bosco đã trở thành mục tiêu người ta ưa nhắm tới. Ngài đã bình thản trả lời đối với tất cả những lời chỉ trích nhắm về phía mình: “Trong chính trường, tôi không đứng về phe ai. Tôi là một linh mục. Nước mà tôi phục vụ chính là Vương quốc của Thiên Chúa”.

TỪ KHI LÊN CHÍN

Don Bosco đã từng là nạn nhân bị những kẻ đố kỵ nhắm tới. Truyền thống kể lại rằng có con chó xám thỉnh thoảng xuất hiện để tháp tùng hoặc bảo vệ Don Bosco.

Gioan Bosco đã khao khát phục vụ cho Vương quốc kia từ khi còn là chú bé. Ngài đã viết: “Vào lúc chín tuổi, tôi đã biết mình muốn trở thành một linh mục để giúp đỡ giới trẻ”. Ngài đã gặp khó khăn để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Cha của Gioan là một nông dân cần mẫn đã qua đời lúc Gioan chưa tròn hai tuổi. Mẹ của Gioan là bà Magarita. Bà đã giữ cho gia đình được nguyên vẹn, điều hành cái nông trại Bosco nhỏ, nuôi ba đứa con, chăm sóc bà mẹ chồng lớn tuổi và hay đau yếu. Magarita là phụ nữ có cá tính và đầy can đảm, đã tỏ ra có đủ sức đương đầu với cuộc đấu tranh sinh tồn thường tàn nhẫn và cay đắng.

Tuy nhiên, bất kể cái nghèo, bà Magarita đã khuyến khích Gioan xây dựng giấc mơ của cậu.

Dù thiếu tiền và yếu thế nhưng Gioan lại không thiếu những tài năng. Cậu sở hữu cả một loạt tài năng đáng nể, cộng với một thể trạng tuyệt vời từ khi còn rất trẻ. Tại các hội chợ quê, cậu đã học các mánh lới của những tay ảo thuật, và những trò nhào lộn nguy hiểm của những kẻ gan dạ. Trở về nhà, cậu quyết luyện tập các ngón nghề đó cho bằng được và thường vượt qua cả những người đã hướng dẫn cậu. Dù phải đau vì bầm dập, bong gân trong lúc luyện tập, Gioan không để mất đi nhiệt tình đối với trò giải trí đầy nguy hiểm này. Gioan hiểu rằng các ngón ảo thuật và đi thăng bằng trên dây sẽ hấp dẫn được các bạn trẻ đến với mình.

Tuy vậy, những tài năng thể lý nơi Gioan lại mờ nhạt so với trí khôn sắc sảo của cậu. Gioan rất thông minh nên có một trí nhớ đáng nể. Điều đó được chứng tỏ vào một buổi tối nọ trong một dịp tĩnh tâm, cha sở hỏi xem Gioan có hiểu bài giảng của ngài không. Gioan ngày ấy mới chín tuổi, đã nhắc lại trọn vẹn bài giảng không sót một câu. Ta cũng cần lưu ý rằng, vào thời ấy hầu như chẳng có nhà giảng thuyết nào dám rời tòa giảng trừ khi đã giảng ít là được một giờ.

Khi trở thành thanh niên, Gioan có tầm vóc trung bình. Gương mặt cởi mở và ngay thẳng của Gioan được điểm bằng mớ tóc ngắn vừa dầy vừa quăn màu hạt dẻ. Gioan luôn vui tươi, kỷ luật và có một năng lực làm việc dữ dội.

CHẲNG PHẢI LÀ SIÊU NHÂN

Gioan thời trẻ cũng có những khuyết điểm. Dù còn trẻ, nhưng tình cảm và cảm xúc của Gioan đã rất xâu xa và mãnh liệt. Gioan cũng có máu hăng, đôi lần không thoát được cách giải quyết vấn đề bằng những quả đấm.

Gioan ý thức rất rõ tính kiêu căng của mình. Cậu sợ mai này mình sẽ sử dụng chức linh mục cho những tham vọng cá nhân. May thay, Gioan đã thành công trong việc kiềm chế những xung lực kia và làm cho trọn cuộc sống của mình đậm nét điềm đạm, tràn ngập bình an và đầy tình bằng hữu với mọi người.

ĐƯỜNG TỚI CHỨC LINH MỤC

Gioan đã làm việc cật lực trong thời làm chủng sinh. Suốt những năm dài học tập, cậu nắm bắt được nhiều nghề khác nhau. Bởi thế, trước khi làm linh mục, Gioan đã biết làm bánh kẹo, sửa giày, cắt may quần áo, điều hành một tiệm ăn, tổ chức một xuất xiếc độc diễn. Buổi biểu diễn của cậu đã cuốn hút được các bạn nhỏ. Sau những giây phút tuyệt vời cống hiến cho các bạn, Gioan lại xen vào một hai bài giáo lý.



LINH MỤC ĐỜI ĐỜI

Năm 1841, Đức Tổng Giám Mục Tôrinô đã phong chức linh mục cho Gioan, lúc đó vừa tròn 25 tuổi. t lâu sau, ngài còn chấp thuận cho Gioan học 5 năm hậu thần học tại Học viện Giáo sĩ Tôrinô.

Ban giám hiệu Học viện biết được nhiều linh mục Ý từ chối hòa mình với dân chúng có óc bài giáo sĩ nên đã xin các học viên trẻ hòa đồng với dân chúng thành phố, đặc biệt với người nghèo. Thế là Gioan đi thăm và phục vụ tại các nhà thương, trại giam, cô nhi viện và các khu ổ chuột trong thành phố. Kinh nghiệm đầu đời về mặt trái nhơ nhớp của thành phố văn hóa Tôrinô đã chạm tới con tim nhân ái và nhạy cảm của Gioan.

Tuy nhiên, chính hoàn cảnh đáng thương của các trẻ em khu ổ chuột mới làm nặng lòng Gioan nhất. Vào năm lên chín tuổi, Gioan đã mơ thấy mình làm linh mục. Điều này đã được thực hiện. Nay Gioan phải thực hiện phần thứ hai của giấc mơ để phục vụ giới trẻ.



LUÔN LÀ CHÚA NHẬT

Thuở nhỏ, Gioan mơ thấy một bà đẹp bảo rằng: đời của ngài có nhiệm vụ làm biến đổi sói thành chiên ... trẻ lang thang thành công dân lương thiện và người thợ hữu ích.

Gioan đã lên đường. Khi còn là sinh viên hậu thần học, Gioan đã thuyết phục được một số trẻ tới họp mặt vào mỗi chiều Chúa nhật tại sân trường.

Gioan kiên nhẫn làm bạn với các trẻ đường phố theo lời dạy của thánh Phanxicô Salê: “Một giọt mật ngọt có thể bắt được nhiều ruồi hơn là một thùng giấm chua”. Gioan đã bắt được ruồi. Trẻ đường phố dẫn về trẻ đường phố. Bạn học nghề dẫn theo bạn học nghề. Em mồ côi kéo tới em mồ côi. Rảo khắp các khu ổ chuột Tôrinô, Gioan mời các bạn trẻ mỗi Chúa nhật đến bên nhau, tại học viện. Gioan gọi sự quy tụ đó là “Nguyện xá Chúa nhật”. Nguyện xá có những hoạt động như ca hát, cầu nguyện, học giáo lý và nhảy cừu, thi đấu, du ngoạn, cắm trại.

Một bạn trẻ của thời ban đầu ấy còn nhắc lại những ngày Chúa nhật xưa thân ái như sau: “Vào cuối mỗi ngày Chúa nhật đi chơi như thế, Don Bosco luôn báo cho chúng tôi biết kế hoạch của Chúa nhật sắp tới. Ngài hướng dẫn chúng tôi biết cách cư xử trong cuộc sống và yêu cầu chúng tôi mời thêm các bạn tới sinh hoạt. Niềm vui luôn tràn đầy giữa chúng tôi. Những ngày hạnh phúc ấy đã khắc sâu vào lòng cũng như đã ảnh hưởng vào cuộc đời tương lai của chúng tôi”.

Khi đi dã ngoại tới nhà thờ nào đó ở ngoại ô, Don Bosco luôn ngỏ lời xin phép cha sở cho bọn trẻ chơi đùa. Bao giờ lời xin ấy cũng được chấp thuận, và rồi theo hiệu lệnh, đám trẻ ồn ào được tập trung lại. Giáo lý kế tiếp bữa lót dạ: bãi cỏ và phiến đá thế cho bữa ăn và bàn ăn. Phải nói rằng bánh mì có thể đôi lúc còn thiếu, nhưng niềm vui thì không thiếu bao giờ. Chúng tôi vừa đi vừa ca hát cho đến khi chiều xuống mới trở về Tôrinô. Ai nấy đều mệt nhoài nhưng hạnh phúc.

Tuy nhiên không phải mọi người ở Tôrinô đều hài lòng. Quả vậy, Don Bosco dù đã dùng cả lưu xá Học viện vẫn chưa tìm ra đủ chỗ để tập hợp 400 bạn trẻ. Có vài nhà hảo tâm đã cố gắng giúp đỡ, nhưng sự có mặt ồn ào của đám trẻ đông đúc và sung sức này đã làm cho sự bực bội của hàng xóm đổ lên đầu họ. Trong khoảng năm tháng, không dưới mười người đã cho Don Bosco sử dụng nhà của mình. Tuy nhiên, sau một chút kinh nghiệm, ai nấy đều rút lại lời hứa. Don Bosco rõ ràng chẳng còn nơi nào để thu nhận lũ trẻ rách rưới của mình nữa.

Sau này khi nhớ lại Chúa nhật Lễ Lá năm 1846, lúc Don Bosco cảm thấy công cuộc của mình như đến hồi kết thúc, ngài đã ghi lại: “Nhìn vào đám đông thanh thiếu niên, nghĩ đến mùa gặt phong phú mà các em hứa hẹn, tôi cảm thấy tim mình tan nát, mình thật cô độc, không người giúp đỡ, sức khỏe suy sụp. Tôi cũng không thể nào nói được là sẽ tụ họp những bạn trẻ tội nghiệp kia ở đâu nữa”.

Don Bosco hối thúc bọn trẻ cầu nguyện và như điều thường xảy ra, lời cầu nguyện của bọn trẻ đã được Chúa nhận lời. Có một ông Pinardi kia đã cho Don Bosco thuê một miếng đất ngay tại khu đầm lầy Valdocco. Được tin, Don Bosco chậm trả lời vì hãy còn buốt người vì những thất bại vừa xảy ra. Ông Pinardi cho biết khu nhà đất ấy bao gồm một cái chái nhà nhỏ lợp bằng cỏ khô, có thể dùng làm nhà nguyện. Tuy nhiên, vừa nhìn thấy cái chái nhà kia, Don Bosco đã thất vọng não nề. Nó quá thấp để chui người vào. Ông Pinardi không nao núng góp ý: “Lạy Chúa, đừng lo. Chúng tôi sẽ cho người hạ thấp nền xuống. Cha sẽ có thể cử hành Thánh Lễ tại đây vào Chúa nhật Phục Sinh mà”.

Lời của ông Pinardi thật tốt lành. Vào sáng Chúa nhật Phục Sinh, Don Bosco đã cử hành Thánh Lễ trên cái bàn mộc mạc, chung quanh là đám trẻ nghịch ngợm ngồi như nêm trong cái chái nhà rệu rạo. Vâng, cái chái nhà Pinardi chẳng phải là nhà nguyện của dòng chiêm niệm, đám thợ trẻ cũng chẳng phải là ca đoàn, nhưng những điều đó không ngăn cản các em cử hành Lễ Phục Sinh trong hạnh phúc. Cuối cùng thì nguyện xá đã có được một ngôi nhà. Vị linh mục chưa biết được rằng mình sẽ phải trả một giá đáng sợ cho thành công của mình.



NHÂN DANH CON CÁI TÔI

Trong vòng 5 năm cũng như suốt thời sinh viên hậu thần học, Don Bosco đã hiến cuộc đời mình cho các bạn trẻ. Tuy chỉ gặp chúng vào ngày Chúa nhật, nhưng mỗi khi rảnh trong tuần, Don Bosco luôn đáp ứng yêu cầu của các em. Ngài thăm các em chính nơi các em làm việc, tìm việc cho ai bị mất việc, nuôi dưỡng em bệnh, cứu giúp những em phạm pháp và bằng mọi cách tranh đấu cho các bạn nhỏ của ngài tránh được các nhà cải huấn tồi tệ ở Tôrinô.

Và cũng bởi vậy, tất cả các công việc trên đã quật ngã Don Bosco: Sau ba tháng mua được miếng đất của ông Pinardi, Cha hầu như bị kiệt sức vì chứng sưng phổi trầm trọng tấn công. Tại bệnh viện, các bác sĩ ái ngại có thể ngài không qua nổi. Nghe được tin ấy, các bạn trẻ nát lòng, ngơ ngẩn đã chen chúc ở sân bệnh viện đợi chờ tin lành. Có nhiều em đi vào nhà thờ gần đó cầu nguyện cho người đã yêu thương mình quá nhiều.

Có những sáng kiến hành động xuất phát nơi các nhóm trẻ. Các em tổ chức những cuộc canh thức suốt đêm. Các em đã phát nguyện những lời hứa nghiêm nhặt với Chúa theo nhiệt tình tuổi trẻ. Không ít em có lời khấn xin phục hồi cuộc sống cho Don Bosco, hoặc thêm lời cầu nguyện và thêm việc đền tội. Có vài em nhỏ làm hồ đã nhất quyết ăn chay dù công việc các em phải khiêng gạch và hồ lên tận lầu 4 hay 5 tới 40-50 lần mỗi ngày. Quả thật, các em đã chịu cực nhọc đến lả người, nhưng vẫn quyết tâm vật lộn trong lời cầu nguyện và đền tội để Don Bosco thoát được sự níu kéo của cái chết.

Dầu vậy, công sức của các em dường như vô ích. Tình trạng sức khỏe của Don Bosco vẫn tiếp tục xấu hơn. Ngài dọn mình chết lành. Bên cạnh Don Bosco lúc ấy có cha Borel là người bạn thân đang cúi xuống thì thầm: “Này Gioan Bosco, đám trẻ cần đến cha. Hãy xin Chúa cho cha ở lại. Xin cha lặp lại lời cầu nguyện này theo tôi: Lạy Chúa, nếu đẹp ý Chúa, xin chữa con, con nguyện xin Chúa nhân danh đám trẻ của con”.

Gioan Bosco đã chậm rãi lập lại lời cầu nguyện. Khi cha vừa kết thúc thì cơn sốt cũng tan, chứng sưng phổi cũng biến đi.



ĐÓN CHA TRỞ VỀ

Khoảng hai tuần sau, các bác sĩ cho phép Don Bosco rời bệnh viện. Ngoài sân kia, đám trẻ đang đợi cha. Khi Don Bosco xuất hiện, các em ùa tới, khiêng bổng cha lên và kiệu cha trên vai ngang qua các đường phố Tôrinô. Tràn ngập niềm vui, các em ca hát, hò la và hoan hô đến độ những cư dân của thành phố cũng phải cảm động đến rơi lệ. Trẻ đường phố và trẻ nghèo đã bày tỏ lòng trung thành và ngưỡng mộ đối với người cha của mình cách lạ lùng như vậy đó.

MẸ MAGARITA ĐẾN

Không lâu trước khi Don Bosco bị bệnh, bà hầu tước Barolo là một phụ nữ quý phái, giầu có và là người đã cung cấp nơi ăn chốn ở cho Don Bosco tại Tôrinô. Khi vị linh mục này bắt đầu miệt mài với công việc mới của mình và không còn điều hành cô nhi viện nuôi trẻ nữ là một trong các cơ sở từ thiện của bà được nữa, thì bà yêu cầu Don Bosco rời khỏi khu vực trên. Bởi vậy, lúc xuất viện, Don Bosco không còn nơi nào trú thân.

Dù thế, đó chưa phải là vấn đề cấp bách vì Don Bosco đã quyết định về tĩnh dưỡng tại nhà của mẹ mình ở một nông trại quê, cách Tôrinô 20 dặm.

Khi Don Bosco trở lại thành phố, ông Pinardi một lần nữa lại tìm Don Bosco để cho thuê thêm bốn phòng tại khu đang có nguyện xá. Do căn nhà có sự khác thường này và những nhà lân cận đã có tiếng xấu làm Don Bosco do dự.

Nhưng rồi, khi nghĩ rằng nếu có sự hiện diện của mẹ mình, có thể sẽ làm giảm đi những nghi nan trong các hoạt động của mình, Don Bosco đã xin mẹ chấp nhận hy sinh để bỏ đời sống ở nông trại thân thương, về làm người mẹ giữ nhà trong phạm vi nhỏ hẹp của một căn hộ thành phố.

Bà đã hỏi con rằng : “Con có nghĩ đó là ý Chúa không?” Don Bosco trả lời: “Thưa mẹ, con nghĩ là như vậy”. Mẹ Magarita chỉ cần nghe có thế. Tháng 11 năm 1846, bà đã gom lại chút tài sản nghèo, rồi đi với con lên thành phố Tôrinô. Hai mẹ con đã đi suốt quãng đường 20 dặm vì không đủ tiền đi xe.

MỘT THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI TRẺ

Tuổi thơ lam lũ của Don Bosco đã đem đến cho ngài những cơ hội làm việc trong trang trại, làm mộc, cắt may và đóng giày, để rồi ngài có thể trao lại cho các học sinh của mình làm phương tiện hành nghề cách lương thiện và xứng hợp.

Chỉ ít lâu sau khi mẹ của Don Bosco tới nguyện xá, đám trẻ đã phong bà là “Mẹ Magarita”. Don Bosco thường nói với bà: “Này mẹ, sẽ có ngày tất cả nơi đây sẽ là một sân chơi với những lớp học và xưởng thợ. Sẽ có những người giúp đỡ và một thế giới của trẻ”.

Bà Magarita từ xưa vốn biết tính hoạt náo của con, nên chỉ nghe cho qua. Tất cả những gì mà vị linh mục có là một mảnh đất chẳng có giá trị là bao, một nhà nguyện mà một nửa ở dưới mặt đất, một căn hộ trong dãy phố đang góp phần đáng kể cho khu ngoại ô thêm nhếch nhác, thêm vào đó là sự chiếm đóng cuối tuần của khoảng 600 đứa trẻ. Tuy nhiên, Gioan Bosco đã quyết định xây dựng một thế giới của người trẻ, và xây dựng từng bước một.

Don Bosco quyết định trước tiên phải cho học sinh của mình nền giáo dục thực tiễn vững chắc. Để xuất phát, cha dạy ba môn sơ cấp như đọc, viết và số học. Đạo giáo được coi là môn cốt yếu trong chương trình. Cha chọn giáo lý đơn sơ làm bài đọc vỡ lòng cho các học sinh.

Khởi đầu, Don Bosco mở các lớp tại các phòng của nhà Pinardi. Khi càng ngày càng có thêm học sinh lui tới, lớp học quá tải lại tràn qua nhà nguyện và phòng áo. Dầu vậy, chỗ học vẫn không đủ. Hết cách, Don Bosco đành phải thuyết phục ông Pinardi cho thuê luôn toàn bộ khu đất.

Chẳng bao lâu chương trình dạy vỡ lòng được mở rộng, Don Bosco thêm vào môn địa lý, ngữ pháp và vẽ. Cha còn thêm môn hát, vì theo cha “Nguyện xá mà không ca hát thì chẳng khác cái xác không hồn”.

Để đảm bảo số giáo viên dự bị cho lớp học luôn được mở rộng, Don Bosco giao kèo với một số học sinh giỏi. Cha kèm cho họ các môn phụ, Ý ngữ, Văn chương, Pháp văn, Toán; còn họ biết rằng đến lượt mình, họ sẽ dạy một số giờ cho trường trung học. Sự thỏa thuận ấy có lợi cho cả Don Bosco lẫn cho hội đồng giáo viên. Quả vậy, Don Bosco đã có được một tập thể giáo viên lấy từ học sinh các nhóm của chính nguyện xá.

Các tân giáo viên lúc này đã được đào tạo đầy đủ để đi vào nghiên cứu và làm những nghề chuyên môn. Như thế là các em đã phá được cái vòng nghèo đói từ thuở nhỏ.



ĐÀN ONG KÉO ĐI LÀM TỔ

Sau một năm đậu lại trong khu đất Pinardi, Don Bosco đã coi sóc khoảng 600-700 trẻ, từ tám đến mười tám tuổi. Bọn trẻ được nhét kể như mọi chỗ, từ khu nhà Pinardi đến nhà nguyện. Don Bosco không từ chối một ai. Vì vậy vấn đề chỉ là thiếu chỗ.

Don Bosco không hề nao núng. Vào một buổi tối, cha triệu tập toàn thể nguyện xá để giải quyết cơn khủng hoảng bằng những lời này: “Khi cái đõ ong quá tải, số ong dư sẽ di chuyển thành đàn đi nơi khác làm tổ mới. Chúng ta cũng phải làm như vậy. Hãy xem, trong giờ chơi chúng ta đè lên người khác. Trong nhà nguyện, chúng ta bị xếp như cá mòi đóng hộp, còn chỗ nào để cựa quậy đâu. Bắt chước bầy ong, chúng ta hãy đi kiếm một nguyện xá mới”.

Rõ ràng là Don Bosco không có tiền, nhưng cha không ngại, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ dự liệu. Điều đó lại đúng và không phải là một, nhưng có đến hai nguyện xá sắp được mở cửa tại Tôrinô.

EM BÉ ĐẾN ĂN TỐI

Nhờ sự tiếp tay và hy sinh của bà Magarita, người mẹ ruột, công cuộc của Don Bosco lớn mạnh hơn bao giờ hết với những trường, xưởng, cái ăn, chỗ trọ. Giấc mơ thuở nhỏ đang đâm bông kết trái.

Vào một tối mưa lạnh tháng 5 năm 1847, mẹ Magarita nghe có tiếng gõ cửa nhà Pinardi. Mẹ mở ngay và đã thấy tại bậc cửa một bé trai quần áo sũng nước đang rét run. Mẹ vội đem em vào, đặt em ngồi trước lò sưởi lớn lửa để hong khô, cho em ăn rồi đem em đi ngủ. Em đã có cái tên “cậu bé tới ăn tối” của Don Bosco. Em bé mồ côi cùng với tiếng gõ cửa nhẹ nhàng đã mở ra trước mắt Don Bosco cả một khung trời mới. Những mảnh đời khốn khổ của các em bé mồ côi, không cửa không nhà, đã đè nặng tâm hồn của Don Bosco kể từ khi cha đặt chân tới thành phố này.

MỘT THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI TRẺ

Cho tới bây giờ, Don Bosco mới cảm thấy có thể làm được đôi việc cho trẻ. Ngay trước lúc em bé trên đến, đã có mười em khác đến với Don Bosco và cũng được cha kiếm cách nhét vào nhà Pinardi. Sau mùa đông năm 1851, lúc đã mua bán xong khu đất Pinardi, Don Bosco tiếp nhận khoảng 30 trẻ nội trú.

Nhà nội trú có một nếp sống kể là khác thường vào thuở ấy. Buổi sáng, sau giờ cầu nguyện chung, các học sinh vào xưởng hoặc nhà máy, dùng một chút điểm tâm tay cầm. Buổi trưa, các em tụ về nhà bếp dùng bữa trưa do chính Don Bosco làm đầu bếp và bây giờ còn đeo chiếc tạp dề trắng để phục vụ các em. Bọn trẻ có thể làm ca chiều và trở về vào buổi tối, dùng bữa tối, thế rồi Don Bosco làm thầy giáo rà lại bài vở cho các em.

Các hoạt động của trường tăng lên, đồng thời cũng tăng sự vất vả cho mẹ của Don Bosco đã ngoài tuổi sáu mươi. Bà làm việc luôn tay suốt cả ngày: lau nhà, giặt vá, chăm sóc các em bị bệnh. Bọn trẻ vốn trẻ tính. Do đó, sự cẩu thả của các em gia tăng cho bà vô vàn công việc không tên. Bà cảm thấy thấm mệt vì cây sào phơi quần áo bị rớt xuống, vườn rau bị dẫm nát, vì hết giặt lại tới vá, rồi lại vào bếp dọn bữa. Bà đã đi báo cho Don Bosco biết ý định về quê.

Don Bosco thấu hiểu lòng mẹ nên giữ im lặng. Cha trỏ tay lên cây Thánh Giá trên tường. Mẹ Magarita đã hiểu, nước mắt mẹ long lanh. Bà nói nhỏ với Don Bosco: “Con đúng rồi”. Rồi bà đeo lại chiếc khăn làm bếp lên người.



NHỮNG DỰ ÁN VÀ KẾ HOẠCH

Vừa khi Don Bosco kết thúc một kế hoạch nào, cha đã khởi sự một kế hoạch khác. Cha xây liên tiếp một nhà nội trú cho 150 chú nhóc, một nhà nguyện mới tương xứng với số học sinh gia nhập nguyện xá tăng lên, đồng thời cha cũng đi đầu mở hệ học buổi tối và trường huấn nghệ cho các thợ có tay nghề trong tương lai. Cha xây các xưởng dạy đóng giầy, cắt may, mộc, đóng sách, in và đồ sắt. Một lần nữa, Don Bosco lại dùng nhóm giáo viên có gốc ở nguyện xá. Các trường của Don Bosco được xếp vào loại nhất ở Tôrinô nhờ vào tinh thần và sự hướng dẫn của chính Don Bosco, là người được xếp vào hàng các nhà giáo dục tuyệt vời của Châu Âu thuở đó.

Một vị giáo sư nổi tiếng và là bạn cộng sự của Don Bosco đã giải thích lý do vì sao: “Tình yêu của Don Bosco tỏa ra trong ánh mắt và lời nói. Người ta có thể cảm nhận được điều ấy chẳng chút hồ nghi ... Người ta còn cảm nghiệm được niềm vui dạt dào khi có sự hiện diện của Don Bosco”.

Tuy nhiên, Don Bosco có những yêu cầu đối với các giáo viên cộng tác. Vào thời đại mà các ông thầy còn coi các trận đòn như là công cụ không thể thiếu được trong nghề, Don Bosco đã dứt khoát ngăn cấm mọi việc thô bạo như thế đối với các thanh thiếu niên. Cha khuyên rằng: “Hãy làm cho mình nên đáng yêu. Muốn được trẻ vâng lời, hãy sống với các em như người cha, chứ không phải như người bề trên”.

Theo quan điểm của Don Bosco, trách nhiệm của người thầy không chỉ trải rộng từ lớp học đến các cuộc trao đổi cá nhân với học sinh, nhưng còn đi đến việc tạo nên một môi trường tại nguyện xá được diễn tả bằng tình yêu và niềm vui của người Kitô hữu.

Don Bosco không thể đòi hỏi như thế trừ khi chính cha đã đi tiền phong. Cha đã hòa mình vào giờ giải trí với học sinh, nêu thách thức trong chuyện trò và nói đùa với họ. Như một lực sĩ thượng thặng dù tuổi ngoài 50, Don Bosco thường chạy đua với đám trẻ. Dù gặp rắc rối bởi tính giãn tĩnh mạch ở tuổi 54, Don Bosco vẫn còn có thể chạy vượt qua bất cứ ai trong họ. Don Bosco tôn trọng sự tự do của trẻ và còn đem sự tôn trọng vào mọi lãnh vực và chương trình trong nguyện xá. Nếu cần phạt một học sinh nào, cha cẩn thận để không bao giờ hạ nhân phẩm các em hoặc làm các em cay đắng.

Don Bosco có những kỹ năng của một nhà giáo dục lớn: biết liên kết giữa quyền bính và tự do, kỷ luật và tình bằng hữu, mệnh lệnh và sự sôi nổi tuổi trẻ.

Don Bosco thường nhắc nhở: “Không có tình thân sẽ không có tin tưởng, không có tin tưởng sẽ không có giáo dục”.

Đạo giáo đối với Don Bosco không đơn thuần là phần phụ thêm của giáo dục. Cha thấy việc tương giao với Thiên Chúa là cội nguồn hoạt động và tăng trưởng của mọi người.

Đối với Don Bosco, việc trình bày cho học sinh về Thiên Chúa là Cha được coi là điều căn bản. Don Bosco đã thực hiện được điều ấy một cách hiệu quả, bởi vì cha là người cha đáng yêu của nguyện xá. Cha thúc đẩy cho học sinh biết rằng, các em đang sống trong sự hiện diện của Cha trên trời, Đấng yêu thương các em.

NGƯỜI ĂN MÀY ĐÁNG YÊU

Don Bosco xác tín rằng chính Đức Maria mà ngài xin làm Đấng Bảo Trợ, đã mong muốn ngài xây dựng ngôi thánh đường này. Đây là trung tâm hành hương và tôn kính Thánh Thể Chúa.

Trong suốt thời gian xây dựng đền thờ Thánh Tâm Chúa vĩ đại và nguy nga, Don Bosco luôn thanh toán được các hóa đơn nợ. Khi cạn tiền, cạn nguồn, Don Bosco sẵn sàng đi xin. Những chuyến đi quyên góp của cha hầu như luôn mang dấu ấn hóm hỉnh.

Ngày kia, khi giấy nợ xếp chồng khá cao, Don Bosco đi thăm một người rất giàu đã nằm liệt giường ba năm. Sau một hồi chuyện trò, Don Bosco xin ông thay áo đến ngân hàng để rút tiền nhằm thanh toán cho các chi phiếu xây dựng nhà thờ. Ông lẩm bẩm: “Tôi không đi được. Ba năm qua tôi đã ra khỏi giường đâu!” Don Bosco nói với ông: “Ông hứa đi, Đức Mẹ sẽ kéo ông ra ngay”. Ông đã hứa nên ông cũng đã ra khỏi giường. Don Bosco không có may mắn đi cùng ông tới ngân hàng.

Nhiều người nghĩ rằng Don Bosco là nhà kinh tế tài năng vì khả năng kiếm ra tiền. Thật ra điều gì nói về cha cũng có thể đúng, trừ điều trên. Một bà nhà giàu xem Don Bosco là nhà tư bản tài chính lớn, đã xin ý kiến xem nên đầu tư tiền bạc của bà ở đâu cho tốt nhất. Chẳng nói câu nào. Don Bosco đơn sơ ngửa hai bàn tay của mình ra trước mặt bà.

Đã có hàng triệu Mỹ kim đi qua bàn tay Don Bosco, nhưng cha không giữ lại một xu cho mình. Quả vậy, cha sống nghèo; thậm chí còn tiết kiệm từng phần giấy trắng của những lá thư đã viết, biết nhuộm đen sợi làm dây giày, tiết kiệm từng tờ giấy báo, từng sợi dây. Cha dùng chiếc áo khoác phế thải nhà binh và chiếc mền cũ nhà binh xếp ở giường. Xem mình như người đầy tớ, một người giúp việc, cha vui vẻ phục vụ bàn ăn cho học sinh, khâu vá quần áo và cắt tóc cho các em. Vốn là người nghèo, cha cảm thấy tất cả mọi công việc cực nhọc kia là của mình. Cha nghiêm khắc cảnh cáo các tu sĩ của mình rằng, một khi họ không còn yêu sự nghèo khó nữa, thì đó là lúc hội dòng của họ tới ngày tận số.

NGƯỜI MẸ ĐẦY ÂN PHƯỚC

Don Bosco đã kêu cầu nhiều với Mẹ Rất Thánh. Một lần, có cha sở xin Don Bosco phụ trách giảng tuần tam nhật trước lễ Mẹ Lên Trời cho giáo xứ. Giáo xứ đau khổ vì ở trong khu vực bị hạn hán khủng khiếp và kéo dài. Những nông dân này hầu như đã tuyệt vọng.

Mở đầu bài giảng, Don Bosco nhắn mọi người rằng: “Hãy tham dự đủ ba ngày này. Hãy xưng tội. Hãy sửa soạn hết sức để sốt sắng rước Chúa trong ngày lễ Mẹ Lên Trời, và tôi xin hứa với anh chị em rằng, nhờ danh Mẹ, sẽ có mưa để làm tươi lại mảnh đất khô cằn của anh chị em”.

Sau bài giảng đầu tiên đó, cha sở nọ đã nổi nóng và bắt lỗi Don Bosco đã dựng nên những hy vọng hão huyền. Cha sợ dân chúng sẽ trút cơn giận lên cả hai người, khi trận mưa hứa hẹn không xảy ra.

Ba ngày dân chúng đã chen chúc trong ngôi thánh đường. Đúng lễ Mẹ Lên Trời, ngày sẽ có biến cố được hứa trước, Don Bosco thức giấc nhìn lên bầu trời. Trời vẫn xanh ngắt không một vẩn mây. Mặt trời ban mai đã thiêu trụi bụi đất. Trên đường tới thánh đường dâng lễ sáng, Don Bosco đã bị đám đông vây quanh hỏi: “Liệu trời có mưa không?” Don Bosco chỉ bình thản đáp: “Hãy thanh tẩy tâm hồn!”

Ngày đã tàn, bầu trời vẫn xanh biếc như khối cẩm thạch. Tối đến, dân chúng lại họp mặt tham dự lễ bế mạc, vậy mà trời chẳng có lấy một dấu hiệu nào sẽ mưa. Khi Don Bosco vào thánh đường cử hành nghi lễ, cha nhìn về phía chân trời một lần nữa. Trời xem như trong vắt. Một vẩn mây xám treo trên bầu trời như một miếng vải rách nhỏ xíu trong bầu trời xanh.

Don Bosco bước lên tòa giảng. Hàng trăm con mắt đổ dồn về cha, mang theo cùng một câu hỏi “Khi nào trời mưa?” Phút chốc, những gương mặt thắc mắc và tra hỏi này đã đanh lại, rồi chua cay và thất vọng.

Đột nhiên chớp xé ngang bầu trời, sấm nổ, rồi những hạt mưa to đầu tiên rơi lộp bộp trên mái nhà. Những nông dân có cơ hội sống hạnh phúc hơn, đã hò reo và cất lên những bài hát rộn ràng. Cha sở chính là người được nhẹ nhõm nhất trong vùng, dù chẳng bà con nào nhận ra điều đó.

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Công cuộc phục vụ các em nam được mở rộng, bao gồm cả các em nữ nữa. Các nữ tu Salêdiêng, một trong những tu hội nữ lớn trong Giáo hội đã tiếp nối giấc mơ và thách đố xưa của Don Bosco.

Khi Don Bosco bước vào tuổi 60, sức khỏe của cha ngày càng mong manh, nhưng cha vẫn tiếp tục làm việc và làm việc đến kiệt sức mình. Một ngày của cha được lấp đầy bằng việc dạy học, thảo luận và xem xét vô vàn những dự án.

Đầu năm 1880, các hội viên Salêdiêng Don Bosco đã vượt qua biên giới nước Ý để thiết lập nhà tại Pháp và Tây Ban Nha. Ngài mong ước được đi thăm họ. Bởi thế, năm 1883, khi Đức Thánh Cha Lêo XIII yêu cầu Don Bosco qua Pháp quyên tiền để hoàn tất công trình xây cất đền thờ Thánh Tâm ở Roma, Don Bosco đã hân hoan vâng lời. Cha có thể vừa quyên góp cho Đức Thánh Cha vừa thăm con cái thiêng liêng của mình.

Don Bosco thật sự xúc động trước sự tiếp đón nồng ấm mà dân Pháp dành cho cha. Họ đã đáp lại lời kêu gọi cách rộng lượng cho việc xây dựng nhà Chúa.

Một nhân chứng mắt thấy tai nghe đã kể lại: “Chưa hề có một đám người nào tập trung đông đảo ở Paris chung quanh một vị linh mục như thế, kể từ cuộc viếng thăm của Đức Piô VIII”. Don Rua khi nhớ về chuyến thăm Paris này đã nói: “Nếu chúng tôi có tới bảy thư ký, thì nhiều lá thơ vẫn còn bị để lại mỗi tối, vì không kịp trả lời”. Chuyến đi quả là vấn đề đáng sợ đối với sức khỏe đã yếu ớt của Don Bosco.

Mắt bên phải của Don Bosco bị đau triền miên, do bị thương trong một lần bị ngã từ nhiều năm trước. Chứng viêm tĩnh mạch khiến việc đi bộ của Don Bosco không được vững, hai hội viên phải đi kèm hai bên. Sự giúp đỡ ấy cần thiết kể từ lúc Don Bosco bị chứng hay ngủ đứng, dù đang đi giữa đám đông, chào thăm và ban phép lành cho dân chúng.

Ba năm sau, Don Bosco lại thực hiện một hành trình tương tự sang Tây Ban Nha và cũng được dân chúng tiếp đón nồng nhiệt như thế. Cha đã đi giảng trong những Vương cung Thánh đường nổi tiếng nhất ở Pháp và Tây Ban Nha. Don Bosco có thể nói cả tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, nhưng hình như không có “cái lưỡi của nhà hùng biện”. Dầu thế, dân chúng rất hiểu vì Don Bosco nói với họ bằng ngôn ngữ của trái tim.

Xưởng may và đóng giày sơ sài đầu tiên được mở vào mùa thu 1853, chiếm cái hành lang và xài luôn cái bếp cũ của nhà Pinardi.

NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

“Cha làm tiêu hao đời mình vì làm việc quá sức. Toàn bộ thể trạng của cha khác nào cái giẻ mòn xơ cả chỉ vì xài nhiều. Không có thuốc chữa đâu, trừ khi chúng ta treo chiếc áo cũ này vào tủ một thời gian. Cha cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn một thời gian”.

Don Bosco đã từng nghe những lời khuyên như thế của vị bác sĩ. Câu trả lời của Don Bosco luôn là: “Bác sĩ ơi, ông đã biết rồi mà. Đó chính là thứ thuốc tôi không thể dùng, vì tôi còn quá nhiều việc chưa làm”.

Gần những ngày cuối đời và được hai hội viên túc trực bên cạnh, Don Bosco còn thực hiện cuộc hành trình qua Tôrinô thăm những người nghèo, quyên góp nơi những người giàu, khích lệ những ai buồn phiền. Cha cũng biết rằng cái chết đã tới nơi nên thường nói: “Tôi muốn về thiên đàng, nơi đó tôi có thể làm việc tốt hơn nhiều cho các trẻ của tôi. Tại thế này, tôi chẳng làm được gì hơn cho bọn trẻ”.

Lúc này, bác sĩ của Don Bosco đã báo cho các Bề trên Salêdiêng đương nhiệm biết rằng: “Cha Bosco không chết vì một căn bệnh nào hết, người cha giống như một ngọn đèn tắt vì hết dầu”.

Tính hóm hỉnh nổi tiếng của Don Bosco chẳng giảm đi chút nào. Cha nhắc nhở cho hai hội viên vẫn đưa đón mình đi từ nơi này qua nơi kia: “Nhớ ghi tất cả vào hóa đơn, cha sẽ thanh toán hết mọi sự lúc kết sổ”. Có lần còn đang thở hổn hển, Don Bosco thì thầm vào tai hội viên đang lo lắng cúi người xuống bên cha: “Con có biết ở đâu có người làm ống bễ giỏi không?” Người hội viên bối rối hỏi lại: “Tại sao?”. Bởi vì cha cần một cặp phổi mới, thế thôi”.

Bệnh của Don Bosco kéo dài. Don Rua lãnh trách nhiệm điều hành Tu hội Salêdiêng. Yêu cầu đầu tiên của Don Rua là xin mọi người trong gia đình này, nếu có thể được, hãy về Tôrinô để chào tạm biệt người cha già. Từ khắp nơi, những người con tinh thần của Don Bosco đã về với cha. Don Bosco đã nhận vào trường nhiều em nhỏ bụi đời và nhà quê này để giúp đỡ các em lớn lên với tình yêu của Thiên Chúa. Họ đã đi ngang sát bên cha để nhận phép lành của cha.

Sau đó tới lượt các bạn trẻ đã từng tới nguyện xá ở Tôrinô sinh hoạt. Hàng trăm em, cứ hai người một đã đến và đi ngang qua giường của Don Bosco. Cha ban phép lành cho tất cả, khuôn mặt thì bình thản và hầu như trẻ lại. Vào đêm 31.1.1888, Don Bosco hướng mặt về phía Don Rua và nói: “Hãy nói với con cái của cha rằng, cha đợi tất cả ở thiên đàng”. Sau những lời đó, một trong những con người sáng chói, có một tinh thần mạnh mẽ và dũng cảm trong thế kỷ 19 đã qua đời.

Khi còn sống, Don Bosco muốn chết nghèo, và cha đã được toại nguyện. Vào ngày cha qua đời, nguyện xá Tôrinô có 800 miệng ăn mà không có lấy một xu. Tuy nhiên, điều ấy không làm ông chủ lò bánh mì ngưng giao bánh. Ông cũng như mọi người khác đều biết rằng, Don Bosco sẽ kiếm được tiền cả khi ở thiên đàng để nuôi đám trẻ của mình đang ở trần gian.

Năm 1939, Đức Thánh Cha Piô XI đã ghi tên Don Bosco vào sổ các thánh trong Giáo hội Công giáo. Năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi Don Bosco là “Cha và Thầy của Giới trẻ”.



Vương Cung Thánh Đường Don Boscô Ở Asti

ĐẨY MẠNH VIỆC TRUYỀN GIÁO

Từ những năm đầu đời sinh viên, Don Bosco đã mơ về những vùng đất xa xôi. Cha muốn trước khi qua đời có thể gởi những nam nữ Salêdiêng đi khắp nơi. Ngày nay công việc của cha được tiếp nối với hàng ngàn hiệp tác viên, chí nguyện và cộng tác viên.

Khi còn là một linh mục trẻ, Don Bosco đã xin đi truyền giáo, nhưng một giáo sư trong chủng viện đã nói nhẹ nhàng với cha: “Don Bosco, cha đã không thể đi nổi một chuyến xe ngựa mà không khỏi quặn ruột lên, lấy đâu làm nhà truyền giáo. Không đi được đâu, nhưng cha sẽ gởi nhiều người đi rao giảng và dạy lời Chúa”.

Năm 1875, mười sáu năm sau khi Don Bosco thành lập Tu hội Salêdiêng, cha đã gởi một nhóm mười người đầu tiên khởi đầu công cuộc truyền giáo ở Argentina.

Làn sóng di dân mạnh mẽ từ Châu Âu sang Mỹ Latinh đã xảy ra vào 25 năm cuối của thế kỷ 19. Số di dân đông đảo đến nỗi không có đủ nhà thờ và trường học nhằm đáp ứng những nhu cầu của họ.

Đây cũng là thời điểm của cuộc chiến tranh người da đỏ, khi những người mới đến đã đi sâu vào bên trong lục địa, đẩy những người da đỏ bản địa ra khỏi vùng đất của họ bằng cuộc chiến đẫm máu.

Mười vị truyền giáo Salêdiêng tiên khởi đã xuất phát vào ngày 11.11.1875, tiến tới Buenos Aires, nơi sẽ lập cơ sở chính của họ. Họ lập tức làm việc cho những di dân trong khu phố bần cùng tại cảng La Boca (Miệng Quỷ).

Một nửa nhóm tiến về miền nam lãnh thổ người da đỏ, trở nên dụng cụ giúp phục hồi lại hòa bình trong chiến tranh với người da đỏ.

Tiến về phía nam băng qua vùng Pampas rộng lớn, cuối cùng thì các nhà truyền giáo cũng đã tiến đến nam cực của lục địa là Tierra del Fuego (Hỏa Địa), miền đất vào thời điểm này là nơi trú ẩn của những kẻ vượt ngục, buôn lậu và tội phạm quốc tế. Một viện bảo tàng ở Punta Arenas ngày nay lưu giữ những kỷ niệm về những ngày đầu thử thách và vinh quang ấy.

Trong khoảng hai mươi năm, các vị truyền giáo đã thăm dò toàn vùng, thiết lập những trường canh nông, canh tác những dải đất rộng lớn và rao giảng lời Chúa. Bước tiến của những nhà truyền giáo là một chuỗi chinh phục, đôi lúc được trả giá bằng máu của chính họ.

Từ Ushuaia, thành phố cực nam của lục địa ở eo biển Magellan, các vị truyền giáo đã tiến lên miền bắc, băng qua Patagonia và lưu vực sông Amazon. Sau một thế kỷ, người Salêdiêng đang hoạt động tại hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latinh.

SALÊDIÊNG PHỤC VỤ GIỚI TRẺ TRÊN THẾ GIỚI NGÀY NAY

Có gần 40.000 Salêdiêng linh mục, sư huynh và nữ tu đang phục vụ trên khắp thế giới, tại hơn 120 nước. Từ Sodertaije ở Thụy Điển, ngay dưới vòng Bắc Cực tới Ushuaia ngay trên vòng Nam Cực, từ New York tới San Francisco, Hong Kong, Bangkok và tiếp tục tới Rangoon, Calcutta, Cairo và vòng quanh thế giới. Người Salêdiêng đã đem tới sự săn sóc và quan tâm của nhiều thân hữu và cộng tác viên đến cho trên hai triệu bạn trẻ nam nữ.

NGƯỜI SALÊDIÊNG

“Là dấu chỉ và người mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho giới trẻ.”

Thánh Gioan Bosco là một thiên tài của giới trẻ, đặc biệt của những em nghèo hoặc gặp khó khăn. Ngài khao khát mãnh liệt dành trọn cuộc sống làm việc cho giới trẻ. Ngài đã đạt tới điều mong ước đó bằng sự sáng tạo, táo bạo và lòng quảng đại lạ lùng.

Ngày nay, người Salêdiêng nỗ lực tiếp nối công cuộc của Don Bosco vì nhu cầu của giới trẻ nơi các trường học, câu lạc bộ thanh niên, giáo xứ, gia đình và nhiều hoạt động đa dạng khác, hướng về mục tiêu là giúp người trẻ đạt được hạnh phúc bây giờ và mai sau.

Lối sống của người Salêdiêng vừa thực tiễn vừa lý thuyết, và nhấn mạnh tới những kinh nghiệm sống cộng đoàn và phục vụ giới trẻ.



GIA ĐÌNH SALÊDIÊNG NGÀY NAY

Chính Don Bosco đã cưu mang ý tưởng về Gia đình Salêdiêng. Ngày nay, Gia đình này có 20 nhóm và làm việc hầu như ở mọi nước trên thế giới. Chúng ta có thể liệt kê vài nhóm:

Salêdiêng Don Bosco (SDB): những người theo tinh thần thánh Phanxicô Salê của Don Bosco, là một tu hội lớn trong Giáo hội, bao gồm linh mục, sư huynh đang hoạt động trên 120 nước trên thế giới.

Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA): được Don Bosco thành lập với sự cộng tác của thánh Maria Mazzarello, là một trong những tu hội lớn trong Giáo hội, là một sự hiện diện phẩm chất và năng động trong thế giới đang thách đố tác vụ giới trẻ.

Chí Nguyện Don Bosco (VDB): được cha Bề Trên Cả Philip Rinaldi thành lập, là một tu hội đời bao gồm các nữ tín hữu được thánh hiến, làm việc theo tinh thần của Don Bosco.

Cộng Tác Viên Salêdiêng: là những giáo dân và linh mục sống Tin Mừng trong thế giới theo tinh thần của Don Bosco, trong việc phục vụ giới trẻ và giáo hội địa phương.

Hiệp Hội Cựu Học Viên Don Bosco/FMA: bao gồm các cựu học viên Salêdiêng nam nữ cam kết dấn mình vào sứ mệnh giáo dục giới trẻ trong gia đình, khu xóm và Giáo hội địa phương.

Hội Truyền Giáo Giáo Dân Salêdiêng: gồm những người nam nữ, độc thân hoặc đã lập gia đình, tự nguyện làm việc trong thời gian một năm hoặc nhiều hơn, bên cạnh những SDB hay FMA tại các nước truyền giáo có người Salêdiêng phục vụ.

Ta có thể thấy Gia đình Salêdiêng được trình bày hàng tháng trong Tạp chí Nguyệt San Salêdiêng; được Don Bossco thành lập năm 1877 và hiện được xuất bản với hơn 40 ngôn ngữ trên thế giới"]


(theo http://donboscovn.org)



Saledieng Logo
Gồm hai loại hình nổi đè lên nhau.
Hình nổi mầu đỏ đậm chính yếu đan quyện vào nhau tạo thành ba mũi tên
mô tả Don Boscô và các Salêdiêng đồng hành với giới trẻ trên thế giới.
Hình nổi mầu đỏ nhạt là nền, diễn tả hoàn vũ tạo   thành con đường hình chữ S

mời gọi các Salêdiêng tiến thân đến mọi nơi với tư cách là những nhà truyền giáo.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

SAO LẠI DẠY ĐIỀU XẤU, VIỆC ÁC ?



Trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP HCM tôi đọc được truyện “Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đăng trên một tờ tạp chí song ngữ.

Tôi thực sự thấy sốc. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại tuyên truyền những truyện như thế? Lại còn dịch ra tiếng Anh cho bạn bè quốc tế đọc nữa.

Truyện kể rằng: 

Ngày xưa trâu và người nói cùng một thứ tiếng. Một người làm ruộng thuê một cậu bé chăn trâu. Do ham chơi, cậu bé không dắt trâu đi ăn, mà cột trâu lại một nơi rồi bỏ đi chơi khăng. Cuối ngày, để che mắt chủ, cậu lấy mo cau áp vào bụng trâu, trát bùn ra ngoài rồi dắt trâu về chuồng. Cậu khôn ngoan dùng lời lấp liếm, không cho trâu có dịp mở miệng. Nhưng đến một hôm, khi chủ dắt trâu đi cày, trâu mách. Chủ biết chuyện, đánh cho cậu bé một trận tả tơi. Cậu bé ngồi trên bờ ruộng khóc. Bỗng dưng một ông lão hiện ra, hỏi cậu vì cớ gì mà khóc. Cậu bé giải thích rồi bày tỏ mong muốn “làm thế nào trâu không nói được nữa”.

Ông lão bèn rút từ trong người ra một que hương, đốt lên rồi bất thình lình gí vào dưới cổ con trâu. Con trâu kêu oai oái, tiếng nói của trâu dần dần mất hẳn, chỉ còn “nghé ọ” được mà thôi. Chỗ bị thương sau này thành một cái nốt và từ đó trâu không còn nói được nữa.

Tôi sốc bởi trong truyện này, cậu bé chăn trâu là một kẻ xấu. Cậu lười lao động, khôn lỏi, gian dối với người và tàn nhẫn với trâu – loài động vật hiền lành, có ích. Ông lão (ông Bụt) khi biết chuyện đã không dạy bảo điều khôn, lẽ phải cho cậu, lại còn thương hại kẻ xấu mà ra tay làm điều ác với con trâu.

Chúng ta muốn dạy người Việt Nam điều gì qua truyện cổ tích phản giáo dục này, khi điều xấu, việc ác không những không bị lên án, mà còn được chia sẻ và tiếp tay? Tôi cũng nghi ngờ cả tính giáo dục của phần kết truyện Tấm Cám – kiệt tác cổ tích Việt Nam. Đành rằng Cám là người xấu, nhiều lần hãm hại Tấm, nhưng chúng ta có nên giáo dục các thế hệ trẻ em Việt Nam bằng chuyện Tấm xui Cám tắm nước nóng cho chết bỏng, rồi chặt xác Cám làm tám khúc, lấy thịt làm mắm gửi cho mẹ kế ăn?

Tôi tin rằng, chúng ta sẽ mong muốn có một cô Tấm biết kiềm chế và cư xử nhân đạo hơn với những người sai trái trong và ngoài gia đình. Chúng ta muốn con em mình vị tha và có ý thức pháp quyền hơn để biết bắt trói và giao nộp những kẻ trộm chó cho công an, thay vì thẳng tay đánh chết họ…

Đời sống kinh tế của nước ta ngày một cải thiện, nhưng đồng thời điều xấu, cái ác trong xã hội ta cũng ngày càng nhiều hơn, cuộc sống của mỗi người ngày càng có nhiều rủi ro hơn từ những người sống quanh mình. Nước nào ít nhiều cũng đều có tội phạm. Nhưng ở nước ta, trong những năm gần đây có rất nhiều vụ giết người vì những lý do lãng xẹt: vì “bọn nó dám sang làng ta tán gái”; vì “nhìn đểu”; vì va quệt xe máy; vì cãi nhau ở quán nước…

Tôi nghĩ, nhiều kẻ, sau khi đã gây án, cũng không thể hiểu nổi tại sao chúng lại giết người một cách vớ vẩn, ngu xuẩn đến như vậy. Đấy là nói về chuyện giết người, còn về những điều xấu, việc ác chưa đến mức giết người thì vô vàn, kể ra không xuể. Tôi chỉ có thể đặt nghi vấn về sự tích tụ cái ác quá nhiều ở những kẻ đó, nhiều đến mức chúng không còn nhận thức được về cái ác nữa.

Nelson Mandela từng nói rằng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới”. Những câu chuyện cổ tích mang đầy “màu sắc báo thù” trên đây là sản phẩm của một xã hội sơ khai. Chúng đáng bị lãng quên từ lâu bởi những thông điệp trong đó đã không còn phù hợp với thời đại văn minh, pháp trị, nơi hành vi của con người được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật.

Tôi cho rằng, cần phải rà soát lại những gì chúng ta dạy cho con em ở mọi hình thức và loại bỏ tất cả những gì vô tình tuyên truyền, cổ xúy cho điều xấu, việc ác.

Mỗi một thế hệ trẻ là một vụ mùa của đất nước. Hạt gieo xuống không được chăm sóc đúng cách thì không thể đòi hỏi những vụ mùa xanh tươi.

Lương Hoài Nam

(VnExpress)

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA CHỮ "CÔNG GIÁO"


(Có bổ sung ý kiến của người viết vào ngày 20.11.2012 về nguồn gốc của chữ ''Da-tô, Gia-tô'' và thêm vài ý vào ngày 16.7.2014 ở phần ''ghi chú''; ngoài ra, vì bài khá dài, người viết bèn ghi thêm mẫu tự và số cho từng phần.)

Lời dẫn nhập
Theo thiển ý người viết, phải làm sáng tỏ ''nguồn gốc'' của chữ ''Công Giáo'' trước khi giải thích ''ý nghĩa'' của nó bởi vì giải thích ''suông'' mà chẳng đưa ra ''nguyên do'': lý do, duyên cố, do lai, tức là ''căn cơ, cội nguồn'' của chữ này thì giải thích cho lắm cũng bằng không!

A- ''Mọi sự đều có nguyên nhân!''

Mệnh đề khẳng định ấy là một trong bảy nguyên tắc căn bản của lý trí con người. Blaise Pascal nói: ''Con người là cây sậy biết tư duy.'' Descartes bảo: ''Tôi tư duy, vậy là tôi hiện hữu.'' (Cogito, ergo sum. - Je pense, donc je suis. - I think, therefore I am.) Tôi hiện hữu có giới hạn nên tôi biết rằng có Đấng VÔ HẠN, tức là Đấng Hằng Hữu hay là Đấng Tự Hữu. Đấng ấy KHÔNG phải là ''sự của mọi sự'', mà là ''Tác Giả, Nguyên Lý, Nguồn Gốc'' CỦA mọi loài hữu hình và vô hình. Ngài là Ông Trời mà người đời đề cập đến trong thơ-văn, cuộc sống như sau: ''Ơn trời mưa nắng phải thì - Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu. Lạy trời mưa xuống! Lấy nước tôi uống! Lấy ruộng tôi cầy! Lấy đầy bát cơm! Hãy tự giúp mình thì Trời sẽ giúp cho. Ai cho không bằng trời cho. Trời sinh* voi, sinh cỏ. Trời ơi, cứu con với! SOS: Save our souls. (Xin cứu linh hồn chúng con.) (*Nature: (được sinh ra) là ''tự nhiên'', tức là ''thiên nhiên''!)

B- ''Thành sự tại Thiên''

Khắp năm châu, ''thiên'' hạ đều ngẫm nghĩ về thành công hay thất bại của mình là DO ở ''thiên'' thượng như sau: ''Mưu sự tại nhân; thành sự tại thiên. (Tính việc tại người; nên việc ở trời.) Tôi lấy câu này bằng tiếng Đức, đổi thì ''hiện tại'' sang ''thì quá khứ'' là câu lại có nghĩa khác: ''Con người nghĩ ngợi nên Trời CƯỜI cho! (Der Mensch hat gedacht, und Gott hat gelacht!) (1) ''Trời ''cười cho'' là phải bởi vì: ''Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. (Lưới trời lồng lộng, KHÔNG ai thoát được.)
Còn Cụ Nguyễn Du thì cho rằng Ông Trời rất công bằng: ''Ngẫm hay muôn sự tại trời - Trời kia đã bắt làm người có thân – Bắt phong trần phải phong trần – Cho thanh cao mới được phần thanh cao – Có đâu thiên vị người nào – Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.'' Vậy thì, theo Cụ, phải chăng đó là ''Công Đạo''? Cụ Trần Tế Xương buồn đời, làm thơ trào phúng: ''Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ – Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi?'' Hàn Mặc Tử thì biết được chữ tình do đâu: ''...Như đón từ xa một ý thơ – Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều – Để nghe dưới đáy nước hồ reo – Để nghe tơ liễu rung trong gió – Và để xem Trời giải nghĩa yêu!'' như Lời Thánh Vịnh, 27,10: ''Dù cha-mẹ bỏ tôi, Chúa vẫn tiếp rước tôi.'', như Thánh Hiền dạy: ''Thiên nhân tương dữ.'' (Trời và người giao hảo.)
Nhưng cũng có người tỏ bày tâm sự mà dám than van: ''Trời sao, Trời ở không cân? Kẻ ăn không hết, người mần / lần không ra!'' Ngược lại, cũng có người tin vào luật NHÂN-QUẢ trên cõi tạm này: ''Ở hiền thì Trời chúc phúc! Ở ác thì Trời phạt!'' Xét cho cùng, suy nghĩ này lại phù hợp với ''Hiến Chương Nước Trời về sau'' trong Kinh Thánh (Phước thật tám mối): ''Thứ sáu: Ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phước thật vì chưng sẽ đặng thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.''

C- Đạo từ Trời

Rõ ràng Cái Đạo của Trời (THIÊN Đạo) là Lý Lẽ (THIÊN Lý) hiển nhiên mà người đời phải vâng theo để sống ''Đạo của thọ tạo'' là lòng biết ơn và sự tôn thờ Đấng Hóa Công như ai cũng nói: ''Đầu đội Trời; chân đạp đất.'' Con người được Trời ban cho (THIÊN phú) tự do suy nghĩ và hành động theo Lẽ CỦA Trời để sống xứng đáng với ''THIÊN chức'' của mình là ''THIÊN-Tử'': Mọi người là con CỦA Trời, được tác tạo qua cha-mẹ, chứ không phải một mình Đức Vua mới được ''THIÊN Ân'' đó. Có những Ngôi Chùa của bà con Phật Giáo mang Quý Danh này! Phải chăng quý Thầy, quý Sư Cô, quý Ông Bà và Anh-Chị-Em Phật Tử cũng quan niệm rằng Đức Phật là ''Vĩ Nhân, Đại Thánh'', là ''Thiên Bửu Bối'' mà Trời ban qua Thân-Sinh của Ngài Thích Ca? Giáo Hoàng Biển-Đức dạy thêm thế này: ''Nước Cha trị đến cũng là khi mọi Tôn Giáo đều nhìn nhận có Đấng Tối Cao...!''

D- Đấng Tối Cao

''Tối Cao'' vì Ông Trời là Đại Kiến Trúc Sư, Toàn Năng, Vô Biên! Còn con người chỉ là kỹ sư tí hon, hữu hạn. Nhà bác học Edison ghi trong Sổ Vàng vào dịp Khánh Thành Tháp Eiffel như sau: ''Tôi thán phục các kiến trúc sư làm nên Tháp này và cúi đầu thờ lạy Thiên Chúa là Kiến Trúc Sư Toàn Năng!'' Thật vậy, dù có thể ''thay Trời làm mưa'' chăng nữa, tôi CHỈ dừng lại trong phạm vi hữu hạn của tôi, tức là ''mượn, nhờ'' những nguyên lý, định luật và vật chất... mà Ông Trời đã LÀM ra sẵn. Nguyên lý Archimède (sức đẩy của nước) ĐÃ có từ thuở tạo thiên lập địa. Archimède KHÔNG phải là tác giả, mà CHỈ tìm tòi, khám phá ra Khoa Học là cái DO Ông Trời làm nên. Sẽ KHÔNG bao giờ thấy được nguyên tử, nhưng hầu như ai cũng biết rằng đầu một mũi kim may có hằng triệu nguyên tử và trong mỗi nguyên tử lại có vô số âm, dương điện tử và trung hòa tử! Ứng dụng nguyên tử vào việc phục vụ công ích là thuận với Trời để mà còn: Thuận THIÊN giã tồn! Dùng nó để chế tạo vũ khí tàn sát sinh linh, hủy diệt thế giới là trái với Trời thì mất: Nghịch THIÊN giã vong!

E- Ông Trời

''Ông Trời'' được người dân Việt diễn tả bằng nhiều Danh Xưng khác nhau, nhưng vẫn có CÙNG một ý nghĩa là ''Chúa Tể Càn Khôn'' hay ''Thượng Đế'': Ông Vua CỦA muôn thọ tạo, ngự ở trên cao. Trong thơ-văn Việt Nam cũng có các Danh Xưng dành cho Ông Trời: ''Ông Cao Xanh, Ông Xanh, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đấng Vô Hình, Đấng Vô Hạn...'' Có người lấy Vũ-Trụ mà ám chỉ Ông Trời: ''Thử xem con tạo xoay vần nơi nao!'' Cũng có người ''trách móc'' Ông như sau: ''Con tạo bất công!''

F- Lão Giáo viết về Ông Trời

Theo Lão Giáo, Ông Trời được quan niệm như sau: ''Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh, tịch hề lưu hề, độc lập bất cải, chu hành nhi bất dãi, KHẢ VI thiên hạ mẫu. Ngộ bất tri kỳ danh, tự chi viết ĐẠO.'' (Có gì đó không rõ ràng, sinh ra trời đất trước, mà lặng lẽ, mà còn đó, đứng riêng biệt không thay đổi, xoay vần mà không mỏi, CÓ THỂ LÀM MẸ NGƯỜI ĐỜI. Ta không biết danh xưng lạ lùng, gọi được là ĐẠO.)

G- Phật Giáo cũng cám ơn Trời

Phật Giáo nhìn thấy Kỳ Công CỦA Ông Trời qua ''sinh mệnh'' hay 'thọ mệnh'' cụ thể như lời dạy của Đức Phật: ''Trong một giọt nước có hằng hà sa số chúng sinh.'' Phật Tử cũng nói: ''Nhờ Trời, Phật phù hộ... Cảm ơn Trời, Phật!''
Hai Tôn Giáo Bạn (vừa nêu) đồng quan niệm về Ông Trời như các Tôn Giáo khác dù mỗi Tôn Giáo ''đặt tên'' cho Ngài theo cách của mình.

H- Đạo Cao Đài

Cao Đài Giáo dung hợp Phật Giáo, Nho Giáo và Kitô Giáo, NHƯNG DẠY rằng có Đấng Chí Tôn THƯỢNG ĐẾ, tức Thiên Chúa (Đức Chúa Trời) là ĐẤNG NGỰ Ở THÁP (ĐÀI) CAO, mà người đời gọi là ÔNG TRỜI lập nên Vũ Trụ...

I- Do Thái Giáo và Ki-tô Giáo

Hai Tôn Giáo ấy đều được Ngài mạc khải Danh Xưng của Ngài là Giavê, TỨC LÀ Đấng Hằng Hữu: L'ÉTERNEL. ''Có gì còn đó, đứng riêng biệt, không thay đổi'', tức là ''cái có mãi, cái độc lập, cái bất biến, vĩnh hằng'', KHÔNG DO ''cái nào'' tạo ra cả. Chính ''cái đó'' mới có TOÀN TRI, TOÀN NĂNG mà sinh ra trời-đất để con người ngợi khen: ''Cảm ơn Trời! Tạ ơn Chúa!'' (Deo gratias! Dieu merci! Thanks be to God! Gott sei Dank!) ''Cái gì đó không biết mỏi'', Sáng Thế Ký gọi là Thần Khí Chúa, Lời ở trong Thiên Chúa. Thánh Gioan ghi trong Tin Mừng: ''Nhờ Lời mà muôn vật được tạo thành.'' Lời KHÔNG phải âm thanh, chữ viết, MÀ ''Đấng Hành Động: Le Verbe'', chính là Giêsu nhập thể và nhập thế. Cho nên Cái ''tự chi viết Đạo'' cũng là quan niệm của Anh-Em Tin Lành ''Maranatha Baptist Church''. Họ dịch như sau: ''Đạo là Đức Chúa Trời.'' (Giăng 1,1)

J- Đại Sư Bouddhadàsa ở Thái Lan

Ngài ấy nhận ra được Triết Lý của Phật Giáo nơi Đạo tôn thờ Cây Thập Giá của Chúa Cứu Thế: ''Quên Mình: Vô ngã TẠI ngã.'' (Thập Giá là chữ ''I: tôi'' có gạch ngang, là ''quên mình.) Như vậy, nhận xét của Đại Sư Thái Lan cũng không ngược lại với Kinh Thánh: ''Lời'' là Giêsu, cũng là Thiên Chúa, đã ''quên mình'' để xuống thế làm người, lại còn ''quên mình'' thêm lần thứ hai là chịu chết để gánh tội CỦA MỌI NGƯỜI.''

K- Đại Sư Vivakananda ở Ấn Độ

Ngài ấy phát biểu: ''Thượng Đế là Tâm O. Mọi Tôn Giáo đều là đường kính đi qua Tâm O. Nước là H2O. Nước đựng ở đâu cũng là nước.'' Như vậy, Đại Sư Ấn Độ cũng thừa nhận có Thượng Đế CHUNG cho mọi Tôn Giáo. Do đó, tôi hy vọng rằng người trong Tôn Giáo Bạn vui lòng thông cảm cho người Công Giáo khi họ dùng hai chữ ấy. Thiên Chúa đã hứa ban Ơn Cứu Chuộc cho loài người sau khi tổ tông của loài người, Adam và Eva, sa ngã. Khái niệm ''Công'' khai sinh TỪ ĐÓ vì ''công'' có nghĩa là ''cho tất cả, KHÔNG trừ ai.'' Chúa Giêsu xuống thế sau khi Đức Phật sinh ra là điều quá hiển nhiên như nhiều người vẫn nói: ''Phật Thích Ca sinh ra trước Chúa!'' Nhưng tôi xin thêm chữ ''Cứu Thế'' sau chữ ''Chúa'' vì Ngài xuống thế (sinh ra làm người) sau Đức Phật VÌ ''hứa'' và ''thực hiện lời hứa'' là hai THỜI ĐIỂM xa nhau! LỜI là Giêsu vì Ngài đã phán dạy cho người Do Thái biết Ngài là Đấng Hằng Hữu, lại còn khẳng định như sau: ''Ta hằng hữu trước khi có Abraham!'' (2) Vả lại, Ngài cũng là Thượng Đế mà Đại Sư Ấn Độ gọi là Tâm O. Đạo Thờ Chúa Trời BẮT ĐẦU từ khi có con người, chứ KHÔNG phải cách đây chỉ hơn hai ngàn năm mà thôi!

L- Do Thái Giáo có Cựu Ước và Kitô Giáo có cả Cựu và Tân Ước

Chúa Giêsu KHÔNG hủy bỏ Cựu Ước như Lời Ngài Phán: ''Đừng tưởng rằng Ta đến để phá Lề Luật, NHƯNG mà để làm cho Lề Luật nên trọn hảo.'' Do đó, Kinh Thánh gồm có Cựu Ước và Tân Ước. (Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người.) Chúa Giêsu lập nên Giáo Hội với mục đích là MỜI MỌI NGƯỜI vào trong đó là ''Đàn Chiên cùng một Chủ Chăn'' như Lời Ngài phán: ''Vậy, các con hãy đi làm MUÔN DÂN trở thành môn đồ của Ta, thanh tẩy HỌ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần...'' (Mathêô 28,19)

M- Chữ ''Công Giáo''

''Khái niệm'' CÔNG GIÁO được cụ thể hóa và CÔNG khai hóa bằng chính Lời của Chúa Giêsu: ''Những gì Ta truyền cho các con trong bóng tối, hãy nói ra NƠI ÁNH SÁNG. Những gì Ta truyền cho các con bên tai, hãy lên hô TRÊN mái nhà.'' (Mathêô 10,27)
Vâng Lời Ngài dạy, nhờ Ơn Thánh Linh, các Tông Đồ mạnh dạn CÔNG khai tuyên xưng Đức Tin, Thánh Sử Gia ghi lại Tin Mừng, Thánh Luca viết Sách Tông Đồ CÔNG Vụ, Thánh Phaolô viết tám thư cho CỘNG Đoàn, bốn thư cho cá nhân mà cũng là CHUNG, các Thánh Giacôbê, Phêrô, Gioan và Giuđa (Thánh) cũng viết bảy thư khác, gọi là Thư CHUNG: Lettres CATHOLIQUES. Ngoài ra, còn có ''Khải Huyền'' được Thánh Gioan ghi lại, cũng là Lời Chúa rao truyền cho hết MỌI NGƯỜI. Khái niệm ''cho hết mọi người'' cũng giống bên Phật Giáo quan niệm: ''PHỔ độ CHÚNG sanh''! Chữ ''Bác Ái, Từ Bi'' không tặng riêng ai! Cánh cửa nhà thờ, Caritas, nhà chùa sẵn sàng mở rộng để đón tiếp BẤT CỨ người nào!!! Chữ ''Công'' còn được dùng cho các Hội Nghị của các Nghị Phụ trong Hội Thánh, gọi là ''CÔNG ĐỒNG''. Sau khi Chúa về Trời, Giáo Hội đã lan rộng KHẮP NƠI, Tông Đồ đúc kết Lời Chúa bằng Kinh Tin Kính, có câu sau đây: ''Tôi tin Giáo Hội hằng có ở KHẮP thế này, các thánh THÔNG CÔNG...''
Sau đó, vào thế kỷ thứ IV, CÔNG Đồng Nicée-Constantinople (325-381) giữ lại ý vừa nêu và bổ sung một số từ: ''Tôi tin Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, CÔNG Giáo và Tông Truyền.'' (Anh-Em Tin Lành dùng chữ ''PHỔ thông'' thay cho chữ ''công giáo'' và bỏ chữ ''tông truyền'': Truyền lại qua Tông Đồ.)
Tự Điển Oxford London dùng chữ ''Catholic'' để chỉ Kitô hữu nói chung, và chữ ''Roman Catholic'' để chỉ Kitô hữu Roma tùng phục Giáo Hoàng. Ở Đức, Công Giáo và Tin Lành dịch chung Kinh Thánh để sử dụng trong nhà thờ, tại tư gia và các nơi khác. Như vậy, Chữ ''Tin Lành'' KHÔNG ám chỉ rằng bên Công Giáo là ''tin dữ''. Chữ ''Chính Thống Giáo'' cũng KHÔNG có ẩn ý rằng Công Giáo và Tin Lành là ''ngụy giáo''! Hồi Giáo cũng dùng CÔNG Lịch và cũng gọi Giêsu là ''Lời của Thiên Chúa'' theo nghĩa Ngài chỉ là Tiên Tri của họ mà thôi, chứ không phải Thiên Chúa.

N- Danh từ ''Thiên Chúa Giáo''

Thiên Chúa Giáo gồm có Do Thái Giáo, Công Giáo, Hồi Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành là những Tôn Giáo thờ một Chúa, chứ KHÔNG phải chỉ riêng cho Công Giáo như nhiều người hiểu lầm hay không có thiện cảm với ''chữ này'' vì họ nghĩ rằng ''tự vênh vang'' như thế là ''áp đặt'', rằng người ngoài Đạo nói theo là ''đồng tình'', là vô hình trung xem Đạo của mình như là ''Tư Giáo''!

O- Người ''có Đạo'' hoặc ''vô thần''

Hồi còn đi học, tôi vẫn đọc Báo ''CHÁNH Đạo'' của Phật Giáo. Danh xưng này KHÔNG hề có nghĩa: Tôn Giáo Bạn đều là ''tà đạo''! Phật Giáo có Phật Lịch, nhưng cũng dùng Lịch Chung (CÔNG Lịch) cho toàn thế giới là Dương Lịch. Người Việt nói: ''CÔNG Nguyên'', tức là ''Cái Gốc, Tiêu Chuẩn Chung'' để tính năm. Người Pháp, Anh, Đức... cũng gọi là: ''Thời Kỳ, Thời Đại, Kỷ Nguyên CỦA CHÚNG TA''. Chữ ''CHÚA Nhật, CHỦ Nhật'' là ngày mà ai cũng mong chờ để nghỉ ngơi vì, theo Sách Khởi Nguyên, vào ngày này, Thiên Chúa ngưng công việc Ngài làm. (Ngài ''làm việc'' trong sáu ngày là cách ''ấn định'' thời gian cho phù hợp theo suy nghĩ hữu hạn của con người. Thiên Chúa là Đấng ''phi thời gian, phi không gian'' vì Ngài là Tác Giả của chúng.) Người Pháp dùng chữ ''Dimanche'', do chữ ''dies dominicus'' (3) là ''ngày của Chúa: Jour du Seigneur.'' Người Anh, Đức dùng chữ ''Sunday, Sonntag'' là ngày của mặt Trời vì mặt Trời là biểu tượng cho Thiên Chúa như Đạo Cao Đài cũng thờ, vì để nhớ ơn Ngài như Thánh Vịnh có ghi: ''Vừng thái dương để cai ban ngày vì Ơn Ngài miên man vạn đại!'' (TV,135,8) Giáng Sinh là ngày Lễ CHUNG cho toàn thế giới. Ở Đức, ngoài quà Giáng Sinh, mọi người còn được lãnh ''Tiền Giáng Sinh''. Có nơi công nhân, công chức ngoài Ki-tô Giáo lại được hưởng ''lương tháng mười ba'' vì ý nghĩa của Đại Lễ này.

Lời kết

Tóm lại, chữ ''Công Giáo'' dịch sát nghĩa của chữ ''Catholique'' (4), gốc Hy-lạp là ''katholikos'', đồng nghĩa với ''universel: phổ biến, phổ thông, cho mọi người, cho toàn thế giới'' như chủ nghĩa ''Đại Đồng: Tứ Hải Giai Huynh-Đệ! Universalisme!'' Tiếp đầu ngữ ''uni'' có nghĩa là ''một''; chữ ''versel'' do gốc Latinh ''versus'' (5) là quá khứ phân từ của động từ ''vertere'' có nghĩa là ''quay quanh''. Như vậy, chữ ''universel'' có nghĩa rõ ràng là ''quay về MỘT mối'' chính là Ông Trời theo quan niệm của dân gian như đã trình bày. Việc làm của người đời, dù tốt hay xấu, được khen, bị chê, cũng gọi là ''công, công cộng, đại đồng'', huống chi là Giáo Hội do Chúa lập nên để đem tình thương của Ngài đến cho ĐỒNG loại! Chữ ''Công Giáo'', nếu hiểu theo cách khác, còn có nghĩa là ''Đạo Công Bằng'' vì không có ''Công Bằng, Công Lý'' là không phải ''Bác Ái''! Ngoài ra, theo Lời Dạy của Chúa qua Thánh Giacôbê: ''Đức Tin không có hành động là đức tin chết!'' Chữ ''Công'' là '' việc làm vì công ích, vì mọi người.''

Đaminh Phan văn Phước

PHẦN BỔ SUNG VỀ NGUỒN GỐC CỦA CHỮ ''DA-TÔ, GIA-TÔ''

Mới đây, sau khi viết bài này, thấy học giả kia bảo rằng người Tàu phiên âm chữ Jesus là Ye-su, rằng Nhà Nguyễn cũng viết Ye-su trong các dụ cấm đạo, nhưng, khi được phiên âm ra chữ Nôm, chữ ấy (Ye-su) lại được đọc là Da-tô hay Gia-tô. Học giả ấy cũng dẫn chứng rằng, trong Sách ''Chân Đạo Yếu Lí'' (1822), Giám Mục Paul-François Puginier đã viết: "Bằng tiếng Da Tô kẻ ghét đạo quen dùng, thật là tiếng vô nghĩa trong nước Annam..." Ngoài ra, Học Giả người Việt vừa nêu còn phát biểu như sau: ''Những người dùng danh từ Da-tô hay Gia-tô để chỉ đạo Công Giáo đều cố ý phỉ báng.''
Vậy, tôi xin mạo muội có ý kiến: Nên thông cảm cho Đức Giám Mục Paul-François Puginier bởi vì, dù có kiến thức uyên bác, là người Pháp, Ngài vẫn không thể nắm hết luật biếm âm trong tiếng Việt như sau: Chữ Canada được phiên âm thành Gia-nã-đại. (Âm ''ca'' thành âm ''gia''.) Trong khi đó, âm ''ye-su, giê-su'' khác xa âm ''da, gia'' một trời, một vực. Vì lẽ đó, chữ ''Da-tô; Gia-tô'' là do âm ''kato'' trong chữ KATHOLIKOS mà ra!!!
Xin nêu trường hợp sau đây để kính mong quý vị thông cảm thêm cho Đức Giám Mục Puginier: Trong Hán-Việt Từ Điển, Cụ Đào Duy Anh cũng giải thích không đúng về nguồn gốc của chữ Da-tô: (nhân) Người Do-thái, Cơ-đốc-giáo xưng ông là giáo-chủ, và gọi là Cơ-đốc. Da-tô giáo tức là Cơ-đốc giáo.
Nhận xét: Chữ Da-tô không chỉ ''người'' (nhân)! Đó là cách biến âm của ''catho'' như đã trình bày! Chữ ''Cơ-đốc'' là cách biến âm của ''Christo'' (Chúa Kitô) mà tôi sẽ nêu rõ trong bài khác. Chính vì ''hiểu lầm'' như Đức Giám Mục và Cụ Đào Duy Anh mà học giả (đã nêu) cho rằng Da-tô hay Gia-tô là cách phiên âm chữ Ye-su sang chữ Nôm, rằng cách phiên âm ấy là cố ý phỉ báng.
Ngoài ra, tôi cũng không đồng ý với học giả ấy và với một LM Pháp cho rằng Nhà Nguyễn lầm tưởng đạo do người Bồ Đào Nha nên gọi đó là HOA LANG. Trong bài khác, tôi sẽ viết rõ về gốc gác của chữ HOA LANG.

Ghi Chú:
1- Động từ ''lachen: cười'' và ''lenken: điều khiển'' cùng có quá khứ phân từ ''gelacht''! Bài khác sẽ nói về cách biến âm của chữ ''Catholique'', các chữ cùng một gốc với nó, các Danh Xưng của Chúa Giêsu được phiên âm không giống nhau …
2- ''Ta HẰNG HỮU trước khi có Abraham!'' (Avant qu'Abraham existât, JE SUIS. Before Abraham was, I AM.) Lời Ngài ''JE SUIS; I AM; (Ego) sum QUI SUM.'' (trong Gioan 8,58) có nghĩa là Giavê, tức Đấng Hằng Hữu. Cựu Ước ghi câu Thiên Chúa trả lời cho Môisê về Thánh Danh của Ngài: ''Je suis qui suis.'' (Ta là Đấng Hằng Hữu.) Cho nên, Giáo Hoàng Bênêdictô ''biến'' attribut (thuộc từ) của ''Je'' thành danh từ: ''Ich bin DER ICH-BIN-DA. Chữ ''suis'' thứ hai ở thì hiện tại (như trong Gioan 8,58) có ''giá trị'' cho hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Đó là thì ''présent vrai en tout temps'': hiện tại thực sự trong mọi thời. Dịch như tiếng Latinh-Pháp... thành ''I am WHO AM'' thì mới đúng, thay vì ''I am who I am.'' (chỉ một lần chủ từ I (Je) mà thôi. Có người Việt dịch sai thế này: ''Ta là Đấng (mà) Ta là!'' Câu ''Ego sum qui sum'' có ý nhấn mạnh thế này: ''Moi, Je suis qui suis; C'est Moi qui suis.'' (Chính Ta là Đấng Hằng Hữu: L'ÉTERNEL!)
3- Ngày trước, Giáo Hội viết ''dies dominica'' là hiểu theo nghĩa ''thời giờ của Chúa/thuộc về Chúa''. Với nghĩa ấy, ''dies'' có giống cái (féminin) nên tính từ ''dominicus'' phải thành ''dominica'' theo giống cái. (Từ điển Langenscheidtswörterbuch của Đức.) Chữ ''dies dominicus'' thì thông dụng hơn với ngoài đời và nhất là với học giả về Latin ở Châu Âu bởi vì ''dies'' có giống đực: masculin.
Chúng ta cũng có các từ như là: cena dominica: Tiệc (bữa ăn) của Chúa là ''Phép Thánh Thể''; oratio dominica: Paternoster / Pater Noster – Kinh Lạy Cha; corpus dominicum: Mình (Thánh) Chúa.
4- Chữ ''Catholic'' có ngữ nguyên Hy-lạp ''kata'' là ''among, into, to, for, in respect of …''; còn ''holos'' là ''the whole, all, altogether …'' Chữ ''holocauste'' là ''lễ vật toàn thiêu: bị thiêu hoàn toàn - victime entièrement brûlée''; Chữ ''causte'' do gốc Hylạp ''kaiein'' là ''đốt cháy''. Từ đó, chữ ''holocauste'' cũng có nghĩa là ''việc tàn sát tập thể''.

5- Chữ ''univers, université, universaliser...'' đều lấy gốc ''versus''. Chữ ''vers'' là '' về hướng''; chữ ''verser'' là ''đổ, đổ về, theo, đi theo''.