Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

ĐỂ CÓ MỘT CỔNG TRẠI ĐẸP






LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT CỔNG TRẠI ĐẸP?

Tham dự các kỳ trại nhất là các kỳ trại dài ngày chúng ta thường làm cổng trại. Cổng trại là một trong 4 phần nhỏ của thủ công trại: Cổng trại, cột cờ – kỳ đài, cầu qua sông, tiện nghi trại. Cổng trại của một đơn vị một đoàn một đội được xem là “mặt tiền” thể hiện hình ảnh và ý chí của đơn vị, đoàn, đội ấy. Cổng trại cũng cho thấy khả năng, trình độ, sức sống, ý tưởng, sáng tạo của trại sinh. Trong thực tế đôi khi những cổng trại được thiết kế tại chỗ, vật liệu tự nhiên với những ý tưởng độc đáo còn có giá trị hơn cả những cổng trại hoành tráng được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Xét về phương diện giáo dục, việc thực hiện cổng trại nhằm trao dồi cho trại sinh tháo vát, làm việc tập thể, trao đồi chuyên môn (gút).
Xét về phương diện kỹ mỹ thuật, cổng trại là một công trình kiến trúc đúng nghĩa. Việc thiết kế thi công cổng trại nói đơn giản thì rất đơn giản vì chỉ cần một tấm băng rôn là có thể thực hiện; nhưng nói khó thì rất khó vì nó sẽ chiếm không biết bao nhiêu nhân lực tài lực.
Một cổng trại tiêu biểu thành công phải có các đặc điểm sau:
1. Phải mang được thông tin cần truyền tải (VD: tên đơn vị, tên trại, huy hiệu, phù hiệu trại…)
2. Phải chắc chắn, chịu lực và chịu được thời tiết
3. Phải “đẹp” (bao gồm kỹ thuật, mỹ thuật) nhưng cũng phải hài hòa cân đối với toàn thể khu vực trại
4. Phải mang ý nghĩa nội tại.
Việc xây dựng một cổng trại đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên là không phải dễ dàng. Thiết kế thi công cổng trại chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố, không gian thi công, thời gian chuẩn bị, thời gian thi công, vật liệu tại chỗ, kinh phí, trình độ trại sinh…
Tuy nhiên ta có thể xây dựng những bước đi chung nhằm bảo đảm cho công việc này đạt được kết quả tốt nhất.

Bước 1: xác định

Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nó quyết định đến sự thành bại toàn bộ công trình. Ở bước này bạn phải xác định xem bạn cần một cổng trại như thế nào? và bạn có những gì trong tay? Hãy suy nghĩ và trả lời 2 câu hỏi trên một cách cẩn thận. Tốt nhất là hãy sử dụng giấy và viết ghi lại tất cả những điểm chính để tránh sai sót. Để trả lời 2 câu hỏi trên bạn có thể tự hỏi mình những câu sau đây . Ví dụ:
o Quy mô của cổng trại?
o Cổng trại cho tiểu trại hay toàn trại? Cổng trại của gia đình hay đoàn?
o Vật liệu làm cổng trại là gì?
o Có bao nhiêu kinh phí?
o Ai thi công? trình độ người thi công đến đâu?
o Có bao nhiêu thời gian thi công?
o Đất trại ở đâu? (xa hay gần, vận chuyển vật liệu thế nào)
Nếu bạn chỉ có một đội 7, 8 người thì cổng trại phải tương xứng với với số lượng thành viên của đội, không nên làm quá hoành tráng vì bạn cần phải tính toán “liệu cơm gắp mằm”. Hơn nữa thủ công trại không chỉ có cổng trại mà còn có nhiều thức khác nữa. Phải biết phân phối sức lực

 Bước 2: thiết kế trên giấy

 Sau khi đã xác định bạn cần gì, bạn có gì bước tiếp theo là thiết kế cổng trại dựa trên những tiền đề bắt buộc phải có ở trên. Lúc này đây bạn hãy để trí tưởng tượng của bạn thỏa sức bay bổng. Cổng trại không chỉ có gỗ tre, dây nhợ, ván búa đinh, mẹt, cờ mà còn rất nhiều nguyên vật liệu khác như lá, vải, xe đạp, cầu thang… cây rừng thậm chí là bong bóng được bơm hơi… Để có được sự lựa chọn phong phú bạn nên ghi nhớ những ghi chú sau:
Liệt kê những điều bạn thích và không thích: Mỗi người có một “gu” thẩm mỹ với người này đẹp với người khác là không, bạn nên liệt kê những cái bạn thích và không thích. Điều này sẽ giúp bạn không đi lan man sa đà vào quá nhiều kiểu thiết kế
Vẽ tất cả các ý tưởng của bạn ra giấy: Đừng giữ nó trong đầu, bạn hãy cụ thể tất cả bằng các hình vẽ. Đừng sợ vẽ xấu, bạn hãy vẽ sao cho bạn và những người cần đọc có thể hiểu là được. Bạn cũng đừng nhầm lẫn các bản nháp này với một phác thảo hoàn hảo nhé. Đơn giản chỉ là những ý tưởng hình ảnh.
Phát triển ý tưởng: Với mỗi ý tưởng được ghi chép bạn hãy cố gắng phát triển nó thành các mẫu hoàn chỉnh. Đừng ngại sử dụng lại ý tưởng cũ, nhưng mỗi mẫu phát triển phải có nét độc đáo riêng. Nếu như phải lựa chọn giữa các thiết kế thì ai có nhiều mẫu để lựa chọn hơn sẽ có cơ hội hơn.
Ý tưởng đến từ đâu? ý tưởng đến từ cuộc sống, từ bạn bè và từ những chuyên gia. Nếu chưa có một mẫu ưng ý, bạn hãy giữ nó trong đầu, đi đâu đó chơi biết đâu một ý tưởng sẽ đến với bạn. Đừng ngại hỏi ý kiến bạn bè ngay cả những người không chuyên, chính vì không chuyên họ lại có cái nhìn rất mới mẻ vượt khỏi những quy tắc thông thường. Tại sao phải hỏi những chuyên gia bởi vì họ sẽ không chỉ chú ý đến mẫu mã mà họ còn tư vấn cho bạn tất cả những điều ở bước 1 :). Xin nhắc lại bạn đừng ngại copy ý tưởng của người khác nhưng hãy phát triển để nó trở thành của riêng mình
Sưu tầm: Sự phát triển về lượng sẽ dẫn đến sự phát triển về chất, quy luật đó luôn luôn đúng, hãy đừng bỏ lỡ cơ hội sưu tầm, chụp hình các hình ảnh cổng trại, nó sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho bạn sau này. Sự tích lũy này sẽ là nền tảng cho những ý tưởng hay và đẹp.

Bước 3: xây dựng mô hình

Nhiều người cho rằng không cần thiết nhưng theo tôi đây là một bước khá quan trọng. Việc thực hiện một mô hình theo các kích thước tỷ lệ từ một phác thảo hoàn chỉnh giúp cho bạn hình dung được toàn bộ cổng trại theo một cách tốt đến mức chính bạn cũng không nghĩ đến. Bạn sẽ hiểu đâu là điểm cần quan tâm, các bước thực hiện tuần tự, bạn có thể cải thiện lại mẫu phác thảo, thay đổi tỷ lệ, thêm bớt vật liệu… Nếu thực hiện tốt bước này bạn sẽ có một bài thuyết trình hoàn hảo không lời để thuyết phục những người khác theo bạn. Về lâu dài nó là một vật lưu niệm bằng chính công sức của mình, điều đó không đáng giá sao?

Bước 4: dự trù kinh phí

Thực việc dự trù kinh phí đã được bắt đầu ở bước 1 nhưng chưa chi tiết. Ở bước này bạn bạn phải lên danh sách toàn bộ vật liệu, giá cả, chi phí, địa điểm mua… Bạn phải phân loại xem vật liệu này cần phải trang trí thêm (VD: mẹt phải sơn vẽ chữ lên trước, xốp phải cắt thành chữ), vật trang trí nào làm tại nhà, thứ nào mua tại đất trại, thứ nào tận dụng sẵn có tại đất trại.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng vật liệu, kinh phí sẽ khiến bạn không phải vất vả khi thi công, tránh được những sai sót đáng tiếc lẽ ra không có làm cổng trại không được như ý.

Bước 5: thi công

Thi công là bước cuối cùng cũng một bước quan trọng chiếm khoảng 30% sự thành công của một cổng trại. Bước thi công được bắt đầu từ khi ở nhà chứ không phải lên đến đất trại. Ngay từ khi ở nhà bạn phải tính toán chuẩn bị phân công công việc cụ thể.
Một người thợ giỏi mà không có đồ nghề thì chẳng bằng một anh thợ tồi với đầy đủ trang bị. Hãy chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị công cụ: kềm, búa, cưa tay, tuốc nơ vít, kéo, băng kéo điện, dây diện, vít thử điện (trường hợp cổng trại có bắt đèn)… Công cụ trang bị nên tập trung và phân công người chịu trách nhiệm cụ thể.

Lưu ý:

5 bước trên là 5 bước căn bản theo trình tự thông thường, tùy từng trường hợp cụ thể ta có thể linh động thêm bớt hoặc thay đổi trình tự các bước.
Ví dụ trong một số trường hợp cấp bách bất đắt dĩ ta bỏ qua bước 3, 4 (xây dựng mô hình, dự trù kinh phí), lượt bớt bước 2 (thiết kế trên giấy). Tại đất trại ta kết hợp bước 1 bước 5 vừa thi công vừa tìm vật liệu, tận dụng tối đa địa hình địa vật.
 Cổng trại không chỉ là công việc mà còn là một khóa học tinh thần đồng đội nên hãy làm việc nhóm để giúp đỡ lẫn nhau. Cổng trại không chỉ là công việc mà còn một trò chơi nên hãy cố gắng tạo không khí vui tươi trong khi thi công để sao cho mỗi trại sinh đều tự hào về công trình do chính mình tạo dựng.
Một cổng trại tồi do chính mình làm ra thì có giá trị gấp ngàn lần hơn một cổng trại cực đẹp do người khác làm. Bởi vì cái đẹp của cổng trại không chỉ nằm ở kết quả mà còn nằm ở quá trình tạo ra nó cho nên tôi mong rằng bạn đừng để ai học giùm bạn, chơi giùm bạn nhé!

CÁC LOẠI CỔNG TRẠI

Cổng trại và Kỳ đài là bộ mặt tiêu biểu của trại, nó cho biết óc thẩm mỹ, sự khéo tay, trình độ kỹ năng của đơn vị mình. Nhất là trong các Trại họp bạn, có nhiều đơn vị ở nhiều địa phương cùng tham dự, sự phô diễn tất phải có. Nhưng không vì thế mà ta chế tạo sẵn ở nhà bằng những vật liệu công nghiệp, màu sắc sặc sỡ rồi đem tới ráp vào (trừ những phù hiệu, huy hiện, cờ, biểu tượng,...) mà nên tận dụng những vật liệu thiên nhiên có sẵn tại chỗ hoặc các vật liệu nhẹ có thể mang theo.
Khi làm cổng trại hay kỳ đài, chúng ta cần chú ý đến trọng tâm, lực chống đỡ, lực trì kéo,... để được vững vàng mà không bị đổ giữa chừng. Cổng trại có nhiều loại: cổng trại chung, cổng trại từng đơn vị, từng tiểu trại, cổng trại đội... kích cỡ lớn nhỏ tùy theo khả năng.
Kỳ đài phải dựng ở một nơi trang trọng, đó là sân sinh hoạt chung. Kỳ đài phải thiết kế thật vững chắc. Ngoài kỳ đài chung toàn trại, mỗi đơn vị cũng nên có một kỳ đài riêng (nếu có thể)
Thiết kế cổng trại có nhiều hình thức, tùy thuộc vào sự sáng tạo của các đơn vị, khi thiết kế cổng trại phải chú ý đến tính bố cục, cân đối với trại của mình, tính đến chiều rộng và chiều cao phù hợp để ra vào thuận tiện. Nên lợi dụng những yếu tố sẵn có như gốc cây, cành cây,... để sử dụng vào cổng trại mang đậm tính thiên nhiên. Cổng trại thiết kế cũng như lửa trại có thể tự do, thuận mắt. Có thể theo chủ đề, chủ điểm cho thêm phần sống động và ý nghĩa.

MỘT SỐ CỔNG TRẠI ĐƠN GIẢN 











(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét