Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

NHỮNG ĐIỀU PHẢI TRÂN QUÝ TRÊN ĐỜI NÀY

Trân quý phẩm đức của bản thân mình

Khổng Tử nói: “Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn, ích hĩ; hữu tiện tích, hữu thiện nhu, hữu tiện nịnh, tổn hĩ.”  Ý nói rằng, có ba kiểu bạn bè có ích và ba kiểu bạn bè có hại. Kết giao với người chính trực không vụ lợi, kết giao với người khoan dung, kết giao với người hiểu biết sâu rộng, là đều có ích đối với đức hạnh của chúng ta. Nếu như kết giao với người a dua, kết giao với người xu nịnh, kết giao với người xảo ngôn, thì đều sẽ tổn hại đức hạnh của chúng ta. Chúng ta có thể xem hết thảy mọi người đều là bạn bè, thế nhưng phải biết quý trọng sinh mệnh của mình, kết giao với những người có đức hạnh tốt, không thân cận với những người có đức hạnh xấu xa.
Thời cổ đại có câu chuyện nổi tiếng kể về Quản Ninh và Hoa Hâm như sau:
Quản Ninh và Hoa Hâm từng là bạn thân thiết của nhau. Lúc còn đi học, thường thường là vừa đọc sách vừa làm việc. Một hôm, hai người đang ở trong vườn cuốc đất trồng rau, thì cuốc được một thỏi vàng.
Tiền tài quả thực khuấy động lòng người! Quản Ninh nhìn thấy thỏi vàng liền coi nó cũng giống như hòn gạch hòn đá, cứ tiếp tục cuốc và đẩy thỏi vàng sang một bên. Hoa Hâm không đành lòng, nên cầm thỏi vàng lên xem một chút rồi mới ném xuống đất.
Mấy ngày sau, khi hai người đang ở trong phòng đọc sách, thì ngoài đường có tiếng tiền hô, hậu át vang dậy, tiếng chiêng trống quả thực náo nhiệt và tiếng người kháo nhau rằng: “Có vị quí nhân ngồi xe đi qua.”
Quản Ninh “mắt điếc tai ngơ”, tiếp tục chăm chú đọc sách. Nhưng Hoa Hâm lại ngồi không yên liền bỏ sách chạy ra xem. Khi xe ngựa đã đi qua, Hoa Hâm trở lại trong phòng, Quản Ninh cầm một con dao nhỏ cắt đôi chiếc chiếu mà hai người ngồi chung ra và nói: “Ngươi không phải là bạn của ta!”
Nhiều năm sau, Hoa Hâm trở thành nhân vật quan trọng trong triều đình, làm trọng thần nước Ngụy thời Tam Quốc. Quản Ninh vẫn là người đọc sách, trọn đời không ra làm quan với nhà Ngụy. Hậu duệ của ông chính là nhà chính trị, tư tưởng nổi tiếng nước Tề, thời Xuân Thu – Quản Trọng.
Mỗi người có một chí hướng, việc tuyệt giao bạn bè của Quản Ninh là nói rõ ra nguyên tắc làm người của ông, trân quý phẩm đức của bản thân mình. Điển cố này nói cho chúng ta biết rằng, con người khi còn sống trên đời thì không thể đánh mất bản thân, không thể để tâm động vì những điều hấp dẫn bên ngoài.

Đời người, có rất nhiều thứ mà vĩnh viễn chúng ta cũng không thể có được. Vậy nên, càng phải quý trọng những thứ mà mình đã có.

Hãy trân quý cha mẹ mình

Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ chính là bầu trời của chúng ta, cho chúng ta một gia đình ấm áp, dạy chúng ta những đạo lý làm người, những bài học vỡ lòng.
Mãi đến khi chúng ta trưởng thành, cha mẹ vẫn luôn ở bên, cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất. Tình yêu thương của cha mẹ chính là tài phú của cuộc đời con cái.

Hãy trân quý những người bạn mà chúng ta đang có

Chúng ta hiểu rằng, trong cuộc đời này, gặp được ai, ấy đều là vì duyên phận. Đặc biệt, những người có thể ở bên mình, chia ngọt xẻ bùi, có phúc cùng hưởng có nạn cùng chịu, thì ấy chẳng phải duyên phận đáng quý sao? Khổng Tử nói: “Đức bất cô, tất hữu lân”, ý nói rằng, người có đức thì sẽ không lẻ loi, tất sẽ có bạn.
Hãy quý trọng con cái
Trẻ con là nhân duyên, là tìm đến con cái để có nơi nương tựa. Trong mắt trẻ, cha mẹ chính là ông trời. Con cái luôn tuyệt đối tin tưởng ở cha mẹ. Vì thế, cha mẹ nên làm bạn với con, cho chúng cảm giác an toàn, cho chúng hoàn cảnh ban đầu tốt đẹp, trợ giúp chúng bước đi vững chắc trên con đường nhân sinh.

Hãy trân quý người dạy dỗ mình

Đời người, có thể gặp được người dạy dỗ, hướng dẫn, chỉ bảo mình là điều may mắn. Một người có thể thành thạo được một nghề là có thể có khả năng sinh tồn.

Hãy đừng quên quý trọng tín ngưỡng của bản thân

Tín ngưỡng là phương pháp cho chúng ta tìm kiếm được sự an tĩnh về tâm linh. Con người bởi vì có tín ngưỡng mới biết được ý nghĩa, tương lai và chốn trở về chân chính của sinh mệnh. Đó là con đường Thần Phật chỉ ra, để chúng ta không bị mê lạc mất.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét