Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

BA CÁI ĐÁNG SỢ CỦA NGƯỜI NHẬT



Trung Quốc và Nhật Bản nhìn nhau qua biển, là hàng xóm cách nhau một lạch nước hẹp. Ngày xưa Nhật từng là học trò trung thành thật thà nhất của Trung Quốc. Sau Duy Tân Minh Trị, Nhật từng là kẻ địch hung ác nhất của Trung Quốc. Ngày nay Nhật và Trung Quốc là đối thủ tiền định trong một hiệp đấu định mệnh. Đông Á và Tây Thái Bình Dương chỉ có một bá chủ, một núi không thể có hai hổ.

Rõ ràng, hiểu biết Nhật Bản, hiểu biết đối thủ, biết mình biết người là việc rất có ý nghĩa.
Cái “Võ” của Nhật Bản
Trong các phim truyền hình nhiều tập về đề tài kháng chiến chống Nhật ta thường thấy võ quan Nhật hay dùng những thứ của con nhà võ để trang trí phòng làm việc; phần lớn họ đều đeodao Võ Sĩ; trong chiến đấu họ vô cùng gan dạ, khi thua thì dùng dao tự mổ bụng mình. Cái kiểu ấy gọi là Võ Sĩ Đạo, thứ thuốc phiện tinh thần của người Nhật mấy nghìn năm nay. Vậy nội hàm tinh thần của Võ Sĩ Đạo là gì? Có thể dùng hoa anh đào để ví người võ sĩ qua một mô tả rất kinh điển sau đây:
Ai đã thấy hoa anh đào đều biết, nhìn từng bông hoa thì không đẹp nhưng cả cánh rừng hoa anh đào lại rất đẹp. Anh đào đẹp nhất không phải là lúc hoa nở mà là lúc hoa tàn. Đặc điểm khi hoa tàn là chỉ sau một đêm cả rừng hoa anh đào tàn lụi sạch sành sanh, không một bông nào còn lưu luyến ở lại trên cành. Đó chính là cõi tinh thần mà người võ sĩ Nhật tôn thờ: đạt tới đỉnh cao đời mình trong khoảnh khắc đẹp chói lọi, phát huy giá trị lớn nhất của mình rồi sau đấy kết thúc sinh mệnh không chút lưu luyến. Người võ sĩ Nhật tự sát chẳng phải vì thua, cũng chẳng phải vì xấu hổ do thất bại. Họ không yếu đuối như thế; họ tự sát chỉ vì cảm thấy mình đã cố gắng hết sức, tâm nguyện đã đến hồi kết, cuộc đời mình chẳng thể nào có phút chói sáng hơn được. Lúc ấy nên tàn lụi như cánh hoa anh đào không còn chút luyến tiếc gì nữa.
Người thế nào thì đáng sợ nhất? Đội quân như thế nào thì đáng sợ nhất? Trong Đại chiến II lính Nhật đã cho ta thấy kẻ nào cả đến cái chết cũng không sợ thì kẻ ấy đáng sợ nhất! Một đội quân gồm toàn những người không sợ chết thì đáng sợ nhất!
Người Nhật hiện nay chưa hề vứt bỏ truyền thống của họ. Một dân tộc có truyền thống thượng võ, được vũ trang bằng tín ngưỡng tinh thần Võ Sĩ Đạo coi trọng sự trung thành tuyệt đối, phục tùng tuyệt đối, không sợ chết, sức mạnh của niềm tin lớn tới mức có thể huỷ diệt bất cứ sự vật nào xem ra vô cùng lớn mạnh.




Cái “Nhẫn” của người Nhật
Ai từng đến nước Nhật đều biết, khác với người Trung Quốc có thói hơi động một tý là đập bàn quăng ghế, người Nhật rất chú trọng lễ phép và nhẫn nhịn. Nói cách khác, người Nhật thường rất có lý trí. Dĩ nhiên không phải là nói nước Nhật không có những người trẻ phẫn chí, dĩ nhiên là có, và cũng chẳng ít, nhất là những thanh niên phái hữu, nhưng nếu so với số đông trong xã hội thì họ chỉ ngẫu nhiên gây ra chút sóng gió nhỏ mà thôi.
Hãy ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ chuyện nhẫn nhịn của Thiên Hoàng Nhật Bản. Tại nước Nhật, Thiên Hoàng được coi là hoáthân của thần thánh, nhưng từ triều Nguyên Lại, sau khi lập ra Mạc Phủ Liêm Thương (tức Kamakura Bakufu, năm 1192; thực ra còn sớm hơn) thì Thiên Hoàng chỉ còn là bù nhìn, mất toàn bộ quyền lực. Mãi cho tới thời cận đại, năm 1868 khi phương Tây xâm nhập nước này, phái chống Mạc Phủ lập quân đội đánh đổ Mạc Phủ, tống khứ viên tướng cuối cùng của Mạc Phủ và công bố chiếu thư “Vương Chính Phục Cổ Đại Hiệu Lệnh” của Thiên Hoàng, trả lại toàn bộ quyền lực vào tay Thiên Hoàng rồi bắt đầu cuộc Duy Tân Minh Trị. Đến đây mới chấm dứt lịch sử 800 năm Thiên Hoàng mất quyền cai trị đất nước. Lâu đến thế mà Thiên Hoàng vẫn nhẫn nhịn được!
Nói đến “Nhẫn”, không thể không nhắc tới một vị “Đại Nhẫn” là Đức Xuyên Gia Khang (tức Tokugawa Ieyasu, 1543-1616), vì để giấu thực lực mà hy sinh cả vợ mình, sau này rốt cuộc dựng nên cơ nghiệp 300 năm cho gia tộc Đức Xuyên (tức Tokugawa) cai trị nước Nhật.
Hiện nay do thua trận trong Thế chiến II, phải chịu sự che chở của Mỹ, nước Nhật đang ở trong thời kỳ “nhẫn”. Dưới sự chỉ đạo của bộ Hiến pháp Hoà bình, đôi lúc các tàn dư thế lực quân phiệt lại ngóc đầu quậy phá. Giờ đây Nhật Bản chẳng khác gì một kẻ phải nhẫn nhục, luôn luôn thăm dò sự động tĩnh của đối thủ, tạm thời giấu kín nanh vuốt sắc nhọn của mình, đợi bao giờ thời cơ tới thì sẽ hoá thân thành kiếm khách giáng cho đối thủ một đòn chí mạng. Lý trí cực độ thì rất đáng sợ, kẻ địch trong bóng tối thì nguy hiểm nhất!
Lại bàn về sự “Học” của người Nhật
Tôi cho rằng dân tộc Nhật không phải là một dân tộc giàu sức sáng tạo nhưng lại vô cùng giỏi về mặt học cái hay cái tốt của người khác, hơn nữa còn biết xem xét thời thế giải quyết rất tốt vấn đề học ai và học như thế nào; sau khi học tinh thông rồi thậm chí còn vượt cả thầy.
Trung Quốc thời kỳ Tuỳ Đường được gọi là Thiên triều Thượng quốc. Hoàng đế nhà Đường từ Thái Tôn trở đi cho tới Đại Tôn đều được người ngoại tộc tôn kính gọi là “Thiên Khả Hãn” (Khả Hãn: lãnh tụ tối cao); văn minh Trung Hoa đang ở đỉnh điểm. Hồi ấy nước Nhật ngưỡng mộ văn minh Trung Hoa và văn hoá Nho Giáo, trước sau từng 13 lần cử sứ thần sang Trung Quốc học tập toàn diện hệ thống chính trị, văn hoá, chế độ, điển tịch ... và từ đó tạo nên cuộc “Cải tân Đại hoá” nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, thúc đẩy nước Nhật thời cổ phát triển một bước lớn. Sau đó Nhật không ngừng liên hệ và giao lưu với Trung Quốc.
Thời cận đại, cùng với sự suy yếu của chính quyền nhà Thanh, các cường quốc phương Tây thống trị thế giới, người Nhật nhạy bén lập tức dứt khoát “Thoát Á nhập Âu”, “Bỏ Trung Quốc, học phương Tây”, cực kỳ chú trọng học chế độ văn minh và kỹ thuật tiên tiến của phương Tây, đóng vai trò “kẻ đầu cơ” thông minh trong làn sóng cuồn cuộn của lịch sử. Đến cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894), cậu học trò cũ đã đánh bại cả thầy dạy mình... Cuộc chiến tranh Nhật-Nga (1904) cũng vậy.
Võ, Nhẫn, Học – tín ngưỡng, lý trí, đầu cơ đã làm nên tính quốc dân của người Nhật ngày nay. Đây chính là chỗ đáng sợ nhất của Nhật Bản – “đối thủ định mệnh” của chúng ta.
Ngược lại, hãy xem Trung Quốc ngày nay: thiếu niềm tin, chỗ nào cũng thấy những thanh niên phẫn chí, gàn dở tự cho mình là đúng, bưng tai bịt mắt.
Bỗng dưng nhớ đến một nhân vật từng làm mưa làm gió trong thời kỳ chiến quốc ở Nhật là Tích Điền Tín Trường (Oda Nobunaga, 1534-1582). Sau khi đưa được súng thần công vào nước Nhật, tuy phát hiện thấy loại vũ khí mới này có nhược điểm là thời gian nạp thuốc súng quá lâu khiến cho nó mất tính thực dụng, nhưng ông vẫn không bỏ nó mà vận dụng trí tuệ sáng tạo ra chiến thuật “ba bước”: khi chiến đấu, binh sĩ xếp làm 3 hàng, một hàng nạp thuốc súng, một hàng chuẩn bị và một hàng bắn; nhờ thế bổ khuyết được nhược điểm nói trên, phát huy được uy lực lớn nhất của binh khí nóng trong thời đại binh khí lạnh. Trong trận Trường Tiêu năm 1572, Tích Điền Tín Trường dùng vũ khí kiểu mới và chiến thuật tiên tiến nói trên đã đánh cho đội kỵ binh thủ cựu của Vũ Điền Tín Huyền - lực lượng quân sự mạnh nhất hồi ấy tan tành không còn một mảnh giáp và từ đó hoàn toàn bị loại ra khỏi vũ đài lịch sử.
Kẻ viết bài này chỉ là một người yêu thích lịch sử không chuyên với cái đầu tư duy xã hội hạng xoàng nhưng dường như đã nhìn thấy mối nguy đang đến gần; xin những vị có lý trí biết nhìn xa trông rộng xem xét các ý kiến nói trên.

(Nguồn : sites.google.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét