Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

LỄ HIỂN LINH



Mời xem phim :  VỊ ĐẠO SĨ THỨ TƯ 
(xin bấm vào hàng số ở dưới để xem )
[1] [2] [3] [4] [final]


Đạo diễn: Michael Ray Rhodes
- Dựa trên tác phẩm của Henry van Dyke
- Diễn viên chính : Martin Sheen, 
  Alan Arkin and James Farentino ...
- Sản xuất: Mỹ, 30.03.1985
- Thời lượng 72 phút




DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH :
 VỊ ĐẠO SĨ THỨ TƯ

Tác giả:  Lm. Inhaxio Trần Ngà


Ý Chính:
Phục vụ người khác
là phụng sự Chúa Giê-su.
Lời dẫn: Theo như Tin Mừng thuật lại thì khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem, có ba nhà đạo sĩ theo dấu sao lạ tìm đến thờ lạy và dâng lễ vật: vàng, nhủ hương và mộc dược lên Chúa  Hài  Nhi.
Tuy nhiên, văn sĩ Johannes Joergensen, người Đan-mạch, cho rằng tiếp sau ba vị đạo sĩ kia, còn có một vị thứ tư cũng đã theo dấu sao lạ tìm đến thờ lạy Chúa  Hài Nhi.
Vị đạo sĩ thứ tư đó là ai? Và lễ vật ông ta dâng cho Chúa  Hài Nhi là những gì?
Giờ đây, chúng tôi kính mời quý ông bà và anh chị em đồng hành với vị đạo sĩ thứ tư nầy để cùng  đến thờ lạy và dâng lễ vật lên cho Chúa Hài Nhi.

MÀN I:
GẶP GỠ CHÚA GIÊ-SU

NHÂN VẬT:
  • Nạn nhân
  • Vị đạo sĩ
Sân khấu bố trí cảnh hoang vu, đèn mờ tối, tiếng gió vi vu rờn rợn, một nạn nhân đang nằm rên rỉ:
Nạn nhân: “Ô ô ô i i!…  Ô ô ô i i!… Lạy Trời, tôi chết mất… Ôi! Cứu tôi… Ô ô ô i i!…
Vị đạo sĩ thứ tư bước ra, lắng tai nghe ngóng:
Đạo sĩ: “Ờ, mà hình như có tiếng ai đang rên rỉ đâu đây thì phải... Nghe như tiếng ma rên quỷ hờn. Đây thật là vùng thâm u đáng sợ. Ta phải đi nhanh thôi!…”
Nạn nhân: “Ôi! Cứu tôi… Ô ô ô i i!…”
Nhà đạo sĩ thứ tư chợt nhận ra nạn nhân đang rên rỉ:
Đạo sĩ: “Ờ kia rồi ! Một nạn nhân đang rên siết.”
Ông lại gần, quỳ xuống bên nạn nhân. Người bị nạn ngước đôi mắt van nài:
Nạn nhân: “Xin thương cứu tôi!… cứu tôi!.. Tôi chết mất!… Ôi… khát quá… khát quá!…”
Đạo sĩ: “Được rồi… được rồi… Nhưng tại sao anh lại ra nông nổi nầy?” Rồi lục tìm trong hành tranh, kiếm bình nước đưa cho nạn nhân uống.

Nạn nhân (rên rỉ và thều thào) : “Cướp… bọn cướp… chúng lột hết tài sản của tôi rồi đánh tôi nhừ tử… chúng suýt giết tôi…”
Đạo sĩ (đứng lên): Như thế nầy nhé: Ta đang có việc phải đi ngay… (nhìn quanh lo ngại)  vả lại nơi đây… nơi đây âm u hoang vắng quá. (tiếng rừng âm u) Ta muốn lên đường triều yết một vị thiên vương vừa giáng thế. Ta không thể chần chừ được… (tiếng nạn nhân rên rỉ). (đạo sĩ tự nhủ:) Nhưng bỏ đi ngay thì cũng không đành… (Cúi xuống nạn nhân) Thôi được, ta sẽ giúp anh…
          Rồi ông lấy dầu xoa bóp cho nạn nhân, lấy vải buộc các vết thương (nhạc êm đềm thương xót)
Đạo sĩ: “Thật là quân vô nhân đạo, cướp của người ta chưa đủ hay sao mà lại còn muốn hại người ta nữa... Hừ ! Biết đến bao giờ hoà bình và công lý mới ngự trị trên thế gian!” Rồi nói với nạn nhân: “Nơi đây vắng vẻ quá! Ta sẽ đưa anh về quán trọ rồi sẽ lo liệu cơm cháo thuốc men cho anh… Cố lên nào! Cố lên đi! Đứng lên… đứng lên… Có vậy chứ!..”
Nhà đạo sĩ dìu anh đi với mình, lê từng bước thật vất vả. Cuối cùng ông đành cõng anh ta vào bên trong. (nhạc u buồn)

¯ ¯ ¯

MÀN HAI:
TIẾP RƯỚC CHÚA GIÊ-SU

NHÂN VẬT:
  • Chủ quán
  • Hai tôi tớ
  • Nhà đạo sĩ
  • Nạn nhân
Trời về đêm. Tiếng nhạc buồn hiu hắt… Chủ quán xoay bấc cho đèn sáng hơn rồi cầm chổi quét bàn ghế, sửa soạn đón khách…
Chủ quán: “Đã lâu rồi quán mình vắng khách… Không có khách thì lấy đâu ra lợi nhuận để nuôi sống gia đình. Mấy hôm nay có ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời, sáng rực cả vùng trời đêm. Hy vọng đây là điềm lành, may ra nhờ cơ hội nầy mà mình làm ăn phát đạt. Nghe đâu sự xuất hiện của ngôi sao nầy ứng với việc hạ sinh của một vị thiên vương…”
          Có tiếng vị đạo sĩ gọi vào:
Đạo sĩ: (vọng từ xa): “Tới rồi… tới rồi… rán lên… rán lên!… (gọi lớn tiếng): “Chủ quán ơi! Chủ quán! Làm ơn giúp tôi một tay đi!”
Chủ quán (Nét mặt hân hoan): “Đúng là ngôi sao mang lại điềm lành: ta sắp có khách đến trọ.” Rồi nói vọng ra: “Dạ, có tôi!” và hối hả đi ra. Bất chợt ông sửng sốt trước người khách bất ngờ.
Chủ quán (nhìn thấy có người khách đang bế một người bị nạn tiến vào, kinh ngạc thốt lên): “Trời ơi! Sao vậy nè!”
Đạo sĩ: “Bọn cướp đã trấn lột hết của cải anh ta trên quãng đường vắng, lại còn đánh đập, đâm chém anh ta đến trọng thương. Tôi thấy anh ta nằm thoi thóp bên đường không ai cứu chữa nên mới đưa về đây.”
Chủ quán: (Ra chiều ái ngại, không muốn tiếp) “Nhưng thưa ngài, xin ngài thông cảm cho, tôi đâu có phải là thầy thuốc. Quán của tôi cũng không phải là trạm cấp cứu hay phòng điều trị… Xin ngài vui lòng đưa bệnh nhân đi nơi khác, tôi không dám nhận đâu.” (khoa tay lắc đầu )
Đạo sĩ: “Anh ta bị đánh trọng thương, lại bị mất quá nhiều máu. Nếu không kịp thời cứu chữa, tính mạng ắt sẽ không an toàn. Xin ông… xin ông mở rộng lòng thương…”
Chủ quán: (Hơi cau có) “Nhưng thưa ngài, tôi đã nói với ngài…”
Đạo sĩ: (năn nỉ) “Xin ông đừng từ chối. Ai có lòng thương xót, kẻ ấy sẽ được xót thương; ai gieo mầm phúc đức mai sau sẽ gặt dồi dào ân huệ. Vả lại, tôi sẽ không để ông chịu thiệt đâu mà!”
Chủ quán giúp dìu nạn nhân vào nhà, đặt lên chõng
Đạo sĩ: “Nầy ông! Xin ông hãy cho tôi tớ mời gấp thầy thuốc về đây đi”.
Chủ quán: “Nhưng thưa ngài, quán trọ tôi rất nghèo…”
Đạo sĩ: “Được rồi… được rồi… Xin ông đừng lo, tôi đã có cách… À…Nầy chủ quán, cách đây không lâu, ta thấy một vì sao chói lọi xuất hiện từ phương đông, kinh nghiệm lâu năm cho ta biết đó là điềm báo có một vì vua rất cao sang xuất hiện. Vì thế ta vội cất bước lên đường tìm đến triều bái vị vua nầy. Ta có mang theo lễ vật cao quý nhất để dâng ngài, đó là… đó là hai viên kim cương quý giá. (lấy viên kim cương long lanh ra, chủ quán trố mắt nhìn) Nhưng tiếc thay, vì cuộc hành trình quá dài, tiền bạc mang theo đã cạn. Bây giờ ta không còn tiền bạc để chăm lo chữa trị cho nạn nhân nầy, vậy ta trao viên kim cương nầy cho ông… coi như…” (đưa cho chủ quán)
Chủ quán (rất đổi ngạc nhiên): “Trao cho tôi ư !? Thật vậy sao? Ngài không đùa đó chứ?
Đạo sĩ: “Ta nói nghiêm túc đó, không phải chuyện đùa đâu. Ta trao viên kim cương quý báu nầy cho ông… với điều kiện ông phải tận tuỵ chăm lo cơm cháo thuốc men cho anh ta cho đến khi bình phục hoàn toàn.”
Chủ quán (vồn vã): “Thưa được. Tôi sẵn sàng, sẵn sàng... Tôi sẵn sàng chăm lo cho anh ta chu đáo …(cất giọng) còn hơn là chăm lo cho ông bà cha mẹ của tôi…” Rồi quát tôi tớ: “Tụi bây đâu, sao đứng như trời trồng vậy. Hãy mau mau đi mời danh y bậc nhất về điều trị cho anh ta! Các ngươi không thấy anh ta đã kiệt sức rồi sao”
Có tiếng vọng của tôi tớ : “Dạ, dạ…con đi ngay.”
Chủ quán (quay về phía người bị nạn, giả bộ tỏ ra thương cảm): “Ôi! Thật tội nghiệp cho anh. Nhưng hãy yên tâm. Đi đâu không biết chứ đã vào đây là anh sẽ được lo chu đáo. Chỉ nay mai là bình phục thôi mà!
Đạo sĩ (nắm tay nạn nhân cách trìu mến): “Anh nè… Tôi có việc phải đi gấp. Anh cứ ở lại đây cho đến khi bình phục. Mọi phí tổn tôi sẽ lo liệu cho anh”. Rồi quay sang chủ quán: “Còn ông, tôi gửi gắm anh bạn cho ông. Ông hãy lo cho anh ta thật chu đáo như cho chính bà con ruột thịt của tôi. Bây giờ tôi phải lên đường gấp cho kịp với ba người bạn đồng hành. Họ cùng hẹn tôi lên đường triều bái vị vua cao cả mới hạ sinh, giờ đây chắc họ đã vượt xa tôi cả mấy chục dặm đường rồi. Thôi tạm biệt! Mai mốt… mai mốt tôi về tôi sẽ gặp lại ông.”
Chủ quán: “Xin ngài an tâm. Bái biệt ngài. Chúc ngài thượng lộ bình an.”
Đạo sĩ: “Thôi, tôi phải đi đây! Tạm biệt” Quay sang nạn nhân: “Tạm biệt người anh em”.
Đạo sĩ (bước ra bên ngoài, tự nhủ): “Thế là mất đứt một viên kim cương quý giá. Mất đi một lễ vật quý báu tiến dâng vị ấu chúa  mới giáng sinh. Nhưng dù sao, ta không thể làm khác được… không thể làm khác được…”
Nhà đạo sĩ bước đi trong tiếng nhạc hân hoan.

¯ ¯ ¯

MÀN 3

CỨU GIÚP CHÚA GIÊ-SU

           NHÂN VẬT:
  • Người mẹ ẵm con
  • Viên sĩ quan và hai người lính
  • Đạo sĩ

Cảnh xảy ra tại Bê-lem. Âm thanh ồn ào hỗn độn, tiếng lính tráng quát tháo, tiếng la khóc ồn ào…Một người lính đi qua sân khấu công bố sắc lệnh của vua Hê-rô-đê.
“A-lô! Alô ! Hoàng đế Hê-rô-đê truyền lệnh, dân thành Bê-lem hãy lắng tai nghe: Tất cả mọi trẻ nam trên toàn cõi Bê-lem từ hai tuổi trở xuống phải bị giết ngay không thương tiếc để khỏi di hoạ về sau. Alô ! alô!” (lặp lại hai lần)
Có tiếng trẻ khóc, tiếng các người mẹ kêu la, tiếng quát tháo om sòm của lính. Sân khấu vắng lặng… Một bà mẹ bồng con chạy trốn. Đến giữa sân khấu thì dáo dác tìm đường. Từ hậu trường có tiếng hô: “Đứng lại! Đứng lại! Đừng hòng thoát khỏi tay ta !” Rồi viên sĩ quan và tên lính từ hai hướng sân khấu chạy lại.
Người lính I: (Giơ tay nắm tóc người mẹ) “Mẹ con nhà nó đây rồi! Đứng lại ! ”
Còn tên lính thứ hai hung hãn giật đứa bé khỏi tay người mẹ rồi rút gươm toan giết đứa bé. Đứa bé khóc thét lên. Người mẹ chồm tới giành lại đứa con.
Người mẹ: “Trả con tôi lại cho tôi. Nó có tội tình gì mà các người giết nó! Hãy trả lại cho tôi”
Viên sĩ quan: “Lệnh vua đã truyền, bà không nghe sao? Bà có điếc không?”
Người mẹ xông vào giành lại đứa con. Viên sĩ quan nắm hai cánh tay giữ bà lại. Bà mẹ vùng vẫy van lơn:
Người mẹ: “Không! Không! Không ai được quyền giết con tôi! Nó là trẻ thơ vô tội. Nó vô tội, nó có làm gì đâu mà các ông đòi giết nó! Tôi van lạy các ông. Trăm lạy các ông. Hãy trả nó lại cho tôi! (khóc) Đừng giết con tôi. (khóc) Ôi! Con ôi là con… (khóc nức nở) con ôi… con ôi…”
Viên sĩ quan: “Ta chỉ biết thi hành lệnh vua ban, đừng có già hàm, già họng mà chết cả mẹ lẫn con bây giờ”
Người lính lại đưa gươm lên định chém đứa bé, người mẹ ôm chầm lấy chân người lính, gào lên:
Người mẹ: “Đừng! Đừng giết con tôi! Tôi van lạy các ông. Hãy trả nó lại cho tôi! Hãy trả nó lại cho tôi!”
Đang khi đó thì vị đạo sĩ thứ tư xuất hiện, dõng dạc hô lên.
Đạo sĩ: “Hãy dừng tay lại!”
Viên sĩ quan: “Ông là ai mà dám ngang nhiên cản trở công việc của chúng tôi?”
Đạo sĩ: “Tôi lên tiếng nhân danh lòng nhân đạo, tôi phải nói… tôi phải nói lên tiếng nói của lương tâm. (gằn giọng) Bộ các người không có trái tim sao?  Không còn lòng nhân ái nữa hay sao mà lại làm điều ngược với luân thường đạo lý như vậy?”
Có tiếng đọc lệnh vua ban hành vang lên từ hậu trường: “A-lô! Alô ! Hoàng đế Hê-rô-đê truyền lệnh, dân thành Bê-lem hãy lắng tai nghe: Tất cả mọi trẻ nam trên toàn cõi Bê-lem từ hai tuổi trở xuống phải bị giết ngay không thương tiếc để khỏi di hoạ về sau. Alô ! alô!”
Người lính: “Nhà ngươi hãy căng tai mà nghe cho rõ. Hãy để yên cho chúng ta thi hành mệnh lệnh. Nếu cản trở, thì hãy liệu hồn…”
Đạo sĩ: “Không lẽ mọi người cứ để… cứ để cho bất công và tội ác mặc sức hoành hành như thế nầy sao? Hừ! Thật là dã man và vô nhân đạo… (tỏ vẻ suy  nghĩ) Ừ… Thôi được! Tôi có cái nầy xin trao đổi với các anh (đưa viên kim cương ra). Nếu các anh trả đứa bé lại cho mẹ nó, tôi sẽ tặng các anh bảo vật nầy.”
Viên sĩ quan: “Gì vậy? Kim cương!  Kim cương thật sao?” Rồi mân mê viên kim cương trong tay ra chiều thích thú. Tên lính kia cũng tiến lại xem.
Đạo sĩ: “Đúng! Đó là viên kim cương quý nhất vùng Trung Đông. Tôi trao cho các anh, nhưng với điều kiện là các anh hãy trao đứa trẻ lại cho mẹ nó.”
Viên sĩ quan (bỏ viên kim cương vào túi) : “Được rồi. (hất hàm bảo người lính) trao đứa bé cho mẹ nó. (rồi quay sang người mẹ) Ta tha cho ngươi làm phúc. Khôn hồn thì cút cho nhanh!” Người mẹ ẵm con chạy biến, hai tên lính cũng đi vào bên trong, để lại một tràng cười đắc thắng.
Đạo sĩ: “Thế là hết. Giờ đây ta chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Ba người bạn đồng hành thì đã vượt trước ta cả chục dặm đường và giờ đây chắc họ đã giáp mặt vị vua mới sinh. Còn ta, phải tụt lại đằng sau, trong tay chẳng còn gì để tiến dâng vị vua mới giáng thế. (ngừng một lát ra chiều suy nghĩ) Nhưng dù sao một khi đã cất bước lên đường thì cũng phải đi cho đến nơi đến chốn. Ta cứ tiếp tục cuộc hành trình, cứ đến gặp Ngài để bày tỏ tấm lòng thành của ta.”
Rồi vị đạo sĩ lại tiếp tục cất bước lên đường. (nhạc êm đềm thanh thoát: Ave Maria của Schubert))


MÀN KẾT
Phục vụ người khác
là phụng sự Chúa Giê-su

Vũ kịch có nội dung như sau: Thiên thần báo tin cho mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi, ba vua cũng đến thờ lạy và dâng lễ vật (lễ vật còn lưu lại bên máng cỏ). Sau đó, ba vua lên đường trở về nhà (đi vào trong). Đức mẹ ẵm con trên tay, đi đi lại lại hát ru con, thánh Giu-se sửa soạn dọn dẹp hang đá. Rồi Mẹ đặt con vào máng cỏ, quỳ bên Con. Ngay lúc đó, vị đạo sĩ tiến vào quỳ bên máng cỏ, trầm ngâm nhìn ngắm Chúa  Hài Nhi. Đạo sĩ bái lạy rồi giang hai tay thưa với Chúa  Hài Nhi.
Đạo sĩ : “Lạy Chúa  Hài Nhi, Chúa  biết vì sao tôi đến muộn và giờ đây tôi chỉ còn hai bàn tay trắng, chẳng còn gì để hiến dâng Ngài. Tôi chỉ biết dâng lên Ngài trái tim tôi, tấm lòng quý mến của tôi.”
Đáp lại món quà cao quý và thiêng liêng của vị đạo sĩ thứ tư, Chúa Hài Nhi mỉm cười với ông.
Chung quanh hang đá, thiên thần như muốn nói thay Chúa Hài Nhi bằng cách hát lên một bài ca tụng lòng nhân ái: “Có bao giờ con thấy Chúa đến xin con đôi chút cơm thừa…” (hay một bài có ý nghĩa tương tự). Rồi trên nền nhạc đó, lời Chúa (Tin Mừng Mt 25, 34-40) vọng lên:
34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."

Cũng trên nền nhạc đó, Đức Mẹ trao Chúa Hài Đồng cho vị đạo sĩ thứ tư bồng ẵm. Chúa hôn lên hai má của vị đạo sĩ như muốn nói lên lòng biết ơn về hai viên kim cương mà vị đạo sĩ đã dâng cho Ngài qua việc cứu giúp hai người bị nạn. Rồi tất cả đi vào bên trong.

Lm Inhaxiô Trần Ngà


(Nguồn : conggiaovietnam.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét