Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

DON BOSCO.CHA VÀ THẦY CỦA GIỚI TRẺ​




LỜI MỞ ĐẦU

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã gởi các ngôn sứ và các Thánh tới nhắc bảo và hướng dẫn Dân Ngài. Ngày nay cũng vậy, Thiên Chúa gởi các Thánh tới để khai sinh các dòng tu nam nữ đáp ứng các nhu cầu đặc biệt. Thiên Chúa đã gởi các vị tử đạo đến để làm chứng nhân cho đức tin, đã gởi các trinh nữ đến để làm người bảo vệ sự trinh khiết, và những con người thánh như Don Bosco, để dạy về nhân đức và sứ vụ tông đồ cho một thành phần đặc biệt của Dân Chúa, đó là giới trẻ.

THÀNH PHỐ BẤT AN

Tôrinô thay đổi, tội ác nở rộ. Khi còn trẻ, Don Bosco dấn thân làm việc giữa những tội phạm và những người trẻ đang bị giam cầm trong điều kiện sống dữ dằn.

Châu Âu đang khi muốn đấu tranh để thiết lập những chính phủ dân chủ, lại bị những mưu đồ chính trị, những cuộc ám sát, bạo loạn và những cuộc nội chiến trong suốt thế kỷ 19 phá hủy. Người Kitô hữu của lục địa này bị chia rẽ một cách đau đớn, chỉ kháng cự những kẻ vô thần hiếu chiến một cách yếu ớt.

Thành phố Tôrinô dễ thương thuộc bắc Ý dưới chân dãy núi Alpe đầy tuyết, nay xem ra đã đẹp hơn những ngày đông năm 1846. Các kỹ sư Rôma tài năng ngày trước đã thiết kế được những con đường và quãng trường chính của Thành phố, mà trải bao thế kỷ, du khách đã phải trầm trồ Tôrinô là “ngôi làng đáng yêu nhất thế giới”.

Nhiều gia đình quý tộc đã theo gót cha ông bảo vệ vùng đất miền bắc Ý và kiểm soát các ngã đường qua núi Alpe mà các thương lái hoặc quân xâm lăng đôi khi dùng để đi vào đất Ý, cho tới thời những đạo quân Rôma bố trí đồn trú tại Tôrinô.

Với cảnh trí đầy ấn tượng và là một dân tộc có văn hóa và tầm quan trọng về thương mại, Tôrinô ngay từ buổi đầu lịch sử của mình đã phát triển theo một nét quý phái riêng. Vào thời mà chúng tôi ghi chép đây, thì dòng họ Savoie đang làm quân vương và cai trị miền bắc Ý.

Tuy nhiên, mọi sự lại không bình lặng. Tôrinô của thế kỷ 19 cũng giống như nhiều thành phố tại Châu Mỹ và Châu Âu, đã thay đổi từ một trung tâm tỉnh lỵ vắng vẻ thành một thành phố công nghiệp náo nhiệt. Quả vậy, nhà máy mỗi ngày mỗi mọc lên, dòng người từ những nông trại bắc Ý và từ bên kia thung lũng dãy Alpe mỗi ngày mỗi tuôn về Tôrinô để tìm việc làm và những phấn khích mà Torinô cống hiến.

Lớp trẻ lao động vừa nhập cư này sống chen chúc nhau trong những phòng trọ ngột ngạt và dơ bẩn, có khi sáu hoặc tám người một phòng. Tội ác, bệnh tật và những tệ nạn nở rộ. Đối với hầu hết cư dân khu ổ chuột này thì Thượng Đế chỉ còn là ký ức nhạt nhòa gắn liền với những trang trại hoặc những cửa hàng bơ sữa mà họ đã bỏ lại để lên thành phố. Các băng đảng của đám trẻ côn đồ đã thành hình trên các đường phố và thường tràn vào những khu khá giả hơn của Tôrinô, thực hiện hàng loạt các vụ trộm cướp, đôi khi cả giết người. Chính quyền thành phố đã tăng cường lực lượng cảnh sát và xét xử mau lẹ. “Ngôi làng đáng yêu nhất thế giới” nay đã có 150.000 cư dân, hãnh diện có không dưới bốn nhà tù cỡ lớn mà phần nhiều tù nhân chỉ là những trẻ nam, có em chưa đến tuổi thành niên.

CON NGƯỜI THẲNG THẮN

Một vấn đề mới gần đây lại gây thêm khó chịu cho người dân Tôrinô, đó là sự xuất hiện của vị linh mục chẳng giống ai. Từ mấy năm qua, vị giáo sĩ này được biết đến là Don Bosco hay cầm đầu một đám trẻ nghèo vừa đi vừa ca hát và la ó khắp các ngả đường thanh lịch của Tôrinô. Khoác trên mình một cái áo vá dính bột, đi đôi giầy lao động nhà nông, vị linh mục này đã bắt đầu mọi việc với một nhúm trẻ. Nhúm trẻ buổi đầu kia nay đã nở lớn thành 400 đứa. Dầu chúng chẳng gây ra tội gì, nhưng người ta cứ ái ngại về khả năng kiểm soát của Don Bosco đối với đạo quân nhóc tì này.

Chính quyền, các chủ báo và những kẻ thù sợ rằng Don Bosco đang gầy dựng quyền lực chính trị tương lai cho mình. Nếu người ta có nghĩ bầu khí chính trị bất ổn của nước Ý như là một điều lập lờ thì cũng không vô lý. Vào thời Don Bosco, nước Ý chưa thống nhất. Ý được chia làm bảy lãnh thổ khác nhau. Áo và Pháp cai trị tới nửa đất Ý. Lãnh thổ giáo triều do Đức Thánh Cha Piô IX cai quản nằm giữa phần trung tâm đất Ý. Đức Piô IX không có quân đội nên đã từ chối hỗ trợ cuộc chiến đánh đuổi quân Áo xâm lăng. Nhiều người Ý cho rằng Đức Thánh Cha đã bênh vực ngoại bang, nên coi ngài là thù địch của mối đoàn kết dân tộc. Đợt triều cường chống đối giáo sĩ vốn đã tích tụ lâu nay đã càn quét khắp nơi.

Những kẻ thù của Giáo hội đã đuổi các giám mục ra khỏi giáo phận của họ, đàn áp các cơ sở tôn giáo, đầy ải các linh mục và tu sĩ. Đức Piô IX và hàng giáo sĩ Ý đã trở thành như những đứa trẻ ưa chịu đòn của cuộc đàn áp cách mạng tự do.

Tháng 11 năm 1848, sự căm ghét đã lên tới cực điểm khi các đảng cách mạng xông vào điện Rôma của Đức Piô IX, nhốt vị Quốc Vụ Khanh, bắn chết một vị trong Hội Đồng Tư Vấn. Đức Piô IX đã trốn sang vương quốc Napolie qua cửa bí mật và bị lưu đày ở đó sáu tháng.

Do bản chất của công việc cùng với sự thành công mà Don Bosco có được vì giới trẻ, Don Bosco đã trở thành mục tiêu người ta ưa nhắm tới. Ngài đã bình thản trả lời đối với tất cả những lời chỉ trích nhắm về phía mình: “Trong chính trường, tôi không đứng về phe ai. Tôi là một linh mục. Nước mà tôi phục vụ chính là Vương quốc của Thiên Chúa”.

TỪ KHI LÊN CHÍN

Don Bosco đã từng là nạn nhân bị những kẻ đố kỵ nhắm tới. Truyền thống kể lại rằng có con chó xám thỉnh thoảng xuất hiện để tháp tùng hoặc bảo vệ Don Bosco.

Gioan Bosco đã khao khát phục vụ cho Vương quốc kia từ khi còn là chú bé. Ngài đã viết: “Vào lúc chín tuổi, tôi đã biết mình muốn trở thành một linh mục để giúp đỡ giới trẻ”. Ngài đã gặp khó khăn để biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Cha của Gioan là một nông dân cần mẫn đã qua đời lúc Gioan chưa tròn hai tuổi. Mẹ của Gioan là bà Magarita. Bà đã giữ cho gia đình được nguyên vẹn, điều hành cái nông trại Bosco nhỏ, nuôi ba đứa con, chăm sóc bà mẹ chồng lớn tuổi và hay đau yếu. Magarita là phụ nữ có cá tính và đầy can đảm, đã tỏ ra có đủ sức đương đầu với cuộc đấu tranh sinh tồn thường tàn nhẫn và cay đắng.

Tuy nhiên, bất kể cái nghèo, bà Magarita đã khuyến khích Gioan xây dựng giấc mơ của cậu.

Dù thiếu tiền và yếu thế nhưng Gioan lại không thiếu những tài năng. Cậu sở hữu cả một loạt tài năng đáng nể, cộng với một thể trạng tuyệt vời từ khi còn rất trẻ. Tại các hội chợ quê, cậu đã học các mánh lới của những tay ảo thuật, và những trò nhào lộn nguy hiểm của những kẻ gan dạ. Trở về nhà, cậu quyết luyện tập các ngón nghề đó cho bằng được và thường vượt qua cả những người đã hướng dẫn cậu. Dù phải đau vì bầm dập, bong gân trong lúc luyện tập, Gioan không để mất đi nhiệt tình đối với trò giải trí đầy nguy hiểm này. Gioan hiểu rằng các ngón ảo thuật và đi thăng bằng trên dây sẽ hấp dẫn được các bạn trẻ đến với mình.

Tuy vậy, những tài năng thể lý nơi Gioan lại mờ nhạt so với trí khôn sắc sảo của cậu. Gioan rất thông minh nên có một trí nhớ đáng nể. Điều đó được chứng tỏ vào một buổi tối nọ trong một dịp tĩnh tâm, cha sở hỏi xem Gioan có hiểu bài giảng của ngài không. Gioan ngày ấy mới chín tuổi, đã nhắc lại trọn vẹn bài giảng không sót một câu. Ta cũng cần lưu ý rằng, vào thời ấy hầu như chẳng có nhà giảng thuyết nào dám rời tòa giảng trừ khi đã giảng ít là được một giờ.

Khi trở thành thanh niên, Gioan có tầm vóc trung bình. Gương mặt cởi mở và ngay thẳng của Gioan được điểm bằng mớ tóc ngắn vừa dầy vừa quăn màu hạt dẻ. Gioan luôn vui tươi, kỷ luật và có một năng lực làm việc dữ dội.

CHẲNG PHẢI LÀ SIÊU NHÂN

Gioan thời trẻ cũng có những khuyết điểm. Dù còn trẻ, nhưng tình cảm và cảm xúc của Gioan đã rất xâu xa và mãnh liệt. Gioan cũng có máu hăng, đôi lần không thoát được cách giải quyết vấn đề bằng những quả đấm.

Gioan ý thức rất rõ tính kiêu căng của mình. Cậu sợ mai này mình sẽ sử dụng chức linh mục cho những tham vọng cá nhân. May thay, Gioan đã thành công trong việc kiềm chế những xung lực kia và làm cho trọn cuộc sống của mình đậm nét điềm đạm, tràn ngập bình an và đầy tình bằng hữu với mọi người.

ĐƯỜNG TỚI CHỨC LINH MỤC

Gioan đã làm việc cật lực trong thời làm chủng sinh. Suốt những năm dài học tập, cậu nắm bắt được nhiều nghề khác nhau. Bởi thế, trước khi làm linh mục, Gioan đã biết làm bánh kẹo, sửa giày, cắt may quần áo, điều hành một tiệm ăn, tổ chức một xuất xiếc độc diễn. Buổi biểu diễn của cậu đã cuốn hút được các bạn nhỏ. Sau những giây phút tuyệt vời cống hiến cho các bạn, Gioan lại xen vào một hai bài giáo lý.



LINH MỤC ĐỜI ĐỜI

Năm 1841, Đức Tổng Giám Mục Tôrinô đã phong chức linh mục cho Gioan, lúc đó vừa tròn 25 tuổi. t lâu sau, ngài còn chấp thuận cho Gioan học 5 năm hậu thần học tại Học viện Giáo sĩ Tôrinô.

Ban giám hiệu Học viện biết được nhiều linh mục Ý từ chối hòa mình với dân chúng có óc bài giáo sĩ nên đã xin các học viên trẻ hòa đồng với dân chúng thành phố, đặc biệt với người nghèo. Thế là Gioan đi thăm và phục vụ tại các nhà thương, trại giam, cô nhi viện và các khu ổ chuột trong thành phố. Kinh nghiệm đầu đời về mặt trái nhơ nhớp của thành phố văn hóa Tôrinô đã chạm tới con tim nhân ái và nhạy cảm của Gioan.

Tuy nhiên, chính hoàn cảnh đáng thương của các trẻ em khu ổ chuột mới làm nặng lòng Gioan nhất. Vào năm lên chín tuổi, Gioan đã mơ thấy mình làm linh mục. Điều này đã được thực hiện. Nay Gioan phải thực hiện phần thứ hai của giấc mơ để phục vụ giới trẻ.



LUÔN LÀ CHÚA NHẬT

Thuở nhỏ, Gioan mơ thấy một bà đẹp bảo rằng: đời của ngài có nhiệm vụ làm biến đổi sói thành chiên ... trẻ lang thang thành công dân lương thiện và người thợ hữu ích.

Gioan đã lên đường. Khi còn là sinh viên hậu thần học, Gioan đã thuyết phục được một số trẻ tới họp mặt vào mỗi chiều Chúa nhật tại sân trường.

Gioan kiên nhẫn làm bạn với các trẻ đường phố theo lời dạy của thánh Phanxicô Salê: “Một giọt mật ngọt có thể bắt được nhiều ruồi hơn là một thùng giấm chua”. Gioan đã bắt được ruồi. Trẻ đường phố dẫn về trẻ đường phố. Bạn học nghề dẫn theo bạn học nghề. Em mồ côi kéo tới em mồ côi. Rảo khắp các khu ổ chuột Tôrinô, Gioan mời các bạn trẻ mỗi Chúa nhật đến bên nhau, tại học viện. Gioan gọi sự quy tụ đó là “Nguyện xá Chúa nhật”. Nguyện xá có những hoạt động như ca hát, cầu nguyện, học giáo lý và nhảy cừu, thi đấu, du ngoạn, cắm trại.

Một bạn trẻ của thời ban đầu ấy còn nhắc lại những ngày Chúa nhật xưa thân ái như sau: “Vào cuối mỗi ngày Chúa nhật đi chơi như thế, Don Bosco luôn báo cho chúng tôi biết kế hoạch của Chúa nhật sắp tới. Ngài hướng dẫn chúng tôi biết cách cư xử trong cuộc sống và yêu cầu chúng tôi mời thêm các bạn tới sinh hoạt. Niềm vui luôn tràn đầy giữa chúng tôi. Những ngày hạnh phúc ấy đã khắc sâu vào lòng cũng như đã ảnh hưởng vào cuộc đời tương lai của chúng tôi”.

Khi đi dã ngoại tới nhà thờ nào đó ở ngoại ô, Don Bosco luôn ngỏ lời xin phép cha sở cho bọn trẻ chơi đùa. Bao giờ lời xin ấy cũng được chấp thuận, và rồi theo hiệu lệnh, đám trẻ ồn ào được tập trung lại. Giáo lý kế tiếp bữa lót dạ: bãi cỏ và phiến đá thế cho bữa ăn và bàn ăn. Phải nói rằng bánh mì có thể đôi lúc còn thiếu, nhưng niềm vui thì không thiếu bao giờ. Chúng tôi vừa đi vừa ca hát cho đến khi chiều xuống mới trở về Tôrinô. Ai nấy đều mệt nhoài nhưng hạnh phúc.

Tuy nhiên không phải mọi người ở Tôrinô đều hài lòng. Quả vậy, Don Bosco dù đã dùng cả lưu xá Học viện vẫn chưa tìm ra đủ chỗ để tập hợp 400 bạn trẻ. Có vài nhà hảo tâm đã cố gắng giúp đỡ, nhưng sự có mặt ồn ào của đám trẻ đông đúc và sung sức này đã làm cho sự bực bội của hàng xóm đổ lên đầu họ. Trong khoảng năm tháng, không dưới mười người đã cho Don Bosco sử dụng nhà của mình. Tuy nhiên, sau một chút kinh nghiệm, ai nấy đều rút lại lời hứa. Don Bosco rõ ràng chẳng còn nơi nào để thu nhận lũ trẻ rách rưới của mình nữa.

Sau này khi nhớ lại Chúa nhật Lễ Lá năm 1846, lúc Don Bosco cảm thấy công cuộc của mình như đến hồi kết thúc, ngài đã ghi lại: “Nhìn vào đám đông thanh thiếu niên, nghĩ đến mùa gặt phong phú mà các em hứa hẹn, tôi cảm thấy tim mình tan nát, mình thật cô độc, không người giúp đỡ, sức khỏe suy sụp. Tôi cũng không thể nào nói được là sẽ tụ họp những bạn trẻ tội nghiệp kia ở đâu nữa”.

Don Bosco hối thúc bọn trẻ cầu nguyện và như điều thường xảy ra, lời cầu nguyện của bọn trẻ đã được Chúa nhận lời. Có một ông Pinardi kia đã cho Don Bosco thuê một miếng đất ngay tại khu đầm lầy Valdocco. Được tin, Don Bosco chậm trả lời vì hãy còn buốt người vì những thất bại vừa xảy ra. Ông Pinardi cho biết khu nhà đất ấy bao gồm một cái chái nhà nhỏ lợp bằng cỏ khô, có thể dùng làm nhà nguyện. Tuy nhiên, vừa nhìn thấy cái chái nhà kia, Don Bosco đã thất vọng não nề. Nó quá thấp để chui người vào. Ông Pinardi không nao núng góp ý: “Lạy Chúa, đừng lo. Chúng tôi sẽ cho người hạ thấp nền xuống. Cha sẽ có thể cử hành Thánh Lễ tại đây vào Chúa nhật Phục Sinh mà”.

Lời của ông Pinardi thật tốt lành. Vào sáng Chúa nhật Phục Sinh, Don Bosco đã cử hành Thánh Lễ trên cái bàn mộc mạc, chung quanh là đám trẻ nghịch ngợm ngồi như nêm trong cái chái nhà rệu rạo. Vâng, cái chái nhà Pinardi chẳng phải là nhà nguyện của dòng chiêm niệm, đám thợ trẻ cũng chẳng phải là ca đoàn, nhưng những điều đó không ngăn cản các em cử hành Lễ Phục Sinh trong hạnh phúc. Cuối cùng thì nguyện xá đã có được một ngôi nhà. Vị linh mục chưa biết được rằng mình sẽ phải trả một giá đáng sợ cho thành công của mình.



NHÂN DANH CON CÁI TÔI

Trong vòng 5 năm cũng như suốt thời sinh viên hậu thần học, Don Bosco đã hiến cuộc đời mình cho các bạn trẻ. Tuy chỉ gặp chúng vào ngày Chúa nhật, nhưng mỗi khi rảnh trong tuần, Don Bosco luôn đáp ứng yêu cầu của các em. Ngài thăm các em chính nơi các em làm việc, tìm việc cho ai bị mất việc, nuôi dưỡng em bệnh, cứu giúp những em phạm pháp và bằng mọi cách tranh đấu cho các bạn nhỏ của ngài tránh được các nhà cải huấn tồi tệ ở Tôrinô.

Và cũng bởi vậy, tất cả các công việc trên đã quật ngã Don Bosco: Sau ba tháng mua được miếng đất của ông Pinardi, Cha hầu như bị kiệt sức vì chứng sưng phổi trầm trọng tấn công. Tại bệnh viện, các bác sĩ ái ngại có thể ngài không qua nổi. Nghe được tin ấy, các bạn trẻ nát lòng, ngơ ngẩn đã chen chúc ở sân bệnh viện đợi chờ tin lành. Có nhiều em đi vào nhà thờ gần đó cầu nguyện cho người đã yêu thương mình quá nhiều.

Có những sáng kiến hành động xuất phát nơi các nhóm trẻ. Các em tổ chức những cuộc canh thức suốt đêm. Các em đã phát nguyện những lời hứa nghiêm nhặt với Chúa theo nhiệt tình tuổi trẻ. Không ít em có lời khấn xin phục hồi cuộc sống cho Don Bosco, hoặc thêm lời cầu nguyện và thêm việc đền tội. Có vài em nhỏ làm hồ đã nhất quyết ăn chay dù công việc các em phải khiêng gạch và hồ lên tận lầu 4 hay 5 tới 40-50 lần mỗi ngày. Quả thật, các em đã chịu cực nhọc đến lả người, nhưng vẫn quyết tâm vật lộn trong lời cầu nguyện và đền tội để Don Bosco thoát được sự níu kéo của cái chết.

Dầu vậy, công sức của các em dường như vô ích. Tình trạng sức khỏe của Don Bosco vẫn tiếp tục xấu hơn. Ngài dọn mình chết lành. Bên cạnh Don Bosco lúc ấy có cha Borel là người bạn thân đang cúi xuống thì thầm: “Này Gioan Bosco, đám trẻ cần đến cha. Hãy xin Chúa cho cha ở lại. Xin cha lặp lại lời cầu nguyện này theo tôi: Lạy Chúa, nếu đẹp ý Chúa, xin chữa con, con nguyện xin Chúa nhân danh đám trẻ của con”.

Gioan Bosco đã chậm rãi lập lại lời cầu nguyện. Khi cha vừa kết thúc thì cơn sốt cũng tan, chứng sưng phổi cũng biến đi.



ĐÓN CHA TRỞ VỀ

Khoảng hai tuần sau, các bác sĩ cho phép Don Bosco rời bệnh viện. Ngoài sân kia, đám trẻ đang đợi cha. Khi Don Bosco xuất hiện, các em ùa tới, khiêng bổng cha lên và kiệu cha trên vai ngang qua các đường phố Tôrinô. Tràn ngập niềm vui, các em ca hát, hò la và hoan hô đến độ những cư dân của thành phố cũng phải cảm động đến rơi lệ. Trẻ đường phố và trẻ nghèo đã bày tỏ lòng trung thành và ngưỡng mộ đối với người cha của mình cách lạ lùng như vậy đó.

MẸ MAGARITA ĐẾN

Không lâu trước khi Don Bosco bị bệnh, bà hầu tước Barolo là một phụ nữ quý phái, giầu có và là người đã cung cấp nơi ăn chốn ở cho Don Bosco tại Tôrinô. Khi vị linh mục này bắt đầu miệt mài với công việc mới của mình và không còn điều hành cô nhi viện nuôi trẻ nữ là một trong các cơ sở từ thiện của bà được nữa, thì bà yêu cầu Don Bosco rời khỏi khu vực trên. Bởi vậy, lúc xuất viện, Don Bosco không còn nơi nào trú thân.

Dù thế, đó chưa phải là vấn đề cấp bách vì Don Bosco đã quyết định về tĩnh dưỡng tại nhà của mẹ mình ở một nông trại quê, cách Tôrinô 20 dặm.

Khi Don Bosco trở lại thành phố, ông Pinardi một lần nữa lại tìm Don Bosco để cho thuê thêm bốn phòng tại khu đang có nguyện xá. Do căn nhà có sự khác thường này và những nhà lân cận đã có tiếng xấu làm Don Bosco do dự.

Nhưng rồi, khi nghĩ rằng nếu có sự hiện diện của mẹ mình, có thể sẽ làm giảm đi những nghi nan trong các hoạt động của mình, Don Bosco đã xin mẹ chấp nhận hy sinh để bỏ đời sống ở nông trại thân thương, về làm người mẹ giữ nhà trong phạm vi nhỏ hẹp của một căn hộ thành phố.

Bà đã hỏi con rằng : “Con có nghĩ đó là ý Chúa không?” Don Bosco trả lời: “Thưa mẹ, con nghĩ là như vậy”. Mẹ Magarita chỉ cần nghe có thế. Tháng 11 năm 1846, bà đã gom lại chút tài sản nghèo, rồi đi với con lên thành phố Tôrinô. Hai mẹ con đã đi suốt quãng đường 20 dặm vì không đủ tiền đi xe.

MỘT THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI TRẺ

Tuổi thơ lam lũ của Don Bosco đã đem đến cho ngài những cơ hội làm việc trong trang trại, làm mộc, cắt may và đóng giày, để rồi ngài có thể trao lại cho các học sinh của mình làm phương tiện hành nghề cách lương thiện và xứng hợp.

Chỉ ít lâu sau khi mẹ của Don Bosco tới nguyện xá, đám trẻ đã phong bà là “Mẹ Magarita”. Don Bosco thường nói với bà: “Này mẹ, sẽ có ngày tất cả nơi đây sẽ là một sân chơi với những lớp học và xưởng thợ. Sẽ có những người giúp đỡ và một thế giới của trẻ”.

Bà Magarita từ xưa vốn biết tính hoạt náo của con, nên chỉ nghe cho qua. Tất cả những gì mà vị linh mục có là một mảnh đất chẳng có giá trị là bao, một nhà nguyện mà một nửa ở dưới mặt đất, một căn hộ trong dãy phố đang góp phần đáng kể cho khu ngoại ô thêm nhếch nhác, thêm vào đó là sự chiếm đóng cuối tuần của khoảng 600 đứa trẻ. Tuy nhiên, Gioan Bosco đã quyết định xây dựng một thế giới của người trẻ, và xây dựng từng bước một.

Don Bosco quyết định trước tiên phải cho học sinh của mình nền giáo dục thực tiễn vững chắc. Để xuất phát, cha dạy ba môn sơ cấp như đọc, viết và số học. Đạo giáo được coi là môn cốt yếu trong chương trình. Cha chọn giáo lý đơn sơ làm bài đọc vỡ lòng cho các học sinh.

Khởi đầu, Don Bosco mở các lớp tại các phòng của nhà Pinardi. Khi càng ngày càng có thêm học sinh lui tới, lớp học quá tải lại tràn qua nhà nguyện và phòng áo. Dầu vậy, chỗ học vẫn không đủ. Hết cách, Don Bosco đành phải thuyết phục ông Pinardi cho thuê luôn toàn bộ khu đất.

Chẳng bao lâu chương trình dạy vỡ lòng được mở rộng, Don Bosco thêm vào môn địa lý, ngữ pháp và vẽ. Cha còn thêm môn hát, vì theo cha “Nguyện xá mà không ca hát thì chẳng khác cái xác không hồn”.

Để đảm bảo số giáo viên dự bị cho lớp học luôn được mở rộng, Don Bosco giao kèo với một số học sinh giỏi. Cha kèm cho họ các môn phụ, Ý ngữ, Văn chương, Pháp văn, Toán; còn họ biết rằng đến lượt mình, họ sẽ dạy một số giờ cho trường trung học. Sự thỏa thuận ấy có lợi cho cả Don Bosco lẫn cho hội đồng giáo viên. Quả vậy, Don Bosco đã có được một tập thể giáo viên lấy từ học sinh các nhóm của chính nguyện xá.

Các tân giáo viên lúc này đã được đào tạo đầy đủ để đi vào nghiên cứu và làm những nghề chuyên môn. Như thế là các em đã phá được cái vòng nghèo đói từ thuở nhỏ.



ĐÀN ONG KÉO ĐI LÀM TỔ

Sau một năm đậu lại trong khu đất Pinardi, Don Bosco đã coi sóc khoảng 600-700 trẻ, từ tám đến mười tám tuổi. Bọn trẻ được nhét kể như mọi chỗ, từ khu nhà Pinardi đến nhà nguyện. Don Bosco không từ chối một ai. Vì vậy vấn đề chỉ là thiếu chỗ.

Don Bosco không hề nao núng. Vào một buổi tối, cha triệu tập toàn thể nguyện xá để giải quyết cơn khủng hoảng bằng những lời này: “Khi cái đõ ong quá tải, số ong dư sẽ di chuyển thành đàn đi nơi khác làm tổ mới. Chúng ta cũng phải làm như vậy. Hãy xem, trong giờ chơi chúng ta đè lên người khác. Trong nhà nguyện, chúng ta bị xếp như cá mòi đóng hộp, còn chỗ nào để cựa quậy đâu. Bắt chước bầy ong, chúng ta hãy đi kiếm một nguyện xá mới”.

Rõ ràng là Don Bosco không có tiền, nhưng cha không ngại, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ dự liệu. Điều đó lại đúng và không phải là một, nhưng có đến hai nguyện xá sắp được mở cửa tại Tôrinô.

EM BÉ ĐẾN ĂN TỐI

Nhờ sự tiếp tay và hy sinh của bà Magarita, người mẹ ruột, công cuộc của Don Bosco lớn mạnh hơn bao giờ hết với những trường, xưởng, cái ăn, chỗ trọ. Giấc mơ thuở nhỏ đang đâm bông kết trái.

Vào một tối mưa lạnh tháng 5 năm 1847, mẹ Magarita nghe có tiếng gõ cửa nhà Pinardi. Mẹ mở ngay và đã thấy tại bậc cửa một bé trai quần áo sũng nước đang rét run. Mẹ vội đem em vào, đặt em ngồi trước lò sưởi lớn lửa để hong khô, cho em ăn rồi đem em đi ngủ. Em đã có cái tên “cậu bé tới ăn tối” của Don Bosco. Em bé mồ côi cùng với tiếng gõ cửa nhẹ nhàng đã mở ra trước mắt Don Bosco cả một khung trời mới. Những mảnh đời khốn khổ của các em bé mồ côi, không cửa không nhà, đã đè nặng tâm hồn của Don Bosco kể từ khi cha đặt chân tới thành phố này.

MỘT THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI TRẺ

Cho tới bây giờ, Don Bosco mới cảm thấy có thể làm được đôi việc cho trẻ. Ngay trước lúc em bé trên đến, đã có mười em khác đến với Don Bosco và cũng được cha kiếm cách nhét vào nhà Pinardi. Sau mùa đông năm 1851, lúc đã mua bán xong khu đất Pinardi, Don Bosco tiếp nhận khoảng 30 trẻ nội trú.

Nhà nội trú có một nếp sống kể là khác thường vào thuở ấy. Buổi sáng, sau giờ cầu nguyện chung, các học sinh vào xưởng hoặc nhà máy, dùng một chút điểm tâm tay cầm. Buổi trưa, các em tụ về nhà bếp dùng bữa trưa do chính Don Bosco làm đầu bếp và bây giờ còn đeo chiếc tạp dề trắng để phục vụ các em. Bọn trẻ có thể làm ca chiều và trở về vào buổi tối, dùng bữa tối, thế rồi Don Bosco làm thầy giáo rà lại bài vở cho các em.

Các hoạt động của trường tăng lên, đồng thời cũng tăng sự vất vả cho mẹ của Don Bosco đã ngoài tuổi sáu mươi. Bà làm việc luôn tay suốt cả ngày: lau nhà, giặt vá, chăm sóc các em bị bệnh. Bọn trẻ vốn trẻ tính. Do đó, sự cẩu thả của các em gia tăng cho bà vô vàn công việc không tên. Bà cảm thấy thấm mệt vì cây sào phơi quần áo bị rớt xuống, vườn rau bị dẫm nát, vì hết giặt lại tới vá, rồi lại vào bếp dọn bữa. Bà đã đi báo cho Don Bosco biết ý định về quê.

Don Bosco thấu hiểu lòng mẹ nên giữ im lặng. Cha trỏ tay lên cây Thánh Giá trên tường. Mẹ Magarita đã hiểu, nước mắt mẹ long lanh. Bà nói nhỏ với Don Bosco: “Con đúng rồi”. Rồi bà đeo lại chiếc khăn làm bếp lên người.



NHỮNG DỰ ÁN VÀ KẾ HOẠCH

Vừa khi Don Bosco kết thúc một kế hoạch nào, cha đã khởi sự một kế hoạch khác. Cha xây liên tiếp một nhà nội trú cho 150 chú nhóc, một nhà nguyện mới tương xứng với số học sinh gia nhập nguyện xá tăng lên, đồng thời cha cũng đi đầu mở hệ học buổi tối và trường huấn nghệ cho các thợ có tay nghề trong tương lai. Cha xây các xưởng dạy đóng giầy, cắt may, mộc, đóng sách, in và đồ sắt. Một lần nữa, Don Bosco lại dùng nhóm giáo viên có gốc ở nguyện xá. Các trường của Don Bosco được xếp vào loại nhất ở Tôrinô nhờ vào tinh thần và sự hướng dẫn của chính Don Bosco, là người được xếp vào hàng các nhà giáo dục tuyệt vời của Châu Âu thuở đó.

Một vị giáo sư nổi tiếng và là bạn cộng sự của Don Bosco đã giải thích lý do vì sao: “Tình yêu của Don Bosco tỏa ra trong ánh mắt và lời nói. Người ta có thể cảm nhận được điều ấy chẳng chút hồ nghi ... Người ta còn cảm nghiệm được niềm vui dạt dào khi có sự hiện diện của Don Bosco”.

Tuy nhiên, Don Bosco có những yêu cầu đối với các giáo viên cộng tác. Vào thời đại mà các ông thầy còn coi các trận đòn như là công cụ không thể thiếu được trong nghề, Don Bosco đã dứt khoát ngăn cấm mọi việc thô bạo như thế đối với các thanh thiếu niên. Cha khuyên rằng: “Hãy làm cho mình nên đáng yêu. Muốn được trẻ vâng lời, hãy sống với các em như người cha, chứ không phải như người bề trên”.

Theo quan điểm của Don Bosco, trách nhiệm của người thầy không chỉ trải rộng từ lớp học đến các cuộc trao đổi cá nhân với học sinh, nhưng còn đi đến việc tạo nên một môi trường tại nguyện xá được diễn tả bằng tình yêu và niềm vui của người Kitô hữu.

Don Bosco không thể đòi hỏi như thế trừ khi chính cha đã đi tiền phong. Cha đã hòa mình vào giờ giải trí với học sinh, nêu thách thức trong chuyện trò và nói đùa với họ. Như một lực sĩ thượng thặng dù tuổi ngoài 50, Don Bosco thường chạy đua với đám trẻ. Dù gặp rắc rối bởi tính giãn tĩnh mạch ở tuổi 54, Don Bosco vẫn còn có thể chạy vượt qua bất cứ ai trong họ. Don Bosco tôn trọng sự tự do của trẻ và còn đem sự tôn trọng vào mọi lãnh vực và chương trình trong nguyện xá. Nếu cần phạt một học sinh nào, cha cẩn thận để không bao giờ hạ nhân phẩm các em hoặc làm các em cay đắng.

Don Bosco có những kỹ năng của một nhà giáo dục lớn: biết liên kết giữa quyền bính và tự do, kỷ luật và tình bằng hữu, mệnh lệnh và sự sôi nổi tuổi trẻ.

Don Bosco thường nhắc nhở: “Không có tình thân sẽ không có tin tưởng, không có tin tưởng sẽ không có giáo dục”.

Đạo giáo đối với Don Bosco không đơn thuần là phần phụ thêm của giáo dục. Cha thấy việc tương giao với Thiên Chúa là cội nguồn hoạt động và tăng trưởng của mọi người.

Đối với Don Bosco, việc trình bày cho học sinh về Thiên Chúa là Cha được coi là điều căn bản. Don Bosco đã thực hiện được điều ấy một cách hiệu quả, bởi vì cha là người cha đáng yêu của nguyện xá. Cha thúc đẩy cho học sinh biết rằng, các em đang sống trong sự hiện diện của Cha trên trời, Đấng yêu thương các em.

NGƯỜI ĂN MÀY ĐÁNG YÊU

Don Bosco xác tín rằng chính Đức Maria mà ngài xin làm Đấng Bảo Trợ, đã mong muốn ngài xây dựng ngôi thánh đường này. Đây là trung tâm hành hương và tôn kính Thánh Thể Chúa.

Trong suốt thời gian xây dựng đền thờ Thánh Tâm Chúa vĩ đại và nguy nga, Don Bosco luôn thanh toán được các hóa đơn nợ. Khi cạn tiền, cạn nguồn, Don Bosco sẵn sàng đi xin. Những chuyến đi quyên góp của cha hầu như luôn mang dấu ấn hóm hỉnh.

Ngày kia, khi giấy nợ xếp chồng khá cao, Don Bosco đi thăm một người rất giàu đã nằm liệt giường ba năm. Sau một hồi chuyện trò, Don Bosco xin ông thay áo đến ngân hàng để rút tiền nhằm thanh toán cho các chi phiếu xây dựng nhà thờ. Ông lẩm bẩm: “Tôi không đi được. Ba năm qua tôi đã ra khỏi giường đâu!” Don Bosco nói với ông: “Ông hứa đi, Đức Mẹ sẽ kéo ông ra ngay”. Ông đã hứa nên ông cũng đã ra khỏi giường. Don Bosco không có may mắn đi cùng ông tới ngân hàng.

Nhiều người nghĩ rằng Don Bosco là nhà kinh tế tài năng vì khả năng kiếm ra tiền. Thật ra điều gì nói về cha cũng có thể đúng, trừ điều trên. Một bà nhà giàu xem Don Bosco là nhà tư bản tài chính lớn, đã xin ý kiến xem nên đầu tư tiền bạc của bà ở đâu cho tốt nhất. Chẳng nói câu nào. Don Bosco đơn sơ ngửa hai bàn tay của mình ra trước mặt bà.

Đã có hàng triệu Mỹ kim đi qua bàn tay Don Bosco, nhưng cha không giữ lại một xu cho mình. Quả vậy, cha sống nghèo; thậm chí còn tiết kiệm từng phần giấy trắng của những lá thư đã viết, biết nhuộm đen sợi làm dây giày, tiết kiệm từng tờ giấy báo, từng sợi dây. Cha dùng chiếc áo khoác phế thải nhà binh và chiếc mền cũ nhà binh xếp ở giường. Xem mình như người đầy tớ, một người giúp việc, cha vui vẻ phục vụ bàn ăn cho học sinh, khâu vá quần áo và cắt tóc cho các em. Vốn là người nghèo, cha cảm thấy tất cả mọi công việc cực nhọc kia là của mình. Cha nghiêm khắc cảnh cáo các tu sĩ của mình rằng, một khi họ không còn yêu sự nghèo khó nữa, thì đó là lúc hội dòng của họ tới ngày tận số.

NGƯỜI MẸ ĐẦY ÂN PHƯỚC

Don Bosco đã kêu cầu nhiều với Mẹ Rất Thánh. Một lần, có cha sở xin Don Bosco phụ trách giảng tuần tam nhật trước lễ Mẹ Lên Trời cho giáo xứ. Giáo xứ đau khổ vì ở trong khu vực bị hạn hán khủng khiếp và kéo dài. Những nông dân này hầu như đã tuyệt vọng.

Mở đầu bài giảng, Don Bosco nhắn mọi người rằng: “Hãy tham dự đủ ba ngày này. Hãy xưng tội. Hãy sửa soạn hết sức để sốt sắng rước Chúa trong ngày lễ Mẹ Lên Trời, và tôi xin hứa với anh chị em rằng, nhờ danh Mẹ, sẽ có mưa để làm tươi lại mảnh đất khô cằn của anh chị em”.

Sau bài giảng đầu tiên đó, cha sở nọ đã nổi nóng và bắt lỗi Don Bosco đã dựng nên những hy vọng hão huyền. Cha sợ dân chúng sẽ trút cơn giận lên cả hai người, khi trận mưa hứa hẹn không xảy ra.

Ba ngày dân chúng đã chen chúc trong ngôi thánh đường. Đúng lễ Mẹ Lên Trời, ngày sẽ có biến cố được hứa trước, Don Bosco thức giấc nhìn lên bầu trời. Trời vẫn xanh ngắt không một vẩn mây. Mặt trời ban mai đã thiêu trụi bụi đất. Trên đường tới thánh đường dâng lễ sáng, Don Bosco đã bị đám đông vây quanh hỏi: “Liệu trời có mưa không?” Don Bosco chỉ bình thản đáp: “Hãy thanh tẩy tâm hồn!”

Ngày đã tàn, bầu trời vẫn xanh biếc như khối cẩm thạch. Tối đến, dân chúng lại họp mặt tham dự lễ bế mạc, vậy mà trời chẳng có lấy một dấu hiệu nào sẽ mưa. Khi Don Bosco vào thánh đường cử hành nghi lễ, cha nhìn về phía chân trời một lần nữa. Trời xem như trong vắt. Một vẩn mây xám treo trên bầu trời như một miếng vải rách nhỏ xíu trong bầu trời xanh.

Don Bosco bước lên tòa giảng. Hàng trăm con mắt đổ dồn về cha, mang theo cùng một câu hỏi “Khi nào trời mưa?” Phút chốc, những gương mặt thắc mắc và tra hỏi này đã đanh lại, rồi chua cay và thất vọng.

Đột nhiên chớp xé ngang bầu trời, sấm nổ, rồi những hạt mưa to đầu tiên rơi lộp bộp trên mái nhà. Những nông dân có cơ hội sống hạnh phúc hơn, đã hò reo và cất lên những bài hát rộn ràng. Cha sở chính là người được nhẹ nhõm nhất trong vùng, dù chẳng bà con nào nhận ra điều đó.

NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Công cuộc phục vụ các em nam được mở rộng, bao gồm cả các em nữ nữa. Các nữ tu Salêdiêng, một trong những tu hội nữ lớn trong Giáo hội đã tiếp nối giấc mơ và thách đố xưa của Don Bosco.

Khi Don Bosco bước vào tuổi 60, sức khỏe của cha ngày càng mong manh, nhưng cha vẫn tiếp tục làm việc và làm việc đến kiệt sức mình. Một ngày của cha được lấp đầy bằng việc dạy học, thảo luận và xem xét vô vàn những dự án.

Đầu năm 1880, các hội viên Salêdiêng Don Bosco đã vượt qua biên giới nước Ý để thiết lập nhà tại Pháp và Tây Ban Nha. Ngài mong ước được đi thăm họ. Bởi thế, năm 1883, khi Đức Thánh Cha Lêo XIII yêu cầu Don Bosco qua Pháp quyên tiền để hoàn tất công trình xây cất đền thờ Thánh Tâm ở Roma, Don Bosco đã hân hoan vâng lời. Cha có thể vừa quyên góp cho Đức Thánh Cha vừa thăm con cái thiêng liêng của mình.

Don Bosco thật sự xúc động trước sự tiếp đón nồng ấm mà dân Pháp dành cho cha. Họ đã đáp lại lời kêu gọi cách rộng lượng cho việc xây dựng nhà Chúa.

Một nhân chứng mắt thấy tai nghe đã kể lại: “Chưa hề có một đám người nào tập trung đông đảo ở Paris chung quanh một vị linh mục như thế, kể từ cuộc viếng thăm của Đức Piô VIII”. Don Rua khi nhớ về chuyến thăm Paris này đã nói: “Nếu chúng tôi có tới bảy thư ký, thì nhiều lá thơ vẫn còn bị để lại mỗi tối, vì không kịp trả lời”. Chuyến đi quả là vấn đề đáng sợ đối với sức khỏe đã yếu ớt của Don Bosco.

Mắt bên phải của Don Bosco bị đau triền miên, do bị thương trong một lần bị ngã từ nhiều năm trước. Chứng viêm tĩnh mạch khiến việc đi bộ của Don Bosco không được vững, hai hội viên phải đi kèm hai bên. Sự giúp đỡ ấy cần thiết kể từ lúc Don Bosco bị chứng hay ngủ đứng, dù đang đi giữa đám đông, chào thăm và ban phép lành cho dân chúng.

Ba năm sau, Don Bosco lại thực hiện một hành trình tương tự sang Tây Ban Nha và cũng được dân chúng tiếp đón nồng nhiệt như thế. Cha đã đi giảng trong những Vương cung Thánh đường nổi tiếng nhất ở Pháp và Tây Ban Nha. Don Bosco có thể nói cả tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, nhưng hình như không có “cái lưỡi của nhà hùng biện”. Dầu thế, dân chúng rất hiểu vì Don Bosco nói với họ bằng ngôn ngữ của trái tim.

Xưởng may và đóng giày sơ sài đầu tiên được mở vào mùa thu 1853, chiếm cái hành lang và xài luôn cái bếp cũ của nhà Pinardi.

NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

“Cha làm tiêu hao đời mình vì làm việc quá sức. Toàn bộ thể trạng của cha khác nào cái giẻ mòn xơ cả chỉ vì xài nhiều. Không có thuốc chữa đâu, trừ khi chúng ta treo chiếc áo cũ này vào tủ một thời gian. Cha cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn một thời gian”.

Don Bosco đã từng nghe những lời khuyên như thế của vị bác sĩ. Câu trả lời của Don Bosco luôn là: “Bác sĩ ơi, ông đã biết rồi mà. Đó chính là thứ thuốc tôi không thể dùng, vì tôi còn quá nhiều việc chưa làm”.

Gần những ngày cuối đời và được hai hội viên túc trực bên cạnh, Don Bosco còn thực hiện cuộc hành trình qua Tôrinô thăm những người nghèo, quyên góp nơi những người giàu, khích lệ những ai buồn phiền. Cha cũng biết rằng cái chết đã tới nơi nên thường nói: “Tôi muốn về thiên đàng, nơi đó tôi có thể làm việc tốt hơn nhiều cho các trẻ của tôi. Tại thế này, tôi chẳng làm được gì hơn cho bọn trẻ”.

Lúc này, bác sĩ của Don Bosco đã báo cho các Bề trên Salêdiêng đương nhiệm biết rằng: “Cha Bosco không chết vì một căn bệnh nào hết, người cha giống như một ngọn đèn tắt vì hết dầu”.

Tính hóm hỉnh nổi tiếng của Don Bosco chẳng giảm đi chút nào. Cha nhắc nhở cho hai hội viên vẫn đưa đón mình đi từ nơi này qua nơi kia: “Nhớ ghi tất cả vào hóa đơn, cha sẽ thanh toán hết mọi sự lúc kết sổ”. Có lần còn đang thở hổn hển, Don Bosco thì thầm vào tai hội viên đang lo lắng cúi người xuống bên cha: “Con có biết ở đâu có người làm ống bễ giỏi không?” Người hội viên bối rối hỏi lại: “Tại sao?”. Bởi vì cha cần một cặp phổi mới, thế thôi”.

Bệnh của Don Bosco kéo dài. Don Rua lãnh trách nhiệm điều hành Tu hội Salêdiêng. Yêu cầu đầu tiên của Don Rua là xin mọi người trong gia đình này, nếu có thể được, hãy về Tôrinô để chào tạm biệt người cha già. Từ khắp nơi, những người con tinh thần của Don Bosco đã về với cha. Don Bosco đã nhận vào trường nhiều em nhỏ bụi đời và nhà quê này để giúp đỡ các em lớn lên với tình yêu của Thiên Chúa. Họ đã đi ngang sát bên cha để nhận phép lành của cha.

Sau đó tới lượt các bạn trẻ đã từng tới nguyện xá ở Tôrinô sinh hoạt. Hàng trăm em, cứ hai người một đã đến và đi ngang qua giường của Don Bosco. Cha ban phép lành cho tất cả, khuôn mặt thì bình thản và hầu như trẻ lại. Vào đêm 31.1.1888, Don Bosco hướng mặt về phía Don Rua và nói: “Hãy nói với con cái của cha rằng, cha đợi tất cả ở thiên đàng”. Sau những lời đó, một trong những con người sáng chói, có một tinh thần mạnh mẽ và dũng cảm trong thế kỷ 19 đã qua đời.

Khi còn sống, Don Bosco muốn chết nghèo, và cha đã được toại nguyện. Vào ngày cha qua đời, nguyện xá Tôrinô có 800 miệng ăn mà không có lấy một xu. Tuy nhiên, điều ấy không làm ông chủ lò bánh mì ngưng giao bánh. Ông cũng như mọi người khác đều biết rằng, Don Bosco sẽ kiếm được tiền cả khi ở thiên đàng để nuôi đám trẻ của mình đang ở trần gian.

Năm 1939, Đức Thánh Cha Piô XI đã ghi tên Don Bosco vào sổ các thánh trong Giáo hội Công giáo. Năm 1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi Don Bosco là “Cha và Thầy của Giới trẻ”.



Vương Cung Thánh Đường Don Boscô Ở Asti

ĐẨY MẠNH VIỆC TRUYỀN GIÁO

Từ những năm đầu đời sinh viên, Don Bosco đã mơ về những vùng đất xa xôi. Cha muốn trước khi qua đời có thể gởi những nam nữ Salêdiêng đi khắp nơi. Ngày nay công việc của cha được tiếp nối với hàng ngàn hiệp tác viên, chí nguyện và cộng tác viên.

Khi còn là một linh mục trẻ, Don Bosco đã xin đi truyền giáo, nhưng một giáo sư trong chủng viện đã nói nhẹ nhàng với cha: “Don Bosco, cha đã không thể đi nổi một chuyến xe ngựa mà không khỏi quặn ruột lên, lấy đâu làm nhà truyền giáo. Không đi được đâu, nhưng cha sẽ gởi nhiều người đi rao giảng và dạy lời Chúa”.

Năm 1875, mười sáu năm sau khi Don Bosco thành lập Tu hội Salêdiêng, cha đã gởi một nhóm mười người đầu tiên khởi đầu công cuộc truyền giáo ở Argentina.

Làn sóng di dân mạnh mẽ từ Châu Âu sang Mỹ Latinh đã xảy ra vào 25 năm cuối của thế kỷ 19. Số di dân đông đảo đến nỗi không có đủ nhà thờ và trường học nhằm đáp ứng những nhu cầu của họ.

Đây cũng là thời điểm của cuộc chiến tranh người da đỏ, khi những người mới đến đã đi sâu vào bên trong lục địa, đẩy những người da đỏ bản địa ra khỏi vùng đất của họ bằng cuộc chiến đẫm máu.

Mười vị truyền giáo Salêdiêng tiên khởi đã xuất phát vào ngày 11.11.1875, tiến tới Buenos Aires, nơi sẽ lập cơ sở chính của họ. Họ lập tức làm việc cho những di dân trong khu phố bần cùng tại cảng La Boca (Miệng Quỷ).

Một nửa nhóm tiến về miền nam lãnh thổ người da đỏ, trở nên dụng cụ giúp phục hồi lại hòa bình trong chiến tranh với người da đỏ.

Tiến về phía nam băng qua vùng Pampas rộng lớn, cuối cùng thì các nhà truyền giáo cũng đã tiến đến nam cực của lục địa là Tierra del Fuego (Hỏa Địa), miền đất vào thời điểm này là nơi trú ẩn của những kẻ vượt ngục, buôn lậu và tội phạm quốc tế. Một viện bảo tàng ở Punta Arenas ngày nay lưu giữ những kỷ niệm về những ngày đầu thử thách và vinh quang ấy.

Trong khoảng hai mươi năm, các vị truyền giáo đã thăm dò toàn vùng, thiết lập những trường canh nông, canh tác những dải đất rộng lớn và rao giảng lời Chúa. Bước tiến của những nhà truyền giáo là một chuỗi chinh phục, đôi lúc được trả giá bằng máu của chính họ.

Từ Ushuaia, thành phố cực nam của lục địa ở eo biển Magellan, các vị truyền giáo đã tiến lên miền bắc, băng qua Patagonia và lưu vực sông Amazon. Sau một thế kỷ, người Salêdiêng đang hoạt động tại hầu hết các quốc gia ở Mỹ Latinh.

SALÊDIÊNG PHỤC VỤ GIỚI TRẺ TRÊN THẾ GIỚI NGÀY NAY

Có gần 40.000 Salêdiêng linh mục, sư huynh và nữ tu đang phục vụ trên khắp thế giới, tại hơn 120 nước. Từ Sodertaije ở Thụy Điển, ngay dưới vòng Bắc Cực tới Ushuaia ngay trên vòng Nam Cực, từ New York tới San Francisco, Hong Kong, Bangkok và tiếp tục tới Rangoon, Calcutta, Cairo và vòng quanh thế giới. Người Salêdiêng đã đem tới sự săn sóc và quan tâm của nhiều thân hữu và cộng tác viên đến cho trên hai triệu bạn trẻ nam nữ.

NGƯỜI SALÊDIÊNG

“Là dấu chỉ và người mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho giới trẻ.”

Thánh Gioan Bosco là một thiên tài của giới trẻ, đặc biệt của những em nghèo hoặc gặp khó khăn. Ngài khao khát mãnh liệt dành trọn cuộc sống làm việc cho giới trẻ. Ngài đã đạt tới điều mong ước đó bằng sự sáng tạo, táo bạo và lòng quảng đại lạ lùng.

Ngày nay, người Salêdiêng nỗ lực tiếp nối công cuộc của Don Bosco vì nhu cầu của giới trẻ nơi các trường học, câu lạc bộ thanh niên, giáo xứ, gia đình và nhiều hoạt động đa dạng khác, hướng về mục tiêu là giúp người trẻ đạt được hạnh phúc bây giờ và mai sau.

Lối sống của người Salêdiêng vừa thực tiễn vừa lý thuyết, và nhấn mạnh tới những kinh nghiệm sống cộng đoàn và phục vụ giới trẻ.



GIA ĐÌNH SALÊDIÊNG NGÀY NAY

Chính Don Bosco đã cưu mang ý tưởng về Gia đình Salêdiêng. Ngày nay, Gia đình này có 20 nhóm và làm việc hầu như ở mọi nước trên thế giới. Chúng ta có thể liệt kê vài nhóm:

Salêdiêng Don Bosco (SDB): những người theo tinh thần thánh Phanxicô Salê của Don Bosco, là một tu hội lớn trong Giáo hội, bao gồm linh mục, sư huynh đang hoạt động trên 120 nước trên thế giới.

Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA): được Don Bosco thành lập với sự cộng tác của thánh Maria Mazzarello, là một trong những tu hội lớn trong Giáo hội, là một sự hiện diện phẩm chất và năng động trong thế giới đang thách đố tác vụ giới trẻ.

Chí Nguyện Don Bosco (VDB): được cha Bề Trên Cả Philip Rinaldi thành lập, là một tu hội đời bao gồm các nữ tín hữu được thánh hiến, làm việc theo tinh thần của Don Bosco.

Cộng Tác Viên Salêdiêng: là những giáo dân và linh mục sống Tin Mừng trong thế giới theo tinh thần của Don Bosco, trong việc phục vụ giới trẻ và giáo hội địa phương.

Hiệp Hội Cựu Học Viên Don Bosco/FMA: bao gồm các cựu học viên Salêdiêng nam nữ cam kết dấn mình vào sứ mệnh giáo dục giới trẻ trong gia đình, khu xóm và Giáo hội địa phương.

Hội Truyền Giáo Giáo Dân Salêdiêng: gồm những người nam nữ, độc thân hoặc đã lập gia đình, tự nguyện làm việc trong thời gian một năm hoặc nhiều hơn, bên cạnh những SDB hay FMA tại các nước truyền giáo có người Salêdiêng phục vụ.

Ta có thể thấy Gia đình Salêdiêng được trình bày hàng tháng trong Tạp chí Nguyệt San Salêdiêng; được Don Bossco thành lập năm 1877 và hiện được xuất bản với hơn 40 ngôn ngữ trên thế giới"]


(theo http://donboscovn.org)



Saledieng Logo
Gồm hai loại hình nổi đè lên nhau.
Hình nổi mầu đỏ đậm chính yếu đan quyện vào nhau tạo thành ba mũi tên
mô tả Don Boscô và các Salêdiêng đồng hành với giới trẻ trên thế giới.
Hình nổi mầu đỏ nhạt là nền, diễn tả hoàn vũ tạo   thành con đường hình chữ S

mời gọi các Salêdiêng tiến thân đến mọi nơi với tư cách là những nhà truyền giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét