I- Lời dẫn nhập
Có một số tác giả cho rằng ''mặc khải'' hay ''mạc khải'' dịch từ chữ Latinh là revelatio. Người khác thì khẳng định rằng: a- chữ ''mạc khải'' có cấu trúc: danh từ (mạc) + động từ (khải) là ngược thứ tự bình thường của thuật từ Hán-Việt: động từ (khải) + danh từ (mạc), ví dụ: khai mạc, bế mạc. b- Mặc khải là mở ra sự im lặng.
Nhưng tôi không tán thành các ý kiến vừa nêu vì những lý do sau đây:
1- Chữ ''MẶC khải'' KHÔNG phải cách dịch chữ Latinh ''revelatio'' bởi vì chữ ''mặc'' chẳng có nghĩa là cái màn: velum, chữ Latinh!
2- Chính chữ ''MẠC khải'' mới được dịch từ DANH TỪ Latinh: Revelatio. Như vậy, ''mạc khải'' cũng là danh từ, có nghĩa: VIỆC mở ra cái màn!
3- Trong tiếng Anh, chữ ''revelation'' có nghĩa: The act of revealing. Tiếng Pháp: L'action de révéler. (Việc mở ra cái màn: việc mạc khải.)
3- Chữ ''mạc khải'' cũng được hiểu: Cái màn ĐƯỢC mở. Chữ ''môn khải'' có nghĩa: Cửa ĐƯỢC mở ra. Chữ ''môn cấm'' là cửa BỊ cấm.
4- Chúng ta cũng nói, viết: ''quốc phòng, ác báo, thiên mạc khải, tài trợ, linh thao...'' theo cách này: danh từ túc từ ở TRƯỚC động từ!!!
5- ''Mặc khải'' KHÔNG có nghĩa: mở ra SỰ im lặng, mà là ''lặng lẽ mở ra'' bởi vì chữ ''mặc'' là ''tính từ'' được dùng như ''trạng từ'', chẳng hạn: ''mặc niệm'' là tưởng nhớ cách / trong im lặng. Như vậy, chữ ''mặc'' ĐÂU phải là danh từ làm túc từ của động từ ''khải''!!!
6- Tiếng Việt có những điểm giống chữ Nho và những đặc thù mà tiếng nhiều tiếng khác không có, chẳng hạn cách đặt câu: Cá lội DƯỚI nước. Chim bay TRÊN trời. Ba tôi làm việc NGOÀI vườn.
II- Cái màn ''che''
A- Trong Xuất Hành 30,6, cái màn (rideau, veil, Vorhang, velum) được Thiên Chúa nhắc đến qua mệnh lệnh của Ngài như sau: ''Con hãy đặt hương án đó trước MÀN che Hòm Bia Chứng Tri … là nơi Ta sẽ gặp gỡ con.'' (Thì tương lai ''mettras / shall put'' có giá trị là mệnh lệnh: hãy.)
B- Trong Thánh Vịnh 105,39, chữ ''mây đen'' (mạc mạc: nuée), tức là MÀN CHE, được nói đến thế nầy: ''Chúa dùng bóng tối làm MÀN bao phủ, lấy mây đen nghịt làm TRƯỚNG CHE Ngài.''
C- Trong Thánh Vịnh 104,2, tầng trời cũng là MÀN CHE: ''Ngài căng trời như màn trướng ...''
D- Trong Luca 9,34-35: ''Ông đang nói thế thì xảy đến một đám mây, và nó rợp bóng trên họ. Họ kinh hãi lúc các Ngài đi vào đám mây. Và một tiếng phát ra tự đám mây: ''Ngài là Con Ta, mà Ta đã chọn, các con hãy nghe Ngài." Đám mây rợp bóng là cái màn che trên núi Tabôrê.
III- Cái màn ''được mở ra''
A- Trong Gioan 1,14: ''Và Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng tôi và chúng tôi đã ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Một từ Cha ...'' Như vậy, qua việc ''xin vâng'' của Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa ''mở MÀN trướng là trời'' để Lời Hằng Hữu (trong Cha) nhập thể và nhập thế.
B- Trong Marcô 1,10-11: ''Vừa lên khỏi nước, Ngài thấy các tầng trời XÉ RA và Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài; và một tiếng phát ra từ trời: ''Con là Con chí ái của Ta mà Ta đã sủng mộ.'' MÀN trời ''ĐƯỢCxé ra'' (SE déchira), tức là qua ''việc mở cái màn: sự mạc khải: révélation, Offenbarung'', Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Cứu Thế và Ngài nghe tiếng của Chúa Cha!
C- Trong Matthêô 27,51: ''MÀN Đền Thánh bị xé ra làm hai, từ trên xuống dưới...'' Đó cũng là cách MẠC khải (xé màn ra) để báo GIỜ TRỌNG ĐẠI của Chương Trình Cứu Rỗi đã điểm! Theo phong tục xưa của Do Thái, mỗi lần con trai mình qua đời, người cha XÉ áo xống từ trên xuống dưới (depuis le haut jusqu'en bas) để chịu tang.
D- Theo Gioan 20,1-10, Tông Đồ ra Mộ Chúa, chỉ thấy dải vải và tấm khâm PHỦ đầu Ngài được CUỘN riêng một chỗ. Bấy giờ, các ngài mới tin Chúa đã sống lại. Như vậy, những tấm vải CHE ấy đã được Chúa THÁO ra để các ngài tin vững vàng.
E- Tông Đồ Công Vụ 7,56: "Này, tôi thấy các tầng trời MỞ RA và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa."
IV- Cái MÀNG ''được mở ra''
A- Chữ ''MẠC'' còn có nghĩa là MÀNG. Vậy thì, qua phép lạ chữa người mù được thấy, Chúa Giêsu mở MÀNG mắt thể lý và Đức Tin cho nhiều người. Chẳng hạn hai môn đồ đi chung với Chúa trên đường Emmau, mà vẫn không nhận ra Ngài. Nhưng, khi Chúa trao cho họ bánh nơi bàn ăn, ''mắt họ liền MỞ RA và họ nhận biết Ngài.'' (Luca 24, 31)
B- Người ''khét tiếng bắt Đạo'' cũng được Chúa mở MÀNG mắt như sau: ''Và, lập tức, bong khỏi mắt Saulô như những cái vảy, và ông lại thấy được.'' (TĐCV 9,18)
C- Xin đọc thêm cả Đoạn 9 Tin Mừng theo Thánh Gioan về người mù bẩm sinh được Chúa mở MÀNG mắt và Tin Mừng theo Thánh Marcô 8,31-37 kể việc Chúa chữa người điếc và ngọng: ''Ephata!'' (Con hãy MỞ RA!) Vậy là Chúa dạy chúng ta MỞ ''mắt, tai, tay, miệng, lưỡi, lòng, trí'', tức là lấy đi cái MÀN, MÀNG ngăn cách con người với Thiên Chúa.
Chính vì ý nghĩa của chữ MẠC là MÀNG, mà người Anh viết, nói như sau: ''It was a revelation to me!'' Còn người Pháp, Đức, Việt thì cụ thể hơn: ''Cela m'a ouvert les yeux! - Das hat mir die Augen geoffnet! Điều ấy đã làm tôi sáng mắt ra!''
V- Lời kết: Ngữ nguyên của từ ''mạc khải'': VIỆC mở cái màn
Căn cứ vào Lời Chúa ở I, II, III, IV, các Tông Đồ và Giáo Phụ mới dùng từ Hy-lạp ''apocalypsis''. Tiếp đầu ngữ Hy-lạp ''apo'' có nghĩa ''cách, tách biệt, khỏi: off, from, away''; còn ''calypsis'' là do ''kalyptein'' có nghĩa là ''che, phủ: cover''! Như vậy, ''KHÔNG che phủ nữa'' tức là ''tỏ ra cho biết, cho thấy''! Từ ý nghĩa ấy, các Thánh Tông Đồ và các Giáo Phụ mới dùng chữ Latinh REVELATIO là DANH TỪ của động từ REVELARE. Ngoài một vài nghĩa thông dụng, tiếp đầu ngữ RE còn đồng nghĩa với DÉ có nghĩa phủ định, BỎ đi (négation, suppression) hay bớt đi (réduction, diminution). Còn ''ngữ căn'' (radical) hay ''từ gốc'' VELARE (che) là do danh từ Latinh VELUM là cái MÀN, tức là VOILE (*) trong tiếng Pháp, là VEIL trong tiếng Anh. Thậm chí người Anh còn dùng VELUM, (số nhiều: vela) với nghĩa là cái MÀNG bọc mỏng (a thin membranous covering) của cá biển hay nấm (mushrooms).
Đức Quốc, 26.10.2016
Đaminh Phan văn Phước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét