KÝ
ỨC
NHỮNG
BẬC TRƯỞNG THƯỢNG
HÙNG
DŨNG ĐÀ NẴNG
Lm
Giuse NGUYỄN TRUNG THÀNH
1- CHA PHANXICO XAVIE NGUYỄN
XUÂN VĂN
Niên khóa 1966-1967 , tôi đi “ giúp xứ “ năm thứ hai ở Phước Thành , Hòa
Khánh . Nghe Cha Nguyễn Xuân Văn , cha sở Phước Thành , kể lại : sau đại lụt “
năm thìn , 1964 “ , cha con phải bỏ nhà cửa , ruộng vườn ra tạm trú ở đồi Hòa Cầm
, rồi định cư ở Hòa Khánh . Vì vất vả lập nghiệp , nên cha bị bệnh đau
dạ dầy . Ngài xin Đức Cha Phê rô Phạm Ngọc Chi
cho thầy đến giúp xứ . Các thầy
khác đã được các cha xin, chỉ còn hai anh em chúng tôi là tôi và cha Hạnh chưa
có cha nào xin . Ngài xin cả hai . Ngài về kể lại cho Đức Cha Sách , cha sở Phước
Quang . Đức Cha xin ngài nhường cho một
thầy . Ngài nhường cho Đức Cha muốn chọn thầy nào thì chọn . Đức Cha bảo ngài có công xin thì chọn trước
, thừa mới đến ngài .Thât ra cả cha Hạnh và tôi đều là “ người thừa “ . Cả hai
người cha Văn đều không quen biết , vì chúng tôi quê mãi miền Nam, nhập tịch Đà
Nẵng . Cha Văn biết cha Thuận , cha quan thày của tôi , ngài nhận tôi . Nhờ “cái
danh “ của cha bố , tuy là thừa, nhưng tôi chỉ “ thừa “ một lần , lần thứ hai
thì cũng vinh dự được “ chọn “ ; chứ không
như cha Hạnh bị “ thừa “ cả hai lần .
Nhờ năm giúp xứ lần đầu ở Đông Mỹ, Phú
Yên năm 1963-1964, tôi đã quen sinh hoạt thiếu nhi , nên về Phước Thành thiếu
nhi Phước Thành có “máu” hơn các xứ khác
. Nói là “ quen “ cho oai, chứ có quen gì đâu . Sau khi ông Ngô Đình Diệm bị lật
đổ, cha xứ và các thầy bỏ về Sài gòn , chỉ còn cha phó và tôi . Đã hai đêm “ ai
đó “đem súng vào bắn từng phòng , may mà đã trốn vào phòng mặc áo , nên không chết . Thêm vào đó giáo dân sợ hãi
đã bỏ đạo gần như một nửa . Buồn và chán lắm . Mình đã buồn chả nhẽ lại làm cho
bổn đạo chán ? Nên lập đoàn thiếu nhi
cho hết buồn , hết chán . Nhờ những giờ sinh hoạt trước giờ đọc kinh chiều, giáo
xứ quên nỗi “ buồn “ , và thêm hứng khởi .
Cha Văn muốn thiếu nhi có “ danh “ , có “ bảng hiệu “ cho oai . Ngài
bảo tôi liên lạc với cha Bùi Hữu Ngạn lập Hùng Dũng . Phương tiện đi lại hạn hẹp, xe đạp cũng không có . Có lần
đi tĩnh tâm , tôi và cha Hạnh đi bộ từ Hòa Khánh xuống Đà Nẵng , Đến An Hòa gặp
cha Ngạn . Cha Ngạn đưa cho mấy cuốn sách về đọc . Đọc cũng chẳng hiểu , may nhờ
có cha Hạnh ở bên Phước Quang chỉ bảo .
2- CÁC CHA SỞ QUẢNG NAM
Lúc đó giáo phận Đà Nẵng cũng có Hiệp Hội
Thánh Mẫu . Họ sinh hoạt rất “ le lói “ , nhất lại là con cái của cha Vinh sơn Đinh
Duy Trinh , Giám đốc Công Giáo Tiến Hành
giáo phận . Vậy mà không hiểu sao hầu hết các cha sở của các xứ đạo quảng
Nam đều thích lập Hùng Tâm Dũng Chí . Phải chăng HTDC đã có thời các cha , từ
thờ Pháp ? HTDC tuy ngoại lai, từ Pháp nhập cảng vào , nhưng nhập đã lâu, nên đã
trở thành “ hàng nội “ , không còn “ hàng
ngoại “ nữa . Do đó tất cả các xứ hạt “ Tam Kỳ “ , hạt Hội An và hạt An Ngãi đều thành lập Hùng Tâm Dũng Chí
, thậm chí có nhiều xứ đạo di cư năm 54
cũng lập HTDC . Các cha đã trở “về nguồn” , về “ tắm ao ta “ , về mua “ hàng nội “.
Xin kể các xứ đã lập HTDC : An Hòa năm
1962 , Trà kiệu 1964 , Hội An 1964 , An Ngãi 1964 , Hòa Cường 1964 , Thanh Đức 1964
, Phú lộc 1964 , Phú Thượng 1964 , Tam kỳ 1964 , Nội Hà 1965 , Cồn Dầu 1965 , Tín
Đức 1965 , Nhượng Nghĩa 1965 , Phước Thành 1965 , Phước Quang 1966, Phước Nghĩa
1966, Phước Tân 1966 , Vĩnh Điện 1967, Ái Nghĩa 1967 , Gia Phước 1968 , Chu Lai
1967 , Phước Hà 1968 , Phước Xuân 1968 , Hòa Thuận 1968 , Hòa Cường 1968 , Ngọc
Quang 1968 , Chánh Tòa 1972 , Hoa Lam 1972 , Cẩm Hòa 1972 ……
3- CHA AN TÔN TRẦN VĂN TRƯỜNG
Năm 1971 vì cứng đầu cứng cổ , tôi bị
phạt đi “ giúp xứ “ năm thứ tư và thứ năm , . Tôi được cha Trần Quang Châu đưa
về Nhà Thờ Chánh Tòa . Cha Châu bảo tôi :
“ Cha
bề trên Nguyễn Quang Xuyên rất muốn lập
HTDC tại Nhà Thờ Chánh Tòa . Bác nó không có khả năng , chú mày về giúp bác
“ . Thế là mục đích giúp Chánh Tòa là để lập HTDC .
Cái rủi có cái may . Tôi được gặp ông
chuyên gia HTDC , cha Trần văn Trường , đang
là phó Chánh Tòa . Cha Trần Văn Trường thì ai cũng biết rồi : sâu sắc và dễ thương , làm việc gì cũng “ ngâm cứu “đàng
hoàng .
Trước hết , ngài dẫn một số tình nguyện viên
đi điều tra môi trường sinh sống của thiếu nhi . Ngài vẽ bản đồ với các chấm
xanh đỏ để biết các thiếu nhi ở chỗ nào, hoàn cảnh ra sao . Sau đó , ngài tuyển
lựa các Hữu trách .
Ngài chọn ngày HTDC Chánh Tòa “ Gia Nhập Đại
Đồng “ . Ngày đó chính là ngày
27-12-1972 , ngày lễ thánh Gioan Tông Đồ , bổn mạng Cha Bề trên Nguyễn Quang
Xuyên . Từ đó mỗi chiều chúa nhật các em tới sinh hoạt đầy sân nhà thờ và sân
trường Thánh Tâm của các sơ Phao lô . Nhưng dường như các em ít thích tới sinh
hoạt , mà tới để nghe cha Trường kể chuyện , tập vũ , ra trò chơi …… nhiều hơn
.
4- CHA AN TÔN BÙI HỮU NGẠN
Cha Bùi Hữu Ngạn mở “ Chiến
dịch K.78 “ . Ngài xuất bản tờ “ Tương Lai “ để phục vụ chiến dịch . “Tương Lai “ tên tờ báo , tên tờ báo , do
cha Trườngđặt . Mỗi tuần ra một số , Cha Ngạn , cha Trường là chủ bút . Tôi là
cổ động viên , là “ chú bán báo “ . Báo để phục vụ chiến dịch , nên truyện , thơ
, nhạc …..phải phù hợp với nội dung của chiến dịch . Từ “ chú bán báo “ , cha
Ngạn khuyến khích tôi đi tìm những cộng tác viên …. Mỗi tuần kiếm cho được câu
chuyện , bài thơ , bài nhạc …..
Chúng ta biết cha Bùi Hữu Ngạn . Con người
mảnh khảnh , nhưng ôm nhiều mộng đẹp . Chẳng vậy mà ngài có nhà in, có trại gà
Dân Tiến lớn nhất Miền Trung , có đài phát thanh ……
Ngài là người không ngại bỏ tiền . Kỷ niệm 30 năm Hùng Tâm Dũng Chí , ngài xin cha Phục , dòng Chúa Cứu Thế , đi sang Pháp dự hội nghị . Ở nhà ngài tổ chức Vũ khúc “ Mặt Trời “ biểu diễn tại sân Nhà Thờ Chánh Tòa và in tập sách “ 30 năm Hùng Dũng “ .
Ngài là người không ngại bỏ tiền . Kỷ niệm 30 năm Hùng Tâm Dũng Chí , ngài xin cha Phục , dòng Chúa Cứu Thế , đi sang Pháp dự hội nghị . Ở nhà ngài tổ chức Vũ khúc “ Mặt Trời “ biểu diễn tại sân Nhà Thờ Chánh Tòa và in tập sách “ 30 năm Hùng Dũng “ .
5- ÔNG ĐAMINH TRƯƠNG VĂN THẠNH
Báo ra lò thì phải có người mua . Tôi không
là chú bán báo cho Đà nẵng mà là cho mọi xứ . Xứ gần thì chở báo bằng Honda, xứ
xa phải có xe hơi . Khỏi lo , xe hơi đã có ông Đaminh Trương văn Thạnh , chủ tịch HTDC giáo phận , cung cấp . Xe của ông trở thành xe của Hùng Dũng, xe báo
của Tương Lai . Nhiều khi đi xa , như đi vào bán tận Chu Lai , ông cung cấp cả
thức ăn đi đường …..
Con người ông ít nói, nhưng có nụ cười tươi
, nhất là có tấm lòng yêu thiếu nhi . Đi Mỹ rồi , ông vẫn nhớ . Hằng năm vẫn gửi
quà về .
6- ÔNG TRẦN VĂN MẦU
Hai người giáo dân đem lại sinh khí cho
HTDC Đà Nẵng là ông Thạnh và ông Mầu . Ông Mầu là người len lỏi các ngõ hẻm , các
khu phố , để tìm các hữu trách , các Hùng Dũng . Ông là người hâm nóng tinh thần Hùng Dũng cho
mọi lứa tuổi lớn cũng như nhỏ . Ông không những là người anh , mà có thể như người
cha lo lắng cho sự lớn mạnh của gia đình Hùng Dũng .
Ông Thạnh đã về với cha Courtois và cha
Ngạn , còn ông Mầu đến ngày Chúa gọi chắc cũng được Cha Courtois và cha Ngạn đón
đem vào thiên đàng ?
7- CHA ĐAMINH PHẠM MINH THỦY
Người họa sĩ cho báo Tương Lai là cha Đaminh Thủy , cha phó Chánh Tòa . Cha
cũng ít nói như ông Thạnh , nhưng rất chăm chỉ làm việc . Anh Ân , con ông Trưởng
Ty Thanh Niên , thỉnh thoảng ngoáy cho Tương Lai vài nét vẽ , còn tất cả do mười
ngón tay tài hoa của cha Thủy .
Nay cha ở Sài gòn , nhưng Hùng Dũng vẫn đến
với cha .
8- CHA GIOAN BAOTIXITA ĐÀO DUY KHẢI
Sau khi cha Ngạn qua đời , cha Trường cũng
từ chức Phó Giám Đốc , để nhường cho người trẻ . Các cha đã bầu cha Gioan
Baotixita Đào Duy Khải , tuyên úy HTDC Hội An, làm Giám Đốc .
Mình còn nhớ ; khi ở mái trường Đại Học Văn
Khoa Sài Gòn , nghe tin cha Ngạn qua đời , chính cha Khải lấy xe dzíp (jeep) chở
mình về Đà Nẵng . Dầu không kịp ngày đưa cha ra mộ , nhưng có thể về tổ chức ngày giỗ đầy tháng cho cha .
Trên đường về , đêm đó trăng sáng . Mình nhìn
trăng chưa ngủ . Còn cha Khải đã ngủ . Mình cảm hứng bài ca “Ai Bảo Người Chết ? “
Mình đánh thức cha dậy . Mình hát cho ngài nghe . Ngài bảo mình : “ Bao giờ bác chết , chú mày làm cho bác một
bài nhé ! “ . Bác đã đi xa , thế mà chú chẳng làm cho bác một bài nào
như bác dặn .
Sau năm 75, bác đi học tập . Học tập về ,
bác ở Đồng Tiến . Bị người ta đuổi , bác về ở nhà bà con . Bác không còn cha mẹ,
anh chị em . Bác buồn . Bác đi vượt biên . Không biết bác đã làm mồi cho cá mập
, hay hải tặc Thái Lan đã chôn bác trên bãi cát nào đó .
Thời cha Khải làm Giám đốc , mình làm phó
Trà Kiệu . Có thể nói cha Khải thường xuyên đến chở mình ra cha Hạnh ở An Hòa bàn
về Hùng Dũng . Cha sở Nguyễn Thành Tri đêm một mình buồn và hãi . Nhiều khi ngài
giận , la , không muốn có người đến chở mình đi .
Khi tổ chức trại HD cho cả hạt Hội An , ngài
bảo mình làm một bài hát cho ngày trại . Suốt tháng nặn đầu nặn óc chẳng ra .
Ngày mai trại , chiều nay xuống Hội An , trên xe nặn mãi lại ra bài “ Giã từ Hội An “ . Chị Tuyết , người
hữu trách nhiệt tình của Hội An , an ủi mình : “ Chắc chưa có chè bắp , nên nhạc
chưa ra ? “ Chị đi mua chè bắp . Lạ lùng ăn xong, bài ca “ Hội An Đất Thiêng Máu Hồng “
tự động tuôn ra . Sau năm 1975 gia đình chị vô Sài Gòn . Nhạc sĩ Đỗ Lễ là em của
chị . Nhớ Hùng Dũng thỉnh thoảng chị ra Đà Nẵng thăm . Chẳng ngại đường xa khó
khăn , chị vào cả Lệ Sơn thăm . Chị cũng vượt biên . Chị cũng đồng số phận như
cha Khải , cha tuyên úy của chị .
Viết lại những hình ảnh của “ Các Bậc Trưởng Thượng Hùng Dũng Đà Nẵng “để bớt nhớ , để
noi gương các đấng bậc tiếp tục hy sinh cho Hùng Dũng .
Sài Gòn Mùa Vọng
27 -11-2011
Lm Giuse NGUYỄN TRUNG THÀNH
( Trích
trong Đặc San VƯƠN LÊN –
MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2011
của Liên Đoàn HTDC Thánh Linh
Giáo Phận Đà Nẵng )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét