SUY NIỆM LỄ CHÚA BA NGÔI - NĂM A
(Xh 34, 4b-6. 8-9; 2 Cor 13, 11-13; Ga 3, 16-18).
Lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi bắt đầu được cử hành vào thế kỷ thứ 9 và được đưa vào lịch phụng vụ của Giáo Hội Rôma vào thế kỷ thứ 14 bởi Đức Giáo Hoàng Gioan 22. Lễ Chúa Ba Ngôi được nhìn nhận như là lòng thành kính tri ân của Giáo Hội qua các ân sủng của mùa Giáng Sinh và Phục Sinh. Vì mầu nhiệm này là sự kết hợp của lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh, lễ Phục Sinh, lễ Thăng Thiên và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Lễ Chúa Ba Ngôi được cử hành vào Chúa Nhật sau Lễ Chúa Thánh Thần, nhắc nhở chúng ta rằng mỗi Chúa Nhật đều được thánh hiến để sùng kính Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha đã tạo dựng và quan phòng. Chúa Con đã cứu chuộc chúng ta. Chúa Nhật là ngày của Chúa, tưởng nhớ Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Chúa Thánh Thần thánh hóa tâm hồn, làm cho chúng ta trở nên đền thờ của Ngài.
Khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tối thượng của niềm tin trong đời sống người Kitô hữu. Đây là nguồn cội của tất cả các mầu nhiệm đức tin. Giáo Hội dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa, nhưng có ba ngôi riêng biệt. Chúa Cha là Thiên Chúa. Chúa Con là Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Ba Ngôi cùng một bản tính và hiện hữu như nhau. Chúng ta có thể nhận biết được mầu nhiệm cao siêu này là do chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta. Trước khi lên trời, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: Các con hãy đi giảng dậy muôn dân và làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28, 19).
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi Vị nhưng chỉ là Một Chúa duy nhất. Phân biệt Ba Ngôi: Chúa Cha là Đấng tự hữu. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời và được sinh ra mà không phải được tạo thành. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Chúa Cha sáng tạo mọi loài. Chúa Con như là sự khôn ngoan của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Tín điều về Chúa Ba Ngôi và Ngôi Lời Nhập Thể là nền tảng của đời sống đức tin và sự thờ phượng của các Kitô hữu. Ngôi Con đã hạ thân làm người để chia sẻ sự sống của Chúa Ba Ngôi cho chúng ta. Qua ân sủng, chúng ta được kết hợp mật thiết trong tình yêu và sự sống của Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sự chia sẻ đời sống của Chúa Ba Ngôi sẽ đạt tới cùng đích trên quê trời, nơi chúng ta sẽ được diện kiến và liên kết với Chúa trong tình yêu vô tận.
Khi nói về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, các vị giảng thuyết thường dùng một vài thí dụ cụ thể để diễn giải về mầu nhiệm cao siêu này. Thí dụ: Thánh Patriciô dùng lá Shamrock có ba nhánh để nói về Chúa Ba Ngôi. Dùng toán học, lấy 1 lũy thừa 3: 1x1x1=1. Quan sát nước H2O, khi ở thể rắn là nước đá, thể lỏng là nước và bốc hơi là thể khí, cả ba đều là nước. Nhìn ánh sáng mặt trời dưới ba dạng: Ánh sáng, sức nóng và tia hồng ngoại. Dùng hình tam giác có ba cạnh bằng nhau. Trong âm nhạc, hợp âm của ba nốt nhạc chồng lên nhau làm thành một hợp âm. Những tỉ dụ này chỉ nói lên một chút xíu sự tương tự. Vì trí khôn con người bị giới hạn vào sự hữu hạn của thời gian và không gian, nên không thể nào suy thấu.
Ngay từ những ngày đầu của thời Giáo Hội sơ khai, thánh Phaolô tông đồ đã dùng công thức chào đón bằng lời cầu nguyện trong Chúa Ba Ngôi: Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Amen (2Cor 13, 13). Đây là sự tuyên xưng rõ rệt nhất về sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo Hội đã dùng công thức này trong tất cả các lời cầu nguyện chính thức để tôn vinh, chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa. Với tâm tình tri ân, chúng ta hãy đến phục bái tôn thờ Thiên Chúa. Vì khi chúng ta càng yêu nhiều, sẽ càng hiểu nhiều hơn. Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu bao la tuyệt vời và vô điều kiện: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời (Ga 3, 16). Tình yêu đáp trả tình yêu. Chúng ta hãy dục lòng tin, cậy, mến để thờ phượng Thiên Chúa với hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
Tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa là đầu mối của tất cả linh đạo dẫn đến Thiên Chúa tình yêu. Chúa Giêsu sẽ tiến dẫn chúng ta tới Chúa Cha và ban Thánh Thần giúp chúng ta thấu hiểu mọi điều Ngài đã truyền dạy. Chúa Con đã mạc khải cho chúng ta về con đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa không còn xa lạ, cách biệt và không tưởng, nhưng là Thiên Chúa yêu thương và cảm thông thân phận phàm hèn của con người. Thánh Gioan đã mời gọi chúng ta: Ai tin Người Con ấy, thì không bị luật phạt. Ai không tin, thì đã bị luật phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa (Ga 3, 18).Thiên Chúa không áp đặt lòng trí của con người. Ơn Cứu Độ là ơn sủng nhưng không mà Chúa trao ban, chúng ta phải tự mở cửa lòng đón nhận.
Khi nhìn xem trời đất muôn vật và sự trật tự lạ lùng trong vũ trụ, chúng ta nhận biết có Đấng Thượng Trí vô cùng đã sáng tạo và quan phòng. Chúng ta gọi Đấng đó là Thượng Đế hay Thiên Chúa. Thiên Chúa vô hình đã muốn chia sẻ tình yêu với thụ tạo, nhất là loài người. Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa từng bước đã chọn gọi con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Thiên Chúa đã mạc khải cho ông Môisen về Người: Môisen đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa (Xh 34, 6). Ông Môisen hết mực tôn kính, mến yêu và phụng thờ Thiên Chúa: Đoạn ông vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy (Xh 34, 8). Dù không được nhìn thấy Thiên Chúa cách nhãn tiền, nhưng ông Môisen đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua các dấu chỉ của bụi gai cháy mà không bị thiêu rụi, qua sấm sét, cột mây cột lửa, qua các phép lạ cả thể Chúa đã thực hiện với Pharaon nơi xứ Ai-cập và suốt hành trình dân Do-thái đi về miền Đất Hứa.
Ông Môisen đã có một sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Trong niềm tin kiên vững tuyệt đối, ông bước đi trong sự phó thác và quan phòng của Chúa. Ông cậy dựa vào lòng từ bi và hay thương xót của Chúa để dẫn dắt dân Chúa.Ông thưa rằng: Lạy Chúa, nếu tôi có ơn nghĩa trước thánh nhan Chúa, thì xin Chúa hẫy đi cùng chúng tôi, vì dân này là dân cứng đầu, xin xóa mọi gian ác và tội lỗi chúng tôi, xin nhận chúng tôi làm cơ nghiệp của Chúa (Xh 34, 9). Trước nhan thánh Chúa, con người chúng ta chỉ là loài thụ tạo mỏng dòn, yếu đuối, tội lỗi và ương ngạnh. Thiên Chúa đã dùng nhiều cách thế để đánh thức, canh tân và đổi mới trái tim gỗ đá của con người. Qua mọi thời, hình như tâm hồn con người luôn hướng chiều về đàng dữ, xấu xa và rơi vào chứng nào tật đó, khó thay đổi.
Lạy Chúa, chúng con tin nhận và phủ phục tôn thờ Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Càng suy thấu, chúng con càng cảm nhận tình yêu vô biên của Chúa. Chúng con chỉ là tro bụi và một ngày nào đó, sẽ trở về bụi tro. Thiên Chúa đã yêu thương cất nhắc chúng con lên làm con cái của Chúa và ban cho chúng con sự sống đời này và đời sau. Chúng con cảm tạ tình yêu Chúa đến muôn muôn ngàn đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét