CÚ NGÃ NGỰA ĐỔI ĐỜI
(LỄ THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI – 25/01)
NHỜ NGÃ NGỰA, SAO-LÔ ĐÓN HỒNG ÂN TRỞ LẠI
ĐƯỢC THOÁT MÙ, PHAO-LÔ SỐNG MẦU NHIỆM PHỤC SINH
Bị NGỰA ĐÁ thì đau lắm, nhưng bị NGÃ NGỰA thì sao? Khi đã nói ai đó bị ngã ngựa là nói người ấy bị thất bại thê thảm, còn đau hơn cả bị ngựa đá. Ngã ngựa cũng có nhiều kiểu: ngã ngựa trong chính trường, trong tình trường, ngã ngựa trong chiến trận, trong kinh doanh, kể cả ngã ngựa trong phòng the (“thượng mã phong”)… Vậy mà có một chuyện ngã ngựa không thất bại mà thành công rực rỡ, cổ kim hãn hữu: Đó là cú ngã ngựa đổi đời của ông Sao-lô.
Sao-lô là ai mà lạ lùng thế? Xin mời đọc lời tự sự của chính đương sự: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tac-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi nấng tại thành này (Giê-ru-sa-lem), dưới chân ông Ga-ma-li-ên. Tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mat, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.” (Cv 22, 3-5).
Cũng chính người đương thời (Thánh sử Lu-ca) đã viết về Sao-lô như thế này: “Phần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô. Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết. Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.” (Cv 8, 1-3). Một điều thú vị là Phó tế Tê-pha-nô cũng được coi là học trò của Ga-ma-li-ên như Sao-lô. Vậy mà đã bị chính đồng môn Sao-lô chủ trì cuộc ném đá (Cv 7, 58). Đúng là cảnh “Gà nhà bôi mặt đá nhau” (tục ngữ VN). Ngựa cùng chuồng mà bôi mặt đá nhau chắc còn thê thảm hơn “Gà cùng một mẹ đá nhau”.
Tuy nhiên, Thánh Tê-pha-nô không hề oán than. mà coi việc tử vì đạo của mình là một tặng phẩm, một cơ hội noi gương Chúa và chết vì Đức tin. Hơn thế nữa, trước khi chết, ngài còn “quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.” (Cv 7, 60). Đó phải chăng là một bản sao trung thực nhất hình ảnh Đấng Cứu Thế, trước khi sinh thì trên Thánh giá còn “cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 34)?
Sao-lô đâu biết rằng lời cầu nguyện của vị tử vì đạo tiên khởi Tê-pha-nô đã trở thành hiện thực khi Đức Giê-su làm cho ông ngã ngựa và sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Sách Công vụ Tông đồ kể lại việc ngã ngựa của Sao-lô như sau: “Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất… Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.” (Cv 9, 3-9). Sau đó thì “Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Sao-lô và nói: "Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần." Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại.” (Cv 9, 17-19).
Điều đó cho thấy Đấng là “Ánh Sáng Chân Lý” (“Ngôi Lời là ánh sáng thật” – Ga 1, 9; bởi chính Người đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng đến thế gian” – Ga 12, 46), đã chiếu tỏa ánh sáng chói lòa làm cho Sao-lô ngã ngựa, khiến ông bị mù (thể lý) – một mạc khải cho biết ông đã bị mù tâm linh (nhiễm phải giáo lý sai lầm của các kinh sư, luật sĩ Pha-ri-sêu) – và khi được chữa khỏi bệnh mù thể lý thì cũng là lúc ông được Ánh Sáng Phục Sinh chữa khỏi bệnh mù nội tâm, được “đầy Thánh Thần”, sáng mắt sáng lòng nhận ra chân lý Cứu Độ. Từ đó trở đi, Chúa Ki-tô đã trở thành tất cả đối với Sao-lô. Khi đã biết Chúa Ki-tô thì “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Pl 3, 7-9).
Cũng từ đó trở đi, Sao-lô trở thành một Phao-lô Tông đồ dân ngoại và với tư cách ấy, ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người trong Đức Ki-tô (“Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.” – Gl 3, 27-28). Thấm nhuần chân lý “Đức Ki-tô là tất cả mọi sự và trong mọi người” (Cl 3, 11), Phao-lô hiên ngang rao giảng Tin Mừng vì được sống và được chết cho Chúa Ki-tô (“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” – Gl 2, 20; “Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.” – Pl 1, 20-21)
Quả thật đó là “một cú ngã ngựa đổi đời”: Từ một Sao-lô “mù nội tâm” vì nhiễm phải giáo lý sai lầm, chuyên lùng bắt bách hại Ki-tô giáo, trở thành một Phao-lô Tông đồ kiệt xuất của dân ngoại, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường, và cuối cùng được lãnh ấn Tử vì Đạo. Ấy cũng bởi vì “tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 38-39).
Nhìn vào biến cố "ngã ngựa" của Thánh Phao-lô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu người Ki-tô hữu hôm nay cũng bắt gặp rất nhiều những cú "ngã ngựa" của bản thân. Có những cú "ngã ngựa" trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú "ngã ngựa" trong đời thường như sức khỏe, học hành, công việc, tình yêu... Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng nhìn "ngã ngựa" chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng, quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn "ngã ngựa" như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. “Thất bại” phải là “mẹ thành công” chớ không thể là “cha thất vọng” được. Ăn trái cấm là một thất bại của A-đam + E-và trong quyền làm chủ, nhưng lại là một thuận lợi mở ra chương trình cứu độ với mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Cái chết của Đức Giê-su trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.
Cú "ngã ngựa" của Thánh Phao-lô là một thất bại chấm dứt cuộc đời mù quáng sống trong đêm đen săn lùng giết hại Ki-tô hữu, nhưng lại là một thành công rực rỡ mở đầu cuộc sống mới trong ân sủng Thiên Chúa. Nói là Đức Giê-su Thiên Chúa “gõ cửa” (như Lời Người dạy: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy” – Kh 3, 20) và đem ánh sáng đến cho Sao-lô, nhưng đặt giả thử Sao-lô cứ khép chặt cửa lòng không chịu “mở cửa” đón nhận, thì liệu có được một Phao-lô Tông đồ kiệt xuất hay không? Như vậy, người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà hãy “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21, 28) nhìn vào Đấng Cứu Độ để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sáng niềm tin. Nếu "ngã ngựa" là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải sự té ngã làm người ta trở nên mạnh mẽ, mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình. “Thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối” là vậy đó.
Tóm lại, ở đây không phải là vấn đề đem những cú ngã ngựa trần tục ra so sánh với cú ngã ngựa của Thánh Phao-lô do bàn tay Thiên Chúa tác động, mà vấn đề then chốt là nhìn vào biến cố Đa-mát để thấy được sự quan phòng của Thiên Chúa bao trùm lên tất cả. Từ đó, nhìn lại bản thân và coi những cú ngã ngựa trên đường đời là những thử thách cần thiết để trui rèn đức tin (“Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” – 1Pr 1, 7); cốt làm sao cho nên giống Phao-lô như lời dạy của ĐTC Biển Đức XVI trong “Bài Giảng Khai Mạc Năm Thánh Phao-lô”:
“Trong Bức Thư gửi giáo đoàn Ga-lat, ngài đã cống hiến cho chúng ta một bản tuyên xưng đức tin của bản thân ngài, trong đó ngài mở lòng mình ra cho độc giả ở mọi thời đại và cho thấy những gì là nguồn mạch sâu xa nhất của đời sống ngài: ‘Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình cho tôi’. Tất cả những gì Thánh Phao-lô làm đều được bắt đầu từ tâm điểm ấy. Đức tin của ngài là cảm nghiệm được Chúa Giê-su Ki-tô yêu thương một cách hoàn toàn riêng tư; nó là nhận thức về sự kiện Chúa Ki-tô đã chấp nhận chết đi không phải cho một cái gì đó vô danh mà là vì yêu thương ngài, yêu thương Thánh Phao-lô, và sự kiện là, khi sống lại, Chúa Ki-tô vẫn yêu thương ngài, đã hiến mình cho ngài. Đức tin của ngài đã được tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô chiếm đoạt, một tình yêu chi phối bản thể sâu xa nhất của ngài và biến đổi ngài. Đức tin của ngài không phải là một thứ lý thuyết, một chọn lựa Thiên Chúa hay trần gian. Đức tin của ngài là âm vang của tình yêu Thiên Chúa nơi tâm can của ngài. Bởi vậy mà chính đức tin ấy là tình yêu thương Chúa Giê-su Ki-tô”.
Năm nay (2014) Giáo Hội Việt Nam mở đầu chu kỳ 3 năm (2014-2016) cho công cuộc “Tân Phúc-Âm-hóa”, với chủ đề “Phúc-Âm-hóa Gia đình”, mà gia đình là môi trường đầu tiên và thuận lợi nhất cho việc vun trồng Đức Ái Ki-tô giáo, đồng thời cũng là mái trường đầu tiên giáo dục Tình Yêu Thiên Chúa, thế thì tại sao không học và sống theo gương Thánh Phao-lô sống Đức Tin trong “âm vang của tình yêu Thiên Chúa nơi tâm can”? Vâng, cha mẹ hãy cụ thể hóa tình yêu hôn nhân bằng cách yêu thương nhau hết lòng, để từ đó giáo dục con cái biết yêu kính cha mẹ và yêu thương nhau, như Đức Hôn phu Giê-su Thiên Chúa yêu thương Hiền thê Giáo Hội, như Thánh Phao-lô – vị “Tông đồ muôn dân” – sống trọn vẹn Đức Mến đối với Đức Giê-su Thiên Chúa và với tất cả anh em trong tất cả các cộng đoàn mà ngài đã coi là gia đình của ngài. Thánh nhân được gọi là vị “Tông đồ dân ngoại” kiệt xuất chính là ở điểm "Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến" (1Cr 13, 13), và “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3, 14).
Trong bối cảnh một xã hội chứa đầy cảnh "bạo lực gia đình", "chán cơm thèm phở", "nạo phá thai, hủy diệt trứng, tinh trùng", "gà nhà bôi mặt đá nhau"; thì lời khuyên chí tình vẫn chỉ có thể là "Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau." (ca dao VN). Vâng, kẻ khôn ngoan là phải biết đá đáp thế lực thù địch của ba thù từ bên ngoài đưa tới, còn trong một gia đình (từ Hội Thánh tại gia đến đại gia đình Giáo Hội hoàn vũ) cùng chung một Mẹ Đức Tin – Mẹ Thiên Chúa, cùng là con một Cha trên trời, thì đừng bao giờ "bôi mặt đá nhau". Hãy nhìn, lắng nghe, học hỏi nơi mẫu gương ngã ngựa của Thánh Phao-lô, cầu nguyện để được sống như một người "khôn ngoan thật sự" (1Cr 3, 18). Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời rao giảng của Thánh Phao-lô Tông Ðồ để dạy dỗ muôn dân. Hôm nay mừng kỷ niệm ngày thánh nhân trở lại tin theo Ðức Ki-tô, xin cho chúng con hằng noi theo gương thánh nhân để lại mà tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại).
JM. Lam Thy ĐVD.
(Nguồn : thanhlinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét