Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

TRUYỆN NGỤ NGÔN CỦA ÆSOP


Lê Tấn Tài tuyển chọn


Truyện ngụ ngôn của Æsop , không hoàn toàn do Æsop - một nhà văn Hi Lạp Cổ Đại - sáng tác , mà còn là một bộ sưu tập các truyện ngụ ngôn từ nhiều nguồn khác nhau được gán ghép dưới tên Æsop . Phần lớn các truyện nầy mọi người đều biết, qua các thể loại : văn, thơ, tranh, phim hoạt hình , kịch...phóng tác hoặc được viết lại cho phù hợp với mọi trình độ. Các truyện được tuyển chọn dưới đây phảng phất ít nhiều hương vị thiền. 


CÁI LƯỠI CỦA ÆSOP (Lời lẽ người đời) 


Một hôm , Xanthos gọi tên đày tớ:
- Æsop, hôm nay mày cố tìm mua cho ta một món đồ ăn ngon , quí , tốt , đặc biệt nhất , có hiểu không ?
- Dạ.
Æsop mau lẹ ra chợ mua một xâu lưỡi đem về.Xanthos hỏi :
- Sao mày mua toàn lưỡi như thế ?
- Thưa ông, vì tôi thiết tưởng không có gì quí và tốt hơn cho bằng lưỡi. Lưỡi là chìa khoá triết lý , mỹ thuật và chân lý!
Xanthos cho là tên đầy tớ kỳ khôi...Hôm sau ông lại gọi Æsop:
- Hôm nay thì mày hãy mua cho tao thứ gì mà người ta cho là xấu nhất...
Không chút lưỡng lự Æsop lại ung dung ra chợ và khi về mang theo một xâu lưỡi
- Tại sao mày lại mua lưỡi ?
- Thưa ông , tôi trộm nghĩ lưỡi cũng là một lợi khí nguy hiểm nhất trên đời. Nó là mầm chiến tranh ly loạn, là nguyên nhân của mọi sự chia rẽ , hiềm thù , ghen ghét...Tôi trộm nghĩ trên đời không có gì xấu và hèn cho bằng lưỡi...


GIÓ BẮC VÀ MẶT TRỜI (Hệ lụy thô bạo) 

 


Một lần nọ, Gió Bắc và Mặt Trời tranh cãi kịch liệt xem ai mạnh hơn ai. Cả hai đều kể lại những chiến tích nổi trội nhất của mình và một mực cho rằng mình mạnh hơn đối phương.
Vừa lúc đó có một người khách bộ hành đi tới, và cả hai đồng ý kiểm tra sức mạnh của đôi bên bằng cách thử xem ai sẽ cởi được cái áo choàng của người khách bộ hành nọ ra nhanh hơn.
Cơn gió Bắc khoác lác đã thử trước. Nó tạo ra một luồng gió xoáy dữ dội nhất từ trước đến giờ, và ngay từ lần cố gắng đầu tiên, gần như nó đã có thể xé rách cái áo choàng của người bộ hành. Nhưng người đàn ông kia chỉ cần giữ cái áo choàng của mình chặt hơn một chút, thế là cơn gió Bắc già nua kia chỉ phung phí sức lực của nó một cách vô ích mà thôi.
Xấu hổ vì đã không làm được một việc quá đơn giản như vậy, nên sau cùng gió Bắc đành chấp nhận bỏ cuộc.
Sau đó đến lượt Mặt trời tốt bụng. Mặt trời xua tan những đám mây đang giăng kín bầu trời và rọi những tia nắng gay gắt nhất của mình xuống thẳng đỉnh đầu của người khách bộ hành nọ. Cảm thấy oi bức vì nhiệt độ tăng lên đột ngột, người đàn ông nọ vội vàng vứt cái áo choàng của mình đi và đến ngay chỗ có bóng râm gần nhất để tránh nắng.


CHUỘT NHÀ & CHUỘT ĐỒNG (Thanh khiết bình an) 



Một con chuột nhà một hôm ghé thăm bạn ở đồng quê. Bữa trưa, Chuột Đồng dọn bữa ăn chỉ toàn là thân, rễ, và lỏi bắp, với một chút nước lạnh để uống. Chuột Nhà chỉ ăn lấy lệ, nhấm nháp một chút món này, một chút món kia, và chẳng cần giấu giếm gì nó nói rằng nó ăn với chuột đồng một chút là chỉ để cho vui thôi.
Sau bữa ăn, hai con chuột trò chuyện rất lâu, nói cho đúng là Chuột Nhà cứ kể chuyện về cuộc sống của mình ở thành phố còn Chuột Đồng thì chỉ ngồi nghe. Rồi chúng vào trong một cái tổ chuột ở bờ rào và ngủ một giấc êm ái và thoải mái cho đến tận sáng hôm sau. Trong giấc ngủ, Chuột Đồng mơ thấy mình được ở thành phố với đủ mọi tiện nghi sang trọng và sung sướng mà nó đã được nghe bạn kể. Thế là sáng hôm sau, khi Chuột Nhà mời Chuột Đồng về nhà với mình ở thành phố, nó sung sướng nhận lời ngay.
Khi chúng về đến ngôi biệt thự mà Chuột Nhà sống, chúng thấy trên bàn ăn còn lại những thứ thức ăn thừa của một bữa tiệc rất sang trọng. Có cả bánh kẹo, mứt, phó mát, thực vậy, những thứ thức ăn hấp dẫn nhất mà Chuột Đồng có thể tưởng tượng được. Nhưng ngay khi Chuột Đồng vừa sắp nhấm nháp một chút bánh ngọt, nó nghe thấy tiếng con mèo kêu thật lớn và tiếng móng vuốt của nó nghiến trên sàn nhà. Quá sợ hãi, hai con chuột vội vàng tìm chỗ nấp, chúng nằm im một lúc lâu, hầu như không dám thở mạnh. Khi vào lúc cuối cùng chúng đánh bạo quay trở lại bàn tiệc, cánh cửa bỗng dưng mở ra và người đầy tớ bước vào dọn bàn, theo sau là một con Chó Nhà lớn.
Chuột Đồng vội cầm lấy nón và bị:
“Bạn có thể có những thứ xa xỉ và những món ăn ngon mà tôi chẳng có,” nó vừa nói vừa chạy, “nhưng tôi lại thích những thứ thức ăn thanh đạm và cuộc sống giản dị ở đồng quê luôn có sự yên bình và thanh thản hơn.


CÂY NGÔ ĐỒNG (Không biết hưởng phúc)



Có hai người du khách, đi dưới trời nắng, tìm kiếm một bóng cây to để nghỉ mát. Khi họ nằm nhìn lên tán cây mát rượi, họ mới nhìn ra đó là một cây ngô đồng. “ Cây ngô đồng chẳng có ích gì đâu!” một người nói. “Nó đã chẳng có trái, lại còn lắm lá xả đầy xuống mặt đất."
“Đồ vô ơn!” từ trên cây có một tiếng kêu lớn. “Ngươi nằm ngay dưới bóng mát của ta, thế nhưng ngươi lại bảo ta vô ích! Vậy chẳng là vô ơn đó sao, Ôi loài người có đáng được hưởng phúc không!”


BẦY ẾCH MUỐN CÓ VUA (Hiểm họa pháp trị) 



Bầy ếch đang sống tự do vui vầy, một hôm cầu xin Thần Zeus ban cho chúng một vị vua để trị vì, nhưng Thần Zeus cười nhạo chúng vì đã cầu nguyện một điều ngu ngốc.
Thế nhưng bọn ếch vẫn không nản lòng vì lời từ chối đó, tiếp tục nài nỉ khẩn cầu, và Thần Zeus đành phải đáp ứng ước nguyện của chúng. Ngài thảy xuống hồ nước của bầy ếch một khúc gỗ, nó rơi đánh ầm làm dậy sóng cả mặt hồ. Bầy ếch hoảng hốt bỏ trốn lặng tờ không dám ló mặt, nhưng rồi sau đó cũng lò dò tới gần xun xoe ra mắt vị vua mới xuất hiện. Khi nỗi lo sợ đã tan biến, chúng quen và lờn dần đến mức nhảy cả lên lưng vị vua gỗ, bỡn cợt, chế giễu ông ta không biết cử động, cũng chẳng có đầu óc. Rốt cục chúng chẳng giải quyết được gì với ông vua kiểu như thế, nên quay ra cầu xin Thần Zeus ban cho một ông vua khác xứng đáng hơn.
Thần Zeus nghe được lời cầu nguyện, và lần này gửi một con cò xuống để trị vì chúng. Vị vua mới này dạo bước bên bờ hồ, để cho bọn bầy tôi chứng tỏ lòng can đảm, và điềm nhiên xơi gọn bất cứ chú ếch nào lần dò tới gần. Bầy ếch kinh hoàng trước lối hành xử của vị vua mới này, lại khẩn nài cầu xin Thần Zeus nhưng Ngài không còn muốn nghe chúng nữa.
Từ đó trở đi, chúng luôn luôn kêu gào khóc lóc thảm thiết, vì hàng đêm khi cò lui về tổ, bầy ếch lại kéo nhau ra kêu à uôm như là van vỉ. Còn Thần Zeus thì mãi mãi không động lòng thương tiếc, không bao giờ muốn giải thoát chúng ra khỏi cái tai ách đang mang, như một sự trừng phạt dành cho những kẻ không biết chấp nhận một ông vua yêu chuộng hoà bình.


THÚ RỪNG BỊ BỆNH DỊCH (Hiếp đáp kẻ yếu)



Ngày xưa, có một đợt dịch bệnh hoành hành các thú vật trong rừng. Nhiều con thú chết, những con còn sống cũng ốm đau, không đủ sức kiếm thức ăn và nước uống, mệt mỏi lê đi từng bước. Cáo Già thấy gà mái tơ béo cũng chẳng thèm để ý, Lão Sói tham ăn xưa nay giờ đây thấy cừu non cũng ngó lơ.
Cuối cùng, Sư Tử quyết định triệu tập một cuộc hội nghị. Khi tất cả mọi thú rừng đã đến tham dự đông đủ thì nó đứng dậy và nói:
Các bạn thân mến, tôi tin rằng các vị thần đã gởi dịch bệnh này xuống để trừng trị tội lỗi của chúng ta. Vậy nên, ai trong chúng ta tội lỗi nhất sẽ phải hy sinh làm vật tế thần. May ra chúng ta nhờ vậy sẽ được tha thứ và tất cả sẽ được cứu thoát.
“Tôi sẽ thú nhận tất cả mọi tội lỗi của tôi trước. Tôi thừa nhận rằng mình đã rất tham ăn và đã xơi rất nhiều cừu. Chúng chẳng gây hại gì cho tôi. Tôi đã ăn thịt cả dê, bò, và hươu. Nói cho hết sự thực, thỉnh thoảng tôi còn ăn thịt cả người chăn cừu nữa.
“Giờ đây, nếu tôi đã mắc nhiều tội lỗi nhất, tôi sẵn sàng hy sinh hiến tế cho thần. Nhưng tôi nghĩ tốt nhất là ai cũng phải thú nhận tội lỗi của mình như tôi đã làm đây. Để chúng ta có thể quyết định cho thật công bằng ai mắc nhiều tội lỗi nhất.”
“Tâu bệ hạ,” Cáo lên tiếng,” ngài vẫn còn quá tốt. Ăn thịt cừu mà là tội ư, ai mà ngu ngốc lắm mới bảo vậy. Không, không đâu, tâu bệ hạ. Ngài ăn thịt chúng là ngài đã ban cho chúng danh dự đấy. Và còn cả những người chăn cừu mà ngài nói đến đấy, chúng ta đều biết họ thuộc cái dòng giống bé tí thế mà cứ đòi làm chủ chúng ta, ngài có ăn thịt họ cũng đúng."
Tất cả mọi thú rừng vỗ tay tán dưõng Cáo nhiệt liệt. Thế rồi, Hổ, Gấu, Sói, và tất cả mọi thú dữ đều kể lại những việc xấu xa chúng đã làm, nhưng đều nêu lý do chúng cho là chính đáng và nghe chừng việc chúng làm lại hết sức thánh thiện và vô tội.
Bây giờ đến lượt Lừa thú tội.
“Tôi còn nhớ,” nó nói với vẻ nhận lỗi, “một hôm tôi đang đi ngang qua một cánh đồng của mấy vị mục sư, tôi thấy cỏ non ngon quá mà tôi thì đang đói, tôi không chịu nổi và đã gặm ăn một ít. Tôi không có quyền làm như vậy, Tôi nói thật ---“ Đám thú vật nhốn nháo cắt lời nó. Nó chính là thủ phạm đã mang tai họa đến cho tất cả mọi loài thú vật! Cỏ không phải của mình mà dám ăn, đúng là một tội lỗi khủng khiếp xấu xa! Ai phạm phải cũng phải bị treo cổ, chứ đừng nói gì đến Lừa.
Ngay lập tức, chúng đè Lừa xuống, Sói xông vào trước, và chẳng mấy chốc đã kết liễu cuộc đời Lừa, mang đi tế thần này thần kia, chẳng cần nghi thức gì cho trang trọng.


SƯ TỬ VÀ CHUỘT (Cho đi nhận lại)


Một con sư tử nằm ngủ trong rừng, đầu gục trên đôi chân. Một con chuột nhắt rụt rè bất ngờ đụng phải sư tử, quá hốt hoảng và vội vàng bỏ chạy, nó đạp cả lên mũi sư tử. Ngứa mũi tỉnh dậy, sư tử giận dữ giơ chân chộp lấy chuột nhắt nhỏ bé để giết chết.
“Xin tha cho cháu!” Chuột nhắt bé nhỏ van xin. “Xin ông thả cháu ra đến một ngày nào đó cháu sẽ đền đáp công ơn ông.”
Sư tử quá buồn cười khi nghĩ rằng con chuột bé tí này có khi nào lại giúp được gì cho mình. Nhưng nó rộng lượng và cuối cùng thả cho chuột đi.
Ít ngày sau, trong khi mải mê đuổi theo con mồi, sư tử đã dính vào bẫy lưới của một thợ săn. Cựa quậy măi cũng không thể thoát ra được, sư tử gầm rống vang khắp rừng. Chuột nhắt nghe tiếng gầm biết sư tử bị nạn liền chạy lại thấy sư tử đang nằm trong lưới. Chạy đến một trong những sợi thừng to nhất đang buộc chặt sư tử, chuột nhắt nhấm cho đến khi dây đứt ra, và chỉ một lát sau, sư tử được cứu thoát.
“Ông đã cười khi cháu bảo sẽ có ngày cháu đền đáp.” Chuột nhắt bảo sư tử. “Giờ thì ông đã thấy rồi đấy, bé xíu như chuột nhưng vẫn có thể cứu được cả sư tử.”


THẦN HERACLES VÀ NGƯỜI ĐÁNH XE (Tự cứu lấy mình)


Một anh nông dân đánh xe đi trên một con đường quê lầy lội sau một cơn mưa lớn. Hai con ngựa không thể kéo nổi chiếc xe chở hàng nặng qua khỏi đám bùn sâu, và cuối cùng phải đứng hẳn lại khi bánh xe đã lún đến giữa trục.
Anh nông dân leo xuống và đứng bên cạnh xe nhìn nhưng chẳng làm gì cả để đưa chiếc xe lên. Anh chỉ biết đứng nhìn và nguyền rủa cái số xui xẻo của mình và kêu la xin thần Heracles đến cứu giúp. Bỗng dưng thần Heracles hiện ra thật, nói cùng anh ta rằng:
“Anh hãy đặt vai mình vào bánh xe mà đẩy, rồi thúc ngựa kéo đi. Anh tưởng cứ đứng đó nhìn và than van là anh có thể đưa được chiếc xe ra đó sao? Thần sẽ không giúp anh nếu anh không biết cố gắng tự cứu lấy mình.”
Nghe vậy anh nông dân liền đặt vai vào bánh xe, vừa đẩy vừa thúc cho ngựa kéo, chiếc xe tiến tới một cách dễ dàng, và chẳng bao lâu anh đã có thể vui vẻ dong xe và rút ra được một bài học kinh nghiệm.


NGƯỜI NÔ LỆ (Tình thương cao thượng)


Ngày xưa, có một người nô lệ tên là Androcles trốn thoát khỏi nhà chủ và đi vào rừng. Đang khi lang thang trong rừng, anh ta gặp một con sư tử đang nằm rên hừ hừ. Thoạt đầu, anh ta quay đầu bỏ chạy nhưng sau đó, thấy con sư tử không đuổi theo, anh ta quay trở lại và đi đến gần chỗ nó. Khi anh ta tiến lại gần, con sư tử đưa chân ra, bàn chân sưng phồng và rướm máu. Androcles thấy có một cái gai to găm vào và nó chính là nguyên nhân gây ra đau đớn cho sư tử. Anh lấy cái gai ra và băng lại vết thương cho sư tử. Chẳng mấy chốc, sư tử đứng dậy được và liếm tay Androcles như một con chó trung thành liếm tay chủ. Sư tử dẫn Androcles về hang và hàng ngày săn mồi kiếm thịt về cho anh ăn. Nhưng chẳng bao lâu, cả sư tử và Androcles đều bị bắt và anh nô lệ này bị kết án làm mồi cho sư tử ăn, sau khi sư tử đã bị bỏ đói nhiều ngày. Tên bạo chúa và triều thần của y đến để xem trò ngoạn mục này. Một lát sau, sư tử được thả ra và gầm lên, phóng mình về phía nạn nhân của nó. Nhưng ngay khi lại gần Androcles, nó liền nhận ra người bạn của mình và vẫy đuôi mừng, liếm tay anh thân thiết như chó liếm tay chủ. Tên bạo chúa kinh ngạc và cho gọi Androcles đến hỏi. Anh ta kể lại toàn bộ câu chuyện. Sau đó, Androcles được tên bạo chúa thả ra và trả lại tự do còn sư tử thì được thả trở về rừng.


HAI ĐIỀU ƯỚC (Tự mình phạt mình)


Hai người hàng xóm cầu xin thần Zeus ban cho họ điều họ mong ước. Người thứ nhất lòng đầy tham lam, người thứ hai lòng chỉ toàn sự ganh ghét. Thần Zeus liền ban cho mỗi người sẽ có được điều mình muốn, với điều kiện là người kia sẽ có được gấp đôi của mình. Người tham lam bèn ước rằng mình có được một căn phòng đầy ắp vàng. Chưa kịp nói xong thì đã có, nhưng nỗi vui mừng của hắn lại trở thành đau khổ vì người kia lại được những hai căn phòng đầy ắp kim loại quí giá. Rồi đến lượt người ganh ghét, tên này không thể chịu nổi một tí nào khi tên kia có sự vui mừng. Nên nó cầu xin cho nó được mất một mắt, và như thế thì tên kia hoàn toàn bị mù lòa .


GẤU VÀ HAI NGƯỜI BẠN (Gian nan biết bạn)


Có hai người bạn đang đi với nhau trong rừng thì thình lình gặp một con gấu ra chặn đường. Một người nhanh chân leo lên một cây cao ẩn mình trên những cành cây đó. Người còn lại, thấy thế nào mình cũng bị tấn công, liền nằm lăn ra đất, khi gấu lại gần và dí mõm vào anh ta ngửi khắp người, anh ta nín thở và giả bộ như đã chết thực sự. Chẳng bao lâu, con gấu bỏ đi, vì người ta bảo rằng, gấu không bao giờ đụng đến xác chết. Khi con gấu đã đi khỏi, người ở trên cây leo xuống, và đùa cợt hỏi thăm người bạn mình là gấu đã thầm thì điều gì vào tai anh thế. “Nó khuyên tôi,” người bạn trả lời, “Đừng bao giờ đi với một người bạn bỏ mình khi gặp nguy hiểm.”


CON ONG VÀ THẦN ZEUS (Gieo nhân gặt quả)


Một con ong ở núi Hymettus, là ong chúa của đàn, bay lên đỉnh Olympus để dâng thần Zeus một ít mật mà nó đã lấy được. Thần Zeus, thấy ong dâng mật rất hài lòng, hứa sẽ ban thưởng bất cứ gì ong muốn. Thấy thế ong bèn cầu khẩn :”Tôi xin ngài cho tôi một cái ngòi, để nếu con người mà đến lấy mật của tôi, thì tôi sẽ chích cho hắn chết”. Zeus không hài lòng vì ngài rất thương yêu loài người, nhưng cũng không thể từ chối vì đã hứa. Vì vậy, ngài bèn phán với ong rằng :”Ngươi sẽ có được điều ngươi muốn, nhưng nó sẽ cũng nguy hiểm cho ngươi đấy. Vì nếu ngươi dùng ngòi để chích, nó sẽ nằm lại luôn ở chỗ chích, và ngươi sẽ chết vì mất ngòi.”


THẲNG BÉ VÀ CÂY CỎ GAI (Không sợ đau khổ)


Một thằng bé bị cỏ gai đâm. Nó chạy về nhà và kể với mẹ:” Con chỉ rờ nhẹ nó thôi mà nó chích con đau lắm.”
Mẹ bảo : “Vậy nó mới chích con đau đấy. Lần sau con rờ nó, phải nắm chắc lấy nó, con sẽ thấy nó sẽ mềm như bông và sẽ ít bị nó chích đau hơn.”


HAI ANH EM ( Rèn tâm dưỡng tánh)


Một người cha có một đứa con trai và một đứa gái, đứa con trai thì đẹp mã, còn đứa con gái thì cực kỳ xấu xí. Lúc còn nhỏ, khi đang chơi với nhau, chúng tình cờ nhìn vào một cái gương để trên cái ghế của mẹ. Đứa trai hớn hở khen mình đẹp, đứa gái nổi giận và không chịu nổi cái lối kiêu căng của anh mình. Nghe anh khen anh thì nghĩ là anh cố tình chê mình xấu (nó đâu biết làm gì khác hơn?). Đứa gái chạy lại mách bố để bố trị tội anh, nó nói rằng anh đã lấy hết cái phần đẹp mà lẽ ra chỉ nên dành cho con gái . Người bố ôm hôn cả hai đứa và âu yếm bảo : ”Bố muốn cả hai con mỗi ngày đều phải nhìn vào gương. Con, là con trai, con có thể sẽ bị xấu đi vì những thói hư tật xấu, và con, con gái của bố, con có thể làm cho mình đẹp hơn bằng chính đức hạnh của mình."


ANH HỀ VÀ NGƯỜI NÔNG DÂN (Thành kiến sai lầm)


Một hôm, một nhà quí tộc giàu có khai trương nhà hát của ông ta và cho mọi người được vào xem mà không phải mua vé, ông thông báo với công chúng rằng ông ta sẽ thưởng hậu hĩnh cho bất cứ ai mang đến một trò vui nào đó trong dịp này. Có rất nhiều người đến tham dự để mong giành giải. Trong số đó có một anh hề rất nổi tiếng về những trò gây cười của mình, và nói rằng, anh ta có một trò tếu chưa bao giờ xuất hiện trên sàn diễn. Tuyên bố này làm mọi người xôn xao, và nhà hát chật ních không còn chỗ trống. Anh hề xuất hiện một mình trên sàn diễn, không một dụng cụ mà cũng không có người nào khác đồng diễn, và khán giả nín thở chờ đợi. Anh ta thình lình cúi gập đầu xuống đến ngực và bắt chước tiếng lợn con kêu ủn ỉn cực kỳ hay, đến độ khán giả kêu lên đúng là anh ta có một con lợn giấu trong áo khoác, và yêu cầu anh bỏ nó ra. Khi anh ta cởi áo khoác ra thì chẳng thấy gì cả, khán giả reo hò cổ vũ và tán thưởng anh ta bằng hàng loạt tràng pháo tay. Một anh nhà quê trong đám đông, đứng xem từ đầu đến cuối, nói rằng,”Xin thần Hercules giúp, anh ta không thể hơn tôi cái trò này đâu!” và lập tức tuyên bố rằng hôm sau anh ta cũng sẽ trình diễn như vậy, và còn hay hơn cả anh hề nữa. Ngày hôm sau, khán giả chen chúc trong rạp còn đông hơn cả hôm trước, nhưng nói chung, do cái tâm lý thiên vị người tài năng,họ vẫn cho là anh hề giỏi hơn, nên họ quay ra giễu cợt anh nông dân thay vì xem anh ta biểu diễn. Cả hai người xuất hiện trên sàn. Anh hề khụt khịt và ủn ỉn trước, và nhận được, như ngày hôm trước, những tràng phào tay và reo hò tán thưởng của người xem. Tiếp đó, người nông dân bước ra, và giả như đang giấu một con lợn trong áo ( nhưng anh ta có giấu thực, mà khán giả lại không ngờ). Anh ta ôm nó trong lòng và nhéo tai để nó kêu. Khán giả, tuy thế, lại đồng thanh la lên rằng anh hề làm giống hơn nhiều, và gào lên bảo anh nhà quê xéo xuống. Nghe vậy, anh nhà quê liền thò con lợn ra khỏi áo để mọi người xem chứng cớ rành rành về cái sai lầm lớn của họ. “Xem đây,” anh ta nói, “ cái này sẽ cho quí vị thấy cái tài đoán xét của quí vị.”


BÒ & SƯ TỬ CON (Thương mình nghĩ người)


Một con bò đực thấy một chú sư tử con đang nằm ngủ liền dùng sừng húc chết. Sư tử mẹ chạy lại, khóc lóc thảm thiết trước cái chết của con. Một người săn heo rừng, thấy sư tử mẹ đau buồn, đứng ở đằng xa và nói với nó : “Nghĩ thử xem đã có bao nhiêu người than khóc vì mất con, những người có con đã bị ngươi giết chết.”


CÁO VÀ CÒ (Có qua có lại )


Một hôm, Cáo nghĩ ra một kế chơi khăm Cò làm trò vui , vì Cò là một con vật có hình dáng mà Cáo luôn cười cợt chế giễu, cho là kỳ dị .
“Hôm nay bạn phải đến và ăn tối với tôi đấy nhé, tôi mời đấy,” nó nói với Cò, và cười thầm khi nghĩ về mưu đồ chơi khăm của nó. Cò hớn hở nhận lời mời của Cáo và đến rất đúng bữa và đúng lúc đang rất đói bụng.
Cáo dọn ra món súp cho bữa tối. Nhưng nó lại để trong một cái đĩa rất cạn, thế là khi ăn thì Cò chỉ có thể dính mỏ tí thức ăn chứ chẳng có gì vào được bụng. Nó không ăn được lấy một giọt súp. Thế nhưng Cáo thì lại liếm láp ngon ơ, và, như để tăng thêm phần thất vọng cho Cò, Cáo lại làm ra vẻ say sưa thưởng thức món súp.
Cò đói bụng hết sức tức tối với cái trò chơi khăm này, nhưng nó vẫn cố bình tĩnh, không thể hiện thái độ gì và nó cũng nghĩ nổi giận với Cáo cũng chẳng ích gì. Ít lâu sau, nó bèn mời Cáo đến ăn tối với nó để đáp lại. Cáo được mời liền lập tức đến ngay khi bữa ăn được dọn ra, đó là món cá thơm phức Cáo thèm chảy nước miếng. Thế nhưng món ăn này lại được để trong một cái bình cao có cái cổ rất dài. Cò thoải mái vươn cổ thò mỏ vào đến thức ăn để ăn, còn Cáo thì chỉ liếm được thức ăn Cò đánh rớt xuống miệng bình, và đứng hít hà mùi thơm của thức ăn.


HƯƠU VÀ CÁI BÓNG (Hào nhoáng hại người)


Một con Hươu, uống nước trên một dòng suối trong vắt, nhìn rõ cái bóng của mình ở dưới nước. Nó hết sức ngưỡng mộ những nhánh gạc cong cong thanh nhã của nó, nhưng lại xấu hổ với những cái chân khẳng khiu của mình.
“Chán chết mất thôi,” nó thở dài, “đầu đội vương miện lộng lẫy như thế này mà mấy cái chân thì như những que củi thấy phát ghét.”
Ngay lúc đó, nó đánh hơi thấy mùi của một con báo và ngay lập tức, nó phóng như bay biến mất vào rừng. Nhưng khi nó đang chạy, đám gạc trên đầu nó vướng vào mấy nhánh cây, thế là nó bị con báo vồ được. Lúc đó nó mới hiểu ra rằng những cái chân đáng xấu hổ kia lẽ ra đã cứu được nó, còn cái vương miện đẹp đẽ trên đầu chính là kẻ đã làm cho nó tiêu đời.


CON CÔNG (Sắc đẹp vô dụng)


Ngày xưa, người ta nói rằng, Công chưa có được bộ lông đẹp đẽ như bây giờ , đang là niềm tự hào lớn lao của nó. Bộ lông này, là do thần Juno - một vị thần mà Công rất ngưỡng mộ, đã ban tặng cho Công khi Công khẩn nài xin cho được một bộ lông đuôi khác hẳn đuôi của các loài chim khác. Thế là, trong bộ trang phục mới lộng lẫy, lấp lánh màu ngọc lục bảo, vàng, tím và xanh da trời, Công khệnh khạng kênh kiệu với tất cả các loài chim khác. Chúng nhìn Công mà ghen tức. Ngay cả con Phượng Hoàng đẹp đẽ cũng cảm thấy sắc đẹp của mình chìm hẳn khi đứng cạnh Công.
Giờ đây, đã có lông đẹp, nhưng khi nhìn thấy Đại Bàng tung cánh vọt lên trời cao xanh thẳm, Công lại thèm được bay như trước đây khi chưa có bộ đuôi kềnh càng Công vẫn bay. Vỗ mạnh đôi cánh, Công cố gắng nâng mình lên khỏi mặt đất. Nhưng sức nặng của cái đuôi kia lại kéo nó trở lại. Thay vì được bay cao chào đón những tia sáng đầu tiên của sáng sớm, tắm mình trong ráng chiều giữa những đám mây bồng bềnh của buổi hoàng hôn, nó chỉ có thể bước đi nặng nề trên mặt đất với cái đuôi vướng vất khổ sở hơn cả cái đám gà vịt tầm thường trong sân chuồng người ta vẫn nuôi.


CHÙM NHO VÀ CON CÁO (Chê cái không được)


Một con cáo một hôm bắt gặp một chùm nho chín đỏ hấp dẫn trên một dây nho vắt ngang qua các nhánh của một cây cao. Chùm nho mọng nước tưởng chừng như sắp vỡ ra, và con Cáo cứ đứng nhìn thèm nhỏ rãi.
Chùm nho vắt qua một nhánh cây cao, nên con Cáo phải nhảy lên để hái cho được nó. Lần nhảy đầu tiên, nó vẫn còn cách chùm nho khá xa. Thế nên nó đi xa gốc cây ra một quãng và chạy lại để lấy đà nhảy lên, chỉ còn thiếu một chút nữa thôi là đến được chùm nho. Nó thử lại lần nữa và lại một lần nữa, nhưng tất cả đều vô ích.
Nó bèn ngồi xuống và nhìn chùm nho tức tối.
“Mình mới ngu ngốc làm sao,” nó bảo. “Mình mất bao nhiêu công lao chỉ để lấy một chùm nho chua lè chẳng đáng cho người ta dòm đến."
Và thế là nó khinh khỉnh bỏ đi.


BƯỚM VÀ KIẾN (Phá chấp thoát tục)


Một con kiến lanh lợi chạy tới chạy lui dưới ánh nắng để kiếm ăn , đi ngang qua chỗ một con sâu đang sắp đến thời kỳ lột xác. Sâu ngoe nguẩy đuôi làm con kiến chú ý, đây cũng là lần đầu tiên kiến thấy một con sâu sống động như vậy. “Ôi thật tội nghiệp, con vật đáng thương!” Kiến la lên với cái giọng của kẻ bề trên. “Thật đáng buồn cho thân phận của ngươi!. Trong khi ta có thể chạy tới chạy lui tùy thích, và nếu ta muốn, ta có thể leo lên một cái cây cao nhất, còn ngươi thì cứ nằm chết gí ở đây trong cái vỏ của mình, chỉ đủ sức để cựa quậy được một vài đốt của cái đuôi toàn là vảy của ngươi”. Sâu nghe thấy hết, nhưng không muốn trả lời gì cả. Vài ngày sau, khi con kiến đi ngang qua đó , nó chẳng trông thấy gì ngoại trừ một cái vỏ rỗng không. Kiến đang thắc mắc tự hỏi không biết cái phần trong của con sâu đã biến thành gì rồi thì bỗng nhiên, kiến thấy một đôi cánh rực rỡ tuyệt đẹp của một con bướm bay ngang, che tối cả một vùng và quạt vù vù trên đầu mình. “Nhìn ta này !” Bướm kêu lên : " Người bạn đáng thương của ngươi đây ! Nào, bây giờ hãy khoe khoang về sức mạnh của ngươi giúp ngươi có thể chạy và leo trèo miễn là ngươi có thể bắt được ta ”. Nói xong, bướm bay vọt lên không, lượn ngang lượn dọc trong cơn gió nhẹ nhàng của mùa hạ, rồi sau đó mất hút trong tầm mắt của chàng kiến.


NHÀ THIÊN VĂN HỌC (Sống với thực tại)


Một nhà thiên văn học thường hay đi dạo dưới trời đêm để nhìn sao. Một hôm, ông ta lang thang ra ngoài ngoại ô thành phố chú ý quan sát các vì sao trên trời, ông đột ngột bị rơi xuống giếng. Trong lúc ông than van đau đớn vì bị bầm dập, một người gần đó chạy đến, khi biết được sự việc liền nói:” Thôi nào, ông già, tại sao ông cứ cố tìm kiếm những cái ở trên trời mà không thèm chú ý những gì ở dưới đất”.


MÈO VÀ THẦN VỆ NỮ (Bản chất khó đổi)


Một con mèo phải lòng một chàng trai trẻ đẹp, và khẩn nài thần Vệ nữ biến nó thành hình hài một người con gái. Thần Vệ nữ bằng lòng và biến nó thành một cô gái trẻ đẹp, để chàng kia đem lòng thương yêu và cưới về làm vợ. Trong lúc đang động phòng, thần Vệ nữ muốn biết xem con mèo trong hình hài mới của mình có thay đổi được tính nết hàng ngày hay không, liền thả một con chuột vào giữa phòng. Con mèo, quên hẳn mình đang làm người, vụt dậy khỏi giường và rượt đuổi theo con chuột, quyết bắt được con chuột để xơi tái nó. Thần Vệ nữ hết sức thất vọng và lại biến nó trở thành nguyên hình mèo như trước.


CON CHÓ VÀ CÁI BÓNG (Thả mồi bắt bóng)


Một con chó tình cờ vớ được một miếng thịt và tha về nhà để ăn cho yên ổn . Trên đường về nó phải đi qua một chiếc cầu ván bắc qua một con suối. Khi đi qua cầu, nó nhìn xuống và thấy cái bóng của nó ở dưới nước. Nghĩ rằng đó là một con chó khác đang ngậm một miếng thịt khác, nó quyết định phải chiếm lấy. Vì vậy nó liền đớp vào cái bóng dưới nước một cái, nhưng khi nó mở miệng ra thì miếng thịt rơi xuống, chìm vào nước và biến mất luôn.


CHIỀN CHIỆN MẸ & CON (Trông cậy nơi mình)


Một con Chim Chiền Chiện làm tổ ở một cánh đồng lúa mì còn non.Thời gian trôi đi, những thân lúa mì mọc cao lên và những chú chim con cũng vậy, lớn lên khỏe mạnh..Một ngày nọ, khi những gié lúa vàng chín phất phơ trong gió, người nông dân và cậu con trai đến cánh đồng.
“Đã đến lúc gặt lúa mì rồi”, người nông dân nói, “Chúng ta phải nhờ hàng xóm và bạn bè đến giúp chúng ta thu hoạch thôi”.
Các Chiền Chiện Con ở trong tổ của chúng gần đó nghe thế rất sợ hãi vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy hiểm nếu chúng không rời tổ trước khi những người gặt lúa tới. Khi Chiền Chiện Mẹ bay về cùng thức ăn thì chúng kể cho mẹ chúng nghe điều đó.
“Đừng sợ các con”, Chim Mẹ nói, “Nếu như người nông dân nói ông ta sẽ nhờ hàng xóm và bạn bè để giúp thì sẽ chưa gặt lúa mì liền đâu.”
Vài ngày sau, lúa mì đã rất chín đến nỗi khi gió làm lay động thân lúa, thì cả một cơn mưa lúa chín rơi xào xạc vào đầu Chiền Chiện Con.
“Nếu không gặt lúa mì ngay,.” người Nông dân nói, “chúng ta sẽ mất một nửa vụ mùa mất. Chúng ta không thể đợi ai giúp đỡ nữa. Ngày mai chúng ta phải tự làm mà thôi”.
Khi lũ Chim Non nói với mẹ chúng điều chúng nghe được, Chim Mẹ trả lời: “Thế thì chúng ta phải đi ngay thôi. Khi một người quyết định tự mình làm điều gì mà không dựa dẫm vào ai khác thì các con có thể chắc chắn rằng sẽ không còn sự trì hoãn nào nữa”
Chiều hôm đó lũ chim vỗ cánh và bay đi, và ngay lúc mặt trời mọc vào ngày hôm sau khi người nông dân và cậu con trai gặt lúa mì, họ tìm thấy một chiếc tổ trống không..


NỒI ĐỒNG VÀ NỒI ĐẤT ( Đừng tin nơi người )


Hai chiếc nồi, một bằng đồng và một bằng đất, đứng cạnh nhau trên một phiến đá lát lò sưởi. Một hôm, Nồi Đồng rủ Nồi Đất hai đứa sẽ cùng nhau chu du thiên hạ. Nhưng Nồi Đất lại từ chối, nói rằng nó cứ nằm ở góc lò trong nhà thì tốt hơn.
“Tôi rất dễ bị bể,” Nó nói. “Bạn biết rồi đấy, tôi rất giòn. Đụng chạm nhẹ thôi cũng có thể làm tôi vỡ tan!”
“Đừng để cho cái quan niệm ấy kềm chân bạn,” Nồi Đồng cố thuyết phục. “Tôi sẽ hết sức lo cho bạn. Nếu chúng ta gặp vật gì rất cứng, tôi sẽ chen vào giữa để bảo vệ cho bạn.”
Thế là cuối cùng Nồi Đất cũng đồng ý, và cả hai sánh đôi ra đi, lịch kịch nghiêng qua nghiêng lại, nhấc lên đặt xuống từng chân một với ba cái chân ngắn cũn cỡn của chúng, chúng va đập vào nhau kêu lạch cạch sau mỗi bước.
Nồi Đất không thể chịu đựng được lâu cái cách thức đi đứng bầu bạn theo kiểu đó. Chúng chưa đi nổi lấy mươi bước thì Nồi Đất đã nứt rạn, và tới bước tiếp theo nó tan ra từng mảnh.


CÁO VÀ QUẠ (Nịnh bợ cầu lợi)


Một buổi sáng đẹp trời khi con Cáo vừa đánh hơi , vừa đi trong rừng để tìm kiếm miếng ăn, nó thấy một con Quạ đậu trên một nhánh cây trên đầu nó. Đây rõ ràng chẳng phải là lần đầu tiên Cáo và Quạ mới gặp nhau trong đời. Điều làm nó chú ý và phải đứng lại để nhìn lần nữa, đó là con Quạ đang ngậm một miếng phó mát.
“Không cần gì tìm mồi ở đâu xa hơn nữa,” con Cáo Già quỷ quyệt nghĩ. “Đây là khẩu phần thích hợp nhất cho bữa sáng của mình đây.”
Nó liền lót tót chạy tới gốc cây Quạ đang đậu, nhìn Quạ với vẻ ngưỡng mộ, nó la lên, “Chào bạn, ô bạn đẹp quá!”
Con Quạ nghe thấy, liền nghiêng đầu xuống, nhìn Cáo nghi ngờ. Nhưng nó vẫn ngậm chặt lấy miếng phó mát ở mỏ và chẳng chào đáp lại Cáo lời nào.
“Bạn hết sức duyên dáng! Cáo bảo. “Bạn có bộ lông thật mượt mà sáng láng! Đôi cánh của bạn đẹp đẽ và bóng bẩy. Bạn đẹp như vậy thì chắc hẳn là bạn hót rất hay, vì tôi thấy ở bạn cái gì cũng hoàn hảo. Nếu bạn chỉ hát cho tôi nghe một bài thôi, tôi sẽ về báo cho tất cả mọi loài thú vật ở đây biết là tôi đã gặp được Nữ Hoàng Chim.”
Nghe những lời nịnh bợ đó, Quạ quên hết mọi nghi ngờ, và quên cả luôn bữa sáng của nó. Nó hết sức sung sướng nếu được gọi là Nữ Hoàng Chim.
Thế là nó bèn há mỏ hát, miếng phó mát rơi ra, rớt thẳng xuống vào miệng Cáo đang mở sẵn bên dưới.
“Cám ơn nhé,” Cáo Già ngọt ngào nói, và bỏ đi. “Mặc dù nghe như tiếng dùi đục, nhưng đúng là mày cũng có một giọng riêng độc đáo đấy. Thế còn cái trí khôn của mày để ở đâu?”


ÔNG CHỦ VÀ CON LỪA (Lắm thầy rối việc)


Một hôm, đã lâu lắm rồi, một ông chủ cùng đứa con trai trên đường đi ra chợ dẫn theo một con Lừa để bán. Họ dắt nó đi từ từ, vì họ nghĩ sẽ dễ bán Lừa hơn nếu giữ cho nó được tươi tắn khỏe mạnh. Khi họ đi trên đường có một vài người trông thấy họ bèn cười lớn.
“Sao lại ngốc thế nhỉ,” một người la lên, “có lừa không cưỡi mà lại đi bộ . Kẻ mà người ta cho là ngu ngốc nhất trong nhóm này chắc chắn chẳng phải là con Lừa kia rồi.”
Chủ lừa không muốn người ta cười mình, nên ông bảo con trai leo lên lưng lừa mà cưỡi.
Họ đi thêm được một quăng đường nữa, lại gặp ba người lái buôn đi qua.
“Ô hô, cái gì thế này?” họ la lên. “Phải biết kính trọng tuổi già chứ, chú em! Khỏe mạnh như vậy thì xuống đi để cho ông già cưỡi chứ.”
Mặc dù ông chủ chẳng mệt, nhưng ông cũng bảo con trai xuống và ông leo lên cưỡi, để khỏi phải giải thích gì với họ.
Tại cổng làng họ gặp mấy người phụ nữ xách giỏ đầy những rau quả và trái cây đem ra chợ bán.
“Trông kìa cái ông già ích kỷ,” một người la lên. “Ông chỉ biết cưỡi có một mình, còn thằng con thì bắt phải đi bộ.”
Ông chủ hơi phật ý, nhưng để cho khỏi chướng mắt họ, ông bảo con leo lên ngồi sau lưng lừa.
Họ vừa mới bắt đầu đi tiếp thì lại nghe tiếng lao xao của một nhóm người bên đường.
“Tội nghiệp chưa,” một người la lên, “cả hai người cùng cưỡi để đè cho con vật chết luôn ! Hai người khỏe mạnh như thế thì khiêng nó cũng còn được chứ, bắt nó cõng cả hai như vậy ra đến chợ thì chắc nó sụm mất.” “Chắc là họ chỉ muốn bán có tấm da của nó thôi,” một người khác nói.
Hai cha con vội vàng leo xuống, và chỉ một lát sau, cả chợ ồ lên cười khi thấy hai cha con gánh con Lừa vào chợ. Họ ùa chạy ra để nhìn thấy cái cảnh tượng có một không hai này.
Con Lừa xưa nay đâu thích để cho người ta khiêng như vậy, mà lại rất nhiều người đến dòm và chỉ vào mặt nó vừa cười vừa la, nó liền đá tung lên , kêu be be, và ngay khi họ bước ngang qua một cái cầu, dây thừng buộc nó đứt ra ,nó rơi tòm xuống nước, bị nước cuốn trôi mất.
Ông chủ Lừa tội nghiệp buồn bã bỏ đi về. Vì cứ làm theo lời người ta, cuối cùng cũng chẳng biết ai là có lý, nhưng Lừa thì ông đã mất.


ANH NÔNG DÂN VÀ CON CÁO (Mưu thâm họa thâm) 


Có một anh nông dân, căm giận một con cáo vì đã trộm cắp bầy gà của anh. Cuối cùng anh bắt được cáo, và quyết tâm rửa hận, anh lấy dây thừng thấm đầy dầu cột vào đuôi cáo, rồi đốt và thả cho cáo chạy. Cáo bị lửa đốt hoảng sợ chạy vào trong thửa ruộng của anh. Nhưng lúc đó lại là lúc lúa chín chưa kịp gặt, lửa bén vào lúa bốc cháy và thiêu rụi cả ruộng lúa ra tro. Anh đau khổ trở về nhà với chiếc bồ lúa rỗng không trong năm đó.


NGƯỜI CHA VÀ HAI ÐỨA CON GÁI (Khó chiều lòng người) 


Một người nọ có hai đứa con gái, một đứa lấy chồng làm vườn, còn đứa kia lấy một anh thợ làm gạch. Một hôm, ông đến thăm đứa con gái lớn có chồng làm vườn, và hỏi con về tình hình sức khỏe cùng công ăn việc làm . Cô gái bảo cha, “Mọi việc đều tốt đẹp cả cha à, và con chỉ ước mong có một điều, là trời thương mà mưa cho nhiều, thì cây cối của con nó mới được tươi tốt và sinh hoa kết quả được. Sau đó, ông lại đến thăm đứa con gái thứ hai có chồng làm gạch, và cũng hỏi thăm về tình hình sức khỏe và công việc, cô trả lời, “Con chẳng muốn gì nhiều, chỉ có một điều thôi, trời thương mà nắng nhiều cho chứ đừng mưa nữa, thì gạch của con mới khô và tốt được.” Ông liền bảo với cô, “Chị con thì xin trời mưa, còn con lại xin cho trời nắng, vậy thì bố biết phải xin trời làm sao để giúp được cho cả hai con đây?"


THẦN MERCURY VÀ BÁC TIỀU PHU (Thật thà tốt nhất) 


Một Bác Tiều Phu nghèo chặt cây gần một vũng nước sâu trong rừng. Bác đã làm việc vất vả từ sáng sớm và những nhát rìu của bác không còn được chính xác nữa. Bỗng bác trượt tay và chiếc rìu văng khỏi tay bác bay vèo ngay xuống vũng nước.
Bác đứng nhìn thất vọng. Chiếc rìu là tất cả tài sản mà bác có để kiếm sống. Bác đứng nhìn và khóc, thần Mercury bỗng xuất hiện và hỏi bác có chuyện gì thế. Bác Tiều kể lại tất cả mọi việc, và ngay lập tức, vị thần Mercury tốt bụng liền lao xuống vũng nước. Khi thần trở lên, trong tay thần là một chiếc rìu bằng vàng tuyệt diệu.
“Có phải chiếc này của ông không?” Thần hỏi Bác Tiều Phu.
"Không,” Bác Tiều Phu thật thà trả lời, “nó không phải của tôi đâu.”
Thần Mercury để chiếc rìu vàng trên bờ và lại lao xuống nước một lần nữa. Lần này thần mang lên một chiếc rìu bạc, nhưng Bác Tiều Phu vẫn bảo không phải là chiếc rìu của bác, và chiếc rìu của bác chỉ là một chiếc rìu bình thường có cán gỗ mà thôi.
Thần Mercury lại lặn xuống nước lần thứ ba, và khi thần trở lên, thì lần này thần tìm được đúng chiếc rìu bác đã đánh mất.
Bác Tiều Phu nghèo vui mừng khi đã tìm lại được chiếc rìu và rối rít cảm ơn vị thần. Thần Mercury hết sức hài lòng trước sự lương thiện của bác.
“Ta rất ngưỡng mộ tính lương thiện của ngươi,” thần bảo, “và để thưởng cho ngươi, ta ban cho ngươi luôn cả hai chiếc rìu vàng và bạc kia đấy.”
Bác Tiều Phu sung sướng trở về nhà với báu vật của mình, chẳng mấy chốc, câu chuyện của bác mọi người trong làng đều được biết. Thế là giờ đây, có nhiều tiều phu trong làng cũng nghĩ rằng họ cũng có thể gặp được may mắn như bác. Họ vội đi vào rừng, mỗi người một chỗ, giấu chiếc rìu của họ và giả vờ bị mất. Rồi họ khóc lóc than van, kêu gọi thần Mercury đến cứu giúp họ.
Và quả thực, thần Mercury lại hiện ra, hết với người này lại đến với người khác. Với mỗi người, thần lại cho xem rìu vàng, và ai cũng nhanh nhảu nhận nó là chiếc rìu họ đã đánh mất. Nhưng thần, thay vì cho rìu vàng, lại gõ cho họ một cú vào đầu thật đau và đuổi họ về nhà. Hôm sau, khi họ trở lại để tìm chiếc rìu mà họ đã giấu trong rừng, họ cũng chẳng tìm thấy chúng ở đâu.


ÔNG LÃO VÀ THẦN CHẾT (Thà sống hơn chết) 


Một ông lão già nua, còng lưng gấp đôi vì tuổi tác và nỗi vất vả, nhặt những que củi trong rừng. Rồi ông ngẩng lên, mệt mỏi và vô vọng, ông quẳng bó củi đi và kêu: “Tôi không thể chịu được cuộc sống này thêm nữa. Ước gì Thần Chết đến ngay đây và mang phắt tôi đi!”
Và Thần Chết hiện lên như ông ta gọi, một bộ xương khô kinh khủng, nói với ông rằng: “Người kia, có việc gì? Ta nghe thấy ngươi gọi ta.”
“Xin ngài, ” – ông lão trả lời – ” làm ơn vui lòng giúp tôi nhấc bó củi này lên vai có được không?”


NGỖNG ÐẺ TRỨNG VÀNG (Tham lam mất sạch) 


Một nông dân nghèo ngày kia phát hiện một quả trứng bằng vàng lấp lánh trong ổ con ngỗng của mình. Lúc đầu, ông nghĩ ai đó chơi khăm ông. Nhưng khi nhặt lấy quả trứng định ném đi, ông đã kịp nghĩ lại.
Quả trứng đúng là bằng vàng thật. Người nông dân không thể tin nổi vào vận may lớn đang đến với mình. Cứ mỗi ngày trôi qua, ngay sau khi thức dậy, ông lại chạy bổ đến ổ ngỗng và thu được một quả trứng vàng. Chẳng mấy chốc, người nông dân trở nên giàu có.
Tuy nhiên, càng giàu thì lòng tham của ông càng lớn, ông không còn đủ kiên nhẫn để chờ từng ngày trôi qua nữa. Ông quyết định giết chết con ngỗng để lấy tất cả số trứng trong bụng nó. Nhưng khi ông mổ bụng con ngỗng ra thì bên trong trống rỗng, tuyệt nhiên không có quả trứng vàng nào cả.


NGỰA VÀ HƯƠU (Cậy người hại mình) 


Thuở xưa ngựa chưa bị Người thuần hóa và chiếm riêng một cánh đồng cỏ. Có một ngày nọ, hươu xâm nhập vào lãnh địa của nó, muốn cùng ăn chia đồng cỏ. Ngựa rất tức giận hươu, rắp tâm báo thù cho được, bèn nhờ Người giúp trừng phạt hươu. Người đáp lại rằng, nếu ngựa chịu đeo hàm thiết trong miệng và chịu để cho Người cưỡi trên lưng thì người sẽ lấy vũ khí hữu hiệu nhất xua đuổi hươu cho. Ngựa đồng ý. Thế là Người tận dụng cơ hội, thắng lên lưng ngựa bộ yên cương và đóng vào mõm chiếc hàm thiếc. Người phóng lên lưng ngựa đuổi theo hươu, mãi rồi cũng bắt kịp và giết chết nó. Ngựa hí vang reo mừng, đắc ý đã trả được thù . Nhưng Người nhận ra rằng ngựa còn có ích cho Người biết bao nhiêu, nên thay vì trả lại tự do cho nó, Người cưỡi thẳng về nhà, ách vào lưỡi cày và bắt nó cày xới đất đai. Từ đó về sau, ngựa mới biết rằng, báo thù được hươu nhưng thành nô lệ cho người rồi.


SÓI VÀ CỪU NON (Lý lẻ kẻ mạnh) 


Vào một sáng sớm, một chú Cừu non đi lạc đứng uống nước bên bờ suối trong rừng. Cũng đúng vào lúc ấy, một con chó Sói tiến đến cạnh con suối, kiếm miếng mồi để ăn cho đỡ đói. Chẳng mấy chốc nó đã nhìn thấy Cừu. Như thường lệ thì "Ông” Sói đã ngấu nghiến ngay miếng mồi ngon lành này chẳng chừa lại một mẩu xương, nhưng khi nhìn thấy chú Cừu hết sức non nớt vô tội, Cáo cảm thấy phải tìm cho ra được một lý do nào đấy mới an tâm ăn thịt được Cừu.
“Sao mày dám quẩy đục con suối của tao làm nó bẩn lên hết vậy!” nó dữ dằn quát lớn. “Mày đáng bị trừng phạt nặng vì cái tội nghịch ngợm của mày!”
“Nhưng, thưa ông,” con Cừu non run rẩy trả lời, “xin ông đừng nổi giận! Con đâu có thể làm đục nước chỗ ông uống. Ông nhìn xem, ông đứng đầu dòng và con đứng cuối dòng.”
“Mày có làm đục đấy!” Sói tức giận bẻ lại. “Mà còn nữa, Tao đã nghe mày nói dối tao nhiều lần hồi năm ngoái!”
“Làm sao con có thể nói dối ông được như thế?” Cừu non biện hộ “Con mới ra đời trong năm nay.”
“Nếu không phải là mày, thì là thằng anh mày!”
“Con đâu có anh nào đâu, con chỉ có một mình.”
“Tốt lắm, “ Sói gầm gừ, “Vậy thì là đứa nào đó trong gia đình nhà mày thôi. Nhưng đứa nào thì cũng vậy thôi, Tao không nhịn ăn để nói với mày nừa đâu.”
Và rồi chẳng nói thêm lời nào nữa, Sói liền vồ lấy chú Cừu non tội nghiệp và tha vào trong rừng.


CON CHÓ XẤU TÍNH (Ảo tưởng vinh quang)


Có một con chó nọ cứ hay lao vào tấn công bất cứ ai mà nó gặp, nhưng nó làm điều này rất bất ngờ đến mức không ai nghĩ là sẽ bị nó làm đau cho đến khi nó cắn vào gót chân họ.
Nhằm cảnh báo cho người lạ biết mà tránh, đồng thời cũng để trừng phạt con chó, có lúc người chủ đeo vào cổ của nó một cái chuông, và có lúc ông bắt nó phải kéo một khúc gỗ nặng, khúc gỗ này được cột vào vòng cổ của nó bằng một sợi xích.
Lúc đầu con chó nọ còn cúi gằm mặt xuống, nhưng khi thấy chính cái chuông và khúc gỗ làm cho người ta chú ý đến mình nhiều hơn, thì nó lại lấy làm tự hào và chạy vòng quanh khu chợ để trưng chúng ra cho người ta chú ý. Thậm chí nó còn tỏ ra kiêu ngạo, huênh hoang với những con chó khác không giống như nó.
Thấy thế, một con chó săn già nói:
- Tại sao chú mày lại tỏ ra huênh hoang cứ như thể cái chuông và khúc gỗ của chú mày là những phần thưởng thế hả? Đúng là những vật đó khiến cho chú mày được nhiều người chú ý đến thật đấy, nhưng khi người ta hiểu được ý nghĩa thực sự của chúng thì chúng chính là điều đáng hổ thẹn cho chú mày và là vật luôn nhắc nhở rằng chú mày là một "con chó xấu tính".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét