Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

NHỮNG KHÓA HỌC VỀ NGƯỜI HỮU TRÁCH (1)




của cố Lm An tôn Bùi Hữu Ngạn.
(Sáng lập và giám đốc tiên khởi phong trào Hùng Tâm Dũng Chí – Giáo phận Đà Nẵng).

Đây là tài liệu do anh Phao lô Lê Quốc Dũng – Liên đoàn trưởng Hùng Dũng – 
Giáo xứ An Ngãi ghi lại.
Xin thành thật biết ơn.



NGƯỜI HỮU TRÁCH.
CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI TRƯỞNG.


            Tất cả chúng ta đã nhận lãnh sứ mệnh điều khiển, dạy dỗ, huấn luyện một nhóm trẻ em. Cho nên Người và nên Thánh.
            Sứ mệnh thật cao đẹp và hệ trọng biết bao...! Trong khi trao ban sứ mệnh đó cho ta, Thiên Chúa và cấp trên hy vọng ta sẽ đem lại cho Giáo hội và nhân loại những thiếu nhi thạo giỏi tư cách, đạo đức, thánh thiện. Những đứa trẻ có đủ tài đức để giúp ích cho đời và đạo. Những trẻ không những chỉ biết sống cho mình và còn biết sẳn sàng hy sinh phụng sự kẻ khác, để mai sau có thể trở nên những chiến sĩ nhiệt thành anh dũng của Thiên Chúa và Tổ quốc. Tương lai của Giáo hội và đất nước sẽ sáng lạng, vinh quang hay tăm tối bi đát một phần lớn là do những thiếu nhi đó...
            Vinh dự thay cho những ai đã được Thiên Chúa trao ban cho sứ mệnh cao đẹp...!
            Sứ mệnh cộng tác với Thiên Chúa và cấp trên để rèn luyện trẻ em nên Người và nên Thánh. Được cộng tác với Thiên Chúa và cấp trên... Chúng ta đã đương nhiên trở thành những nhân vật tai mắt, những người có địa vị trong xã hội loài người. Số người được tuyển chọn, số người đó có đủ tài năng và đức hạnh. Chúng ta lại được ở trong số người đó thật là vinh dự cho chúng ta biết bao!
            Những sứ mệnh đó cũng rất khó khăn và đòi hỏi nơi ta nhiều điều kiện. Muốn được như vậy, chúng ta phải chịu khó trì chí học hỏi và cần phải có đạo đức, tư cách, khả năng của một người chỉ huy. Có đủ 3 điều kiện đó, chúng ta mới có thể chu toàn sứ mệnh vừa cao đẹp và hoàn hảo.

                                                                                                                        Lm. Hoài Đức


1.     THUẬT CHỈ HUY.

Phần đông chúng ta không phải sinh ra để điều khiển, chỉ huy. Thế nên nếu muốn điều khiển, chỉ huy trẻ, ta cần phải học cách thức, phương pháp, kỷ thuật.
Trước tiên ta nên nhớ chỉ huy không cốt ở sự truyền lệnh, mà cốt ở sự làm thế nào cho cấp dưới sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của mình. Điều đó không phải dễ.
Muốn được như thế, khi ta muốn truyền dạy một mệnh lệnh nào, khi muốn bảo trẻ làm sự gì, hoặc lánh điều chi. Ta phải biết rõ điều đó trước cách rõ ràng, minh bạch như hai với hai là bốn. Vì nhiều khi ta truyền một mệnh lệnh cho trẻ mà chính ta, ta cũng không biết ta nói gì, thì làm sao trẻ có thể biết mà thi hành.
Đã biết rõ mệnh lệnh rồi, ta hãy mạnh dạn truyền cho trẻ. Hãy truyền một cách mạnh mẽ. Không nên ấp úng, ngập ngừng, do dự. Đồng thời phải tin chắc rằng trẻ phải vâng phục và thi hành.
Không bao giờ nên truyền lệnh với một kiểu nói van nài, năn nỉ, vì ta không phải kẻ đi ăn mày sự vâng lời của trẻ. Ta là nhà giáo dục, là người huynh trưởng, là bậc chỉ huy. Ta nắm quyền hành trong tay.
Ta phải liệu cách nào để khi rao truyền một mệnh lệnh, ta khỏi phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Vì như thế tỏ ra ta yếu nhược, uy quyền ta kém cỏi. Muốn khỏi lặp lại, ta hãy truyền lệnh cho trẻ có thể nghe và hiểu được.
Muốn cho trẻ nghe được phải đợi lúc chúng im lặng và trật tự rồi hãy ra lệnh. Chớ lúc chúng đang la ó, ồn ào hay lăn xăn, lộn xộn thì không thể nào chúng có thể nghe mệnh lệnh của ta. Và để trẻ hiểu được mệnh lệnh của ta, ta hãy ra lệnh, cách rõ ràng, sáng sủa bằng những lời nói đơn sơ, gọn gàng.
Cho được biết chắc trẻ em đã nghe, đã hiểu rõ lệnh. Ta hãy bắt trẻ lặp lại mệnh lệnh của ta vừa truyền. Nếu chúng lặp lại đúng, đó là chúng đã nghe và đã hiểu.
Đừng bao giờ truyền dạy trẻ làm việc gì quá sức lực và khả năng của chúng. Thí dụ bắt trẻ ngồi không mà im lặng cả giờ đồng hồ, thì chắc chắn là chúng không thể làm được.
Muốn giúp trẻ thi hành mệnh lệnh của ta, ta hãy giải thích cho chúng hiểu rõ tại sao ta bảo chúng làm việc này, điều nọ, điều kia. Hiểu rõ lý do như thế trẻ sẽ sẵn sàng vâng lệnh ta. Vì biết rằng sở dĩ chúng làm như thế là vì ích lợi cho chúng hoặc cho đoàn thể.
Ta hãy ra sức tránh những mệnh lệnh tiêu cực, và cấm đoán trẻ làm một việc gì là cớ làm cho trẻ bị cám dổ, muốn làm việc đó:
-         Thay vì nói: “Đừng ở dơ”.
Hãy nói: “Phải ăn ở sạch sẻ”.
-         Thay vì nói: “Đừng nói chuyện”.
Hãy nói: “Im lặng”.
-         Thay vì nói: “Đừng đi trể”.
Hãy nói: “Đi đúng giờ”.
            Đôi khi ta cũng nên dùng những kiểu nói hài hước, để truyền dạy mệnh lệnh như:
-         Thay vì nói: “Cấm leo trèo trên cây, tường”.
Hãy nói: “Chỉ có em nào được phép đặc biệt của tôi mới được leo lên cây và lên tường”.
-         Thay vì nói: “Cấm chạy chơi ngoài đường”.
Hãy nói: “Các em được chạy chơi, trừ ra ngoài đường, vì sợ khi chạy chơi ngoài đó, các em sẽ đụng bể xe người ta”.
            Nếu muốn hướng dẫn trẻ làm việc gì theo ý ta, ta hãy khéo léo khêu gợi những cao vọng của chúng. Hãy trình bày cho chúng thấy rõ lý tưởng cao đẹp mà chúng có thể đạt tới. Và trong khi nói điều đó với chúng, ta hãy đặt ta vào hàng với chúng, để tỏ ra chính ta, ta cũng ham muốn, ta cũng làm. Ví dụ:
-         Thay vì nói: “Các em hãy làm cái này”.
Hãy nói: “Chúng ta sẽ làm cái này”.
-         Thay vì nói: “Lúc vào nhà thờ, các em phải giữ im lặng”.
Hãy nói: “Lúc vào nhà thờ, chúng ta phải giữ im lặng”.
            Lúc muốn bảo trẻ thinh lặng.
-         Thay vì nói: “Im lặng”.
Ta hãy tập hô một tiếng gì mà sau tiếng đó là im ngay.
Thí dụ: Ta gọi “Hùng dũng”, trẻ hô: “Sẵn sàng”, rồi tất cả im lặng...
Nhiều khi thay vì còi hoặc hô những câu trên, ta hãy tập trẻ im lặng bằng một cử chỉ kín đáo. Chẳng hạn ta đặt một ngón tay lên trên môi, trẻ phải hiểu đó là dấu bảo làm thinh.
Khi nào có thể được, thì nên tập trẻ thi đua tuân hành một mệnh lệnh ta rao bảo. Thí dụ sau khi bảo trẻ khi đứng, quỳ trong nhà thờ phải làm hết sức nhẹ nhàng và nghiêm trang, ta nói với chúng: “Chiều nay khi vào nhà thờ các em quỳ phía bên nam sẽ thi đua với các em quỳ bên nữ, coi bên nào đứng quỳ nhẹ nhàng và nghiêm trang hơn hết”.
Muốn tập hợp trẻ ta nên dùng luôn một thứ mệnh lệnh, một cách thức để trẻ dễ biết, dễ nhớ, dễ làm. Chẳng hạn ta nói cho chúng biết: “Khi tập hợp các em sẽ theo cách thức sau đây: Lúc các em nghe hồi còi dài thứ nhất, đó là hồi còi báo hiệu sẽ tập hợp. Lúc đó các em chưa phải tập hợp ngay, nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng... Khi nào các em nghe hồi còi thứ hai: đó là hồi còi tập hợp, lập tức các em phải thinh lặng và chạy nhanh đến chỗ tập hợp”.
Đừng bao giờ để cho trẻ em cải lệnh ta trước mặt đám đông, vì nó sẽ làm cớ cho nhiều em khác bắt chước mà chống cưởng ta. Tuy nhiên ta cũng phải sẵn sàng nghe chúng bàn hỏi. Nhưng chỉ cho chúng bàn hỏi riêng thôi. Ta hãy tuyên bố cho chúng biết. Nếu em nào có điều chi muốn nói thì hãy đến văn phòng gặp riêng ta. Và nếu chúng đến một lượt hai, ba em, ta chỉ tiếp chuyện từng em một.
Sau hết nếu ta muốn biết có tuân hành mệnh lệnh của ta chăng, ta hãy chịu khó kiểm soát chúng. Truyền lệnh là điều rất dễ, nhưng lệnh đó có được mọi người tuân giữ hay không là do sự kiểm soát chặt chẻ của ta. Cha Gaston Courtois quả quyết: “Một mệnh lệnh đã ban truyền mà không kiểm soát cấp dưới có thi hành không thì lệnh đó sẽ ra vô ích”.
Khi thấy những em nào không thi hành đúng mệnh lệnh, ta hãy cảnh cáo ngay và giúp em đó làm lại cho đúng. Ta không nên làm ngơ trong việc này. Vì ta có nhiệm vụ phải bảo vệ quyền lợi chung.
Muốn kiểm soát cho công hiệu, chính ta phải làm việc đó, chớ đừng nhờ ai khác. Cùng cực lắm mới nhờ người trung gian thay thế. Nhưng không bao giờ nên dùng chính những trẻ có nhiệm vụ phải thi hành mệnh lệnh của ta mà kiểm soát.
Đó là tất cả những điều kiện cần thiết để giúp cho ta thành công trong công trình chỉ huy. Thiếu những điều kiện trên chúng ta sẽ thất bại. Nhưng muốn tạo những điều kiện đó không phải một sớm một chiều mà trong nhiều tháng, nhiều năm trong đời ta. Ta phải chịu khó xem xét, suy nghĩ, học hỏi, đọc sách báo và tiếp chuyện với những người giàu kinh nghiệm.
Ngoài ra ta cần phải học tập các nghệ thuật khác để hướng dẫn, giáo huấn các em đạt được kết quả mỹ mãn. Các nghệ thuật khác như là:
-         Thuật dạy cầu nguyện.
-         Thuật dạy giáo lý.
-         Thuật kể chuyện.
-         Thuật nói với trẻ.
-         Thuật hô khẩu hiệu.
-         Thuật tổ chức trò chơi.
-         Thuật tập ca vũ.
-         Thuật diễn kịch và đốt lửa.
-         Thuật tổ chức.
-         Thuật quở phạt.
-         Thuật khen thưởng.
-         Thuật cắm trại.



2.     THUẬT DẠY CẦU NGUYỆN.

Sứ mệnh của ta là dẫn dắt các em đến cùng Chúa Giêsu, là tập trung chúng sống gần gủi và thân mật với Chúa. Bao lâu trẻ còn sống xa Chúa, bao lâu chúng còn coi Chúa như một người xa lạ hay một ý tưởng mơ hồ là ta chưa chu toàn sứ mệnh của ta.
Ta phải làm thế nào cho trẻ coi Chúa Giêsu như một người bạn thân ái... là Đấng rõ biết chúng, là Đấng thương yêu chúng từng em một và là Đấng mà chúng có thể hầu chuyện được cách thân mật.
Đối với trẻ không nên định nghĩa cầu nguyện cách cao kỳ khó hiểu, mà hãy dùng những kiểu nói đơn sơ, giản dị, thích hợp với tầm hiểu biết của chúng. Theo kinh nghiệm định nghĩa sau đây được trẻ dễ hiểu và thích nhất: Cầu nguyện là hầu chuyện với Chúa.
Trước khi cho trẻ cầu nguyện, ta hãy để ý đến cử điệu bên ngoài của chúng. Hãy đặt chúng ở trước mặt Chúa. Thí dụ ta nói: Các em chú ý chúng ta sẽ hầu chuyện với Chúa. Chúng ta hãy khoanh tay lại, nhìn xem Chúa trên bàn thờ ở trong Nhà Tạm.
Sau khi thấy các trẻ đã khoanh tay nghiêm chỉnh và nhìn lên bàn thờ rồi ta mới bắt đầu cho trẻ cầu nguyện. Nếu muốn cho chúng đọc Kinh chung lớn tiếng ta đừng để cho chúng rống cổ la ó. Cũng đừng cho chúng đọc nhanh quá hay chậm lại, và sau mỗi câu nên bảo chúng nghỉ một chút.
Đừng bao giờ cho trẻ đọc một kinh nào mà ta chưa cắt nghĩa cho chúng trước. Cũng không nên bắt chúng đọc dài quá vì chúng không thể cầm trí lâu được. Chúng sẽ lo ra và nhàm chán sự đọc kinh cầu nguyện.
Cách hay nhất để giúp chúng cầu nguyện chung và bảo chúng lặp lại lớn tiếng những câu kinh vừa đơn sơ vắn tắt. Chẳng hạn như những câu dưới đây:
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa.
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin kính Chúa.
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin thật Chúa đang ở trong Nhà Tạm.
-         Lạy Chúa Giêsu, chúng con thương mến Chúa hết lòng.
Ngoài ra việc cầu nguyện chung, ta cũng nên tập cầu nguyện riêng, tập chúng một mình thỏ thẻ với Chúa. Ta hãy bảo chúng: Em hãy nhắm mắt lại, hãy nhớ Chúa ở trước mặt các em. Hãy thầm thì kêu xin Chúa, xin cho bản thân con, cho cha mẹ, bà con, bạn bè thân thuộc, cho Giáo xứ, cho Giáo hội…

3.     THUẬT DẠY GIÁO LÝ.

Thông thạo giáo lý chưa đủ để dạy giáo lý mà còn phải biết cách dạy nữa.
Trẻ em thích tranh vẽ, chuyện kể, những cái xem thấy, sờ mó, nếm ngửi được. Cái gì có qua tai mắt, tưởng tượng thì mới lọt vào tâm trí chúng được. Đáp lại đòi hỏi các em, người dạy giáo lý phải chịu khó tìm những thí dụ cụ thể trong Phúc Âm, trong đời so61nh hàng ngày chung quanh ta. Dạy về Chúa trời đất chúng ta hãy bắt chước những bài trong Cựu Ước mà làm cho các em chú ý vào cảnh vật, cỏ cây, cầm thú. Những sự việc xảy ra trong đời sống gia đình. Ta có thể mượn nhiều hình ảnh và thí dụ trong Thánh Kinh.
Mọi điều Giáo hội thay mặt Chúa mà giảng dạy cho ta điều cốt để ta kính thờ, tin cậy và yêu mến Chúa. Trẻ học giáo lý tốt nhất không phải em nào nhớ nhiều nhất mà là em nào hiểu nhận lấy lời Chúa vào tận đáy lòng và ngày thêm sốt sắng và ngoan ngoản vâng lời biết làm điều lành, lánh điều xấu.
Dạy cho các em hiểu và thực hành. Đức tin không có việc làm là đức tin chết.
Theo gương Chúa Giêsu, người dạy giáo lý phải bắt tâm trí trẻ em làm việc. Thí dụ nói đến cái gì ta đừng báo ngay cho trẻ biết, nhưng bắt đầu hãy đặt những câu hỏi làm cho chúng đoán ra, ta hãy để cho trẻ kết luận lấy.
Giáo lý có hiệu quả, khi nào các em học hiểu nhận Lời Chúa vào lòng mà đem ra thực hành.

4.     THUẬT KỂ CHUYỆN.

Trong việc huấn luyện trẻ, thuật kể chuyện đóng một vai trò quan trọng. Nó làm cho trẻ vui thích nghe lời ta dạy bảo. Nó giúp trẻ thêm hiểu biết và nhất là nó làm phương thế giáo dục rất hiệu nghiệm.
      Những mẫu chuyện hay và có tính cách luân lý không những sẽ đào luyện được óc tưởng tượng và lương tâm trẻ mà nó còn giúp chúng tập rèn nhiều đức tính và làm bao nhiêu việc tốt khác.
      Nhưng muốn thu hoạch được kết quả tốt đẹp như thế, ta phải chọn lựa kỹ lưỡng các mẫu chuyện và phải biết cách kể các truyện đó cho hấp dẫn, vui vẻ sống động.
      Về việc chọn lựa ta nên chú ý đến tính cách hấp dẫn, sống đọng, tâm tình và nhất là luân lý. Ta hãy chọn những mẫu chuyện tuy đơn sơ, nhưng có hể làm cho trẻ ham mê, có thể gợi lên những tâm tình tốt, có thể hướng trẻ đến những việc làm tốt.
      Ta biết những mẫu chuyện như thế không phải dễ kiếm mặc dầu có vô số chuyện. Nào là những giai thoại, những truyện vui cười, những truyện cổ tích, những truyện hoang đường, những truyện lịch sử. Nhưng nếu ta không thể tìm ra được một câu chuyện vừa hay vừa bổ ích để thuật cho các em, thì tốt hơn ta đừng kể. Ta chớ lấy cớ rằng các em thích nghe truyện rồi gặp truyện nào cũng kể cho chúng nghe. Làm như thế nhiều khi không có ích mà còn gây thêm tai hại cho chúng.
      Ta tránh tình trạng kể chuyện mà các em ngồi ngáp ruồi, câu chuyện lạc như bã mía, dài như dây thừng. Truyện phải bổ ích, ngắn gọn và phù hợp với đời sống của chúng.
      Trước khi kể chuyện ta phả rành câu chuyện đó nghĩa là ta phải biết kết cấu đầu duôi câu chuyện.
      Lời nói đơn sơ, giản dị vừa tầm hiểu của trẻ. Tâm tình chỗ buồn, chỗ vui, chỗ giận, chỗ hăng hái, chỗ can đảm ta phải diễn tả điệu bộ.
      Ta thuật chuyện luôn đứng trước mặt các em và nhìn thấy hết các em để xem xét phản ứng của chúng và để chúng thấy nghe ta rõ ràng.
      Kế thúc câu chuyện bằng một việc làm, một gương sáng cụ thể cho đời sống hàng ngày của chúng.

5.     THUẬT NÓI VỚI TRẺ.

Nói cho trẻ hiểu dễ dàng nhanh chóng, là việc rất khó. Nó đòi hỏi ta phải chịu khó tập luyện và để ý đến từng câu, từng tiếng.
Dưới đây là những điểm chính mà ta cần phải chú ý trong khi nói với trẻ.
-         Trẻ rất nghèo nàn ngữ vựng nên khi nói với chúng, ta chỉ nên dùng những tiếng thông thường dễ hiểu.
-         Trẻ không những chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng mắt nữa. Ta phải nói cách sống động, nghĩa là luôn luôn đổi giọng (lúc ta lúc nhỏ, lúc bổng lúc trầm) và nói cả bằng gương mặt của ta, vui buồn, bằng bộ điệu của ta.
-         Trẻ không thể hiểu những gì trừu tượng mỗi khi nói lên một ý tưởng. Ta hãy tìn thí dụ cụ thể để giải thích ý tưởng đó. Tốt nhất nên lấy những thí dụ trong đời sống hàng ngày của chúng trong lịch sử, Giáo hội, trong sách Thánh.
-         Trẻ chỉ hiểu được nghĩa đen của từ ngữ, chứ không hiểu được nghĩa bóng của nó. Nên khi nói với chúng ta không nói úp mở, nói mập mờ, nói vòng vo, ta nói thẳng, nói rõ ràng mạch lạc.
Muốn cho trẻ dễ nhớ và nhớ dai các điều ta dạy bảo, thỉnh thoảng ta nên ngưng nói và bắt chúng lặp lại một vài câu tóm tắt ý nghĩa của những điều ta nói.
Trẻ không thể ngồi yên lâu giờ nên trong một buổi họp, thỉnh thoảng ta nên cho chúng cử động một chút (cho hát, chơi trò chơi) rồi tiếp tục.

6.     THUẬT HÔ KHẨU HIỆU.

Hô khẩu hiệu tức là tập trung một ý lực để đánh thật mạnh vào tâm não hoặc để kích động trực giác của quần chúng cũng như của đoàn thể.
a.      Khẩu hiệu có tính cách gây tinh thần của đoàn thể.
-         Đề cao lý tưởng: Hùng dũng - Sẵn sàng.
-         Lấy tinh thần: Đường xa - quyết tiến.
b.      Khẩu hiệu có tính cách tri ân.
-         Làm vui nhộn.
-         Chào.
-         Cám ơn
c.      Khẩu hiệu có chủ đích đòi hỏi một cách thân ái.
-         Người hữu trách đoàn thể hô: “Khô cổ”.
-         Cả đoàn hô: “Nước chanh…nước mía”.
d.      Khẩu hiệu có tính cách tán dương tức là hoan hô, hoan nghênh.
Nguyên tắc chung:
a.      Trước khi hô khẩu hiệu: người hữu trách phải báo rõ cho đoàn thể hô lại tiếng nào.
b.      Tất cả phải hô lại cho mạnh dạn rập.
c.      Thường mỗi khẩu hiệu được hô lại 3 lần.
d.      Câu hô đừng dài quá, nó sẽ trở nên yếu ớt.

                                                           (còn tiếp)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét