Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

ĐỒNG CỎ NON (tiếp)

 


LỄ PHỤC SINH

 

“ Các bà tìm Chúa Giê su Nagiarét ư, Ngài đã sống lại”.

Sáng lễ Phục sinh hôm nay, chúng ta sẽ học một bài học của một con chó rất đáng phục . Con chó này là một chó săn loại xù lông, con chó Anh, tên là Chumley . Nếu chủ nó để một miếng thịt trước mặt nó và nói :” Bây giờ đang mùa Chay “, thì con Chumley sẽ không ăn thịt đó, nhưng cứ đứng nhìn miếng thịt cho đến khi chủ nói :” Bây giờ là Phục sinh “, thì lúc ấy, con Chumley mới ngoạm lấy miếng thịt và sủa vang lên vui vẻ . Chumley kinh nghiệm rằng đợi như thế thì được ăn nhiều thịt hơn là như mọi khi cứ thấy thịt là vục đầu vào ăn, chẳng những không được cho thêm mà còn bị chủ đập cho nữa .

Sáng nay chúng ta học bài học này do Chumley dạy cho chúng ta . Đó là bài học Giáo Hội đã cố dạy chúng ta từ đầu mùa Chay, nghĩa là chúng ta phải ăn chay trước khi ăn tiệc, phải vác thập giá, trước khi đội triều thiên (the cross before the crown) . Nếu bây giờ chúng ta học bài học này và nhớ cả đời thì chúng ta  có thể tránh được nhiều bất trắc . Nghĩa là chúng ta không nên bao giờ cũng nhìn mặt phải, nhìn khía cạnh dễ chịu của sự vật mà thôi . Chúa chúng ta có thể chọn con đường dễ dãi, nhưng Ngài đã không chọn . Ngài đã chọn đường lên núi Sọ, đường đưa đến cái chết ô nhục, đường thánh giá .

Vua Charles V một lần kêu hoàng tử đến và cho hoàng tử được lựa chọn . Trên bàn vua đặt một thanh kiếm và một vương niệm (triều thiên) . Vua nói :”  Con chọn cái nào “? Ngần ngừ một lúc hoàng tử cầm lấy thanh kiếm . Vua cha hỏi :” Sao con lại chọn thanh kiếm “? Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương niệm đáp :” Nhờ kiếm này, con sẽ được vương niệm kia “. Chúng ta cũng như thế . Nhờ thanh kiếm đau khổ, chúng ta có thể chiếm được triều thiên vinh phúc muôn đời, thánh giá phải đi trước triều thiên .

Hercules một lần đứng giữa ngã ba đường và tự hỏi xem đi về đâu . Hai người chỉ đường đến với ông . Một người nói :” Hãy theo tôi, đây là con đường thoải mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng ”. Người thứ hai nói :” Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn . Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới hạnh phúc . Hercules đã chọn con đường khó khăn và quả thực ông khôn ngoan, vì thập giá trước triều thiên, ăn chay trước khi ăn tiệc .

Vua Cyrus nước Ba Tư dẫn quân đi đánh lại địch thủ Media . Tới một chỗ, quân lính nhọc mệt và sốt ruột muốn trở về nhà . Cyrus khích lệ họ :” Nếu các ngươi chiến đấu với người xứ Media bây giờ, thì sự khó nhọc ngắn ngủi, chóng qua, nhưng phần thưởng sẽ lâu dài bền bỉ “. Vua có lý, và đó cũng là bài học chúng ta phải học sáng nay, nghĩa là mùa Chay đến trước mùa Phục sinh, thụ nạn thập giá đi trước sự sống lại vinh hiển, chay trước tiệc, thập giá trước triều thiên . 

 

CHÚA NHẬT THỨ 1 SAU PHỤC SINH

“ Các con tha tội cho ai, họ sẽ được tha”  

Nhiều đứa trong các em có một quan niệm sai lầm về Thiên Chúa . Các em ấy tưởng Thiên Chúa như một quái vật chỉ chờ dịp để vồ lấy các em và ném các em xuống hỏa ngục thôi . Không gì sai lầm hơn thế . Thiên Chúa muốn đề phòng cho chúng ta khỏi sa hỏa ngục chứ . Ngài muốn tha thứ tội lỗi, nếu chúng ta để cho Ngài tha thứ cho .

Không rõ có em nào ở đây biết câu chuyện Faust không . Chuyện đó nhà văn Goethe viết theo lối kịch . Trong vở kịch, Faust là một sinh viên thông minh khác thường bán linh hồn cho  ma quỉ . Do cuộc mặc cả đó, Faust chỉ cần ao ước, là ma quỉ sẽ làm thỏa mãn những ao ước của Faust . Faust sung sướng lắm, vì quên không nhớ rằng ma quỉ sẽ đòi linh hồn của hắn và đem vào hỏa ngục . Sau cùng, mọi ước nguyện của Faust đã được thỏa mãn . Tột điểm của vở kịch ở chỗ quỉ bắt linh hồn của Faust và nhảy qua cửa bẫy có khói lửa và bốc cháy . Thế là hết đời Faust . Có một lần, vở kịch này được diễn tại Breslau, một tỉnh đại học bên Đức, thì đã có một chuyện buồn cười xảy ra . Quỉ bắt Faust ôm thật chặt, mang hắn đến cửa bẫy đang cháy rực, và giữa lúc sắp sửa  nhảy xuống hỏa ngục thì cửa bẫy sập . Thế là quỉ bị mắc vào bẫy . Thế là quỉ bị mắc vào bẫy . Khán giả thấy thực buồn cười và vỗ tay hoan hô vì Faust được cứu thoát .

Sáng nay chúng ta muốn học về một cái sẽ giữ cửa hỏa ngục ngay sát  liền chúng ta - việc ăn năn tội cách trọn . Ăn năn tội cách trọn là gì ? Ăn năn tội cách trọn là một kinh, một lời cầu nguyện chúng ta thưa Chúa là chúng ta hết sức phàn nàn, hối hận vì tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Chúa là Đáng tốt lành vô cùng . Có khi câu chuyện dụ ngôn sau đây có thể làm sáng tỏ ý nghĩa sự ăn năn tội cách trọn . Có nhiều cách ăn năn tội, thử xem các em có phân biệt được không .

Một lần, có người cha cho hai đứa con mình mỗi đứa một con cừu . Trong khi hai đứa con ngủ thì chó sói đến ăn thịt cả hai con cừu đó . Một đứa thức dậy thì khóc :” Tôi buồn quá, vì cha tôi sẽ đập tôi “ . Còn đứa kia thức dậy thì nói :” Tôi buồn quá, vì cha tôi thích con cừu này lắm và chắc ông sẽ nhớ nó “. Trong hai đứa con đó, đứa nào ân hận cách hoàn hảo hơn ? Dĩ nhiên là đứa con thứ hai .

Nếu các em thấy mình ở vào   một hoàn cảnh  không thể đi xưng tội được , thì các em hãy ăn năn tội cách trọn đi . Các em học trong lớp Giáo lý, khi các em ăn năn tội cách trọn, Chúa sẽ tha tội cho các em ngay trước khi xưng tội . Nhưng các em phải có ý muốn xưng tội ngay khi có dịp . Tối, khi đọc kinh, các em nên ăn năn tội cách trọn, trước khi đi ngủ  .

(Ở đây có thể cắt nghĩa kinh Ăn năn tội ) . 

 

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

 Ta là Chúa chiên lành “ . 

          Ở nước Anh, nhiều năm rồi, có một đại tướng tên là quận công Monmouth . Đạo quân của ông bị bại trận thê thảm và ông phải chạy trốn để thoát nạn . Ban ngày ẩn náu ngoài cánh đồng và ban đêm mới dám đi . Sau cùng địch quân cũng đuổi kịp ông . Ông chạy vào một căn lều của người chăn cừu . Thay vì đóng cửa không cho Monmouth vào, người chăn cừu đã làm một nghĩa cử . Người ấy đã đổi áo của mình cho quận công mặc trá hình và thân chinh ra gặp địch quân của quận công . Người chăn cừu đã chiến đấu rất anh dũng và cố ý kéo dài để cho Monmouth có giờ tẩu thoát . Với thanh kiếm, người chăn chiên đã cầm chân địch quân trong ba tiếng đồng hồ, cho đến khi mệt lả, không còn đủ sức chiến đấu nữa thì bị địch quân giết . Lúc đó quận công Monmouth đã chạy xa rồi .

         Trong trận chiến với tội lỗi, loài người luôn bị quỉ đuổi bắt . Nhưng Chúa chúng ta đã làm người và chiến đấu với ma quỉ suốt ba tiếng đồng hồ trên thánh giá, ở đồi Calve cho đến lúc chính Ngài cũng chết . Trong khi chiến đấu, con người tội lỗi có thể thoát khỏi quyền lực ma quỉ . Chính vì thế Chúa chúng ta có toàn quyền xưng mình là Chúa chiên lành, đấng đã thí mạng vì con chiên . Ngài nói đi nói lại với chúng ta rằng Ngài là Chúa chiên lành chăn dắt các linh hồn :” Nếu một người có một trăm con chiên mà lạc mất một con, người ấy lại không bỏ chín mươi chín con lại mà đi tìm con bị lạc đó sao “? “Ta còn những chiên khác chưa thuộc về  đàn  này, cả chúng nữa, ta cũng phải đem chúng về “.

        Linh hồn chúng ta đáng giá chừng nào vì Chúa Kitô đã sẵn lòng thí mạng sống để cứu . Chúng ta phải luôn luôn ghi lòng tạc dạ điều đó . Trong chúng ta có một cái gì rất giá trị, một cái gì chúng ta phải quí hóa và lo bảo tồn . Để làm Chúa chiên chăn dắt linh hồn chúng ta , Chúa Kitô đã giáng trần . Chiên cần gì thì đến với Chúa chiên . Cần đồ ăn ư ? Chúa Giêsu đã ban chính Mình Ngài trong phép Thánh Thể để làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta . Cần nước ư ? Linh hồn chúng ta uống nước ngọt ngào của Chúa Kitô qua phép Rửa tội . Cần chữa bệnh ư ? Chúa Kitô băng bó, chữa lành những vết thương linh hồn chúng ta bằng phép Giải tội . Cần hướng dẫn ư ? Mỗi khi chúng ta đi lạc, Chúa Kitô đưa chúng ta về với Ngài, như chủ chăn lành đưa chiên về với gậy chăn của mình . Cần che chở ư ? Người chăn chiên tốt lành sẽ thí mạng sống vì chiên và Chúa Kitô đã chết trên thánh giá vì chúng ta . Biết bao nhiêu việc lạ lùng Chúa đã làm cho linh hồn chúng ta ! Linh hồn chúng ta phải là kỳ công dường nào ! Chúng ta phải quí hóa giữ gìn, đừng làm gì khiến linh hồn mất lòng Chúa, mất lòng Chúa chiên .

         Cũng như người chăn chiên đã chết để cứu mạng sống cho Monmouth, Chúa Kitô, Chúa Chiên lành đã chết trên núi Sọ để cứu rỗi chúng ta . Chính vì thế Ngài có quyền phán :” Ta là Chúa Chiên lành . Ta thí mạng vì chiên của Ta “. 


CHÚA NHẬT 3 SAU PHỤC SINH

“Các con sẽ buồn phiền, nhưng sự buồn phiền ấy sẽ đổi thành vui mừng “

 

Một ông vua già xứ Ba tư băn khoăn không biết  cho con mình món quà gì vào ngày sinh nhật của nó . Ông nhất định cho chiếc nhẫn . Khi ngày sinh nhật đến, người con trai vua, tức vị hoàng tử rất hiên ngang về chiếc nhẫn ấy, cho mãi đến khi đọc thấy những chữ viết trên ấy mới chột dạ .  Trên chiếc nhẫn có viết :” Cả cái này cũng sẽ qua đi “ . Hoàng tử không hiểu câu ấy có ý nói gì, Nhưng cũng cứ đeo chiếc nhẫn đó và thỉnh thoảng đọc lại hàng chữ trên . Hoàng tử đọc đi đọc lại cho đến khi thuộc lòng . Về sau, hoàng tử ra trận, bên cạnh vua cha . Hoàng tử bị trúng  tên , phải nằm điều trị đau đớn mấy tuần lễ trên giường .

Rất nhiều lần, trong khi nằm đau như thế , hoàng tử thường nhìn vào chiếc nhẫn và tự nhủ : “Cả cái này - cả sự đau đớn này cũng sẽ qua đi “. Và quả nhiên hoàng tử bình phục  . Hoàng tử càng ngày càng trưởng thành và lập gia đình . Lúc ấy, hoàng tử rất sung sướng, hạnh phúc, nhưng vẫn tiếp tục nhìn chiếc nhẫn và nói :” Cả cái này - cả niềm vui này, cả hạnh phúc này cũng sẽ qua đi “ . Và thực thế . Người bạn trăm năm trẻ tuổi của hoàng tử chết. Hoàng tử lại tự nhủ :” Cả cái này - cả nỗi đau xót này cũng sẽ qua đi “ . Và đúng thế . Hoàng tử đã được lên ngôi sau khi vua cha thăng hà . Trong ngày lên ngôi đó, ông soi gương và tự nhủ :” Cả cái này nữa - cả cái vương quốc rộng lớn này ta đang cai trị cũng sẽ qua đi “ . Và đúng thế .

Bây giờ, có lẽ các em có thể trả lời một câu hỏi . Có cái gì trong các em, quanh các em sẽ không qua đi chăng ? Có, linh hồn các em đó . Linh hồn có một khởi thủy, nhưng không có chỗ cùng, chỗ hết . Tiếng để chỉ những vật có khởi thủy mà không có tận cùng là gì ? Là bất diệt . Linh hồn chúng ta bất diệt . Linh hồn sẽ không bao giờ chết . Danh từ bất diệt thực là kinh khủng . Nó có nghĩa là linh hồn các em không thể chết được dù nó muốn chết mấy đi nữa . Các em phải sống đến muôn đời .  

Nếu các em  suy nghĩ về sự đời đờicho đủ thì không bao giờ các em sẽ phạm tội . Nếu có bị cám dỗ, các em hãy tự nhủ : “Cả cái này - cả cái cơn cám dỗ này cũng sẽ qua đi . Nhưng linh hồn tôi sẽ không qua đi . Vì thế tôi phải chống lại những cơn cám dỗ “. Các em hãy tập cho thành thói quen năng nhắc nhở cho mình câu khắc trên chiếc nhẫn  :” Cả cái này nữa cũng sẽ qua đi “ . “ Các con sẽ đau buồn, nhưng sự buồn sầu của các con sẽ đổi thành vui mừng “. Nếu các em có chuyện gì khó chịu nổi, hãy nhớ “ Cả chuyện này nữa cũng sẽ qua đi “. Nếu các em bị cám dỗ tự kiêu về một việc gì, cả cái ấy cũng sẽ qua đi . Cái gì không vĩnh cửu, không đời đời thì không quan trọng . Chúng ta không sinh ra cho hiện tại , nhưng cho tương lai .

Có một bảng ghi những lời trên lối vào nhà thờ chính tòa Milan, tại nước Ý, rất giống những tiếng khắc trên chiếc nhẫn ông vua già đã cho con ông . Ở cửa chính có khắc ba bức hình . Bên trái là mấy bông hường và một giải vải . Bên dưới viết :” Tất cả những gì làm sung sướng, làm vui mắt sẽ qua đi “. Bên phải là một cây thập giá, một giải vải và những tiếng này :” Tất cả những khổ đau sẽ qua đi “ . Ở chính giữa là một hình tam giác và trong hình tam giác có câu : “ Đời đời mới là quan trọng, mới thành vấn đề “ .

 

CHÚA NHẬT 4 SAU PHỤC SINH

 

Khi đến lượt chúng ta nói :” Tôi về cùng Đấng đã sai tôi “ cái gì sẽ được dành cho chúng ta ? Chúng ta nghe hai câu chuyện sau đây chứng minh cho các em thấy những công việc chúng ta đang làm ở đời này sẽ quyết định phần thưởng chúng ta được trên thiên đàng sau này .

Một bà giàu có mơ một giấc mơ mà mọi người cúng ta có thể đã mơ như thế . Bà mơ bà ở trên Thiên đàng . Bà đi quanh một vòng và thấy một biệt thự rộng lớn đang được xây cất . Bà hỏi người dẫn đường cho bà  :” Nhà này xây cho ai thế “?

Thiên thần dẫn đường trả lời :” Cho người làm vườn nhà bà đó “.

Người đàn bà giàu có đó rất đỗi ngạc nhiên, vì ở trần gian, người làm vườn nhà ba2o73 trong một túp lều nhỏ xíu, nhỏ đến nỗi không đủ chỗ cho cả gia đình ông ta nữa .

Thiên thần nói, ở trần gian, ông làm vườn này thể ở  một căn nhà khá hơn, nếu ông không quảng đại như thế . Thiên thần và bà giàu có tiếp tục đi thêm một chút nữa, thấy một túp lều lụp xụp đang được cất lên .

Bà giàu có hỏi :” Nhà lụp xụp này cất cho ai vậy “?

Thiên thần trả lời :” Cho bà đó “.

Bà giàu có trả lời :” Nhưng tôi ở một biệt thự rộng lớn kia mà , làm sao tôi có thể quen được với cảnh chui rúc trong một túp lều nhỏ bé thế này “.

Thiên thần đáp : “ Thưa chúng tôi làm hết sức có thể, nhưng chúng tôi chỉ có thể dùng những dụng cụ ở dưới đất gửi lên đây cho chúng tôi để xây cất mà thôi .

Bà giầu có học được một bài học qua giấc mơ ấy và bắt đầu làm những việc thiện . Đại đế A-lịch-sơn đã chinh phạt cả phần địa cầu được biết vào thời ông, nhất định sẽ xây cho mình một cung điện đẹp chưa từng có . Giầu có nhất thế giới, vua có đủ lực để xây được cung điện như thế . Ông đã chọn một nơi xa trên đồi và sai Tê -vọng đem theo vàng bạc, châu báu đi lo việc xây cất  đó .

Tê-vọng phúc trình về rằng :” Có một làng dân sống ở ngay tại địa điểm hoàng thượng đã chọn làm cung điện đó “.

A-lịch-sơn ra lệnh  :” Đuổi hết chúng đi và phá làng “.

         Nhưng Tê-vọng là một con người nhân hậu và quảng đại . Thay vì đuổi dân làng đi và phá làng của họ, ông đã dùng vàng bạc châu báu để nuôi nấng và giúp đỡ họ . Những người đó tới thì Tê-vọng cho ăn, những người đau yếu tới thì ông săn sóc .

Sau một thời gian, A-lịch-sơn  đến xem cung điện của ông . Ông thấy công việc của Tê-vọng đã làm thì ông nổi giận . Tê-vọng bị tống giam . Nhưng đêm ấy, A-lịch-sơn mơ một giấc mơ . Trong giấc mơ, vua thấy một lâu đài, một cung điện đẹp tuyệt vời, đẹp hơn cung điện vua dự định xây bội phần . Tường làm bằng vàng, thềm nhà bằng bạc, trong tường có dát muôn ngàn hạt kim cương, ngọc thạch . Một tiếng nói cho vua hay :” Hỡi A-lich-sơn đây là cung điện việc thiện Tê-vọng đã xây cho ngươi “.

A-lịch-sơn tỉnh giấc và phóng thích Tê-vọng . Từ giấc mơ, A-lich-sơn đã học được bài học là chúng ta phải sống thế nào để khi thời giờ đến, chúng ta nói :” Tôi về cùng Đấng đã sai tôi “, chúng ta biết chắc chúng ta đã từ trần gian gửi rất nhiều vật dụng lên thiện đàng và tại đó có một cung điện việc thiện đang chờ chúng ta lên ở .

 

     CHÚA NHẬT 5 SAU PHỤC SINH

“ Nếu các con nhân danh Cha mà xin gì cùng Đức Chúa Cha, thì Ngài sẽ ban cho các con “.

        Những cái Chúa quí nhất là những lời cầu nguyện của trẻ em . Một hôm Chúa ngự trên ngai, nghe các thiên thần hát những bài ca du dương êm ái nhất, chưa ai từng được nghe . Nhưng đột nhiên, Thiên Chúa giơ tay lên, ra lệnh im lặng và phán :” Hãy ngừng hát . Dưới trần gian một bé thơ đang cầu nguyện cùng Ta . Ta phải nghe lời cầu nguyện của bé “. Chúng ta xem, Thiên Chua quí lời cầu nguyện của các em thế nào .

Cầu nguyện là nâng trí và lòng lên cùng Chúa . Đúng như em bé trong câu chuyện đã làm, nâng trí và lòng em lên Chúa . Nghĩ rằng cầu nguyện là cứ đọc đi đọc lại mãi các kinh trong sách là lầm . Dĩ nhiên Giáo hội đã soạn cho chúng ta một số kinh, vì Giáo hội biết chúng ta không thạo thưa chuyện cùng Chúa . Chúng ta nên dùng những công thức kinh nguyện này, nhưng không nên chỉ dùng những công thức ấy thôi . Chúng ta cũng phải thưa chuyện cùng Chúa bằng cách thức riêng của chúng ta nữa . Hãy thưa cùng Ngài về những điều ở ngay trong lòng các em . Thưa Ngài các em cần gì  . Nếu các em bị đau đầu, hãy thưa cho Ngài biết .Có khi các em cần một cái áo mới hoặc một trái banh . Có khi các em đang lo lắng băn khoăn cần được khích lệ , hoặc không biết làm câu toán làm sao, hoặc không giỏi địa lý mấy, các em cứ thưa cùng Chúa trăm ngàn chuyện khác . Cứ việc thưa Ngài tất cả những chuyện ấy, Ngài sẽ nghe các em . “ Nếu các con nhân danh Cha mà xin gì cùng Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho các con “ .

          Đây là một vài thí dụ, gương mẫu về những người cầu nguyện nên .

          Người ta hỏi một bà cho biết cầu nguyện làm sao, bà đáp :” Ồ, tôi chỉ thưa chuyện cùng Chúa, và Chúa thích nghe tôi “.

          Một bác nhà quê thuộc xứ Ars, miền nam nước Pháp, một lần cũng nói tương tự :” Khi tôi ở nhà thờ, tôi chỉ ngồi yên lặng, Ngài nhìn tôi, và tôi nhìn Ngài “ .

          Trong một trận động đất, một người quì gối cầu nguyện, nhưng không bật ra tiếng được . Thế là ông ta đọc vần mẫu tự a,b,c . Đó là một kinh nguyện hay, vì nó tự đáy lòng người ấy và Thiên Chúa hiểu .

          Một quân nhân mỗi ngày ở nhà thờ một giờ . Anh ta nói :” Tôi đang làm nhiệm vụ người lính gác “.

Một người gác đêm tại một thánh đường miền Trung Tây Hoa Kỳ, một hôm đi vấp phải một người đang sấp mặt xuống đất cầu nguyện . Ông ta nghe thấy tiếng người nói :” Không sao đâu, một giám mục đang cầu nguyện cùng Thiên Chúa “.

Một linh mục khi ra khỏi phòng bao giờ cũng cúi đầu chào tượng Đức Mẹ và nói :” Mười lăm phút nữa con sẽ trở lại, Mẹ ạ “.

Vậy cầu nguyện không phải là lặp lại như con vẹt. Cầu nguyện là nâng trí lòng lên cùng Chúa . Vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, các em có thể nâng tâm hồn lên cùng Chúa bất cứ các em  đang ở đâu . Trên đường đi học, tại lớp, tại giường ngủ ….. Hãy làm như một em, thường sáng thức dậy, thưa cùng Chúa :” Lạy Chúa, hôm nay trời đẹp phải không ạ “? Có một thói quen như thế tức là có có một thói quen cầu nguyện - thói quen nâng lòng trí lên cùng Chúa .

CHÚA NHẬT TRONG TUẦN LỄ CHÚA LÊN TRỜI

“ Các con sẽ làm chứng về Ta “.

 

 

 

          Một cậu bé một hôm cùng mẹ đi qua thánh đường . Hôm ấy là một ngày đẹp trời và những tia nắng dọi vào qua cửa sổ , in thành những đợt ánh sáng sặc sỡ trên nền nhà thờ . Cậu bé thấy thế, chỉ lên cửa sổ, hỏi mẹ “ Cái gì thế kia , má “? Người mẹ trả lời :” Đó là một trong những vị thánh “.

Mỗi lần hai mẹ con đi qua một chùm ánh sáng, đứa bé lại hỏi mẹ cũng một câu hỏi như trên .Người mẹ vẫn trả lời :” Đó là một trong những vị thánh “.

Ít lâu sau, chính cậu bé ấy đi học Giáo lý và người ta hỏi cậu :” Thế nào là một vị thánh, một vị thánh là gì “? Cậu trả lời :” Thánh là người có ánh sáng chiếu qua “.

Câu trả lời ấy đúng lắm . Chúa Cứu Thế đã dạy :” Các con là ánh sáng trần gian. HÃy liệu cho ánh sáng các con chiêu ra trước mặt thiên hạ để họ xem thấy việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời “. Ngài đã chẳng phán trong Phúc âm : “ Các con sẽ làm chứng về Ta “ đó ư ?

Bổn phận quan trọng nhất của người Công giáo là làm gương sáng . Chúng ta thực hành công tác ấy, bằng cách không sợ sống đạo . Các em làm gương sáng trong khi đi dự lễ sáng hôm nay . Các em làm gương sáng khi lên rước lễ . Mỗi khi các em cố vươn lên để sống đạo và tỏ cho người ta biết các em hiểu thế nào về đạo, tức là các em làm gương sáng rồi đó . Các em là người có ánh sáng chiếu qua . Các em làm chứng cho Chúa Kitô .

Không bao giờ  chúng ta hiểu được gương sáng có sức mạnh chừng nào . Rất có thể một vài công việc nhỏ mọn của chúng ta sẽ có một hiệu quả tốt  cả đến ngày tận thế . Trong tiểu sử cuộc đời của mình, chị thánh Têrêsa Hài đồng kể về dì phước Maria Thánh Thể . Chị Maria Thánh Thể muốn đốt nến cho các chị khác đi kiệu . Chị không có diêm ( hộp quẹt), thấy trước hòm xương thánh có chiếc đèn chiếu sáng, chị lại rọi . Chỉ còn lại một ngọn lửa leo lét, yếu ớt trên chiếc bấc ( tim) bốc khói . Ngọn lửa gần như sắp tắt . Nhưng chị dòng đã dùng ngọn lửa ấy thắp cây nến của chị  và rồi nến của các chị dòng khác . Cũng thế, một việc nhỏ mọn của ta có thể tiếp tục, tiếp tục lan truyền mãi . Chính vì thế, Chúa dạy chúng ta phải là ánh sáng trần gian . Phải là người ánh sáng chiếu qua .

Chúng ta phải quyết tâm làm hai việc sáng nay . Không bao giờ làm gương xấu và luôn luôn treo gương tốt . Một vài em vô tâm trong vấn đề này, khi nói những chuyện không tốt, những điều tục tĩu . Các em hãy quyết định không bao giờ nói những điều như thế khiến cho em nào khác bắt chước . Các em có thể làm gương xấu khi đi xem chớp bóng mà những em khác thấy các em, biết rằng cha mẹ các em cho các em đi nhà thờ, đi xưng tội, mà các em đã trốn đi xem hát bóng . Những em nào có em thì phải cẩn thận đề phòng kẻo làm gương xấu cho các em của mình .  Luôn luôn làm gương sáng đó là qui tắc các em phải theo . Các em co thể làm gương ngay tại gia đình . Làm sao các em có thể hy vọng em của mình biết ngoan ngoãn vâng lời, nếu chính các em bướng bỉnh, không biết vâng lời trước ? Các em có thể làm gương sáng cho chúng, bằng cách đưa chúng vào viếng Thánh Thể khi đi học về , hoặc khi đến trường mà còn sớm . Có hàng trăm hàng ngàn cách có thể giống như ngọn đèn leo lét kia dùng để thắp tất cả mọi cây nến  trong nhà thờ . Hàng trăm hàng ngàn cách các em có thể làm chứng về Chúa Kitô được . Các em có thể là người được ánh sáng chiếu qua .

 

 

 

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

       “Nhưng Đấng bảo vệ, chính là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ phái đến vì danh Ta, sẽ dạy các con mọi sự “

 

 

Chúng ta phải luôn luôn phải có một lòng yêu mến, tôn sùng Chúa Thánh Thần . Nhiều em cho Ngài là tất nhiên . Các em ấy coi Ngài như cái gì ở ngoài được thêm vào Đức Chúa Cha và Chúa Con , dường như Ngài là một lốp xe rỗng hay chiếc lông cắm trên cái mũ thôi . Ngài quan trọng hơn nhiều chứ . Ngài ngang hàng với Đức Chúa Cha và Chúa Con .

Các chị dòng tại tu viện Vendée nước Pháp không quên rằng Đức Chúa Thánh Thần là quan trọng . Trong thời kỳ cách mạng Pháp, nhiều linh mục và bà dòng bị giết chết . Toàn thể tu viện các chị dòng ở Vendée bị kết án lên máy chém . Chị nào cũng hiểu lên máy chém ghê sợ chừng nào , nhưng không một chị nào tỏ ra sợ sệt chút gì hết . Trái lại, đứng sát vào nhau, các chị cất tiếng hát bài thực du dương . Đứng trước cái chết, các chị vẫn ca hát, và bài hát các chị hát là bài thánh ca “ Xin Chúa Thánh Thần ngự đến “ . Đối với các chị dòng này thì Chúa Thánh Thần là một ngôi vị thực sự, một đấng an ủi dịu hiền, chứ không phải một tư tưởng viển vông .

Chúng ta hãy nhìn qua công việc của Chúa Thánh Thần mà biết ơn Ngài . Ngài được ví như ngón tay phải của Thiên Chúa . Khi đứa trẻ lớn lên, ánh sáng trí khôn bắt đầu soi sáng và nó bắt đầu học nói . Chúa Thánh Thần có mặt tại đó , thực hiện lời hứa dạy những em nhỏ biết nói và biết hiểu . Mặt trời mọc và lặn, mưa thuận, gió hòa thấm nhuần mặt đất khô cằn, mùa này kế tiếp mùa khác . Ngón tay Thiên Chúa vẫn có mặt tại đó . Chúng ta có thể cảm tạ Ngài vì đức khiết trinh của Mẹ Maria . Chúng ta cảm tạ Ngài vì lòng khiêm nhường thẳm sâu của Chúa Kitô . Chúng ta cảm tạ Ngài vì Thánh lễ Misa . Chúng ta cảm tạ Ngài đã gìn giữ Giáo hội khỏi muôn ngàn nguy hiểm .

Các em có đang thầm nghĩ rằng :” Ngài đã làm những việc ấy cho hết mọi người, nhưng Ngài đã làm gì cho tôi “ không ? Các em có thể nhớ lại khi các em phân vân, lưỡng lự, không biết quyết định ra sao . Các em phải phiền muộn vì phải lựa chọn : phạm tội hay không phạm tội, đi lễ hay tiếp tục nằm ngủ , bỏ hay đọc kinh sáng tối  . Trong khi các em tự hỏi phải làm gì, thì một tiếng thầm tận đáy lòng các em vang lên và các em làm điều phải . Tiếng thầm ấy chính là tiếng Chúa Thánh Thần .

Một bài học chúng ta phải học trong tuần này là mỗi em tập cho quen cầu nguyện với Chúa Thánh Thần trước và sau khi học bài , làm bài . Đức Chúa Thánh Thần ngang hàng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con . Các Ngài là ba ngôi bằng nhau, trong một Thiên Chúa duy nhất . Chúng ta phải để Đức Chúa Thánh Thần trở thành một phần trong đời sống chúng ta như Đức Chúa Cha  và Đức Chúa Con . Chúng ta phải để Ngài tham dự vào đời sống chúng ta như các chị dòng tại Vendée, hát bài thánh ca khi đi trên đường tới chỗ chết .

“ Xin Chúa Thánh Thần ngự đến, và từ Trời gửi đến một tia ánh sáng Người .- Nguyện xin Cha kẻ khó khăn hãy đến, hãy đến lạy Đấng ban phát muôn ơn, hãy đến, lạy Đấng soi sáng tâm hồn “.

Bị chú : Có thể dùng hình ảnh so sánh Chúa Thánh Thần với nước, với lửa . Nước cần thiết cho đời sống nhân loại, cho cây cối xanh tươi : nước tẩy rửa; nhưng cũng phá hoại ghê gớm .

Lửa soi chiếu, sưởi ấm, làm vui, thanh tẩy, uốn mềm nhưng cũng phá hoại kinh khủng - Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha .  


                           CHỦ NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

                             “ Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “

         Sáng nay chúng ta sẽ cùng nhau nhìn ngắm thánh Barbara, một vị thánh có lòng sùng kính Chúa ba Ngôi cách đặc biệt .

        Thánh Barbara sống vào thế kỷ thứ ba , thời kỳ mà theo đạo tức là ngầm hiểu là bằng lòng tử đạo . Mặc dù thế, bà thánh này đã giữ vững đức tin, để nhiều giờ ăn chay cầu nguyện . Cha của bà tên là Dioscorus, là một người ngoại đạo .Trước khi đi chu du, ông phác họa một đồ án để xây nhà mới . Trong phòng Barbara, theo đồ án thì có hai cửa sổ, nhưng vì Barbara có lòng tôn sùng Chúa Ba Ngôi cả trong việc xây nhà, bà nghĩ vì Chúa có ba Ngôi nên tốt hơn phòng bà có ba cửa sổ .

       Khi chu du trở về, Cha bà thấy có sự thay đổi trong việc xây cất không đúng như đồ án của ông, ông đoán có lý do gì đây . Thánh Barbara thú nhận rằng bà đã theo đạo từ lâu . Cha bà bực tức . Ông không muốn bị vua ngoại đạo làm lôi thôi, nên ông đã đem con đi xử . BÀ bị kết án chém đầu . Để tự cứu lấy mạng mình và để chứng tỏ cho vua thấy mình trung thành với vua dường nào, chính ông Dioscorus mang bản án đi . Thiên Chúa thịnh nộ vì hành động bất nhân ấy  đã cho sét đánh chết Dioscorus tức thì . Ngày nay, trên những bức ảnh thánh Barbara, các em còn thấy bà cầm cành lá thắng trận tử đạo và ba cửa sổ ở phía sau bà, có ánh sáng mặt trời chiếu qua chói lọi .

        Chủ nhật lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta phải nhớ Chúa Ba Ngôi đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời chúng ta dường nào . Chúng ta đã được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần . Tội lỗi chúng ta được tha thứ nhân danh Chúa Ba Ngôi . Cha mẹ chúng ta kết hôn do sự chúc phúc của Chúa Ba Ngôi . Chúa Ba Ngôi hiện diện trong hình bánh khi chúng ta rước lễ , vì ở đâu có Chúa Con, thì ở đấy cũng có Chúa Thánh Thần .  Chúng ta đón nhận Ngài vào linh hồn khi chúng ta chịu phép Thêm sức . Một tân linh mục ban phép lành đầu tay cũng nhân danh Chúa Ba Ngôi . Trên giường chết, vị linh mục sẽ phó linh hồn chúng ta cho Chúa Ba Ngôi  . Suốt từ khi chúng ta sống cho đến hơi thở cuối cùng, Chúa Ba Ngôi vẫn luôn luôn có mặt, tham dự vào cuộc đời ta .

          Bài học trong tuần này , là chúng ta cố gắng làm dấu thánh giá thật đàng hoàng, tử tế . Hãy làm cẩn thận , vừa làm vừa suy nghĩ về ý nghĩa dấu thánh giá , chứ không làm như đuổi ruồi .  Hãy làm thong thả và cẩn thận như thế này  : “ Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “ Amen .

 

                         CHÚA NHẬT 2 SAU HIỆN XUỐNG

                              “ Và mọi người đều kiếu, không nhận lời mời “.   

         Ở đời này, chúng ta đều gặp khó khăn . Có người biết xử trí, có người không . Tất cả những ai đã thành công đều có thể trả lời cho các em về vấn đề này . “ Gặp khó đừng lùi - cứ dấn bước đi “. Đúng thế, đó là phương sách duy nhất . Nếu các em tự nhủ :” Ngày mai, hay tuần tới sẽ đủ thời giớ “, hoặc nếu các em nói :” Không cần làm gì cả, cứ thủng thẳng rồi tính “ hoặc  nếu các em bảo :” Mình sẽ làm việc gì khác thay “. thì các em sẽ thấy mình chẳng đi đến đâu cả . Các em không tập chơi vĩ cầm đang khi muốn đá banh thạo . Các em ra ngay sân cỏ và đá . Đó là phương pháp duy nhất .

        Đây là một câu chuyện chứng minh một em bé gặp khó khăn đã tiến bước và thắng vượt thế nào . Em này ban đêm thường mơ ma đè . Đêm nào em ấy cũng mơ có một con hổ nhào tới khi em vừa thiu ngủ . Thế rồi em ấy hét lên và thức luôn đến sáng, không ngủ được nữa . Em ấy ngày càng xanh xao gầy còm , đến nỗi cha mẹ đâm lo , đi mời bác sĩ . Bác sĩ bế em vào lòng và nói :” Em đừng có sợ con hổ ấy . Tôi biết con hổ đó quá rồi . Ngày trước nó sống trong rừng với hổ bạn rất sung sướng, vui vẻ . Thế rồi có một người đến săn và bắn chết hổ bạn của nó  . Từ ngày ấy,  con hổ đi lang thang trong rừng một mình . Những con vật khác sợ nó và nó sợ người ta . Đôi khi nó chạy ra ven rừng, nhưng khi thấy bóng người là nó lại chạy vào rừng . Thế rồi một hôm nó thấy em chơi banh . Em không có vẻ dữ như những người khác . Nó muốn làm bạn với em, nên nó chồm tới để gặp em . Nhưng em chạy mất, mặt tái mét vì sợ hãi . Con hổ vẫn cô độc . Tối nay , hễ nó đến gặp em thì em cứ nói với nó thế này : “ Chào anh, tôi không biết anh muốn làm bạn với tôi “. Rồi ném trái banh đi , con hổ sẽ đi tìm và mang về cho em . Lúc ấy em có thể xoa đầu nó, vần nó đi, vần nó lại và tha hồ nghĩ ra đủ  mọi cách chơi với nó “.

        Đêm ấy, em bé rất sốt ruột muốn đi ngủ . Em ngủ được sớm hơn mọi đêm và cha mẹ em nhìn em ngủ tự hỏi không biết cái gì đã xẩy ra . Ông bà thấy mặt em gân guốc . Những ngón tay nắm vào nhau thật chặt , Em đang chiến đấu . Rồi ông bà ta lại thấy em thoải mái và bàn tay nhỏ bé của em bắt đầu vuốt ve, đập nhè nhẹ lên cái mền . Em đã gặp con hổ và làm bạn với nó . Đó là cách duy nhất xử trí với những khó khăn . Cứ tiến bước đón những khó khăn ấy .

         Tại một tỉnh ở Âu Châu, có một tượng thánh . Thánh nhân đứng, đè bẹp dưới chân một con quạ cứ kêu hoài  :” Mai hãy làm, mai hãy làm “ . Nhưng thánh nhân đang nghe con chim phượng hoàng đậu trên vai ngài và kêu  :” Làm hôm nay đi, làm hôm nay đi “.

Các em hãy nhất định không giống như nững người trong Phúc âm sáng nay là những người kiếu liền . Các em nên cân nhắc, xử trí thế nào để giải quyết vấn đề như em bé gặp con hổ - giáp mặt liền và với một niềm tin tưởng .

 

        

 (Xin mời đọc ĐỒNG CỎ NON trong phần TÀI LIỆU )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét