Hòa Giải
Dụ ngôn về người cha nhân hậu là một trong những áng văn chương đẹp nhất của Tin Mừng. Chỉ một mình Luca, tác giả của Lòng Thương Xót Chúa, ghi lại dụ ngôn đặc biệt này. Với lối hành văn nhân cách hóa, tác giả đã diễn tả hình ảnh Thiên Chúa qua người cha nhân hậu, yêu thương và quảng đại đối với con cái mình. Ông thương cả hai người con, đứa con thứ hoang đàng trác táng, cũng như thằng con trưởng vô ơn lãnh đạm. Lòng người cha là như thế đó. Hổ không nỡ ăn thịt con, chẳng cha mẹ nào có thể quên con mình. Lòng cha cao như mây trời, tình mẹ mênh mông như biển rộng.
Nếu chẳng có ngôn từ và giấy bút nào tả hết tình cha nghĩa mẹ, thì cũng chẳng có văn chương nào diễn tả được tình thương bao la của Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất (Ep 3,14). Lòng bao dung của người cha, tình thương mến của người mẹ đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phán ảnh tình yêu cao đẹp viên mãn ấy, đồng thời dẫn đưa ta tới nếm hưởng và cảm nhận tình Chúa yêu ta.
Hình ảnh người cha mời gọi chúng ta hãy xét mình trước mặt Chúa. Có thể chúng ta đang lang thang lạc loài như người con thứ, sống hoang đàng trác táng, bỏ nhà ra đi, phung phí gia tài. Suy nghĩ về tình Chúa yêu thương sẽ làm cho chúng ta tỉnh ngộ và lên đường, đoạn tuyệt với quá khứ nhem nhuốc đầy tộ lỗi để trở về sống trong tình Chúa yêu thương.
Có thể chúng ta giống như người con trưởng, đang sống gần cha mình mà lòng lại xa lắc xa lơ. Sống với cha mà lòng đầy ích kỷ vụ lợi và toan tính. Suy nghĩ về tình Chúa yêu thương sẽ giúp chúng ta sống thật với con người của mình hơn, đồng thời lo lắng chu toàn trách nhiệm trong hoàn cảnh cuộc sống cụ thể, nếm hưởng hạnh phúc ngọt ngào mình đang có trong tầm tay, nơi những người thân đang ở xung quanh mình, vì họ chính là hiện thân của Thiên Chúa tối cao.
Thiên Chúa luôn mong đợi chúng ta trở về. Hình ảnh người cha ngày đêm trông ngóng và “vội chạy lại khi thấy con còn đang ở đàng xa” cho thấy Thiên Chúa luôn giang rộng vòng tay yêu thương để đón nhận chúng ta. Tha thứ và yêu thương là chính bản chất của Thiên Chúa. Đó cũng là sáng kiến của Ngài để hòa giải với con người và thế gian.
Như thế, sứ điệp hòa giải được gửi đến mỗi người chúng ta, như một điểm nhấn quan trọng của Mùa Chay. Hòa giải với Chúa, với anh chị em mình để được sống niềm vui cứu độ. Nếu chúng ta có thể được hòa giải với Chúa, là vì chúng ta có Đức Giêsu là Đấng trung gian, là người dẫn đường đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Cha. Thánh Phaolô đã năn nỉ các tín hữu Cô-rinh-tô: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”.
Làm hòa với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải làm hòa với nhau. Chấp nhận tha thứ là chấp nhận thiệt thòi về phần mình. Chấp nhận tha thứ cần phải vượt lên những mặc cảm của chính bản thân. Cũng như người cha đã bỏ qua mọi lời thị phi của làng xóm, chạy ra đón đứa con trở về, chúng ta cần can đảm bỏ qua mọi thành kiến để sống lời mời gọi hòa giải của Mùa Chay. Khi sống tinh thần hòa giải, chúng ta được hưởng niềm vui của những người con trong cùng một gia đình Thiên Chúa và được dự tiệc vui của niềm hạnh phúc trở về.
Vâng, Chúa đang chờ đợi, nào chúng ta hãy trở về với Ngài, ngay hôm nay, với những việc làm cụ thể và xuất phát từ lòng yêu mến.
+Gm Vũ Văn Thiên
gphaiphong .org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét