Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

"LẲNG LƠ NHƯ TIẾNG SÁO DIỀU LÀNG TA"






“ Lẳng lơ như tiếng sáo Diều làng ta “

(Kính Tặng tất cả các nghệ nhân diều sáoViệt Nam)

Không thể chọn từ nào đắt giá hơn để nói về tiếng sáo diều các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, nên xin phép cố nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy cho trích lời trong bản tình ca bất hủ của ông để làm đầu đề cho bài viết này.


Lẳng lơ từ trong truyền thuyết.


Thuở thanh bình ấy, mặt đất và bầu trời gần nhau lắm, gần đến mức tiếng sáo thổi nơi trần gian có thể vang vọng đến chị Hằng. Cứ mỗi chiều hè, khi nghe tiếng sáo được vút lên từ các cánh diều là các tiên nữ ,từng bầy ,từng bầy ,bay từ thượng giới xuống trần gian hưởng thú vui nơi hạ thế , mà có nàng đã quên đường về. Sau này Ngọc Hoàng tức giận, muốn Trời là trời, Đất là Đất, thế là Đất và Trời cứ cách xa nhau, khiến tiếng sáo không thể mời các tiên xuống vui hội mà dần chỉ mang tiếng tơ long của ai đó, gửi tới những người đẹp, mà nay chỉ còn được gặp trong mộng.

Lẳng lơ đến dân gian.


Chúng ta đều biết, diều sáo là nét đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ ,cái nôi của nền văn hóa lúa nướcViệt Nam . Những cư dân nông nghiệp thuở trước quan niệm rằng diều bay là biểu tượng của mối quan hệ giữa trời và đất ,cao và thấp, khô ráo và ẩm ướt, có điều hòa âm dương và đó cũng là những dự cảm về thời tiết của người nông dân. Tiếng sáo phát ra trên không trung , vi vu, trong lành lại xua đuổi tà khí và bệnh dịch . Hơn nữa đây còn là thú chơi thanh tao, cao thượng thể hiện tư chất của người nông dân, tuy quanh năm lam lũ nhưng tâm hồn trong sáng, giản dị , luôn mơ ước chiếm lĩnh tầm cao phúc thượng có yếu tố tâm linh giao cảm giữa thiên nhiên và con người .  Sau những giờ lao động nhọc nhằn trên đồng ruộng, có lẽ thú vui thả diều thực sự là những giâyphút thoải mái của người nông dân. Họ không chỉ   gắn bó với với vùng đất quê hương ,mà còn biết hướng lên bầu trời xanh thẳm gửi gắm ước mơ vào một không gian khoáng đạt của thiên nhiên.

Từ bao đời nay ,hình ảnh chú bé ngồi trên lưng trâu, thổi sáo thả diều trong tranh dân gian Đông Hồ đã được coi như biểu tượng của sự thanh bình trên đất nước Việt Nam . trong tâm thức của người Việt , thả diều còn hàm chứa khát vọng về tự do, xua đi những gì xui xẻo , cầu mong thuận buồm xuôi gió trong làm ăn  cũng     như trong cuộc sống .
Thả diều không chỉ là một trò chơi ,mà còn là một phong tục có nhiều  ý nghĩa sâu xa . Tục thả diều chủ yếu được thực hiện sau ngày mùa ,cầu mong tạnh ráo , để thu hái , đồng thời tự thưởng cho mình những giây phút thảnh thơi , mắc võng bên rặng tre nghe tiếng sáo diều vi vu.


Thật lãng mạn ,khi dưới đêm trăng hạ , trên trời là bản hợp xướng của các tiếng sáo, sáo ồm , sáo trung, sáo mẹ, sáo con của đủ kích cỡ các loại diều . Phải thật khuya ,lúc gió ổn định , diều được kéo xuống chỉ để lại vài cái có tiếng sáo hay , hát qua đêm cho mọi người cùng thưởng thức.


Bởi thế , ở câu lạc bộ diều Song Vân ( TânYên – Bắc Giang ) mới có câu thơ hay , xin mượn các bác thay lời kết :
 
Làm diều đeo sáo hai bên cánh
Nối đất với trời một sợi dây
Tiếng sáo vi vu như bản nhạc
Vang vọng gần xa, thật đắm say

 
                                                                                      Cao Quan
                                                                                                 (Nguồn : dieuvietnam.com)


Mời nghe nhạc phẩm : 
Tình Ca Tiếng Nước Tôi  - Phạm Duy 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét