Ta thường nghe nói: “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo”. Lời khuyên trên hàm ý phân-biệt “Sống đạo” với “Giữ Đạo”. Bởi lẽ người giữ đạo chưa hẳn đã sống Đạo, chưa thể-hiện được tinh-thần của phúc-âm, cốt lõi của Đạo. Bởi thế mới kêu gọi, cổ-võ phúc-âm-hoá và hơn thế nữa tân phúc-âm-hoá đời sống của Kitô-hữu.
1- Người giữ Đạo chưa hẳn đã sống Đạo. Những người này chỉ biết nhai đi nhai lại thói quen kinh hạt, khấn vái cầu xin ban ơn vật-chất hơn là cầu nguyện để kết-hợp với Chúa, chưa thấm nhuần vì chưa hề hoặc ít khi đọc và suy niệm Kinh Thánh, do đó chưa nhận-thức đúng được vai trò của người kitô-hữu để trở thành chứng-nhân đích thực của Chúa như lời sách Thánh chép: “Không phải là tôi sống, nhưng là Thiên-Chúa sống trong tôi”, tóm lại là để “trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa và chức vụ vương giả của Chúa Kitô”, như Hiến-Chế “Ánh Sáng Muôn Dân” đã giải-thích.
* Bề ngoài nhìn vào, ai chẳng bảo là họ rất ngoan đạo, nhưng thực ra chỉ là giữ đạo cách giả dối. Siêng năng đến thánh-đường, mở miệng là kêu tên cực trọng “Giêsu Ma…! Lạy Chúa tôi lòng lành vô cùng!”, nay viếng đền thánh nọ, mai hành hương đại hội kia, có mặt khắp mọi buổi cầu kinh phụng-vụ, có chân trong nhiều hội-đoàn, v.v., nhưng ra khỏi thánh-đường giao tiếp với người xung quanh thì đem chuyện nói xấu người này, kể tội người khác, đâm bị thóc chọc bị gạo, ăn gian nói dối, ích-kỷ, phạm đức công-bằng, lỗi đạo thương yêu, điều mà thế-gian thường gọi là “khẩu Phật tâm xà”. Họ không nêu gương tốt lành, trái lại làm gương mù gương xấu. Làm sao thuyết phục được người ngoài đạo, đem Chúa đến cho người xung quanh?
* Cũng có nhiều người tâm-địa rất tốt, nhưng thờ-ơ biếng nhác việc phụng vụ Lời Chúa, biện-hộ là “giữ đạo tại tâm”. Trái hẳn với người giữ đạo hoặc theo thói quen tập- tục, cảm-tính, hoặc quá sốt-sắng đến mụ-mẫm, nặng tính giáo-điều (dogmatic), nhất nhất vin vào lề luật mà xử sự hơn là đem Chúa đến cho tha-nhân để họ nhận ra hình ảnh đích thực của Con Thiên-Chúa làm người đồng hành nơi trần thế. Họ không “thực thi ơn gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc-Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia-đình và xã-hội của họ” (Hiến-Chế Lumen Gentium, 35). Họ không thể-hiện được trong bản thân mình có sự hiện-diện sống động của Thiên-Chúa.
2- Người sống Đạo thì thể-hiện trung thực tinh-thần phúc-âm, nói khác là đã phúc-âm hóa đời sống.
* Trong cuốn “Kitô-Hữu Trước Thềm Thời-Ðại Mới”, cổ- võ việc phúc-âm hoá, Ðức cố Hồng-Y Suenens (1) nói rằng: “Một giáo-hội chỉ có người ‘giữ đạo’ mà thôi thì chưa đủ, cần phải có một giáo-hội ‘tuyên xưng đức tin’. Chúng ta cần làm chứng cho đức tin của chúng ta và phải sống đức tin ấy…Chúng ta đã từng nỗ-lực ‘ban bí-tích’ (sacramentaliser) cho dân Chúa thật càng nhiều càng tốt, thế nhưng chúng ta đã không ‘phúc-âm-hoá’ (évangéliser) dân ấy một cách đầy đủ” và phải “làm thế nào để Kitô-hoá từng khối người chỉ có danh là Kitô-hữu mà thôi, để họ sống đức tin Kitô-giáo thực sự?”. Rồi Ngài giới-thiệu bài thơ tuyệt-diệu mang tên “Phúc-Âm Của Bạn” của tác-giả Wallace E. Norwood, đại-ý là (1):
“….Bạn viết Phúc-âm, mỗi ngày, mỗi chương, bằng cách sống của mình, sai lạc hay ngay thật, khi kẻ khác đọc thấy, họ sẽ nghĩ gì về cuốn Phúc-Âm bạn đang viết đây?....Bạn vẫn viết cho mọi người, mỗi ngày một chữ, hãy cố làm sao viết cho ngay thật, tốt lành, vì Phúc-Âm mà người ta có thể đọc được thì chỉ có Phúc-Âm do chính cuộc đời bạn viết nên mà thôi.” (1).
* Sống Đạo chính là phúc-âm-hoá đời sống. Tuy nhiên, trước nền văn minh đa dạng ngày càng phức-tạp, với những thay đổi sâu rộng về mọi mặt, sự xuất-hiện đa giáo cùng với những quan-điểm lệch lạc với đức tin, sự phúc-âm-hóa xem ra vẫn chưa đủ để đáp ứng sứ-vụ loan báo Tin Mừng Cứu-Độ, vấn-đề tân phúc-âm-hoá được đặt ra. Đây không phải là phúc-âm mới mà là canh-tân việc phúc-âm-hoá, canh-tân phương-pháp, ngôn-ngữ và cách diễn-tả Tin Mừng sao cho thích-hợp với nhu-cầu thời đại và con người hôm nay. Tại hội-nghị các Giám-mục châu Mỹ La-tinh, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Loan báo Tin Mừng phải đi kèm với hành-động dấn thân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa, mà là tân phúc-âm-hóa. Mới trong sự nhiệt-thành, trong phương-pháp, trong lối diễn-tả".
3- Thật vậy, ngay như những người đã dâng mình cho Chúa, chưa hẳn đã thực sự sống đạo, vì chưa thể-hiện mình là chi-thể của Chúa Ki-tô, như là “cành nho trong một cây nho” vì vẫn vụ luật của con người hơn là vụ luật của Thiên-Chúa là Đấng ban sự sống: Có một cuốn phim năm 2016 mang tựa-đề “Les Soeurs Innocentes” (Các Nữ-Tu Trong Trắng) đã được đón nhận nồng-nhiệt tại Vatican. Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ Phụ Trách Đời Sống Thánh-Hiến và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông đồ, phát-biểu rằng: "Đây là một phim điều-trị cho Giáo Hội (C’est un film thérapeutique pour l’Église)”
Cuốn phim dự-trù chiếu ở Pháp ngày 10 tháng 2, được chiếu trước vào chiều thứ bảy 30-1 tại phòng chiếu phim của Viện Văn-Hóa Pháp, khán-giả là các nữ-tu, các linh-mục, thuộc mọi quốc-tịch về Rôma dự lễ kết thúc Năm Thánh-Hiến. Họ từng người một, đã đến cám ơn nữ đạo diễn Anne Fontaine: “Xin cám ơn, phim hay lắm, cuốn phim đã làm chúng tôi xúc-động, chúng tôi thực sự đã dao-động.” Cuốn phim dựng từ chuyện có thật xảy ra tại Ba-Lan, tháng 12 năm 1945. Trong một nữ tu-viện Dòng Biển-Đức, tiếng hét của một nữ tập-sinh trẻ làm náo động giờ hát kinh chiều. Sơ Maria vội lẻn đi tìm một nữ y-tá trẻ của Hội Chữ Thập Đỏ Pháp, đang đóng quân bên cạnh đến giúp đỡ. Cô này đến nơi, phát-hiện một bí-mật khủng-khiếp: Lính Đức và Xô-Viết từng ba lần ập vào tu-viện cưỡng hiếp các nữ-tu, bảy người mang thai. Cả nhà đều muốn từ bỏ. Cô y-tá bất mãn khi các bệnh-nhân không chịu cho khám bệnh và giải-phẫu, không muốn cho đụng vào thân thể mình, vì sợ mang tội “phải xuống địa-ngục” bởi đã không giữ lời khấn tiết hạnh, đâm ra mất đức tin vì mặc-cảm đã mang thai. Bà mẹ Bề Trên thì muốn giấu kín, sợ người ngoài chê-bai, gièm-pha làm mất uy-tín thể-diện của nhà dòng. Ngay chính bà mẹ cũng là nạn-nhân, nhưng “thà cắn răng chịu đựng”, chứ không cho cô y-tá chạm đến thân thể bà và các sơ kia cũng “không được phép xét đoán mà chỉ biết vâng lời bà”. Cô y-tá là người Cộng-Sản nhưng đã dũng-cảm, động lòng, quyết thi-hành sứ-mạng cứu nhân. Lần sau đến, cô hỏi đứa bé của sơ Zophia kia đâu. Theo lệnh của bề trên Jadwiga Oledzka, sơ Maria nói là đã gửi cho người dì của Zophia. Thực ra, đêm khuya tuyết giá, bà bề trên đã lén đem đứa bé ra nghĩa-trang, đặt nó dưới chân Thánh-Giá, đọc kinh, làm phép rửa tội rồi bỏ đi. Một đêm kia, sơ Zophia lo lắng tất-tả đi tìm con, té bất tỉnh ngoài trời. Sơ Maria tìm đến bà dì báo tin Zophia qua đời, trao đôi vớ mà Zophia đan cho con mình. Bà dì ngạc-nhiên vì bà đâu có cháu nhỏ nào. Chuyện vỡ lở. Sơ Maria vặn hỏi, bà mẹ vẫn một mực quả-quyết: ”Ta phó thác cho Chúa….Ta tin Chúa là đấng toàn năng đã đón nhận đứa bé”. Trong bữa ăn chung, bị sơ Maria chất-vấn, sự thật bị phơi trần, bà bẽ-bàng đành nại cớ tuyên-bố: “Ta muốn tránh cho các sơ khỏi xấu hổ và nhục nhã”, rồi lẳng lặng ra khỏi phòng giữa tiếng giận dữ của cộng-đoàn lên án bà: “Kẻ Giết Người!”
Rõ là một đức tin chết, đức tin khép kín, một đức tin vô- thức, trốn trách-nhiệm, một đức tin mù quáng, “giáo-điều”, chỉ biết kêu van "Xin Chúa cứu vớt đứa trẻ đó!" Rõ là ích-kỷ vô lương-tâm, không một chút vị tha, tình người, không có Chúa thực sự ở trong lòng. Bà là hiện-thân của con người chưa được Phúc-Âm soi chiếu, chưa được phúc-âm-hoá, không biết rằng Chúa hạ sinh giáng thế là để cứu chuộc ta khỏi làm nô-lệ cho lề-luật, tội lỗi, và ban sự sống cho nhân-loại. Họ không biết rằng phẩm-giá con người rất quí trọng trước mặt Thiên-Chúa, các lề luật Người ban là để bảo-vệ và phục-vụ con người, nó chỉ là phương-tiện, chứ không phải là cứu-cánh. Thấy bọn Pharisiêu đến xem Chúa Giêsu chữa lành bệnh trong ngày Sabbat, tính bắt bẻ Người không giữ luật, Người bảo họ rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay làm sự dữ, cứu sống hay giết chết?” (Luca:6, 6-11) vì “Ngày Sabbat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbat” (Mc: 2, 27).
Đóng lại câu truyện, cuốn phim mở ra một cảnh-tượng tràn đầy tình người: Cô y-tá cùng sơ Maria, mỗi người ẵm một em bé dẫn các trẻ vào phòng ăn chung, trước khi chất-vấn bà mẹ Bề Trên, cô hân-hoan giới-thiệu với cả nhà: “Những đứa trẻ này vô gia cư sống lang-thang, quý sơ có thể chăm sóc chúng”. Các Sơ đã hiểu rõ thế nào là dấn thân, nhà dòng nay thành trung-tâm nuôi trẻ mồ-côi trong chiến tranh, những trẻ đã sinh ra trong hoàn-cảnh mà mẹ chúng đã bị cưỡng hiếp. Trước đó, một sơ kia đã gửi con lại cho các chị em chăm sóc, nhận ra ơn gọi mới để hoàn tục sau khi nở nụ cười khoe với sơ Maria: “Đây là con tôi, nó có quyền được yêu thương”. Quả thực “Đây là phim trị-liệu cho Giáo-Hội”, tiếng nói của Đấng thẩm-quyền đã nói lên xác-quyết của Thánh Giáo-Hoàng Gioan Phaolô II: "Loan báo Tin Mừng phải đi kèm với hành động dấn thân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa, mà là tân phúc-âm-hóa.”
Kết:
Thế-giới hôm nay đang bị ô-nhiễm bởi văn-hoá sự chết muốn dập tắt nền văn-hóa Sự Sống (2). Bây giờ, phá thai, trợ tử, hôn-nhân đồng tính không còn là điều cấm kỵ, nay được định-chế đồng-loã, công-khai thừa-nhận, tán-trợ. Đã có cả một mặt trận chống Satan, vì “ma qủy đang hoành-hành khắp thế gian và rất nhiều người đã sa vào lưới của nó đến mất cả tính người, trở thành con cái của chúng”. Mới đây, Giáo-Hội được thỉnh-cầu đến trừ quỷ trên trực-thăng cho cả thành phố Detroit ở Mĩ vốn đầy tội ác do ma quỷ lộng-hành (3).
Tại Việt Nam, những bài giảng vang động vạch trần sự thật nơi thánh-đường, lời kêu gọi thiết-tha của các đấng, những tiếng kêu oan tức-tưởi của đám đông tuần hành nơi công cộng, hình như chưa đủ để xoá màn đêm của sự chết đang bao trùm. Thảm-họa môi-trường nhiễm độc, dẫn đến diệt chủng cho các thế-hệ mai sau, quả là khối u bộc-phát hiển- hiện, nhưng di căn ngấm ngầm mọc rễ trong cơ thể èo-ọt đã không cần được biết đến, hoặc đã thấy mà làm ngơ không thấy, đó mới là nọc độc của ung thư. Ấy là não-trạng tham-lam, ích-kỷ, vô-cảm đã tiếp tay cho tội ác lên ngôi. Còn những kinh-doanh nhơ nhớp để cho sống chết mặc bay, miễn sao vét cạn cho đầy túi tham, thì vẫn còn khói mù ô-nhiễm phủ kín quê hương. Bởi vì lương-tâm con người còn bị khoá chặt chẳng cho Chúa ngự vào, lời Chúa chưa thể thấm nhuần hầu thức-tỉnh nhân-tâm. Lúc này hơn bao giờ hết, tân phúc-âm-hoá là việc làm bức-thiết, nhất là đối với người Ki-tô-hữu cần sống đạo thực sự, để từ bản thân mình biết lan toả ánh sáng phúc-âm ra xung quanh. Quả như lời Đức Tổng Giám Mục Kiệt nhận định: “Tôi thấy cái chết của cá nó chỉ là cái ngọn vấn-đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm-hồn con người. Tôi thấy có ít nhất bốn cái chết: cái chết của lương-tâm, cái chết của luân-lý, cái chết của lý-trí, cái chết của chính-trị”.
Lạy Chúa, “xin cho con biết lắng nghe lời Ngài trong đêm tối”, xin lay động cho con biết “khi nào Chúa đã gọi con”:
Khi con nghe những con tim thổn-thức
Khóc cuộc đời dông bão quét rạng-đông,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe tiếng kêu than oan-ức,
Bị vu vạ và luận tội bất công,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe lời gièm-pha tranh-chấp,
Vì mặc-cảm, vì thù hận bất đồng,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe dấy lên lòng vị-kỷ
Không phục-vụ, chỉ mong được phục-vụ,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe lòng mình không tự-chủ,
Mất lương-tri bị cảm-tình che lấp,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi tầm mắt con hẹp-hòi bảo-thủ,
Không khoan-dung đại-lượng, hay cố-chấp,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe những luận-điệu sai lầm
Lũng-đoạn niềm tin, xói mòn chân-lý,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con thấy đồng-loại bị vùi dập,
Bị bóc lột tàn-nhẫn mất lương-tâm,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe tiếng la hét kêu gào,
Ðòi cơm áo, đòi nhân-quyền, nhân-phẩm.
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe những tiếng nấc nghẹn-ngào,
Tiếng tức-tưởi niềm chờ mong vô vọng,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Khi con nghe qua hơi thở thều-thào,
Những mảnh đời cố níu ghì cuộc sống,
Con nhớ rằng khi ấy Chúa gọi con.
Gọi con lội suối trèo non,
Gọi con đi khắp lối mòn nhân-gian,
Gọi con gieo rắc bình-an,
Gọi con làm đúng chứng-nhân của Ngài.
Ben. Đỗ Quang-Vinh
--------------------------------------------------------------------
Cước-chú: Xin mời đọc thêm
(2) Xin mời đọc thêm bài “Văn hoá sự sống”
(3) Xin mời đọc thêm:
* Trừ quỷ cho cả một quốc gia
* Mặt Trận chống Satan=>Trừ qủy từ trực thăng
Tác giả: Gs. Ben. Đỗ Quang Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét