Tuần trước, Dụ ngôn “Người Gieo Giống” trình bày Thiên Chúa như một
nông gia tung gieo Lời Ngài vào các tâm hồn. Có tâm hồn như đường đi, hạt
giống rơi xuống bị người ta dẫm đạp, không ngóc đầu lên được. Có tâm hồn như
sỏi đá, khô khan cứng cỏi, hạt tuy có nảy mầm nhưng rồi bị nắng trời thiêu
cháy vì thiếu nước. Có tâm hồn như bụi gai um tùm, bóp nghẹt cây lúa đang
lên, nên cũng chẳng sinh được bông trái nào. Nhưng có tâm hồn như vùng đất
phong phú, hạt giống mọc lên tươi tốt, hy vọng mang lại cho nhà nông một mùa
gặt thành công rạng rỡ.
|
Tuần này, Dụ ngôn “Cỏ Lùng” lại trình bày Thiên Chúa như người vãi
gieo giống tốt vào mảnh đất hứa hẹn, nhưng sau đó Satan đã lén lút gieo hạt
giống xấu là cỏ lùng vào ban đêm. Thành ra trên cùng một mảnh đất màu mỡ, lúa
non và cỏ lùng mọc lên chen nhau, rễ cây này xoắn gốc cây kia.
Người tôi tớ chân thành không khỏi nhức nhối lắng lo, muốn xin
chủ ruộng giải quyết tức thời tình trạng vàng thau lẫn lộn. Nhưng chủ nhân e
rằng khi nhổ cỏ người ta bứng luôn cả lúa nên quyết định đợi đến mùa gặt. Lúc
đó cây lúa sinh hạt sẽ được bó lại đưa về sân phơi, còn cỏ lùng hoang dại sẽ bị
cắt xuống ném vào lửa thiêu.
Dụ ngôn “Cỏ Lùng” bộc lộ hình ảnn thế giới, giáo hội, gia
đình, con người như những vùng đất mang tính hỗn hợp. Thiện và ác, tốt và xấu,
ân sủng và tội lỗi như đan cài với nhau. Không thể có một xã hội toàn là người
tốt hoặc người xấu, cũng chẳng thể có một cộng đoàn toàn là thánh nhân hay tội
nhân. Sự kiên nhẫn đầy tình thương xót của chủ ruộng như một cơ may cho những
biến đổi và hoàn thiện. Thiên Chúa luôn mở ngỏ cho hoán cải và trổ sinh hoa
trái tốt lành.
Dụ ngôn trên thúc đẩy tôi đi vào một hành trình tự vấn: tôi là
một cây lúa xanh tươi đang nảy sinh bông hạt thơm ngát cho cuộc đời, hay tôi là
cụm cỏ lùng đang ăn hại bao chất màu tươi tốt của cuộc sống?
Chắc hẳn tâm hồn tôi có mang nhiều loại giống tốt do Chúa gieo
vào và cũng không ít giống xấu do Satan và tôi tớ của nó thảy vô, nhưng loại
giống nào đang được chăm sóc và thứ nào đang bị vùi xuống? Tôi đang vun tưới
cây lúa đời mình hay tôi đang gắng công nhổ cỏ và nhổ luôn cuộc đời người khác?
Tôi đang cộng tác với Thiên Chúa để gieo giống tốt vào thế giới
hôm nay hay tôi đang tiếp tay với ma quỉ để gieo giống xấu vào tâm hồn tha
nhân?
Có một chi tiết rất
đáng chú ý trong bài Dụ ngôn: khi mọi người đang ngủ, một kẻ xấu
lòng đến rải cỏ lùng vào ruộng rồi đi mất. Kẻ thù ra tay mà không ai hay biết.
Mầm mống sự ác đột nhập thế giới trong cách thế bất ngờ. Người ta chỉ nhận ra
khi nó mọc lên và bắt đầu phá hoại hoa màu.
Như thế Lời Chúa mời gọi một thái độ tỉnh thức. Nếu quên mất
rằng: sống là một cuộc tranh đấu không ngừng cho điều tốt vươn lên, tôi sẽ bị
cái ác đè bẹp. Nếu chủ quan thiếu canh phòng trước những bóng đêm của cuộc
sống, tôi sẽ bị ma quỉ khống chế cuộc đời.
Khi người ta nói: “đâu có sao” trong việc xem phim ảnh sách báo
không nết na để giải trí một chút; khi người ta nghĩ: “đâu có sao” nếu nghe bạn bè rủ rê hút một chút cocaine cho biết mùi đời; khi người ta tưởng: “đâu có sao” chuyện bỏ đọc kinh đi lễ Chúa Nhật
một hôm…, đều là những mầm giống cỏ lùng Satan gieo vào cuộc đời, chờ ngày bùng
phát và huỷ hoại.
Không phải chỉ có ma
quỉ mới gieo cấy cỏ lùng. Nếu không tỉnh thức, coi chừng chính ta là người tiếp
tay tung rắc cỏ lùng vào đời kẻ khác. Có cha mẹ gieo gian dối, tham lam vào
lòng con cái mà không biết. Chẳng hạn, có người đi chợ về khoe với cả nhà: “Cô bán hàng hôm nay mất trí hay sao mà thối tiền sai nên dư mấy
đồng, mừng quá!” Đáng lẽ nên nói với nhau: “Ồ mẹ đã trả lại cho cô bán hàng số tiền dư vì phép công bằng” hay “vì sợ cô ấy phải bỏ tiền túi ra để bù vào chỗ mất”,
hoặc “e cô ta sẽ gặp khó khăn với chủ tiệm”, đàng này người
ta lại sung sướng thu cái lợi trước mắt mà không ngờ đã gieo vào lòng con cái
mầm giống ích kỷ, gian tham; sau này lớn lên, chúng chỉ mong người ta dốt nát, lầm
lẫn, mất trí để có lợi.
Thế đấy, hành động, lời nói, thái độ cư xử của một người có tầm
ảnh hưởng như những hạt giống. Nếu là hạt tốt, gia đình, xã hội được nhờ biết
bao. Trái lại, nếu là loại xấu, thương đau tất đang chờ ngày phát tán.
Trên một tờ báo nọ có
câu chuyện tiếu lâm đáng suy nghĩ: Một bé trai được mẹ cho ghé
chơi nhà ông nội trong dịp cuối tuần. Ông thấy cháu mình chơi với bạn rất hăng
say, nhưng hễ mở miệng ra là có những lời không thanh lịch cho lắm. Nội mới gọi
cháu cưng lại trách:
- “Cháu học kiểu ăn nói du côn của đứa nào vậy? Từ nay trở đi ông
cấm không được chơi với những thứ đó nữa nghe chưa”.
Đứa cháu vừa thở dài vừa nói:
- “Nếu thế thì từ nay cháu phải nghỉ chơi với bố cháu hay sao?”
Ông nội: !!! (Thì ra nó học
được từ bố nó).
Hỡi bạn, Thiên Chúa đang cần chúng ta tiếp tay với Ngài để gieo
vào gia đình, cộng đoàn, và lòng người những hạt giống tốt. Có thể là những hạt
rất bé như hạt cải, nhưng hiệu năng vô cùng lớn lao. Có thể là những hạt đơn sơ
âm thầm, nhưng lại như nắm men làm dậy biết bao đấu bột. Hãy gieo đi những hạt
giống yêu thương, chân thật, trung tín, nhẫn nại, quảng đại, thứ tha… Chắc chắn
hoa trái mai ngày sẽ là mùa gặt hân hoan và hạnh phúc tràn đầy.
Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn, CSsR
(Nguon : dccthaingoai.com)
(Nguon : dccthaingoai.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét