Màu xanh lá cây: màu của niềm hy vọng và của sự sống, được dùng trong các thánh lễ trong Mùa Thường Niên hoặc Quanh Năm. Khi thấy vị linh mục tiến lên bàn thờ trong phẩm phục màu xanh, điều đó cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những người có niềm hy vọng lớn lao, là đoàn lữ hành đang được Chúa Kitô dẫn đến những cánh đồng xanh tươi của miền đất hứa.
Màu đỏ: màu máu và lửa, được dùng trong ngày Chúa Nhật Thương Khó (Lễ Lá), thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trong các cử hành cuộc thương khó của Chúa, trong lễ kính Các Thánh Tông Đồ, các thánh sử Tin Mừng và trong các lễ kính các Thánh Tử Đạo.
Màu tím: màu của sự ăn năn, thống hối và của sự mong đợi, được dùng trong Mùa Chay và Mùa Vọng. Người ta cũng dùng màu tím trong thánh lễ và các nghi thức phụng vụ cầu cho những kẻ qua đời (trước Công Lồng Vaticanô II, dùng màu đen).
Màu trắng (có thể được thay thế bằng màu vàng): màu của sự trong sạch, tinh tuyền, nhất là vinh quang của Thiên Chúa, được dành cho các nghi thức phụng vụ và các thánh lễ mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh.Màu trắng cũng được dùng trong các thánh lễ kính, lễ nhớ, các lễ kính Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh không phải là Thánh Tử Đạo. Màu trắng còn diễn đạt sự Phục Sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chúng ta sau này (nơi bàn tiệc thiên quốc những người được tuyển chọn đều mặt y phục trắng toát.
Màu hồng: được sử dụng hai lần trong năm (Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay) để mời gọi tín hữu hưởng niềm vui thầm kín và an lành trong niềm trông đợi Đấng Cứu Tinh hoặc trong sự chuẩn bị đón mừng Chúa Kitô phục sinh. Tại Việt Nam, màu hồng được thường dùng trong thánh lễ hôn phối, trong bầu khí vui tươi, để diễn đạt tình yêu nam nữ, là hình ảnh của tình yêu Chúa Kitô với Giáo Hội Người.
Trong Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM, bản Việt ngữ do linh mục P.X. Nguyễn Chí Cần, GP Nha Trang, dịch) và trong Huấn thị Bí tích Cứu độ (Redemptionis Sacramentum, bản Việt ngữ của Hội đồng Giám mục Việt Nam).
“Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma” nói:
........
Số 346. Về màu sắc của phẩm phục thánh, nên giữ thói quen truyền thống sau đây:
a. Màu trắng được dùng trong Thần vụ và Thánh Lễ mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh, trong các lễ kính Chúa, ngoại trừ cuộc Thương Khó của Người, các lễ kính Ðức Trinh Nữ Maria, các Thiên Thần, các Thánh không tử đạo, lễ trọng kính Các Thánh (1-11), kính Gioan Tẩy Giả (24-6), các lễ kính thánh Gioan Thánh sử (27-12), Ngai Toà Phêrô (22-2), thánh Phaolô trở lại (25-1).
b. Màu đỏ được dùng trong Chủ Nhật Thương Khó và thứ Sáu Tuần Thánh, Chủ Nhật Hiện Xuống, các cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, lễ các Tông Ðồ và Thánh Sử, và lễ các Thánh Tử Ðạo.
c. Màu xanh dùng trong Thần vụ và Thánh Lễ mùa "Thường Niên".
d. Màu tím dùng trong mùa Vọng và mùa Chay. Có thể dùng trong các nghi thức phụng vụ và Thánh Lễ cầu cho người qua đời.
e. Màu đen có thể dùng trong lễ cầu cho người qua đời, ở đâu có thói quen này.
f. Màu hồng có thể dùng trong Chủ Nhật Gaudéte (Chủ nhật III Mùa Vọng) và Laetare (Chủ nhật IV Mùa Chay), ở đâu có thói quen này.
g.Vào các ngày lễ trọng hơn, nghĩa là quý báu hơn, áo lễ có thể được sử dụng theo màu không đúng màu của ngày hôm đó.
h. Áo lễ màu vàng quý hoặc màu bạc có thể được sử dụng vào các dịp lễ long trọng ở các giáo phận của Mỹ”.
“Số 347. Trong các lễ nghi thức, dùng màu riêng của lễ, hay màu trắng hay màu lễ hội; còn các lễ tùy nhu cầu thì dùng màu của ngày hôm đó hay màu của mùa hay màu tím, nếu có tính cách thống hối (x. các số 31, 33, 38); các lễ tùy ý thì dùng màu thích hợp với lễ cử hành, hay màu của ngày hôm đó hoặc màu của mùa”.
Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 127, cung cấp một giải thích chính thức cho số 346g trong Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma:
“Số 127. Trong các sách phụng vụ, có một năng quyền đặc biệt được ban để, trong những ngày thật trọng thể, sử dụng các phục phụng vụ dành cho các ngày lễ và đặc biệt đẹp, dù chúng không đúng màu sắc của ngày lễ hôm đó. Tuy nhiên, quyền này, liên quan một cách đặc thù đến các lễ phục phụng vụ rất cổ xưa, nhằm bảo toàn di sản của Giáo Hội, lại bị nới rộng một cách quá đáng đến những đổi mới; do đó, bỏ qua cách làm truyền thống, người ta chấp nhận những hình dáng và màu sắc, căn cứ trên những tiêu chuẩn chủ quan, và như thế là làm yếu đi ý nghĩa của một quy tắc, hại cho truyền thống. Những ngày lễ, các phẩm phục thánh màu vàng hay bạc có thể thay thế, tuỳ lúc, các màu sắc phụng vụ khác nhau, trừ ra màu tím và màu đen”. (Zenit.org 3-7-2012)
Góp ý riêng của VietCatholic về Mầu Vàng áo lễ tại Việt Nam:
Hiện nay tại Việt Nam khi có thánh lễ đồng tế thấy có nhiều linh mục mặc áo vàng chói, (giống y như mầu vàng của các nhà sư sãi). Nếu đề ý quan sát thì Mầu vàng này chưa hế thấy linh mục nào thuộc các quốc gia trên thế giới sử dụng. Tại Roma cũng như nhiều quốc gia khác, khi sử dụng mầu vàng cho phẩm phục đồng tế thì thường mầu vàng có nét thanh tao, hầu như là mầu có chút vàng nhạt trắng chứ không phài mầu vàng lèo loẹt, trông rất lạ mắt và chóe!
Xin được góp ý và đề nghị Ban Phụng Vụ thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nghiên cứu kỹ và sâu rộng về việc sử dụng mầu vàng này trong lễ nghi Phụng Vụ.
Xin so sánh hình ảnh dưới đây:
Nguyễn Trọng Đa
(Nguồn : vietcatholic.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét