TƯỢNG ĐÀI ALEXANDRE DE RHODES
(ĐIÊU KHẮC GIA PHẠM VĂN HẠNG
NẶNG 20 TẤN)
I- Lời dẫn nhập
Việt Đạo dạy: ''Ăn cây nào, rào cây ấy! Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây! Trọng Thầy mới được làm Thầy. Những phường bội bạc sau nầy ra chi! Một chữ làm Thầy; nửa chữ cũng làm Thầy. Không Thầy, đố mầy làm nên! Một kho vàng không bằng một nang chữ! Mồng một tết Cha, mồng ba tết Thầy. Muốn sang phải bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy. Cơm Cha, áo Mẹ, chữ Thầy. Ở sao cho đẹp mặt mày Mẹ-Cha. Học đặng như gấm thêu hoa! Có văn, có chức, mới ra con người! Ơn Thầy soi lối, mở đường, cho con vững bước dặm trường tương lai! Bao năm rèn luyện sách đèn, công danh có được, chớ quên ơn Thầy. Mẹ-Cha công đức sinh thành. Ra trường Thầy dạy học hành nên thân. Thời gian dẫu bạc mái đầu. Lòng trò ghi tạc ơn sâu của Thầy!''
Tuy nhiên, vẫn có người mang danh là ''Thầy, Sư, nhà Sử học'', nhưng chẳng ngại phỉ báng Vị Thầy đáng kính là Linh Mục Alexandre de Rhodes trong khi ''họ'' đang cầm bút viết Chữ Quốc Ngữ'' do Linh Mục Thừa Sai ấy đã dùng để ''khai tâm'' cho Dân Việt qua Từ Điển Việt-Bồ-La và ''họ'' cũng ''sử dụng chữ ấy'' để viết họ và tên của mình! Vì thế, trước khi nêu Tin Mừng (ở tựa đề), tôi xin tóm tắt lời của người mạ lỵ Linh Mục Alexandre de Rhodes và lời của người khác ca tụng Ngài. (Ở cuối bài này, có một số Links giúp Việt Bào tìm hiểu thêm về Linh Mục ấy và về việc sùng bái chữ Hán.)
II- Phỉ báng Linh Mục Alexandre de Rhodes
Trích từ bài viết ở Link số 1.
1- Alexandre de Rhodes “đã và đang bị các nhà sử học trong và ngoài nước chứng minh rằng đấy là một trong những đầu mối thúc đẩy thực dân Pháp vào cướp nước ta”.
2- Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, theo như quan điểm của đảng cộng sản, Nhà nước ta và các nhà sử học mác xít thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có tội với dân tộc Việt Nam vì đã góp phần vào việc thực dân Pháp xâm lăng nước ta, cho nên tên đường Alexandre bị hủy bỏ và thay vào đó là một tên khác. (Nay đã có lại tên đường ấy.)
3- Sự thật chữ Quốc ngữ có công trong việc truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam và có tội là đã dựa vào thực dân Pháp đẩy chữ Hán-Nôm CỦA dân tộc Việt Nam vào quên lãng.
Cũng trích từ bài viết ở Link số 1.
1- Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, hội ngôn ngữ và các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Hội thảo ghi nhận công lao của các giáo sĩ phương Tây trong việc hình thành chữ Quốc ngữ: trong đó quyển Từ điển Việt-Bồ-La là thành quả của một tập thể các giáo sĩ người Bồ đào nha như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa và người có công tập hợp, hệ thống lại để quy tụ thành từ điển nói trên là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
2- PGs.Ts. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội, Nhân văn và Đại học Quốc gia Tp. HCM phát biểu tại Hội Thảo ở Phú Yên, ngày 3.10.2015:“Tiếng Việt ngày nay như chiếc cầu nối đưa văn hóa Việt Nam ra ngoài thế giới và góp phần đưa văn hóa thế giới đến với dân tộc Việt Nam. Có được diện mạo và có được một sức hút mãnh liệt như hiện nay, tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới cũng trải qua bao thăng trầm cùng với dân tộc.”
IV- Ca ngợi Chữ Quốc Ngữ
1- Các nhà ''duy tân'' ở Việt Nam (Trích từ bài viết ''có tình'' ở Link số 2.)
''Trong khi thực dân Pháp coi chữ Quốc ngữ là một công cụ đào tạo tay sai thì các nhà “duy tân” ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã thấy được ở nó những khả năng to lớn cho việc mở mang dân trí. Điều đó được thể hiện qua những vần thơ cổ động:
“Trước hết phải học ngay Quốc ngữ
Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau
Chữ ta, ta đã thuộc làu,
Nói ra nên tiếng, nên câu, nên lời”
2- Đông Kinh Nghĩa Thục (Trích từ bài viết ở Link số 2.)
Là tổ chức vận động cách mạng, Đông Kinh Nghĩa Thục ra sức cổ động cho việc học tập và phổ biến Chữ Quốc Ngữ. Tập “Văn minh tân học sách”nêu sáu việc cần phải xúc tiến để mở mang dân trí, việc sử dụng rộng rãi Chữ Quốc Ngữ được đặt lên hàng đầu:
“Trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa nghìn muôn khó khăn, thì thấy chỉ có sáu đường: Một là dùng văn tự nước nhà… Văn tự đặt ra là cốt để ghi tiếng nói…Các nước trên địa cầu nước nào chẳng vậy… Còn nước ta vẫn chưa có. Ấy là một điều rất kỳ. Thiết nghĩ nước ta đời xưa hẳn là cũng có văn tự, chẳng qua lâu ngày thất truyền đi đó thôi. Gần đây, mục sư người Bồ Đào Nha chế ra chữ Quốc ngữ, lấy 26 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm 11 vận, đánh vần theo lối hài thanh mà đọc ra tiếng ta, rất là giản dị, nhanh chóng. Tưởng nên một loạt học theo. Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con cũng đều biết chữ…”
3- Ths. Phạm Thị Thanh Huyền, Khoa Lịch Sử, Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội (Link số 2)
''Nhưng chữ Nôm vẫn là một văn tự quá phức tạp, lại không được các triều đình phong kiến Việt Nam ủng hộ nên nó chưa đạt tới trình độ chuẩn xác và thống nhất cao giữa các địa phương. Trong khi đó chữ Quốc ngữ lại có khả năng biểu thị chính xác bất kỳ âm thanh nào của tiếng Việt, cấu tạo lại đơn giản, dễ học, dễ nhớ, người Việt chỉ cần học 3 tháng là đã có thể sử dụng được chữ Quốc ngữ. Do đó, chữ Quốc ngữ ra đời đã kết thúc thời kỳ kéo dài sự cách biệt giữa tiếng Việt và chữ viết. Đây là lý do quan trọng nhất khiến cho chữ Quốc ngữ ngày càng được phổ biến và sử dụng rộng rãi và có vai trò to lớn trong sự phát triển văn hoá Việt nam các thời kỳ sau này...Những đóng góp của Thiên Chúa giáo đối với văn hoá dân tộc Việt Nam thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực: lối sống đạo, ngôn ngữ – chữ viết, báo chí, văn chương, kiến trúc… Sẽ là thiếu khách quan và công bằng nếu như chúng ta phủ nhận những đóng góp có thể coi là tích cực này của Thiên Chúa giáo. Cuối cùng, chúng tôi xin mượn lời tác giả Nguyễn Văn Kiệm để làm lời kết luận cho báo cáo của mình, bởi đây là một vấn đề lớn và phức tạp, cần có sự nghiên cứu chuyên sâu hơn mà trong phạm vi bài viết hạn hẹp này, chúng tôi chưa thể hiện hết được những nội dung cần chuyển tải:
“Những tôn giáo lớn trên thế giới, trong quá trình lan toả, cùng lúc với sự truyền bá đức tin, còn có vai trò chuyển tải văn hoá nội sinh của tôn giáo nào đó cũng như văn hoá của cộng đồng sản sinh ra nó. Khi du nhập vào Việt Nam, Công giáo cũng thể hiện vai trò đó và có những đóng góp vào nền văn hoá bản địa.''
4- Ts Phạm Văn Tình (Trích từ Link số 3.)
''Tuy nhiên, sau khi có chữ quốc ngữ (dùng mẫu tự Latin) ra đời vào giữa thế kỷ 17 thì nền văn hóa Việt Nam đã có những bước chuyển mang tính lịch sử. Với hệ thống 29 chữ cái, cách viết đơn giản, dùng để ghi âm từ ngữ, lời nói, chữ quốc ngữ được phổ cập và nhanh chóng đi vào mọi hoạt động của đời sống, văn hóa người Việt. Đã có thời kỳ, dưới thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam đã tồn tại hiện tượng tam ngữ bất bình đẳng (chữ Pháp trong hệ thống hành chính nhà nước, chữ Hán trong tầng lớp nhà Nho, chữ quốc ngữ trong dân chúng), nhưng dần dần, chữ quốc ngữ đã vượt lên và khẳng định vững chắc vị thế “độc tôn” không thể thay thế.''
V- Những người ''biết ơn'' Cha Alexandre de Rhodes đã tìm ra mộ của Ngài!?
Tôi xin tóm tắt bài viết ''Tìm nơi an nghỉ của cha đẻ chữ Quốc Ngữ'', do tác giả Thanh Việt (trong Đoàn cán bộ Sứ Quán Việt Nam) ghi lại rất cảm động như sau:
''Alexandre de Rhodes, người có công lớn trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ, có tên tiếng Việt là cha Đắc Lộ. Nếu dùng những từ khóa này tìm kiếm trên Google, ta được hàng vạn trang viết về ông. Nhưng nếu hỏi: “Mộ của ông ở đâu?” thì không có thông tin nào...Cha xứ càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi hỏi về giáo sĩ Alexandre de Rhodes - người đã mất cách đây hơn 350 năm... Ngạc nhiên và vui mừng tột độ, cha và chúng tôi tìm thấy dòng chữ ghi Alexandre de Rhodes mất năm 1660... Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, chính tại nhà thờ Vank này, cha Đắc Lộ đã sống và làm việc những năm cuối đời. Chúng tôi hỏi: “Thưa cha, liệu có thể tìm thấy mộ của Alexandre de Rhodes ở đâu không?” Cha xứ tận tình chỉ đường cho đoàn khách đặc biệt tới Nghĩa trang Công giáo ở ngoại ô thành phố...Trong ánh nắng ban trưa, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ, ai cũng thấy dâng lên trong lòng mình những cảm xúc bâng khuâng khó tả... Rời Isfahan, trở về với công việc thường nhật, chúng tôi cảm thấy có đôi chút may mắn là một trong những người Việt đầu tiên tìm thấy mộ phần của cha Đắc Lộ. Thế giới nhiều khi hữu hạn, còn văn hoá và ngôn ngữ dường như vô hạn. Xin cảm ơn Cha, người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để cả dân tộc Việt sử dụng cho tới ngày hôm nay!''
VI- Lời kết
Cách đây gần hai năm, tôi gặp bài viết của tác giả Thanh Việt: ''Tìm nơi an nghỉ của cha đẻ chữ Quốc Ngữ'', sao ''nó'' lại, vẫn chờ xem ''thái độ'' của Nhà Nước Việt Nam về mộ của Giáo Sĩ Đắc Lộ, mà chưa ''thấy gì'' cả. Nhưng đã có một số Trang của Giáo Phận đăng bài ấy, nhất là Trang của Dòng Tên: ''Loan Báo Tin Mừng'' có phần đính chính: ''Cha Đắc Lộ ở Việt Nam không liên tục và chưa tới mười năm.''
Nay, sau khi đọc bài viết ở Link 1, tôi bèn trích dẫn một số nhận định về Giáo Sĩ ''Đắc Lộ'' và về lợi ích của Chữ Quốc Ngữ.
Đọc bài của tác giả Thanh Việt, nhìn rõ quý Vị đứng trước mộ của Cha Alexandre de Rhodes, nhất là hàng chữ Latinh trên bia mộ của Ngài, tôi cảm động, xin Thiên Chúa chúc lành cho quý Vị và tin rằng ''Cha đẻ Chữ Quốc Ngữ'' rất hài lòng, biết ơn quý Vị. Có lẽ nỗi buồn năm xưa (mà Ngài diễn tả vào ngày 03.7.1645, khi phải vĩnh viễn từ giã Việt Nam: ''Tôi phải bỏ Đàng Trong trong cả thể xác, nhưng tâm hồn tôi, mãi mãi ở cả hai nơi: Đàng Trong và Đàng Ngoài.'') đã trở thành niềm vui (Tin Mừng) vì quý Vị vẫn gọi Ngài là Cha với lòng kính trọng và biết ơn sâu xa.
''Truyện Kiều còn, tiếng ta còn!'' Nếu vẫn giữ mãi nguyên tác Truyện Kiều bằng chữ Nôm, mà không có bản bằng Chữ Quốc Ngữ thì tôi đây chẳng hiểu gì về kiệt tác của Cụ Nguyễn Du bởi vì, như bao nhiêu học giả khẳng định, chữ Nôm phức tạp, khó hơn chữ Hán (Nho) quá chừng!
Biết bao thế hệ Việt Bào ''mang'' ơn Cha Đắc Lộ! Nhưng không ít người ''mang ơn'' Ngài, mà chẳng nghe ''nặng'' ân tình! Trong khi đó, Tiến Sĩ Stephan Wegener, người Đức, vừa ''lén'' đặt mua cho tôi cuốn: P. ALEXANDRE DE RHODES (1593-1660) UND DIE FRÜHE JESUITENMISSION IN VIETNAM. (Cha Đắc Lộ và Sứ Mạng của Dòng Tên trước đây ở Việt Nam) Sau khi ''đặt hàng'', Ts Wegener mới cho tôi biết: ''Sách dày mấy trăm trang, tuyệt vời và rất cảm động!''
Đức Quốc, 27.11. 2015 (Tháng kính nhớ Các Đẳng Linh Hồn)
Phan văn Phước
Xin mời đọc nguyên văn năm bài viết ở:
Link 2 (Bài dài, có tình, có hình ảnh.): Một số đóng góp của Thiên chúa giáo đối với văn hóa Việt
Link 4 (Có hình cán bộ, mộ và bia mộ): Tìm nơi an nghỉ của cha đẻ chữ Quốc ngữ | GD&TĐ
Bản sao: Sắc lệnh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về Chữ Quốc Ngữ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét