Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

BUỔI HỌP CỦA HTDC

 


              Vì những tài liệu về sinh hoạt cộng đồng chưa phổ biến kịp nên ở đây chúng tôi xin nhắc qua ít điều về buổi họp HTDC theo tinh thần TÂN THỦ BẢN để quý Hữu Trách các nơi kịp áp dụng trong chiến dịch này . Hình thức họp trình bày ở đây chỉ dành cho các cơ chính thức : Kim Hoan , Nhiệt Quang , Chiến Chinh . Phương pháp họp cho Ong Phượng xin theo những chỉ dẫn trong các cuốn :  Chỗ hẹn hò cho các em 6 và 7 tuổi;  Huấn luyện huynh trưởng dọn buổi họp ; Phương pháp Ấu Hùng Áu Dũng ;   do văn phòng HTDC Đà Nẵng ấn hành .

A-     QUAN NIỆM VỀ BUỔI HỌP HTDC

             Nhiều người trách các đoàn HTDC khi họp chỉ biết chạy nhảy chơi hát suông vô ích . Có thể là họ đã nói quá , nhưng lắm khi cách sinh hoạt của một số huynh trưởng cũng đáng trách thực sự vì không mang một nội dung nào và quá khác xa với phương pháp HTDC .

             Buổi họp cho trẻ em thì cần vui tươi ca hát . Nhưng nếu chỉ họp vòng tròn lại để chơi hát suông thì cũng  thật vô nghĩa , vì nó chưa cho thấy được tính cách tông đồ ở chỗ nào .

             Phong trào của chúng ta là phong trào Tông đồ thiếu nhi nên buổi họp phải giúp trẻ em làm tông đồ  theo tầm tay của chúng  :  buổi họp giúp các em suy  XÉT  và thảo luận về  những điều chính chúng đã  XEM  thấy trong đời sống để cùng nhau quyết đinh làm một  cái gì  ( áp dụng phương pháp  XEM, XÉT, LÀM  của Tông đồ giáo dân vào thế giới trẻ em theo tầm mức trẻ em ) .

             Để các em có thể xem, xét, làm  theo tầm mức của chúng thì buổi họp phải là buổi họp của trẻ em, do trẻ em  ,  như chính khoa sư phạm  của phong  trào mong muốn . Khoa sư phạm chủ trương để cho chính trẻ em hành động và giúp chúng hành động , nên trong buổi họp, ta phải để cho chính trẻ em nêu ý kiến  và chọn quyết định , ta ( Hữu Trách ) chỉ gợi ý , hướng dẫn và nâng đỡ các em để chúng :

-          Kể lại những điều chúng đã nghe , đã thấy  .

-          Nhìn những sự kiện đó dưới ánh sáng đức tin .

-          Tìm  ra cách phản ứng Kitô giáo, tìm ra quyết định để làm .

             Như vậy Hữu Trách không họp các em , không ra lệnh cho các em , không quyết định dùm các em  , nhưng Hữu Trách họp với các em , gợi ý , nâng đỡ và hướng dẫn các em.

            Trong chương trình sinh hoạt hàng tuần của mỗi đoàn  , để các Hữu Trách và cơ sinh tha thiết với buổi họp cơ hơn ( vì buổi họp cơ là phần chính yếu ) , chúng tôi xin đề nghị các đoàn xếp chương trình cho họp cơ trước , mỗi cơ được tự do và tự động hẹn thì giờ và nơi họp riêng . Sau khi họp cơ xong chúng ta mới kéo nhau về họp đoàn .

B-     DIỄN BIẾN BUỔI HỌP :

             Để có bầu khí hòan toàn tự nhiên cởi mở buổi họp phải được kể từ lúc chuẩn bị họp  : lúc ta gặp gỡ hỏi han các em .  Như thế buổi họp có thể là :  TIẾP ĐÓN , GỢI Ý VÀ THẢO LUẬN , HỌC HỎI , HỌP ĐỘI , KẾT THÚC  .

1)      Tiếp đón :

             Bạn đứng đợi các em ở địa điểm họp và nói chuyện với các em :  hỏi han từng em về sức khỏe , gia đình , học hành , cách riêng những em vắng mặt tuần trước ….. Từ những điều nghe biết ở đây lát nữa bạn sẽ dễ dàng dẫn vào đề tài buổi họp .

             Nếu có 2 người cùng coi  một cơ thì một người tiếp đón từng em , một người kể chuyện hay tập hát cho những em đã tới  .

              Bạn cũng có thể tiếp đón các em ngay từ khi bạn ở nhà ra đi , dọc đường gặp cơ sinh bạn rủ chúng cùng đi họp, vừa đi vừa nói chuyện, đi ngang nhà một em , bạn bảo các em khác gọi ,..

              Như thế ta thấy không cần đến ( và không nên dùng ) hình thức tập họp bằng còi, theo hình tròn, hàng dọc,….. mà trái lại khi bắt đầu họp thì các em đã ở sẵn quanh ta .

2)      Gợi ý thảo luận :

               Khi tới giờ hay khi các em đã tới khá đông đủ , bạn bắt đầu buổi họp bằng một lời nguyện ngắn . Mỗi lần một cách  .  Một đôi khi cũng có thể hô khẩu hiệu , châm ngôn . Tránh những thủ tục cứng  ngắc cố định  .

              Bây giờ bạn sẽ nhắc lại một trong những điều  bạn nghe được khi tiếp đón các em , hoặc kể cho các em một sự kiện mà bạn đã nghe được  trong tuần , để từ đó gợi ý cho các em nêu lên những sự kiện của chúng  và cùng bàn cãi đễ cuối cùng đi đến kết luận làm một việc gì  .

              Sự kiện bạn nêu  ra cũng có thể là rút ra từ việc kiểm điểm, việc làm tuần trước hay từ lý do vắng mặt  của một em nào đó  ( kiểm điểm kín đáo, không điểm danh bằng cách hô tên như lính ) .

               Việc Tông đồ luôn nhắm vào thực tế nên những quyết định để làm không thể rút ra từ một trò chơi hay một bài hát , trái lại ta cần phải cho các em nói chuyện về những sự kiện có thật trong xóm , trong trường, và từ đó ta hướng dẫn các em đi đến quyết định làm một cái gì để  đáp ứng với hoàn cảnh có thực ấy .

              Những điều chính bạn quan sát được trong tuần, đường hướng chiến dịch thường niên và Tin Mừng Chúa Nhật sẽ soi sáng cho bạn trong việc giúp các em tìm ra quyết địmh đó .

              Bạn hãy  can đảm để cho các em góp ý kiến thật nhiều, hãy khuyến khích , nâng đỡ cho các em nói , hướng dẫn cho các em biết phán đoán theo tinh thần Tin Mừng . Là vì bạn đang hướng dẫn các em làm Tông đồ thiếu nhi thực sự đấy .

3)      Học hỏi  :

               Ngoài phần họp đúng nghĩa là phần vừa nói  trong buổi sinh hoạt ta còn có thể dành một phần thời giờ  để giúp các em học hỏi  những điều căn bản , cần thiết , tùy sự xếp đặt  của bạn và ban huynh trưởng  đoàn : kiến thức phổ thông , tôn giáo, giao tế ( xem chương trình huấn luyện đoàn sinh ) .

              Bạn cũng có thể để phần học hỏi này ngay đầu buổi họp, sau khi cầu nguyện mở đầu , rồi mới đến phần gợi ý và thảo luận .

              Ghi chú về cầu nguyện :  Trong buổi họp, ở phần thảo luận cũng như học hỏi , mỗi khi có thể bạn hãy hướng dẫn các em cầu nguyện  và nếu được để cho các em cầu nguyện tự phát .

4)      Họp đội :

                Trong mỗi buổi họp cơ, ta dành độ 10, 15 phút để cho các em họp đội hoặc để  cho các em bàn chuyện riêng của đội hoặc để học hỏi chuyên môn , hoặc để chuẩn bị trại .

5)      Kết thúc :

-          Cầu nguyện kết thúc .

-          Nhắn nhủ và dặn dò, hẹn nơi và giờ họp lần sau .

-          Chào , chia tay …..

C-     DỌN BUỔI HỌP :

             Để buổi họp kết quả nhiều bạn phải chuẩn bị nó suốt cả tuần lễ trước đó  : ghi nhận những điều tai nghe thấy có liên hệ đến trẻ em và thế giới trẻ em để giúp các em .

             Bạn cần nhớ buổi họp phải thích hợp với hoàn cảnh : miền quê hay thành phố , mùa mưa hay mùa nắng , sắp đến lễ gì ……

Ngoài ra khi dọn buổi họp,  bạn cũng phải ghi rõ những chi tiết khác :

·         Tiếp đón ( khung cảnh tuần này có gì đặc biệt ).

·         Kiểm điểm việc làm tuần trước  : sự kiệ n gợi ý ( ghi rõ chi tiết); các câu hỏi gợi ý (cần nhiều) . Thấy trước vài việc làm mà các em sẽ nêu , sẽ đề nghị chọn việc nào . Các trò chơi , bài hát ……

·         Học hỏi về chuyện gì ?

·         Có họp đội ? Về việc gì ?

·         Nhắn nhủ ….

                Dù đã dọn kỹ buổi họp bạn cũng đừng  bao giờ áp dụng một cách máy móc những gì đã dọn . Cần biết linh động theo những sự kiện ,  ý kiến mà các em đem lại .

                                        HỮU TRÁCH CỘNG ĐỒNG











 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét