CHÚA NHẬT MÙA VỌNG II - NĂM A
Suy niệm của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?
Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.
1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.
Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.
Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.
Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.
Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.
Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.
2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.
Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.
Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.
3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.
Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.
Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.
Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:
Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…
Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.
Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét