Chị hớt hải về đến nơi thì cũng vừa lúc thợ thuyền ra
về. Mấy đứa em chế giễu:
_Gớm! Giờ này bà chị mới tới!
_Thông cảm mà, chị mới đi làm về là ghé liền đó…
Mà thật vậy! Chị Minh rất vất vả, nhất là từ ngày chồng
chị mất, mọi gánh nặng đều dồn lên vai chị. Mà khó nhất vẫn là việc kiếm miếng
ăn cho 4 mẹ con. Cũng may là chị không phải thuê nhà, nên ít ra, chị không băn
khoăn lắm về việc đi sớm về khuya. Hàng ngày chị phải đến quán cơm phụ việc,
mãi đến 5 giờ chiều chị mới bắt đầu ra về để lo cho mấy đưa con còn thơ dại. Chỉ
chẳng hề ca thán với ai bao giờ, vì chị đã quá quen với khổ cực từ tấm bé. Đến
nỗi, lấy chồng lúc ấy là một giải pháp để mẹ chị bớt phải lo cho một miệng ăn.
Nay thì mấy đứa em chung tay làm nhà. Tuy chúng đều
khá giả nhưng lại muốn ở chung nhà với mẹ già, dù vì như thế mà anh em hay hục
hặc với nhau. Chị khá là bối rối khi mấy đứa cháu ruột mách chị:
_Bác ơi, ba cháu kỳ ghê đi…
_Sao?
_Ba cháu nhận việc lo giấy tờ, bản vẽ gì đó hết 5 triệu,
mà về nói với bà là 8 triệu…
_Làm gì có chuyện đó!
_Con nghe ba con nói với mẹ con vậy đó…
_Rồi mẹ con nói gì?
_Mẹ con còn nói, sao không “kê” lên 10 triệu cho chẵn…
Hay, hôm khác, với đứa cháu khác:
_Bác ơi! Má cháu kỳ quá…
_...
Má cháu xui ba cháu mua gạch chỗ nào đó mà người ta đồng
ý sẽ chừa phần cho nếu mua của họ…
_Vậy cháu nghĩ sao?
_Cháu thấy vậy là không đúng nhưng cháu không dám nói.
Hay bác nói đi! Nhưng đừng để cho ba má cháu biết cháu đã nói với bác nhé. Bị
đòn chết bác ơi!
Chị nào dám hé môi với ai, dù họ đều là em chị. Vì chị
biết mình chẳng đỡ đần được gì cho mẹ già. Thôi thì, hàng ngày về đây quét dọn
đỡ cho đám thợ, rồi quay qua săn sóc mẹ một chút cũng là việc vừa sức. Thấy mấy
đứa em cứ moi tiền của mẹ mà chị xót xa, dù thật ra cũng chẳng nhiều nhặn gì.
Nhưng chúng lại còn xét nét chị vì chị chẳng đóng góp được gì cho gia đình, dù
họ biết chị thực sự rất khó khăn. Các em đều đã có gia đình, chúng thừa hiểu
công việc chúng làm là đáng trách, nhưng có lẽ chúng chỉ cố minh chứng với những
người còn lại là chúng đã hết lòng đóng góp cho công việc! Lời được mớ gạch men
chừng mươi triệu thì thật ra vợ chồng cậu Hùng đã thủ thỉ với mẹ:
_Mẹ, con có bằng này thôi, mẹ cầm đỡ!
Dĩ nhiên, cậu Hùng cũng như dì Nga, luôn chừa lại chừng
một nửa để tiêu xài gì đó, vì tiền với các cậu, dì có bao giờ là đủ đâu! Chị dư
biết, thỉnh thoảng trong nhà có việc, là y như mẹ chị thế nào cũng bị thụt két!
Gì chứ chợ búa là chị quá rành, vì ngày nào mà chị không đi chợ cho chủ quán! Từ
trái ớt, quả dưa..đến miếng thịt heo, quả trứng… chị đều biết rõ giá.Mẹ chị
cũng lờ mờ biết vậy, nhưng bà cũng kệ, có lẽ bà nghĩ dù sao thì chúng cũng là
con cái!
Cái mớ đồ cũ, nào đám trần nhựa ngả màu, nào những món
lạc xoong vất lền khên kia, nom thật ngứa mắt. Chị vừa gom cả vào một nơi, thì
cậu út đã ré lên:
_Chị vất bố nó đi cho rộng nhà!
Mợ em dâu tiếp lời:
_Ba cái đồ quỷ tha ma bắt ấy…hay chị bán đi!
Đứa em kế đã cướp lời:
_Bán được nhiêu,cho chị hết đó!
Nghe thật buồn khi chúng cho chị những thứ vất đi như
thế. Chị giấu những giọt nước mắt trong nụ cười không ra tiếng.
Mà chị bán thật. Vì chị nghĩ, thế nào cũng có được ít
tiền. Chị chỉ kịp dắt đứa con út ra ăn tô phở rõ to, vì lâu rồi nó chưa từng được
ăn thế, rồi chị gặp mẹ, đưa hết cho mẹ số tiền chị bán đám ve chai ấy. Chị thấy
vui sướng trong lòng, vì chị đã làm điều tốt nhất có thể…
Chị nhớ tới câu chuyện thánh kinh thuật lại bà góa
nghèo nàn bỏ đồng xu vào đền thờ. Với Đức Giê su, thì đồng xu ấy lớn hơn hết mọi
khoản tiền của người khác dâng cúng. Chị lẩm bẩm:
_Lạy Chúa! Ấy là tiền của chính bà góa ấy! Còn con,
con nào có gì đâu! Ngay cả tiền ve chai, cũng chẳng phải là tiền của con, Chúa ạ…
LAM TRẦN 7.11.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét