Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

NĂM 2013 QUA VÀI SỰ KIỆN TIÊU BIỂU CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TOÀN CẦU



Kết thúc năm 2013,  
chắc chắn việc Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm và việc Giáo hội Công giáo có Tân giáo hoàng phải là sự kiện nổi bật nhất.



1. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm



        “Kể từ ngày 28-2-2013, vào lúc 8 giờ tối, Toà Thánh Rôma, Toà Thánh Phêrô, sẽ trở thành trống ngôi, và Mật tuyển viện sẽ được triệu tập để các vị có thẩm quyền tuyển chọn vị Tân Giáo hoàng”.
            Đó là lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các vị hồng y tham dự cuộc họp tại Roma vào buổi sáng ngày 11-02.

          Tin Đức Giáo Hoàng Benedicto XVII từ chức đã trở thành đề tài nóng của báo chí thế giới suốt những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/2013, sự bất ngờ của nó khiến nhiều triệu tín đồ công giáo trên toàn thế giới cảm thấy lo lắng, ít nhất cũng là về tình hình sức khỏe của Ngài và cũng không tránh khỏi những lời đồn đoán về lý do này.

          Nhưng khi xem lại các số liệu lịch sử liên quan đến tuổi trị vì của hơn 60 giáo hoàng từ thế kỷ 15 trở lại đây, người  ta  nhận ra đây là một quyết định đầy hiều biết, can đảm và rất hợp lý với một người có tiếng là uyên bác như Ngài.

          Thật vậy, phân tích các số liệu cho thấy số giáo hoàng nhậm chức ở tuổi ‘thất tuần’ 70 suốt 600 năm qua ngoại trừ một vài vị chẳng may qua đời ngay hoặc một vài năm sau khi nhậm chức, như giáo hoàng Callixtus III (GH thứ 209 nhậm chức 76 tuổi mất 79 tuổi, 1455-1458) hầu hết họ đều chấm dứt giáo triều của mình ở khoảng tuổi 85-87 chính là tuổi của giáo hoàng Benedicto XVI  hiện nay.

          Đó là các giáo hoàng Paul IV (thứ 223) nhậm chức 78 tuổi và mất ở tuổi 83 (1555-1559) / Gregorrius XIII (thứ 226) 70-83 (1572– 1585) / Innocent X, (thứ 236) 70-80 (1644-1655) / Clement X, (thứ 239) 79/86 (1670-1676) / Alexander VIII, 241, 79/80 (1689-1691) / Innocent XII, 242, 76/85 (1691-1700) / Benedict XIII, 245, 75/81 (1724-1730) / Clement XII, 246, 78/87 (1730-1740) / John XXIII, 261, 76/81 (1958-1963).
Chỉ duy nhất một giáo hoàng thọ và trị vì qua tuổi 80 là giáo hoàng Leo XIII, thứ 256, nhậm chức 67 tuổi mất 93 tuổi (1878-1903).

           Ðức Giáo Hoàng Benedicto tên tục là Joseph Ratzinger sinh năm 1927 tại thị trấn Passau ở Ðức. Ngài trở thành hồng y và tổng giám mục giáo phận Munich vào năm 1977,  trở thành cố vấn của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị 5 năm sau đó, và được bầu lên làm giáo hoàng sau khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị qua đời năm 2005.Ngài là vị  Giáo hoàng cao tuổi nhất khi được bầu lên năm 2005, vào lúc 78 tuổi.
        Báo chí khắp nơi sau một thời gian xôn xao,  bắt đầu khen ngợi Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI là người can đảm không chỉ vì quyết định từ chức này, mà còn vì chuyện Ngài đã chẳng hề sợ giáo hội bị xấu mặt khi mạnh dạn lôi ra ánh sáng nhiều vụ lạm dụng tình dục trong tu sĩ tại nhiều quốc gia mấy năm trước. Chẳng còn thấy ai chê trách Ngài là người ‘bảo thủ’ vì đã không khoan nhượng đối với tình dục đồng giới, phụ nữ làm linh mục và cả về chuyện phòng ngừa thai nữa!

2.Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng




           Sau gần 2 tuần trống toà, vào lúc 19g07 ngày 13-03 giờ Roma (1 giờ 7 phút sáng thứ Năm 14-03, theo giờ Việt Nam), Toà Thánh Roma đã có chủ chăn mới, chúng ta đã có Giáo hoàng! Qua 5 vòng bỏ phiếu, các hồng y đã trao cho Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires (Argentina), sứ vụ Giám mục Roma, kế vị Thánh Phêrô. Vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo 76 tuổi đã chọn tông hiệu Phanxicô và khai mạc thừa tác vụ Phêrô vào ngày 19-03.

                   
Huy hiệu

Miserando atque eligendo
Cảm thương và Lựa chọn

           Giáo hoàng Phanxicô (tiếng LatinhFranciscus )  tên thật: Jorge Mario Bergoglio .
           Sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires, Argentina trong một gia đình có năm anh em di dân gốc Ý. Bergoglio bắt đầu học Thần học sau khi có bằng Thạc sĩ Hóa học của Đại học Buenos Aires. Ngày 11 tháng 3, 1958,  gia nhập Dòng Tên ở Argentina. Đến năm 1969, ngài trở thành Linh mục và sau đó đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong Giáo hội. Từ năm 1998, trở thành Tổng Giám mục của Tổng giáo phận Buenos Aires. Đến năm 2001,Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong ngài làm hồng y.
           Ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài được bầu làm Giáo hoàng trong cuộc Mật nghị Hồng y sau khi Giáo hoàng Biển Đức XVI thoái vị trước đó vào ngày 28 tháng 2, thánh lễ Khai mạc sứ vụ Mục tử toàn thể Hội Thánh (lễ nhậm chức) được cử hành vào ngày 19 tháng 32013, trùng vào lễ kính Thánh Giuse. Vì ngài   sinh tại Argentina nên ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh, đồng thời cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên không phải từ châu Âu kể từ hơn 1200 năm qua (tính từ Giáo hoàng Grêgôriô III); và là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên làm người kế vị Thánh Phêrô. Tông hiệu của ngài, Phanxicô, cũng là tông hiệu lần đầu tiên được một Giáo hoàng dùng và nó được lấy từ tên của thánh Phanxicô thành Assisi.



3.Chân phước Gioan XXIII và Chân phước Gioan Phaolô II sẽ được tuyên thánh

                                                  Giáo hoàng Gioan XXIII 


             Cùng ngày thứ Sáu 05-07, cha Federico Lombardi S.J. Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo: Đức giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn án tuyên thánh cho hai vị tiền nhiệm đáng kính mà ngài rất yêu quý là Chân phước Gioan XXIII và Chân phước Gioan Phaolô II. Sau đó, vào ngày 30-09, trong Công nghị Hồng y thông thường và công khai về việc tuyên thánh cho hai vị Chân phước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định hai vị tiền nhiệm của ngài sẽ được nâng lên hàng Hiển thánh vào ngày 27-04-2014, tức Chúa Nhật II Phục Sinh, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót.
              Đức Phanxicô đã thông qua một phép lạ do đức Gioan Phaolô II thực hiện liên quan đến việc chữa lành một người phụ nữ Costa Rica khỏi chấn thương não nghiêm trọng. Ngài cũng sẵn sàng cho việc phong thánh đức Gioan XXIII mà không cần chờ quá trình thu thập tài liệu chính thức phép lạ thứ hai để đưa ra kết luận.
             Đối với trường hợp đức Gioan XXIII, phát ngôn viên Vatican cho biết, vì để kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II (1962-1965) và bởi vì “không ai nghi ngờ” về sự thánh thiện của đức cố Giáo hoàng nên đức Phanxicô quyết định tiến hành.
            Đức Gioan XXIII được phong chân phước dưới thời đức Gioan Phaolô II vào năm 2000. Vào thời điểm đó, ngài cũng đã kết hợp phong chân phước với một đức Giáo hoàng khác, đức Piô IX, vị Giáo hoàng cũng là vị vua thế tục cuối cùng và sau đó không còn nữa hình thức Giáo hoàng thế quyền vào năm 1870.
                                      Thi hài Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

4. Chầu Thánh Thể trên toàn thế giới






              Vào lúc 5 giờ chiều (giờ Roma) Chúa nhật 02-06, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ chầu Thánh Thể long trọng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma với hai ý chỉ: xin cho Hội Thánh Chúa trở nên dấu hiệu của sự hiệp nhất và cầu cho những người đau khổ dưới mọi hình thức. Cùng thời điểm này trên toàn thế giới, hàng triệu tín hữu Công giáo ở khắp nơi đã hiệp thông với Đức Thánh Cha trong giờ chầu Thánh Thể được tổ chức tại các Nhà thờ chính toà và rất nhiều nhà thờ khác trên khắp thế giới. Đây là sự kiện chưa từng có của Giáo hội trên toàn thế giới, được phổ biến trực tiếp qua các kênh truyền hình, truyền thanh của Toà Thánh và trực tuyến trên mạng internet.



              Giờ chầu sẽ bắt đầu lúc 5 giờ chiều giờ Roma, tức 5 giờ sáng tại quần đảo Cook, Samoa và Honolulu; 3 giờ chiều tại Reykiavik, Iceland; 10 giờ đêm tại Việt Nam; nửa đêm tại Hàn Quốc; rạng sáng ngày 3-6 tại Papua New Guinea, quần đảo Solomon, Agana in Guam của Châu Đại Dương…

            “Đây sẽ là một giờ cầu nguyện dành cho mọi thành phần và nâng đỡ niềm tin cho tất cả mọi người”, một “Giờ chầu Thánh Thể Toàn cầu” cho Năm Đức Tin, theo Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella và Đức Tổng Giám mục José Octavio Ruiz Arenas, là Chủ tịch và Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Tái Truyền giảng Tin Mừng, khi các ngài giới thiệu sự kiện này hôm 28-5 tại Vatican.

             Hai vị giám chức cũng giới thiệu một sự kiện thứ hai, “Ngày Cử hành Tin Mừng Sự Sống”, với tiêu đề “Tin tưởng có thể giúp họ có được sự sống” (Believing May They Have Life), tập trung vào việc thăng tiến, tôn trọng và bảo vệ phẩm giá sự sống con người.

             Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ ý cầu nguyện cho giờ chầu này. Đó là:

1. Cầu cho Giáo Hội trên toàn thế giới và đang hiệp nhất ngày hôm nay trong giờ chầu Thánh Thể này như là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Xin Chúa giúp Giáo Hội biết vâng phục lắng nghe hơn bao giờ hết Lời của Ngài để có thể đứng trước thế giới bằng vẻ đẹp chưa từng có, không vết nhơ hay tì vết, nhưng là sự thánh thiện và không vương tội lỗi. Để qua sự loan báo trung thành của Giáo Hội, Lời Chúa vẫn có thể tạo âm vang như người mang lòng thương xót và có thể làm gia tăng tình yêu để mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho sự đau đớn và khổ cực, mang lại niềm vui và sự thanh thản.

2. Cầu cho những người trên thế giới đang sống trong cảnh nô lệ và là nạn nhân của chiến tranh, nạn buôn người, ma tuý và lao động nô lệ. Cầu cho những trẻ em và phụ nữ đang phải chịu tất cả các loại bạo lực. Xin cho tiếng kêu cứu trong câm lặng của họ có thể được nghe thấu bởi một Giáo Hội bén nhạy, để đang lúc trông lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, Giáo Hội không quên những anh chị em bị bỏ rơi dưới sức nặng của bạo lực. Đồng thời, xin cho tất cả những ai đang gặp những tình huống bất ổn về kinh tế, nhất là những người thất nghiệp, già yếu, di dân, người vô gia cư, các tù nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Để lời cầu nguyện và sự quan tâm của Giáo Hội có thể làm họ được an ủi và nâng đỡ trong niềm hy vọng, sức mạnh và lòng can đảm khi bảo vệ phẩm giá con người.”


5.Ngày Giới trẻ Thế giới tại Rio de Janeiro, Brazil







           Đại hội Giới trẻ Thế giới 2013 (thường được viết cách điệu là Rio2013) là kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 14. 
Đây là một sự kiện quốc tế lớn của Giáo hội Công giáo Rôma tổ chức cho giới trẻ Công giáo để củng cố đức tin của họ. Thành phố chủ nhà của kỳ đại hội này là Rio de Janeiro của Brasil. Các sự kiện chính của nó được tổ chức từ ngày 23 tháng 7 đến 28 tháng 7 năm 2013.
          Đây là lần thứ hai một quốc gia Mỹ Latinh đăng tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới (lần đầu tiên là vào năm 1987 ở Buenos Aires của Argentina) và là lần thứ ba được tổ chức ở một quốc gia nam bán cầu. Ngoài ra, đây cũng là kỳ đại hội đầu tiên do Giáo hoàng Phanxicô chủ sự.


           Ngày 22-07, Đức Thánh Cha Phanxicô lên đường đến Brazil, chủ toạ Ngày Giới trẻ Thế giới lần , đồng thời thăm chính thức nước Cộng hoà Liên bang Brazil. Đây là chuyến tông du đầu tiên bên ngoài Italia của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau hơn 4 tháng đảm nhận thừa tác vụ Phêrô.

Dưới triều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II ĐH GTTG  vào 

       - năm 1984  tại Roma, Ý và Thành Vatican 
       - năm 1985  tại Roma, Ý và Thành Vatican
       - năm 1987  tại Buenos Aires , Argentina

Dưới triều Đức Giáo hoàng Benedicto XVI 
       - năm 2005  tại Koln, Đức 
       - năm 2008  tại Sydney, Úc 
       - năm 2011  tại Madrid, Tây Ban Nha 

Dưới triều Đức Giáo hoàng Phanxico 
       - năm 2013  tại Rio de Janeiro, Brasil
       - đang lên kế hoạch năm 2016 tại Kraków , Balan .  


Đức Giáo hoàng Phanxicô được đám đông tín hữu nồng nhiệt chào đón lại Rio de Janeiro, Brazil hôm 22/07/2013.
Đức Giáo hoàng Phanxicô được đám đông tín hữu nồng nhiệt chào đón lại Rio de Janeiro, Brazil hôm 22/07/2013.
REUTERS/Ricardo Moraes






6. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Nhân vật của năm” năm 2013



            Ngày 11-12, tuần báo Time của Hoa kỳ công bố bình chọn Đức giáo hoàng Phanxicô là “Nhân vật của năm” năm 2013. Đây là vị Giáo hoàng thứ ba được vinh dự này kể từ năm 1927, năm mà Time bắt đầu chọn lựa các nhân vật trong năm. Đức Giáo hoàng đầu tiên được trao danh hiệu này là Giáo hoàng Gioan XXIII, người đã tổ chức Công đồng Vatican II, và tiếp đó là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, nhưng phải chờ đến tận năm 1994, tức là 16 năm sau khi ở ngôi vị Giáo hoàng, trong khi Giáo hoàng Phanxicô mới cách đây một năm còn chưa được ai biết đến. Time nhận xét : « Điều quan trọng ở Giáo hoàng Phanxicô là Ngài đã nhanh chóng thu hút nhiều triệu người trước đây đã không còn hy vọng nào nơi Giáo hội ».
            Hôm 30/10, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng được tạp chí Forbes của Mỹ xếp vào hàng thứ tư trong danh sách các nhân vật quyền lực nhất thế giới, chỉ sau nguyên thủ các nước Nga, Mỹ và Trung Quốc. Một nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm ở Roma nhận xét : « Với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội lại được coi là một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất. Các nguyên thủ quốc gia lại quan tâm đến Vatican ».
            Công ty Mỹ The Global Language Monitor chuyên thu thập thông tin trên internet cho biết cái tên được sử dụng nhiều nhất trên mạng bằng tiếng Anh trong năm 2013 là « Pope Francis »(Đức Giáo hoàng Phanxicô). Tương tự, đây là chủ đề được thảo luận nhiều nhất của 1,2 tỉ người sử dụng Facebook trong năm nay.
              Ngài cũng thành công trên mạng Twitter : tài khoản của Đức Giáo hoàng tại Twitter có đến 11 triệu người theo dõi, gấp bốn lần so với người tiền nhiệm. Vatican ước tính mỗi một tweet (tin nhắn Twitter) của ngài có ảnh hưởng đến “ít nhất 60 triệu người” vì được truyền đi hầu như vô tận.

                                                                                    (tổng hợp tin và hình ảnh trên net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét