J.Nguyễn Đình Sang
Trong một thông Điệp gửi các tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói: “Internet là món quà từ Thiên Chúa”. Trong thế giới kỷ thuật số hiện nay, không ai không biết những thuận lợi và không thiếu những bất lợi của mạng lưới toàn cầu! Nhưng tại sao Đức Giáo hoàng Phanxico lại nói: “Internet là món quà từ Thiên Chúa”.
1. Internet là gi?
Trước hết, chúng ta tìm hiểu Internet là gi? Theo VTVcab & CMC Telecom thì Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy cập công cộng gồm các mạng máy vi tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyền gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hoá (giao thức IP). Hệ thống này bao gồm hàng ngàn máy điện toán nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên toàn cầu…
2. Lợi ích của Internet trong cuộc sống:
Ngày nay người ta không còn cần phải mất thời gian đi tìm mua một tờ báo để đọc tin tức, mà chỉ việc ngồi nhà mở máy vi tính, không thiếu một tin tức lớn nhỏ nào.
Không còn ngăn cách bởi không gian và thời gian, lướt trên Facebook, người ta có thể thấy mặt bạn bè cùng những lời thăm hỏi chỉ bằng một các click!
Xem phim, nghe nhạc, chỉ cần mở trực tuyến mạng toàn cầu, bạn sẽ có thể thưởng thức mọi thể loại.
Trong một thời gian rất ngắn, thư của bạn sẽ được gửi đến bạn bè qua email cá nhân, và nếu email của bạn ở trong một group thì cùng lúc chỉ một cái click, hàng trăm thậm chí hàng ngàn người có thể nhận được tin tức từ bạn (groups-email).
Bạn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng không thiếu một vấn đề gì, chỉ cần vào Yahoo hay Google, bạn chỉ đánh một chữ, sẽ có hang ngàn thông tin hiện ra.
Mua, bán hang hoá, học tập mọi ngành nghề, thậm chí còn chữa bịnh qua mạng.
Nói tóm lại, Internet mang lại tuyệt vời những tiện ích cho con người, nó cung cấp một khối lượng thông tin khổng lồ, các cách thức thông thường để truy cập internet là quay số, băng rộng, không dây, vệ tinh và qua điện thoại cầm tay…
Như vậy, phải nói rằng cuộc sống của thời đại hiện nay không thể thiếu Internet! Đó chính là ly do, Đức Thánh Cha đã nói: “Internet là món quà từ Thiên Chúa”
3. Internet với các Chủ chăn:
Huấn thị Communio et Progressio (1971) dạy rằng Chúa Giêsu là Nhà Truyền Thông Cứu Độ và là người thầy của Truyền Thông. Người là Ngôi Lời của Chúa Cha, trong Người mọi sự được tạo thành. Người là Ngôi Lời ở trong Chúa Cha từ nguyên thủy, và qua Người, tất cả mọi tạo vật được hiệp thông qua hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế Truyền thông phát xuất từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và có mục đích tối hậu là đưa nhân loại cùng các phương tiện truyền thông, đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa…
Như vậy, những người có trách nhiệm trong giáo hội được mời gọi quan tâm đặc biệt đến các hoạt động truyền thông và cố gắng thực hiện mọi điều khả thi trong hoàn cảnh của mình. Ngày nay Internet là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất, không thể thiếu sự quan tâm từ các Đấng Bản Quyền. Các chủ chăn có trọng trách chỉ đạo, chọn lọc và hướng dẫn, đưa internet vào từng gia đình và từng cá nhân, để internet tác động tích cực trong mọi người, và thật sự là “món quà từ Thiên Chúa”.
4. Internet với các gia trưởng:
Ý thức được lời của Đức Thánh Cha “Internet là món quà từ Thiên Chúa”, những người làm cha làm mẹ, hãy tôn trọng con cái trong việc xử dụng mạng lưới toàn cầu. Trong gia đình, cha mẹ là đầu tàu, để con cái tự do sử dụng internet, không có nghĩa là cha mẹ vô trách nhiệm. Trái lại, trước những vấn đề nhức nhối ngày nay về luân lý, cha mẹ phải khéo léo hướng dẫn con cái sử dụng đúng những lợi ích của internet, tuyệt đối loại bỏ những tiêu cực, những điều có thể làm hại cho con em qua internet. Món quà từ Thiên Chúa bao giờ cũng tốt đẹp. Cha mẹ hãy dạy con cái rằng đừng lạm dụng những tốt đẹp mà Thiên Chúa trao ban!
5. Internet với giới trẻ:
Trong thông điệp Ngày Truyền Thông Thế Giới 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:
“Truyền giảng Tin Mừng là một niềm đam mê đối với Chúa Giêsu và đồng thời cũng là một niềm đam mê đối với dân Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy chiều sâu thẳm của tình yêu Ngài, là điều mang đến cho chúng ta nhân phẩm và nâng đỡ chúng ta. Đồng thời, chúng ta nhận ra rằng tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu qua của Chúa Giêsu đang mở ra để ôm lấy Dân Chúa và toàn thể nhân loại. Chúng ta nhận ra lần nữa rằng Ngài muốn dùng chúng ta để lôi kéo đến gần hơn dân Ngài yêu dấu (x. thượng dẫn. 268) và tất cả những ai thành tâm tìm kiếm Ngài. Trong lệnh truyền của Chúa Giêsu “hãy đi”, chúng ta thấy các tình huống và những thách thức mới luôn hiện diện trong sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. Tất cả các thành viên của Giáo Hội được mời gọi để rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá là mạng sống của họ. Cách riêng, những người nam nữ thánh hiến được yêu cầu lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng kêu gọi họ ra đi đến các vùng ngoại vi, đến những ai mà Tin Mừng chưa hề được công bố….”
Tất cả các thành viên của giáo hội đều được mời gọi để rao giảng Tin Mừng bằng chứng tá và mạng sống của họ. Ngày nay giới trẻ là thành phần đông đảo của giáo hội, mỗi người hãy ý thức mình không phải là thầy của Truyền thông mà là chứng nhân của truyền thông! Chọn lựa phương tiện truyền thông để nghe, để xem và hướng dẫn bạn bè, nghe xem viết phù họp với giáo lý Công giáo là trách nhiệm của mỗi một người trẻ, sao cho xứng đáng nhận lãnh món quà quí giá, vì “Internet là món quà từ Thiên Chúa”.
Phần kết:
Đức Tổng giám mục Celli nói: “Chúng ta không ‘ngây thơ’ về những mối nguy hiểm của các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng khi gia nhập lĩnh vực này, chủ yếu bạn phải nhìn vào khía cạnh tích cực”. Ngài coi phương tiện truyền thông xã hội như một “lục địa kỹ thuật số” mà Giáo hội phải ứng xử như miền đất truyền giáo.
Khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm đứng đầu Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội vào năm 2007, Đức Tổng giám mục Celli đã thúc đẩy Vatican nắm bắt các phương tiện truyền thông mới.
Đức Tổng giám mục Celli nói rằng có điều gì giống như xảy ra “khủng hoảng” khi Toà Thánh khai trương tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô vào năm 2012, vì lo ngại sẽ có những chỉ trích trên mạng. Ngài nói rằng thực tế số lượng các ý kiến tiêu cực trên Twitter đã tăng mạnh trong năm cuối cùng của triều đại Đức Bênêđictô khi ngài phải đối mặt với một loạt các bài báo về những bê bối ở Vatican.
Nhưng Đức Tổng giám mục Celli nói giọng điệu đã thay đổi đáng kể dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà ngài cho rằng phần nào do sự hăng hái của vị tân Giáo hoàng trong việc truyền thông bằng mọi phương tiện có thể. Ngài nói rằng sự cởi mở với truyền thông rõ ràng phản ánh quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Giáo hội.
“Đó là một Giáo hội Công giáo luôn mở cửa cho mọi người. Cánh cửa mở ra để những ai muốn vào đều vào được, bất kể hoàn cảnh sống của họ”.
Chìa khoá cho người Công giáo, Đức Tổng giám mục Celli nói với cử toạ, là chìa má bên kia khi bị tát má này. “Sự hiện diện của chúng ta (trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số) sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta là những chứng nhân đích thực cho đức tin của mình”.
Dù trong hoàn cảnh nào, lời của Đức Thánh Cha Phanxicô vẩn là lời vàng ngọc: “INTERNET LÀ MÓN QUÀ TỪ THIÊN CHÚA”
Sang Nguyen
(Nguồn :ccslangsongqn.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét