Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

CÂU CHUYỆN THÀNH NGỮ : NGỌC BẤT TRÁC BẤT THÀNH KHÍ


Trong sách “Tam Tự Kinh” viết: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri nghĩa”. Một khối ngọc quý nếu không trải qua quá trình đẽo gọt, tạo hình thì nó vĩnh viễn chỉ là một khối ngọc ở bên trong lớp đá thô kệch, xù xì. Con người cũng giống như vậy, cho dù đó là một người có tư chất thông minh như thế nào đi nữa nếu không dụng tâm học tập thì không thể thông cổ bác kim, hiểu được lý lẽ, càng không biết được chân lý và đạo nghĩa nơi thế gian.
Ngọc bất trác bất thành khí

Mỗi đứa trẻ cũng giống như một viên ngọc quý vậy. Cha mẹ cần phải cùng nhau dụng tâm “tạo hình”, “đẽo gọt” mới có thể khiến cho những phẩm chất tốt đẹp trời sinh của chúng trở thành báu vật vô giá trong suốt cuộc đời. Đồng thời, cha mẹ cũng phải uốn nắn những chỗ chưa được của con trẻ để hình thành cho trẻ nhân phẩm tốt đẹp, sống biết quý trọng đạo nghĩa.
Một người cho dù được sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo đức tốt đẹp, nhưng nếu không thời khắc chú trọng tu dưỡng thì đạo đức của người ấy cũng sẽ dễ dàng bị sa sút thuận theo sự xuống cấp đạo đức của xã hội, cảnh giới tư tưởng của người ấy cũng sẽ vĩnh viễn không thể mở rộng ra được.
Liên quan đến câu thành ngữ “Ngọc bất trác bất thành khí”, trong sách “Hàn Phi Tử. Hòa thị” có ghi chép câu chuyện về ngọc Hòa Thị Bích như sau:
Vào thời Xuân Thu, tại nước Sở có một người tiều phu tên là Biện Hòa. Một hôm khi đang đốn củi dưới chân núi Kinh Sơn, ông tình cờ phát hiện trong một hang động có một khối ngọc, bên ngoài được bao phủ bởi lớp đá xù xì. Ông bèn ôm khối đá ngọc ấy trở về nhà.
Hôm sau, Biện Hòa mang đá ngọc dâng lên vua Sở Lệ Vương. Nhà vua lập tức phái Ngọc tượng (người thợ chế tác ngọc) xem xét hòn đá ấy. Người thợ ngọc của vua Sở Lệ Vương không nhìn ra, cho rằng đó chỉ là một hòn đá rất bình thường. Vua Lệ Vương nghe nói vậy đã nổi trận lôi đình quát: “Tên điêu dân to gan kia dám đùa bỡn với bản vương sao? Quân đâu, đem hắn ra chặt chân trái cho ta!”
Biện Hòa không còn cách nào khác đành ôm đá ngọc trở về nhà. Sau này khi Sở Lệ Vương qua đời, Sở Vũ Vương lên nối ngôi, Biện Hòa lại khập khiễng mang ngọc quý đến dâng lên nhà vua. Nhưng lần này cũng vậy, người thợ ngọc của vua Sở Vũ Vương cũng không nhìn ra đó là khối ngọc quý. Vì thế Sở Vũ Vương đã sai người chặt nốt chân phải của Biện Hòa.
Biện Hòa lại lê lết đôi chân tàn phế ôm đá ngọc trở về nhà. Từ đó, ngày nào ông cũng ôm ngọc mà buồn rầu. Không lâu sau Sở Văn Vương lên kế vị. Nhưng lần này Biện Hòa không ôm ngọc đến gặp nhà vua nữa mà ngồi dưới núi Kinh Sơn khóc ròng rã ba ngày ba đêm, đến nỗi hai mắt chảy máu. Chuyện này truyền đến tai Sở Văn Vương, nhà vua bèn cho người tới hỏi: “Thiên hạ có nhiều người bị chặt mất chân, nhưng vì sao chỉ có ngươi lại khóc bi thảm đến như vậy?”
Biện Hòa đáp rằng: “Thần khóc không phải vì bị chặt mất hai chân, mà là bởi vì ngọc quý lại bị cho là đá, lời nói chân thật lại bị cho là dối trá hoang đường”.
Vua Sở Văn Vương cảm động trước thành tâm thành ý đó của Biện Hòa, bèn cho gọi thợ chế tác ngọc đến: “Các ngươi hãy xẻ hòn đá đó ra để ta xem đó có đúng là ngọc quý hay chỉ là một hòn đá bình thường”.
Quả nhiên, bên trong lớp đá xù xì thô kệch là ngọc quý lấp lánh, một thứ báu vật có một không hai. Ngọc ấy nếu để chỗ tối sẽ tự nhiên phát sáng, gọi là ngọc dạ quang. Nếu để ở chỗ ngồi thì mùa đông ấm áp, mùa hạ mát lành. Khi mang ngọc ấy theo người thì đuổi được ma quỷ. Tìm khắp thiên hạ cũng không thể thấy được thứ ngọc nào có uy lực như thế, cho nên mới nói đó là loại ngọc độc nhất vô nhị. Nhưng ngọc càng quý thì lại càng không dễ dàng hiển lộ, cần phải dày công đẽo gọt bỏ đi lớp đá xù xì mới có thể nhìn ra chân ngọc, chân bảo.
Vua Sở Văn Vương được ngọc quý có một không hai nên rất vừa ý, bèn trọng thưởng cho Biện Hòa. Nhưng người tiều phu tàn phế ấy không muốn quan tước, cũng không cần bạc vàng, cứ một mực từ chối phần thưởng hậu hĩnh mà vua ban. Vua Sở Văn Vương vì cảm kích nên đã lấy tên của người tiều phu đặt cho ngọc quý, gọi là “Hòa Thị Bích”, nghĩa là ngọc bích họ Hòa. Từ đó, ngọc họ Hòa trở thành quốc bảo của nước Sở, danh tiếng lưu truyền khắp bốn phương.
An Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét