Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH

Giáo dục con trong gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ.Trong thời đại đầy đủ tện nghi vật chất ngày nay, nhiều người trẻ bị cuốn vào nhịp sống nhanh và nhiễm các căn bệnh thời @. Bên cạnh đó, sự buông xuôi, bỏ mặc hay lúng túng, bất lực của các bậc làm cha  mẹ trong việc giáo dục con cái trở thành một đề tài rất được quan tâm
Có những bậc làm cha mẹ thiếu chuẩn bị và thiếu kinh nghiệm, nên thường phản ứng theo bản năng. Hơn nữa, nhiều bậc làm cha mẹ có quan niệm cho rằng con cái là sở hữu riêng, nên họ có quyền quyết định phương thức giáo dục chúng. Đôi khi đó là cách thức tùy hứng và sai lầm. Cách giáo dục quá nuông chiều con hay quá nghiêm khắc đều để lại những chấn thương trong nhân cách trẻ.
Thời gian gần đây, con số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng cao và càng mang tính nghiêm trọng. Điều này là một dẫn chứng thuyết phục để đặt lại vấn đề: giáo dục con trong gia đình cần tuân theo những nguyên tắc cơ bản nào, nhằm đạt hiệu quả trong việc giúp nhân cách trẻ được hình thành và phát triển cách tốt nhất.

 Chiều ngày 21/11/2009 tại Hội Trường Lầu I của  Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo Phận Tp HCM, hơn 200 tham dự viên gồm sinh viên, phụ huynh, các nhà giáo dục, Linh mục, Muc sư và rất nhiều nam nữ tu sĩ tham dự. Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên trường ĐHSP đã thuyết giảng về “Các nguyên tắc giáo dục con trong gia đình”.  Với kinh nghiệm sống thực tế và kinh nghiệm giáo dục phong phú, Cô đã xây dựng bầu khí lớp học rất sinh động, thân thiện và dễ hiểu. Bằng giọng văn dí dỏm và cách dẫn dắt thông minh, Cô đã hướng dẫn cộng đoàn dần dần khám phá ra 8 nguyên tắc cơ bản trong việc giáo dục con cái trong gia đình như sau:

1.     Ý thức tầm quan trọng:
·         Cha mẹ phải nghiêm túc trong việc dạy bảo con cái
·         Ý thức được trách nhiệm làm cha mẹ là quan trọng và không thể thay thế. Điều này giúp các bậc làm cha mẹ không trao phó hay ỷ lại quá nhiều vào những người khác như nhà trường, người thân, người giúp việc....
·         Họ cần có định hướng để chủ động và phá huy tính sáng tạo nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.
·         Ý thức được tầm quan trọng này, các bậc làm cha mẹ có trách nhiệm hơn và đủ ý chí chống trả lại những cám dỗ bằng mọi giá, để dành thời gian sống cùng và nuôi dạy con cái.
·         Các bậc làm cha mẹ cần trang bị, nâng cao kiến thức và khả năng giáo dục
·         Cha mẹ là người có quyền tác động đến sự phát triển và định hướng con người trong tương lai của con mình. Nếu giáo dục không có định hướng, đứa trẻ không phát huy được khả năng của mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ định hướng một cách chủ quan theo kỳ vọng và ý thích, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy căng thẳng, tự trách, suy sụp tinh thần và thể chất, oán hận và trách cứ cha mẹ. Bản thân người làm cha mẹ, sau một khoảng thời gian dài, cũng đau khổ nhận ra mình đã làm uổng phí thời gian, tuổi trẻ và sức lực của con cái
·         Để đạt hiệu quả, đòi hỏi việc định hướng phải dựa vào khả năng thực tế của đứa trẻ. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương .

2.     Xác định mục tiêu giáo dục con:
·         Mục tiêu là ý định, là nguyện vọng, là điều muốn đạt được
·         Trên thực tế, có nhiều bậc làm cha mẹ không hề đặt mục tiêu trong việc giáo dục con cái. Họ có thái độ buông xuôi, bỏ mặc cho đứa trẻ “tự do phát triển”. Sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm này, làm cho trẻ bị thiệt thòi. Đối lập với thái cực này, là có không ít bậc làm cha mẹ xác định mục tiêu theo ý riêng của mình. Họ mong đợi quá nhiều ở con cái. Sự kỳ vọng đó làm cho đứa trẻ cảm thấy căng thẳng, thiếu tự nhiên, thiếu tự tin, mệt mỏi, trầm cảm…..Tham vọng và đòi hỏi này dẫn đến sự mất mát nơi trẻ tính hồn nhiên, sự bình an trong đời sống nội tâm và đồng thời cũng ảnh hưởng lớn đến tinh sáng tạo và tự tin
·         Cha mẹ cần xác định rõ những mục tiêu ngắn hạn theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và những mục tiêu lâu dài trong tương lai. Việc xác định các mục tiêu này cần dựa trên cơ sở đặc điểm cụ thể của từng đứa trẻ và điều kiện gia đình. Đồng thời cũng dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng và làm gương sáng cho con cái.

3.     Thống nhất tác động giáo dục:
·         Trong một gia đình có nhiều thế hệ, việc giáo dục con cái đòi hỏi sự tế nhị, khéo léo và thống nhất tác động giáo dục dựa trên cơ sở vì lợi ích của con cái.
·         Tác hại của cách giáo dục không thống nhất là gây cho trẻ nhiều hoang mang, làm giảm uy tín của người lớn và hình thành tính không trung thực nơi trẻ. Khi lâm vào tình trạng hoang mang, trẻ thường tìm cách xoay xở và làm theo quyết định của người có quyền lực cao nhất trong gia đình. Do đó, trẻ thường giả vờ và thiếu trung thực để đối phó với quyết định ngược lại của những người có quyền lực thấp hơn.
·         Gia đình cần thống nhất:
                             i.      Quan điểm, mục tiêu trong việc giáo dục con cái
                            ii.      Phân công vai trò
                           iii.            Phương pháp sử dụng

4.     Làm gương:
·         Giáo dục trẻ bắt đầu từ cái nôi gia đình và cha mẹ là những người thầy đầu tiên của chúng. Nhãn quan của trẻ con về thế giới xung quanh được hình thành, dựa trên những tiếp xúc và giao tiếp của chúng với những người chúng gần gũi. Con cái lệ thuộc, hay để ý và bắt chước cha mẹ. Do đó cha mẹ là người trực tiếp gieo vào tâm hồn trẻ những hạt giống yêu thương, trung thực, tốt bụng….hay giả dối, gây hấn, bạo lực….
·         Dạy con từ thưở còn thơ vì trẻ con có thể phân biệt được đúng-sai, phải-trái, tốt-xấu. Để nhân cách trẻ được hình thành và phát triển tốt, trẻ con cần thấy được gương sáng nơi người lớn: chúng cần thấy được phản ứng của cha mẹ trước những hành động xấu xa. Chính bằng phản ứng và nhất là gương sáng của mình, cha mẹ đóng dấu lên tâm hồn trẻ niềm xác tín về cách hành xử và giải quyết vấn đề.
·         Nhân bất thập toàn. Không bắt buộc bậc làm cha mẹ phải là người hoàn hảo để làm gương sáng cho con. Tuy nhiên, họ cần có ý muốn hoàn thiện bản thân cách tốt nhất và thẳng thắn, có bản lĩnh để biết nhận lỗi và sửa sai một cách cụ thể. Qua đó, trẻ học được lòng can đảm, tính trung thực, sự cảm thông với những sai lầm của người khác và lòng bao dung. Điều này cũng có nghĩa là dạy chúng thấy những giới hạn trong thân phận con người. Chính vì thế mà chúng phải cảm thông trước những giới hạn và khuyết điểm của người khá

5.     Tổ chức lối sống trong gia đình:
·         Tạo bầu không khí gia đình ấm áp và đầy tình thương
·         Xây dựng nếp sống sinh hoạt lành mạnh để trẻ có thời gian luyện tập nhân cách của mình.
·         Tổ chức lối sống trong gia đình giúp trẻ học hỏi tính kỷ luật, sự tôn trọng người khác…
·         Dạy con bằng hành vi và cách sống của cha mẹ có hiệu quả hơn bằng lời nói

6.     Tôn trọng nhân cách:
·         Tôn trọng là bảo vệ sự phát triển hồn nhiên theo từng lứa tuổi và tạo điều kiện để nhân cách trẻ phát triển cách toàn diện
·         Cha mẹ cần lắng nghe, không áp đặt và chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc của chúng
·         Lắng nghe và tham dự vào cuộc sống hằng ngày của con cái. Không xúc phạm, vùi dập trẻ bằng những hình thức hữu hình và vô hình
·         Không làm tổn hại đến tinh thần và thể chất của trẻ (Ví dụ: ép học là làm tổn hại đến sự phát triển của trẻ và làm chúng đánh mất tuổi thơ của mình)
·         Sự trao đổi, đối thoại là điều cần thiết trong công tác giáo dục
·         Sự thiếu tôn trọng con cái dẫn đến những tác hại nghiệm trọng về thể lý và tâm lý. Đứa trẻ không được tôn trọng, nâng đỡ thường tỏ ra bi quan và thường co cụm trong bản thân. Như thế, chúng cũng khó lòng nghĩ đến người khác
Ba câu hỏi như sau:
1/ Vì sao cha mẹ phải làm gương? Để làm gương, cha mẹ có bắt buộc phải là người toàn hảo? Nếu cha mẹ đã từng sai sót, thì họ có thể làm gương cho con cái bằng cách nào?
2/ Những biểu hiện thiếu tôn trọng sự phát triển nhân cách của con? Tác hại?
3/ Những sai sót của cha mẹ trong việc biểu lộ tình thương yêu và sự nghiêm khắc đối với con cái? Tác hại của những sai sót đó?
   (12 tờ giấy khổ lớn, 12 cây bút lông đã được phát ra cho 12 người của 12 Nhóm.)
Ba câu hỏi này nếu chỉ nhằm trả lời để chấm điểm thì có vẻ dễ dàng vì đã được nghe diễn giả triển khai. Nhưng vì là thảo luận, nên đã có những đúc kết rất phong phú đầy bất ngờ. Sau đây là lược ghi các nội dung chính:
Câu hỏi 1: Cha mẹ phải làm gương cho con cái, vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Trẻ em thích bắt chước còn cha mẹ là người thày đầu tiên, là người trẻ tin cậy nhất do đó ảnh hưởng rất lớn trên con cái. Không ai hoàn hảo, nên khi sai lỗi, cha mẹ cần dũng cảm, chân thành nhận lỗi để hiện tượng không bị lập lại và giúp con phòng tránh. Từ sự dũng cảm đó, cha mẹ sẽ hoàn thiện chính mình, biết chấp nhận sự bất toàn nơi mình và kẻ khác, để dễ tha thứ và sửa sai.
Câu hỏi 2: Việc thiếu tôn trọng sự phát triển nhân cách của con, có thể thấy rõ những biểu hiện và tác hại:
Biểu hiện: la mắng con trước mặt người khác; luôn xem con là “trẻ con”; không tin tưởng dẫn đến không giao việc, hoặc giao việc nhưng nhiều nhắc nhở quá mức cần thiết; không lắng nghe con; thường la mắng khi con phạm lỗi dù chưa tìm hiểu nguyên nhân;  quen dùng bạo lực (tinh thần và thân thể); đánh giá thấp khả năng của con; áp đặt suy nghĩ của mình lên con; không thừa nhận con là thành viên bình đẳng trong gia đình; “dán nhãn” cho con; so sánh và hạ thấp con mình với con người khác.
Tác hại: con cái bị mặc cảm, thu mình, ngại giao tiếp hoặc tìm sự tin tưởng nơi người ngoài hoặc thú vui thiếu lành mạnh ngoài gia đình khi có dịp.Từ đó tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái; đánh mất sự tôn trọng và yêu thương đối với cha mẹ; gia đình trở nên tù ngục; con cái bất mãn với cha mẹ, trở nên lỳ lợm; sống miễn cưỡng; không phát huy những năng khiếu; tự ti, thấy mình vô dụng, lạc lõng, cô đơn ngay trong nhà mình;  ảnh hưởng đến tâm và sinh lý, mặc cảm và dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội. Trẻ sẽ nói dối để đối phó và qua mặt cha mẹ. Tình trạng căng thẳng - “stress”, dẫn đến chống đối lại cha mẹ, khởi đầu là những xung đột trong ý nghĩ, tư tưởng, rồi chống đối ngầm và ra mặt ( tùy theo điều kiện và hoàn cảnh)
Câu hỏi 3: Nuông chiều con, cho tiền vượt quá nhu cầu; vô tình hoặc cố ý dung túng các hành vi sai trái; phục vụ quá đáng, hãnh diện quá đáng đến như tôn sùng con cái. Hoặc nghiêm khắc quá mức như mệnh lệnh, áp đặt, bạo lực, khô khan, không biểu lộ tình thương...
Tất cả những biểu hiện thái quá như vậy dẫn đến những tác hại; trẻ không hiểu rõ và tôn trọng đúng mức giá trị đồng tiền; thấy mình như “ông hoàng, bà chúa” ngay từ khi còn bé; con cái sẽ ỷ lại, vô kỷ luật dẫn đến dễ dàng phạm pháp. 
Khi khen thưởng con không đúng, hoặc thưởng tiền mỗi khi làm xong việc bổn phận hoặc thiên vị giữa các đứa con cũng sẽ dẫn đến những tác hại không nhỏ: trẻ sẽ khó phân biệt giá trị đúng sai, trẻ sẽ làm bổn phận vì tiền thay vì chứng tỏ trách nhiệm và nghị lực, con cái trong nhà nảy sinh những đố kỵ, bất hòa.
***
Sau khi đúc kết và phân tích những thảo luận của các nhóm, diễn giả đã bày tỏ sự phấn khởi trước nhiệt tình tham gia của mọi người, đặc biệt, diễn giả đã bất ngờ trước sự phong phú và sâu sắc trong các ý kiến của các nhóm được họ trình bày thật sinh động. 
Buổi nói chuyện kết thúc hồi 17 giờ cùng ngày.      

7.     Yêu thương + nghiêm khắc.
·         Yêu thương là giúp trẻ cảm nhận và biết biểu lộ tình cảm, cảm xúc với người khác. Khi được yêu thương, trẻ cảm thấy mình có giá trị. Từ đó, hình thành tính tự tin và lòng tự trọng
·         Cha mẹ cần có một tình yêu bao la, vô điều kiện đối với con cái. Tuy nhiên, nuông chiều con quá đáng sẽ làm con cái dễ hư hỏng, hình thành thành tính ích kỷ và đòi hỏi... Lớn lên, chúng thiếu ý thức cộng đồng, thiếu kỹ năng sống, không đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống
·         Nghiêm khắc với con cái là điều cần thiết để trẻ học biết những giới hạn và có những điều chỉnh cần thiết. Qua đó, trẻ học sống độc lập và tự tin. Tuy nhiên, những trẻ bị đối xử quá nghiêm khắc, không nhìn thấy được lòng yêu thương và biểu lộ tình cảm, lớn lên chúng trở thành người vô cảm, có một trái tim chai lì trước nỗi khổ đau và khó khăn của người khác. Thánh Phaolo khuyên các bậc làm cha mẹ: đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng trở  nên nhát đản, sợ sệt
·         Cha mẹ cần nói “không” khi cần thiết. Điều này giúp chúng hiểu rằng không phải bất cứ điều gì chúng muốn, cũng được thỏa mãn. Qua đó, ý chí và sự tự chế được tôi luyện
·         Giữ được chừng mực, hài hòa giữa yêu thương và nghiêm khắc trong giáo dục con cái là cả một nghệ thuật đòi hỏi nhiều thời gian và hy sinh.

8.     Hiểu con để có phương pháp giáo dục đúng:
·         Cha mẹ cần có đủ sự hiểu biết về tâm lý con cái theo lứa tuổi và đặc điểm riêng, để đồng hành với chúng trong cuộc sống
·         Cha mẹ phải tin tưởng rằng bất cứ đứa con nào cũng có một tiềm năng để trở thành người tốt, nhưng con cái cũng  có thế giới riêng tư của chúng. Cha mẹ cần có đủ thời gian, tình yêu, sự kiên nhẫn,… để có thể thấu hiểu và cảm thông với những diễn biến tâm lý phức tạp và những thay đổi về thể lý trong từng giai đoạn phát triển của chúng
·         Không hiểu con và áp đặt chúng theo những tiêu chuẩn mình mong muốn, cha mẹ gây ra những phát triển không lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần của con cái
·         Không hiểu con, cha mẹ dễ dàng đẩy chúng ra khỏi vòng tay yêu thương và sự bảo vệ cần thiết của mình
·         Không hiểu con, căng thẳng và xung đột giữa 2 phía ngày càng leo thang
Tóm lại, giáo dục trong gia đình là bước đầu tiên và quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Để giáo dục trong gia đình đạt hiệu quả, đòi hỏi các bậc làm cha mẹ một sự huy sinh lớn lao, không vụ lợi, không cần được con cái đáp đền. Tám nguyên tắc cơ bàn giáo dục trên cần sử dụng đan xen nhau. Nó là chiếc chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc của con cái, nền tảng hạnh phúc của xã hội.

                                                                                                  

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng 


Thuyết trình tại Trung tâm mục vụ Saigon
(Nguồn : niemvuimoi.org)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét