Tôi không rõ tập tục lì xì đã có ở nước ta từ bao giờ nhưng nhiều người đã coi đây là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền.
Theo đó, cứ vào sáng mùng 1 Tết hằng năm, con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng phong bao mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.
Khi có khách đến nhà chúc Tết, trẻ con trong nhà sẽ nhận được lì xì của khách; đồng thời chủ nhà sẽ lì xì lại cho trẻ đi theo khách (nếu có).
Gọi đây là nét đẹp vì ý nghĩa của việc lì xì vốn dĩ không nằm ở số tiền mà đó là lời chúc với nhiều đều tốt đẹp về sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Ý nghĩa tốt đẹp còn thể hiện ở hình thức là cái phong bao bởi nó tượng trưng cho yếu tố tinh thần, chuyển tải lời chúc tốt đẹp thông qua những hình ảnh, chữ viết trên phong bao, như hình chữ Phúc, Lộc, Thọ, Hiếu, Thuận… Cho nên, nếu bạn là người kỹ tính thì việc chọn lựa phong bao lì xì sẽ mất nhiều thời gian đấy!
Tục lì xì có ý nghĩa tốt đẹp, đậm đà của phong vị Tết Việt, đặc biệt đối với các em nhỏ là vậy nên nó được duy trì và tồn tại đến nay.
Nhưng ý nghĩa tốt đẹp của tục này hiện không như xưa mà trong nhiều trường hợp nó còn gây ra sự bận tâm cho cả người lì xì và người nhận do quá coi trọng đến “sức nặng” của phong bao lì xì.
Ngay ở trong xóm tôi, ở một khu nhỏ của con hẻm cụt với trên chục nhà nhưng có đến gần 20 trẻ con. Chỉ mỗi chuyện lì xì cho “sắp nhỏ” này đã khiến nhiều người trong xóm bối rối bởi lì xì ít thì thấy khó coi nhưng nhiều thì họ - là công nhân nghèo, kinh tế khó khăn - thấy tổng số tiền lì xì là con số khá lớn.
Thực tế có gia đình mỗi phong bì lì xì khoảng 50.000 đồng đã là gánh nặng với họ nhưng không phải ai cũng lì xì theo khả năng của mình mà nhiều người sợ bị chê keo kiệt hoặc vì sĩ diện đã bất chấp rồi tỏ ra là kẻ hào phóng.
Chính việc lì xì trở thành gánh nặng cho nhiều người, khiến nhiều người phải phân vân thì ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì liệu có còn nguyên vẹn?
Một lần chính mắt tôi chứng kiến cu cậu trong xóm chuẩn bị vào lớp một thấy khách đến chúc Tết gia đình đã lập tức bỏ dở trò chơi với các bạn trong xóm, chạy vào nhà đứng xớ rớ cạnh cha.
Thấy vậy, người khách rút cái phong bao đỏ chói lì xì, không quên kèm lời chúc. Nhưng cậu bé này không chờ hết câu chúc đã vội vàng cầm lấy phần lì xì, cám ơn rồi rút ruột, vứt bừa cái phong bì lì xì xuống đất. Gương mặt cu cậu đang hớn hở vì được quà bỗng tiu nghỉu khi xòe mãi chỉ được mỗi tờ 20.000 đồng.
Thái độ buồn - vui với số tiền mình nhận được như phản ứng của cậu bé trên là hệ quả của việc bé biết được trị giá đồng tiền quá sớm cũng như quá coi trọng đồng tiền. Lỗi trước hết là do cách ứng xử của cha, mẹ bé.
Cách ứng xử của người lớn trong việc coi trọng độ nặng của phong bao lì xì đã buộc nhiều người không có điều kiện đã “đua” theo người khác, nhân dịp Tết lợi dụng việc lì xì để biếu xén cho thỏa tâm lý “hưởng lộc” của các sếp mình.
Tặng lì xì với ý nghĩa trao tặng một điều may mắn. Tiếc rằng ý nghĩa tốt đẹp này đã không còn nguyên vẹn nhưng nói rằng bỏ đi phong tục lì xì Tết hẳn nhiều người sẽ "ném đá" (Tôi cũng không cần loại "đá" này để "xây nhà").
Cho nên, tôi cho rằng trước tiên cần giải thích để các bé hiểu được ý nghĩa của tục lì xì Tết và không buồn vui với số tiền nhận được. Về phía người lì xì, không cần phải lì xì nhiều để "lấy le" mà hãy lì xì trong khả năng của mình để không phải chịu áp lực về việc lì xì và hoàn trả lại ý nghĩa tốt đẹp của tập tục này.
Vân Sam
Nguồn: http://freely.vn/chuyen-ve-nhung-phong-bao-li-xi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét