Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ THIẾU NHI (8)




VII

PHƯƠNG PHÁP

            Phong trào có những phương tiện cần đem ra sử dụng để gúp nó đạt tới mục tiêu của nó.
            Những phương tiện đó, tuy có giá trị ở mọi quốc gia, nhưng đòi phải được thích nghi (xin xem những bằng chứng). Vì thế chương này chỉ trình bày những gì chủ yếu, căn bản mà thôi.
            Cố nhiên, phương pháp này dựa vào khoa sư phạm đã được bàn giải ở trên. Điều quan trọng cần nhắc lại đây là phải liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và hoạt động.

I.- CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN.

            Chiến dịch thường niên làm thành yếu tố cốt tử của Phong trào.

1)    BẢN CHẤT CỦA NÓ.

Nó là một qui tắc cho việc giáo dục và tông đồ, giúp trẻ em tự linh động từ bên trong nếp sống của thế giới chúng. Nó định hướng, chủ động hóa, tinh thần hóa hành vi tự phát của trẻ em trong gia đình, ở lớp học, khi giải trí, lúc ở với chúng bạn. Nó giúp mỗi em và toàn thể tăng trưởng, cải tạo bản thân và tích cực tham gia vào việc biến đổi, cải tạo thế giới trẻ con của chúng và tất cả môi trường chúng sống, để Chúa Giê su Ki tô năng được nhìn nhận, yêu mến và hiểu biết hơn.
_ CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN VỪA TRÌNH ĐỘ CỦA TRẺ EM. Nó thúc đẩy chính các em hành động. Chính chúng làm chiến dịch. Cho được thế, cần :
+ Nó có thể làm cho từng em chú ý, kích thích những năng khiếu của nó, là một thích thú cho đời nó, khiến nó quyết định nhập cuộc.
+ Nó cũng nhằm số trẻ em tối đa : ở bất luận tuổi nào, hoàn cảnh, môi trường, khả năng…
_ ĐỂ NÓ ĐÁP ỨNG NHỮNG NHU CẦU CỦA TRẺ EM, những nhu cầu chúng cảm thấy, cũng như những cái chúng không ý thức, nó phải bắt đầu từ những thực tại của đời sống trẻ em, và nó có thể diễn bày trong những thực tại đó, CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN PHẢI CHÚ TRỌNG ĐẾN :
+ nhịp điệu của thời gian : các mùa, đời sống học trò…
+ nếp sống của trẻ em, tùy theo lứa tuổi, tính khí, ham thích nhất thời, tục lệ của thế giới trẻ con (ví dụ : những trò chơi theo mùa) v.v…
+ đời sống Giáo hội, với chu kỳ phụng vụ và những nhịp mạnh của nó, với những biến cố vĩ đại đánh dấu thực tại Giáo hội địa phương, địa phận, toàn quốc và thế giới :
+ đời sống quốc gia, với những biến cố đang diễn ra và những trào lưu tiêu biểu.
+ đời sống thế giới,
+ những biến cố trong sinh hoạt của chính phong trào : sinh hoạt quốc gia và quốc tế, những kỷ niệm v.v..
_ CHIẾN DỊCH THƯỜNG NIÊN NHẤT THỐNG PHONG TRÀO TRONG MỘT QUỐC GIA, bởi lẽ toàn khối thiếu nhi cùng khởi hành một trật, cùng tiến tới một mục tiêu.

2)    VIỆC KHỞI THẢO RA SAO.

Điều cần là Chiến dịch Thường niên phải bắt đầu từ những thực tại của đời sống, vì nó chủ trương đáp ứng những nhu cầu của trẻ em. Như thế, cần phải biết những thực tại đó. Do vậy, mở cuộc điều tra là việc thiết yếu.

_ PHẢI THU THẬP NHỮNG GÌ ?

Điều quan hệ là phải thu thập đời sống của số đông trẻ em bao nhiêu có thể, với những phong phú chúng sống, những nhu cầu được phát lộ, những khó khăn chúng gặp. Cho được thế, cần có những sự kiện trẻ em đã sống, chứ không phải những suy tư hay những giả thiết của những người lớn về những thái độ của trẻ em. Cũng cần có một khái niệm chính xác về toàn khối thiếu nhi thuộc những môi trường khác nhau, ở bất luận hoàn cảnh nào.

_ CUỘC ĐIỀU TRA NHẰM NHỮNG AI ?

Điều tra càng sâu rộng càng hay : những người hữu trách của Phong trào, cha mẹ, giáo chức, giảng viên giáo lý, linh mục, tu sĩ, nữ tu sĩ, các nhà giáo dục khác nhau, các chiến sĩ thanh niên và trưởng thành… là những người, bằng cách này hay cách khác, có tiếp xúc với trẻ em, có thể đem lại một cách hữu ích quan điểm của họ. Cũng có thể, nhưng với những phương tiện thích hợp, hướng thẳng cuộc điều tra đó vào trẻ em.

_ ĐIỀU TRA THẾ NÀO ?

Có thể bằng những phương tiện khác nhau. Tốt hơn là có những kết quả trên giấy tờ, để còn có thể suy nghĩ sau. Trong trường hợp chuyện vãn hay phỏng vấn, cần biên chép thật chắc chắn hoặc ghi âm.
+ với thanh niên hay những người trưởng thành, tốt hơn là hỏi họ về những sự kiện sống đúng y như họ có thể quan sát chung quanh họ, trong khung cảnh thông thường họ gặp gỡ trẻ em :
+ những người hữu trách của Phong trào có thể thêm vào đấy những suy tư về năm qua, về Chiến dịch Thường niên trước…
+ với trẻ em, cần phải rất giản dị, chẳng hạn như hỏi xem chúng thích gì ở nhà, trong khu phố, ở trường… cái chúng ưng làm khi ở với những trẻ khác, chúng bàn cãi những gì với bè bạn, chúng thích làm gì sau này… Tại sao ?...

_ RỒI SAO ?

+ Những người hữu trách của Phong trào mở cuộc điều tra, thu lượm các câu trả lời và thử rút ra những thực tại của đời sống trẻ em, mà tất cả những cái đó phát lộ, những nhu cầu, những ham thích của chúng v.v. Rồi từ đấy khởi thảo những qui tắc hành động chủ yếu.
Việc suy tư này tế nhị và khó làm. Phải tránh đừng giải thích quá vội vàng và nông cạn những yếu tố vừa nắm được trong tay.
Chẳng hạn, để trả lời câu hỏi : “em thích làm gì sau này?” một số quan trọng những em bé gái đã thưa : “làm nữ y tá”, thì có thể kết luận ra sao?
Điều lý thú ở đây là người ta chọn cái nghề không hẳn vì nó.
Mặt khác, rất may mắn vì nhiều lý do, mà những em bé gái được hỏi phần đông đã chẳng trở thành nữ y tá thật. Đối với chúng ta, điều quan hệ là sự lựa chọn đó có thể cho chúng ta thấy tâm trạng các em bé gái hôm nay. Do đấy, cũng cần phải biết cái lý do khiến chúng lựa chọn, cái “Tại sao”. Thật cũng dễ hiểu khi em gái nói mình chọn nghề đó bởi vì em muốn bớt sự đau khổ, muốn chữa bệnh… Nó phát lộ một tấm lòng quảng đại, một sự hiệp thông với những người khác, em đó thường lớn hơn em gái trả lời mình thấy sắc phục đẹp đẽ của mấy cô nữ y tá.
Không thể đưa ra thêm nhiều ví dụ, nhưng cần phải kéo sự chú ý cách riêng về điểm này. Cũng đừng do dự nhờ những người có đầy đủ khả năng về tâm lý học giúp giải thích những kết quả của các cuộc điều tra.
+ Chiến dịch thường được khởi thảo ở cấp độ một quốc gia hay một nhóm những quốc gia đồng ý với nhau, nếu có những thực tại gần gũi nhau. Ở trường hợp này, những người hữu trách địa phương gửi tới nhóm hữu trách địa phận hay toàn quốc những kết quả các cuộc tra cứu của mình . Nhưng khi chưa có nhóm hữu trách địa phận hay toàn quốc thì công việc cũng rất có thể thực hiện ở cấp độ địa phương mà thôi , những người hữu trách khi đó sẽ xây dựng một chiến dịch  thường niên cho xứ đạo hay cho khu vực của mình .
+ Chiến dịch thường niên theo thông lệ mở trong một năm . Nhưng không phải không thể, trong ít nhiều hoàn cảnh, hoặc kéo dài hoàn cảnh theo hướng đó một năm nữa , hoặc ngay từ lúc mở đầu đã dự trù một chiến dịch sống trong hai năm chẳng hạn . Trong trường hợp này, cũng như trong trường hợp chiến dịch chỉ kéo dài trong một năm, điều quan trọng là suy nghĩ, phải cho diễn tiến thế nào để trẻ em có thể nhập cuộc ở bất luận giai đoạn nào, mặc dầu chúng chưa sống ở giai đoạn trước .

           Chiến dịch thường niên làm sống động tất cả sinh hoạt phong trào . Chính nó là cội gốc những phương tiện khác nhau mà chúng ta sắp bàn tới, nó khuyến khích, nó đem hứng khởi cho những phương tiện đó . Nó giúp trẻ em tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng thế giới trẻ con của chúng , xây dựng quê hương của chúng , xây dựng chính Nước Chúa vậy .

II.- NHỮNG HOẠT ĐỘNG

          Một điều rất hiển nhiên là chiến dịch thường niên phải là công chuyện của trẻ em, còn việc xây dựng chiến dịch để đáp ứng những đòi hỏi mà chúng ta vừa mô tả, lại thuộc phạm vi những người hữu trách, những nhà giáo dục, mà để làm việc đó, họ ngoan ngoãn theo dõi cuộc sống và trẻ em .
         Một điều cũng rõ ràng nữa là không thể có chuyện trình bày một cách cao siêu cho trẻ em những kết quả các cuộc tra cứu của những nhà giáo dục để chúng khởi công . Làm như thế không phù hợp với khoa sư phạm của Phong trào .
         Một khi đã xác định đường hướng cho cả năm, chỉ còn phải diễn tả nó bằng những hoạt động, và chỉ đem đề nghị với trẻ em những hoạt động đó mà thôi .

CÁC ĐẶC TÍNH CỦA NHỮNG HOẠT ĐỘNG

1)    HÌNH THỨC CỦA CHÚNG

-        Đó là một hoạt động có hình thức trò chơi , điều kiện thiết yếu đê nó thích hợp với trẻ em, vì đối với chúng chơi là hoạt động chủ yếu và sinh tử .
-       Hoạt động đó được trình bày như mộc cuộc mạo hiểm để làm, kích thích sự hăng say và thích thú ; mạo hiểm không phải cái gì khác, mà là mạo hiểm về một cuộc sống thành công trọn vẹn của đứa trẻ .
-       Cũng là một cuộc khám phá; vì chúng ta không sai khiến, không bắt ép nó làm, mà trực tiếp gợi lên sự ham thích, tính máy động, những năng khiếu của nó, khiến đứa trẻ tự ý dấn thân .
-       Đây là một hoạt động hết sức mềm dẻo, có thể thích nghi với trẻ em tùy theo lứa tuổi, những ham thích, những khả năng của chúng . Điều quan hệ là không làm để mà làm . Nhưng làm để đạt một mục tiêu, cái mục tiêu cần được tìm tòi, lực chọn .
2)    TRÌNH BÀY CÁC HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO ?

       Những phương tiện cụ thể ở mỗi nước mỗi khác : tùy tình trạng Phong trào, những khả năng vật chất . Nơi dùng báo chí , có nơi dùng truyền đơn, bích chương, thông cáo, trò chơi …… cũng có thể nghĩ đến truyền thanh, truyền hình …..
       Điều quan hệ là những phương tiện đó phải được đặt đúng vào thế giới trẻ con , như một thành phần thuộc thế giới đó, làm cho trẻ ham thích, chú ý và phát động trò chơi .

3)    NHẰM NHỮNG AI  ?

      Nhằm toàn thể thiếu nhi, theo cái chân tướng của chúng hôm nay, dẫu chúng thế nào đi nữa . Những hoạt động đó phải để cho từng em tham gia vào, đưa ra  những ý kiến của nó, để cuộc chơi thành công tối đa . Tất cả các em phải được nhập cuộc, dẫu có vào đoàn hay không .

4)    NHỮNG HOẠT ĐỘNG ĐÓ GIÚP GÌ ?

       Mang theo trong mình một lý tưởng, những hoạt động đó giúp các em đặt một tinh thần mới vào những hành vi trong đời sống hằng ngày, và thực hiện một đôi điều dễ thương với bạn bè các em thường gặp . Những hoạt động đó giúp trẻ em sống hoàn hảo hơn những giá trị Ki tô giáo với những người khác và giữa những người khác .
       Những hoạt động đó để cho trẻ em khám phá những phong phú , và sự hùng tráng của thế giới, những giá trị quan yếu của con người (lòng nhân hậu, quảng đại, ngay thẳng, tình thương …..) , trật tự Tạo Hóa đã an bài, địa vị và vai trò của loài người trong việc tiếp tục công trình sáng tạo …..
       Các em cũng khám phá cả tội ác, sự khn cùng , bất hạnh và kế hoạch Cứu chuộc của Chúa , giá trị của cố gắng và hy sinh, ý thức về người khác, niềm vui sống một cuộc đời đích thực trong bác ái …..
       Dần dần các em ý thức giá trị việc chúng làm, sự cần thiết chúng phải tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước, thế giới, Giáo hội .

       Như thế, những hoạt động ảnh hưởng tới đời sống trẻ em không giới hạn vào đúng lúc trò chơi diễn tiến . Chúng biến cải dần dần tâm trạng của các em , quan niệm của các em về thế giới và về những người khác . Toàn bộ các thế giới trẻ con, với những phe, những nhóm của nó, được biến cải sâu xa, bị đảo lộn, dần dần chúng ý thức mục tiêu chúng đã cùng nhau đeo đuổi và khám phá mà không hay biết, chúng hành động như thế nhân danh ai và cho ai .

III.- NHỮNG CỘNG ĐỒNG

       Cộng đồng , hay những nhóm nhỏ trẻ em quay quần xung quanh một người hữu trách, là một trong những căn bản chủ yếu của sinh hoạt Phong trào .Nhờ đáy, việc tông đồ mới vững bền , việc giáo dục Ki tô giáo mà Phong trào cần ban phát cũng được đảm bảo . Chính vì thế, Các cộng đồng thường được dàn riêng cho trẻ em Công giáo , dự tòng và chính thống trong ít nhiều trường hợp (xem phụ lục I ) .

1)    MỤC TIÊU CỦA NHỮNG CỘNG ĐỒNG

      Trẻ em được kêu mời mang đến cộng đồng tất cả những gì làm nên nếp sống hằng ngày của chúng trong gia đình, tường học, khu phố, cùng với chúng bạn…. nếp sống náo nhiệt phần nào là nhờ ở Chiến Dịch Thường Niên .
      Qua tất cả những cái đó mà chúng được tự do lựa chọn, chúng khám phá cách cụ thể những đòi hỏi của đời sống Ki tô hữu của chúng .
      Chúng nhận thấy Đức Ki tô hiện diện trong đời chúng và những kẻ khác, và như thế , chúng khám phá ý nghĩa hành vi của chúng  và của kẻ khác . Nhân đấy, chúng được dìu dắt đến chỗ thay đổi thái độ, lối sống của chúng và chiếu giải thêm đời sống bác ái ở chính nơi chúng sống .

2)    SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG ĐƯỢC THỰC HIỆN RA SAO ?

       Phong trào là một phong trào tông đồ, một phong trào thiếu nhi . Đừng quên yếu tố nào trong hai yếu tố đó .
       Để đạt mục tiêu, những cộng đồng cần phải :

  • LẤY TRÒ CHƠI LÀM CĂN BẢN :  địa vị đặc biệt của trò chơi trong sinh hoạt Phong trào đã được thiết định nhiều lần . Trẻ em chỉ hiểu rõ cái mắt nó thấy, tay nó sờ, nó mó …. Nó hiểu qua những đường lối cụ thể .
        Trò chơi, bài hát, chuyện vui, thủ công, các kỹ thuật khác nhau ….. mang theo những giá trị căn bản . Chính qua những cái ấy mà đứa trẻ phát biểu và được mở mang về phương diện bản thân cũng như cộng đồng .
        Qua trung gian những kỹ thuật khác nhau mà trẻ em đem chính đời sống của chúng đến và phát biểu  tất cả những gì chúng và những trẻ khác làm .
         Đấy là những phương tiện cụ thể mà chúng cũng cần đến, để phát huy việc tông đồ của chúng, nâng đỡ hay phục hồi lại .

  • VIỆC LÀM CỦA TRẺ EM :  các cộng đồng phải để cho trẻ em tự động tổ chức với nhau . Sinh hoạt cộng đồng là công chuyện của trẻ em . Người hữu trách có mặt đấy là để gợi ý, khuyến khích, dẫn lối, giúp đỡ chúng ý thức ; chứ không  “ chỉ huy” .
         Các cộng đồng phải để cho mỗi em cảm thấy thoải mái, tìm được vị trí riêng của nó , phù hợp với khả năng, sở thích và sự quảng đại dấn thân của nó .

  • MỞ RỘNG CỬA :  hết thảy trẻ em có thể tham gia sinh hoạt những cộng đồng Phong trào, cần cảm thấy mình được mời vào và khi nào thích thì đến, mặc dầu không đến đều đặn .
@- Điểm này đòi hỏi trẻ em phải tổ hợp làm sao để được thoải mái :
      Điều quan trọng là phải lưu tâm đến lứa tuổi, phái tính, học lực, môi trường, hoàn cảnh (những em tàn tật chả hạn ) .
      Cũng cần một số khá đông trẻ em để có đời sống tập đoàn thật sự, ngoại cảnh thuận lợi …. Nhưng đừng quá đông , chẳng vậy, khó có thể thực hiện được cái lẽ tại sao lập cộng đồng .
      Thế có nghĩa là đừng do dự lập thêm những cộng đồng khác khi cần . Chính trẻ em phải điều khiển .

@ Điều tối quan trọng là chính sinh hoạt cộng đồng phải ăn nhịp với đời sống thiếu nhi . Những buổi họp có thể tổ chức hằng tuần hay nửa tháng. Có thể cần phải thưa hơn , nếu trẻ em ở xa nhau. Phải liệu sao cho nó ăn nhằm với đời sống trẻ em . Nếu như thưa thưa mới họp, thì buổi họp, phải kéo dài thêm để cộng đồng có thể thành hình, các em mới được thoải mái và quen thân nhau .Dù sao chăng nữa, ngày giờ họp phải được ấn định cùng với các em, có thể cùng với cả gia đình các em nữa .

@ Địa điểm họp cũng có tầm quan trọng của nó : Địa điểm phải dễ lui tới đối với trẻ em, không những do địa thế , mà còn do hoàn cảnh nữa . Chẳng hạn, tại ít nhiều nước, chỗ họp nằm trong trường học có thể là trở ngại lớn cho trẻ em và gia đình chúng lui tới .

Sự tham gia sinh hoạt một cộng đồng cho trẻ em cảm thấy mình là một thành phần hoạt động của một Phong trào . Đấy là một cuộc Giáo hội thực nghiệm vừa tầm vóc mà chúng sống như thế . Đối với trẻ em, thường là một trong những khám phá đầu tiên của  chúng về Giáo hội ở trình độ chúng . Từ đây, chúng hiểu dễ dàng hơn thế nào là Giáo hội, cộng đồng Ki tô hữu tuyệt luân, là Chúa Giê su Ki tô kế tục, và kế tục một phần nhờ chúng trong thế giới trẻ con của chúng .

IV.- THĂNG TIẾN BẢN THÂN

        Khoa sư phạm chúng ta chủ trương là khoa sư phạm nhân bản, nghĩa là giúp đào tạo con người của từng đứa trẻ . Mối lo lắng đó được biểu lộ qua các hoạt động do Chiến Dịch Thường Niên đề nghị với trẻ em và cuộc sinh hoạt các cộng đồng thiếu nhi . Những cộng đồng này nỗ lực lưu tâm tối đa đến từng cá nhân đứa trẻ, để đáp ứng những nhu cầu và khả năng của nó, giúp mỗi em tìm được chỗ đứng của mình . Phong trào đề nghị cụ thể  hóa một cách rõ ràng hơn nữa khía cạnh hoạt động đó bằng cái gọi là Thăng Tiến Bản Thân .

-       CÓ ĐIỀU GÌ QUAN HỆ ĐÂY ?

….. đề nghị với trẻ em tham gia sinh hoạt những cộng đồng , và những ai muốn thì quả quyết bước tới để khám phá thêm thiên chức làm con cái Chúa của mình và trả lời với một tình yêu lớn lao hơn .

-       PHẢI LÀM THẾ NÀO ?

Nói cách chung là đề nghị  với đứa trẻ  lựa chọn một cố gắng trong một khu vực đời nó : gia đình, trường học, khu phố, các cuộc chơi đùa ….. để đời nó thêm phù hợp với phúc âm . Cố gắng đó kéo dài trong ít nhiều tuần lễ, giúp nó tiến bước trong tình yêu những kẻ khác và Đức Ki tô .
             Mỗi đứa trẻ phải được tự do hoàn toàn khi lựa chọn . Chỉ vận dụngđến lòng quảng đại của nó mà thôi .  Đấy là công việc giữa Chúa và chính nó .
            Quãng thời gian đó thường có kèm theo việc đào sâu về mặt giáo lý và thiêng liêng, đứa trẻ lại dồn cố gắng của nó vào đấy .
            Cũng nên đề nghị với đứa trẻ biên ghi một cách cụ thể những gắng gỏi của nó vào sổ tay hoặc bằng bất cứ phương tiện nào xét là có ích .
            Trong lúc nó bước đi, đứa trẻ cần cảm thấy nó đượccả cộng đồng của nó nâng đỡ .
            Cũng có thể nghĩ đến việc cho đứa trẻ tuyên hứa trong một nghi thức có trao một dấu hiệu để minh chứng một cách cụ thể bước tiến của nó .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét