* Yêu người là "trách nhiệm chắc chắn về lòng mến Chúa" của con (ĐHV 765).
* Yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều họ, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ (ĐHV 766).
Người ấy là ai mà được một danh hiệu cao đẹp như thế?
Thưa: một đứa con hoang người da đen thuộc giai cấp nô lệ, tên Martinô Porres (1569-1639) mà Đức Gioan XXIII đã suy tôn lên đài vinh quang các thánh vào ngày 6.6.1962 và cũng chính là vị Giáo Hoàng khả kính đã tặng danh hiệu cao quý vừa nói cho ngài.
Suốt đời, Martinô Porres đã luôn giơ tay an ủi kẻ âu lo, thăm viếng chạy chữa thuốc thang cho kẻ liệt lào, nâng đỡ kẻ già nua góa bụa, giúp đáp người cơ khổ túng thiếu, hàn gắn vết thương lòng cho những người cô độc bị áp bức. Mà nhân đức nói trên, Martinô đã thực hành từ tấm bé. Khi còn nhỏ, Martinô lợi dụng những lần mẹ sai đi mua đồ lặt vật để bớt xén tí tiền đem biếu cho những người cậu nghĩ còn cùng khổ hơn. Được biết như thế, mẹ Martinô hơi tỏ vẻ khó chịu và nhiều lần trách mắng con. Có lần tức quá bà đã giáng cho cậu một tát tai đau điếng.
Lúc lên 7 tuổi, Martinô đã đủ sáng suốt để nhận thấy rằng thành phố Lima đầy những chướng tai gai mắt. Bên cạnh những lối sống xa hoa trụy lạc do sự bóc lột mà mồ hôi nước mắt của kẻ khác nhan nhản không biết bao nhiêu cảnh cô đơn, nghèo nàn khổ cực. Thế nhưng giữa bao thối nát đen tối ấy vẫn còn sáng lên nhiều mẫu gương tông đồ bác ái đích thực, ảnh hưởng sâu đậm trên tâm hồn của cậu thiếu niên. Ban đầu, mẹ cậu đang ở trong hoàn cảnh nghèo túng cô đơn, thấy con hay giúp người cùng khổ đôi chút tiền bạc thì rất bực mình khó chịu; nhưng dần dần bà suy nghĩ, tỉnh ngộ, đổi ác cảm thành thiện cảm. Bà yêu quý con ngày càng thắm thiết và đã trở thành một vị hiền mẫu giàu lòng bác ái.
Năm 22 tuổi, Martinô xin vào Dòng Đa-minh để làm gia nhân. Nhưng bề trên nhà dòng thấy chàng có nhiều nhân đức nên sau một thời gian đã chọn làm trợ sĩ. Thầy hết sức sống bác ái yêu thương giữa cộng đoàn. Một hôm, tu viện phải khẩn trương thanh toán một món nợ mà chẳng kiếm đâu ra tiền. Cha Bề trên bất đắc dĩ phải mang đi bán một vài báu vật của tu viện. Cha vừa ra khỏi cổng, thầy Martinô đã vội chạy theo, vừa thở vừa thưa:
- Nhà Dòng cần tiền để trả nợ, nhờ ơn Chúa, thưa cha, con có cách trả được!
- Con trả bằng cách nào? Cha Bề trên quay lại hỏi, tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Thưa cha, con là một người da đen hèn hạ, chẳng có chi cho Nhà Dòng. Xin cha cứ bán con đi để lấy chút tiền trả nợ cho người ta. Con xin cha ban cho con đặc ân ấy... Biết đâu lọt vào tay thiên hạ, họ sẽ bắt con làm việc vất vả và hữu ích hơn...
Nghe nói thế, cha bề trên xúc động đến chảy nước mắt. Ngài đăm đăm nhìn thầy Martinô từ đầu đến chân một cách yêu thương trìu mến và ra hiệu bảo thầy quay trở lại nhà dòng.
Đã chăm làm việc lại có nhiều tài nên thầy Martinô suốt ngày quần quật: hết ở trong kho quần áo lại sang bệnh viện, hoặc lang thang ngoài hè phố để giúp những người nghèo khổ cô đơn. Một hôm đang lúc đi đường, thầy gặp một người áo quần xác xơ tả tơi, mình đầy ung nhọt hôi hám và mắc phải một chứng bệnh đớn đau cùng cực. Thầy bèn cõng người ấy về phòng riêng của thầy ở trong tu viện, đặt nằm thoải mái trên giường, ra sức tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống... Thầy săn sóc bệnh nhân cách tận tụy như săn sóc chính Chúa Giêsu. Thấy vậy, một tu sĩ tỏ dấu bất mãn và lên tiếng trách thầy sao lại đưa đứa ăn mày ghê tởm về phòng và lo lắng quá đàng hoàng. Martinô ôn tồn đáp: "Thưa thầy, tôi nghĩ rằng việc thương người hoạn nạn còn quý gấp vạn lần sự sạch sẽ. Thầy nghĩ xem, mền chiếu tôi có dơ bẩn thì chỉ mất một chút xà-bông là giặt sạch, nhưng cả một suối nước mắt nhân loại cũng không đủ để rửa sạch những vết thương do cái xã hội bất công và ích kỷ gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét