2 -
BỊ BỎNG (PHỎNG)
Bỏng do nhiều nguyên nhân: do nhiệt (bàn là nóng,
bô xe máy, cháy nổ bình ga, hỏa hoạn, nước sôi, hơi nước nóng, ....) , do điện, do hóa chất
sinh hoạt, do bức xạ...
Khi bị bỏng, cần quan sát thật kỹ và tùy theo
nguyên nhân mà xử trí. Nên lưu ý trong những trường hợp phức tạp, phải bình
tĩnh xem xét một cách tổng quát để giúp đỡ nạn nhân tốt nhất và tránh việc mình
trở thành nạn nhân.
Đảm bảo hiện trường an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân,
đặc biệt khi nguyên nhân bỏng là do hóa chất, phóng xạ, cháy nổ...
Sau đó tiến hành sơ cứu theo thứ tự ưu tiên.
Nếu nạn nhân có vấn đề về đường thở, chấn thương cột sống, chảy máu cần phải
tiến hành xử trí trước. Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần nhanh chóng uống bù
nước.
Xử trí vết thương nhanh chóng, nhẹ nhàng
tránh đau cho nạn nhân. Cách xử trí bỏng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Bỏng điện cũng vô cùng nguy hiểm, khi phát hiện phải dùng vật cách điện (bao tay, que, gậy khô) ngắt điện ngay, bị bỏng điện nhìn bên ngoài có thể là rất nhẹ nhưng nguy cơ thương tổn lại rất cao có thể ăn sâu bên trong lớp biểu bì và ảnh hưởng đến nhịp tim, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Những trường hợp bỏng do hóa chất,
vôi... thì ngay lập tức cởi bỏ quần áo, đồ trang sức dính những chất này, dùng
bàn chải hay chổi lông chà nhẹ cho hết sau đó xả nước lạnh, rồi bọc vùng bị
bỏng bằng vải khô nhưng tránh không buộc chặt.
Nếu bị bỏng ở mắt do bắn hóa
chất thì phải rửa mắt ngay, ngâm mắt trong nước khoảng 20 phút cho sạch hóa
chất, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa đi cấp cứu.
Bỏng do nhiệt là loại hay gặp nhất,
chiếm từ 60 đến 75% các loại bỏng, nguyên nhân do lửa, nước sôi, tiếp xúc
vật nóng.
Công tác sơ cứu cần tiến hành tuần tự các bước dưới đây:
Bước 1: Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng càng sớm
càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn
nhân khỏi vật nóng...
Bước 2: Việc sử dụng nước sạch để làm mát
vùng bỏng chỉ có giá trị trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị bỏng nên cần nhanh
chóng ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát. Đây là biện pháp đơn giản nhưng
khá quan trọng trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu. Nếu không thể ngâm cơ thể vào
nước mát, có thể dùng cách dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng,
tiến hành khoảng 15 đến 20 phút. Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ
thể.
Nếu da bị phồng rộp, chúng ta không nên làm vỡ bọng nước, vì có thể gây nhiểm trùng. Nếu chỗ phồng đã bị rách, chúng ta nên băng vết thương lại.
Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều
trị.
Lưu ý:
Da có xu hướng giữ nhiệt làm cho
vết thương trở nên nặng nề hơn. Do đó nguyên tắc quan trọng trong xử trí
bỏng là làm mát ngay vùng da bị bỏng.
Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào
vết bỏng, không làm tổn thương các nốt phỏng vì có nguy cơ gây nhiễm trùng về
sau, không bôi kem hoặc chất nhờn lên chỗ bỏng. Nếu bỏng mắt, không được dụi
mắt. Không cần cố gắng lấy dị vật ra khỏi chỗ bỏng.
Theo Viện Bỏng Quốc Gia
Bỏng được chia làm 3 cấp độ:
Cấp độ 1: Vùng da đỏ, đau rát giống như bị cháy nắng, một vài hôm sẽ khỏi không để lại vết sẹo.
Cấp độ 2: Cao hơn, xuất hiện những nốt phỏng như bong bóng nước, bên trong mọng nước, ở cấp độ này lại chia làm 2 mức:
- Mức 1: Là bỏng với diện tích nhỏ (một phần da) chỉ là những bong bóng nước nếu điều trị đúng cách sẽ không bị nhiễm trùng và không để lại sẹo, nếu bỏng ở mức này bị ở vùng mặt, háng, mông, nơi da gấp thì tốt nhất nên nhờ sự can thiệp của bác sĩ.
- Mức 2: Cũng có thể coi là bỏng nặng, dễ có biến chứng như: bệnh nhân bị choáng, nhiễm trùng máu và uốn ván, nếu nhiễm trùng kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược toàn thân, để lại những biến chứng về hình dạng như: sẹo xấu, sẹo co rút làm biến dạng.
Cấp độ 3: Nguy hiểm hơn, vết bỏng ngấm sâu vào trong, qua lớp da lan đến lớp cơ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó, nhất thiết phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa để cấp cứu kịp thời.
Mức độ tổn thương của bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào việc xử lý ban đầu, nếu xử lý sớm và đúng cách sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho người bệnh.
Nếu phỏng nhẹ, ở cấp độ 1 , chỉ cần bôi một lớp vaseline và đắp một miếng gạc là đủ, ở cấp độ 2 và 3 , sau khi sơ cứu , nên chuyển cấp tốc đến cơ sở y tế .
Những sai lầm khi sơ cứu bỏng
Khi bị bỏng, việc sơ cứu là rất cần thiết. Nhiều trường hợp do xử lý sai nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Chúng tôi xin giới thiệu một vài sai lầm người bị bỏng thường làm.
Dùng kem đánh răng
Nhiều người khi bị bỏng bôi kem đánh răng lên vết thương. Họ quan niệm kem đánh răng sẽ làm dịu vết thương. Song, thực chất kem đánh răng có chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vết bỏng sẽ làm tăng đau đớn.
Trong trường hợp bỏng axít, người ta dùng kem đánh răng để rửa và trung hoà axít còn dư lại. Khi bị bỏng axít, bạn phải hoà loãng nồng độ axít còn lại trên da bằng cách ngâm ngay vào nước lạnh. Sau đó, trung hoà axít còn dư trên da bằng xà phòng hoặc kem đánh răng, bằng cách xoa nhẹ xà phòng hoặc kem đánh răng cho sủi bọt và ngấm sâu vào da rồi rửa sạch.
Đối với bỏng nước sôi, lửa, không được dùng những chất này vì nó chỉ làm tăng thêm sự đau đớn. Không nên dùng xà phòng, kem đánh răng như một thứ thuốc.
Dùng mỡ trăn hoặc dầu cá
Nhiều lọ mỡ trăn không được tiệt trùng nên hầu hết bị ôi thiu do nhiễm vi sinh vật. Do đó, vết bỏng bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Còn dầu cá có mùi tanh, khi bôi lên sẽ bị hôi tanh và gọi ruồi đến.
Thực ra mỡ trăn và dầu cá đều có thể chữa bỏng nhưng phải dùng đúng lúc. Chất Vitamin A trong dầu cá và mỡ trăn có tác dụng kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô. Vì vậy, người ta thường sử dụng kết hợp với các thuốc khác tạo thành hợp chất có tác dụng như mỡ, kem.
Thuốc chỉ định cho những trường hợp bị bỏng sâu, dùng vào tuần lễ thứ ba sau khi bỏng. Không dùng mỡ trăn và dầu cá vào việc sơ cứu.
Bôi lòng đỏ trứng gà
Lòng đỏ trứng gà là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển. Khi bôi lòng đỏ trứng, vết bỏng rất nhanh bị nhiễm khuẩn, có thể chuyển thành nhiễm nặng và nguy hiểm.
Một số nơi còn dùng các biện pháp sơ cứu lạc hậu, nguy hiểm như bôi nước mắm, bôi tương, nước tiểu, vắt nước củ chuối, củ ráy lên vết thương.
( theo Viện Bỏng Quốc Gia và các trang suckhoe trên internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét