TIẾNG VANG
Hai cha con nọ đang đi men theo triền núi. Bỗng người con trai nhỏ trượt chân và ngã, em la lớn lên “Ối chao!”. Em lấy làm ngạc nhiên khi thấy ở miền núi xa có tiếng ai nhái lại “Ối chao!”.
Em tò mò la lên “Ngươi là ai?” thì em nhận lại tiếng nhái lại “Ngươi là ai?” Tức giận quá, em quát lên: “Quân đốn mạt!” thì em lại nghe tiếng nhái lại: “Quân đốn mạt!”.
Em nhìn người cha và hỏi “Thế là thế nào hở cha?”
Người cha mỉm cười và nói: “Này con hãy xem đây”.
Nói
rồi, ông nói lớn lên: “Anh hay quá!” thì nghe tiếng trả lời “Anh hay quá!”. Rồi
ông lại la lên: “Anh tuyệt vời quá!” thì cũng nghe tiếng trả lời “Anh
tuyệt vời quá! ”
Người con ngạc nhiên nhưng cũng vẫn chưa hiểu. Người cha ôn tồn giảng : “Đó là tiếng vang con ạ! Khi có những khoảng trống rộng rãi như ta có trước mặt đây thì các tiếng động lớn hay tiếng nói lớn nó sẽ dội lại như vậy.
Con nói những lời tức giận thì nó sẽ dội lại những lời tức giận, cha nói những lời đẹp đẽ thì nó sẽ dội lại những lời đẹp đẽ!
Ở đời cũng vậy! đời là sự dội
lại của các hành động của ta. Khi tâm ta có lòng từ bi thì chúng ta sẽ nhận lại
sự yêu thương. Khi ta hành động những điều xấu thì nỗi bất hạnh sẽ lại xảy đến
cho chúng ta.”
HAI
CÁCH DIỄN GIẢI
Ngày xưa, có vị Hoàng đế của một xứ Ả Rập nọ triệu một nhà tiên tri tới để hỏi ông sẽ sống được bao nhiêu năm.
Nhà tiên tri nói : “Bệ hạ sẽ sống lâu, sống dai tới mức Ngài sẽ chứng kiến được các cái chết của các con Ngài“.
Ông Hoàng tức giận vì lời nói xúc phạm, ra lệnh cho quân sĩ mang ra chém đầu.
Ông liền triệu một nhà tiên tri khác và cũng hỏi câu hỏi về tuổi thọ đó của ông. Nhà tiên tri này trả lời như sau: “Thưa Bệ Hạ, Ngài sẽ sống lâu, Ngài sẽ sống thọ hơn tất cả mọi người trong gia đình Ngài.
Ông Hoàng hoan hỷ và tặng rất nhiều tiền cho nhà tiên tri.
Hai nhà tiên tri đều nói lên sự thật nhưng một lời nói thì bộc trực và một lời nói thì uyển chuyển hơn.
Cùng một sự thật nhưng cách diễn giảng và cách dùng từ ngữ khôn khéo thì dễ lọt tai hơn.
TUY XA MÀ GẦN
Có
một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
“Tại
sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau ?”
Sau
một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:
“Bởi
vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!”
Vị
hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
“Nhưng
tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói
với một âm thanh vừa phải đủ nghe ?”
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng.
Sau cùng ông bảo:
“Khi hai
người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau
nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất
xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói
thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải
nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”
Ngưng
một chút, ngài lại hỏi:
“Còn
khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to
mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề
nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”
Rồi ngài lại tiếp tục:
“Khi
hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ
đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không
cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt
đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì ..”
Ngài kết luân:
“Khi các con bàn cãi với
nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận
kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách
nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì
các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về !”
TẠM THỜI
Một vị thầy tâm linh nổi tiếng đến trước cửa lâu đài của vị vua nọ. Vì Thầy nổi tiếng rồi nên các người lính canh không ai chặn ông lại khi ông đi vào và tiến thẳng đến trước mặt nhà vua đang ngồi trên ngai vàng.
- Ông muốn gì? - nhà vua hỏi.
- Tôi muốn có một chỗ để ngủ trong cái quán trọ này, ông ta đáp.
- Nhưng đây không phải là quán trọ, đây là tòa lâu đài của ta, Vua trả lời.
- Xin hỏi bệ hạ rằng ai là sở hữu tòa lâu đài này trước bệ hạ?
- Vua cha ta, Ngài đã chết rồi.
- Và ai là sở hữu trước cha của bệ hạ?
- Ông nội của ta, Ngài cũng đã chết.
- Và cái chỗ này, nơi mà người ta sống một thời gian ngắn rồi dọn đi. Như vậy thì nó không phải là một quán trọ mà bệ hạ đang ở đó hay sao?
°
° °
Sớm hay muộn gì tất cả
chúng ta đều phải dọn đi, kể cả đời này và nhiều đời sau nữa! Không có gì trong cuộc
đời này là thường hằng, mọi thứ trên đời này đều vô thường.
AN HƯỞNG CUỘC ĐỜI
Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán: "Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi".
Viên
cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất
càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ
vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, hắn lả
đi gần chết ở trong rừng.
Hắn
lẩm bẩm : "Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất
đai. Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!"
Hàng ngày, chúng ta gắng
sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới
mức xao lãng sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những
cảnh đẹp thiên nhiên. Hãy sống tỉnh thức, an
hưởng cái đẹp của thiên nhiên, tìm ra lẽ sống của cuộc đời.
CON CHIM BỊ MÙ?
Nơi khu vườn anh nhà văn nọ có một cây si rất rậm rạp, xanh lá quanh năm. Từ phòng viết của mình, qua một tấm cửa kính, anh có thể nhìn thấy cây si ấy.
Thói
quen của anh là thức sớm mỗi ngày để viết, và anh vô cùng ngạc nhiên khi ngày
nào, cũng có một con chim tới đâm đầu vào cửa kính phòng anh.
Nhiều
ngày liên tục, liên tục, sáng nào cũng vậy, anh đã có ý nghĩ:
Phải
chăng con chim đó bị mù? Hay bị một chứng bệnh nào đó?
Sự lý giải không được thỏa mãn, lại nhiều ngày tiếp tục trôi qua. Cho tới một hôm, anh quyết định bước ra khỏi cửa phòng mình, đứng về phía con chim, đối diện với tấm kính để nhìn vào căn phòng. Anh không thể tin nổi vào mắt mình. Trước mắt anh là một cảnh tượng quá đẹp đẽ. Một cây si lung linh xanh thẫm in hình trên tấm kính, như thể ở một nơi nào đó thật xa, trong một không gian rộng hơn, sâu hơn.
Và
anh biết, con chim nhỏ bé kia đã "chán" cây si quen thuộc mỗi ngày
của mình khi nó bất ngờ phát hiện ra một "cây si" khác. Nó đã đâm đầu
vào đó để mong tìm tới một nơi đẹp đẽ hơn, lung linh hơn,...
Đôi khi, chúng ta không biết những gì chúng ta đang có mới là điều quan trọng, là hạnh phúc thực sự của chúng ta, mà chúng ta cứ đeo đuổi những chuyện mãi đâu đâu.
CHIẾC VỸ CẦM MỘT DÂY
Niccolo
Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 đang đứng
chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây
quanh ông cùng hòa nhạc với ông. Bất chợt, một dây đàn bị đứt và treo lóng lánh
dưới cần đàn của ông.
Những giọt mồ hôi từ trán ông tuôn ra. Ông lo lắng nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến một cách tốt đẹp. Dây đàn thứ hai lại bị đứt trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng. Và ngay sau đó là dây thứ ba. Giờ thì có ba dây đàn bị đứt đang đong đưa trên chiếc vĩ cầm của Paganini, khi người nghệ sỹ bậc thầy này hoàn thành khúc cao trào với chỉ một dây còn lại. Khán giả nhịp chân và trong phong cách lịch thiệp của người Ý, đại sảnh đã ngập tràn những tiếng “hoan hô”.
Khi tiếng vỗ tay khen ngợi lắng xuống, người nghệ sỹ vĩ cầm này yêu cầu mọi người ngồi xuống. Mặc dù họ hiểu chẳng còn cách nào để mong ông biểu diễn phần còn lại, nhưng mọi người đều yên lặng ngồi xuống chổ ngồi của mình. Ông nâng đàn lên cao cho mọi người nhìn thấy. Ông gật đầu với người chỉ huy dàn nhạc để bắt đầu chơi lại và rồi quay mặt về đám đông. Với một ánh mắt ngời sáng, ông mỉm cười và nói to: “Đây là Paganini với một dây đàn!”
Rồi ông đặt chiếc đàn Stradivarius một dây dưới cằm và chơi nốt đoạn cuối với chỉ một dây đàn. Trong lúc khán giả lắc đầu trong tột cùng kinh ngạc.
Cuộc sống của chúng ta có lẽ luôn ngập tràn bao rắc rối, lo toan, thất vọng và những điều bất cập. Thành thật mà nói, chúng ta mất hầu hết thời gian để tập trung và băn khoăn về những dây đàn bị đứt đoạn, dở dang, và những điều bất chợt – tất cả đều không thể đổi thay được.
Phải chăng bạn vẫn đang buồn đau vì những
cung đàn bị đứt đoạn trong đời?
Có phải chỉ với dây đàn còn lại mà bạn sẽ
chơi lạc điệu không?
Nếu đúng thế, liệu tôi có thể khuyên bạn
đừng nản lòng, cứ tiếp tục và bắt đầu chơi lại chỉ với một dây đàn.
Hãy để nó ngân lên một giai điệu ngọt
ngào mà cả thế giới khát khao với đầy ngẫu hứng. Bạn có thể làm được nếu bạn muốn.
HUỲNH LỆ
NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét