Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Ý NGHĨA VÀI CỬ CHỈ NGHI THỨC TRONG THÁNH LỄ

Hỏi:  Cha có đề cập đến «cử chỉ trong phụng vụ»; con muốn biết rõ hơn. Ngay con là một người tạm gọi là «bổn đạo gốc», nhưng khi dự Thánh Lễ có nhiều cử chỉ con làm vì thói quen nhiều hơn!


Đáp: Thật vậy, trong Thánh lễ chúng ta có một số cử chỉ đi theo nghi thức phụng vụ. Mỗi cử chỉ đều có ý nghĩa sâu xa. Chúng ta cần hiểu rõ và làm với lòng sốt sắng chứ không phải như máy móc.

Làm dấu Thánh Giá
Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta nên ý thức là mình ghi trọn dấu Thánh giá trên thân thể hơn là chỉ ghi nơi trán, nơi ngực và nơi hai vai. Cử chỉ này gợi lại dấu Thánh giá ngày chúng ta được nhận lãnh bí tích rửa tội. Vì vậy, khi ghi dấu Thánh giá, chúng ta cần làm chậm rãi và từ tốn đọc: «Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần» cho dấu chỉ mang trọn ý nghĩa mầu nhiệm Phục sinh. Dấu Thánh Giá nhìn nhận ta là Kitô hữu, nói lên mối gắn bó của ta vào Thiên Chúa mà Chúa Giêsu Kitô đến biểu lộ: Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Chúa Thánh Thần tức là Thiên Chúa Ba Ngôi. dấu Thánh Giá còn nhắc nhở ơn cứu độ được thể hiện nơi cây thập giá tức là nơi mà tình yêu của Thiên Chúa đạt đến tuyệt đối.
Dấu Thánh giá mang ý nghĩa quan trọng, nên chúng ta bắt đầu và kết thúc Thánh lễ bằng một dấu ghi đó. Khi nhập lễ, dấu Thánh Giá như biểu hiệu chúng ta nhìn nhận nhau. Tất cả đều cùng gia đình và chúng ta đến đây đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Dấu Thánh Giá còn được làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại thì giờ đây Người phái ta đi nhân Danh Người làm nhân chứng những gì chúng ta vừa sống qua. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường.

Đấm ngực
Thời xa xưa, người ta dùng tay và có khi dùng cả hòn đá đấm vào ngực nói lên lòng hối hận. Ngực là chỗ thiết yếu của tim và hơi thở. Tim lại là trung tâm của tình cảm, nên khi đấm vào lồng tim có nghĩa là ta đau buồn vì những việc đã làm. Từ ngữ «ăn năn» đến từ tiếng La tinh «contritus corde» có nghĩa là «dày nát con tim» hay làm «tan vỡ con tim». Vì vậy, đấm ngực là chúng ta thú nhận mình là người tội lỗi ao ước được Thiên Chúa tha thứ.

Làm ba dấu Thánh giá trước khi nghe Tin Mừng
Cử chỉ này trở nên hời hợt nếu như chúng ta chỉ làm như máy móc. Hành vi ghi ba dấu Thánh giá là một lời cầu nguyện, xin cho Lời Tin Mừng chúng ta sắp nghe ở mãi trong trí, trên môi miệng và trong cõi lòng. Ý nghĩa lời nguyện như sau: «Xin cho Tin Mừng thấm tràn tri thức để con hiểu, vào miệng để con công bố và vào tim để con yêu mến»
.
Nhìn Bánh Thánh và Chén Thánh
Khi cha chủ tế giơ bánh Thánh và Chén Thánh, rất nhiều người trong chúng ta kính cẩn cúi đầu. Cử chỉ này sai hẳn ý nghĩa ban đầu, vì thật ra cha chủ tế giơ lên là để chúng ta nhìn ngắm. Dấu chỉ này được khai sinh từ thế kỷ thứ XIII. Vì thế, khi cha chủ tế giơ cao thì chúng ta phải nhìn ngắm trước, rồi sau đó mới cúi mình kính cẩn thờ lạy cùng một lúc với cha chủ tế.

Kinh Lạy Cha
Kinh Lạy Cha là Kinh Nguyện của Chúa vì đây là kinh duy nhất do chính Đức Giêsu đã truyền dạy cho các môn đệ. Trước đây, trong phụng vụ Thánh Lễ chỉ một mình cha chủ tế mới có quyền đọc mà thôi. Trong cấu trúc Thánh lễ ngày nay thì mọi người được kêu gọi cùng nhau cầu nguyện với chính lời do Đức Giêsu để lại. Nếu như cha chủ tế dang tay khi đọc Kinh Lạy Cha, thì người tham dự Thánh Lễ cũng có thể dang tay cầu nguyện.

Chúc Bình An
Chúng ta nên nhớ không phải mình chia sẻ bình an của mình đến người khác, nhưng chúng ta chia sẻ đến người anh em bình an của Chúa Kitô. Dấu bình an mà Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ ngày Phục Sinh (Gioan 20,19). Chúng ta phải ý thức chứ không nên gật đầu như máy, nhưng làm với cử chỉ thật lòng; còn nếu như bắt tay thì đừng bắt hững hờ xã giao nhưng nắm chặt tỏ cử chỉ thật tâm thân thiện.
«Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau» là lời cha chủ tế hay thầy phó tế mời gọi người tín hữu trao đổi một dấu chỉ bình an. Cử chỉ này được mời gọi chia sẻ khi cha chủ tế vừa van nài cùng Đức Kitô ban bình an cho Giáo hội, cho thế giới như khi xưa Người đã hứa cùng các thánh Tông đồ. Lời chúc bình an được chia sẻ giữa vị chủ tế và cộng đồng. Sau đó, mọi người hiện diện trao đổi với nhau và ta biết rằng nguồn bình an đó đến từ Thiên Chúa. Khi trao đổi bình an, người tín hữu diễn tả lòng ao ước làm lớn lên lòng hiệp nhất của họ mà chút nữa đây họ sẽ lên nhận lãnh mình Thánh Chúa. Vì vậy, lời chúc bình an diễn đạt rõ ràng tình yêu giữa những người tín hữu với nhau.

Cúi đầu
Cử điệu cúi đầu tỏ dấu đưa cả toàn thân tham dự vào việc cầu nguyện. Những lúc nào nên cúi đầu:
- Khi làm dấu Thánh giá bắt đầu Thánh Lễ, cũng như lúc nhận phép lành cuối lễ.
- Khi chúng ta đọc Kinh sám hối: «Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa..»
- Khi đọc Kinh Tinh Kính đến đoạn: «Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria và đã làm người», để diễn đạt lòng tôn kính sự nhập thể của Đức Chúa khai mào mầu nhiệm cứu chuộc.Description: http://danchua.eu/clear.gif


BY: LM. THÊÔPHILÊ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét