Nếu tình yêu là bản tính
của Thiên Chúa thì lòng thương xót là cách thức Chúa bày tỏ tình yêu, là dấu
chỉ cho tình yêu vững bền của Ngài. Lòng thương xót nhìn kẻ tội lỗi, không oán
giận, không trả thù bằng sự giận dữ hay chừng phạt, nhưng xót xa vì họ lầm đường
lạc lối, xót xa vì họ đang đi đến hố diệt vong. Lòng thương xót tựa như ánh mắt
của tình yêu, giúp người ta nhận ra nhu cầu của tha nhân để chia sẻ, cảm thông,
nâng đỡ, xoa dịu hay chữa lành. Chúng ta có thể cảm nghiệm lòng thương xót của
Chúa qua dọc dài lịch sử cứu độ.
Khởi từ tội lỗi của Adam, Chúa không đoạn
nghĩa dứt tình với Adam. Chúa vẫn thương Adam và xót xa dường nào khi thấy Adam
tủi hổ lẩn trốn trong vườn địa đàng. Adam là kẻ phản bội làm sao dám vác mặt
gặp Chúa. Tội lỗi làm cho người ta mặc cảm, xấu hổ và lo sợ khi phải đối diện
với sự thật. Thế nhưng Adam phần nào đã bớt đi sự sợ hãi, bớt đi áp lực tâm lý
khi nghe tiếng gọi: “Adam, Adam ngươi đang ở đâu?”. Am thanh của tiếng gọi
không mang âm sắc của giận dữ hay
quở mắng, nhưng tiếng gọi vẫn thân thương dịu ngọt, có điều pha trộn chút âm
điệu xót xa. “Phải chăng ngưoi đã ăn trái cây trong vườn mà ta đã cấm?”.
Tội có thể được tha, nhưng hình phạt vẫn phải chịu. Nhưng ai là
người phải chịu phạt thay cho tội Adam. Thiên Chúa không suy tính thiệt hơn.
Không đắn đo suy xét. Ngay tức thời, lời hứa cứu độ đã được ban ra. Chính Ngôi
Hai Thiên Chúa sẽ gánh lấy tội Adam và đền thay cho tội lỗi Adam. Có thể nói,
lòng thương xót của Chúa được tỏ bầy cụ thể và rõ nét trong cuộc đời của Chúa
Giêsu. Cả cuộc đời luôn sống vì người khác, luôn đi đến mọi hang cùng ngõ hẻm
để thi ân giáng phúc. Cả trong những lúc đau khổ nhất của cuộc đời, Ngài vẫn
không nghĩ đến mình: Ngài xót thương các bà mẹ thành Giêrusalem “đừng than khóc
Ta nhưng hãy than khóc con cháu các người; Ngài xót thương những kẻ đã làm hại
mình, vì “họ không biết việc họ làm”; Đỉnh cao của lòng thương xót đó là ơn tha
tội và ban thưởng hạnh phúc trường sinh. Đó là đặc ân mà anh trộm lành được
diễm phúc đón nhận đầu tiên từ cây thập giá: “ngay đêm nay ngươi sẽ ở trên
thiên đàng với Ta”.
Chính điểm này mà trong dịp giảng tĩnh tâm
Giáo triều Rôma, Đức cố hồngY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nêu ra 10 điểm khiếm
khuyết của Chúa Giê-su trong đó có sự hay quên: chỉ 1 câu nói thành thật với
chính mình của tên trộm lành mà Chúa đã quên cả quá khứ tội lỗi của anh. Chỉ
cần thấy bóng dáng thằng con trời đánh bỏ nhà đi hoang nay thất thểu trở về là
người cha đã quên hết quá khứ đi hoang của người con. Lòng thương xót của Thiên
Chúa là vậy. Một vì Thiên Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung mà vua Đavít
đã từng nói lên rằng: Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững. Tình yêu Chúa cao hơn
tội lỗi chúng ta, đến nỗi có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng ta.
Tác giả Ron Lee đã viết một câu chuyện
trong cuốn “Một Thiên Chúa Tha thứ trong một thế giới không tha thứ” như sau:
Có một vị linh mục là một người rất yêu mến
Chúa, nhưng ông luôn bị ám ảnh bởi một tội mà ông đã phạm trong quá khứ. Ngài
đã ăn năn sám hối nhưng vẫn không bình an tâm hồn. Cho tới một hôm nghe nói có
một phụ nữ trong giáo xứ hay được tiếp xúc và nói chuyện với Chúa trong giấc
mơ. Vị linh mục không tin, nên muốn thử bà ta và nói: lần sau bà có nói chuyện
với Chúa thì hỏi xem, tôi đã phạm tội gì? Thế là mấy ngày sau gặp lại, vị linh
mục đã hỏi bà là Chúa đã nói gì? Bà trả lời: Chúa nói rằng: Ta chẳng còn nhớ gì
nữa!
Bài Phúc âm hôm nay cũng cho chúng ta thấy
khi hiện ra với các tông đồ, Chúa Giêsu không hề nhắc tới những chuyện đáng
tiếc đã xảy ra: nơi Phêrô kẻ chối Chúa ba lần; nơi các tông đồ hèn nhát bỏ chạy
nơi vườn Giệtsêmani; nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng minh
nhiên và cụ thể. Dường như Chúa đã quên hết và còn ban bình an cho các ông.
Hôm nay kính nhớ lòng thương xót của Chúa,
Giáo hội mời gọi chúng ta nhận ra mình là một tội nhân đã được Chúa cứu chuộc
bằng giá máu cực thánh, chúng ta hãy biết đền đáp tình yêu Chúa bằng sự hoàn
thiện con người của mình như Cha chúng ta ở trên trời. Đồng thời chúng ta cũng
dâng hy sinh, lời cầu nguyện cho các tội nhân được ơn trở về với Chúa.
Có lẽ đây là vấn đề mà những người kytô hữu phải lo lắng quan
tâm. Vì qua báo chí và các phương tiện truyền hình truyền thanh chúng ta không
khỏi đau xót khi nhìn thấy một thế hệ trẻ sa đoạ, cuồng loạn và lạc mất hướng
đi của đời người. Con số thống kê về sì ke, ma túy, mại dâm, phá thai, bệnh
nhân nhiễm HIV hay Aid mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân, mà một ai đó đã nói
một cách mỉa mai rằng: những điều tốt thì không thấy tăng, nhưng tội phạm thì
năm nào cũng được nghe câu nói quen thuộc: “năm nay cao hơn năm trước”.
Có lẽ Chúa cũng đang cần những con người
thanh sạch như như ông Lót trong thành Sôdôma. Ông
đã bị dày vò bởi những cảnh đồi bại luân lý diễn ra
hằng ngày quanh mình. Ông cố thuyết phục dân thành ăn năn hầu tránh cơn thịnh
nộ của Thiên Chúa, nhưng không ai nghe ông. Rồi Abaraham cũng nài xin Chúa tha
thứ nhưng lại không kiếm được 10 người công chính, thế là cả thành bị tiêu
diệt.
Và hôm nay, Chúa đang cần có nhiều người
như thánh nữ Faustina, biết dâng những hy sinh đau khổ của mình như lễ vật tôn
thờ Thiên Chúa và cứu thế gian khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Biết phó dâng
bản thân, gia đình và nhân loại cho lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi người
chúng ta hãy sám hối về lỗi phạm của mình và hãy dâng những hy sinh và lời cầu
nguyện cho kẻ có tội được ơn trở về với Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng giầu long
xót thương tha thứ và ban bình an cho mỗi người chúng ta. Amen.
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét